Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

Dạng Thơ Cô Nhạn Đường Luật Thi


Từ trước, chúng ta chỉ nghe nói đến các dạng thơ như Thủ Vỹ Ngâm, Liên Hoàn (Liên Châu), Thuận Nghịch Độc, Yết Hậu... và thời gian sau này có thêm các dạng Nhất Thủ Thanh, Ngũ Độ Thanh, Tung Hoành Trục Khoán ... nhưng lại ít hoặc chưa nghe đến dạng thơ "Cô Nhạn".

Thế dạng thơ Đường Luật cũ mà lạ này ra sao, mà lại rất ít người biết đến? 
Lần theo các sách phát hành từ trước 1975 do các Học giả Nho Gia biên soạn, chúng ta thấy dạng thơ này đã được nhắc đến.
Theo cụ Phan Kế Bính, thơ Cô Nhạn có 2 dạng, một là dạng "Cô Nhạn Xuất Quần".

1 - "Cô Nhạn Xuất Quần": 
Có nghĩa là con nhạn cô độc rời bầy đàn. Trong một bài thơ Đường Luật có 5 vần gieo nhau, chúng ta thấy vần cuối của câu 8 không theo đúng vần của các câu 1,2,4,6, mà đi lạc sang vần khác. Như bài thơ "Bóng Chiều" vần cuối là vần "ai" (hoài) chớ không phải vần "a".
Thí dụ:
          Bóng Chiều
Cái thói lem nhem lúc tuổi già
Xin đừng ham hố mệt thân ta
Nghe hương khoan tưởng dung nhan nguyệt
Thấy bướm thôi thầm bóng dáng hoa
Xin chớ đầu non mơ cánh hạc
Thiên thai đừng vọng tưởng tiên nga

Mặt trời dần tắt ngoài song cửa
Nào phải thanh xuân cứ mộng hoài
                                      Quên Đi

2 - "Cô Nhạn Nhập Quần": 

Đúng là có xuất thì phải có nhập. Cô Nhạn Nhập Quần có nghĩa là con nhạn cô độc hòa nhập vào bầy đàn. Ở đây, con nhạn cô độc này ứng vào vần của câu 1. Vần của câu một đi riêng lẻ, các câu 2,4,6,8 thì chung một vần. Như bài thơ bên dưới chẳng hạn, câu 1 là vần "uôn" (suôn), các câu còn lại là vần "ương".

Thí dụ dạng thơ "Cô Nhạn Nhập Quần":

                 Tình Đầu


Bến đổ tình đầu chả mấy suôn
Yêu nhau lại phải tách hai phương 
Thề non chỉ khiến nhiều đau xót
Hẹn biển để rồi nặng khổ vương
Có lẻ duyên phần luôn nghịch ý
Cho nên kiếp số khó chung đường 
Xét ra hầu hết đều như vậy
Những mối tình đầu chẳng trọn thương.
                                        Quên Đi

Sở dĩ dạng thơ Cô Nhạn Đường Luật Thi không được giới làm thơ ưa chuộng, có lẽ do vần gieo chuyển sang âm khác, mất đi sự êm ả của bài thơ. Cũng có thể chính vì nguyên nhân này mà dạng thơ Cô nhạn dần biến mất và không được nhắc đến. Tuy nhiên chúng ta thấy trong các vần gieo trong thơ Đường Luật, có nhiều bài gieo vần mà chúng ta gọi là Vần Thông (gieo vần gượng gạo còn gọi là Thông vận) có đôi nét giống như Dạng Thơ Cô Nhạn:

Ký Cữu Dịch Trai Trần Công

Binh dư thân thích bán ly linh
Vạn tử tàn khu ngẫu nhất sinh
Vãng sự không thành Hoè quốc mộng
Biệt hoài thuỳ tả Vị dương tình
Bất lai tự nghĩ đồng Vương Thức
Tỵ loạn chung đương học Quản Ninh
Dục vấn tương tư sầu biệt xứ
Cô trai phong vũ dạ tam canh.
                              Nguyễn Trãi
 
Từ vần "inh" chuyển sang vần "anh".

Dịch Thơ "Phúc Hưng Viên"
                          của Trần Quang Khải

Lượn quanh bến Phúc, nước theo vời
Vài mẫu vườn quê khá thảnh thơi
Tan tuyết, bờ mai châu kết nụ
Quang mây, đình trúc ngọc đâm chồi
Nắng lên, mời khách pha chè thưởng
Mưa tạnh, sai hề giở thuốc coi
Xa ngóng ải Nam, im khói lửa
Trên giường nghiêng ngửa nhẹ hồn mai.
                            Ngô Tất Tố
Ở bài thơ này từ vần "ơi" chuyển sang vần "ai".


    Cá Chép Vượt Đăng

Cá thần vùng vẫy vượt qua đăng
Được nước, nào ai dám rỉ răng
Cưỡi gió giương vây lên cửa Vũ
Xông mây rẽ sóng động vừng trăng
Giếc, rô ngứa vẩy khôn tìm lối
Trê, chuối theo đuôi dễ mấy thằng
Gặp hội hóa rồng nơi chót vót
Đã lên, bay bổng tít bao chừng.
                            Nguyễn Khuyến 

Ở bài thơ này, các câu trên là Vần "ăng", câu cuối chuyển sang vần "ừng".

  Dữ Cao Xá hữu nhân biệt hậu

Tương phùng loạn hậu lão tương thôi
Khiển quyển ly tình tửu sổ bôi
Dạ tĩnh Vân Am thuỳ thị bạn
Nhất song minh nguyệt chiếu hàn mai.
                        Nguyễn Bỉnh Khiêm
 

Còn bài Tứ tuyệt này từ vần "ôi" chuyển sang vần "ai".

Như thế chúng ta có thể xem như dạng thơ Cô Nhạn trước đây, đã được các Học giả ngày nay chuyển sang một dạng khác gọi là Vần Thông (Thông vận) chăng?

Huỳnh Hữu Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét