Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Về Miền Tây (tt) - Bài 4

Về giao thông đường bộ, toàn tỉnh hiện có trên 300 cây số đường bộ. Con đường chính là liên tỉnh lộ 30 nối liền quốc lộ 4 tại quận Giáo Đức (tỉnh Mỹ Tho) với thị xã Cao Lãnh, quận Thanh Bình và quận Hồng Ngự. Thời VNCH, chính phủ muốn xây dựng thêm đường sá đi vào vùng Tháp Mười và Đồng Tiến, nhưng vì tình trạng chiến tranh nên chưa thực hiện được, không biết bây giờ sau gần 30 hết chiến tranh chính quyền mới có xây thêm được con đường nào thêm không hay vẫn con lộ liên tỉnh 30 như ngày nào? Về phương diện kinh tế, tỉnh Kiến Phong nói riêng, vùng Đồng Tháp Mười nói chung, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Vùng này, ngày xưa nổi tiếng hoang vu với những bưng biền, đầm, bàu và bạt ngàn đưng, lác, năng, sen, súng, và lau sậy, nên Đồng Tháp còn là khu an toàn của vô số cá tôm nước ngọt như cá lóc, cá trê, cá rô, và những loại cá trắng khác. Ngoài ra, đây cũng là khu an toàn và nơi sản sanh của vô số rắn, rùa, chuột, ếch, cua đinh, càng đước, cá sấu, và muôn loài chim muông khác... Nếu khu Đồng Tháp được dẫn thủy nhập điền và khai thác đúng mức thì chắc chắn ngoài lúa mùa ra, người ta sẽ canh tác được lúa ba trăng và các loại lúa “thần nông” khác, và mỗi công ruộng có thể thu hoạch hai hay ba chục giạ lúa. Khác với những vùng phụ cận như Vĩnh Long hay Sa Đéc, trước khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, dân vùng Cao Lãnh không có người theo đạo Thiên Chúa, mà đa phần theo đạo Phật. Sau khi Pháp chiếm Việt Nam, họ xây dựng nhà thờ và khuyến khích người dân theo đạo Gia Tô, hiện nay trong toàn tỉnh Kiến Phong có nhiều tôn giáo như Phật giáo, Thiên chúa, Cao đài, Hòa Hảo, Bà Hai... Người dân ở đây cũng mang tính hài hòa và phóng khoáng như những vùng khác của đồng bằng sông Cửu Long.
Về dân số, trước năm 1975 tỉnh Kiến Phong có khoảng 700.000 dân, sau năm 1975 chính quyền hiện nay sáp nhập Kiến Phong vào Sa Đéc để thành lập tỉnh Đồng Tháp với diện tích là 3.238 cây số vuông, với tổng dân số trên 1.607.800 người, gồm các quận Tân Hồng (giáp biên giới Việt Miên), Hồng Ngự, Tam Nông (vùng Đồng Tiến), Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành (một phần của thị xã Sa Đéc cũ và vùng Nha Mân và Cái Tàu Hạ), và thị xã Sa Đéc. Về vị trí của tỉnh mới Đồng Tháp, Bắc giáp Cao Miên, Đông giáp Mộc Hóa (nay thuộc Long An), Tây giáp Châu Đốc và Long Xuyên, Nam giáp Vĩnh Long và Cần Thơ. Tại quận Thanh Bình, cách Cao Lãnh chừng 24 cây số về phía Tây Bắc hãy còn đền thờ Đốc Binh Vàng (một viên tướng thời Minh Mạng). Ngoài ra, tại thị xã Cao Lãnh còn có Văn Thánh Miếu, được quan Tri Phủ Hồ trọng Đính đứng ra xây dựng vào năm 1857 để thờ Đức Khổng Phu Tử cùng tứ Thánh (Tăng Tử, Nhan Hồi, Tử Tu và Mạnh Tử). Năm 1878, Văn Thánh Miếu được dời đến địa điểm hiện tại trong phạm vi phường 1 thị xã Cao Lãnh. Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản cưỡng chiếm Văn Thánh Miếu để biến nơi thờ tự thiêng liêng này thành thư viện của tỉnh Đồng Tháp. Đồng Tháp đất đai bao la thì làm gì thiếu nơi thiếu chốn cho họ xây dựng một thư viện, nhưng họ cố tình làm như vậy để xóa mờ đi truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Tại quận Hồng Ngự hiện còn ngôi đình Long Khánh, được xây trên cù lao Long Khánh, đây là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và các vị tiền hiền hậu hiền. Ngoài ra, trong vùng An Long Đồng Tiến (nay là Tam Nông) còn có khu tràm chim nằm trong khu rừng tràm các xã Tân Công Sinh, Phú Đức, Phú Thọ, và Phú Thành. Khu tràm chim An Long Hồng Ngự này rất đặc biệt vì trong vùng Đồng Tháp thật đa dạng này, thường mênh mông những nước vào mùa mưa, nhưng trở thành đồng khô cỏ cháy vào mùa nắng. tuy nhiên, khu này thì rừng tràm ủng nước quanh năm là khu an toàn của các loài chim, cò, sếu, trích, hạc, gà đãy, sếu cổ trụi, ngan cánh trắng, te vàng, bồ nông, diệc, vịt trời, các loại cò... Tại đây có những loài sếu cao đến hơn 2 mét với bộ lông xám mượt và đôi cánh dang ra thật rộng Đây còn là nơi sinh sản của các loài trăn, rắn, rùa, lương, ếch, và nhiều loại cá đồng khác. Đây cũng là một trong những vùng ủng nước còn lại duy nhất của vùng Đồng Tháp, mà bất cứ chính phủ có trách nhiệm nào cũng phải ra sức bảo vệ. Về phía Nam của tràm chim là Vườn Cò Tháp Mười (cách thị xã Cao Lãnh chừng 35 cây số), đây là khu an toàn của hàng vạn loại cò từ các nơi bay về mỗi buổi chiều.Vào thời chúa Hiền, năm 1679 có quan tổng binh Long Môn (Quảng Tây) của nhà Minh là Dương Ngạn Địch, sau khi triều đình lọt vào tay nhà Thanh, đã cùng phó tổng binh Huỳnh Tấn và tổng binh Châu Cao, và quan tổng binh Châu Lôi và Châu Liêm là Trần thượng Xuyên và Trần an Bình cùng nhau cất quân diệt Thanh nhưng thất bại. Sau đó họ kéo vô đàng trong của nước Việt gặp chúa Hiền. Tuy không thích gì họ nhưng chúa Hiền cũng nghĩ ra cách dùng họ như những người tiên phong đi khai thác đất phương Nam. Đoàn quân của Dương ngạn Địch cùng nhau kéo về miền Nam, Trần thượng Xuyên thì đi vào cửa Cần Giờ, ngược dòng Đồng Nai lên Biên Hòa và Gia Định. Dương ngạn Địch và Huỳnh Tấn theo cửa sông Cửu Long kéo vào vùng mà bây giờ mà mình gọi là Mỹ Tho. Hồi này người Chân Lạp vẫn còn làm chủ phần đất Nam Kỳ Lục Tỉnh mặc dù quân của chúa Nguyễn cũng đã có mặt tại đất Gia Định. Năm 1731, nhân vụ quân Chân Lạp từ vùng Tầm Bôn (Tân An) kéo lên quấy phá lưu dân ở Gia Định nên chúa Nguyễn Phúc Chu tức giận bèn xua quân đánh chiếm các vùng Định Tường và Long Hồ và sáp nhập Định Tường vào dinh Trấn Phiên (Gia Định), đồng thời thành lập thêm dinh Long Hồ. Cũng năm này thủ phủ của tỉnh Định Tường tại Cái Bè (do Dương ngạn Địch thành lập năm 1680) được dời về bên bờ rạch Bảo Định. Năm 1753, chúa Võ Vương cho lập đạo Trường Đồn gồm đất Mỹ Tho và Cao Lãnh, rộng đến biên giới Cao Miên bây giờ. Thời Nam Kỳ Lục Tỉnh, Định Tường là một tỉnh lớn, chạy dài từ biên giới Miên Việt xuống Hồng Ngự, Cao Lãnh, Sa Đéc...bốn mặt đều là đồng bằng và sông rạch. Bắc giáp Cao Miên, Nam giáp Vĩnh Long, Tây giáp Vĩnh Long và An Giang, Đông chạy ra tận biển Đông. Thành Định Tường cũ nằm trong địa phận hai thôn Điều Hòa và Bình Biên, thuộc huyện Kiến Hưng. Sau khi xâm chiếm Việt Nam, Pháp chia Định Tường ra làm 3 tỉnh gồm Mỹ Tho, Gò Công và Sa Đéc.

Định Tường nằm ở lưu vực sông Tiền và các nhánh nhỏ khác của sông Cửu Long. Trước thuộc hai huyện Kiến Hưng và Kiến Đăng, chạy dài từ Tân Hiệp (Bến Tranh) qua Thuộc Nhiêu tới vùng Cai Lậy, Cái Bè và Giáo Đức. Có thể nói Định Tường là nơi đã chứng kiến nhiều trận đánh kịch liệt giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh, cả thủy chiến lẫn bộ chiến. Đây cũng chính là nơi vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã đánh tan tát đoàn quân xâm lược Xiêm La của hai töôùng Chieâu Taêng vaø Chieâu Söông (taïi Raïch Gaàm Xoaøi Muùt).

Dưới thời Gia Long, nhà vua chia Nam kỳ ra làm 4 dinh và một trấn: dinh Trấn Biên (Biên Hòa), dinh Trấn Phiên (Gia Định), dinh Trấn Định (Mỹ Tho), dinh Trấn Vĩnh (Vĩnh Long) và trấn Hà Tiên. Đời Minh Mạng, sau khi Lê văn Duyệt qua đời, nhà vua bãi bỏ chức tổng trấn Gia Định thành và đổi dinh làm tỉnh. Nhà vua chia Nam kỳ ra làm 6 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Thời Tự Đức, vua sai Nguyễn tri Phương vào làm Kinh Lược Sứ và Phan thanh Giản làm Phó Kinh Lược Sứ. Năm 1859, quân Pháp từ Đà Nẳng kéo vào đánh chiếm ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Mặc dầu quân Pháp đã chiếm xong ba tỉnh miền Đông và triều đình vẫn co đầu rút cổ cầu hòa, nhưng nhân dân ba tỉnh này vẫn anh dũng đứng lên chống lại giặc Pháp, nhứt là nhân dân vùng Định Tường. Tại đây, ngay khi giặc Pháp chiếm xong Định Tường, ông Phủ Cậu đã tức thời đứng lên đánh phá giặc, nhưng vì cô thế nên ông bị Pháp bắt hành hình vào năm 1862. Thủ Khoa Huân (Nguyễn hữu Huân) đã đánh phá giặc Tây trong ròng rã 11 năm, từ năm 1863 đến năm 1874. Năm 1863, ông bị giặc bắt và đầy đi Côn Đảo và Réunion, nhưng nghĩa binh của ông vẫn tiếp tục đánh phá giặc Pháp. Năm 1874, sau khi triều đình đã nhường đứt sáu tỉnh Nam kỳ cho Pháp, ông được tha và quản thúc tại gia, nhưng ông vẫn ngấm ngầm tổ chức nghĩa quân để chuẩn bị tấn công giặc Pháp. Năm 1875, ông bị giặc bắt lần nữa, nhưng nhứt định không hàng giặc, nên bị chúng hành hình ở Mỹ Tho. Năm 1865, Nguyễn duy Dương (Thiên Hộ Dương), văn võ song toàn đã đứng lên đánh Pháp trong 2 năm 1865 đến 1866. Thiên Hộ Dương đặt căn cứ trong Đồng Tháp Mười. Vì Pháp chưa chiếm trọn Nam Kỳ nên ông vẫn được sự tiếp tế từ các vùng trong 3 tỉnh miền Tây như Cao Lãnh, Mộc Hóa, Hồng Ngự và Sa Đéc. Dù gây cho Pháp nhiều tổn thất nặng nề, nhưng vì vũ khí thô sơ nên công cuộc kháng chiến của ông bị Pháp dập tắt vào năm 1866. Năm 1867, Phan Tôn và Phan Liêm từ Vĩnh Long về Bến Tre khởi binh đánh Pháp, nhưng thất bại nên hai ông phải dong buồm ra Bình Thuận. Năm 1868, Thân văn Nhiếp làm chủ tướng đột kích vào thành Mỹ Tho, trong khi đó các phó tướng là các ông Rồng, ông Được và ông Long tấn công đồn ở Cai Lậy, nhưng cuộc khởi nghĩa thất bại, cả bốn ông đều bị tên tay sai Trần bá Lộc hành hình tại Mỹ Tho. Về địa thế, hồi mới thành lập, phía Bắc Định Tường bao gồm Mộc Hóa và giáp với biên giới Cao Miên (về sau Mộc Hóa trở thành một quận của Tân An), Nam giáp sông Tiền Giang (đối diện với tỉnh Vĩnh Long) và biển Đông, phía Đông giáp Gò Công và biển Đông, Tây Nam giáp Sa Đéc. Ngày đó Định Tường bao gồm các tỉnh Kiến Tường (Mộc Hóa), Kiến Phong (Cao Lãnh) và Gò Công. Hiện tại thì Định Tường về phía Tây Bắc giáp Mộc Hóa, Đông Bắc giáp Tân An, Đông giáp Gò Công, Đông Nam giáp Kiến Hòa, Tây giáp Cao Lãnh và Nam giáp Vĩnh Long. Dưới thời Pháp thuộc, Định Tường có 4 quận là Châu Thành Mỹ Tho, Kiến Hòa, Kiến Phong và Kiến Đăng (vùng Cai Lậy). Tổng diện tích thời đó là 223.660 mẫu Tây. Tổng dân số của Định Tường theo thống kê năm 1870 của La Cochinchine là 325.000 người, đa số là người Việt, kế đến là người Hoa, rất ít người Khmer trong vùng Định Tường. Định Tường là một trong những tỉnh ở miền Tây có nhiều cù lao, lớn nhất là cù lao Phú Túc dài trên 20 cây số. Đồng Tháp Mười chiếm 1/5 diện tích toàn tỉnh, về phía Nam của Mộc Hóa, bao gồm từ Ấp Bắc chạy về Cai Lậy, đó là vùng bị ảnh hưởng lũ lụt hằng năm. Phần đất phía Nam là vùng đất mầu mỡ do phù sa sông Cửu Long bồi đắp, với kinh rạch chằng chịt nên không bị lũ lụt, vùng này thích hợp cho ruộng lúa và vườn cây ăn trái. Định Tường là xứ của kinh rạch và sông nước bao la, nên việc giao thông bằng đường thủy là tối quan trọng. Thời vua Minh Mạng, nhà vua sai vét một con kinh xưa, ăn từ rạch Chanh qua kinh Bà Bèo, nằm ven Đồng Tháp Mười, để khai nước xả phèn đất trũng ở vùng này. Đến thời Pháp thuộc, họ cho vét lại con kinh Bảo Định, dài 28 cây số chảy từ Mỹ Tho qua Tân An. Năm 1877, người Pháp cho đào kinh Chợ Gạo, nhằm làm ngắn đường chở lúa từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn. Về đường bộ, Định Tường có nhiều đường trải đá từ Mỹ Tho đi Sài Gòn (qua quốc lộ 4, nay là quốc lộ 1), Mỹ Tho đi Bến Tre, Mỹ Tho đi Gò Công, vân vân. Ngoài ra, khi mới xây dựng đường xe lửa, người Pháp cũng cho tuyến đường xe lửa xuyên Việt chạy đến Mỹ Tho. 


Trước năm 1945, Định Tường gồm 8 quận: Bến Tranh, Chợ Gạo, Giáo Đức, Gò Công, Hòa Đồng, Khiêm Ích (Cai Lậy), Long Định (Châu Thành), và Sùng Hiếu (Cái Bè). Sau 1945 thì 2 quận Hòa Đồng và Gò Công tách ra làm tỉnh Gò Công. Từ năm 1954 đến 1975, chánh quyền VNCH vẫn giữ tỉnh Định Tường như cũ, tuy nhiên, dân trong vùng vẫn quen gọi bằng tỉnh Mỹ Tho. Vùng Mỹ Tho là một trong những vùng phong phú nhứt của Nam Kỳ Lục Tỉnh nhờ được bao bọc bởi nhiều sông rạch. Định Tường không có rừng núi nên không có lâm sản và khoáng sản. Định Tường nằm trọn giữa hai con sông Tiền Giang và Ba Lai, được phù sa sông Cửu Long bồi đắp nên đất đai phì nhiêu, cây cối xanh tươi quanh năm. Định Tường có nhiều cù lao: An Hóa (bây giờ thuộc Bến Tre), cù lao Rồng (ngang Châu Thành Mỹ Tho tại bến đò Tân Thạch), Thới Sơn (Sầm Giang), và cù lao Năm Thôn (Cai Lậy). Ngoài những cù lao trên, Định Tường còn có cồn Qui (Giáo Đức). Sông Tiền Giang chảy vào Định Tường ở khúc cù lao Rồng rộng tới 3 cây số. Lưu lượng sông Cửu Long rất lớn và nước sông chảy mạnh, nhất là vào mùa nước lớn, tuy nhiên, Định Tường ít khi bị ngập lụt vì có nhiều sông rạch và gần biển nên nước rút rất nhanh. Định Tường có 8 con rạch lớn: rạch Cái Thia ở Giáo Đức với ba nhánh là Cái Cối, Cái Thia và Mỹ Thiện, rạch Trà Lốt ở Phong Hòa Cái Bè, rạch Cái Bè có 2 nhánh là nhánh Tây chảy qua Phong Hòa (Cái bè) và nhánh Đông chảy qua Lợi Thuận (Cái Bè), hai nhánh này gặp nhau tại chợ Cái Bè. Rạch Ba Rài chảy qua Cai Lậy và Sùng Hiếu (Cái Bè). Rạch Trà Tân trong tổng Lợi Hòa (Cai Lậy). Rạch Gầm chảy qua Long Định. Rạch Bảo Định chảy qua Bến Tranh, rạch này chảy thông với hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Vì kinh rạch chằng chịt nên ngoài quốc lộ 4 và các trục giao thông khác, đa số dân Định Tường di chuyển bằng đường sông rạch. Định Tường còn là nơi xuất phát rất nhiều nhân vật lịch sử, nhứt là trong thời Nguyễn Ánh giành giựt giang sơn với nhà Tây Sơn. Vào khoảng năm 1770 khi chúa Nguyễn phúc Thuần bị quân Tây Sơn rượt đuổi, đến Ba Giồng thì được quân Đông Sơn của Đỗ thành Nhơn, Võ Tánh và Châu văn Tiếp theo phò trợ. Đỗ thành Nhơn là người có công lớn trong việc giành giựt lại đất Nam Kỳ, tuy nhiên, về sau này cũng bị Nguyễn Ánh nghi ngờ mà giết đi vào năm 1781. Chính thái độ ích kỷ hẹp hòi này của Nguyễn Ánh, chưa đặng chim đã nghe lời sàm nịnh mà bẽ ná, nên hai thuộc hạ của Đỗ thành Nhơn là Võ Nhàn và Đỗ Bảng đã kịch chiến với quân của Nguyễn Ánh, gây ra không biết bao nhiêu là điêu linh tang tóc cho nhân dân vùng Ba Giồng và Định Tường. Hiện còn ngôi mã của Đỗ thành Nhơn ở Phú Lâm (ngay sau quốc lộ 4). Ngoài Đỗ thành Nhơn, phải kể Lê văn Duyệt cũng là một khai quốc công thần của Nguyễn Ánh. Lê văn Duyệt là người gốc Quảng Ngãi, sau nội tổ di cư vào Rạch Gầm (Sầm Giang). Ông sanh ra và lớn lên tại đây. Năm 1780, trên đường bôn tẩu trốn tránh quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã gặp Lê văn Duyệt, từ đó Lê văn Duyệt một lòng theo phò Nguyễn Ánh và có công lớn trong việc giành giựt lại giang sơn từ tay nhà Tây Sơn. Năm 1802, ông được phong làm Khâm sai Tả quân, tước Quận công, cùng Lê Chất cất quân đánh Bắc Thành. Năm 1813, vua Gia Long phái ông làm Tổng trấn Gia Định thành, trông coi toàn bộ miền Nam. Tại đây ông đã dẹp trừ giặc “Phụng Ba Đuôi” và mọi “Vách Đá” đem lại an lạc thái bình một thuở cho nhân dân miền Nam. Sau khi ông mất năm 1832, vua Minh Mạng vốn đã không ưa, vì chính Lê văn Duyệt đã đề nghị vua Gia Long phong cho dòng chánh (con của hoàng tử Cảnh) lên làm vua, nhưng vua lại phong cho hoàng tử Đảm là con của dòng thứ lên kế vị. Năm 1833, Minh Mạng sai người vào Nam cùng Bố chánh Bạch xuân Nguyên điều tra quá trình cai trị đất Nam kỳ của Lê văn Duyệt. Kết quả là Lê văn Duyệt bị kết tội và lăng mộ bị xiềng xích. Thấy điều bất công, nhóm võ quan tâm phúc của Lê văn Duyệt là Hoành và Trấn cùng người con nuôi của ông là Lê văn Khôi đã nổi lên giết Bạch xuân Nguyên và chiếm thành Gia Định. Hai bên kịch chiến cả 2 năm trời, đến năm 1835, Lê văn Khôi bị bệnh chết, triều đình mới dẹp xong. Thế mới thấy cái hẹp hòi, ích kỷ và gian trá của cha con Nguyễn Ánh, cha vì nghi kỵ mà giết khai quốc công thần, đến con cũng vì hiềm khích mà thẳng tay trừng trị người đã có công giành giựt lại giang sơn cho cha mình, dù người ấy đã chết. Ngoài ra, đất Định Tường còn là quê hương của “Bảo Hộ Lân” (Hồ văn Lân). Ông đã từng theo chân Nguyễn Ánh và Đỗ thành Nhơn đánh dẹp đó đây. Đức độ và tài năng của ông đã được người Chân Lạp thời bấy giờ mến phục. Một võ tướng khác cũng quê ở Định Tường là ông Nguyễn văn Hiếu, không rõ sanh năm nào, theo Võ Tánh khởi binh tại Gò Công năm 1785. Năm 1802, ông được phong chức Phó Tướng Hữu Quân, đóng tại Bình Định. Năm 1808, thăng Lưu thủ Bình Định, sau đó được bổ đi làm trấn thủ Nam Định, rồi án trấn Thanh Hóa, trấn thủ Nghệ An, rồi Kinh lược đại thần, Tổng đốc Hà Ninh, cuối cùng là chức Tả quân Đô thống. Ông mất năm 70 tuổi.

Một nhân vật khác của Định Tường cũng có công rất lớn với đất nước, đó là Lãnh binh Huỳnh khắc Hơn. Lúc Pháp vừa chiếm xong 3 tỉnh miền Đông, thì tại Mỹ Tho Lãnh binh Huỳnh khắc Hơn đã đứng lên chống Pháp và gây điêu đứng cho giặc trong mấy năm liền. Về sau ông thất trận và bị bắt. Pháp cố gắng chiêu dụ ông ra làm quan nhưng ông nhứt quyết chối từ. Ngoài ra, nhân dân vùng Ba Lai vẫn còn nhắc nhở đến ông Đặng văn Lượng, người Định Tường, là một khai quốc công thần thời Nguyễn Ánh. Ông Trương văn Hoàng, quê tại Cai Lậy cũng theo phò tá Nguyễn Ánh và chết trận năm 1799. Chưởng cơ Lê văn Thụy, người đã tòng quân với Nguyễn Ánh, làm tượng quân cai đội, rất dũng cảm, nhưng so với danh tiếng của Đỗ thành Nhơn, Võ Tánh, Châu văn Tiếp hay Nguyễn Huỳnh Đức thì ông bị lu mờ. Mãi đến đời Minh Mạng, khi vua phái ông đi đánh dẹp giặc Xiêm, người ta mới thấy được tài thao lược của ông. Ông được vua Minh Mạng phong làm Chưởng Cơ. Trong hàng ngũ tướng lãnh của Nguyễn Ánh, phải kể Lê văn Quân, công lao chẳng kém chi Lê văn Duyệt, Võ di Nguy hay Trương tấn Bửu. Trong thời kháng Pháp, ngoài Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân, phải kể thêm Nguyễn tấn Kiều, Âu dương Lân và Nguyễn văn Cẩn cũng là những người đã một thời làm cho giặc Pháp điêu đứng tại vùng Đồng Tháp Mười. Ngoài ra, xứ Định Tường còn sản sinh ra các vị khoa bảng cựu trào như Phan Hiển Đạt, người quận Long Định, đậu Tiến sĩ đệ nhị dưới thời Tự Đức. Hiện vẫn còn ngôi mộ của cụ xây bằng đá ong tại Long Định. Trong khi đó tại Sầm Giang cũng có Học Lạc (Nguyễn văn Lạc), văn hay chữ giỏi không thua cụ Nguyễn đình Chiểu, nhưng không ra thi mà chỉ lui về dạy chữ nho và hốt thuốc bắc cứu dân độ thế mà thôi. Hiện tại thơ văn của Học Lạc còn lưu lại rất nhiều. Bên cạnh những nhà nho khí khái như Bùi hữu Nghĩa, Phan văn Trị, Nguyễn hữu Huân, Phan văn Trị, Định Tường còn sản sinh ra cụ cử Thạnh (Nguyễn văn Thạnh), lúc đương thời ai cũng kính phục. Cụ đỗ cử nhân dưới triều Tự Đức, nhưng gặp cơn quốc phá gia vong, cụ lênh đênh trên các kinh rạch miền Nam và cụ mất năm 1915 trong niềm u uất cho dân tộc. Tại Mỹ Tho cũng còn rất nhiều di tích lịch sử như Đại Thạch Bia ở quận Bến Tranh, bia được vua Gia Long cho xây dựng để tưởng niệm những khai quốc công thần trong vùng này như Nham tinh Hầu, Bửu thiện Hầu (người đã có công đào kinh Bảo Định), Lý vân Hầu, An toàn Hầu (Trịnh Hoài Đức) và Dực quận công. Tại tỉnh lỵ Mỹ Tho còn có đàn Xã Tắc và đàn Tiến Nông được xây vào thời Minh Mạng. Miếu Thành Hoàng tại huyện Kiến Hưng thờ ông Mai Bá Hương, được các vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị phong thần. Miếu thờ thần Bão Tố tại vàm cái Bè. Hiện nay tại xã Hưng Mỹ Thạnh, quận Long Định hãy còn một pho tượng Phật cổ bằng đá, nghe nói do một nông dân đã đào dược dưới thời vua Lê Hiển Tông (khoảng năm 1772). Tại xã Tân Hiệp, quận Bến Tranh có một cái ao tên là Tha La Tân Quý Tây. Tại đây hồi trước là một gò đất cao mà các quan đàng cựu dùng làm trường đua ngựa. Sau khi Pháp chiếm Nam kỳ, chúng bắt dân lấy đất từ cái gò này để đắp đường rầy xe lửa Đông Dương, vì lấy đất quá sâu nên nơi đây biến thành một cái ao thật lớn mà đến bây giờ vẫn còn. Tại xã Mỹ Đông, quận Cai Lậy có miếu Trinh Nữ. Tương truyền tại làng Mỹ Đông có một thiếu nữ tên Nguyễn thị Liệu, cùng cha đi buôn, đến Kompong Chàm, bị giặc Miên bắt, cô quyết giữ trinh tiết, nên đập đầu vô đá mà chết. Hồn về báo mộng cho quan trấn Châu Đốc, quan đệ sớ về kinh tâu rõ sự tình. Triều đình khen tặng và ban cho một tấm biển khen ngợi xã Mỹ Đông, tổng Mỹ Lợi, tỉnh Định Tường. Dân chúng trong vùng ngưỡng mộ và lập miếu thờ. Ngoài ra, Định Tường còn có các ngôi mã quan đàng cựu rãi rác khắp nơi trong tỉnh. Tại Mỹ Đức Tây, Giáo Đức có mộ quan chưởng cơ Nguyễn văn Kỳ. Tại làng Mỹ Tịnh An, quận Bến Tranh, có hai ngộ mộ của quan trấn thủ Phạm tấn Kinh và án sát Phạm hoàng Đạt, đã theo phò tá Gia Long trong thời tẩu quốc. Tại quận Cai Lậy có ngôi mộ “Bốn Ông” (ông Thân, ông Rồng, ông Đước và ông Long), từ là thủ lãnh của nhóm nghĩa binh kháng Pháp dưới quyền chỉ huy của ông Thân. Tại làng Long Hưng, quận Long Định lại có ngôi mộ với kiến trúc chạm trỗ đặc sắc, mà các bô lão trong làng cho đây mới chính là ngôi mộ thật của tả quân Lê văn Duyệt, còn tại gia định chỉ là đền thờ mà thôi, nhưng về sau người ta cứ quen gọi là Lăng Ông. Ngoài ra, Định Tường cũng có rất nhiều ngôi chùa cổ như chùa Long Tuyền tại quận Long Định, chùa Linh Phong ở thôn Tân Hiệp (chợ cũ Điều Hòa), chùa Bửu Lâm trên 150 năm, cũng ở Tân Hiệp (chợ cũ Điều Hòa), chùa Vĩnh Tràng tại quận Chợ Gạo, là một trong những ngôi chùa lớn và đẹp nhất của Mỹ Tho. Vì nằm không xa đất Gia Định nên nói về văn nhân thì ngày trước tỉnh Định Tường có phần vượt trội hơn các nơi khác. Mặc dù người sáng tác ra bản vọng cổ hoài lang quê ở Bạc Liêu, nhưng phải nói Định Tường và Vĩnh Long là hai nơi đã đề xướng về nghệ thuật cầm ca như thầy Nam Tú, Phước Goerges (Bạch Công Tử) làm chủ gánh Huỳnh Kỳ, nam danh ca Tư Giỏi, Bảy Nhiêu, Năm Châu, đạo diễn Trần hữu Trang, Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nam, các nhạc sĩ nổi danh như bà Trần ngọc Diện, Mộng Trung, vân vân. Đặc biệt, chợ Giữa (thuộc Vĩnh Kim, Sầm Giang) là cái nôi của ca nhạc và cải lương, không riêng cho Định Tường, mà cho cả miền Nam nước Việt, đây là quê hương của những danh cầm, danh ca và nghệ sĩ như Trần văn Khê, Trần Quang Hải, Trần văn Trạch... Nghe nói vùng này là nơi đã sáng chế ra dây đàn kìm “Tố Lan”.



 Hết phần 4 (trang 13-17)

Để Tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
http://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_60.html
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét