Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Trường Can Hành 1&2 - Thôi Hiệu

Trường Can Hành của Thôi Hiệu có 4 bài Tứ Tuyệt Cổ Phong. Gồm 2 bài của người nữ hỏi
và hai bài người nam đáp. Tuy những điều hỏi cũng như đáp có vẻ bình thường, nhưng lại đầy tình ý.

             長 干 行  其 一 &
      Trường Can Hành Kỳ 1& 2

1/ 
君 家 在 何 處      Quân gia tại hà xứ
妾 住 在 橫 塘      Thiếp trú tại Hoành Đường
停 船 暫 借 問      Đình thuyền tạm tá vấn
或 恐 是 同 鄉。  Hoặc khủng thị đồng hương.

2/
家 臨 九 江 水      Gia lâm Cửu Giang thuỷ
來 去 九 江 側      Lai khứ Cửu Giang trắc.
同 是 長 干 人      Đồng thị Trường Can nhân
生 小 不 相 識。  Sinh tiểu bất tương thức.
              崔顥                       Thôi Hiệu
Hoành Đường: Thời Tam Quốc, Ngô xây đê ở đầu sông, gọi là Hoành Đường, giờ là huyện Giang Tô, tỉnh Giang Ninh.
Cửu Giang: con sông ở tỉnh Giang Tây.
Trường Can: Một làng ở phía nam sông Tần Hoài, thuộc tỉnh Giang Tô.

Dịch Nghĩa: Khúc Hát Làng Trường Can 1&2
1/
Nhà anh ở nơi nào
Còn nhà em ở tại đê Hoành Dương
Xin tạm dừng thuyền cho hỏi
Có lẽ chúng ta vốn chung một làng

2/
Nhà anh kề bờ sông Cửu Giang
Anh thường qua lại bên sông Cửu Giang này
Đúng là hai ta là người cùng làng Trường Can
Sống ở đó lúc còn nhỏ nên bây giờ không biết nhau.

Dịch Thơ:

Trường Can Hành 1&2

1/

Nhà anh vốn tại nơi đâu
Còn em thì ở tận đầu con đê       
Dừng thuyền cho hỏi khoan về
Trường Can có lẽ là quê bọn mình.

2/

Cửu Giang nhà vốn chẳng xa
Đôi bờ bến nước lại qua thường ngày
Trường Can quê của cả hai
Sống thời nhỏ dại nên nay lạ người.
                                     Quên Đi

***
      Đỗ Chiêu Đức tham gia với 2 bài dịch sau đây:

Ghi Chú :
Trường Can Hành : Tên một khúc hát trong Nhạc Phủ dựa theo điệu hát dân gian của xứ Trường Can,thuộc huyện Giang Ninh tỉnh Giang Tô hiện nay.
Hoành Đường : thuộc huyện Giang Ninh kể trên, vào đời Tam Quốc nước Ngô cho đắp đê dọc theo giang khẩu ngang qua song Hoài, nên có tên là Hoành Đường.
Cửu Giang : tức Huyện Cửu Giang, nay thuộc tỉnh Giang Tây.

Nghĩa Bài Thơ :

Bài 1 : Nhà chàng ở nơi nào ? Nhà thiếp thì ở tại Hoành Đường đây. Dừng thuyền cho thiếp hỏi thăm xem, hoặc giả chúng ta là đồng hương của nhau chăng !?.

Bài 2 : Nhà anh ở trên dòng Cửu Giang đây, và anh cũng hay thường lui tới bên cạnh dòng Cửu Giang nầy. Chúng ta đều là người xứ Trường Can cả, vì sanh sau đẻ muộn nên không biết nhau đó mà thôi !

Diễn nôm :

        Khúc Hát Trường Can

Bài 1.
Nhà chàng ở tận nơi đâu ?
Thiếp thì ở mãi sâu trong Hoành Đường.
Dừng thuyền thiếp hỏi tỏ tường,
Hoặc là có phải đồng hương chăng là !?

Bài 2.

Nhà anh ở phía Cửu Giang.
Ra vào sông Cửu khi nàng còn thơ.
Sanh sau đẻ muộn ơ thờ,
Trường Can chung xứ, ai ngờ... chẳng quen !. 
                                      Đỗ chiêu Đức

 ***
       Trường Can Hành Kỳ 1 & 2

 1-
Ở đâu chàng gọi là quê
Còn em sống tại con đê Hoành Đường
Dừng thuyền cho thiếp tỏ tường
Láng giềng hàng xóm như dường cùng nơi

2-
Nhà anh kề cận nơi đây
Hay thường qua lại sông nầy Cửu Giang
Hai ta người ở Trường Can
Khi xưa còn bé chung làng chẳng quen
                                   Kim Phượng
 ***

Trường Can Hành ( 1& 2 )

1)
Nhà chàng có phải cùng quê ?
Thiếp cư ngụ ở bên đê Hoành Đường
Dừng ghe cho thiếp tỏ tường
Biết đâu hàng xóm đồng hương chăng là... !...

2)
Nhà anh gần Cữu Giang đây
Cũng thường lưu tới nơi nầy Cữu Giang
Biết đâu cùng ở Trường Can ?
Khi còn nhỏ dại, xóm làng chưa quen...!
                          Mai Xuân Thanh 

***
Trường Can Hành Khúc

1/
Này anh ! Quê ở nơi nào ?
Nhà em ở khúc sông sâu Hoành Đường
Đậu thuyền cho hỏi tận tường
Biết đâu mình lại đồng hương một làng !

2/
Anh thì ở cận gần đây
Chèo qua chèo lại khúc nầy Cửu Giang
Hẳn là chung xứ Trường Can
Ai ngờ một xứ cùng làng ( mà ) ....chả quen
                                          songquang  

 ***

TRƯỜNG CAN HÀNH

- Dịch ngũ ngôn

1.
Nhà chàng nơi nào vậy?
Nhà thiếp ở Hoành Đường
Dừng thuyền cho thiếp hỏi
Ta có phải đồng hương?

2.
Nhà tôi trên sông Cửu
Bên lối ngõ ra vào
Là người Trường Can đấy
Sinh thời chả biết nhau.
- Dịch lục bát

1.
Nhà chàng ở tận nơi đâu?
Riêng nhà thiếp ở nơi sau Hoành Đường
Ngưng thuyền xin hỏi tỏ tường
Hai ta có phải đồng hương không nào?

2.
Nhà anh sông Cửu tươi màu
Đến đi lối ngõ ra vào bên gian
Cùng là người xứ Trường Can
Sinh ra sau trước đôi đàng chửa quen.
Mai Thắng – 210119

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét