Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Phan Thanh Giản - Nổi Oan 40 năm


THÂN THẾ PHAN THANH GIẢN
Phan Thanh Giản sinh Giờ Thìn, Ngày 12 tháng Mười, Bính Thìn (1796), đời Lê Cảnh Hưng; mất vào đêm mồng Bốn rạng ngày mồng Năm tháng 7 năm Đinh Mão (1867) sau khi tuyệt thực 17 ngày rồi uống thuốc độc tự vẫn; hưởng tho 72 tuổi. Linh cữu an táng tại làng Bảo Thạnh,Ba tri Bến Tre.
 Phan Thanh Giản lấy tên tự  là Tịnh Bá và Đạm; hiệu là Lương Khê; biệt hiệu là Mai Xuyên. Sau khi thi đậu, cụ cưới vợ người đầu tiên người làng Cần Giuộc. Bà này mất, cụ tục huyền với bà Trần Thị Hoạch ở Quảng Trị và đưa vợ về Kiến Hòa để lo phụng dưỡng cha mẹ. Trong dịp này, cụ làm một bài thơ để tạ ơn vợ đã thay cụ báo hiếu cha mẹ.

 Từ thuở vương xe mối chỉ hồng
 Lòng này ghi tạc có non sông
 Đường mây cười tớ ham dong ruổi
 Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng
 Ơn nước, nợ trai đành nỗi bận
 Cha già, nhà khó, cậy nhau cùng
 Mấy lời dặn bảo cơn ly biệt
 Rằng nhớ, rằng quên, lòng hỡi lòng
(tham khảo: Vĩnh Long Xưa và Nay của Huỳnh Minh, 1967)

 Tương truyền tổ phụ cụ Phan Thanh Giản là Phan Thanh Tập, hiệu là Ngẫu Cừ, sống dưới đời Nhà Minh.Sau đó Phan Thanh Tập di cư sang Việt Nam cư ngụ tại Phủ Hoài Sơn, Bình Định. Phan Thanh Tập có một con trai là Phan Thanh Ngạn tục kêu là Xán. Năm 1771, gia đình ông Ngạn di vào Nam, ngụ ở Thanh Trông, Định Tường. Sau dời về Mân Thích, Vĩnh Thanh, Vĩnh Long; rồi lại dời về Huyện Bảo An, Hoằng Trị, Vĩnh Long. Cuối cùng, ông lại dời về thôn An Hòa, Tân Thạnh, Vĩnh Bình., phủ Định Viễn, Trấn Vĩnh Thạnh; nay là xã Bảo Thạnh, Ba Tri, Bến Tre. Ông cưới vợ là bà Lâm Thị Bút sinh hạ ra Phan Thanh Giản. Năm 1802, Phan Thanh Giản được 7 tuổi thì bà mẹ qua đời. Bà mẹ kế là bà Trần Thị Dưỡng rất yêu quý ông và cho ông thụ giáo với nhà sư Nguyễn Văn Noa ở chùa làng Phú Ngãi. Năm 1815, cha của Phan Thanh Giản bị tù oan. Phan Thanh Gian xin với quan cho ông được ở tù thế cho cha. Quan không thể giúp được nhưng tạo cơ hội cho ông ở gần cha và trau giồi kinh sử. Sau khi cha mãn tù, Phanh Thanh Giản ở lại Vĩnh Long tiếp tục học để tạo sự nghiệp.

SỰ NGHIỆP
 Năm 1825, cụ đậu Cử Nhân Khoa Ất Dậu.Năm sau, cụ đậu Đệ Tam Giáp đồng Tiến Sĩ. Cụ là người đậu Tiến Sĩ khai khoa ở Nam Bộ. Cụ từng giữ nhiều chức vụ: dưới ba triều Minh Mạnh, Thiệu Trị, và Tự Đức: Lang Trung Bộ Hình, Tham Hiệp Quảng Bình và Giám Khảo Thi Hương Thừa Thiên; Hiệp Trấn Quảng Nam, Hàn Lâm Viện, Phó Sứ sang Nhà Thanh, Đại Lý Tự Khanh Cơ Mật Viện, Kinh Lược Trấn Tây, Bố Chánh Tỉnh Quảng Nam, Hộ Lý Tuần Phủ Quan Phòng, Nội các Thừa Chỉ, Tả Thị Lang Bộ Hộ, Thị Lang Bộ Hộ, Binh Bộ Tả Thị Lang, Tham Tri Bộ Binh, Chánh Chủ Khảo Trường Thi Hà Nội, Hình Bộ Thượng Thư, Lại Bộ Thượng Thư, Kinh Lược Sứ, Nam Kỳ Kinh Lược Phó Sứ, Gia Định Tuần Vũ (coi giữ Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, và Hà Tiên), Chánh Tổng Tài Quốc Sử Quán biên soạn bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quốc Tử Giám Sự Vụ, được cử đi sứ tại Pháp, Trung Hoa, và nhiều nước khác. Năm 1852, Vua Tự Đức ban cho cụ tấm kim khánh khắc “Liêm, Bình, Cẩn, Cán” [Ngay Thật, Công Bằng, Cẩn Thận, Siêng Năng].
 Ngày 4 tháng Ba, năm 1863, để tìm cách chuộc lại 3 tỉnh Miền Đông, Vua Tự Đức bèn cử Phan Thanh Giản dẫn đầu phái đoàn đáp Tầu L'Européen qua Pháp điều đình với Hoàng Đế Napoleon III. Cùng đi với cụ Phan có Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản, và 53 tùy viên trong đó có Trương Vĩnh Ký làm thông dịch viên. 
Trước khi lên đường, cụ Phan làm bài thơ Thuật Hoài để giãi bày tấc lòng như sau: 

Chút nghĩa vương mang phải gắng đi
Tang bồng đành rõ chí nam nhi
Thuyền ngô phơi phới giăng hòn bạc
Khói đá phăng phăng lướt tích ti
La Hán dang tay chờ khách đến
Tướng quân ghé mắt hẹn ngày về
Phen nay miễn đặng hòa hai nước
Nỗi tớ xin đừng bận bịu chi!

 Đề nghị giảng hòa tố cáo tâm trạng tuyệt vọng của Tự Đức nếu không muốn nói đó là thái độ đầu hàng. Tình trạng hòa hoãn này làm cho các quan đầu tỉnh bó tay không dám động tĩnh gì. Lợi dụng tình thế đó, quân Pháp súc tiến chiếm đoạt Nam Kỳ.

 Cụ bị giáng chức 5 lần. Lần thứ nhất lúc cụ bị thất bại khi dẹp loạn Cao Gồng ở Chiên Đàn, phía bắc Quảng Nam. Lần thứ hai cụ bị giáng chức vì can gián Vua Minh Mạng trong chuyến ngự du Quảng Nam với lý do là dân tình Quảng Nam lúc đó đang đói kém. Lần thứ ba cụ bị giáng vì lỗi thuộc viên sơ ý không đóng dấu triện vào một tờ sớ. Lần thứ tư cụ bị giáng vì ông không ký vào bản án Cơ Mật Viện buộc tội Tổng Đốc Bình Định xin vua hủy bỏ bản tuồng Lôi Phong Pháp lý do vở tuồng có lời lẽ bôi bác, chế nhạo Trời, Đất, và các Thần Minh. Lần thứ năm, cụ bị kết tội bất cẩn khi ông làm Phó Chủ Khảo Trường Thi Thừa Thiên. Cuối cùng, cụ bị giáng cách vì thực dân Pháp tráo trở chiếm đoạt thành Vĩnh Long trong lúc còn đang diều đình. Thực tế, cụ xét thấy tình thế không thể cứu vãn được nữa và để cứu lê dân trước mắt khỏi bị nan binh đao, nên cụ trao thành cho Pháp rồi uống thuốc độc tự vẫn. Vua và một số quan lại xiểm nịnh lên án cụ nặng nề ... Nhưng tấm lòng son sắt của cụ đối với quốc gia và dân tộc đã được trời xanh soi sáng và ngày nay tên tuổi của cụ đã được phục hồi.
 Xét cuộc đời và sự nghiệp văn thơ, chính trị của cụ, cụ quả xứng đáng là một bậc đại trí, đại nhân, và đại dũng.
 Mặc dầu trên vai cụ nhiều gánh nặng quốc gia phải chu toàn, cụ Phan vẫn hoàn tất nhiều tác phẩm rất giá trị về văn học và chính trị như sau:
 Lương Khê Thi Thảo (454 bài thơ); Lương Khê Văn Thảo; Sứ Thanh Thi Tập; Tây Phù Nhật Ký; Ước Phu Thi Tập; Tích Ung Ca Hội Tập; Sứ Trình Thi Tập; Việt Sử Thông Giám Cương Mục; và Minh Mạng Chính Yếu.
 Năm 1864, lúc làm Kinh Lược trấn nhậm Vĩnh Long, cụ Phan và Nguyễn Thông phụ tá xây dựng Văn Thánh Miếu thờ Đức Khổng Tử và Văn Xương Các làm nơi hội họp xướng họa thi văn. Tại Vĩnh Long ngày nay, Tòa Văn Xương Các có thờ chân dung của cụ và bài vị của Võ Trường Toản.

GÁN GHÉP TỘI VÀ PHỤC HỒI DANH DỰ CHO PHAN THANH GIẢN.
Triều đình Nhà Nguyễn gán ghép tội cho cụ Phan như thế nào?
Trước hết phải kể tới sự kiện triều đình Tự Đức gán ghép tội cho cụ. Sau khi Pháp chiếm trọn 6 tỉnh miền Nam, Triều Đình Tự Đức trút hết trách nhiệm cho cụ về tội để mất thành với những lời buộc tội rất nặng nề như: “Xét phải tội chết chưa đủ che được tội.” và quyết định: “truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi mãi cái án giam hậu.”
 Sự thật cụ Phan có đầu hàng Pháp và để mất thành không? Các nhà phân tích sử liệu sau này căn cứ vào tư cách và nhân cách cao quý của cụ Phan để đưa ra kết luận là: Trước họa xâm lược của Pháp, vua tôi triều Nguyễn tỏ ra rất bị động và lúng túng. Trong triều chia ra người chủ chiến, kẻ chủ hòa, người lo chống giữ lâu dài. Vua Tự Đức thì tỏ ra phân vân và có thái độ chủ hòa hơn là chủ chiến nên nhà vua đã cho lịnh “tư cho quan Kinh Lược không đánh nhau với quân Pháp, tự phải rút lui. Tư liệu lịch sử cho thấy Phan Thanh Giản không đầu hàng và không nộp thành cho giặc như miêu tả trong một số tư liệu của Pháp. Việc mất ba tỉnh Miền Tây là hậu quả của chủ trương sai lầm của Vua Tự Đức. Tuy nhiên, năm 1886, Vua Đồng Khánh cho khôi phục nguyên hàm và khắc lại tên cụ trên bia tiến sĩ.

 Tháng 10.1963, Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử công bố bài viết tổng kết của GS Trần Huy Liệu với nhan đề “Chúng Ta Đã Nhất Trí về Nhận Định Phan Thanh Giản”.
Qua bài đó, Trần Huy Liệu đã lên án cụ Phan rất gắt gao: “Công đức đã bại hoại thì tứ đức [bốn Đức của Vua Tự Đức ban cho cụ Phan: Liêm, Bình, Cẩn, Cán] còn gì là đáng kể?”; “Phan trước sau vẫn rơi vào thất bại chủ nghĩa, phản lại quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân.” và “Phan đã dâng hiến thành cho giặc”.
 Năm 1994, trước những dư luận nổi lên từ nhiều phía trong và ngoài nước yêu cầu phục hồi danh dự cho Phan Thanh Giản, một cuộc hội thảo được tổ chức tại Vĩnh Long có lẽ là vì nơi đây còn di tích của cụ để lại như Văn Miếu và Văn Xương Các (có chân dung của cụ đặt tại đây) trong khu đất Văn Thánh ở Long Hồ. GS Phan Huy Lê, Chủ Tịch Hội Khoa Học Lịch Sử VN, đọc bài tổng kêt có đoạn như sau: “Chúng ta đều nhất trí không nên quy kết cho ông cái tội “bán nước' hay “phản bội tổ quốc”.
 Ngày 16 tháng 8 năm 2003, một cuộc tọa đàm diễn ra tại Saigòn do Tạp Chí Xưa & Nay tổ chức với chủ đề - và cũng chính là nhan đề của cuốn sách :
- “Thế Kỷ thứ 19: Nhìn Về Nhân Vật Lịch Sử Phan Thanh Giản”. 
Khoảng trên một trăm nhân vật tham dự buổi tọa đàm này trong đó có  Võ Văn Kiệt, Trần Văn Giàu, và Trần Bạch Đằng. 
Tuy nhiên, sau đó, nguyên cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt viết một bài đăng với tựa đề “Những Suy Nghĩ  Sau hai cuộc Hội Nghị về Nhân Vật Phan Thanh Giản” trong có đoạn viết:

- Tôi khẳng định rằng Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân mà lo không tròn bổn phận, cụ đã tự làm bản án cho chính mình: đó là cái chết. Một cuộc đòi thanh sạch đáng để lại gương soi cho hậu thế. Sau cuộc tọa đàm tháng 8/2003, tôi đã về thăm mộ cụ PTG và thắp nhang lạy hương hồn cụ. Và tôi cũng quyết định sửa sang lại khu mộ phần và nhà thờ Cụ bởi mộ đã bị thời gian bào mòn quá nhiều.
(trích bài “140 Năm Sau” của Nguyễn Như Hùng (Santa Clara, CA) đăng trong Đặc San PTG & ĐTĐ Cần Thơ, tr. 23)

 Như vậy, phải chờ tới 40 năm kể từ cuộc hội thảo lần thứ nhất vào năm 1963 trong đó Trần Huy Liệu gắt gao lên án cụ PTG là “chủ bại”, “phản lại quyền lợi của dân tộc”, “dâng thành, hiến đất cho giặc”, đến năm 2003, Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt nói lên lời cải tội cho cụ Phan rằng cụ là người yêu nướcthương dân.
                                      (Trích theo  http://cothommagazine.com)

Đã 141 năm, kể từ ngày 4/8/1867, cụ Phan Thanh Giản kết thúc đời mình bằng 17 ngày nhịn ăn và chén thuốc độc tự vẫn vì buồn đau, thương dân thương nước. Bi kịch đời cụ là bi kịch lịch sử cần được làm sáng tỏ. Chuyện ấy đã thành sự thật.

Khi thăm mộ và đền thờ Phan Thanh Giản, chúng tôi thấy rất nhiều vòng hoa đang còn tươi của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre, Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Ba Tri, rồi các ban ngành, sở, xã Bảo Thạnh (Ba Tri) đến viếng nhân ngày giỗ của cụ ngày 4/8.
Nghĩa là đám giỗ cụ đã được tỉnh long trọng tổ chức, chỉ một tuần trước khi chúng tôi đến Bến Tre. Dịp này,  Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng đã tổ chức lễ rước và an vị tượng Phan Thanh Giản tại Khu Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - nơi Kinh lược sứ đại thần Phan Thanh Giản tuẫn tiết.
Pho tượng do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phụng hiến. Tượng đúc bằng đồng, cao 85 cm, nặng 250 kg, được tỉnh Vĩnh Long đặt trang trọng tại nơi thờ trong Văn Thánh Miếu.  
Thật vui khi được biết, ngày 24/1/2008, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài vừa có công văn gửi UBND tỉnh Bến Tre, cho biết Cục đã làm việc với Viện Sử học và cơ quan này có công văn nêu rõ, các nhà sử học đánh giá cao công lao của cụ Phan Thanh Giản trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa.
Cụ nổi tiếng thanh liêm, đạo đức, có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực văn học, sử học... Viện Sử học kết luận: “Với nhận thức mới trên quan điểm lịch sử cụ thể, nhân vật Phan Thanh Giản xứng đáng được tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau”. Đó là sự phán quyết  công bằng. Như vậy Phan Thanh Giản đã được giải oan sau gần 150 năm mang tiếng “bán nước”. 

…Người dân Miền Tây hiểu rất rõ công tội của cụ Phan Thanh Giản, rằng thời kỳ đó, triều đình Huế là mới là nguyên nhân chính để mất lục tỉnh Nam Kỳ, vì đã quyết “chủ hòa”.
Cụ Phan Thanh Giản không thể tự mình làm trái ý vua. Nên không thể quy cho cụ tôi “bán nước” hay “phản bội Tổ quốc”. Mặc dù cụ vẫn ý thức được hoàn cảnh và trách nhiệm của mình.
Trong lá sớ gửi vua Tự Đức trước khi tự vẫn, cụ viết: “Nghĩ tôi đáng chết, không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho quân phụ”!
Đứng trước mộ cụ Phan Thanh Giản tôi cứ nghĩ miên man về nỗi niềm lịch sử. Hết lòng vì dân vì nước nhưng lại không được người đời hiểu mình.
Hơn ba chục năm qua, tất cả những đường phố, trường học mang tên Phan Thanh Giản đều bị gỡ bỏ. Tượng cụ ở Châu Thành, ở trường Trung học Cần Thơ cũng bị gỡ. Hẳn nhiên bức tượng nằm trong lòng dân mới là vĩnh cửu. 

Một tin vui nữa là tại kỳ họp lần thứ 13 HĐND tỉnh Bến Tre khóa VII (ngày 10 và 11/4/2008) đã thông qua việc đổi tên trường THPT Ba Tri thành trường THPT Phan Thanh Giản từ năm học 2008-2009. Sắp tới tỉnh sẽ dựng lại tượng cụ Phan Thanh Giản.

Rời Ba Tri, tôi cứ ước ao không chỉ ở Bến Tre, Vĩnh Long mà tên của Đại thần Phan Thanh Giản tài hoa, khí tiết sẽ được đặt cho nhiều trường học và đường phố miền Nam như trước đây. 
                                           (Trích theo  http://www.tienphong.vn)

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét