Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

Nhịp Trong Thơ Đường Luật

Thơ và Văn Xuôi có nhiều điều khác nhau. Tuy nhiên, ngoài Vần ra, còn điểm quan trọng khác là Điệu Thơ.
Điệu có nghĩa là cung bậc của âm nhạc. Với thơ, Điệu  là cách sắp xếp chữ trong câu thơ sao cho dễ nghe, mỗi khi ngâm hay đọc lên, lại vừa thích ứng với ý tình mà tác giả muốn diễn đạt. Điệu chính là sự biến đổi trạng thái, từ dịu dàng sang mạnh mẽ, từ nhanh sang chậm hay ngược lại...
Điệu là phần rất quan trọng trong Thơ. 
Điệu gồm có âm thanh và tiết tấu.
Trong phạm vi bài viết này, chỉ đề cập đến Tiết Tấu.
Tiết Tấu có nghĩa là sự nhịp nhàng, thường gọi vắn tắt là Nhịp. Nhịp trong thơ chính là cách ngắt câu thành từng đoạn dài ngắn khác nhau.  
Dựa vào nhận xét qua các bài thơ của Tiền Nhân, hầu hết mọi người đều kết luận rằng:
Thơ Đường Luật chỉ có Nhịp 2 / 2 / 3 hoặc 4 / 3.

Thí dụ:
Bước tới đèo ngang / bóng xế tà   
Cỏ cây chen đá / lá chen hoa...
           (Qua Đèo Ngang Bà Huyện Thanh Quan)

Cật Ngựa / thanh gươm / vẹn chữ tòng 
Ngàn thu rạng tiết / gái giang đông...
               (Tôn Phu Nhân Quy Thục Tôn Thọ Tường)

Ao thu lạnh lẽo / nước trong veo
Một chiếc thuyền con / bé tẻo teo...
                         (Thu Điếu Nguyễn Khuyến)

Từ Ô Y hạng / rủ rê sang  
Bóng lẫn / đêm thâu / tiếng rộn ràng...
                 (Đêm Thu Nghe Quạ Kêu Quách Tấn)  

Tất cả các câu thơ trên đều theo nhịp 4/3 hoặc 2/2/3. Có lẽ chính vì vậy mà một số nhà thơ ngày nay cho rằng: thơ Đường Luật chỉ có các nhịp trên mà thôi, nếu làm thơ theo các nhịp khác là sai.
Ngoài ra, các vị ấy cho rằng khi làm thơ thơ Đường nên tránh 12 hoặc 20 Bệnh Lỗi, trong đó có lỗi Điệp Điệu. Theo giải thích của các vị ấy, Điệp Điệu có nghĩa là khi nhiều câu thơ liên tiếp ngắt nhịp cùng một cách. Điều này đã mâu thuẫn với các nhận xét Thơ Đường Luật chỉ có các nhịp bên trên (4/3 hoặc 2/2/3). 
Trong trường hợp này, dùng chữ Điệp Điệu là sai, phải sử dụng Trùng Nhịp mới đúng.

Trở lại chủ đề, nếu người làm thơ Đường Luật không theo các nhịp trên, có thật sự sai như ý kiến của đa số nhà thơ ngày nay chăng?
Mời xem một vài câu trích từ các bài thơ của Tiền nhân:

...Trải bao trăng gió / xuân già giặn
Trời dẫu già / nhưng núi vẫn non.
              (Chơi Núi Non Nước Nguyễn Khuyến)
 
Ình ịch / đêm qua / trống các làng,
Ai ai / mà chẳng rước xuân sang.
               (Khai Bút Nguyễn Khuyến)

...Chết riêng dễ / một mình anh nhỉ
Sống bận ra / chi lũ chúng mày...
                    (Bỡn Người Làm Mối Trần Tế Xương)

Hỏi vợ / vợ còn đi chạy gạo,
Gọi con / con mãi đứng chơi đình.
                         (Đau Mắt Trần Tế Xương)

 ...Chàng đi theo nước / thiếp theo chàng
Thiếp chết trinh / mà chàng chết trung...
                      (Vịnh bà Phan Thị Thuấn Dương Bá Trạc)

Tình cũng lơ / mà bạn  cũng lơ
Bao nhiêu khăng khít / bấy ơ hờ...
                     (Trơ Trọi Quách Tấn)

 Em lại nhé / ngày sau / sẽ gặp 
Anh đi thôi / bước trước / còn xa.
                          (Tặng Biệt Quách Tấn)

Qua các thí dụ trên, chúng ta thấy có rất nhiều nhịp thơ khác như 3/4 , 3/2/2 hay 2/3/2. 2/5...
Như thế, nếu chúng ta làm thơ theo nhịp của các Tiền Bối có bị sai chăng?
Hoàn toàn không hề sai. Làm thơ Đường Luật chỉ sai khi phạm vào 5 quy tắc: Vận, Thanh, Niêm, Đối và Bố Cục.

Nếu thơ Đường Luật chỉ có nhịp 4/3 hay 2/2/3, với một tiết tấu duy nhất như thế, chỉ cần đọc đôi ba bài thôi, sẽ khiến người đọc sinh ra nhàm chán. Chính vì vậy nên các Tiền Bối sử dụng đủ các loại nhịp.
Điều này chứng minh, khi làm thơ, không riêng gì Thơ Đường Luật, mà tất cả các thể thơ khác cũng thế, không bắt buộc phải theo nhịp nhất định nào. Người làm thơ có thể uyển chuyển, không cứng nhắc, chỉ cần khi phân nhịp, lúc đọc lên nghe suôn tai, các đoạn vẫn diễn tả đủ ý là được.

Huỳnh Hữu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét