Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Từ Đạo Đông Khẩu Đến Thị Xã Sa Đéc - Đất Phương Nam 1 TT


Tổng Quan Về Vùng Đất Mang Tên Đông Khẩu Đạo:
Về phía tây bắc của Vĩnh Long là Sa Đéc. Tưởng cũng nên nhắc lại một chút về lịch sử của vùng đất nầy. Năm Đinh Sửu 1757, Nặc Nguyên chết, hoàng tộc Chân Lạp hỗn loạn, con Nặc Nguyên là Nặc Tôn xin Thiên Tích tâu với chúa Nguyễn cho mình lên ngôi. Sau khi Nặc Tôn lên ngôi, ông lại dâng luôn phần đất còn lại duy nhất của Chân Lạp tại miền Nam lên chúa Nguyễn, đó là vùng đất Kompong Luông (Tầm Phong Long). Tiếng Khmer Kampong Luông có nghĩa là vũng nước của nhà vua, hay ‘Bến Vua’ hay ‘Bến Ngự’. Ngày xưa, nơi nào có dấu chân nhà vua ghé lại đều được gọi là Kompong Luông. Theo quyển Sài Gòn Tạp Pín Lù, Vương Hồng Sển có nói đến mũi đất ven sông Sài Gòn, có biệt danh ‘Point des blagueurs’ hay ‘mũi tán dóc’, ngày xưa cũng được người Khmer gọi là Kompong Luông, vì ngày trước phó vương Đàng Thổ thường ra tắm sông nơi nầy. Như vậy địa danh ‘Kompong Luông’ không phải chỉ riêng cho các vùng đất ở hai bên bờ sông Hậu, mà khắp vùng Thủy Chân Lạp có nhiều vùng cũng mang tên vùng đất Kompong Luông(1). Sau khi thâu nhận vùng đất Tầm Phong Long, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho thành lập 3 đạo(2): Châu Đốc, Tân Châu và Đông Khẩu và cử Nguyễn Cư Trinh vào kinh lược để ghi các vùng nầy vào bản đồ hành chánh Việt Nam cũng vào năm 1757. Sau đó, chúa Nguyễn lấy hai vùng đất thuộc Rạch Giá và Cà Mau ngày nay để lập thêm hai đạo Kiên Giang và Long Xuyên và đặt cả 5 đạo nầy dưới quyền cai quản của dinh Long Hồ. Thời đó thì đạo Tân Châu chịu trách nhiệm an ninh vùng Tiền Giang, còn đạo Châu Đốc ở vùng Hậu Giang. Riêng đối với đạo Đông Khẩu, ngoài việc giữ gìn an ninh trật tự trong đạo cũng như là tiền đồn trấn giữ lỵ sở dinh Long Hồ tại vùng Vĩnh Long ngày nay, đạo Đông Khẩu còn tiếp trợ với đạo Tân Châu hay Châu Đốc mỗi khi có biến tại vùng biên giới Cao Miên. Thời đó nếu quân Chân Lạp hay quân Xiêm La theo dòng Tiền Giang xuống đánh vùng Mỹ Tho, thì cả hai đạo Tân Châu và Đông Khẩu có nhiệm vụ ngăn chặn bước tiến của giặc cũng như cầm chưn không cho chúng tiến thêm trong khi chờ quân cứu viện của triều đình. Tuy nhiên, đến đời Gia Long, dinh Long Hồ được đổi ra làm trấn Vĩnh Thanh(3) và việc phòng thủ thời nầy đã tương đối hoàn chỉnh, vai trò của các đạo không còn cần thiết nữa nên vua Gia Long đã bãi bỏ các đạo trong vùng đất Tầm Phong Long ngày trước.

Từ Đông Khẩu Đạo Đến Địa Danh Sa Đéc:

Năm 1698 khi quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất Tân Bình và Phước Long, tại hai vùng nầy đã có trên 4 vạn hộ khai mở đến hàng ngàn dặm ruộng. Ngày đó mặc dầu vùng Sa Đéc vẫn còn trực thuộc vương quốc Chân Lạp, nhưng có lẽ nơi nầy đã từng có một số lưu dân Việt Nam và Trung Hoa đến trú ngụ. Sa Đéc cách Sài Gòn 132 cây số về phía Tây Nam. Trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì một phần của Sa Đéc thuộc Vĩnh Long, một phần thuộc tỉnh Định Tường. Không biết địa danh Sa Đéc được ra đời từ bao giờ, có thể Sa Đéc được đọc trại ra từ Miên ngữ “Phsar-Dek”, tức là chợ bán sắt. Mặc dầu các nhà khảo cổ không tìm thấy dấu vết gì của vùng “Chợ Sắt” thời Chân Lạp, từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVII. Có lẽ tên “Phsar-Dek” đã có từ thời vương quốc Phù Nam, nghĩa là trước thế kỷ thứ VII.
Tuy nhiên, thuở lưu dân Việt Nam mới đến vùng nầy thì vùng nầy thì vùng Đông Khẩu đã nổi tiếng với kỹ thuật rèn luyện kim khí, nhất là các loại dao và mác, và tại vùng Tân Vĩnh Hòa bây giờ đã có một khu chợ bán sắt khá lớn. Có lẽ vì vậy mà người Miên gọi đây là vùng “Phsar-Dek”. Tuy nhiên, có một điều lạ là cả vùng Đông Khẩu Đạo không có đến 1% người Khmer cư ngụ.

Sa Đéc Dưới Thời Các Vua Chúa Nhà Nguyễn:
Sau khi thâu nhận vùng đất Tầm Phong Long và chia vùng nầy ra làm ba đạo, trong đó có đạo Đông Khẩu, tức vùng Sa Đéc ngày nay, chúa Nguyễn đặt vùng đất nầy dưới quyền cai quản của quan lưu thủ dinh Long Hồ. Hồi nầy Đông Khẩu Đạo là một trong những tiền đồn rất quan trọng án ngữ ở đầu hai nhánh sông Tiền và sông Hậu cho dinh Long Hồ, lúc đó có lỵ sở đặt tại Cái Bè. Sau đó dinh Long Hồ đổi thành Vĩnh Trấn, Sa Đéc trực thuộc châu Định Viễn. Đây chính là căn cứ địa của Nguyễn Ánh mỗi khi ông bôn ba từ Xiêm trở về mưu đồ phục quốc. Sau năm 1832, khi quan Tả Quân Lê văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng liền bãi bỏ Gia Định Thành và chia toàn miền Nam ra làm sáu tỉnh(4). Về sau vua Minh Mạng cho sáp nhập Sa Đéc vào huyện Vĩnh An, thuộc phủ Tân Thành, tỉnh An Giang(5). Đông Khẩu Đạo đã nhanh chóng trở thành một trong những nơi trù phú của miền Nam. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, dọc theo hai bên bờ sông vùng Sa Đéc, chợ quán nối tiếp nhau trên 5 dặm. Dưới sông có những bè kết bằng tre đậu khít nhau thành hàng, hoặc bán tơ lụa và đồ khí dụng, hoặc bán dầu rái, than củi, mây, tre, mắm, muối. Trên bờ có bày bán đủ lại hàng hóa rất đẹp. Cùng với sự phát triển về thương mại, các nghề thủ công tại Sa Đéc cũng phát triển mạnh như nghề thợ bạc, nghề điêu khắc, nghề làm chân dung, nghề trồng hoa kiểng, vân vân. Trong khi Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức đã nói về chợ Sa Đéc như sau: “Chợ phố liền lạc, ghe thuyền nhóm thật đông, làm chỗ đô hội cho trấn Vĩnh Thanh. Bên tả có Tiên Phố với mỏm cát trắng, dưới sông êm mát. Thương nhân thường ghé thuyền lại đây và đặt tên cho nó là phố Tiên.”

Sa Đéc Thời Pháp Thuộc:

Trước khi người Pháp lấn chiếm miền Nam thì Sa Đéc đã từng là đạo Đông Khẩu dưới thời các chúa Nguyễn, rồi sau đó trở thành huyện Sa Đéc dưới thời vua Tự Đức. Sau khi lấn chiếm toàn bộ miền Nam vào năm 1867, người Pháp chia lại khu vực hành chánh tại miền Nam để dễ bề cai trị. Họ chia toàn vùng ra làm nhiều “hạt hành chánh” nhỏ và đặt quan tham biện cai quản. Trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì một phần của Sa Đéc thuộc tỉnh An Giang và một phần thuộc tỉnh Định Tường. Thời đó, tỉnh An Giang được chia ra làm 3 hạt: Châu Đốc, Sa Đéc và Ba Xuyên. Năm 1872, Thống đốc Nam Kỳ quyết định tách rời tổng An Trường ra khỏi sở Tham biện Sa Đéc để sáp nhập vào sở Tham biện Trà Ôn(6). Từ năm 1867 đến năm 1876, hạt Sa Đéc(7) gồm 2 huyện Vĩnh An và An Xuyên được đổi ra làm tỉnh Sa Đéc, đặt tỉnh lỵ tại xã Tân Vĩnh Hòa, nằm bên hữu ngạn sông Cửu Long, đối diện với rạch Cao Lãnh. Sau đó người Pháp lại tách huyện Vĩnh An ra để lập thêm huyện An Xuyên. Như vậy vào năm 1876, hạt Sa Đéc gồm có 3 huyện An Xuyên, Vĩnh An và Phong Phú. Đến cuối năm 1876, người Pháp bãi bỏ cấp huyện trong hạt để đặt tổng dưới quyền trực tiếp của quan tham biện, lúc nầy Sa Đéc có 9 tổng(8). Sa Đéc thời đó, về vị trí, phía Bắc giáp Hồng Ngự và Cao Lãnh (Kiến Phong), Nam giáp Cần Thơ, Tây giáp An Giang, Đông giáp Mỹ Tho, và Đông Nam giáp tỉnh Vĩnh Long. Ngày 20 tháng 12 năm 1889, người Pháp bãi bỏ danh xưng “hạt” và đổi ra làm tỉnh. Từ đó Sa Đéc trở thành tỉnh với 3 quận gồm 10 tổng(9). Tổng diện tích Sa Đéc thời nầy rộng khoảng 1.320 cây số vuông, tuy nhiên, phần đất nằm về phía Đồng Tháp Mười hãy còn hoang vu vì ủng phèn lâu năm. Ngày 9 tháng 2 năm 1913, chánh quyền thuộc địa đặt tỉnh mới thành lập Sa Đéc dưới thẩm quyền hành chánh của chủ tỉnh Vĩnh Long(10). Đến ngày 29 tháng 11 năm 1923, chủ tỉnh Vĩnh Long quyết định sáp nhập hai làng Mỹ An và Mỹ Hưng thành một xã lấy tên là Mỹ An Hưng(11). Đến ngày 29 tháng 2 năm 1924, chánh quyền thuộc địa quyết định cho tỉnh Sa Đéc lên ngang hàng với các tỉnh khác; đồng thời quyết định mở rộng chu vi thị xã Sa Đéc vào năm 1925(12).
Thời đó, tổng dân số Sa Đéc theo thống kê của La Cochinchine vào năm 1924 là 205.515 người, gồm đa số là người Việt, kế đó là người Hoa. Sa Đéc hầu như không có người Miên. Khí hậu tỉnh Sa Đéc cũng thuộc miền bán nhiệt đới, nóng và ẩm như các tỉnh khác trong vùng. Ngành trồng lúa nước vẫn là chính yếu của tỉnh Sa Đéc. Sau khi chiếm Nam Kỳ, người Pháp đã cho đào kinh Đồng Tiến, đi An Long và Hồng Ngự, xẻ dọc Tháp Mười theo hướng Nam Bắc, và một con kinh khác từ tỉnh lỵ Tân An vô Mộc Hóa. Họ cũng cho đào rất nhiều kinh chạy theo hướng Đông Tây, với mục đích là nhằm dễ dàng chuyên chở lúa gạo ra sông lớn, nhưng vô hình chung những con kinh này lại cũng giúp xả phèn và dẫn thủy nhập điền, nên khoảng đầu thế kỷ 20, đất đai vùng Sa Đéc trở nên tốt hơn và thu hoạch mỗi vụ mùa cũng cao hơn. Sau khi những kinh lớn trong vùng đã được đào vét thì Sa Đéc trở nên rất nổi tiếng với những vườn cau, vườn dừa, vườn cây ăn trái xanh mát, chạy dọc theo bờ sông Cửu Long từ Cái Tàu Thượng, xuống vùng Tân Vĩnh Hòa, Nha Mân, Cái Tàu Hạ...

Sa Đéc Thời Việt Nam Cộng Hòa:
Dưới thời Pháp thuộc, toàn bộ Nam Kỳ được chia ra làm 20 tỉnh, đến thời Việt Nam Cộng Hòa Nam Bộ gồm 26 tỉnh. Tưởng cũng nên nhắc lại là vào năm 1924, chánh quyền thuộc địa quyết định nâng khu vực Sa Đéc lên thành tỉnh Sa Đéc. Tuy nhiên, đến năm 1956, vùng tả ngạn sông Tiền của hạt Sa Đéc ngày trước được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho nhập vào Hồng Ngự để thành lập tỉnh Kiến Phong, còn phần bên hữu ngạn sông Tiền thì cho thuộc vào quận Sa Đéc, trực thuộc tỉnh Vĩnh Long. Đến ngày 24 tháng 9 năm 1966, chánh phủ đệ nhị Cộng Hòa ký sắc lệnh số 162-SL/ĐVHC tái lập tỉnh Sa Đéc, tỉnh lỵ được đặt tại thị xã Sa Đéc. Đến ngày 14 tháng 2 năm 1968, chánh phủ lại ký nghị định số 76-NĐ/NV, đổi tên quận Sa Đéc, thuộc tỉnh Sa Đéc thành quận Đức Thịnh(13). Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, tỉnh Sa Đéc đã bị thu hẹp nằm về phía Tây Bắc của Vĩnh Long, cho nên tổng diện tích chỉ còn khoảng 818 cây số vuông, với 4 quận gồm 36 xã(14). Sa Đéc cách Sài Gòn 132 cây số về phía tây nam. Khí hậu tỉnh Sa Đéc cũng thuộc miền bán nhiệt đới, nóng và ẩm như các tỉnh khác trong vùng. Ngành trồng lúa nước vẫn là chính yếu của tỉnh Sa Đéc. Như vậy tính đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ thì Sa Đéc chỉ có gần 100 năm phát triển. Vị tướng đầu tiên của xứ Đàng Trong lo việc bình định là thiết lập cơ cấu hành chánh đầu tiên là Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh lúc ngài kéo quân thủy bộ đi ngang qua đây vào năm 1757. Dân chúng trong vùng nhớ ơn của ngài nên đã đặt tên ông cho một cù lao và một con sông tại đây(15).
Từ khi được tái lập thành cấp tỉnh, Sa Đéc phát triển về mọi mặt, lúa sản xuất mỗi năm mỗi tăng, cây trái rau quả dư dùng cho toàn tỉnh, còn xuất cảng sang Cần Thơ hay đưa lên Sài Gòn. Cũng như Vĩnh Long, Sa Đéc được bao bọc hai phía Đông Bắc và Tây Nam bởi hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, nên ngành thủy sản của Sa Đéc phát triển rất mạnh, cá khô, tôm khô dư dùng trong tỉnh, đặc biệt là ngành bắt tôm nước ngọt phát triển rất mạnh ở Sa Đéc. Vào thời đệ nhất Cộng Hòa, chính quyền đã nâng đỡ thành lập nhà máy chế biến bánh phồng tôm Sa Giang. Ngay từ thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ, Sa Đéc đã có rất nhiều chợ rất phồn thịnh như chợ Phú Hữu, Phú Nhuận, Mỹ Long, Mỹ Xương, Mỹ Trà, Hội An, Lai Vung, Long Hưng, Mỹ An Hưng và Hòa An, vv... Sau khi người Pháp chiếm Sa Đéc, họ cho xây cất khu hành chánh và khu vực cư trú cho nhân viên chánh phủ rất đẹp ở tiểu đảo, có con rạch nhỏ ngăn cách với đất liền mà họ gọi là Passe-Nord. Tuy nhiên, chỉ hơn trăm năm sau, toàn khu ấy đã bị nước cuốn đi gần hết, nó lở dần và lở dần, đến năm 1974 hầu như đã sụp lở gần hết. Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản sáp nhập tỉnh Sa Đéc vào tỉnh Đồng Tháp, gồm hai tỉnh Sa Đéc, Kiến Phong, và một phần của Mộc Hóa để thành lập tỉnh Đồng Tháp.

Thắng Cảnh Và Di Tích Lịch Sử Vùng Sa Đéc:

Về thắng cảnh, cách thị xã Sa Đéc chừng 3 cây số có vườn hoa Tân Quí Đông, nơi đây người ta trồng đủ các loại hoa và cây cảnh, đặc biệt là hoa hồng. Trong quận Lai Vung, đoạn sông Hậu Giang chảy qua xã Định Hòa, có một cồn cát trắng mịn, trông giống như một nàng tiên nằm phơi mình trong nắng, nên dân địa phương gọi đây là “Cồn Tiên”. Với không khí trong lành và cảnh thiên nhiên thơ mộng, không riêng người dân trong tỉnh Sa Đéc thường đến đây thưởng ngoạn mà từ từ dân chúng các vùng phụ cận cũng đổ xô đến đây nghỉ ngơi trong những ngày hè oi bức. Bên bờ Tiền Giang, khúc sông chảy ngang qua khu Cái Tàu Hạ và Nha Mân có một bãi sông thiên nhiên rất đẹp, cát ở đây mịn và trắng không thua gì cát biển Nha Trang, lại thêm phong cảnh làng quê bình dị và hoa trái sum suê, nên An Hòa là nơi tắm sông lý tưởng cho cư dân trong vùng.
Về di tích đình chùa, tại thị xã Sa Đéc có chùa Kiến An do những người Hoa gốc Phước Kiến xây dựng vào năm 1924. Ban đầu chùa là nơi giảng dạy chữ Phước Kiến cũng như phong tục tập quán của người Phước Kiến, về sau này không riêng gì người Hoa trong tỉnh Sa Đéc mà người Hoa trong khắp miền Nam cũng thường xuyên tới lui lễ bái. Điểm đặc biệt là toàn bộ chùa không có kèo mà chỉ có đòn tay ráp mộng lại với nhau, và cảnh quang của chùa tuy thanh u nhưng không kém phần trang nghiêm và lộng lẫy của lối kiến trúc cổ. Tại thị xã Sa Đéc còn có chùa Hương hay Phước Hưng Cổ Tự, chùa được xây cách đây hơn 100 năm, đặc biệt tại chùa hãy còn một pho tượng phật bằng đất sét thếp vàng đã được đắp cách nay trên 100 năm. Cũng tại thị xã Sa Đéc còn có ngôi chùa Bà, đã được xây dựng cách nay trên 100 năm. Đây là nơi người Hoa thờ Bà Thiên Hậu(16), hằng năm người ta tổ chức lễ vía Bà rất trọng thể vào hai ngày 23 tháng 3 và mồng 9 tháng 9 âm lịch. Ngoài ra, tại Cái Tàu Hạ thuộc quận Châu Thành, có đình Tân Phú Trung, được xây vào đầu thế kỷ thứ 19, đến năm 1858 được vua Tự Đức sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh. Đình có lối kiến trúc cổ, cột kèo được làm bằng toàn những gỗ quý, nên đã trên 200 năm nay mà vẫn còn nguyên vẹn. Trong đình có nhiễu bức liễn cũng được làm bằng gỗ quý và khắc chạm rất công phu. Hằng năm đến ngày 17 tháng 4 và 12, 13 tháng 5 âm lịch người ta tổ chức lễ cúng đình rất long trọng. Tại quận Lấp Vò có đình Định Yên, được xây từ năm 1909 để ghi nhớ công ơn ông Phạm văn An, người đã có công khai phá vùng đất này. Hằng năm người ta tổ chức lễ cúng đình rất lớn vào những ngày 16 và 17 tháng 4 cũng như ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch.

Sa Đéc Sau Năm 1975:

Sau năm 1975, tỉnh Sa Đéc được sáp nhập vào Cao Lãnh để thành lập tỉnh Đồng Tháp. Như vậy tính ra từ thời vùng đất Tầm Phong Long được hiến cho Việt Nam đến nay, Đông Khẩu Đạo hay Sa Đéc đã nhiều lần thay đổi cương vị. Dưới thời các chúa Nguyễn, Sa Đéc trực thuộc dinh Long Hồ. Đến đời Gia Long, Sa Đéc trực thuộc Trấn Vĩnh Thanh. Đến đời vua Minh Mạng, Sa Đéc thuộc tỉnh Vĩnh Long. Thời Pháp thuộc, Sa Đéc được Pháp nâng lên làm một đơn vị hành chánh tỉnh, có quan Tham Biện cai quản. Thời đệ nhất Cộng Hòa, Sa Đéc là quận trực thuộc tỉnh Vĩnh Long, rồi sau đó nó được nâng lên làm tỉnh. Lúc Cộng Sản lên nắm chánh quyền, Sa Đéc trở thành thị xã trực thuộc tỉnh Đồng Tháp. Cũng như Vĩnh Long và Trà Vinh, vị trí của Sa Đéc hết sức đặc biệt vì nó nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu. Hiện tại, tỉnh Sa Đéc thời Việt Nam Cộng Hòa bao gồm các vùng thị xã Sa Đéc, huyện Châu Thành, huyện Lai Vung, và huyện Lấp Vò thuộc tỉnh Đồng Tháp. Thị xã Sa Đéc có diện tích khoảng 57,9 cây số vuông, dân số khoảng 100.600 người. Huyện Châu Thành có diện tích khoảng 234 cây số vuông, dân số khoảng 161.400 người. Huyện Lai Vung có diện tích khoảng 219,8 cây số vuông, dân số khoảng 160.100 người. Huyện Lấp Vò có diện tích khoảng 243,9 cây số vuông và dân số khoảng 180.400 người.

Đặc Sản Sa Đéc:

Cũng như Vĩnh Long, Sa Đéc được bao bọc hai phía Đông Bắc và Tây Nam bởi hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, nên ngành thủy sản của Sa Đéc phát triển rất mạnh, cá khô, tôm khô dư dùng trong tỉnh, đặc biệt là ngành bắt tôm nước ngọt phát triển rất mạnh ở Sa Đéc. Ngày nay Sa Đéc rất nổi tiếng với những khu vườn cây ăn trái cũng như những địa phương trồng hoa. Riêng vườn hồng ở làng Tân Quy Đông của ông Dương văn Tôn nổi tiếng trên toàn quốc. Bên cạnh đó Sa Đéc còn nổi tiếng với những đặc sản khác như nem Lai Vung, bưởi Phong Hòa, bánh phồng tôm Sa Giang, vân vân. Về mặt lúa gạo, Sa Đéc sản xuất mỗi năm mỗi tăng, cây trái rau quả dư dùng cho toàn tỉnh, còn xuất cảng sang Cần Thơ hay đưa lên Sài Gòn. Về cây ăn trái, trong huyện Châu Thành, khoảng giữa Vĩnh Long-Sa Đéc, có một loại đặc sản rất nổi tiếng, đó là nhãn hạt tiêu. Sở dĩ nó có tên là nhãn hạt tiêu vì hạt của nó nhỏ xíu như hạt tiêu, cơm rất dầy. Ngày nay nhãn hạt tiêu đã nổi tiếng khắp cả nước, nhưng ít ai biết chỗ sản xuất ra nó là các vùng ven bờ sông Tiền như Nha Mân, Cái Tàu, Tân Bình, Tân Phú, Tân Phú Trung, Phú Long và Hòa Tân, vân vân. Riêng trong huyện Lai Vung có loại quít hồng rất ngon. Sở dĩ quít hồng nổi tiếng vì nó vừa ngon với vị ngọt thanh, mà nó lại hiếm vì chỉ trồng được ở Lai Vung chứ không trồng được ở các địa phương khác. Hiện nay trong huyện Lai Vung có khoảng trên 1.000 mẫu đất chuyên canh trồng quít hồng. Ngoài ra, Lai Vung còn nổi tiếng với món nem chua, không những nổi tiếng ở Nam Kỳ, mà còn nổi tiếng trên cả nước và cả tại các cộng đồng người Việt hải ngoại nữa. Làng làm nem Lai Vung đã được hình thành từ những năm đầu của thời đệ nhất Cộng Hòa (1954). Nem Lai Vung nổi tiếng vì hương vị thơm ngon đặc biệt. Người ta thường ăn nem với các loại rau thơm, nhất là dân nhậu thì món nem chua là món nhậu vừa tiện lợi lại vừa ngon.
Nói về đặc sản Sa Đéc mà không nói tới bánh phồng tôm Sa Giang quả là một thiếu sót lớn. Cũng như Vĩnh Long, Sa Đéc nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu nên lượng tôm cá đánh bắt được rất dồi dào, từ đó mà người ta mới nghĩ đến chuyện xay bột làm bánh phồng tôm phơi khô để dành ăn trong những mùa không có tôm rộ, và từ đó mà thương hiệu “Bánh Phồng Tôm Sa Giang” xuất hiện. Về nguyên liệu để làm bánh phồng tôm, ban đầu người ta chỉ làm với tính cách gia đình và dùng đủ thứ tôm như tôm tích, tép mồng, tép rong, tép chấu, tép đất, vân vân, để trộn với bột; nhưng về sau nầy vì nhu cầu ngày càng tăng quá nhanh nên người ta mới lập ra nhà máy chế biến lớn. Như trên đã nói, vào thời đệ nhất Cộng Hòa, chính quyền đã nâng đỡ thành lập nhà máy chế biến bánh phồng tôm Sa Giang, chẳng những nổi tiếng ở vùng Nam Kỳ, mà còn nổi tiếng trên toàn quốc, và ngày nay đã được biết tiếng trên khắp thế giới. Trong mỗi bữa tiệc, món ăn giáo đầu ít khi nào thiếu món bánh phồng tôm Sa Giang chiên. Hiện nay tại Sa Đéc không chỉ có bánh phồng tôm Sa Giang là nổi tiếng, mà còn có nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Linh Giang, Trương Giang, Trung Giang, Vĩnh Giang, vân vân, cung cấp trên 2.000 tấn bánh phồng tôm mỗi năm.
Địa phương Lấp Vò đã nổi tiếng về nghề dệt chiếu từ thời còn khẩn hoang. Theo lời các bô lão kể lại thì ngày trước đồng ruộng Lấp Vò mọc đầy những cây lác và bàng, nên những lưu dân đầu tiên đến đây đã chọn nghề dệt chiếu. Về sau nầy lác và bàng không còn đủ để cung cấp cho việc dệt chiếu nên nhiều người đã chuyển sang chuyên canh trồng lác. Hiện trong quận Lấp Vò có chợ chiếu Định Yên, theo các bô lão kể lại thì chợ chiếu Định Yên đã có cách nay trên 150 năm, ngay trước thời kỳ Pháp chiếm Việt Nam. Điểm đặc biệt là chợ chỉ họp về ban đêm, có lẽ vì suốt ngày bà con trong vùng Định Yên lúc nào cũng bận rộn với việc đồng áng hay ruộng rẫy nên họ chỉ đi chợ về đêm mà thôi. Hàng hóa duy nhất trong chợ chỉ là chiếu hoặc nguyên liệu để dệt chiếu hay đệm mà thôi. Hàng năm người ta ước lượng có trên cả triệu đôi chiếu được bán ra tại chợ này.

Chú Thích:

(1) Theo Vương Hồng Sển trong “Sài Gòn Tạp Pín Lù”, NXB TH Đồng Nai tái bản, TPHCM, 2005, tr. 392.
(2) Đạo là khu vực hành chánh và quân sự, giống như biệt khu (biệt khu 44, vùng Thất Sơn) thời VNCH. Đạo Đông Khẩu thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có đồn binh lớn, lấy quân binh từ dinh Long Hồ.
(3) Từ khi thành lập đến khi trở thành tỉnh Vĩnh Long, dinh Long Hồ có rất nhiều lần đổi tên. Thoạt tiên từ đất Tầm Bào đến dinh Long Hồ; rồi từ dinh Long Hồ đổi ra làm dinh Hoằng Trấn, dinh Vĩnh Trấn, Vĩnh Thanh trấn, trấn Vĩnh Long và cuối cùng là tỉnh Vĩnh Long.
(4) Năm 1832, sau khi quan Tả Quân Lê văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng liền bãi bỏ Gia Định Thành và chia toàn miền Nam ra làm sáu tỉnh, đó là tỉnh Biên Hòa, Phiên An (sau thành tỉnh Gia Định), Định Tưởng, Vĩnh Long, An Giang (trấn Vĩnh Thanh được tách làm đôi để thành lập hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang) và Hà Tiên. (5) Hồi đầu Nam Kỳ Lục Tỉnh, An Giang có 2 phủ và 4 huyện. Phủ Tân Thành gồm huyện Vĩnh An với 7 tổng (An Hội, An Mỹ, An Thạnh, An Thới, An Tịnh, An Trung và An Trường), huyện Vĩnh Định gồm 4 tổng, nay là toàn vùng Cần Thơ. Phủ Tuy Biên có hai huyện, Đông Xuyên có 4 tổng, nay là một phần của tỉnh An Giang, huyện Tây Xuyên có 3 tổng, nay trực thuộc tỉnh An Giang.
(6) Bulletin Officiel de la Cochinchine Francaise, 1872, No 8, p. 214-215.
(7) Năm 1867, người Pháp tách huyện Vĩnh An ra để lập thêm huyện An Xuyên, cùng với huyện Phong Phú (sau nầy là Cần Thơ) để thành lập hạt Sa Đéc.
(8) Chín tổng gồm An Mỹ với 12 thôn, An Hội với 6 thôn, An Trung với 6 thôn, An Phòng với 9 thôn, An Thạnh với 14 thôn, An Thới với 12 thôn, An Tịnh với 6 thôn, Phong Thạnh với 6 thôn, và Phong Nẫm với 11 thôn. Hai Phong Thạnh và Phong Nẫm trước đây thuộc huyện Kiến Đăng tỉnh Định Tường (ngày nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), còn các tổng khác thuộc huyện Vĩnh An. Lúc đó hạt Sa Đéc có 102.421 dân với khoảng 25.334 mẫu đất canh tác được. Như vậy tính trung bình mỗi cư dân thời đó có khoảng 2,7 công đất để canh tác.
(9) Quận Châu Thành gồm 5 tổng: An Hội với 4 xã, An Mỹ với 14 xã, An Trung với 6 xã, An Thạnh với 6 xã, và Phong Nẫm với 9 xã. Quận Cao Lãnh gồm 3 tổng: Phong Thạnh với 7 xã, An Tịnh với 4 xã và An Thạnh Thượng với 8 xã. Quân Lai Vung gồm 2 tổng: An Thới với 9 xã và An Phong với 7 xã.
(10) Bulletin Administratif de la Cochinchine, 1913, No 11, p. 588-589.
(11) Bulletin Administratif de la Cochinchine, 1923, No 50, p. 1976-1977.
(12) Bulletin Administratif de la Cochinchine, 1924, No 12, p. 505; et BAC, 1925, No 32, p. 1706-1709.
(13) Công Báo Việt Nam, 1966, tr. 4408; và CBVN, 1968, tr. 1016.
(14) Theo số liệu của Bộ Thông Tin Văn Hóa VNCH vào năm 1971, tỉnh Sa Đéc gồm 4 quận với 36 xã. Quân Đức Thành rộng khoảng 220,2 cây số vuông gồm 8 xã với 67.678 dân. Quân Đức Thịnh rộng 201,4 cây số vuông gồm 13 xã với 128.682 dân. Quận Đức Tôn rộng khoảng 183 cây số vuông gồm 7 xã với 31.566 dân. Quận Lấp Vò rộng khoảng 213,4 cây số vuông gồm 8 xã với 70.084 dân.
(15) Đó là cù lao ông Lễ hay ông Chưởng và sông ông Lễ hay Lễ Công Giang.
(16) Thiên Hậu Thánh Mẫu.

***
Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,3,4..ở cột danh mục hai bên.
***

1 nhận xét: