Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

Sự Suy Thoái Môi Trường Trong Vùng Đồng Tháp:


Theo các nhà sinh thái học, sự suy thoái môi trường sống trong vùng Đồng Tháp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngày trước khi vùng này còn là một vùng đầm lầy hoang vu thì môi trường chưa bị ô nhiễm bởi phân bón hóa học, thuốc khai hoang, khói nhả ra từ các nhà máy hay xe cộ... Bên cạnh đó, dân cư từ các vùng Vĩnh Long, Mỹ Tho, Sa Đéc tiến lần đến các vùng sâu trong Đồng Tháp, khai hoang lập ấp nên nhu cầu sinh sống và nước gia tăng đáng kể. Thường thì nước Đồng Tháp cạn dần vào khoảng những tháng 3 và tháng 4, nhưng từ khi cư dân gia tăng đến nay, mực nước Đồng Tháp bắt đầu cạn dần vào đầu tháng giêng, đến tháng 2 là đã biến thành đồng khô cỏ cháy rồi. Ngoài ra, những con đập được Trung quốc và Thái Lan xây trên thượng nguồn cũng gây những tác hại lâu dài cho vùng Đồng Tháp nói riêng và cho cả vùng đất Nam Kỳ nói chung vì ảnh hưởng của những con đập này mà những trận lũ bất thường tràn xuống miền Nam. Dù đất đai được khai hoang với những đồng lúa bạt ngàn, năng suất rất cao, có thể lên đến 30 hay 40 giạ trên một công đất(58), nhưng hậu quả trước mắt là nguồn cá tôm gần như vô tận trong vùng Đồng Tháp đã từ từ biến mất. Không biết chánh quyền hiện tại có kế hoạch thiết thực nào nhằm bảo vệ môi sinh hay họ chỉ nhắm vào khai thác và cứ khai thác, còn thì “sống chết mặc ai.” Không biết họ có biết không, chỉ cần vài thế hệ nữa là con cháu chúng ta sẽ phải sống trên một vùng “hoang mạc” nếu ngay từ bây giờ chúng ta không khéo bảo vệ môi sinh. Không biết họ có biết những con đập “nghiệt ngã” nơi thượng nguồn do Trung Quốc và Thái Lan xây dựng chính là những tờ khai tử cho những dân tộc ở hạ nguồn con sông huyết mạch này hay không? Không biết họ có nhớ ngay trên mảnh đất này một dân tộc có nền văn minh khá cao đã bị khai tử vì những cơn hồng thủy vào thế kỷ thứ VI hay không?(59)

Cư Dân Và Sinh Hoạt Của Họ Trong Vùng Đồng Tháp:


Ngày nay, vùng Đồng Tháp Mười là một trong những vùng trũng thấp nhất của Việt Nam nói chung và của vùng Nam Kỳ nói riêng. Hai mươi thế kỷ về trước, mặc dầu hiện tượng ‘biển tiến và biển thoái’ đã tương đối ổn định, nhưng phải nói vùng Đồng Tháp vẫn còn là một biển nước mênh mông với những cánh rừng tràm không bao giờ cạn nước. Thế nhưng, dầu ngành khảo cổ học chỉ mới bắt đầu hé mở được một phần nhỏ về lai lịch của văn hóa Óc Eo, nhưng những bia ký khai quật được trong vùng Đồng Tháp đã cho chúng ta thấy ngay từ thời vương quốc Phù Nam còn là chủ nhân ông của vùng đất nầy, thì Đồng Tháp đã có cư dân. Rõ ràng cuộc sống của cư dân cổ tại đây phải luôn thích nghi với môi trường thiên nhiên để tự sinh tồn. Ngoài những gò cao, chắc chắn là nơi cư trú thường xuyên của cư dân cổ, người ta còn tìm thấy dấu tích của những cọc gỗ nhà sàn, chứng tỏ cư dân cổ đã thích nghi với biển nước ‘Đồng Tháp’ bằng cách xây cất lên những khu nhà sàn cao hơn mặt nước lưu lai(60). Qua những kiến trúc và di vật tìm thấy, người ta có thể thấy khoảng trên dưới 20 thế kỷ về trước, người Phù Nam đã xây dựng các đền đài Ấn giáo và Phật giáo trên các gò đất cao, nơi đây chỉ có các hàng giáo sĩ và quan lại cư ngụ, trong khi thứ dân phải xây cất những khu nhà sàn trên những vùng thấp hay trên những trũng nước. Về mùa khô hạn, chánh quyền Phù Nam đã phải qui tụ rất đông dân phu trong việc đào vét những đường nước cổ trong vùng để vừa dẫn thủy nhập điền, vừa làm hệ thống giao thông đường thủy. Về vấn đề lương thực chắc chắn rất dồi dào bởi các nguồn động thực vật sinh sống tự nhiên trong thiên nhiên. Riêng loại ‘lúa ma’ đã có mặt tại vùng Đồng Tháp từ lâu lắm, có lẽ trước cả thời vương quốc Phù Nam. Những đường nước cổ cho thấy khu Đồng Tháp Mười không bị cô lập, mà nó thực sự gắn liền với khu hải cảng cổ Óc Eo tại vùng núi Sập (Ba Thê). Ngày nay, mặc dầu trên hai phần ba đất hoang của Đồng Tháp đã được khai khẩn và loại ‘lúa ma’ đã được nông dân trong vùng thay thế bằng những thứ lúa khác có năng suất cao hơn gấp nhiều lần, nhưng nếu đi sâu hơn vào những vùng trũng thấp của Đồng Tháp vào mùa nước nổi, chúng ta sẽ vẫn còn thấy rất nhiều mảng ‘lúa ma’ rải rác khắp đó đây. Mặc dầu vương quốc Phù Nam đã bị triệt tiêu ngay từ thế kỷ thứ VII, nhưng có lẽ cuộc sống của cư dân Thủy Chân Lạp, nhất là cư dân cổ trong vùng Đồng Tháp vẫn tiếp tục duy trì truyền thống văn hóa Óc Eo cho đến khi tiếp xúc với những lưu dân đầu tiên của Việt Nam từ các vùng Thuận Quảng, vì ngoại trừ khu phế tích Gò Tháp là có bia ký ghi lại sự hiện hữu của Chân Lạp, còn lại toàn vùng nê địa hoang vu nầy không có bao nhiêu người Chân Lạp dám đặt chân đến.
Vào giữa thế kỷ thứ XVII, đã có những lưu dân gốc Thuận Quảng vào đây lập nghiệp. Dầu bước đầu họ phải đương đầu với sơn lam chướng khí, nhưng với kinh nghiệm đánh cá các vùng biển Thuận Quảng, những lưu dân nầy đã dễ dàng lập nghiệp với nghề đánh bắt cá ở Tháp Mười. Thêm vào đó, thuở ấy vùng nầy đất rộng người thưa, lại thêm tài nguyên thiên nhiên chim trời cá nước, lúa ma tự mọc chứ không phải gieo trồng hay sạ chi cả, nên cuộc sinh sống của lưu dân đến Đồng Tháp vào đầu thế kỷ thứ XVIII rất dễ dàng. Thường thì họ không cần phải làm gì nhiều, cứ mỗi sáng xách giỏ đi bắt một ít cá, tuột một ít lúa ma, hái một ít bông súng, ngó sen... thế là đủ cho một ngày. Họ không cần phải làm gì để để dành cho ngày mai, vì ngày mai rồi cũng sẽ như ngày hôm nay, thế là đủ ăn. Đến đầu thế kỷ thứ XIX, nhiều lưu dân Thuận Quảng lại đổ xô vào Đồng Tháp nên cuộc sống không còn dễ dàng như trước nữa, nghĩa là không ngày ngày đi hái lượm hoặc bắt cá như trước nữa. Người ta bắt đầu chế ra các dụng cụ bắt cá có hiệu quả hơn như đăng, đó, lờ, lọp, lưới hay vó cá làm bằng sợi gai... Nhưng hồi nầy Đồng Tháp vẫn còn là vùng của chim trời cá nước, vẫn còn là một kho tàng thực phẩm gần như vô tận. Dưới thời Gia Long, Đồng Tháp trực thuộc huyện Kiến Đăng, trấn Định Tường. Theo Gia Định Thành Thông Chí: “Từ đông sang tây cho tới địa giới Cao Miên, có nhiều chằm đầm, ao vũng, cá mú không thể ăn xiết. Cá thì trong khoảng bốn năm tháng trời mưa xuống nước đầy, sinh trưởng, bơi lội ở khoảng ruộng chằm, phàm nơi có thành vũng, tuy chỉ sâu độ một tấc cá cũng có thể ở được. Đến tháng mười trở đi hết mưa, nước rút thì cá lại ra sông.” Dưới thời Thiệu Trị, khoảng những năm 1846 đến 1847, cư dân các vùng Rạch Chanh, Kinh Mới, Rạch Bắc thuộc huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đào ao nuôi cá. Nói là nuôi cá, kỳ thật thời đó hễ đào ao có nước là cá tự động vào sanh sản, tới mùa nước rút, chỉ việc tát ao bắt cá mà thôi. Như trên đã nói sở dĩ cá vùng Đồng Tháp phong phú là do nước lũ đưa trứng cá từ Biển Hồ Tonlé Sap xuống, khi vào trũng Đồng Tháp là cá nở thành con và trôi giạt khắp các miền của Đồng Tháp.

Vào thời Pháp thuộc, theo thống kê của chính quyền thuộc địa vào năm 1928, toàn vùng Đồng Tháp Mười có khoảng 110.000 dân, đa số là người Việt. Trước năm 1975, dân cư trong vùng Đồng Tháp thưa thớt, có nơi đi cả cây số mà vẫn không có lấy một bóng người. Tuy nhiên, các vùng ven Đồng Tháp Mười như Hồng Ngự, Cái Cái, Long Khốt, Cao Lãnh, Mộc Hóa, Cai Lậy, và Tân An... dân cư cũng khá đông đúc do những cuộc di dân lập nghiệp dưới thời Pháp thuộc. Nhiều người cứ tưởng toàn cõi đất phương Nam là một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, nhưng thực tế không phải như vậy, ngoài những vùng châu thổ ven sông, còn lại hãy còn rất nhiều vùng đất trũng phèn, hoang vu... phải mất nhiều công sức nữa mới có thể canh tác được. Dưới thời Pháp thuộc, cư dân Đồng Tháp đa số là lưu dân trôi nổi không nhà không cửa ở miền Tây, hoặc những tá điền không chịu nổi cảnh bóc lột của những điền chủ độc ác ở Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, Sa Đéc, và Rạch Giá... chèo chống trôi giạt về miệt Đồng Tháp, rồi không cần biết ai là chủ đất, họ lên bờ đắp nền, cất nhà sơ sài bằng những cột tràm lợp lá dừa nước. Thế rồi vợ chồng con cái cùng nhau nuôi gà nuôi vịt, sạ lúa một mùa theo lối cổ điển, đất không cày mà chỉ phát cỏ cho sạch rồi gieo mạ, không cần nhổ mạ và cấy lại như chúng ta làm sau này. Đến mùa gặt, nếu thấy khá thì họ ở lại, ví bằng không khá thì họ lại bỏ nhà, xuống xuồng, vợ chồng con cái chèo chống đi nơi khác. Ngày đó người dân Đồng Tháp không chỉ đương đầu với cái “phèn” của đất, hay muỗi, mòng, đĩa, vắt... mà lắm khi công sức của họ bỗng chốc tan tành theo mây khói chỉ sau một đêm bị “thỏ Đồng Tháp”(61) hoành hành, rồi còn nạn chim chóc phá hoại mùa màng, cua kẹp lúa... Thêm vào đó, từ tháng 5 đến tháng 10 là mùa nước nổi, còn từ tháng 11 đến tháng 4 là mùa khô, phèn trồi lên từ dưới lòng đất thật sâu, khiến không còn thứ cây gì có thể sống sót nổi.

Đồng Tháp Mười cũng như bao nhiêu miền đất khác phương Nam là nơi mà không biết bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt và máu của những người đi mở cõi. Thuở ban sơ, đất đay miệt Đồng Tháp hãy còn hoang vu, chưa có chủ. Dân nghèo đổ xô nhau tới đây khai phá. Dù đất hãy còn trũng và nhiều phèn, nhưng nhờ khai phá nhiều đất nên thường thì gia đình nào cũng thu hoạch vài ba trăm giạ lúa mỗi năm. Dần dần nhiều người kéo đến khai phá lập thôn lập xóm, chỉ cần vài năm sau đó thì đất hoang trở thành đất thuộc, rồi thì nhà nào cũng có một mảnh vườn và vài chục công ruộng. Sau khi lưu dân đã an cư lạc nghiệp thì đùng một cái có một ông chủ từ thành phố hay các tỉnh Vĩnh Long, Mỹ Tho... xuống thăm đất, rồi vài tháng sau đó họ có trát tòa từ thành phố hay tỉnh gửi xuống với tội danh chiếm đất bất hợp pháp, và bị buộc phải dời đi nơi khác. Với người nông dân chất phác, họ không thông hiểu luật lệ, họ cứ nghĩ đất miệt Đồng Tháp vô chủ nên mạnh ai nấy khai phá, ai khai phá được bằng nào là hưởng bằng nấy, chứ họ đâu có ngờ những tên địa chủ biết luật lệ đã có phép khẩn đất của chính quyền thuộc địa, những tên này chỉ chờ cho họ khẩn xong là cướp đoạt một cách trắng trợn trên mồ hôi nước mắt của những người đi khai phá. Thời nào và ở đâu cũng vậy, ngay ở bên Tây bên Tàu cũng vậy, chủ điền thường là chủ chợ, chủ ruộng, chủ vườn của cả một thôn ấp rộng lớn, chủ điền thường ở nhà cao cửa rộng, đi xe hơi, ăn cao lương mỹ vị, uống rượu Tây, trong khi nông dân không có lấy một cái chòi mà ở, ngày ngày phải vắt hết mồ hôi nước mắt ra chỉ mong kiếm được miếng cơm thừa các cặn của bọn địa chủ(62). Chính vì thế mà nông dân đã bị một số người lợi dụng đứng theo phe họ để giành lại quyền sống và quyền làm người, để rồi phải chịu cảnh nghèo nàn và rách rưới te tua như ngày hôm nay. Thật ra, hiện tại, sự chênh lệch giàu nghèo thật rõ ràng và cao hơn bất cứ thời nào trong lịch sử Việt Nam. Ngày nay, thực dân phong kiến đã bị lật đổ để được thay vào đó bằng giai cấp “Tư Bản Đỏ”, thứ giai cấp ngu xuẩn và tàn bạo nhất đã từng hiện hữu trong xã hội loài người. Trước khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, vùng Đồng Tháp Mười đã có một số kinh đào sẵn của người Miên như Kinh Cái Bác từ rạch Cái Cái tới ngọn sông Vàm Cỏ Tây. Hiện giờ kinh đã cạn, từ trên phi cơ nhìn xuống chỉ còn thấy như một con đường mòn nhỏ mà thôi. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Cửu Vân đã đào kinhtừ Vũng Gù đi Mỹ Tho, sau này người Pháp gọi là kinh Arroyo de la Poste(63). Hiện thời kinh không còn sử dụng được nữa và có nhiều khúc đã bị lấp cạn. Năm Gia Long thứ 14 (1815), nhà vua cho đào kinh Cái Cỏ nối rạch Cái Cái với Svay Riêng. Có lẽ thời đó Việt Nam còn kiểm soát vùng Đồng Tháp lên đến tận Svay Riêng. Về sau, khoảng năm 1896, huyện Lộc(27) bắt dân đào kinh chảy tử Bà Bèo tới rạch Ruộng, rồi lấy tên của y mà đặt tên cho kinh là kinh Tổng Đốc Lộc. Việc đào kinh rất lao khổ nên rất nhiều người phải bỏ mạng chỉ vì mục đích trục lợi của tên huyện Lộc, lúc ấy đang làm chủ huyện Cái Bè. Chủ đích đào kinh của huyện Lộc là mở một khu điền thật lớn ở phía Nam con kinh này và dùng dòng kinh như phương tiện dẫn thủy nhập điền và di chuyển lúa từ ruộng ra Cái Bè, Cai Lậy... Mãi đến ngày nay, chỉ có vùng phía Đông Đồng Tháp là được khai phá với rất nhiều kinh đào, còn vùng phía Tây từ Hồng Ngự tới Svay Riêng vẫn còn hoang vu chưa canh tác được vì không có hệ thống kinh đào. Dưới thời đệ nhất Cộng Hòa, chính phủ mới bắt đầu cho đào một con kinh từ phía Hồng Ngự đi Cái Cái. Tuy nhiên, một con én không làm nổi mùa Xuân, vùng này còn phải cần thêm nhiều kinh rạch nữa trước khi đất đai có thể canh tác được.

Tỉnh Mang Tên Đồng Tháp Sau Năm 1975:

Sau năm 1975, chánh quyền Cộng Sản sáp nhập hai tỉnh Sa Đéc và Cao Lãnh lại với nhau để thành lập tỉnh Đồng Tháp với tổng diện tích là 3.276 cây số vuông, gồm 9 huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười(64), Cao Lãnh, Lấp Vò, Châu Thành và Lai Vung. Hai thị xã là Sa Đéc và Cao Lãnh. Tổng dân số tính theo thống kê năm 1998 là 588.700 người. Hiện tại tỉnh lỵ tỉnh Đồng Tháp được đặt tại thị xã Cao Lãnh(65), cách quốc lộ 1A khoảng 36 cây số, cách Sài Gòn 162 cây số. Thị xã nằm trên dòng sông Cao Lãnh, một chi lưu nhỏ của sông Tiền từ đầu cù lao Giêng đến gần khu Ba Sao thì lại chảy trở ra sông Tiền. Ngay từ thời những lưu dân Việt Nam đầu tiên di cư đến vùng đất nầy thì Cao Lãnh đã nhanh chóng trở thành một khu thị tứ sầm uất và là trung tâm kinh tế và sinh hoạt xã hội cho toàn vùng. Dưới thời các chúa Nguyễn, chưa có tên Cao Lãnh, nhưng vùng đất nầy thuộc phủ Tân Thành gồm 2 huyện Kiến Hưng và Kiến Phong. Quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã tuân mệnh triều đình kêu gọi dân Thuận Quảng đến khai phá vùng đất Cao Lãnh(66) nầy. Vào năm 1935, quận Kiến Phong là một trong những quận trù phú nhất của vùng Đồng Tháp, nằm ngay trung tâm Nam Phần, bắc giáp Kiến Tường (Mộc Hóa), tây giáp Sa Đéc, đông giáp Mỹ Tho, và nam giáp sông Tiền. Thời đó Cao Lãnh gồm 3 tổng: tổng An Tịnh(67), tổng Phong Thạnh thuộc quận Châu Thành Cao Lãnh(68), và tổng Phong Nẫm(69). Năm 1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập tỉnh Kiến Phong, tỉnh lỵ đặt tại Cao Lãnh với các quận Hồng Ngự, Thanh Bình, và Cao Lãnh. Từ đó Cao Lãnh tách rời khỏi Sa Đéc. Sau năm 1975, hai tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc được sáp nhập lại để thành lập tỉnh Đồng Tháp, lỵ sở đặt tại Cao Lãnh với 2 thị xã Cao Lãnh và Sa Đéc, và các quận Tân Hồng, Hồng Ngự, Tràm Nông(70), Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Châu Thành, và Lai Vung. Như vậy sau năm 1975, tỉnh Đồng Tháp là một trong 2 tỉnh thuộc vùng Đồng Tháp Mười(71). Trong thời chiến, Cao Lãnh là một vị trí chiến lược cho cả hai phía vì phía bắc của nó giáp với Cao Miên và phía đông của nó lại là cửa ngỏ đi vào Sài Gòn, vì thế ai kiểm soát được Cao Lãnh tức là kiểm soát được đường biên giới dài gần 60 cây số phía bắc với Cao Miên, đồng thời cũng chặn được khu yết hầu Sài Gòn Gia Định. Thật vậy, nếu từ Sài Gòn bay xuống Chợ Lớn, Bến Lức, Tân An và Mỹ Tho, từ trên phi cơ nhìn xuống chúng ta có thể thấy bên tay phải của chúng ta là một vùng trũng bao la bạt ngàn, không âm u như khu rừng sát hay rừng U Minh, nhưng lại có phần hiểm trở hơn những vùng nầy, nhất là vào mùa nước nổi trong vùng Đồng Tháp có nơi mực nước lên đến gần 5 mét. Nước lũ có thể tràn vào vùng Đồng Tháp Mười từ hai phía: 77 phần trăm nước tràn từ biên giới phía Đồng Tháp bên Cao Miên qua Việt Nam, dòng nước lũ nầy khi qua tới Đồng Tháp Mười bên phía Việt Nam thì chỉ là nước phèn, vì nó phải chảy qua những cánh đồng ủng phèn bên Miên và phù sa nếu có đã phải gửi lại cho cỏ cây bên xứ Chùa Tháp trước khi tràn qua Việt Nam. Dòng nước lũ thứ nhì tràn vào Đồng Tháp qua ngã Tứ Giác Long Xuyên từ vùng sông Hậu với rất nhiều phù sa và tôm cá. Có lẽ người dân Nam Kỳ đã quen sống với lũ, với họ, lũ lụt là tai họa, nhưng cũng là tài nguyên, vì nhờ có lũ lụt mà đồng ruộng vừa được rửa sạch phèn, vừa được phù sa bồi đắp, đồng thời tôm cá cũng là một trong những tài nguyên quan trọng sản sanh ra từ lũ. Tính từ năm 1960 đến nay, vùng nầy đã có những cơn lũ thật lớn vào những năm 1961, 1966, 1984, 1991, và 1994. Tại những vùng trũng nhất của Đồng Tháp Mười, có nơi nước ngập kéo dài quanh năm, có nơi kéo dài 6 tháng. Mặc dù so với những vùng đất chính của Nam Kỳ Lục Tỉnh thời Minh Mạng thì Cao Lãnh không được nổi tiếng cho lắm, nhưng Cao Lãnh với di tích Gò Tháp Mười của nền văn hóa Óc Eo, được tiếp nối bởi văn hóa Angkor, cũng như những di tích thời kháng Pháp còn sót lại cũng đủ làm cho con dân địa phương tại đây hãnh diện về quê hương mình.
Con đường khai khẩn và bảo quản vùng Đồng Tháp hãy còn nhiều khó khăn, vùng này lúc nào cũng là một tiềm năng đáng kể, chẳng những cho nền kinh tế Nam Kỳ, mà còn trên bình diện toàn quốc nữa. Hy vọng với sức cần cù lao khổ của toàn dân vùng Đồng Tháp, lúa gạo sản xuất của toàn vùng ngày sẽ gia tăng. Một khi các cơ sở công nghiệp đã được xây dựng, và khi mà giai cấp “Tư Bản Đỏ”, một giai cấp ngu xuẫn nhưng lại bóc lột nhân dân tàn tệ nhất trong xã hội loài người bị triệt tiêu, thì những nông dân nghèo Việt Nam sẽ có cơ hội có được quyền sống và quyền làm người cày có ruộng, chừng đó thì kinh tế toàn vùng Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung sẽ góp phần tích cực và lớn lao cho sự thịnh vượng của đất nước.

------------------
Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,34..ở cột danh mục hai bên.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét