Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Đất Phương Nam TT - Những Tỉnh Không Còn Tên Trên Bản Đồ Hành Chánh Miền Nam phần 1


Lịch Sử Phân Chia Tỉnh Tại Miền Nam:

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý. Nguyễn Hữu Cảnh khai thác các vùng Nông Nại(1) và Prei Nokor(2) lập nên hai dinh Trấn Biên và dinh Trấn Phiên sau nầy. Theo Gia Định Thành Thông Chí nơi trang 12, Trịnh Hoài Đức đã ghi lại như sau: “Lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị.” Như vậy năm 1698 là lần đầu tiên vùng đất nầy được định danh và phân ranh trong sổ địa bạ của xứ Đàng Trong. Đồng thời, lại có một người Minh Hương khác tên là Mạc Cửu, quê quán ở Lôi Châu, vì không phục nhà Mãn Thanh nên dong buồm đưa gia quyến xuôi Nam. Mạc Cửu đã được vua Chân Lạp phong chức Ốc Nha và cho phép đến khai phá vùng Mang Khảm(3), nhưng về sau nầy Mạc Cửu thấy vua Chân Lạp không thể bảo vệ vùng đất nầy trước mối đe dọa thường xuyên của quân Xiêm La nên ông đã xin nội thuộc xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn nhận đất Hà Tiên và phong cho Mạc Cửu làm chức Tổng Binh Hà Tiên. Đến đời Gia Long, nhà vua lấy Huế làm kinh đô, từ Quảng Bình trở ra tới biên giới Việt Hoa là Bắc Thành, từ Quảng Bình đến Bình Thuận trực thuộc Kinh Thành Huế, từ Bình Thuận đến mũi Cà Mau thuộc Gia Định Thành. Mỗi thành đều có một vị quan với chức Tổng Trấn cai trị. Trong Gia Định Thành thì đức Tả Quân Lê Văn Duyệt đã 2 lần làm tổng trấn. Đến năm 1832, sau khi Tả quân Lê văn Duyệt từ trần, vua Minh Mạng bãi bỏ chức tổng trấn và chia Gia Định Thành ra làm 6 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Mỗi tỉnh đều có quan tổng đốc cai trị. Vì vua Minh Mạng chia miền Nam ra làm 6 tỉnh nên kể từ đó mà miền Nam mới có danh xưng Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định và tiếp tục đánh chiếm các tỉnh khác trong xứ Nam Kỳ. Từ năm 1862 đến năm 1867, họ dùng danh xưng “départment” để thay thế cho phủ và “arrondisement” để thay cho huyện. Sau năm 1868, sau khi hoàn tất cuộc xâm lăng đất Nam Kỳ, người Pháp chia vùng đất Nằm Kỳ Lục Tỉnh ra làm 20 địa hạt (arrondissements). Danh xưng “arrondisement” có nghĩa là hạt(4) do một vị quan chánh tham biện cai trị (administeur). Tham biện được đặt dưới quyền của Thống đốc, và Thống đốc dưới quyền của quan Toàn Quyền Đông Dương. Năm 1876, Pháp lại chia Nam Kỳ ra làm 4 khu vực hành chánh, mỗi khu lại được chia ra làm nhiều địa hạt nhỏ:
1) Khu vực Sài Gòn gồm 5 địa hạt: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa và Gia Định.
2) Khu vực Mỹ Tho gồm 4 địa hạt: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An và Chợ Lớn.
3) Khu vực Vĩnh Long gồm 4 địa hạt: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc.
4) Khu vực Bassac gồm 6 địa hạt: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ và Sóc Trăng.
Vào ngày 8 tháng 1 năm 1877, Tổng Thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố cấp I tại Sài Gòn, đứng đầu là một quan đô trưởng (maire). Ngày 20 tháng 10 năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định thành lập thành phố cấp II tại Chợ Lớn.
Đến năm 1882, thực dân Pháp lấy 2 tổng của Sóc Trăng và 3 tổng của Rạch Giá để thành lập địa hạt Bạc Liêu. Năm 1883, theo hiệp ước Quý Mùi, ký ngày 25 tháng 8 năm 1883, triều đình Huế lại nhường toàn bộ tỉnh Bình Thuận cho Nam Kỳ thuộc địa để trừ vào tiền bồi thường chiến phí mà triều đình còn thiếu. Tuy nhiên, đến năm 1884, theo hiệp ước Giáp Thân, ký ngày 6 tháng 6 năm 1884, Bình Thuận được trả về cho triều đình Huế.
Năm 1887, Nam Kỳ trở thành lãnh thổ của Liên Bang Đông Dương. Năm 1895, Cap Saint Jacques(5) được tách ra khỏi Bà Rịa để trở nên một thị xã tự trị. Đến năm 1899, Thống Đốc Nam Kỳ ra sắc lệnh đổi tất cả các địa hạt ra làm tỉnh (province). Nghĩa là năm 1899, toàn vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh được chia ra làm 20 tỉnh bao gồm Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Năm 1913, tỉnh Gò Công được sáp nhập vào Mỹ Tho, tỉnh Sa Đéc được sáp nhập vào Vĩnh Long, và tỉnh Hà Tiên được sáp nhập vào Châu Đốc. Ngoài ra, còn có 3 thành phố gồm Sài Gòn, Chợ Lớn(6), và thành phố tự trị Vũng Tàu-Côn Đảo dưới quyền trực tiếp của Thống Đốc Nam Kỳ. Đến năm 1905 thì bãi bỏ thành phố Vũng Tàu-Côn Đảo, biến thành phố nầy thành một đại lý hành chánh trực thuộc tỉnh Bà Rịa. Năm 1929, Vũng Tàu và đảo Côn Sơn lại được nâng lên thành một tỉnh. Năm 1933, triều đình Huế đồng ý cho Pháp sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xứ Nam Kỳ thuộc địa. Tháng 3 năm 1945, Thống sứ Nhật là Nishimura đổi nam Kỳ ra thành Nam Bộ.
Năm 1946, toàn vùng Nam Phần Việt Nam có 21 tỉnh và thành phố Sài Gòn trong số 72 tỉnh thành trên toàn quốc. Đó là các tỉnh: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa, Chợ Lớn, thành phố Sài Gòn, Gia Định, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu, và Sóc Trăng. Năm 1954, chiến tranh Việt Pháp chấm dứt, đất nước Việt Nam bị chia đôi. Miền Nam trở thành một phần lãnh thổ của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa(7).
Năm 1956, sau khi ổn định miền Nam, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa chia vùng nầy ra làm 22 tỉnh và đô thành Sài Gòn, gồm các tỉnh Bình Tuy, Phước Tuy(8), Long Khánh(9), Bình Long(10), Phước Long(11), Bình Dương(12), thủ đô Sài Gòn, Gia Định, Long An(13), Định Tường(14), Kiến Hòa(15), Kiến Phong(16), Kiến Tường(17), Vĩnh Long(18), Vĩnh Bình(19), Phong Dinh (20), An Giang(21), Kiên Giang (22), Ba Xuyên(23), An Xuyên(24), và Côn Sơn. Năm 1959, Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh Phước Thành, gồm một phần đất của Biên Hòa, Bình Dương và Tây Ninh, nhưng tỉnh nầy bị bãi bỏ vào năm 1965. Năm 1961, tỉnh Chương Thiện được thành lập, lấy ra từ các tỉnh Ba Xuyên, Phong Dinh và Kiên Giang. Năm 1963, chánh quyền cắt những phần đất từ các tỉnh Ba Xuyên, Cà Mau và Kiên Giang để thành lập tỉnh Bạc Liêu. Cũng trong năm 1963, do nhu cầu an ninh lãnh thổ, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa lấy một phần của các tỉnh Long An, Gia Định và Tây Ninh để thành lập tỉnh Hậu Nghĩa. Năm 1964, chánh quyền cắt những phần đất từ các tỉnh An Giang và Kiên Giang để thành lập tỉnh Châu Đốc. Năm 1965, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa bãi bỏ tỉnh Côn Sơn. Năm 1966, chánh quyền cắt một phần đất của Vĩnh Long cho sáp nhập vào thị xã Sa Đéc để thành lập tỉnh Sa Đéc. Như vậy tính đến trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nam phần có 27 tỉnh và đô thành Sài Gòn.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chánh quyền mới thay đổi hoàn toàn hệ thống các tỉnh thành tại miền Nam, đặt hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận trực thuộc Nam Phần. Họ giữ lại tên của một số tỉnh thời Pháp Thuộc và Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lại đặt thêm một số tên tỉnh mới bằng cách sáp nhập vài tỉnh lại với nhau. Rồi sau đó ít lâu, họ lại trả tên cũ về cho nhiều tỉnh tại miền Nam. Năm 1976, chánh quyền mới chia miền Nam Việt Nam ra làm thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) và 12 tỉnh trong số 36 tỉnh thành trên toàn quốc. Đó là thành phố Hồ Chí Minh, và các tỉnh Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Cửu Long, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, và Minh Hải. Đến năm 1979, chánh quyền mới cho thành lập Đặc Khu Vũng Tàu-Côn Đảo, tương đương với cấp tỉnh. Năm 1991, tỉnh Cửu Long lại bị tách làm hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh như cũ, và đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo trở thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 1997, tỉnh Sông Bé được tách ra làm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước; tỉnh Hậu Giang được tách trở lại làm 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng; tỉnh Minh Hải được tách trở lại làm 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Đến năm 2004, thành phố Cần Thơ được tách ra khỏi tỉnh Hậu Giang.
Như vậy tính đến sau năm 1975, về vị trí thì miền Nam giáp với các tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng của vùng Tây Nguyên, và Bình Thuận của Trung Phần. Theo Bản Đồ Hành Chánh năm 2007, nếu không kể hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận thì Nam Bộ gồm 17 tỉnh và hai thành phố. Tuy nhiên, theo tài liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam và một số tài liệu khác lại xếp 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào Miền Đông Nam Phần. Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2009, chánh quyền mới đã bỏ hẳn tên của một số tỉnh dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và Nam Kỳ hiện nay bao gồm 17 tỉnh và thành phố.
(A) Hai Thành Phố:
1) Thành phố Sài Gòn (HCM), gồm 12 quận nội thành(25), và 7 quận ngoại thành(26). 2) Thành phố Cần Thơ, gồm 4 quận(27), và 4 huyện(28).
(B) 17 tỉnh:
1) Tỉnh Đồng Nai, gồm thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, và 9 huyện(29).
2) Tỉnh Bình Phước, gồm thị xã Đồng Xoài và 7 huyện(30).
3) Tỉnh Tây Ninh, gồm thị xã Tây Ninh và 8 huyện(31).
4) Tỉnh Bình Dương, gồm thị xã Thủ Dầu Một và 6 huyện(32).
5) Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gồm 2 thị xã Bà Rịa và Vũng Tàu, và 6 huyện(33).
6) Tỉnh Long An, gồm thị xã Tân An, và 13 huyện(34).
7) Tỉnh Tiền Giang, gồm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị trấn Chợ Gạo, và 6 huyện(35).
8) Tỉnh Bến Tre gồm thị xã Bến Tre và 7 huyện(36).
9) Tỉnh Trà Vinh gồm thị xã Trà Vinh và 7 huyện(37).
10) Tỉnh Vĩnh Long gồm thành phố Vĩnh Long và 6 huyện(38).
11) Tỉnh Đồng Tháp gồm 2 thị xã Cao Lãnh và Sa Đéc, và 8 huyện(39).
12) Tỉnh An Giang gồm thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc, và 9 huyện(40).
13) Tỉnh Hậu Giang gồm 2 thị xã Vị Thanh và Ngã Bảy (Phụng Hiệp), và 5 huyện(41).
14) Tỉnh Kiên Giang gồm thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, và 10 huyện(42).
15) Tỉnh Sóc Trăng gồm thị xã Sóc Trăng và 8 huyện(43).
16) Tỉnh Bạc Liêu gồm thị xã Bạc Liêu và 6 huyện(44).
17) Tỉnh Cà Mau gồm thành phố Cà Mau và 7 huyện(45).
Những Tỉnh Trong Vùng Nam Kỳ Không Còn Tên Trên Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam (Tính Từ Miền Đông Qua Miền Tây):

1) Tỉnh Phước Long:
Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, vì nhu cầu an ninh lãnh thổ nên năm 1956, Tổng Thống Ngô Đình Diệm lấy đất của huyện Bà Rá cũ để lập thành tỉnh Phước Long. Tưởng cũng nên nhắc lại, thời các Chúa Nguyễn thì vùng này thuộc tỉnh Gia Định, nhưng đến đời Gia Long thứ 7 thì nâng lên thành phủ và cho trực thuộc vào Biên Hòa. Đến năm Minh Mạng thứ 18, nhà vua đem hai huyện Phước An và Long Thành sáp nhập vào Phước Tuy, nhưng lại đặt thêm 2 huyện Nghĩa An và Phước Bình cho phủ Phước Long. Về vị trí, tỉnh Phước Long Bắc giáp Cao Miên, Nam giáp tỉnh Long Khánh và Bình Dương, Tây giáp Bình Long và Đông giáp 2 tỉnh Quảng Đức và Lâm Đồng. Sau khi xâm chiếm Nam Kỳ, Pháp chia Biên Hòa ra làm ba tỉnh gồm Biên Hòa, Bà Rịa và Thủ Dầu Một. Huyện Bà Rá cũ nguyên là đất của 4 huyện: Phước Chính, Bình An, Long Thành và Phước An. Thời đó phía Bắc Phước Long giáp Cao Miên, Nam giáp Bình Dương và Biên Hòa, Đông giáp tỉnh Lâm Đồng, và Tây giáp tỉnh Bình Long.

2) Tỉnh Bình Long:
Vào năm 1956 chánh quyền VNCH cũng cho tách 3 quận Chơn Thành của Thủ Dầu Một, cũng như An Lộc và vùng Lộc Ninh Hớn Quản của tỉnh Tây Ninh để thành lập tỉnh Bình Long, tỉnh lỵ được đặt tại An Lộc. Lúc đó về vị trí của tỉnh Bình Long, phía bắc giáp Cao Miên, phía đông giáp Phước Long, tây bắc giáp Cao Miên, tây nam giáp tỉnh Tây Ninh, và phía Nam giáp tỉnh Bình Dương (Thủ Dầu Một). Hai tỉnh Bình Long và Phước Long thuộc miền núi, đất đai tương đối khá cao so với các vùng khác của đồng bằng miền Nam. Đây là vùng tiếp giáp giữa cao nguyên Nam Trung Phần và đồng bằng Nam Phần. Đây là hai tỉnh có nhiều rừng núi nhất miền Nam, trong tỉnh Phước Long có ngọn núi Bà Rá cao 733 mét, trong khi quanh vùng Lộc Ninh là dãy núi thấp với những cánh rừng cao su bạt ngàn, tuy thế đất cao nhưng khá bằng phẳng, nên thời VNCH, chính phủ đã cho thành lập nhiều đồn điền cao su, cà phê, hồ tiêu và đào lộn hột (hột điều). Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản cho sáp nhập hai tỉnh Bình Long và Phước Long để thành lập tỉnh Bình Phước, mà tỉnh lỵ đặt tại Đồng Xoài. Tuy nhiên thị trấn Thác Mơ là trung tâm của tỉnh lỵ Phước Long cũ, vẫn còn là một trong những trung tâm thương mại và kinh tế quan trọng trong vùng. Tổng diện tích của tỉnh mới Bình Phước là 6.856 cây số vuông, gồm các quận Đồng Phú, Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đăng, Chơn Thành và Bù Đốp, và tổng dân số vào khoảng 719.400 người.

3) Tỉnh Biên Hòa:
Năm 1698, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào làm Kinh Lược, lấy xứ Lộc Dã, tức Đồng Nai lập thành huyện Phúc Long (Phước Long), đặt dinh Trấn Biên, chiêu mộ lưu dân của các vùng Quảng Bình trở vào Nam vào lập thôn ấp. Năm Gia Long thứ 7, nhà vua cho đổi Phúc Long làm phủ, gồm 4 tổng: Phước Chính, Bình An, Long Thành và Phước An. Năm Minh Mạng thứ 13, nhà vua đổi phủ Phước Long làm tỉnh Biên Hòa và đặt tuần phủ dưới quyền tổng đốc An-Biên. Năm Minh Mạng thứ 14, Biên Hòa rơi vào tay của Lê văn Khôi, đến năm Minh Mạng thứ 18, nhà Nguyễn tái chiếm Biên Hòa, cho đặt thêm phủ Phước Tuy và 2 huyện Nghĩa An và Long Khánh. Năm Minh Mạng thứ 19, nhà vua cho đặt thêm huyện Phước Bình. Năm Minh Mạng thứ 21, nhà vua đặt thêm 4 phủ Tân Định, Tân Bình, Tân Lợi và Tân Thuận. Ngay thời các chúa Nguyễn, thành Biên Hòa đã được xây trong địa hạt thôn Phước Chính, về sau dời về thôn Phước Lư. Năm Gia Long 15, nhà vua đã cho dời thành Biên Hòa về địa điểm hiện nay. Năm Minh Mạng thứ 15, nhà vua cho đắp thêm đất trên bờ thành, đến năm Minh Mạng thứ 18 thì nhà vua cho xây thành bằng đá ong. Ngay thời Minh Mạng, nhà vua đã cho mở trường học ngay tại Biên Hòa cũng như ở các phủ Phước Long và Phước Tuy.
Đến khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ thì họ cắt đất của tỉnh Biên Hòa để thành lập thêm hai tỉnh nữa là Thủ Dầu Một và Bà Rịa, theo La Cochinchine được chính quyền thuộc địa biên soạn năm 1890, về vị trí thời đó Biên Hòa Bắc giáp với Cao Miên, Nam giáp Bà Rịa Vũng Tàu, Tây giáp Thủ Dầu Một, và Đông giáp Bình Tuy. Lúc đó dân số Biên Hòa là 132.000 , đa số là người Việt, kế đến là người Hoa và người Khmer. Tỉnh lỵ Biên Hòa nằm trên tả ngạn sông Đồng Nai, cách Sài Gòn khoảng 30 cây số.
Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản sáp nhập vùng Long Khánh và Định Quán với thành phố Biên Hòa để thành lập tỉnh Đồng Nai với diện tích 5.895 cây số vuông.
Về vị trí, phía bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía nam giáp Bà Rịa Vũng Tàu, phía tây giáp tỉnh Bình Dương và Bình Long, Phước Long, phía đông giáp tỉnh Bình Thuận. Hiện tại tỉnh Đồng Nai bao gồm thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các quận Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và Trảng Bom. Dân số toàn tỉnh khoảng 2.095.500 người, đa số là người Việt chiếm khoảng 85 phần trăm, khoảng 5 phần trăm là người Hoa, số còn lại là các dân tộc thiểu số khác như người Stiêng, người Mạ, người Khmer, người Chàm... Về tôn giáo, đa số theo đạo Phật, còn lại một số ít theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Hồi, Cao Đài và Hòa Hảo.

4)Tỉnh Phước Tuy: (Xin xem bài Bà Rịa-Vũng Tàu nơi trang 407). 

5) Tỉnh Hậu Nghĩa:
Vì nhu cầu an ninh lãnh thổ, vào ngày 15 tháng 10 năm 1963(46), Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ban hành sắc luật thành lập tỉnh Hậu Nghĩa mà tỉnh lỵ là Khiêm Cương. Ngày 11 tháng 5 năm 1966, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương VNCH, Nguyễn Cao Kỳ, đã ký sắc lệnh số 88-SL/CC duyệt y đề án kiến thiết và chỉnh trang tỉnh lỵ Khiêm Cương. Về vị trí của tỉnh Hậu Nghĩa, bắc giáp Tây Ninh, nam giáp Tân An và Chợ Lớn, đông giáp Bình Dương, và tây giáp Mộc Hóa. Lúc đó tỉnh Hậu Nghĩa gồm các quận Đức Huệ, Đức Hòa(47), Củ Chi(48) và Trảng Bàng(49).
Mục đích thành lập tỉnh Hậu Nghĩa là vừa ngăn chặn sự xâm nhập của địch từ vùng mật khu Mỏ Vẹt và Ba Thu mà cũng vừa tăng cường vòng đai an ninh cho thủ đô Sài Gòn. Vì tính theo đường chim bay, quận Đức Hòa chỉ cách thủ đô Sài Gòn có 20 cây số mà thôi. Trong thời Pháp thuộc, các quận Trảng Bàng và Củ Chi thuộc tỉnh Tây Ninh, còn Đức Hòa thuộc tỉnh Tân An, về sau này được cho sáp nhập vào Chợ Lớn. Như vậy những quận này không phải là những vùng hoang vu mới khai khẩn, mà là những vùng đất thuộc, đã có dân cư từ lâu đời. Dù đất đai Hậu Nghĩa không phì nhiêu mầu mỡ như các vùng Lái Thiêu, Bình Dương, hay các tỉnh miền Tây, nhưng cây trái ở đây cũng rất sung túc, thường thì dư dùng cho dân trong tỉnh, còn dư lại thường được dân chúng vận chuyển qua ngã Phú Lâm vô Chợ Lớn hay ra Sài Gòn để phân phối cho các quận nội thành. Trong thời chiến tranh Nam Bắc thì Đức Hòa, Đức Huệ, Trảng Bàng, Củ Chi là những điểm nóng của chiến tranh gần thủ đô Sài Gòn nhất vì vùng này tương đối gần các mật khu Hố Bò, Bời Lời, Lào Táo và vùng địa đạo Củ Chi của Việt Cộng. Trong địa phận tỉnh Hậu Nghĩa, thì Đức Hòa là quận nhộn nhịp nhất vì nó là điểm giao tiếp giữa Chợ Lớn Sài Gòn và các vùng khác trong tỉnh. Ngã tư Đức Hòa còn là giao điểm của các con đường tỏa đi Bàu Trai(50), Hựu Thạnh, Mỹ Hạnh và Phú Lâm. Tuy Hậu Nghĩa không có sông lớn nhưng cả hai con sông Vàm Cỏ Đông(51) và Vàm Cỏ Tây(52), phát nguyên từ Cao Miên đều chảy ngang qua địa phận tỉnh Hậu Nghĩa trước khi qua Mộc Hóa và Tân An. Vàm Cỏ Đông là con sông chính của Hậu Nghĩa, còn Vàm Cỏ Tây thì đi ngang qua Đồng Tháp Mười rồi chảy vô Hậu Nghĩa trước khi chảy vào địa phận tỉnh Tân An. Sông Vàm Cỏ tuy không lớn lắm, nhưng đem nước đủ để tưới mát cho các vùng mà nó chảy qua. Ngoài ra, Hậu Nghĩa còn có nhiều kinh rạch như các rạch Bà Mảng, rạch Gần, rạch Trà Cau... và các kinh Xáng, kinh Trà Cú Thượng, kinh An Hạ, kinh Trảng Bàng...Về đường bộ thì Hậu Nghĩa có quốc lộ 1(53) nối liền Hiếu Thiện (Tây Ninh) xuống Trảng Bàng, Củ Chi và Hốc Môn. Liên tỉnh lộ 10 đi từ Sài Gòn lên Đức Hòa, Hậu Nghĩa, sau đó nó trở thành tỉnh lộ 825 đi biên giới Việt Miên. Ngoài ra, liên tỉnh lộ 10 và 19 còn nối liền Hậu Nghĩa với các tỉnh xung quanh và sang Cao Miên. Hậu Nghĩa không có non xanh nước biếc như những vùng ven biển, nhưng Hậu Nghĩa cũng có những cánh đồng bát ngát bao la và đó đây những cụm rừng tràm, tuy không lớn lắm nhưng cũng đủ biến Hậu Nghĩa thành những căn cứ địa cho địch quân trong thời chiến tranh.

6) Thành Phố Sài Gòn:
Vào thuở đất Sài Gòn hãy còn trực thuộc dinh Trấn Phiên (Gia Định) thì đó là một vùng đất hoang vu, nơi có rất ít người Việt đến cư ngụ. Đa phần dân cư tại Sài Gòn lúc bấy giờ là dân khờ me, Stieng và Chàm. Trước năm 1698, dân cư trong vùng Sài Gòn chỉ có khoảng chừng 10.000 người. Từ lúc có cư dân Việt Nam đến khi Pháp chiếm Nam kỳ thì vùng Sài Gòn có khoảng chừng 15.000 cư dân, nghĩa là cũng không tăng là bao nhiêu trong vòng 100 năm đó. Dưới chế độ thuộc địa từ năm 1859 đến năm 1954 thì Sài Gòn có khoảng 110.000 dân. Dưới thời đệ nhứt và đệ nhị Cộng Hòa (1954-1975), nghĩa là trong vòng 21 năm mà Sài Gòn đã có đến 3.500.000 dân. Từ năm 1975 đến nay (2005), nghĩa là trong vòng gần 30 năm mà dân Sài Gòn hiện tại đã có trên 5.000.000. Về vị trí của Sài Gòn thời VNCH, phía bắc Sài Gòn giáp Tây Ninh, Bình Dương và Biên Hòa, phía đông giáp Biên Hòa và Bà Rịa, phía tây giáp Long An, phía nam giáp tỉnh Gia Định.
Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất mới phía Nam, ông đã thành lập phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, và lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Lúc đó dinh Phiên Trấn chỉ có huyện Tân Bình và dinh Trấn Biên chỉ có huyện Phước Long.
Năm 1789, sau khi tái chiếm Gia Định, Nguyễn Ánh đã cho xây lại thành trì kiên cố để chuẩn bị lương thực cho chiến tranh giành lại giang sơn. Năm 1836 thì vua Minh Mạng cho xây thành Sài Gòn, có lẽ gần sở Ba Son bây giờ. Vào thời đó thì ở Sài Gòn có ba nơi đáng lưu ý là Thành Sài Gòn(54), chợ Bến Thành hay chợ Mới(55), và chợ Cũ(56). Năm 1832, sau khi Tả Quân Lê Văn Duyệt qua đời thì vua Minh Mạng cho đổi tên thành Gia Định ra thành Phiên An. Đến năm 1833 thì Lê văn Khôi nổi lên, hai năm sau, sau khi dẹp xong Lê văn Khôi thì Minh Mạng cho triệt hạ thành Phiên An. Thành Sài Gòn được xây bằng đá ong. Thuở ấy các kinh rạch dọc theo hai bên bờ sông Sài Gòn đều được lót bằng đá nguyên miếng lớn rất đẹp, tuy nhiên, vì thiếu săn sóc tu bổ nên không được sạch sẽ.
Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm thành Gia Định, đến năm 1862, Thống Đốc Bonard chia Gia Định ra làm 3 phủ, mỗi phủ có 3 huyện, dưới huyện có tổng, dưới tổng có xã. Lúc bấy giờ Sài Gòn vừa là tỉnh lỵ của tỉnh Gia Định, vừa là phủ lỵ của phủ Tân Bình, mà cũng vừa là huyện lỵ của huyện Tân Bình. Trong khi đó Chợ Lớn (Đê Ngạn) là huyện lỵ của huyện Tân Long cũng thuộc phủ Tân Bình.
Đến năm 1864, Pháp tách Chợ Lớn ra khỏi Sài Gòn vì thành phố của người Hoa này đang trên đà phát triển mạnh. Sau năm 1870, Sài Gòn bắt đầu có dáng vẻ cửa một thành phố Tây phương với sự phát triển theo hai trục Bắc Nam và Đông Tây. Và cũng kể từ sau năm 1870, các thương thuyền của người Tây phương và các nước lân cận bắt đầu lui tới tấp nập tại thương cảng Sài Gòn, và những cái tên chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Kho, chợ Rẫy, chợ Bến Thành, chợ Sài Gòn đã trở nên rất quen thuộc với mọi người. Năm 1874, Tổng Thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Lúc bấy giờ Sài Gòn thực sự trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương với những công trình xây dựng lớn, công sở, trung tâm thương mại, công nghệ, dịch vụ và giao thông. Vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX, Chợ Lớn được sáp nhập vào Sài Gòn nên Sài Gòn trở thành một đô thị lớn nhất Đông Dương. Sau đệ nhị thế chiến (1945) thì Sài Gòn được xem như là hòn ngọc Viễn Đông. Sài Gòn chính là con mắt của chín con rồng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng đất pha trộn rất nhiều sắc thái văn hóa khác nhau, do các di dân từ khắp nơi mang đến, từ người Việt, người Hoa, đến người Khmer, người Chăm, vân vân.
Trước năm 1975, Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Hiện tại Sài Gòn là thành phố lớn nhất cả nước, có trên 200 ngôi chợ lớn nhỏ. Trong số đó có những chợ nổi tiếng như chợ Lớn, chợ Bến Thành, chợ An Đông... Chợ Lớn được xây từ năm 1788 do một nhóm người Hoa từ cù lao Phố và Mỹ Tho kéo về bờ rạch Bến Nghé lập chợ buôn bán, và chính khu chợ đó đã phát triển thành Chợ Lớn ngày nay. Nơi đây có thể được xem như một China Town của Sài Gòn với đầy đủ hàng hóa từ thổ sản đến hàng công nghiệp nặng nhẹ được bày bán trong những khu phố của người Hoa nằm san sát nhau. Chợ Bến Thành có mặt từ trước những ngày Pháp chiếm Sài Gòn, nhưng đó chỉ là một ngôi chợ nhỏ nằm bên bờ sông Bến Nghé và sát cạnh thành Gia Định xưa. Lúc đó chợ được xây bằng gạch, khung gỗ và lợp tranh. Năm 1870, chợ bị cháy một phần nhưng vẫn hoạt động đến năm 1911, Pháp cho phá chợ cũ để xây ngôi chợ mới rộng rãi và khang trang hơn, có tháp đặt đồng hồ ngay cổng chánh. Chợ An Đông nằm trong vùng Chợ Lớn, đây là một trong những trung tâm thương mại sầm uất nhất của vùng Sài Gòn Chợ Lớn. Hiện tại chợ An Đông gồm năm tầng lầu, trong chợ có đầy đủ các mặt hàng bán lẻ cho dân địa phương và bán sỉ cho các chợ tỉnh ở miền Đông và miền Tây. Sài Gòn chẳng những là biểu trưng chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế cho miền Nam mà còn cho cả nước, vì hiện tại tổng sản lượng của Sài Gòn chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng toàn quốc.
Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản đổi tên Sài Gòn ra Hồ Chí Minh. Dù mang tên gì đi nữa, thì cái tên Sài Gòn với chiều dài lịch sử trên 300 năm vẫn là cái tên thân thương đối với người Việt Nam, bạo lực có thể cướp mất cái tên Sài Gòn trong chốc lát, nhưng không bạo lực nào có thể vĩnh viễn xóa được cái tên Sài Gòn trong lòng dân tộc Việt Nam, nhứt là trong lòng những người con dân Nam Kỳ. Hiện tại tỉnh Gia Định và thành phố Chợ Lớn được sáp nhập vào thành phố Hồ Chí Minh nên tổng diện tích thành phố nầy lên tới 2.095 cây số vuông, gồm 19 quận nội thành gồm các quận từ 1 đến 12 và các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, và Thủ Đức, và 5 quận ngoại thành gồm các quận Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Với chiều dài lịch sử trên 300 năm, khu vực Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn đã nghiễm nhiên trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của miền Nam.

7) Tỉnh Chợ Lớn:
Không biết những người Hoa đầu tiên đã đến vùng Sài Gòn-Gia Định vào năm nào, và cũng không biết danh xưng “Chợ Lớn” đã có từ hồi nào, nhưng theo các gia đình người Hoa ở đây lâu đời kể lại thì tổ tiên của họ đã đến vùng đất nầy ngay từ thế kỷ thứ XVII, theo chân các đoàn của các tướng Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch. Đến thế kỷ thứ XVIII thì người Hoa tại đây đã thiết lập một hệ thống thương mãi rất khắng khít với các thương nhân người Hoa ở Đài Loan, Hồng Kông và ngay cả tại lục địa Trung Hoa. Hồi nầy người Hoa còn dùng thuyền buồm để chuyên chở hàng hóa đến và đi các xứ khác. Thường thì những thuyền buồm của người Hoa đi vào thương cảng Cù Lao Phố (Biên Hòa). Vào khoảng những năm từ 1773 đến 1778, khi quân đội Tây Sơn kéo vào Nam triệt hạ tàn quân Nguyễn Ánh tại vùng Cù Lao Phố, khi ấy có một số người Hoa vì mang ơn các chúa Nguyễn nên chẳng những không chịu ủng hộ Tây Sơn mà còn ngấm ngầm tiếp tế và hỗ trợ cho tàn quân Nguyễn Ánh. Vì vậy mà năm 1778 quân đội Tây Sơn đã càn quét một trận lớn tại Cù Lao Phố, giết hại rất nhiều người Hoa và đuổi họ ra khỏi vùng Biên Hòa. Sau trận đó, người Hoa theo sông Bến Nghé chạy về vùng Tân Bình. Sau khi xem xét kỹ càng địa thế vùng nầy, họ quyết xây dựng một thành phố khác nằm giữa Cù Lao Phố và Đại Phố Mỹ Tho. Tuy nhiên, đến năm 1782, sau khi vừa ổn định và xây dựng một khu phố mới tại vùng Đê Ngạn (Chợ Lớn) thì quân Nguyễn Nhạc lại kéo vào phá hủy toàn bộ khu phố mới nầy. Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí, số binh sĩ Nguyễn Ánh cùng với xác người Hoa bị vứt xuống đầy một khúc sông từ Vàm Bến Nghé đến tận Kinh Chợ Lớn. Nhưng sau khi quân đội Tây Sơn rút về Qui Nhơn thì người Hoa lại co cụm và tái thiết phố xá ngay trên nền phố cũ. Sau khi lấn chiếm toàn bộ miền Nam vào năm 1867, chánh quyền thuộc địa quyết định đặt một sở Tham Biện tại vùng Chợ Lớn vì vị trí quan trọng của nó. Đến năm 1877, Thống đốc Nam Kỳ tách tổng Cựu An Thượng ra khỏi sở Tham biện Chợ Lớn để sáp nhập vào huyện Tân An(57). Năm 1899, vì phong trào Thiên Địa Hội ở Trung Quốc bành trướng và lan nhanh ra nước ngoài, đặc biệt tại những nơi có nhiều Hoa Kiều như vùng Chợ Lớn, vì nhu cầu trị an và kiểm soát người Hoa một cách chặt chẽ hơn, Toàn Quyền Pháp cho cắt một phần đất của Tân An thành lập tỉnh Chợ Lớn, gồm các quận Đức Hòa, Gò Đen, Cần Giuộc, và Cần Đước. Thời đó người Pháp lấy Gò Đen làm quận Châu Thành của tỉnh Chợ Lớn. Tỉnh Chợ Lớn có diện tích là 121.411 mẫu Tây, và tổng số dân là 210.183 người(58) gồm đa số là người Việt, kế đến là người Hoa, và một số rất ít người Âu và người Khmer. Tỉnh Chợ Lớn nằm về phía Đông Nam của Nam Kỳ Lục Tỉnh. Về vị trí, phía bắc giáp Tây Ninh, nam giáp biển Đông, nơi hợp lưu của sông Vàm Cỏ và sông Soài Rạp trước khi chảy ra biển, đông giáp tỉnh Gia Định và tây giáp tỉnh Long An. Về phía nam của tỉnh Chợ Lớn có nhiều sông ngòi và kinh rạch, sông Cần Giuộc đổ ra biển gần cửa sông Vàm Cỏ, kinh Nước Mặn nối liền sông Vàm Cỏ Đông với sông Cần Giuộc, là nơi ghe tàu qua lại tấp nập.
Vào năm 1925, Chợ Lớn là tỉnh có ngân sách tỉnh là 355.240 đồng bạc Đông Dương, một ngân sách tương đối lớn thời đó. Vào thời đó Chợ Lớn đã có tổng cộng 57 trường học và một trường học của người Hoa. Tại tỉnh lỵ có một bệnh viện do một bác sĩ người Pháp và 8 y tá người Việt điều hành, riêng tại mỗi quận đều có trạm xá và nhà hộ sinh có nữ hộ sinh phát thuốc và đỡ đẻ miễn phí. Về kinh tế, thời đó Chợ Lớn có hơn 60% diện tích trồng lúa và khoảng 15% diện tích trồng mía, số còn lại là vườn tược và thổ cư. Ngay khoảng những năm đầu thế kỷ 20 Chợ Lớn đã có nhà máy làm đường, tuy vậy mãi đến năm 1921 thì nhà máy đường Hiệp Hòa mới được thành lập, là nhà máy đường lớn nhất toàn quốc. Con đường sắt Sài Gòn đi Mỹ Tho chạy ngang qua Chợ Lớn và mỗi ngày có 4 chuyến xe lửa đi về nên Chợ Lớn còn là giao điểm vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Tây đến Sài Gòn Gia Định. Các thương gia vùng Chợ Lớn thường đi về miền Tây mua thóc lúa, súc vật, gia cầm, cũng như rau quả đem về vựa để cung cấp cho Sài Gòn Gia Định. Tuy nhiên, đến khoảng năm 1905 hay 1906 thì bãi bỏ tỉnh Chợ Lớn, phần lớn đất đai của tỉnh này lại được sáp nhập vào hai tỉnh Tân An và Gia Định.

8) Tỉnh Gia Định:
Vùng Gia Định xưa thuộc vương quốc Phù Nam, sau khi Phù Nam suy vong thì vùng này bị nước Thủy Chân Lạp chiếm ngụ. Đến năm 1698, Chúa Nguyễn sai Thống Suất Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh đem quân vào làm Kinh Lược, đặt phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình và toàn vùng nằm trong Dinh Phiên Trấn. Năm 1776, nhà Tây Sơn cất quân vào đánh chiếm Gia Định, nhưng lúc ấy Hoàng Đế Quang Trung phải đánh Nam dẹp Bắc, Nam thì có quân Xiêm do Nguyễn Ánh cõng về, Bắc thì có quân Thanh do Lê Chiêu Thống cầu lụy rước về, nên Ngài dồn toàn bộ lực lượng chống ngoại xâm. Nhân cơ hội ấy, Nguyễn Ánh kéo quân về tái chiếm Gia Định vào năm 1779, đến năm 1790 Nguyễn Ánh cho xây thành Bát Quái ở trên gò cao thuộc địa phận thôn Tân Khai, tổng Bình Dương, và thu thuế má của dân chúng để mua vũ khí và đóng tàu chờ ngày giành giựt lại giang sơn. Năm 1802 thì vua Gia Long cho đổi làm trấn Gia Định, năm 1808 thì đổi làm Gia Định Thành và đặt tổng trấn trông coi cả vùng Nam Kỳ.
Năm 1833, vua Minh Mạng chia Nam Kỳ ra làm 6 tỉnh nên có tên Nam Kỳ Lục Tỉnh từ đó. Gia Định là đất thuộc lâu đời của miền Nam, là nơi chứng kiến biết bao cuộc thư hùng giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn. Năm 1837, vua Minh Mạng cho xây lại thành Gia Định trong thôn Nghĩa Hòa, huyện Bình Dương. Dân số Gia Định vào thời Gia Long có chừng khoảng 28.200 người, đến cuối đời Minh Mạng lên đến 32.800 người, thống kê trước năm 1975 Gia Định có khoảng 900.000 dân. Bây giờ thì không biết dân số hiện tại là bao nhiêu.
Dưới thời Minh Mạng, các vùng bây giờ là Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Bình Dương, và một phần của Tân An đều thuộc về đất Gia Định. Ngày đó tất cả các chợ Bến Thành(59), chợ Bến Sỏi(60), chợ Tân Cảnh(61), chợ Điều Khiển(62), chợ Nguyễn Thức(63), chợ Thị Nghè, chợ Sài Gòn(64), vân vân, đều nằm trong phạm vi tỉnh Gia Định. Đất Gia Định xưa là nơi sản sanh chẳng những thi nhân mặc khách, mà còn sanh ra những võ tướng đã từng theo phò tá Gia Long như Võ Tánh, Phạm Đăng Hưng, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Tống Viết Phước, Trương Phúc Luật...Lúc Pháp mới chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, họ cắt bớt đất của tỉnh Gia Định để thành lập tỉnh Chợ Lớn và Long An, nên lúc ấy Gia Định chỉ còn lại bốn quận: Gò Vấp, Thủ Đức, Hóc Môn và Nhà Bè, với 17 tổng và 166 xã. Ngay từ khoảng những năm đầu thế kỷ 20, Gia Định đã có trên 500 cây số đường tráng nhựa, 1.200 cây số đường đất hầm. Tuyến xe lửa từ Sài Gòn đi Nha Trang phải chạy ngang qua Gia Định nên lúc ấy Gia Định là giao điểm giữa các tỉnh miền Trung và Sài Gòn. Về giao thông đường bộ, quốc lộ 4(65) chạy ngang qua Tân Bình, Bình Chánh trước khi đi về miền Tây.
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vị trí tỉnh Gia Định trải dài theo bờ sông Sài Gòn trên chiều dài hơn 100 cây số từ ranh giới tỉnh Tây Ninh đến tận cửa biển Cần Giờ(66), phía bắc giáp Sài Gòn và Biên Hòa(67), nam giáp Gò Công và Biển Đông, tây giáp Chợ Lớn, Long An, và Tây Ninh(68), và phía đông giáp Biên Hòa và Bà Rịa(69). Diện tích của tỉnh Gia Định là 180.000 mẫu Tây(70). Đất đai tỉnh Gia Định chia làm hai vùng rõ rệt: vùng thấp phù sa mầu mỡ dọc theo bờ sông Sài Gòn chạy ra đến biển, vùng này sản xuất lúa gạo cũng như thủy sản và hải sản, tuy nhiên hãy còn rất nhiều đầm lầy hoang vu gần biển chưa được khai khẩn; vùng cao là vùng đất pha cát nằm về phía bắc chạy dài đến Biên Hòa và Tây Ninh, vùng này chuyên sản xuất rau quả, thuốc lá, cau, dừa, tiêu, bắp, các loại đậu và mía làm đường để cung cấp cho nhu cầu của vùng Sài Gòn. Về phía Đông Bắc của Gia Định thời Pháp thuộc, hãy còn nhiều mảng rừng nhỏ trồng cao su. Gia Định là một trong những tỉnh kỳ cựu nhất của Nam Kỳ. Trước thời Nam Kỳ Lục Tỉnh thì Gia Định là thủ phủ của thành Phiên An. Thời Minh Mạng, Gia Định được đặt thành tỉnh(71).
Sau năm 1975, chánh quyền mới bãi bỏ tỉnh Gia Định và thủ đô Sài Gòn. Họ sáp nhập lãnh thổ thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn và tỉnh Gia Định vào thành phố Hồ Chí Minh. Âu cũng là luật vô thường tự nhiên của trời đất. 300 năm trước có ai ngờ rằng một ngày nào đó chẳng những thành Gia Định không còn trên trên bản đồ, mà ngay cả những gì còn hơi hướng của Gia Định đều bị xóa sổ.

9) Tỉnh Mộc Hóa:

Về phía Tây Bắc Tân An là Mộc Hóa. Vùng Mộc Hóa nằm trọn trong vùng Đồng Tháp Mười bao la bát ngát. Sở dĩ gọi là Đồng Tháp Mười vì giữa cánh đồng bao la có một ngôi tháp cổ mười tầng(72). Xưa kia Mộc Hóa là một quận lỵ nhỏ của tỉnh Tân An, nằm ở thượng lưu sông Vàm Cỏ Tây, giữa Đồng Tháp Mười. Hai bên bờ sông Vàm Cỏ quanh vùng Mộc Hóa toàn là dừa nước. Mộc Hóa là một vùng bao la với những rừng tràm, năng, lát, được thiên nhiên ưu đãi với vô số cá tôm, rùa, rắn, cua đinh... đây cũng là những đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười. Tân An là một tỉnh nông nghiệp, đất đai màu mỡ và phong phú trải dài theo hai con sông lớn là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Từ Mộc Hóa qua Cao Lãnh và ra Tân An hãy còn rất nhiều cụm rừng tràm, xa xa mới có một vài căn chòi xuất hiện. Cây cối quanh nhà còi cọc chứ không xanh tươi um tùm như những vùng khác ở miền Nam. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Mộc Hóa là tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Tường. Mộc Hóa nằm giữa Đồng Tháp Mười, bên bờ sông Vàm Cỏ Tây.
Sau năm 1975, Mộc Hóa bị chính quyền Cộng Sản sáp nhập vào tỉnh Long An. Giữa cánh đồng năng lát bạt ngàn, chen lẫn những khu rừng tràm ủng nước, Mộc Hóa thuở ban sơ chỉ là một xóm nhà dùng làm nơi dừng chân cho giới lang bạt giang hồ từ Việt Nam tìm đường lên Cao Miên lập nghiệp, hay giới buôn lậu những món hàng được chuyên chở từ Miên về. Vào mùa khô thì cả vùng này là vùng đồng khô cỏ cháy, nhưng đến mùa nước nổi thì vùng này biến thành một biển nước không cạn không sâu, nhưng rất thuận tiện cho bọn buôn lậu vận tải hàng hóa từ Miên về Việt Nam hay từ Việt Nam lên Miên. Trước thời Pháp thuộc thì đa số dân vùng Đồng Tháp và Mộc Hóa là người Miên, nhưng về sau này người Kinh và người Hoa từ các vùng khác đổ xô đến đây khai hoang lập nghiệp. Khoảng năm 1973 hay 1974, dù chánh quyền VNCH đã cố gắng bảo vệ và phát triển tỉnh Mộc Hóa, nhưng ngay tại tỉnh lỵ cũng chỉ có một vài khu phố lèo tèo, có căn lợp ngói, có căn lợp tôle fibro ciment, có căn hãy còn lợp lá. Về buôn bán thì chỉ có một vài tiệm tạp hóa của người Hoa. Hồi này dân chúng còn chăn nuôi thả rong heo, trâu, bò, gà, vịt... rồi bán cho bạn hàng từ Tân An lên. Mãi đến gần năm 1975 thì phương tiện duy nhất vẫn là tàu đò, còn con lộ từ Cai Lậy vô Ấp Bắc đi Mộc Hóa thì bị tàn phá gần hết, không còn lưu thông được nữa. Gần đây chính quyền cho xây con đường 62 từ Tân An đi Thủ Thừa, qua Thạnh Hóa, rồi từ đó ăn qua con lộ 49 cũ tại Tân Thạnh để đi thẳng lên Mộc Hóa, rồi lên Vĩnh Hưng(73).

10) Tỉnh Kiến Phong:
Về phía bắc đông bắc của Sa Đéc là tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh). Năm 1956, Tổng Thống VNCH thành lập tỉnh Kiến Phong vì nhu cầu an ninh lãnh thổ. Về vị trí, bắc giáp Cao Miên, nam giáp Sa Đéc, đông giáp Kiến Tường (Mộc Hóa) và Mỹ Tho, tây giáp Long Xuyên và Châu Đốc. Thị xã Cao Lãnh(74) nằm bên bờ sông Cao Lãnh. Ngay từ thời Pháp thuộc, Cao Lãnh là một đô thị sầm uất và là trung tâm kinh tế của khu Đồng Tháp Mười. Kiến Phong là một tỉnh nông nghiệp, tuy đất đai có vùng hãy còn ủng phèn, nhưng đa phần là đất màu mỡ do phù sa sông Cửu Long bồi đắp. Những vùng dọc theo bờ sông Tiền Giang bốn mùa cây cối xanh tươi. Cũng như các tỉnh dọc theo biên giới Việt Miên như Châu Đốc và Kiến Tường, Kiến Phong nằm trong vùng lũ lụt hằng năm, nên thiên nhiên đã ưu đãi cho Kiến Phong một loại lúa nước nổi, là một loại lúa mọc tự nhiên từ tháng 4 hay tháng 5 và đến tháng 10 thì thu hoạch mà không cần phải chăm bón hay phân phướn gì cả. Tuy nhiên, về sau này khi Kiến Phong được mở mang và phát triển thì chính phủ thời VNCH đã cho nghiên cứu và trồng thử nghiệm nhiều loại lúa Thần Nông ngắn ngày, và kết quả rất khả quan. Hiện nay thì Kiến Phong là một trong những vựa lúa lớn trên toàn quốc. Ngoài ra, trong hai thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa, trừ những vùng nào quá mất an ninh thì thôi, còn những vùng ven thị xã Cao Lãnh và ven bờ sông Tiền Giang thì chính phủ thời VNCH còn khuyến khích nhân dân trồng những loại cây công nghiệp ngắn ngày khác như mía, bông, thuốc lá, các loại đậu, đặc biệt là đậu nành để làm tàu hủ và tương hột. Kiến Phong còn là quê hương của những loài cây ăn trái nổi tiếng như xoài Cao Lãnh, quít Lai Vung, mận, nhãn Châu Thành, ổi và bưởi Phong Hòa, còn chôm chôm, vú sữa, và mãng cầu thì có hầu như quanh năm... Kiến Phong là một dãy đất gò tương đối cao nằm trong vùng Đồng Tháp Mười. Hiện nay muốn đi đến ngôi tháp cổ trong Đồng Tháp Mười, người ta có thể đi từ ngã Sa Đéc qua Cao Lãnh, hay từ ngã Cái Bè vào, hoặc từ Châu Đốc qua Tân Châu đến chợ Hồng Ngự, qua Tam Nông, đến Mỹ An, gò “tháp cổ”(75) cách chợ Mỹ An chừng 8 hay 9 cây số. Gò Tháp Mười là một khoảng đất cao với diện tích khoảng 100.000 thước vuông, chiều dài nhất khoảng nửa cây số. Vào mùa nước nổi thì xung quanh đều chìm vào biển nước, duy chỉ có gò tháp mười là không bị ngập. Hiện tại trên Gò Tháp có Tháp Mười, Tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ Đốc Binh Kiều, Gò Minh Sư và Miếu Bà Chúa Xứ. Theo các bô lão trong vùng kể lại thì ngôi Tháp Cổ Tự cách Tháp Mười chừng 100 mét đã có từ thời vua Thiệu Trị, và được xây ngay trên nền Tháp Cổ của người Phù Nam. Tuy nhiên, cho tới nay chưa ai biết rõ lai lịch của ngôi tháp cổ này, nhưng có nhiều giả thuyết, thứ nhất là ngôi tháp cổ mười tầng là do Thiên Hộ Dương xây để cho nghĩa quân làm trạm canh cho chiến khu Đồng Tháp, giả thuyết này không đứng vững, vì theo dân trong vùng ngôi tháp đã có từ lâu đời lắm rồi, chứ không phải sau thời Pháp chiếm miền Nam. Giả thuyết thứ nhì cho rằng đây là một trong những ngôi cổ mộ của các vì vua chúa của vương quốc Phù Nam, và giả thuyết thứ ba cho rằng đây là một trong những phế tích của một thành phố cổ thuộc vương quốc Phù Nam xưa kia. Hai giả thuyết sau này có phần có lý hơn giả thuyết thứ nhất, vì đất Nam Kỳ xưa kia thuộc vương quốc Phù Nam, và những gạch ngói cổ và một vài khối đá có hoa văn chạm trổ có tính nghệ thuật cao mà thỉnh thoảng dân trong vùng tìm thấy trong những cánh rừng tràm, có khi người ta cũng tìm thấy vàng bạc trên những gò đất cao... cho chúng ta thấy có lẽ vùng Tháp Mười xia kia cũng phồn thịnh, nhưng vì thế đất thấp nên chịu nhiều trận lũ từ miệt đồng bằng sông Cửu Long tràn qua, nên mới lâm vào cảnh “thương hải tang điền” này. Còn một giả thuyết nữa mà nhà khảo cổ học người Pháp tên Parmentier đã tìm thấy một bia đá có ghi chép lại rằng ngôi tháp cổ được xây vào thời vua Jayavarman (1181-1281). Nhà vua bị bệnh phong cùi nên ông rất thương cảm với nhân dân nghèo trong xứ, ông đã cho xây nhiều tháp tương tự như vậy để làm những trạm tế bần. Ngôi tháp ở Đồng Tháp là ngôi tháp thứ mười nên được gọi là “Tháp Mười.” Dù đã có bia đá ghi lại như thế nhưng đâu có chứng cứ nào xác thực nào chứng nhận ngôi tháp thứ mười ấy là ngôi phế tháp hiện tại, nên theo tôi giả thuyết thứ hai và thứ ba vẫn còn đứng vững. Vào thời Pháp mới xâm chiếm Việt Nam thì Đồng Tháp Mười là căn cứ kháng Pháp của các anh hùng Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương), Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân), Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều). Nhờ những đạo quân “Trời”(76) làm bức chắn, nên nghĩa quân dù thế yếu vẫn được Tháp Mười che chở và nuôi dưỡng để tấn công quấy phá địch. Năm 1957, chính quyền VNCH cho xây lại tháp(77), nhưng tháp ấy cũng bị chiến tranh tàn phá gần hết. Không biết sau chiến tranh người ta có trùng tu lại ngôi tháp hay không? Hiện tại tại gò Tháp Mười có đền thờ Đốc Binh Kiều và Miếu Bà Chúa Xứ, hằng năm dân chúng trong vùng vẫn tổ chức lễ vía bà vào ngày 16 tháng 3 âm lịch và lễ giỗ ngài Đốc Binh vào ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch. Về giao thông đường thủy, người ta có thể đi Cao Lãnh bằng cách đi theo tỉnh lộ từ Giáo Đức (Mỹ Thuận) đi lên, hay từ Sa Đéc qua bắc Cao Lãnh.
Kiến Phong có một hệ thống sông ngòi và kinh rạch chằng chịt, bên cạnh đó còn có những ao, hồ và đầm rộng mênh mông. Sông chính chảy qua Kiến Phong là sông Tiền Giang, một nhánh của sông Cửu Long, chảy qua địa phận tỉnh Kiến Phong trên một thủy lộ dài 132 cây số. Dọc theo hai bên bờ sông là hệ thống kinh rạch xẻ dọc xẻ ngang, tạo cho việc đi lại trong tỉnh bằng đường thủy rất thuận tiện. Trước năm 1975, vì chiến tranh nên đường sá chưa được tái thiết hay mở mang thì sự đi lại chính trong tỉnh Kiến Phong là những chiếc đò nhỏ mà dân trong vùng gọi là “Tắc Rán”.
Riêng vào mùa nước nổi thì không có phương tiện nào có thể đi lại trong tỉnh được ngoài những chiếc “Tắc Rán” này. Chính vì vậy mà có lẽ không nơi nào có nhiều những “bến đò” bằng tỉnh Kiến Phong, xa xa một đỗi trên dòng sông Tiền là có một bến đò, đò đi An Long, đò đi Hồng Ngự, đò đi Đồng Tiến... Về giao thông đường bộ, toàn tỉnh hiện có trên 300 cây số đường bộ. Con đường chính là liên tỉnh lộ 30 nối liền quốc lộ 4 tại quận Giáo Đức (tỉnh Mỹ Tho) với thị xã Cao Lãnh, quận Thanh Bình và quận Hồng Ngự, rồi đi thẳng lên Cao Miên. Thời VNCH, chính phủ muốn xây dựng thêm đường sá đi vào vùng Tháp Mười và Đồng Tiến, nhưng vì tình trạng chiến tranh nên chưa thực hiện được, bây giờ sau gần 30 hết chiến tranh chính quyền Cộng Sản tu sửa được hai con hương lộ 844 nối liền vùng Tam Nông với tỉnh lộ 30 ở khoảng giữa Thanh Bình đi Hồng Ngự, và hương lộ 846 nối liền Mỹ An với tỉnh lộ 30 trên khoảng giữa thị xã Cao Lãnh đi Thanh Bình. Về phương diện kinh tế, tỉnh Kiến Phong nói riêng, vùng Đồng Tháp Mười nói chung, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Vùng này, ngày xưa nổi tiếng hoang vu với những bưng biền, đầm, bàu và bạt ngàn đưng, lác, năng, sen, súng, và lau sậy, nên Đồng Tháp còn là khu an toàn của vô số cá tôm nước ngọt như cá lóc, cá trê, cá rô, và những loại cá trắng khác. Ngoài ra, đây cũng là khu an toàn và nơi sản sanh của vô số rắn, rùa, chuột, ếch, cua đinh, càng đước, cá sấu, và muôn loài chim muông khác... Nếu khu Đồng Tháp được dẫn thủy nhập điền và khai thác đúng mức thì chắc chắn ngoài lúa mùa ra, người ta sẽ canh tác được lúa ba trăng và các loại lúa “thần nông” khác, và mỗi công ruộng có thể thu hoạch hai hay ba chục giạ lúa. Khác với những vùng phụ cận như Vĩnh Long hay Sa Đéc, trước khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, dân vùng Cao Lãnh không có người theo đạo Thiên Chúa, mà đa phần theo đạo Phật. Sau khi Pháp chiếm Việt Nam, họ xây dựng nhà thờ và khuyến khích người dân theo đạo Gia Tô, hiện nay trong toàn tỉnh Kiến Phong có nhiều tôn giáo như Phật giáo, Thiên chúa, Cao Đài, Hòa Hảo, Bà Hai... Người dân ở đây cũng mang tính hài hòa và phóng khoáng như những vùng khác của đồng bằng sông Cửu Long.

Về dân số, trước năm 1975 tỉnh Kiến Phong có khoảng 700.000 dân. Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản sáp nhập Kiến Phong vào Sa Đéc để thành lập tỉnh Đồng Tháp với diện tích là 3.238 cây số vuông, với tổng dân số trên 1.607.800 người, gồm các quận Tân Hồng(78), Hồng Ngự, Tam Nông(79), Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành(80), và thị xã Sa Đéc. Về vị trí của tỉnh mới Đồng Tháp, bắc giáp Cao Miên, đông giáp Mộc Hóa(81), tây giáp Châu Đốc và Long Xuyên, nam giáp Vĩnh Long và Cần Thơ. Tại quận Thanh Bình, cách Cao Lãnh chừng 24 cây số về phía Tây Bắc hãy còn đền thờ Đốc Binh Vàng(82). Ngoài ra, tại thị xã Cao Lãnh còn có Văn Thánh Miếu, được quan Tri Phủ Hồ trọng Đính đứng ra xây dựng vào năm 1857 để thờ Đức Khổng Phu Tử cùng tứ Thánh(83). Năm 1878, Văn Thánh Miếu được dời đến địa điểm hiện tại trong phạm vi phường 1 thị xã Cao Lãnh. Sau năm 1975, chính quyền mới lấy Văn Thánh Miếu để làm thư viện của tỉnh Đồng Tháp. Đồng Tháp đất đai bao la thì làm gì thiếu nơi thiếu chốn cho họ xây dựng một thư viện, nhưng họ cố tình làm như vậy để xóa mờ đi truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Tại quận Hồng Ngự hiện còn ngôi đình Long Khánh, được xây trên cù lao Long Khánh, đây là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và các vị tiền hiền hậu hiền. Ngoài ra, trong vùng An Long Đồng Tiến(84) còn có khu tràm chim nằm trong khu rừng tràm các xã Tân Công Sinh, Phú Đức, Phú Thọ, và Phú Thành. Khu tràm chim An Long Hồng Ngự này rất đặc biệt vì trong vùng Đồng Tháp thật đa dạng này, thường mênh mông những nước vào mùa mưa, nhưng trở thành đồng khô cỏ cháy vào mùa nắng. tuy nhiên, khu này thì rừng tràm ủng nước quanh năm là khu an toàn của các loài chim, cò, sếu, trích, hạc, gà đãy, sếu cổ trụi, ngan cánh trắng, te vàng, bồ nông, diệc, vịt trời, các loại cò... Tại đây có những loài sếu cao đến hơn 2 mét với bộ lông xám mượt và đôi cánh dang ra thật rộng Đây còn là nơi sinh sản của các loài trăn, rắn, rùa, lương, ếch, và nhiều loại cá đồng khác. Đây cũng là một trong những vùng ủng nước còn lại duy nhất của vùng Đồng Tháp, mà bất cứ chính phủ có trách nhiệm nào cũng phải ra sức bảo vệ. Về phía Nam của tràm chim là Vườn Cò Tháp Mười(85), đây là khu an toàn của hàng vạn loại cò từ các nơi bay về mỗi buổi chiều.

11) Tỉnh Định Tường:
Vào thời chúa Hiền, năm 1679 có quan tổng binh Long Môn(86) của nhà Minh là Dương ngạn Địch, sau khi triều đình lọt vào tay nhà Thanh, đã cùng phó tổng binh Huỳnh Tấn và tổng binh Châu Cao, và quan tổng binh Châu Lôi và Châu Liêm là Trần thượng Xuyên và Trần an Bình cùng nhau cất quân diệt Thanh nhưng thất bại. Sau đó họ kéo vô đàng trong của nước Việt gặp chúa Hiền. Tuy không thích gì họ nhưng chúa Hiền cũng nghĩ ra cách dùng họ như những người tiên phong đi khai thác đất phương Nam. Đoàn quân của Dương ngạn Địch cùng nhau kéo về miền Nam, Trần thượng Xuyên thì đi vào cửa Cần Giờ, ngược dòng Đồng Nai lên Biên Hòa và Gia Định. Dương ngạn Địch và Huỳnh Tấn theo cửa sông Cửu Long kéo vào vùng mà bây giờ mà mình gọi là Mỹ Tho. Hồi này người Chân Lạp vẫn còn làm chủ phần đất Nam Kỳ Lục Tỉnh mặc dù quân của chúa Nguyễn cũng đã có mặt tại đất Gia Định.
Năm 1731, nhân vụ quân Chân Lạp từ vùng Tầm Bôn (Tân An) kéo lên quấy phá lưu dân ở Gia Định nên chúa Nguyễn Phúc Chu tức giận bèn xua quân đánh chiếm các vùng Định Tường và Long Hồ và sáp nhập Định Tường vào dinh Trấn Phiên (Gia Định), đồng thời thành lập thêm dinh Long Hồ. Cũng năm này thủ phủ của tỉnh Định Tường tại Cái Bè(87) được dời về bên bờ rạch Bảo Định. Năm 1753, chúa Võ Vương cho lập đạo Trường Đồn gồm đất Mỹ Tho và Cao Lãnh, rộng đến biên giới Cao Miên bây giờ. Thời Nam Kỳ Lục Tỉnh, Định Tường là một tỉnh lớn, chạy dài từ biên giới Miên Việt xuống Hồng Ngự, Cao Lãnh, Sa Đéc...bốn mặt đều là đồng bằng và sông rạch. Bắc giáp Cao Miên, Nam giáp Vĩnh Long, Tây giáp Vĩnh Long và An Giang, Đông chạy ra tận biển Đông. Định Tường nằm ở lưu vực sông Tiền và các nhánh nhỏ khác của sông Cửu Long. Trước thuộc hai huyện Kiến Hưng và Kiến Đăng, chạy dài từ Tân Hiệp (Bến Tranh) qua Thuộc Nhiêu tới vùng Cai Lậy, Cái Bè và Giáo Đức. Thành Định Tường cũ nằm trong địa phận hai thôn Điều Hòa và Bình Biên, thuộc huyện Kiến Hưng. Sau khi xâm chiếm Việt Nam, Pháp chia Định Tường ra làm 3 tỉnh gồm Mỹ Tho, Gò Công và Sa Đéc.
Dưới thời Gia Long, nhà vua chia Nam kỳ ra làm 4 dinh và một trấn: dinh Trấn Biên (Biên Hòa), dinh Trấn Phiên (Gia Định), dinh Trấn Định (Mỹ Tho), dinh Trấn Vĩnh (Vĩnh Long) và trấn Hà Tiên. Đời Minh Mạng, sau khi Lê văn Duyệt qua đời, nhà vua bãi bỏ chức tổng trấn Gia Định thành và đổi dinh làm tỉnh. Nhà vua chia Nam kỳ ra làm 6 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Thời Tự Đức, vua sai Nguyễn tri Phương vào làm Kinh Lược Sứ và Phan thanh Giản làm Phó Kinh Lược Sứ.
Năm 1859, quân Pháp từ Đà Nẳng kéo vào đánh chiếm ba tỉnh miền Đông là
Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Thời đó, về vị trí, phía bắc Định Tường bao gồm Mộc Hóa và giáp với biên giới Cao Miên(88), nam giáp sông Tiền Giang(89) và biển Đông, phía đông giáp Gò Công và biển Đông, tây nam giáp Sa Đéc. Ngày đó Định Tường bao gồm các tỉnh Kiến Tường (Mộc Hóa), Kiến Phong (Cao Lãnh) và Gò Công. Hiện tại thì Định Tường về phía tây bắc giáp Mộc Hóa, đông bắc giáp Tân An, đông giáp Gò Công, đông nam giáp Kiến Hòa, tây giáp Cao Lãnh và nam giáp Vĩnh Long. Dưới thời Pháp thuộc, Định Tường có 4 quận là Châu Thành Mỹ Tho, Kiến Hòa, Kiến Phong và Kiến Đăng (vùng Cai Lậy). Tổng diện tích thời đó là 223.660 mẫu Tây. Tổng dân số của Định Tường theo thống kê năm 1870 của La Cochinchine là 325.000 người, đa số là người Việt, kế đến là người Hoa, rất ít người Khmer trong vùng Định Tường.
Trước năm 1945, tỉnh Định Tường gồm 8 quận: Bến Tranh, Chợ Gạo, Giáo Đức, Gò Công, Hòa Đồng, Khiêm Ích (Cai Lậy), Long Định (Châu Thành), và Sùng Hiếu (Cái Bè). Sau 1945 thì 2 quận Hòa Đồng và Gò Công tách ra làm tỉnh Gò Công. Từ năm 1954 đến 1975, chánh quyền VNCH vẫn giữ tỉnh Định Tường như cũ, tuy nhiên, dân trong vùng vẫn quen gọi bằng tỉnh Mỹ Tho. Vùng Mỹ Tho là một trong những vùng phong phú nhứt của Nam Kỳ Lục Tỉnh nhờ được bao bọc bởi nhiều sông rạch. Định Tường không có rừng núi nên không có lâm sản và khoáng sản. Định Tường nằm trọn giữa hai con sông Tiền Giang và Ba Lai, được phù sa sông Cửu Long bồi đắp nên đất đai phì nhiêu, cây cối xanh tươi quanh năm. Định Tường có nhiều cù lao: An Hóa(90), cù lao Rồng(91), Thới Sơn (Sầm Giang), và cù lao Năm Thôn (Cai Lậy).
Ngoài những cù lao trên, Định Tường còn có cồn Qui (Giáo Đức). Sông Tiền Giang chảy vào Định Tường ở khúc cù lao Rồng rộng tới 3 cây số. Lưu lượng sông Cửu Long rất lớn và nước sông chảy mạnh, nhất là vào mùa nước lớn, tuy nhiên, Định Tường ít khi bị ngập lụt vì có nhiều sông rạch và gần biển nên nước rút rất nhanh. Định Tường có 8 con rạch lớn: rạch Cái Thia ở Giáo Đức với ba nhánh là Cái Cối, Cái Thia và Mỹ Thiện, rạch Trà Lốt ở Phong Hòa Cái Bè, rạch Cái Bè có 2 nhánh là nhánh Tây chảy qua Phong Hòa (Cái bè) và nhánh Đông chảy qua Lợi Thuận (Cái Bè), hai nhánh này gặp nhau tại chợ Cái Bè. Rạch Ba Rài chảy qua Cai Lậy và Sùng Hiếu (Cái Bè). Rạch Trà Tân trong tổng Lợi Hòa (Cai Lậy). Rạch Gầm chảy qua Long Định. Rạch Bảo Định chảy qua Bến Tranh, rạch này chảy thông với hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.
Sau năm 1975, chánh quyền sáp nhập 2 tỉnh Định Tường và Gò Công lại với nhau để thành lập tỉnh Tiền Giang. Hiện tại, tỉnh Tiền Giang gồm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và 7 huyện: Cái bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, và Tân Phước, với tổng diện tích là 2.366 cây số vuông, và tổng dân số là 1.068.300 người. Về vị trí, phía bắc giáp tỉnh Long An, phía nam giáp 2 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long, phía đông giáp biển Đông, và phía tây giáp tỉnh Đồng Tháp.

***

Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,3,4..ở cột danh mục hai bên.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét