Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Giang Lâu Thư Hoài - Triệu Hỗ


Triệu Hỗ 趙嘏 (810-856) tự Thừa Hựu 承祐, sinh quán ở huyện Sơn Dương, thuộc Sơn Ðông ngày nay. Tên ông cũng có khi đọc là Giả. Năm mới 17 tuổi ông đã được cử làm Hương cống lên cư ngụ Trường An. Ở đây ông kết du rộng rãi với các văn nhân đương thời, thường chỉ suốt ngày “nghêu ngao vui thú yên hà.” Ông quen biết và đã từng thề thốt nặng lời với một ca kỹ, nhưng nàng này lại bị Tiết độ sứ của Chiết Tây cưỡng ép bắt đem về làm thiếp.
Vì thấy mình không thể đòi lại người ngọc nếu chẳng có công danh, Triệu quyết chí đi thi. Năm 32 tuổi, ông đậu tiến sĩ dưới triều Ðường Vũ Tông. Vừa mới biết mình đậu, mặc dù chưa có chức phận gì lớn lao, ông đã gởi ngay một bài tứ tuyệt "Toạ thượng hiến Nguyên tướng công" cho viên Tiết độ sứ kia. Viên Tiết độ sứ kia chẳng biết vì thẹn hay vì sợ, vội trả ngay người ngọc về cho Triệu. Hai người gặp nhau ngay trên đường Triệu vinh quy, người con gái khóc lóc thảm thiết rồi chết. Triệu mai táng nàng ngay chỗ họ gặp lại nhau.

Đường công danh của Triệu rất lận đận, mãi đến năm 42 tuổi, tức là 10 năm sau khi thi đậu, mới được bổ làm một chức quan nhỏ ở Vị Nam. Ông mất không lâu sau đó.

Có phải vì hoài niệm người tình mà ông có bài thơ "Giang Lâu Thư Hoài" này chăng?

       江 樓 書 懷               Giang Lâu Thư Hoài

獨 上 江 樓 思 悄 然    
Độc thượng giang lâu tứ thiểu nhiên
月 光 如 水 水 如 天     Nguyệt quang như thủy thủy như thiên
同 來 玩 月 人 何 在     Đồng lai ngoạn nguỵệt nhân hà tại
風 景 依 稀 似 去 年     Phong cảnh y hi tự khứ niên
                      趙 嘏                              
Triệu Hỗ

Dịch Nghĩa: Lầu Bên Sông Nhớ Viết

Một mình lên lầu bên sông cảm thấy buồn man mác
Trăng trong sáng như màu nước, sắc nước như màu trời
Người từng cùng ta đến đây ngắm trăng giờ ở phương nao
Phong cảnh vẫn vắng vẻ như năm trước

Dịch Thơ: Bên Sông Gợi Nhớ

Bến lạnh lầu sương buồn điệp điệp
Mây trời sông nước trắng màu trăng
Kề vai thưởng nguyệt người đâu tá
Cảnh cũ còn đây nỗi nhớ giăng
                              Quên Đi
***
Cảm Hoài Nơi Lầu Vắng Bên Sông

Lầu vắng bên sông, dạ thẫn thờ
Trăng in trời nước một màu thơ
Chốn xưa trăng cũ, người đâu tá
Quạnh quẽ, lầu nghiêng bóng đợi chờ.
                  Phương Hà phỏng dịch
***
 Giang Lâu Nỗi Nhớ 
(1)
Thơ thẩn lầu sông luống ngậm ngùi ,
Trăng trong như nước , nước như trời .
Người xưa cùng ngắm nay đâu tá ?
Cảnh sắc như xưa chẳng đổi dời .
                                 Mailoc
(2)
Thơ thẩn lầu sông chân lê bước ,
Gương trăng như nước , nước như trời .
Người xưa cùng ngắm đâu rồi ?
Cảnh y năm ngoái tơi bời nhớ thương .
                                   Mailoc
***
         Bên Sông Gợi Nhớ

Bến vắng lầu đơn đến não lòng
Trời trăng tợ nước nước màu trong
Hỡi người thưởng nguyệt giờ đâu đã
Chốn cũ riêng đầy nỗi quạnh mong
                         Kim Phượng
***
            Lầu Nhớ


Lầu vắng bên sông đứng lẻ loi

Trăng soi màu nước, nước in trời

Người cũ năm nào cùng thưởng nguyệt

Cảnh xưa vẫn vắng vẻ -  bồi hồi.
                     Nguyễn Đắc Thắng
                             20150402

***

           Xin được trình bày một dị bản nữa của bài " GIANG LẦU  THƯ HOÀI  "  là " GIANG LẦU HỮU CẢM  " của nhà thơ TRIỆU HỖ đời Đường như sau :

   江樓有感             GIANG LÂU HỮU CẢM
獨上江樓思悄然,  Độc thướng giang lâu tứ tiểu nhiên,
月光如水水如天。  Nguyệt quang như thủy thủy như thiên.
同來玩月人何在,  Đồng lai ngoạn nguyệt nhân hà tại ?
秋景依稀似去年。  Thu cảnh  y  hi tự khứ niên !
        趙嘏                       Triệu Hỗ.
CHÚ THÍCH :
    1. 江樓有感 GIANG LÂU HỮU CẢM : là Cảm xúc khi lên cái lầu ở ven sông.
    2. 江樓書懷 GIANG LÂU THƯ HOÀI : Ghi lại hoài cảm khi lên lầu ở ven sông.
    3. 上 đọc là THƯỢNG có nghĩa là TRÊN, đọc là THƯỚNG thì có nghĩa là LÊN. Tương tự chữ 思 đọc là TƯ có nghĩa là NGHĨ ĐẾN, đọc là TỨ có nghĩa là sự NGHĨ NGỢI.
    4. TIỄU NHIÊN 悄然 : là Một cách Âm thầm, Lặng lẽ. Chữ TIỄU 悄 còn được đọc là THIỄU, khi là Phó Từ thì 悄悄 TIỄU TIỄU có nghĩa là Len lén.
    5. Y HI 依稀 : là Mơ Hồ, là Văng Vẳng, là Mường Tượng... là Hình Dung Từ vừa diễn tả Thị Giác vừa diễn tả Thính Giác như trong câu :
       Sanh ca uyển chuyển Tần Liên Tử,
       Cựu khúc  y  hi tối não nùng !


DỊCH NGHĨA :
       Lặng lẽ suy tư trong lúc lên lầu ở ven sông có một thân một mình. Nhìn ánh trăng trong như nước và nước cũng trong như màu trời. Chạnh lòng, nhớ đến người cùng đến nơi nầy để ngắm cảnh năm rồi, không biết bây giờ đang ở phương nao? Trong khi cảnh thu trước mắt vẫn còn mơ hồ như hồi năm trước !

Diễn Nôm


               Giang Lâu Hữu Cảm

          Một bóng lầu cao luống ngậm ngùi,
          Trăng trong như nước nước như trời !
          Nào cùng ngắm cảnh người đâu tá ?
          Thu cũ mơ hồ dạ chẳng nguôi !

 Lục bát :

              Một mình lầu vắng ngẩn ngơ,
      Trăng trong như nước nước ngờ trời trong !
            Đâu người ngắm cảnh ven sông ? 
      Dáng thu phảng phất cho lòng xót xa !!!

                                            Đỗ Chiêu Đức

---
Anh  Chiêu Đức Thân Mến,
Thật thú vị qua bài di bản "Giang Lâu Hữu Cảm' do anh gởi.
Tuy nhiên, tôi không đồng ý với quan điểm của anh qua cách giải thích về chữ  上 : Thượng, Thướng; 思 : Tư, Tứ...
Đó chẳng qua chỉ là cách viết theo phiên âm từ chữ Hán  mà thôi. Còn chữ có nghĩa là ở trên hay đi lên thì tuỳ theo câu văn.

ví dụ :
          臺上 Đài Thượng có nghĩa là ở trên đài
          上臺 Thượng Đài có nghĩa là đi lên đài (không viết là Thướng Đài).
Hay là
            Thượng Lộ  có nghĩa là lên đường ( không viết là Thướng Lộ)
          ...
Ít dòng trao đổi cùng Anh.
            Thân
         Quên Đi

***
Giang Lâu Thư Hoài
          
Trăng lạnh trên lầu vắng ,
Trời mây nước một màu .
Cảnh xưa như trước mắt ,
Bạn cũ nay về đâu .
                  PKT 04/02/2015
***
Bên Sông Lầu Vắng Nhớ Ai

Ven sông lạnh lẽo thú cao lầu,
Trăng sáng trời thanh thủy một màu.
Nhớ lại người xưa nhìn cảnh cũ,
Thu về man mác chạnh lòng nhau...
                    Mai Xuân Thanh
            Ngày 01 tháng 04 năm 2015
***
Trên Lầu Bên Sông Nhớ Người
Lầu vắng bên sông chạnh nhớ người
Trăng in màu nước, nước in trời
Người cùng ngắm nguyệt, giờ đâu nhỉ ?
Cảnh cũ giờ đây vắng vẻ thôi !!

                              Song Quang



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét