Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Nguyễn Trãi: Chí Linh Sơn Phú (Bản Diễn Nôm)



Tóm Tắt Tiểu Sử:

Nguyễn Trãi (阮廌), hiệu là Ức Trai (抑齋) sinh năm 1380 mất năm 1442, tại làng Chi Ngại, huyện Chí Linh (nay là thị xã Chí Linh Tỉnh Hải Dương). Cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Ứng Long, tức Nguyễn Phi Khanh , người làng Chi Ngại, một nho sĩ hay chữ nhưng nghèo và mẹ là Trần Thị Thái, con gái thứ ba của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Nguyễn Trãi  từng làm quan nhà Hồ và công thần khai quốc nhà Hậu Lê trong Lịch sử Việt Nam. Sau khi Việt Nam bị rơi vào sự cai trị của Nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách Minh thuộc. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viện. Năm 1464, vua Lê Thánh Tôn xuống Chiếu giải oan cho ông.
Nguyễn Trãi cũng là một nhà văn hoá lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam.

Tác Phẩm
  • Ức Trai Thi Tập là tập thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi, gồm 105 bài thơ, trong đó có bài Côn Sơn Ca nổi tiếng.
  • Quốc Âm Thi Tập là tập thơ bằng chữ Nôm của Nguyễn Trãi, gồm 254 bài thơ, chia làm 4 mục: Vô đề (192 bài), Thời lệnh môn (21 bài), Hoa mộc môn (34 bài), Cầm thú môn (7 bài). Đây là tập thơ nôm xưa nhất của Việt Nam còn lại đến nay. Bằng tập thơ này, Nguyễn Trãi là người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam
  • Chí Linh Sơn Phú là bài phú bằng chữ Hán, kể lại sự kiện nghĩa quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh lần thứ ba vào năm 1422.
  • Băng Hồ Di Sự Luc là thiên tản văn bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi làm vào năm 1428, kể về cuộc đời Trần Nguyên Đán.
Ngoài ra, Nguyễn Trãi còn có một số tác phẩm khác như Ngọc đường di cảo, Thạch khánh đồ, Luật thư, Giao tự đại lễ nhưng đều không còn lại đến ngày nay.


- Chí Linh Sơn Phú (Bản Diễn Nôm)

Rồng thiêng bay chừ trên Lam Kinh,
Giáo trời chỉ chừ ải Bắc yên.
Sáng nghiệp thành công bao khó nhọc,
Núi sông miền Tây thật là thiêng!
Ôi! Vua ta tài thánh võ,
Gánh việc bốn phương kinh doanh,
Lao tâm khổ tứ, vận nước gian truân.
Đã do trời mà biết thời,
Lại cố chí để công thành.
Nhờ thế ngày nay Hồ-Việt mới hoá một nhà,
Mà núi này được thiên cổ lưu danh.
Khi nghĩa binh mới nổi, thế giặc hoành hành,
Cả nước anh hào như lá thu sương.
Chí nuốt Ngô chừ, ai là Chủng? ai là Lãi?
Mưu hưng Hán chừ, ai là Bình? ai là Lương?
Vua ta giấu vết ở núi này, đành nín hơi để náu nương.
Vợ con lưu ly, quân sĩ tan tác,
Tuy khốn đốn mà lại hay, vì có điều sắp vẻ vang.
Mang giáp trụ để che thân, lấy củ rau để làm lương.
Chí hăm hở lo toan, lòng căm tức chẳng hề quên.
Tưởng núi này lúc bấy giờ chừ khác nào núi Mang Đãng của vua Hán.
Bởi biết người biết mình, hay yếu hay mạnh.
Đợi thời chờ dịp,
Giấu sắc giấu tài.
Ăn thường nếm mật,
Ngủ thường nằm gai.
Lo rửa nhục cũ, khôi phục đất xưa,
Tưởng núi này lúc bấy giờ chừ há chẳng giống núi Cối Kê dung Việt Vương hay sao?
Rồi thu thập tàn quân, nuôi vỗ ân cần,
Trong rèn chiến cụ, ngoài giả hoà thân,
Bỏ vàng mộ lính, giết voi khao quân.
Ai cũng mến vua mà liều chết,
Ai cũng muốn ra sức để đền ân.
Thế rồi luyện binh, kén tướng, mưu cao như thần,
Sống nhục thà thác vinh, biết quân ta khả dụng.
Lương thực khí giới do giặc cấp cho mình,
Vạn toàn quyết thắng, một mũi tên không coi khinh.
Cầm Bành dập đầu để hiến đất,
Phương Chính đứt hơi mà hồn kinh.
Liền giữ hiểm để lập công, lại dùng mưu để lừa địch,
Đêm thì đốt lửa, ngày thì kéo cờ.
Chiếm Đỗ Gia để tranh chỗ lợi,
Qua Khả Lưu vượt sông để đánh đắm quân thù.
Sấm vang chớp giật, trúc chẻ tro bay.
Chu Kiệt bỏ cũi, Hoàng Thành phơi thây.
Đất Nghệ An chiếm lại, Tây Đô thu nhanh về tay.
Gạo nước đón rước,
Người theo đường đầy.
Hào kiệt nghiến răng vì căm giận,
Phụ lão nức nở thấy ngày nay.
Tiếng quân ta ngày càng vang dậy,
Giặc mỏi mệt ngày càng thua chạy.
Trận Thị Cầu như ổ kiến làm đê vỡ,
Trận Tốt Động như gió mạnh gãy cành cây.
Trần Hiệp, Lý Lượng như dưới hố cọp sa,
Vương Thông, Mã Kỳ như vạc sôi cá nhảy.
Muôn dặm non sông thu phục lại,
Đông Đô phường phố vẫn y nguyên.
Lúc bấy giờ khác nào Hán Cao bốn mặt vây Cai Hạ.
Thế mà lòng tham của giặc còn không nén,
Đốc quân cả nước lại kéo đến.
Chữa cháy thêm dầu, vui hoạ thích tai.
Nên Liễu Thăng bỏ mạng mà Chi Lăng máu chảy,
Mộc Thạnh trốn đêm mà Lãnh Câu đầy thây.
Viện binh hai đạo chưa kịp trở gót mà đại bại,
Thành giặc các nơi không đổ máu mà mở cửa ra hàng.
Vẫy đuôi xin tha, thảm thiết kêu than.
Lúc bấy giờ há lại chẳng giống Câu Tiễn vây Ngô Vương ở đài Cô Tô hay sao?
Tuy nhiên quy mô to lớn của Hán Cao cũng giống như đức thịnh của vua ta ngày nay,
Còn Câu Tiễn chỉ lo thoả chí phục thù há lại có thể muôn một sánh tày.
Đến như thần võ không giết,
Đức lớn hiếu sinh.
Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước,
Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh.
Sửa hoà hiếu cho hai nước,
Tắt muôn đời chiến tranh.
Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh.
Như thế thịnh đức của vua ta, há Hán Cao có thể sánh được, mà phải cùng khen với Nhị Đế, Tam Hoàng kia.
Than ôi! Từ xưa đến nay,
Trăm đời đổi thay.
Nghiêu từ Đường hầu Thuần từ hàn vi,
Thành Thang mở đầu từ núi Bạc,
Thái vương dời sang đất Kỳ.
Thế là bởi tai nạn nhiều là gốc dựng nước, lo nghĩ nhiều là cái nền mở nghiệp thánh.


Nguồn: Nguyễn Trãi toàn tập, Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, 1976


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét