Một thời danh vọng, nhưng rồi cũng chẳng mãi cùng năm tháng.
Ô
Y Hạng là con đường nhỏ ở phía nam sông Tần Hoài thuộc thành phố Nam
Kinh. Con đường này vốn chẳng tên tuổi gì, nhưng kể từ khi có bài thơ
của Lưu Tích Vũ, con đường nhỏ trở nên nổi tiếng. Từ đó, người đời sau
có các cách giải thích khác nhau về ý nghĩa, xuất xứ tên gọi Ô Y Hạng:
- Theo sách "Trung Quốc Lịch Đại Danh Thi Phân Loại Đại Điển"
do Hồ Quang Chu và Chu Mãn Giang chủ biên đã viết như sau: Con đường
nhỏ phía Nam sông Tần Hoài, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Thời Tam
Quốc, là nơi Đông Ngô từng lập doanh trại quân đội tại đấy, binh sĩ đều
mặc áo đen nên gọi ngõ hẻm đó mới có tên là Ô Y Hạng.
- Cũng theo cách giải thích của người Tàu, có truyền thuyết rằng: vào thời Tấn, đây là nơi ở của hai danh gia vọng tộc Vương Đạo, Tạ An. Con cháu những nhà này thường mặc áo đen, từ đó có tên gọi ngõ Ô Y.
- Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh (trang 88), Ô Y là tên gọi riêng của Chim Én . Nếu ta đối chiếu với ý nghĩa trong bài thơ của Lưu Tích Vũ thì quả thật vẫn không sai.
(tham khảo: Bài viết của An Chi và "Hán Việt Tự Điển" Đào Duy Anh)
Người Tàu có hai cách giải thích, trong khi đó theo giải nghĩa của Đào Duy Anh cũng hợp lý.
Như vậy Ô Y Hạng ( 烏衣巷 ) có hai nghĩa: Hẻm Áo Đen và Hẻm Chim Én.
Và Ô Y (烏衣) cũng sẽ có hai nghĩa là Áo Đen; Chim Én
Bản Hán Tự Phiên Âm Hán Việt
烏衣巷 Ô Y Hạng
朱雀橋邊野草花 Chu Tước kiều biên dã thảo hoa
烏衣巷口夕陽斜 Ô Y hạng khẩu tịch dương tà.
舊時王謝堂前燕 Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến
飛入尋常百姓家 Phi nhập tầm thường bách tính gia.
劉禹錫 Lưu Tích Vũ
Dịch Nghĩa Nôm: Ngõ Hẻm Ô Y
Bên cầu Chu Tước đầy những hoa cỏ hoang dại
Nơi hẻm Ô Y trời đã về chiều
Thuở trước, chim én thường xuất hiện trước nhà Vương Đạo, Tạ An
Nay bay vào những nhà bình thường của trăm họ.
Nơi hẻm Ô Y trời đã về chiều
Thuở trước, chim én thường xuất hiện trước nhà Vương Đạo, Tạ An
Nay bay vào những nhà bình thường của trăm họ.
Dịch Thơ:
Hẻm Ô Y
1/
Chu Tước cầu cỏ hoa bít lối
Hẻm Ô Y bóng tối dần lan
Lầu Vương Tạ én từng đàn
Giờ tìm đến chốn dân gian tầm thường
2/
Chu Tước bên cầu hoa cỏ hoang
Ô Y ngõ hẻm ánh chiều vàng
Một thời én lượn lầu Vương Tạ
Nay dẫu nhà thường cũng phải sang.
Quên Đi
***
Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây :
Ô Y HẠNG của Lưu Vũ Tích
1.Nguyên bản chữ Hán của bài thơ :
烏衣巷 Ô Y HẠNG
朱雀橋邊野草花, Chu tước kiều biên dã thảo hoa,
烏衣巷口夕陽斜。 Ô y hạng khẩu tịch dương tà.
舊時王謝堂前燕, Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
飛入尋常百姓家。 Phi nhập tầm thường bách tính gia.
劉禹錫 Lưu Vũ Tích
2.Chú Thích :
Ô Y HẠNG 烏衣巷 : Ô là Màu đen, Y là Áo, Hạng là Con Hẽm. Ô Y Hạng là Con hẻm áo đen. Có tích như sau :
Ô Y Hạng là một con hẻm của TP Nam Kinh nằm ở phía nam của sông Tần
Hoài, con hẻm nầy có từ đời Tam Quốc, thuộc nước Đông Ngô, nơi độì Cấm
quân Áo Đen trú đóng mà thành tên. ( Một điều thú vị mà văn nhân thi sĩ
không biết tới, đội Cấm quân Áo Đen chính là đội Thuỷ quân Người Nhái
được huấn luyện bên bờ sông Tần Hoài và Trường Giang chuyên đục lủng
thuyền của quân địch. Chiếu theo ngũ hành, Thuỷ thuộc màu Đen, nên đội
Người Nhái nầy toàn mặc quân phục màu đen là vì thế !).
Sau, vào đời Đông Tấn, là nơi ở của 2 danh gia vọng tộc Vương Đạo và
Tạ An. Gia nhân, ngưòi ăn kẻ ở của 2 nhà nầy đều mặc đồ đen, ra vào nườm
nượp trong con hẻm nầy, nên Ô Y Hạng càng nổi tiếng " Ô Y " hơn. Con em
của 2 nhà nầy được gọi là " Ô Y Lang ", có nghĩa là : Các Chàng của hẻm
Áo Đen ( Ý chỉ là con em của hẻm nhà giàu, chớ chưa chắc là họ thích
mặc màu đen đâu !). Nhưng đến đời Đường thì Ô Y Hạng bị bỏ phế, và cho
đến hiện nay, thì ....Ô Y Hạng là khu tập trung sản xuất công nghệ phẩm
của dân gian.
CHU TƯỚC KIỀU 朱雀橋 : CHU là Màu đỏ, TƯỚC là Chim sẻ, KIỀU là Cầu. CHU
TƯỚC KIỀU là Cây cầu bắt ngang sông Tần Hoài qua Thành phố Nam Kinh đưa
đến Ô Y Hạng, giữa cầu có lầu canh được trang trí bằng 2 con chim sẻ
bằng đồng là kiến trúc của Tạ An xây nên.
DÃ THẢO HOA : DÃ 野 là Hoang dã. DÃ THẢO HOA là Hoa cỏ mọc một cách hoang dã, không được trồng trọt, chăm sóc.
3. NGHĨA BÀI THƠ :
Bên cầu Chu Tước ( lẽ ra rất phồn vinh tấp nập người qua kẻ lại, thì
nay...) cỏ hoang hoa dại phủ đầy, và ở đầu con hẻm Ô Y ( không còn
nườm nượp gia nhân ra vào như xưa, mà nay ...) chỉ thấy nắng chiều
nghiêng nghiêng buồn bã. Những con én ngày xưa chít chiu ríu rít trên
rường nhà của Vương Đạo và Tạ An, nay đã bay hết ra nhà của bá tánh
thường dân rồi !
Chim én
là biểu tượng của mùa xuân, của ấm êm hạnh phúc. Theo tập tính thì
chim én chỉ làm tổ trên những rường nhà có người ở, còn nhà bỏ hoang thì
chim én cũng... bay luôn !
Lưu
Vũ Tích đã khéo dùng hình ảnh hoang dại của cỏ hoa, cái nghiêng nghiêng
sắp tắt của nắng chiều, và sự vắng lặng trơ vơ không một bóng chim lai
vãng để gợi nên sự tiêu điều hoang phế của các danh gia vọng tộc đã từng
vang bóng một thời, nay thì ..." thời oanh liệt nay còn đâu !!!"
Quả là một bài thơ hoài cổ não lòng, làm ta chợt nhớ đến 4 câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan :
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương !
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương !!!
4.Dịch Thơ:
Hẻm Ô Y
1/
Bên cầu Chu Tước cỏ hoa hoang,
Trước hẻm Ô Y ánh nắng tàn.
Chim én trên rường Vương Tạ trước,
Nay đà bay đến với dân gian !
2/
Cỏ hoang hoa dại bên cầu,
Chiều nghiêng nắng xế thêm sầu Ô Y.
Én xưa cũng hết rù rì,
Bỏ nhà Vương Tạ bay đi dân thường !
Đỗ Chiêu Đức
***
Hẻm Ô Y
***
Hẻm Ô Y
Cỏ hoa ngập lối cầu Chu Tước
Cỏ hoa ngập lối cầu Chu Tước
Trước ngỏ Ô Y nắng sắp tàn
Vương Tạ lầu cao thời én lượn
Chim đàn sang ở chốn dân gian
Kim Phượng
***Hẻm Ô Y
Cầu Chu Tước cỏ dại hoa hoang
Hẻm vắng Ô Y bóng xế tàn.
Soái phủ Tạ, Vương chim én tựu,
Nay bay hòa nhập cửa dân làng .
Mai Xuân Thanh
Ngày 17 tháng 11 năm 2015
***
Ô Y Hạng
PKT 11/18/2015
Bên cầu Chu Tước ,cỏ hoa dại ,
Đầu ngỏ Ô Y , chiều nắng tàn.
Con én , ngày xưa , nhà vọng tộc ,
Ngẩn ngơ ,về đậu , xóm dân gian. ***
Hẻm Ô Y
Chu Tước - cạnh cầu ngập cỏ hoang
Ô Y - trước hẻm nắng phai tàn
Nhạn xưa ríu rít nhà Vương Tạ
Rã đám bay vào chốn thế gian
Phương Hà
***
Ông Quách Tấn có ghi chú cụm từ
Ô y hạng là (trích) : Ngõ áo đen hay xóm
áo đen bên Tầu. Xóm có hai họ lớn thường cho con cháu mặc cả áo đen. Tôi
cho là ông đã lầm, hoặc do ông chép lại của người khác. Cả Đào Duy Anh cũng lầm
khi ghi vào Từ điển : Ô y là tiếng gọi chim én vì liên tưởng đến bài thơ của
Lưu Vũ Tích có nói đến chim én.
Ô y thật ra chỉ có nghĩa là con quạ đen, thành ngữ người Tầu gọi
xách mé các ông tham quan ô lại, mà từ bây giờ gọi là "tham nhũng" như trùm nhà thổ là “con rùa đen”.
Nhà có chim sẻ (tước) và chim én
(yến) đến làm tổ được coi như dấu hiệu của sự an ổn, an cư mà an ổn, an cư là chỉ
dấu của sự phát đạt, thịnh vượng.
Bài thơ của Lưu Vũ Tích chỉ có
hàm nghĩa là : Ngày xưa bọn họ Vương, họ
Tạ được an ổn thịnh vượng nay thì sự an ổn thịnh vượng đó đã trao về cho hàng
Bách tính rồi, là nói về một sự thay đổi "bể dâu" của đất nước một
cách ám dụ.
Danh Hữu
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét