Đặc biệt ở tỉnh Bắc Ninh miền Trung
du Bắc Việt có loại dân ca trữ tình gọi là "Hát quan họ".
Đất Bắc Ninh xưa gọi là đạo Bắc Giang, rồi đổi ra trấn Kinh Bắc, một
miền phong phú về mặt dân
ca, cũng là một vùng nổi tiếng về phong quang cẩm tú, về điền địa phì
nhiêu, về sắc đẹp duyên dáng
và tình tứ của phụ nữ, về thông minh hay chữ và thành đạt của danh thần,
văn sĩ.
Cũng như hầu hết các loại dân ca trữ tình ở Việt Nam, hát Quan họ vay
mượn nhiều ở phong dao.
Hầu hết các bài Quan họ đều theo thể lục bát hay lục bát biến thể. Đó là
những bài tình ca do nam nữ
thanh niên Bắc Ninh hát lên để ca tụng tình yêu, nói lên những oán
trách, hờn ghen và giận tủi về
yêu đương hoặc biểu lộ những tâm tình sôi sục về yêu đương.
Tính chất trữ tình của các điệu hát ấy có thể chia thành nhiều loại.
Loại bài có tính chất nhẹ nhàng,
chân thật vui tươi, cởi mở, hoạt bát, thoải mái. Có loại bài có tính
chất bày tỏ, tin tưởng, lạc quan,
yêu đời, trìu mến. Có loại bài tình tứ, duyên dáng, thắm thiết, say sưa.
Có loại mang tính chất vui
tươi nửa trào phúng, nửa tình tứ một cách ý nhị. Có loại đượm nỗi nhớ
nhung, trách móc. Trong các
bài Quan họ, nhiều nhứt là những bài để tỏ tình. Rất ít bài nói lên sự
thất tình. Nhưng trong sự tỏ tình
có nhiều hình thức: khi thổ lộ tâm tình, khi thăm dò lòng bạn, khi hy
vọng, mong mỏi nhớ nhung
người tình, khi trách hờn giận, ghen tuông người tình; nhưng rốt cuộc
những câu thổ lộ tâm sự cùng là để thăm dò tình bạn là nhiều hơn cả.
Ví dụ:
Anh như cây gỗ xoan đào,
Em như câu đối dán vào nên chăng?
Em như cây cảnh trên chùa,
Anh như con bướm đậu nhờ nên chăng?
Văn
thể của hát Quan họ tuy là lối lục bát, nhưng khi hát, vì những chỗ lên
bổng xuống trầm, vì
những nhu cầu của sự chuyển giọng, chuyển lời nên loại dân ca này có
mang vài đặc tính là bài hát
bao giờ cũng có thêm vào nhiều tiếng không có trong nguyên văn. Đó là
những tiếng vô nghĩa, hoặc
những chữ hát chệch hẳn đi, hoặc những tiếng dùng để đưa hơi như:
y, a,
ư, ô, ơ, a ha, ôi hôi, ư hư, ối
a, ý a, này a, i ì ... hoặc những tiếng đệm (đệm lót và đệm nghĩa) như:
thời, mà, tình chung, ô mấy, ai
ơi, là rằng, tình rằng, tình tang, tình bằng... Nhờ những tiếng đệm,
tiếng láy lập lại như thế mà và
nhất nhịp điệu tiết tấu của câu thơ lục bát được thay đổi luôn, trở nên
phong phú vô cùng.
Ví dụ phong dao có bài "Trống cơm":
Trống cơm khéo vỗ nên bông,
Một bầy con nít lội sông đi tìm.
Thương ai con mắt lim dim,
Một bầy con nhện giăng tơ đi tìm,
Thương ai duyên nợ tang bồng.
Khi trở thành hát Quan họ Bắc Ninh là:
1/ (Tình bằng có cái) trống cơm (khen ai) khéo vỗ (ố mấy bông) nên bông.
2/ Một bầy (tang tình) con nít (ố mấy lội lội) lội sông (ố mấy) đi tìm.
3/ (Em nhớ) thương ai (đôi) con mắt (ố mấy) lim dim,
4/ Một bầy (tang tình) con nhện (ớ ớ ớ ố mấy) giăng tơ (giăng tơ ố mấy)
đi tìm.
5/ (Em nhớ) thương ai duyên nợ (khách) tang bồng.
Đó là chưa kể những chỗ hát lại hai lần như ở phần đầu câu 2 và ở phần
cuối những câu 1, 2, 3, 5.
Ngoài những tiếng đưa hơi, tiếng đệm, tiếng láy, có khi trong bài hát có
cả những tiếng dùng để ghi
hệ thống âm giai của cổ nhạc là hò, xự, xàng, xê, cống,... Ví dụ trong
bài "Xe chỉ luồn kim":
May quần (tình chung là vuông) nhiễu tím (í a, í a).
Gởi ra (gởi ra chồng) cho chồng.
Ứ xáng, ú xáng u cái liu xê phàn
(thời cái nỗi gởi ra cho chồng)
Ngày xưa, trai gái vùng Bắc Ninh có thể hát Quan họ quanh năm. Mỗi khi
có dịp lễ là họ mời nhau
đến hát. Cả đến khi không có việc gì, họ cũng rủ nhau đến một làng nào
đó trong vùng để cùng nhau
vui hát. Chỉ cốt là trước khi đến, họ bảo cho nhau biết trước để có thì
giờ gọi người. Nhưng hát Quan Họ đặc biệt thịnh hành vào mùa thu tháng 8
và nhất là vào tiết xuân trong ba tháng: giêng, hai, ba ...
Dịp hát quan trọng nhứt là những dịp đám cưới, đám khao, đám giỗ, đám
hội.
Hát Quan họ là lối hát không dính dáng đến lao động, trái với nhiều loại
dân ca khác như hò, hát ví,
vì thế không hát ở ngoài đồng trong khi làm lụng. Có thể hát tại nhà
trong các dịp cưới hỏi, giỗ khao;
hay sau khi hát ở hội đình, hội chùa rồi mời nhau về nhà. Tại nhà có khi
gái ngồi trong nhà hát ra, và
trai ngồi trên bờ hát vọng xuống. Có k hi họ cùng ngồi trong thuyền
thúng trên mặt hồ để vui hát
trong một đêm hè hay một chiều thu.
Tại hội đình, trai gái hát trước bàn thờ Thanh hoàng. Lắm khi các bài
hát, lúc đầu chỉ có tính chất tôn
giáo một ít, còn về sau đều có tính chất tình tứ. Tại hội chùa, họ hát ở
trước cửa chùa, giữa sân chùa,
có khi cả ở trong chùa. Nhưng thường hát ở các sườn đồi hay giữa các đám
ruộng, hoặc trên những
bờ đê bên cạnh chùa.
Hát chia làm từng bọn. Mỗi bọn, trai hay gái, phải có ít nhứt bốn người
để thay phiên nhau hát, vì hát
rất hao hơi. Quan họ phải hát giọng đôi, nghĩa là hai người cùng hát một
lúc, một người "dẫn"
(chính) và một người "luồn" (phụ). Mỗi bọn quan họ có một người đứng đầu
đại diện, được cả bọn
tôn làm anh Hai hay chị Hai. Những người khác cứ theo thứ tự hát hay,
hát kém mà lấy tên là anh
Ba, anh Tư, anh Năm hay chị Ba, chị Tư, chị Năm. Chỉ cần bốn người hát
được, còn bao nhiêu dự
vào cho đông cũng không sao.
Khi hai bên hát với nhau, bên hát trước hát giọng nào thì bên hát sau
phải theo giọng ấy để trả lời và
phải theo cho đúng; không được bỏ một tí ngân nga. Như thế mới là đối
chọi. Không đối được là tỏ
cái kém cỏi của mình.
Trai gái hát Quan họ không phải sống về nghề hát, không thể gọi là những
người hát chuyên nghiệp.
Nhưng không phải bất cứ ai ai cũng có thể hát được Quan họ. Muốn hát
Quan họ phải có nhiều điều
kiện, phải có giọng tốt, phải chịu khó luyện tập, phải có trí nhớ và ít
nhiều thông minh, nghĩa là có ít
nhiều tài đối đáp, biết bình tĩnh để trả lời người đối diện, không những
trong ý câu hát mà nhứt là
trong giọng bài hát.
Tình bạn hữu, tình anh chị em giữa những người cùng chung "gia đình"
Quan họ thật thân thiết. Họ
coi cha mẹ của nhau như cha mẹ của mình. Những dịp hiếu, hỷ, buồn vui,
họ đều đến thăm hỏi, biếu
tặng. Cha mẹ bạn có yếu đau, họ tìm đến săn sóc an ủi.
(Điền Hay Tích Lạ- Nguyễn Tử Quang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét