Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Đất Phương Nam (TT) - Cộng Đồng Người Minh Hương Trên Đất Nam Kỳ


Tổng Quan Về Tên Gọi Minh Hương:
Trung Hoa là một nước lớn nằm về phía Đông Bắc Á Châu. Tuy nhiên, từ ngày lập quốc đến năm 1911, chưa bao giờ nước nầy có một quốc hiệu thống nhất. Thời các vua Nghiêu Thuấn thì chưa có sử sách rõ ràng về một quốc hiệu Trung Hoa. Đến đời nhà Chu thì người ta cũng chỉ gọi tên nước theo họ của người làm vua; và nước nầy chưa bao giờ có được một tên gọi thống nhất. Không biết tên mà chúng ta gọi nước nầy là Trung Hoa ngày nay có từ thời nào, chứ từ sau đời nhà Chu thì họ y cứ theo họ của vị hoàng đế đầu tiên mà gọi. Đến đời nhà Tần, sau khi Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc, thì nước nầy có danh xưng là Tần Quốc. Đến đời nhà Đường thì gọi là Đại Đường, đời nhà Tống thì gọi là Đại Tống, thời lệ thuộc Mông Cổ thì gọi là Đại Nguyên, sau khi Chu Nguyên Chương thu hồi độc lập rồi lập lên nhà Minh thì gọi là Đại Minh. Đến khi lệ thuộc tộc Mãn Thanh thì gọi là Đại Thanh, vân vân. Còn nói về người Trung Hoa di dân đến Việt Nam có lẽ đã diễn ra từ hàng chục thế kỷ về trước, từ sau khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam hán giành lại độc lập cho Việt Nam, một số quan quân nhà Hán không chịu về nước, đã định cư luôn ở xứ Đại Việt. Trước thế kỷ thứ XVI, người Hoa ở Đại Việt chỉ tập trung tại miền Bắc, trong các vùng Vân Đồn, Phố Hiến, chứ chưa có sử liệu nào cho thấy họ đã vào xứ Đàng Trong. Đến cuối thế kỷ thứ XVI, đã có một số thương buôn Hoa kiều theo chân chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào buôn bán và định cư luôn tại miền Thuận Quảng, như tại các vùng Ái Tử, Hội An, và Quảng Ngãi, nhưng với một số lượng không đáng kể, vì thời đó cả vùng từ Thuận Hóa vào đến Phú Yên dân cư thưa thớt và kinh tế không mấy phát triển. Trong khoảng thời gian đó, vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ, chưa có người Hoa nào vào sinh sống vì toàn hãy còn chìm ngập trong sình lầy hoang vu, chưa được khai phá. Khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, chúa Nguyễn khuyến khích tàu buôn nước ngoài đến mua bán tại các hải cảng của xứ Đàng Trong(1). Từ nửa đầu thế kỷ thứ XVII, số kiều dân Trung Hoa cư ngụ tại cảng Hội An đã khá đông. Theo Christoforo Borri, một giáo sĩ người Ý đã từng cư ngụ tại Hội An từ năm 1618 đến năm 1621, đã ghi lại như sau: “Vì muốn cho tiện việc họp hội chợ, vua xứ Đàng Trong đã cho phép người Trung Hoa và người Nhật Bản lựa chọn một nơi thích hợp để xây dựng thị trấn. Thị trấn nầy gọi là ‘Faifo’. Vì tại đó đất rộng, nên người ta có thể nhận ra hai phố. Một là phố Khách, hai là phố Nhật. Các phố đặt riêng thủ lãnh và y theo phong tục tập quán riêng mà sinh sống.” Như vậy ngay từ thế kỷ thứ

XVI, người Hoa đã lập thành cộng đồng đầu tiên của họ tại xứ Đàng Trong. Từ giữa thế kỷ thứ XVII, sau những biến cố chánh trị bên Trung Hoa, những di thần nhà Minh không phục nhà Thanh như Trần Thượng Xuyên, Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến cùng khởi binh dưới sự lãnh đạo của Trịnh Thành Công, kéo nhau ra cố thủ Đài Loan, nhưng rồi cũng thất bại, họ đành phải kéo hết gia đình và thuộc hạ dong buồm xuôi Nam tìm đất tỵ nạn. Họ đã được chúa Nguyễn cho phép đi vào vùng đất Thủy Chân Lạp khai hoang lập ấp. Sau khi đã ổn định, an cư lạc nghiệp và hòa nhập vào cuộc sống mới trên vùng đất Nam Kỳ, những người Hoa nầy đã tự cho mình hay được người Việt gọi họ là người “Minh Hương”. Theo thiển ý, có lẽ những người Hoa nầy đã tự xưng mình là người Minh Hương thì đúng hơn, vì hai chữ “Minh Hương” có nghĩa là những người còn tưởng nhờ đến quê hương nhà Minh, hay những người có cùng một quê hương dưới thời nhà Minh. Những người Minh Hương ở Nam Phần thời đó đã lập ra 5 bang chánh, gồm Quảng, Hẹ, Triều Châu, Phước Kiến và Hải Nam, nhưng đông nhất là hai bang Quảng Đông và Triều Châu. Điểm đặc biệt là người Minh Hương gốc Quảng Đông thường sống co cụm tại các tỉnh thành và chuyên nghề kinh doanh và buôn bán; trong khi người của các bang khác thì sinh sống bất cứ nơi nào mà họ có thể làm ăn được, như người Tiều thì thường sống hòa nhập với người Khmer trên các giồng cao và chuyên nghề làm rẫy, người Hải Nam thì thường sống bằng nghề đánh cá tại các vùng ven biển, vân vân.

Đối với xứ Đàng Trong từ thế kỷ thứ XVI trở về sau nầy, người Minh Hương đã góp phần không nhỏ trong việc khai khẩn và phát triển đất nước, nhất là trong tiến trình Nam Tiến. Riêng những người Minh Hương tiên phong như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, cùng với Mạc Cửu là những người Minh Hương đã góp phần không nhỏ trong việc mở mang, khai phá và phát triển vùng đất Nam Kỳ, đáng được toàn dân Việt Nam nói chung và con dân Nam Kỳ nói riêng ghi nhớ công đức và lập đền thờ lưu lại cho hậu thế. Và phải thành thật mà nói ở những vùng mới khai phá trên tiến trình Nam Tiến, người Việt luôn giữ thế chủ động, tuy nhiên, nếu không có sự đóng góp của người Minh Hương chắc hẳn cha ông chúng ta đã gặp phải nhiều trở lực và công cuộc khai phá đã phải tiến triển chậm chạp hơn nhiều. Theo Gia Định Thành Thông Chí, chính những quan quân của những di thần nhà Minh đi tiên phong như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu chẳng những đã khai phá hoang địa mà còn chiêu mộ lưu dân Trung Quốc để thành lập những cộng đồng người Hoa có tầm cỡ đầu tiên trong vùng Nam Kỳ(2). Quan Tổng binh Trần Thượng Xuyên cùng Phó Tướng Trần An Bình và Dương Ngạn Địch cùng phó tướng Hoàng Tiến cùng một số thuộc hạ chạy sang xứ Đàng Trong vào khoảng năm 1679, dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Chúa đã cho phép ông được giữ nguyên chức Tổng binh và cùng bộ tướng đi vào khai phá vùng đất Nông Nại, tức vùng Đồng Nai-Biên Hòa ngày nay. Trong khi nhóm của Trần Thượng Xuyên đã vào cửa Cần Giờ, rồi lên đồn trú ở vùng Bàn Lân thuộc xứ Đồng Nai thời đó; còn nhóm của Dương Ngạn Địch đã theo cửa Tiểu hoặc cửa Đại, rồi lần lên theo sông Tiền để khai phá vùng Mỹ Tho Đại Phố.

Cộng Đồng Người Minh Hương Trên Vùng Đất Đồng Nai:
Có thể nói Trần Thượng Xuyên là một trong những người đi tiên phong trong việc khai phá hoang địa tại miền Nam. Ông chẳng những có công trong việc khai hoang lập ấp, mà còn góp phần rất đắc lực trong việc chấn chỉnh và kiện toàn bộ máy hành chánh tại vùng Biên Hòa ngày nay. Lúc ông và phó tướng Trần An Bình tới vùng Nông Nại thì vùng đất nầy hãy còn là một hoang địa, đất rộng người thưa. Ban đầu đa số người trong nhóm Trần Thượng Xuyên đến định cư và khai khẩn vùng Lộc Dã, Bàn Lân, vùng Bến Gỗ, thuộc Biên Hòa ngày nay, còn lại một số nhỏ thì Trần Thượng Xuyên ra lệnh cho họ đi thám sát những khu vực gần đó xem coi có nơi nào thuận tiện và tốt hơn vùng Bến Gỗ hay không. Cuối cùng Trần Thượng Xuyên đã quyết định đưa toàn bộ thuộc hạ về khai phá vùng Cù Lao Phố(3). Đây là một vùng đất nằm trên khu đất mầu mỡ nhất giữa lưu vực sông Đồng Nai. Nhờ đất đai đầy phù sa mầu mỡ nên việc khai thác cũng rất dễ dàng. Chính Trần Thượng Xuyên đã chiêu mộ cư dân bản địa gồm những người Mạ, Stiêng, Cơ ho, Chu ru... cùng với lưu dân người Việt để khai phá đất hoang, lập nên phố chợ thương mãi rất phồn thịnh, thông thương với người Hoa tại Đài Loan, người Nhật, người Ấn, cũng như người Âu Châu. Đó là khu Giản Phố hay Cù Lao Phố, hay nói đúng ra là cả vùng Biên Hòa ngày nay.

Lịch sử di dân của người Hoa đến Việt Nam đã khởi nguồn từ rất sớm, vì có lẽ đây là vùng ‘đất lành chim đậu’. Trong “Bút Kỳ Đồng Bằng Sông Cửu Long”, Phan Quang có ghi lại theo giáo sư Trần Kinh Hoa, một người Trung Hoa chuyên nghiên cứu về người Hoa hải ngoại: “Từ thời Tần Thủy Hoàng đã có người Hán sang lánh nạn tại Việt Nam. Cuối đời Đông Hán, có đến ba, bốm trăm người danh vọng chạy sang Giao Chỉ trong đó có các tướng tài như Trần Quốc, Viên Trung, Hứa Tĩnh, vv...

Thế kỷ thứ XIII, quan quân Nam Tống không hợp tác với nhà Nguyên cũng chạy sang tỵ nạn. Đến thế kỷ thứ XVII, di thần nhà Minh lại chạy sang tỵ nạn vì không muốn hợp tác với Thanh triều, vv...”(4) Theo thống kê của VNCH vào năm 1955, trên toàn miền Nam có hơn 800.000 người Hoa, riêng vùng Sài Gòn-Chợ Lớn đã có trên 570 ngàn người. Thật tình mà nói, vì những nguyên nhân khách quan vào thế kỷ thứ 17, khi cục diện chánh trị ở Trung Hoa thay đổi đã xô đẩy những di thần nhà Minh phải lưu vong đào tỵ ở xứ Đàng Trong(5). Thêm vào đó là những biến chuyển thuận lợi cho các chúa Nguyễn trên vùng đất Thủy Chân Lạp cũng là nguyên nhân khách quan khiến cho nhóm di thần nhà Minh có mặt trên vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ. Mặc dầu khi Trần Thượng Xuyên tới vùng Nông Nại thì ở đây đã có những nhóm lưu dân Việt Nam vào đây từ thời công nữ Ngọc Vạn vào làm hoàng hậu cho vua Chey Chetta II (1620), và từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên thiết lập hai trạm thu thuế ở Kas Krobei và Prei Nokor vào năm 1623. Tuy nhóm Trần Thượng Xuyên không phải là những người tiên phong mang gươm đi mở cõi, nhưng họ cũng là những người có công lập nên cơ nghiệp lớn cho xứ Đàng Trong trên vùng đất Nam Kỳ nầy. Theo sử liệu, trước khi nhóm Trần Thượng Xuyên đến dựng trại trong vùng Lộc Dã và Bàn Lân, thôn Tân Lân, thuộc dinh Trấn Biên, khi đó vùng Mô Xoài và Đồng Nai đã có lưu dân người Việt đang ở chung đụng với người Khmer và các bộ tộc bản địa như Mạ, Stiêng, Cơho, Churu... và tại những vùng đất nầy đã thành hình những thôn xã lâu đời với những cái tên mà lịch sử xứ Đàng Trong thường hay nhắc đến như Lộc Dã, Bàn Lân, Đồng Môn, vân vân. Trần Thượng Xuyên đã chiêu mộ những người nầy về hợp sức với mình và đã biến một Bàn Lân hoang dã thành một Nông Nại Đại Phố sau nầy.

Như vậy, đối với công cuộc Nam Tiến của các chúa Nguyễn, Trần Thượng Xuyên và nhóm người Minh Hương của ông đã góp phần không nhỏ trong việc khai khẩn, định cư và phát triển. Từ trung tâm cù lao Phố, ngoài xã Thanh Hà là trung tâm định cư của người Minh Hương thời đó, vì lưu dân khắp nơi ngày càng qui tụ về đây đông đảo nên nhiều thôn xã khác đã được khẩn hoang như xóm Rạch Lò Gốm, xóm Chùa, xóm Chiếu, vân vân. Tính đến năm 1700, đã có trên 10 thôn xã đã được thành hình tại đây. Ngoài ra, người Minh Hương còn sống rải rác tại các vùng có liên hệ mật thiết với cù lao Phố về phương diện buôn bán thương mại như các nhà buôn bán tôm cá ở Tam An và Hội Bài, các vựa trái cây ở vùng Long Phước, các vựa sầu riêng và chuối ở An Lợi và Long Tân, các vựa cá biển và sò huyết ở Phước An, các lò sản xuất lu hủ và gốm sứ ở chợ Đồn trong xã Bình Long, các chành lúa ở Tân Bản và Phước Khánh, các tiệm buôn bán vàng bạc và đá quý ở Mỹ Khánh và Bình Long, vân vân. Tại các nơi nầy người Minh Hương thường là các chủ tiệm hay chủ vựa, họ là những đại lý thu mua nguyên vật liệu tại chỗ đem về cung cấp cho cù lao Phố. Thuở đó, cù lao Phố là một giang cảng nằm sâu trong đất liền, cách bờ biển khoảng trên 100 cây số. Sở dĩ nó có được vị trí thuận lợi là vì nó là khu thương mại đầu mối, vì từ đó người ta có thể dự trữ và đưa nông lâm sản đi các nơi khác rất dễ dàng. Nông Nại Đại Phố đã sớm trở thành một trung tâm thương mãi có nhiều tàu ngoại quốc tới lui buôn bán. Vùng Nông Nại Đại Phố lúc nầy cũng đã sẵn có người Việt Nam ở đây làm ăn khá đông. Việc thương mại của vùng Nông Nại Đại Phố lúc nầy phần lớn dựa vào nghề nông của người Việt và cư dân bản địa. Ngoài ra, ngoài gạo ra, tại cù lao Phố những hàng hóa khác mà các ghe tàu ngoại quốc thường mua để chở về xứ bao gồm cá khô, sừng tê, ngà voi, gạc nai, các loại dược thảo quí, vân vân(6). Thời nầy lúa gạo(7) là nguồn xuất khẩu chính ở đây tương đối rẻ hơn nhiều nơi khác trong vùng Đông Nam Á như Xiêm La hay Nam Vang. Bên cạnh đó, cư dân vùng cù lao Phố còn làm những nghề thủ công khác như dệt vải, dệt chiếu, gốm sứ, đúc đồng, làm đường mía, làm bột, làm đồ gỗ, đóng ghe thuyền, và nhiều ngành thủ công khác nữa. Thật tình mà nói, vùng Nông Nại Đại Phố lúc nầy trù phú và cường thịnh nhưng không vượt nổi vùng Prei Nokor do người Việt Nam khai phá từ trước, vì Prei Nokor nằm gần cửa biển hơn Nông Nại Đại Phố đến hàng mấy chục cây số. Tuy nhiên, do tài giao tiếp của tướng Trần Thượng Xuyên nên chẳng mấy chốc mà cù lao Phố đã nghiễm nhiên trở thành một thương cảng lớn và quan trọng nhất của Nam Kỳ thời đó. Chính nhờ sự phát triển quá nhanh như vậy mà vào cuối thế kỷ thứ 17, khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Đồng Nai, cư dân vùng nầy đã lên đến 4 vạn hộ. Cù lao Phố tiếp tục phát triển trong suốt gần một thế kỷ, kể từ năm 1679 đến 1776. Theo Sơn Nam trong “Cù Lao Phố, Cảng Biển Đầu Tiên Ở Nam Bộ”, Nông Nại Đại Phố tức là Chợ Lớn của xứ Đồng Nai, mà Đồng Nai là âm theo tiếng Quảng Đông từ chữ Nông Nại. Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí: “Nông Nại Đại Phố, lúc đầu do Trần Thượng Xuyên, tức Trần Thắng Tài khai thác. Ông chiêu mộ thương buôn người Hoa đến xây dựng phố sá với mái ngói, tường vôi, lầu cao, quán rộng, dọc theo bờ sông liên tiếp đến 5 dặm. Đường phố chia vạch làm 3 loại, đường phố lớn thì lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, và đường phố nhỏ lót đá xanh. Đường rộng và bằng phẳng, dưới sông thì tấp nập thuyền buôn lớn đến đậu tại bến, ấy là chỗ đô hội, là nơi hội tự của nhiều nhà buôn bán lớn từ khắp nơi. Ngoài ra, Trần Thương Xuyên còn khuyến khích lưu dân người Trung Hoa từ lục địa đến đây làm ăn sinh sống, khiến cho dân số trong cộng đồng người Minh Hương ngày càng tăng.

Cộng Đồng Người Minh Hương Trên Vùng Đất Prei Nokor:

Trận chiến năm 1776(8) giữa nghĩa quân tây Sơn và Nguyễn Ánh đã xãy ra ngay tại vùng cù lao Phố và đã tàn phá gần hết phố sá tại đây. Từ đó đa số người Hoa đã bỏ vùng cù lao Phố để chạy về phía Nam, dọc theo sông Tân Bình, tức vùng Prei Nokor thời Thủy Chân Lạp để thành lập nên khu Chợ Lớn ngày nay. Phải công tâm mà nói, sự suy tàn ở nơi kia lại chính là sự hưng khởi ở nơi nầy. Thật vậy, thời điểm suy tàn của cù lao Phố lại là cái mốc hưng khởi của vùng đất Prei Nokor, tức Chợ Lớn ngày nay. Sau khi cư dân vùng cù lao Phố bỏ chạy về Prei Nokor, họ đã co cụm lại buôn bán tại vùng đất nầy. Bắt đầu năm 1788, vùng Chợ Lớn bắt đầu đi vào xây dựng và phát triển để cuối cùng trở thành một trong những trung tâm thương mại hàng đầu cho cả nước. Chỉ trong vòng không đầy hai chục năm, thành phố Chợ Lớn đã vượt qua hẳn Bến Nghé và biến thành trung tâm thương mại chính của Nam Kỳ thời đó.
Qua kinh nghiệm xây dựng vùng cù lao Phố, lần nầy Chợ Lớn được xây dựng với những con đường đan xuyên nhau hình chữ điền, phố sá liền mái nhau, người Việt và người Hoa ở chung lộn với nhau trên những khu phố dài đến 3 dặm. Trong phố chợ hàng hóa bày bán đủ thứ như tơ, lụa, gấm, gốm sứ, đồ trang sức, sách vở, tiệm thuốc bắc, trà, và vô số những cửa hàng ăn uống như hủ tiếu, mì, phở và cháo, vân vân. Lúc nào trong phố chợ người ta cũng dập dìu đi mua sắm. Sau khi thành phố Chợ Lớn xuất hiện như một trung tâm thương mại, thì gần như các trung tâm khác trong vùng không còn chiếm thế thượng phong như trước đây nữa. Đến thời Pháp thuộc, Chợ Lớn đã nghiễm nhiên đóng vai trò trung tâm thương mại chính yếu chẳng những cho cả Nam Kỳ mà còn cho cả nước nữa. Theo thống kê của người Pháp vào năm 1881 thì lúc nầy người Hoa chiếm một phần hai mươi lăm dân số Nam Kỳ. Đặc biệt là từ trước đến nay họ đều sống tập trung ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn. Năm 1881 ở Sài Gòn có 1.047 Pháp kiều, 5.946 người Việt và 5.595 người Hoa; ở Chợ Lớn có 20.677 người Việt và 19.096 người Hoa. Như vậy lúc đó số người Hoa và người Việt tại Sài Gòn-Chợ Lớn gần như tương đương với nhau(9).
Trong bài viết về “Hình Ảnh Sài Gòn” năm 1860, ông Louis Malleret đã viết: “Ở phần đất cao của thành phố, sau khi vượt qua Trường Thi, nơi kỵ binh và thủy binh đang đóng, người ta gặp nhiều lăng mộ và các vườn cây ăn quả ẩn mình trong các ngôi làng toàn nhà lá. Cuộc kê khai số đinh trong khu vực đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn cho phép chúng ta xác định được một số những ngôi làng nầy. Đi theo con “đường chiến lược”, ngày nay trở thành phố Frère Louis, ta có thể tới được khu buôn bán lâu đời nhất (khu Chợ Lớn), trong đó Sài Gòn, nói đúng hơn lúc đó Bến Nghé chỉ là một khu ngoại ô xa xôi... Sách vở cho biết sự di cư của người Tàu tới Chợ Lớn bắt đầu từ năm 1778 và có lẽ sự kiện người Tàu rời bỏ các trung tâm ở sâu trong nội địa tới Chợ Lớn để chạy trốn cuộc chiến tranh của Tây Sơn là có thực. Nếu chú ý rằng Nam Kỳ xưa kia thuộc Cao Miên và trước khi có Chợ Lớn đã có một thành phố Khmer gọi là Prei Nokor thì ta có thể giả thuyết rằng người Tàu đã ở Chợ Lớn từ rất sớm như đã ở khu vực Angkor và nhiều thành phố khác trong nước Cao Miên cổ. Từ trên máy bay nhìn xuống, dấu vết của Prei Nokor là một đường bao với một trường đua ở bên trong. Với các đền chùa của các bang hội Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu của người Minh Hương...”
Tóm lại, sự xuất hiện của Trần Thượng Xuyên và quân dân Long Môn tại vùng Thủy Chân Lạp vào cuối thế kỷ thứ XVII đã góp phần tạo nên những biến chuyển quan trọng cho việc định hình và phát triển vùng đất Nam Kỳ về sau nầy. Chính Trần Thượng Xuyên và những người Minh Hương cùng tháp tùng theo ông đã tự nguyện trở thành thần dân của xứ Đàng Trong và không riêng gì gia quyến của Trần Thượng Xuyên, mà cả đoàn đi theo ông đã có những hành động rất tích cực trong việc khẩn hoang lập ấp để không những xây dựng nên những cộng đồng người Minh Hương vững chắc tại đây, mà nhóm người Minh Hương nầy còn giúp cho các chúa Nguyễn xây dựng và phát triển một Nam Kỳ thật vững chắc và phát triển vượt bực so với các vùng khác của đất nước. Bên cạnh cộng đồng người Minh Hương trong vùng Đồng Nai và Sài Gòn, chúng ta phải kể đến những cộng đồng Minh Hương trên các vùng khác như tại các vùng Mỹ Tho Đại Phố và Hà Tiên trấn. Phải thành thật nói rằng công lao khai phá vùng đất Nam Kỳ của cộng đồng người Minh Hương không phải là nhỏ. Chính bao nhiêu thế hệ của những người Minh Hương từ các vùng Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên và nhiều nơi khác trên đất Nam Kỳ đã cùng với người Việt Nam đổ ra không biết bao nhiêu là mồ hôi và xương máu để chẳng những biến đất Nam Kỳ thành ra một vùng đất trù phú, mà còn là một vựa lúa lớn nhất cho cả nước.
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét