Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Ký Hữu 寄友 - Nguyễn Trãi

  Tản mạn cuối năm ở tuổi 82 

Người xưa, sau cơn khói lửa, tuy thân bằng quyến thuộc ly tán, lạc lõng góc trời, đêm ngày đau đáu nỗi quê, nặng tình, nặng nghĩa,vẫn còn có cơ hội bày tỏ phân trần. Không như ai bây giờ, sống sót, cô đơn , ngơ ngẩn trước đổi đời, trước thân quen mà ngỡ như xa lạ ,khôn nói nên lời. Cuối năm, ở tuổi 82, tôi chép lại bài Ký Hữu của Cụ Ức Trai Nguyễn Trãi kèm theo phần cảm dịch mấy năm trước đây (trích trong Mây Tần 2012) để chia sẻ cùng mọi người thân quí nỗi xúc động, không dấu ít nhiều chua xót ngậm ngùi, trong hy vọng mùa xuân mới sắp về, sẽ mang lại niềm cảm thông, để mọi người có thể hiểu nỗi đau của nhau hơn mà thương nhau hơn. PKT 02/11/2015



Ký Hữu - Nguyễn Trãi (1380 - 1442) 


Loạn hậu thân bằng lạc diệp không
Thiên biên thư tín đoạn thu hồng
Cố viên quy mộng tam canh vũ
Lữ xá ngâm hoài tứ bích trùng
Đỗ Lão hà tằng vong Vị Bắc
Quản Ninh do tự khách Liêu Đông
Thành trung cố cựu như tương vấn
Vị đạo thiên nhai nhậm chuyển bồng


Cảm Dịch: Gửi Bạn

Sau cơn lửa loạn, thân bằng như lá rơi tan tác. Ven trời, mòn mỏi ngóng đợi cánh chim hồng. Tiếng mưa rơi rả rích nửa khuya lẫn tiếng côn trùng râm ran bốn vách sương nơi quán trọ suốt đêm trường đã ru hồn người ly hương vào mộng về lại vườn cũ nhà xưa. Biết gửi về đâu nỗi nhớ. Đỗ Phủ, đời Đường, thuở Vị Bắc nhớ Lý Bạch ở Giang Đông. Vị Bắc xuân thiên thụ/ Giang Đông nhật mộ vân. Cây trời xuân Vị Bắc / Áng mây chiều Giang Đông. Biết gửi về đâu nỗi buồn. Quản Ninh, đời Tam Quốc, tướng nhà Hán, không chịu thần phục nhà Nguỵ, tự lưu đầy vất vưởng trên ba mươi năm ở Liêu Đông. Ngày tháng vô tình lặng trôi. Cuối năm ngẩn ngơ nhìn lại. Phố xưa bạn cũ ai còn nhớ đến. Thưa đã cuối đời cỏ bồng phơ phất, cố nhân ơi .

Gửi Bạn


Hết loạn tin nhà những ngóng trông,
Ven trời mòn mỏi bặt tin hồng.
Vườn xưa, mưa đổ, ba canh mộng,
Quán khách, trùng kêu, bốn vách sương.
Đỗ Lão thẩn thơ trời Vị Bắc,
Quản Ninh vất vưởng đất Liêu Đông.
Phố xưa, bạn cũ ai thăm hỏi,
Thưa chút sinh nhai đã cỏ bồng.

                       Phạm Khắc Trí
***
1. BẢN CHỮ HÁN CỔ CỦA BÀI THƠ:
寄 友

亂後親朋落葉空,
天邊書信斷秋鴻。
故園歸夢三更雨,
旅舍吟懷四壁蛩。
杜老何曾忘渭北,
管寧猶自客遼東。
越中故舊如相問,
為道生涯似轉蓬。
2. PHIÊN ÂM:

Loạn hậu thân bằng lạc diệp không,
Thiên biên thư tín đoạn thu hồng.
Cố viên quy mộng tam canh vũ,
Lữ xá ngâm hoài tứ bích cùng.
Đỗ lão hà tằng vong Vị Bắc,
Quản Ninh do tự khách Liêu Đông.
Việt Trung cố cựu như tương vấn, 

Vị đạo sinh nhai tự chuyển bồng.
                            Nguyễn Trãi
3. CHÚ THÍCH:

a) THIÊN BIÊN: là Bên trời, chỉ xa xôi cách trở.
b) THU HỒNG: HỒNG 鴻 ở đây là HỒNG NHẠN 鴻雁 : Loài chim chuyên dùng để đưa thư. THU HỒNG là Cánh hồng nhạn đưa thư trong mùa Thu.
c) CỐ VIÊN QUY MỘNG: Mơ về vườn cũ, tức là Mơ về quê cũ.

d) LỮ XÁ NGÂM HOÀI: là Lòng trầm ngâm ở nơi quán trọ.
e) TỨ BÍCH CÙNG: TỨ BÍCH là Bốn bức vách tường, CÙNG là Loài Côn Trùng như Dế, Bù Cào, Châu Chấu... TỨ BÍCH CÙNG: là Bốn bề đều có tiếng côn trùng kêu ra rả.
f) Đỗ Lão :
(hay Lão Đỗ) Thi thánh Đỗ Phủ đời Thịnh Đường, đồng thời với Thi Tiên Lý Bạch, được mệnh danh Lão Đỗ để phân biệt với nhà thơ trẻ đời Tàn Đường Đỗ Mục (gọi là Tiểu Đỗ).
g) Vị Bắc :
Bờ bắc sông Vị. Sông này phát nguyên từ núi Điểu Thử, huyện Vị Nguyên, tỉnh Cam Túc, chảy qua tỉnh Thiểm Tây rồi đổ vào sông Hoàng Hà. Tác giả ngụ ý tình bạn giữa Đỗ Phủ và Lý Bạch, dựa theo hai câu thơ sau đây của Đỗ trong bài Xuân Nhật Hoài Lý Bạch: "Vị Bắc xuân thiên thụ, Giang Nam nhật mộ vân" (Cây cảnh trời xuân bờ Vị Bắc, Ánh mây chiều muộn đất Giang Nam) ý nói có thần giao cách cảm, Đỗ nhìn bờ Vị Bắc nhớ Lý, hẳn Lý cũng nhìn mây đất Giang Nam mà nhớ Đỗ.
h) Quản Ninh :
Tác giả đề cập khí phách của Quản Ninh, dân đất Ngụy thời Tam Quốc. Thiếu thời, đang cùng ngồi học chung chiếu với bạn là Hoa Hâm, bỗng một hôm Hoa Hâm bỏ chạy ra đường nhìn xem kẻ giàu sang cưỡi ngựa đi qua nên Quản Ninh cắt đôi chiếc chiếu, không chịu ngồi chung nữa. Cuối đời Hán, Quản Ninh tỵ loạn 37 năm ở Liêu Đông, từ chối mọi quan chức do hai vua Văn Đế và Minh Đế ban cho ông.
i) Việt Trung:
Kinh đô nước Việt ngày xưa thuộc tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), sau bị nhà Hán thôn tính. Tác giả ngụ ý nhắc đến quê hương Việt Nam lúc bấy giờ.
j) VỊ ĐẠO : là Hãy nói rằng, Hãy đáp rằng.
k) TỰ CHUYỂN BỒNG: Xoay chuyển giống như là cỏ bồng, dật dờ vô định.


4. DỊCH NGHĨA:

Sau loạn lạc bà con bạn bè thưa thớt như những chiếc lá mùa Thu rơi rụng.
Chân trời góc bể dứt hẳn bóng chim hồng nhạn mùa Thu đưa thư. (Chữ ĐOẠN ở đây làm ta nhớ đến câu thơ của NGUYỄN DU trong Kiều: Cạn dòng là thắm DỨT đường chim xanh!)

Canh ba nửa đêm mưa rả rích làm mộng hồn cứ luôn mơ về quê cũ. 
Trong quán trọ lòng cứ trầm ngâm mãi giữa bốn bức vách luôn vang dậy tiếng côn trùng. 
Lão Đỗ đâu có khi nào quên được bờ bắc của sông Vị đâu.
Quản Ninh vẫn còn là thân đất khách của xứ Liêu Đông.
Giá có bạn bè thân quen cũ ở đất Việt Trung xưa hỏi thăm.
Xin hãy đáp rằng cuộc sống còn xoay chuyển giống như là cỏ bồng, dật dờ vô định.

5. DIỄN NÔM:

Gởi Bạn


Sau loạn bạn bè tựa lá rơi,
Ngút trông tin nhạn biệt bên trời.
Nửa đêm quê cũ lòng luôn nhớ,
Bốn phía côn trùng dạ chẳng nguôi.
Vị Bắc Đỗ già hằng khoắc khoải,
Liêu Đông chàng Quản luống bồi hồi.
Việt Trung thân hữu như thăm hỏi,
Hãy đáp cuộc đời lắm nổi trôi!
                      Đỗ Chiêu Đức
 

***
Gởi Bạn

Chiến tranh chấm dứt bạn bè đâu
Cánh nhận bặt tăm sống dãi dầu
Quán trọ ly hương mưa rả rích
Côn trùng sát vách tiếng âu sầu
Giang Đông - Vị Bắc cùng nhau nhớ
Đất khách - Quản Ninh vất vưởng lâu
Thăm hỏi thân bằng ai chốn cũ
Cỏ bồng thấp thoáng suốt canh thâu

Mai Xuân Thanh
Ngày 10 tháng 01 năm 2018

***
                        Gởi Bạn

        Tàn cuộc chiến lưa thưa bè bạn
       Còn bên trời chẳng nhạn tin qua
          Mưa đêm càng nhớ quê nhà
Tiếng trùng hòa tiếng ngâm nga não nề
            Đỗ gia mãi nhớ về Vị bắc
      Ninh ở Liêu ruột thắt đêm ngày           

           Việt Trung nào biết hỏi ai
  Cuộc đời vô định giống thay cỏ bồng.


Quên Đi

***

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Chiếc Áo Màu Xanh


Bài Thơ Xướng:


Chiếc Áo Màu Xanh

Nắng buổi bình minh rộ lá cành
Quân đoàn bại xụi chẳng buồn tranh
Xe lăn chậm chậm xe lầm lũi
Bước gắng xiêu xiêu bước tập tành
Khoác áo màu xanh hi vọng mở
Vô phòng vận động phục hồi nhanh
Bền gan vật lộn cùng năm tháng
Số phận dành riêng những chí thành

                               Mai Thắng

Bài Họa : Chúc Bạn Mau Bình Phục( Nhân Mùa Lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch 2018 đầy Hạnh Phúc)

Nghe chim ríu rít ở trên cành
Thương bạn đau nằm ngắm bức tranh
Tháng lụn vận may bùng sắp tới
Năm tàn cái rủi bỗng tan tành
Mong sao sức khỏe mau bình phục
Ước đặng bình an trở lại nhanh
Cố gắng vươn lên thôi hoạn nạn
Nguyện cầu giải nghiệp bạn, tâm thành...

                      Mai Xuân Thanh

              Ngày 22 tháng 12 năm 2017
***

HỌA VẬN :

     Có Công Mài Sắt...

Sau mưa lại nắng lá xanh cành,
Bỉ cực thái lai chẳng phải tranh.
Chầm chậm giơ tay thao với tác,
Xiêu xiêu chân bước tập cùng tành.
Khuyên người vững chí siêng năng tiến,
Mong đệ bền gan kết quả nhanh.
Bộ áo màu xanh mang hi vọng,
Bỏ công mài sắt có ngày thành !...
                                Đỗ Chiêu Đức
***
Mong Bạn Mau Khỏe

Nắng đem sức sống ngập trên cành
Ai cũng có phần đâu phải tranh
Vận rủi trong năm đà sắp hết
Chuyện xui theo pháo sẽ tan tành
Gắng công tập luyện, bình thường sớm
Bền chí thực hành, ổn định nhanh
Bạn hữu xa gần mong bạn khỏe
Gởi câu thăm hỏi với tâm thành.
                               Phương Hà
                              (22-12-2018 )
***
Mến Phục Bạn

Thân này nào khác lá trên cành
Suốt cả kiếp người phải đấu tranh
Kiên định lo chi đời khốn khó
Buông xuôi ắt chịu cảnh tan tành
Tuổi già bệnh tật làm sao tránh
Hạnh phúc yêu đời khỏe rất nhanh
Vui vẻ lạc quan mừng Đắc Thắng
Chúc anh sớm mạnh với lòng thành.
                                  Quên Đi
***

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Từ Vùng Đất Biên Đến Tỉnh Biên Hòa-Đồng Nai - P 4


Sông Ngòi Vùng Đồng Nai-Biên Hòa:

Tuy là vùng đất tương đối cao hơn các miền ở trong miền Đông Nam Phần, Đồng Nai-Biên Hòa lại có một hệ thống thủy lộ rất phong phú gồm hồ Trị An và trên 60 sông, kinh, rạch lớn nhỏ, chẳng những rất thuận tiện cho việc giao thông bằng đường thủy, mà còn cho việc phát triển một số ngành nghề trên sông như nuôi cá bè, nuôi tôm, và đánh bắt thủy sản, vân vân. Sông ngòi trong vùng Biên Hòa không lớn và dài như hệ thống sông Cửu Long và Vàm Cỏ nhưng cũng dư sức tưới tẩm cho đồng ruộng toàn miền, gồm các sông Phước Long, sông Ngã Ba, sông Ngã Bảy, sông La Ngà, sông Đồng Nai, sông Bé, sông Trúc, sông Bồng, sông Đồng Bản, sông An Hòa, sông Sa Hà, sông Kính Giang, sông Lá Bối, sông Thanh Thủy, sông Ngã Ba Nhà Bè, sông Bình Giang, sông Băng Bọt, sông Thủ Đức, sông Ký Giang, sông Hương Phước, sông Xoài, sông Vũng Dương, sông Thất Kỳ, sông Xích Lam, sông Lai, sông Dã Ôi, rạch Gò Chè, rạch Đầm Gấm, rạch Đầm Nát. Cứ mỗi cây số vuông đất trong vùng là có khoảng nửa cây số sông ngòi, tuy nhiên, đa số sông ngòi của vùng Đồng Nai-Biên Hòa tập trung ở phía Bắc như sông Mã Đà, sông Sà Mách, sông Đồng Nai, và sông La Ngà.

Sông Đồng Nai là một trong những con sông lịch sử và nổi tiếng nhất của miền Đông Nam Phần. Tuy không sánh được với hai con sông lớn là Hồng Hà và Cửu Long, nhưng chính nó đã biến cả miền Đông Nam phần thành một vùng trù phú không kém gì vùng châu thổ sông Cửu Long. Sông Đồng Nai phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên(35), chảy qua địa phận Lâm Đồng (Bảo Lộc), tiếp tục chảy ngang qua các thác Dambri, xuống đèo Bảo Lộc, Suối Tiên, rồi dòng sông tiếp tục chảy qua các vùng rừng núi Nam Trung Việt đến địa phận Định Quán, rồi đổ vào hồ Trị An. Tuy nhiên, ở khúc sông này mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa thì nước chảy xiết cuồn cuộn, nên tàu bè không lưu thông được. Qua khỏi vùng Trị An thì thế đất tương đối bằng phẳng hơn nên sông sâu và nước chảy chậm hơn. Trước khi chảy vào Biên Hòa, sông Đồng Nai phân làm hai nhánh, bao bọc những cù lao Tân Chánh, cù lao Rùa, và cù lao Tân Triều. Sau khi chảy qua tỉnh lỵ Biên Hòa, sông lại chia nhánh bao bọc các cù lao Phố và cù lao Ông Còn. Sau đó hai dòng hợp lại để chảy theo hướng

Bắc Nam về hướng Sài Gòn, nó không chảy ngang qua thành phố Sài Gòn, mà chảy qua Nhà Bè(36). Qua khỏi Nhà Bè, sông Đồng Nai có một phân lưu khác là sông Lòng Tảo(37). Các phụ lưu lớn của sông Đồng Nai là sông La Ngà chảy về phía Bình

Thuận, và sông Bé chảy về phía Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Khúc sông Đồng Nai từ Lâm Đồng chảy xuống Định Quán qua hồ Trị An, đến cửa sông Bé(38), dòng
sông chảy theo hướng tây bắc-đông nam, và có bề rộng trung bình từ 100 đến 300 mét. Khúc sông từ Tà Lài đến hồ Trị An có nhiều ghềnh thác, không thuận tiện cho việc giao thông. Dọc theo sông Đồng Nai về phía Tây Nam, sau khi dòng sông này chảy ra khỏi hồ Trị An, qua thành phố Biên Hòa và trở thành sông Nhà Bè, dòng chảy trở nên êm đềm hơn và lòng sông mở rộng và sâu hơn. Trên đường chảy ra cửa Cần Giờ, sông Đồng Nai lại có thêm những phụ lưu quan trọng khác, bên hữu ngạn có sông Bé và sông Sài Gòn, tả ngạn có sông La Ngà. Hệ thống thủy lộ trong khu vực nầy trở nên phong phú với các dòng Nhà Bè, Lòng Tàu, Bà Giải, và Thị Vải, vân vân. Tại đây các sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây cùng chảy vào sông Đồng Nai trước khi đổ ra biển tại cửa Xoài Rạp(39).

Sông La Ngà chảy trong địa phận Đồng Nai-Biên Hòa(40) khoảng 55 cây số, nhưng lòng sông lại hẹp và có có rất nhiều ghềnh thác, không thuận tiện cho việc giao thông, như Thác Trời cao hơn 5 mét. Trước khi chảy vào ranh giới huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), có nhiều suối đổ vào dòng La Ngà, điển hình là suối Gia Huynh và suối Tầm Bung. Suối Gia Huynh bắt nguồn từ khoảng quốc lộ số 1, trong khi suối Tầm Bung bắt nguồn từ cao nguyên Xuân Lộc. Về mùa mưa, nước từ hai dòng suối nầy đổ vào La Ngà(41) khiến cho dòng chảy của dòng sông nầy trở nên mạnh hơn và

nước dâng cao rất nhanh trước khi đổ vào hồ Trị An. Ngoài ra, vùng Đồng Nai-Biên Hòa còn có những sông nhỏ nhưng không kém phần quan trọng khác như sông Buông (Lá Buông), bắt nguồn từ cao nguyên Xuân Lộc, có chiều dài khoảng 40 cây số, chảy theo hướng đông-tây và đổ ra sông Đồng Nai tại vùng An Hòa. Sông Ray cũng phát nguồn từ cao nguyên Xuân Lộc, chảy theo hướng bắc-nam, xuống vùng Bà Rịa-Vũng Tàu, rồi đổ ra biển. Về phía cực nam của vùng Đồng Nai-Biên Hòa, ngoài những sông lớn như Đồng Nai, Nhà Bè, và Lòng Tàu... còn có rất nhiều sông nhỏ, điển hình nhất là hai con sông Xoài và sông Thị Vải. Cả hai con sông nầy đều phát nguyên từ cao nguyên Xuân Lộc và chảy thẳng ra biển. Về phía thượng nguồn, hệ thống sông Thị Vải gồm nhiều con suối nhỏ và dốc; về phía hạ lưu phía dưới quốc lộ 51 đi Vũng Tàu, lòng sông mở rộng hơn, nhưng nước mặn vì gần biển. Sông Xoài có hai nhánh chính là Châu Pha và Suối Dun, cùng nhiều con suối nhỏ, ngắn và hẹp hơn. Tuy nhiên, nước ở thượng nguồn sông Xoài rất quan trọng trong việc cung cấp nước ngọt cho Vũng Tàu; đến gần biển, nước của dòng sông nầy lại có độ mặn tương đương với nước biển. Chính nhờ hệ thống sông ngòi phong phú mà phương tiện giao thông đường thủy của Biên Hòa cũng rất tiện lợi và thiết yếu cho toàn tỉnh. 




Di Tích Lịch Sử Biên Hòa:


Có thể nói vùng Biên Hòa là cái nôi của cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn, vì trong suốt thời Nam tiến, mọi sinh hoạt chính trị và văn hóa quan trọng đều diễn ra tại vùng này. Ngoài Cù Lao Phố cũng như những đình chùa cổ trong vùng, Đồng Nai còn là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời nhất của miền Nam với những di chỉ khảo cổ Ốc Eo ở Định Quán, cũng như dấu tích văn minh cách nay trên 1.300 năm của dân tộc Phù Nam ở Cát Tiên. Tại phường Bửu Long trong thành phố Biên Hòa có Văn Miếu Trấn Biên, được chúa Nguyễn Phúc Chu xây vào cuối thế kỷ thứ 17. Theo chánh sử triều Nguyễn, vào năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Trấn Thủ Nguyễn Phan Long và quan Ký Lục Phạm Khánh Đức chọn thôn Tân Lại, tổng Phước Vĩnh, nay là phường Bửu Long, thuộc thành phố Biên Hòa để xây dựng Văn Miếu Trấn Biên(42). Thời đó văn miếu đóng vai trò của một trung tâm văn hóa và giáo dục của cả miền Nam trong nhiều thế kỷ, và đây cũng là văn miếu đầu tiên của vùng đất phương Nam. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, văn miếu bị tàn phá nặng nề trong thời chiến tranh giữa Nguyễn Ánh với nhà Tây Sơn, rồi đến thời Pháp thuộc, và thời chiến tranh Quốc Cộng. Vào những năm 1794 và 1852, triều đình đã sai trùng tu lại ngôi Văn Miếu. Sau chiến tranh dân chúng đã xây dựng lại Văn Miếu theo lối kiến trúc cổ để tưởng nhớ lại một thời văn hiến của dân tộc. Năm 1861, văn miếu bị thực dân Pháp tấn công và tàn phá hoàn toàn khi chúng chiếm 3 tỉnh miền Đông. Từ năm 1954 đến năm 1975, chánh quyền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa không trùng tu văn miếu được vì tình trạng chiến tranh Nam-Bắc. Mãi đến 27 năm sau khi chiến tranh chấm dứt (2002), Văn Miếu Trấn Biên mới được xây dựng lại trên nền Văn Miếu khi xưa, thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 3 cây số.
Tại thành phố Biên Hòa còn có đền thờ thần Thành Hoàng của dân địa phương, nhưng sau người ta cũng thờ ông Nguyễn Tri Phương. Nguyễn Tri Phương là một danh tướng của triều Nguyễn vào cuối thế kỷ thứ XIX, người đã đắp đồn Kỳ Hòa để chống Pháp sau khi chúng lấn chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào năm 1861. Nguyễn Tri Phương chẳng những là một võ tướng tài ba, mà còn là một vị quan có tài và có công trong việc lập đồn điền, khai hoang lập ấp ở các tỉnh miền Nam. Ông qua đời vào năm 1873. Sau khi ông mất, để tỏ lòng biết ơn ông, dân chúng trong vùng tạc tượng ông và đem vào thờ trong đền, tại làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên, nay là phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa. Lễ Kỳ Yên tại đây được tổ chức vào hai ngày 16 và 17 tháng 10 âm lịch. Vào các ngày lễ, đông đảo dân chúng trong vùng tụ họp về đây để dâng hương cầu phúc.

Tại xã Hòa Hiệp (Cù Lao Phố), cũng thuộc thành phố Biên Hòa có đền thờ ông Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những khai quốc công thần thời các Chúa Nguyễn, đã có công mở mang và xây dựng miền Nam. Theo chánh sử triều Nguyễn, năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược đất Nông Nại. Ông đã đặt tên cho vùng đất mới là phủ Gia Định, dựng dinh Trấn Biên, chia phủ nầy ra làm hai huyện: Phước Long và Tân Bình. Sau đó, ông đặt ra phường, Ấp, xã, thôn, rồi cho lập bộ đinh và bộ điền, và chiêu mộ lưu dân từ các vùng Ngũ Quảng đi vào Đồng Nai để lập nghiệp. Đền thờ ông được xây cách đây trên 300 năm, mặt đền nhìn ra sông Đồng Nai theo hướng tây nam, sân đền rộng. Năm 1802, vua Gia Long đã cho trùng tu lần đầu, và được vua Tự Đức trùng tu lần nữa vào năm 1851, và thời VNCH trùng tu năm 1961. Hàng năm dân chúng trong vùng đổ xô về đây tổ chức tế lễ, cầu cho quốc thái dân an và để tưởng nhớ đến ân đức lớn lao của quan Chưởng

Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, bậc tiền hiền đã có công khai sanh ra vùng hoang địa nầy. Lễ Kỳ Yên tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức hai lần vào ngày 16 tháng 6 và vào ngày 11 tháng 1 âm lịch. Cách đền thờ quan Chưởng Cơ khoảng 100 mét là ngôi chùa Quan Thánh Đế (chùa Quan Công). Đây là một trong những ngôi chùa Hoa cổ nhất tại miền Nam. Chùa được xây vào khoảng năm 1684. Ngày trước, chùa có tên là Miếu Quan Đế; bây giờ có tên là ‘Thất Phủ Cổ Miếu’.

Đây là một trong những ngôi chùa được người Hoa đến chiêm bái nhiều nhất.

Trong thành phố Biên Hòa còn có đình Tân Lân, được xây vào thế kỷ thứ XVIII, nơi thờ ông Trần Thượng Xuyên, một người Hoa đã có công khai phá và mở mang vùng Nông Nại Đại Phố, nay là Biên Hòa, ông được chúa Nguyễn phong làm quan Thượng Đẳng Đại Thần, và dân chúng trong vùng ngày ngày đến lễ bái thờ tự nên lúc nào trong đền cũng khói hương nghi ngút, lễ Kỳ Yên được tổ chức vào ngày 23 tháng 11 âm lịch. Tại thành phố Biên Hòa còn có đình An Hòa, trong đình hãy còn rất nhiều tấm hoành phi và câu đối từ các đời vua Gia Long và Minh Mạng. Đình được xây dựng vào năm 1788, được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1856, tại đây dân chúng tổ chức lễ Kỳ Yên vào hai ngày 15 và 16 tháng 8 âm lịch. Trải qua những năm tháng di dời, cuối cùng ngôi đình được xây cất khá kiên cố trên diện tích hiện tại. 




Trấn Biên còn là quê hương của ông Trịnh Hoài Đức (1765-1825). Trịnh Hoài Đức là hậu duệ của những người Minh Hương đã đến đây khai khẩn nên cù lao Phố ngày trước. Hiện vẫn còn khu lăng mộ của ông bà Trịnh Hoài Đức trong phường Trung Dũng, cạnh quốc lộ số 1. Trên tường thành phía sau hai ngôi mộ là bức phù điêu bằng xi măng có hình rồng cuộn mây. Hàng năm vào dịp lễ Thanh Minh, khoảng tháng 3 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn của một bậc tiền hiền khai cơ, dân chúng trong vùng đổ xô về đây vẩy mã và cúng kiếng cho ngài Trịnh Hoài Đức.

Ngoài ra, tại thành phố Biên Hòa còn có các chùa Đại Giác, Long Thiền và Bửu Phong. Chùa Đại Giác tọa lạc trong địa phận xã Hiệp Hòa (Cù Lao Phố). Đây là một trong ba ngôi chùa cổ kín nhất trong vùng Đồng Nai. Chùa được Hòa Thượng Thành Đẳng(43) xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII. Năm 1779, trên đường chạy trốn nghĩa binh Tây Sơn, công chúa thứ ba của vua Gia Long là bà Nguyễn thị Ngọc Anh đã có lần lẩn trốn trong chùa. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long cho trùng tu lại ngôi chùa và cúng thêm cho chùa pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ, cao 2,56 mét. Chính vì vậy mà dân chúng địa phương gọi là ‘Chùa Phật Lớn’. Riêng công chúa Ngọc Anh đã cúng cho chùa một bức hoành phi lớn có đề ba chữ ‘Đại Giác Tự’ treo ngay trước chánh điện. Hai ngôi chùa khác là chùa Long Thiền và Bửu Phong(44) được xây vào 1664 và 1679, trong hai chùa này hiện còn những pho tượng Phật cổ trên 300 năm. 



(Mời Xem Tiếp Phần 5)
_______

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Học Hỏi và Học Lại


Các cụ ngày xưa thích dùng chữ Nho: HỌC VẤN!
Vấn thì là hỏi thôi! Nhưng chữ học vấn nó oai hơn chữ học hỏi (?)
Người ta nói người đó học vấn uyên thâm! Học vấn cao diệu! Rồi sau này người ta nói: người đó có trình độ học vấn!

Ngày nay thì nói nôm na: Có học ! Có học tức có đến trường, có thầy, có đọc sách!!! Có bằng cấp!!!
Nhưng nói có văn hóa thì nó mơ hồ lắm ! Nó cũng mơ hồ như : Có hiểu biết ! Cái này thì cũng hơi gay đấy! Có tranh luận đấy! Bởi người có đến trường (thậm chí nhiều trường), có bằng cấp ( hậm chí nhiều bằng cấp ) nhưng lại … không hiểu gì hết! Không phân biệt phải trái, đúng sai (?)

Coi chừng tôi sắp đi vào mê lộ đấy ? Bởi vì làm gì có thước đo học vấn? Thước đo văn hóa? Thế thì … thế thì … lạy Chúa, lạy Đức Bổn Sư, tôi không dám nói chuyện trên trời, vung đao to búa lớn, nói chuyện quốc gia đại sự… tôi chỉ nói về hai tiếng phổ thông và bình dân là: Học Hỏi và Học Lại (theo ngữ nghĩa miền Nam)
Học Hỏi thì người Anh đi trước chúng ta quá xa … quá xa… với các từ: What, Who, Whom, Why, Where!!!
Nếu ta cứ cho mình là nhất, không chịu hỏi … thì ta sẽ ngu đần, ngoan cố đấy! Nếu ta mít đặc, mơ hồ, lõm bõm mà không chịu kiếm thầy, tra cứu, hỏi người chung quanh … thì ta … lên rừng mà ở!!!
Chữ: Học Lại, sau này ít nói. Trước đây, một người nói xấu người khác, mình nhắc lại hay nói chuyền đi, người ta gọi là Học Lại!

Đau đớn thay cho Việt Nam! Tới tận bây giờ người học hỏi thì ít mà người học lại thì nhiều!!!
Cho tới tận bây giờ người ta vẫn học lại những câu nói sai bét của Các Mác, Xit Ta Lin, Mao Trạch Đông!
Ta nào biết tự đặt câu hỏi, đi hỏi người …
Người ta đã không biết hỏi … thì làm sao bây giờ ???
Ôi! Tôi chỉ cần người ta học lại những điều vụn vặt, vớ vẩn của người Âu Mỹ thì cũng đỡ khổ biết bao! Chỉ cần người ta ra đường đừng lượm của rơi! Hôi của!Xả rác , khoe khoang hợm hĩnh thì cũng đỡ khổ biết bao!

Tôi thấy ta nên theo người Tây bỏ xương vào đĩa (để bỏ xương) chứ không vứt xuống gầm bàn! (cụ Vương Hồng Sến nói Tây bỏ xương vào đĩa, Tầu bỏ xương trên bàn, còn ta … quăng đại cho cẩu sực) Hình như ý cụ nói ta không văn minh thì phải!
Tôi thấy một ông Tây lượm tờ giấy bỏ vào thùng rác… gió thổi … ông ta chạy theo một quãng dài, lượm tờ rác bỏ vào thùng! Người bán hang ven đường thấy vậy … cười hoài(?). Tôi không hiểu cái cười đó có ý nghĩa gì ? Nhưng tôi muốn ta học theo ông Tây đó!

Chân Diện Mục

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

Long Hồ Vãn Phiếm


1. Bản chữ Hán cổ của bài thơ :

  龍胡晚泛        LONG HỒ VÃN PHIẾM
            阮通                               Nguyễn Thông
 

反照千山暮, Phản chiếu thiên sơn mộ,
輕寒細雨餘。 Khinh hàn tế vũ dư.
村煙過竹遠, Thôn yên qúa trúc viễn,
松影落江疏。 Tùng ảnh lạc giang sơ.
鳥道雲俱迥, Điểu đạo vân câu quýnh,
孤舟歲欲除。 Cô chu tuế dục trừ.
數家林下住, Sổ gia lâm hạ trú,
寥落似吾廬。 Liêu lạc tự ngô lư.

CHÚ THÍCH :

* Long Hồ : là tên con sông nhánh ở thượng lưu sông Hương, phía tây thành phố Huế.
* Vãn Phiếm : là Chiêu hôm thả xuồng(ghe) đi lòng vòng chơi.
* Điểu Đạo : Không phải là đường chim bay, mà là đường vòng vèo hiễm trở.
* Tuế Dục Trừ : Tuổi sắp bị trừ, có nghĩa là : Năm sắp hết.
* Liêu Lạc : là Lưa thưa, là Xơ xác.
* Lư : là Lều, là Chòi, là Nhà ở xơ xài.

DICH NGHĨA :
Chiều Thả Thuyền Trên sông Long Hồ

Ánh nắng phản chiếu trên ngàn núi của buổi chiều tà, sau cơn mưa lất phất và cái lạnh se se nhè nhẹ, thôn xóm chìm trong sương khói mịt mù của lũy tre xa và bóng của các cây tùng lưa thưa in xuống dòng sông châp chới, những con đường ngoằn nghèo khút khủyu chập chờn trong những đám mây xa xa. Chiếc thuyền lẻ loi của ta trôi nổi trên sông trong năm tàn tháng lụn, thấp thoáng đâu đây vài nóc gia ẩn hiện trong rừng thông, lưa thưa buồn bã cũng giống như là túp nhà tranh của ta vậy !


DIỄN NÔM :
 

Chiều Thả Thuyền Trên Sông Long Hồ Nắng chiều phản chiếu non ngàn,
Sau cơn mưa nhẹ lạnh tràn se se.
Mịt mờ sương phủ lũy tre,
Bóng thông thưa thớt thuyền nhè nhẹ trôi
Quanh co đường vắng ven đồi,
Mây xa thuyền lẻ bồi hồi xuân tiêu.
Nhà ai mấy nóc liêu xiêu,
Buồn như lều vắng tiêu điều như ta ! 

                               Đỗ Chiêu Đức

***
Long Hồ Vãn Phiếm (*)

Phản chiếu thiên sơn mộ
Khinh hàn tế vũ dư.
Thôn yên qúa trúc viễn,
Tùng ảnh lạc giang sơ.
Điểu đạo vân câu quýnh,
Cô chu tuế dục trừ.
Sổ gia lâm hạ trú,
Liêu lạc tự ngô lư.
Nguyễn Thông

Dịch nghĩa:

Bóng nắng chiều rọi trên nghìn qủa núi
Mưa nhỏ tạnh rồi, khí trời hơi lạnh
Khói thôn chơi vơi qua làn tre xa
Ngó dọc bờ sông, bóng tùng thưa thớt trên mặt sông
Con đường nhỏ cùng với mây núi xa tít
Chiếc thuyền con trên sông vào lúc cuối năm
Dưới chân rừng, nhà cửa lác đác
Cảnh quạnh hiu tương tự như quê nhà ta.

(*) Long Hồ: tên con sông nhánh ở thượng lưu sông Hương, phía tây thành phố Huế

Dịch Thơ :

Chiều Dạo Thuyền Trên Sông Long Hồ

Núi chập chùng chiều buông nắng vắt
Mưa nhẹ tàn, lạnh ngắt mênh mang.
Khói lam ôm ấp tre làng,
Bóng tùng thưa thớt mơ màng trên sông.
Con đường nhỏ mây lồng hun hút,
Thuyền đơn côi vào lúc năm cùng.
Dăm nhà lác đác ven rừng,
Hắt hiu giống hệt tưởng chừng quê ta.

                         Mailoc phỏng dịch

Nguyễn Thông (1827-1884) tự là Hy Phần,biệt hiệu Đôn Am, ngươìf huyện Tân Thạnh
( Gia Định ). Năm 23 tuổi đậu Cữ Nhân trường thi hương Gia Định (1849) được bổ làm huấn
đạo ở Gia Định. Sau hàng ước 1862, ông được bổ làm Đốc Học tỉnh VỉnhLong. Năm
1867, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, Ông được bổ ra Trung. Nhân mắc bịnh, ông cáo quan về nghỉ, dựng nhà riêng gọi là Ngọa Du Sào, gần thị xã Phan Thiết cùng các bạn làm thơ ngâm vịnh.
Năm 1883 kinh thành thất thủ, Vua Tự Đức băng hà, ông ra Huế thọ tang vua.
Ông mắt năm 1884 thọ 57tuổi.Mộ phần của ông đối diện với tháp Chàm Pôshanư, trên con đường từ Phan Thiết đi Mũi Né.

***

Chiều Dạo Thuyền Trên Sông

Bóng nắng chiều đồi núi dốc trơn
Tạnh mưa nhỏ nhẹ lạnh từng cơn
Nông thôn sương khói tre mờ mịt
Tùng bóng dòng sông nước chập chờn
Đường nhỏ mây lồng bay thấp thoáng
Thuyền con năm hết nhấp nhô vờn
Bìa rừng nhà cửa trông thưa thớt
Cứ tưởng quê mình giống hệt hơn...
                    Mai Xuân Thanh
          Ngày 27 tháng 12 năm 2017
***
Dạo Thuyền Trên Dòng Long Hồ

Bóng nắng rơi trên đỉnh núi ngàn
Mưa rồi, khí lạnh bỗng tràn lan
Thôn xa, khói tỏa bờ tre lả
Lối vắng, tùng soi mặt nước tràn
Mây xám phủ mờ che lối nhỏ
Thuyền con lờ lững giữa năm tàn
Bìa rừng, dăm nóc nhà hiu quạnh
Nào khác quê ta, cảnh xóm làng.
                      Phương Hà
***
Thuyền Chiều Dạo Bến Long Hồ

Nắng chiều gát núi chập chùng
Cơn mưa nhỏ tạnh ,mông lung lạnh về
Khói thôn lan toả hàng tre
Bờ sông thấp thoáng le hoe cội tùng
Mây ngàn che kín con đường
Thuyền con lờ lung trên song năm tàn
Bìa rung lác đác nhà sàn
Cảnh trang hiu quanh giống làng quê ta
                                   songquang
***
Rong Thuyền Trên Sông Long Hồ

Chiều rơi trên đỉnh núi
Hơi lạnh nối mưa giông
Khói xóm che mờ trúc
Bóng tùng in trên sông
Mây cao đường thật vắng
Năm hết thuyền ta rong
Rừng rậm nhà đôi nóc
Tựa quê dạ hằng mong
                    Quên Đi***

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Tuổi Thu


Xướng : Tuổi Thu 


Thu đến đầu ai bạc cả rồi
Ngày về quê cũ vẫn xa xôi
Lá vàng lác đác qua song cửa
Mây xám giăng giăng khuất núi đồi
Vun vút thời gian kinh hãi khách
Rụng rời tri kỷ xót xa người
Tương lai dĩ vãng là hư ảo
Tận hưởng hôm nay điểm nụ cười

                                Mailoc
                      Thu Cali 11-2-17
***

Các Bài Thơ Họa

Giàu - Nghèo (Số Phận)
 

Mới đó mà nay tóc trắng rồi 
Cơm canh chẳng đủ nói chi xôi 
Phận nghèo lây lất qua nương rẫy 
Số khá phong lưu dạo núi đồi 
Cao ốc giàu sang đây dãy phố 
Mái tranh khốn khổ đó bao người 
Công bình bác ái nghe hay lắm 
Cuộc sống đau thương ít tiếng cười
                      Mai Xuân Thanh

            Ngày 03 tháng 11 năm 2017
***
Thấy...Mong...

Nhiều kẻ già nua tóc bạc rồi
Mỗi ngày không có được tô xôi
Cuộc đời vất vả nơi sông biển
Thân phận lầm than chốn rẫy đồi
Bao cảnh bất công làm nhói dạ
Lắm điều vô lý khiến căm người
Khi nào ai nấy đều no ấm
Bình đẳng, an vui, rộn tiếng cười ?
                        Phương Hà
***
Thiên Đàng Hạ Giới 

Thiên đàng hạ giới ở đây rồi,
Khỏi phải lo chiều sáng tối xôi.
Gạo trắng gạo dài ngon nhất xứ,
Đồ ăn đồ uống chất thành đồi.
Giao thông giáo dục như tiên giới,
Xã hội an sinh nhất cỏi người.
Trẻ nhỏ cụ già đều hớn hở,
Ấm no đầy đủ thảy vui cười !

                  Đỗ Chiêu Đức
                     xứ Huê Kỳ

***
Tuổi tàn Thu

Ở tuổi tàn Thu,tóc trắng rồi
Mong mình trở lại dẫu xa xôi
Muốn nhìn trường củ khi đi học
Để nhớ ngày xưa vượt núi đồi
Bại trận đi tù thăm đất Bắc
Làm thân tị nạn chốn quê người
Ly hương mấy bận Thu đi, đến
Đã thấy đời thay,thỏa tiếng cười
                         songquang
***

     Nhớ Thuở Tập Đoàn 

Tập đoàn nông nghiệp đã qua rồi
Cái thuở dân nghèo thiếu gạo xôi
Tất cả ruộng đồng gom lại hết
Hụt ăn tình nghĩa hóa suy đồi
Của dành chẳng có đem mời khách
Tranh lợi lắm mưu khéo dối người
Hên quá tập đoàn dần dẹp bỏ 
Nên dân bớt khổ nở môi cười
                         Quên Đi

***

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Về Miền Tây- Bài Cuối

Tòa Hành Chánh Tỉnh Cà Mau
Tận vùng cực Nam của tổ quốc thân yêu, cách Sài Gòn khoảng 380 cây số, là một dãy đất phù sa màu mỡ, không kém bất cứ một vùng nào từ Bắc chí Nam, đó là vùng Cà Mau. Tuy là vùng tận cùng của đất nước và ít được các Chúa để ý khai thác đúng mức thì đến lúc bị thực dân Pháp xâm chiếm, chúng chẳng những không xây dựng mà chỉ một bề khai thác tất cả những tài nguyên sẵn có trong suốt gần một thế kỷ. Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam thì vùng Cà Mau, chưa kịp được phát triển đã trở nên hoang vu vì chiến tranh Nam Bắc. Chính vì vậy mà Cà Mau chưa bao giờ được khai khẩn và bảo vệ đúng mức. Tuy nhiên, cho đến nay thì không ai có thể chối cãi được sự ưu đãi của thiên nhiên cho vùng đất “Mũi” này. Về lịch sử thì khoảng năm 1757, nước Cao Miên có loạn, vua Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên, Mặc Thiên Tứ xin với Chúa Nguyễn cho người hộ tống Nặc Tôn về nước. Nhớ ơn ấy mà sau khi về nước, Nặc Tôn cắt cho Thiên Tứ 5 phủ là Châu Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh, Cần Bọt và Vũng Thơm để báo ơn. Mặc Thiên Tứ lại đem dâng toàn bộ đất đai ấy cho Chúa Nguyễn. Chúa cho lập các đạo Kiên Giang (Rạch Giá) và đạo Long Xuyên (Cà Mau ngày nay) và sáp nhập vào trấn Hà Tiên. Dù thời đó các chúa Nguyễn không đặt ưu tiên cho việc khai khẩn vùng Cà Mau, nhưng ngay dưới thời Mạc Cửu, ông đã đưa lưu dân về định cư khẩn đất tận các vùng có giồng cao ở ven sông Ông Đốc, sông Gành Hào, sông Bãi Hạp và những phụ lưu khác, nên đến đời Gia Long thì những vùng này đã thành xóm thành làng rồi. Về địa thế, Bắc giáp Chương Thiện và Rạch Giá, Nam giáp biển Đông, Đông giáp Bạc Liêu và Tây giáp Vịnh Thái Lan. Nghĩa là hơn hai phần ba chu vi của Cà Mau được bao bọc bởi biển. Theo tài liệu của Ty Thông Tin Cà Mau năm 1970, Cà Mau rộng khoảng 495.120 mẫu Tây với một bờ biển dài trên 300 kí lô mét. Tuy nhiên chỉ có một phần nhỏ (khoảng 1/20) là đồng ruộng có thể trồng lúa nước được, còn lại một phần tư (1/4) là rừng tràm, đước, vẹt, mắm, giá, vân vân. Vì Cà Mau là vùng tận cùng của đất nước và gần đường xích đạo nhất nên khí hậu tại đây luôn nóng và ẩm, mưa nhiều. Tuy nhiên, nhờ có trên 300 cây số bờ biển nên khí hậu Cà Mau tương đối điều hòa. Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản lập lại ranh giới cho địa phận Cà Mau. Diện tích toàn tỉnh Cà Mau là 5.195 cây số vuông, với tổng dân số 1.176.000 người. Về vị trí, Bắc giáp Rạch Giá, Đông Bắc giáp Bạc Liêu, Đông và Đông Nam giáp biển Đông, Tây và Tây Nam giáp Vịnh Thái Lan. Hiện tại Cà Mau gồm thành phố Cà Mau và sáu quận: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Cái Nước, Trần văn Thời, U Minh, và Thới Bình. Dân Cà Mau luôn cần cù và chịu đựng dưới đủ thứ tai trời, ách nước, họa người, nhưng lúc nào họ cũng sống hài hòa giữa rừng và biển. Tuy nhiên, dưới bất cứ thời nào, dân Cà Mau cũng quần quật mà vẫn cơm không đủ ăn, mặc không đủ ấm. Trước năm 1975, vì chiến tranh nên họ phải bỏ làng bỏ quê ra tỉnh làm thuê làm mướn. Rồi sau năm 1975, họ tiêu diệt giai cấp địa chủ phong kiến để thành lập một gia cấp khác còn bóc lột tàn độc hơn giai cấp địa chủ phong kiến ngày trước nữa.
Cà Mau có lẽ là được gọi trại ra từ chữ “Khmau” của tiếng Miên, có nghĩa là nước đen. Thật vậy, vùng Cà Mau là vùng có bùn đen lại thêm bạt ngàn những cánh rừng tràm, đước, vẹt, mắm và giá nên mủ của lá rụng xuống nhuộm toàn vùng một màu nước đen ngầu. Tuy nhiên, đây là một vùng tiềm tàng những tài nguyên phong phú của đất nước. Vùng này ngoài đất đai màu mỡ, tài nguyên phong phú, lại được thiên nhiên ưu đãi về thủy sản. Cũng như các vùng khác ở Nam bộ, Cà Mau trước đây thuộc vương quốc Phù Nam, rồi sau đó là lãnh thổ Thủy Chân Lạp thuộc vương quốc Cao Miên. Trong thời các Chúa Nguyễn đang tiến về phương Nam tìm đất nhằm giải quyết vấn đề cân bằng lãnh thổ với các chúa Trịnh ở phương Bắc và tình trạng dân số tăng nhanh ở trong Nam. Hiện tại các cổ vật thuộc văn hóa Phù Nam và Chân Lạp vẫn còn tìm thấy ở những vùng thuộc huyện Thới Bình và tỉnh lỵ Cà Mau. Vào cuối thế kỷ thứ 17, Mạc Cửu dẫn một nhóm người Hoa đến khai khẩn Hà Tiên, rồi sau đó hiến dâng vùng đất này cho chúa Nguyễn vào năm 1714. Sau đó, con ông là Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn các vùng Rạch Giá, Long Xuyên (bây giờ là Cà Mau), Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cần Thơ. Cũng từ đó cư dân Cà Mau được thành hình, chủ yếu là di dân từ các vùng khác như Vĩnh Long, Sa Đéc, An Giang, Cần Thơ, vân vân. Hiện nay dân số Cà Mau gồm chính yếu là người Việt, người Hoa và người Khmer. Chính vì thế mà truyền thống văn hóa, lễ hội ở đây cũng được kết hợp một cách hài hòa giữa các sắc dân này. Ngoài lễ Tết cổ truyền Việt Nam, còn có những lễ hội của người Khmer như lễ Chôl Chnam Thmây, lễ Đôlta, vân vân. Dân Cà Mau, ngay từ thời mới đổ xô đến khai khẩn đã gắn liền cuộc sống với kinh rạch, sông nước và ghe thuyền.
Vào khoảng những thập niên 1770s đến 1780s, trong khi Tây Sơn hưng khởi thì hiện tình các chúa Nguyễn trong Nam vô cùng bi đát vì nạn tham quan ô lại và lộng quyền của Trương Phúc Loan và phe nhóm. Đến khi bị quân đội Tây Sơn truy kích quá gắt, Nguyễn Ánh đã nhiều lần chạy về trú ẩn tại vùng Cà Mau, đợi thời cơ gầy dựng lại quân đội để khôi phục lại vương triều nhà Nguyễn. Trong khoảng thời gian này Nguyễn Ánh đã bôn ba khắp các vùng từ Long Xuyên (nay là thị xã Cà Mau), Cái Tàu, Cái Rắn (xóm Long Ẩn, hiện tại xã Long Hưng vẫn còn một nền đất cao, người ta nói là đồn binh của nguyễn Ánh, và một cái ao nước ngọt quanh năm được gọi là “Ao Ngự”), Rạch Cui, Rạch Muỗi, Ông Tự, Ao Kho (xã Hòa Thành), Giá Ngự (xã Tân Hưng)... Nhân dân vùng Cà Mau đã góp công sức và tài lực rất nhiều cho Nguyễn Ánh trong chiến dịch giành giựt giang sơn với nhà Tây Sơn. Tại đây Nguyễn Ánh đã được rất nhiều người theo phò tá như Dương Công Trừng, Ngô Văn Lựu và Trần Phước Chất, v.v. Khoảng cuối năm Năm 1770, quân đội Tây Sơn càn quét toàn vùng Cà Mau nên Nguyễn Ánh lại phải bôn tẩu ra hòn Thổ Châu để chạy sang cầu cứu viện binh của Xiêm La (Thái Lan). Tại đây nếu không nhờ Đô Đốc Thủy Binh Nguyễn văn Vàng mặc hoàng bào làm Lê Lai cứu chúa thì Nguyễn Ánh không cách chi thoát thân được. Gia Long thứ bảy (1808), cả vùng quanh Cà Mau được đổi thành huyện Long Xuyên. Tuy nhiên, mãi đến thời vua Minh Mạng (1820), nhà vua mới phân định huyện Long Xuyên trực thuộc tỉnh Hà Tiên và bổ nhiệm quan Tri Huyện đến cai trị. Đến thời Pháp thuộc Cà Mau thuộc tỉnh Bạc Liêu và là vùng đất có nhiều Pháp kiều đổ xô về khai khẩn, nên họ cho đào nhiều kinh để vận chuyển lúa thóc về Bạc Liêu. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, họ bổ nhiệm viên Quận Trưởng người Pháp đầu tiên của Cà Mau là Mélaye. Sau đó người Pháp bắt đầu bổ nhiệm Đốc Phủ Sứ người Việt Nam tuần tự là các ông Đốc Phủ Y, Đốc Phủ Báu, Đốc Phủ Trứ, và sau cùng là Đốc Phủ Phước. Cà Mau nguyên là tên do người Khmer đặt, về sau người Việt chúng ta đọc trại từ “Khmau” thành Cà Mau. Dọc theo bờ biển là hòn Khoai, nằm trong biển Đông và hòn Đá Bạc nằm trong vịnh Thái Lan. Cà Mau được bao bọc hai phía Đông và Nam bởi biển, bên trong Cà Mau thì chi chít những sông, kinh và rạch. Cà Mau có 7 sông lớn xẻ dọc xẻ ngang gồm những sông Ông Đốc, sông sông Bảy Hạp, sông Cái Lớn (Cửa Lớn), sông Gành Hào, sông Đầm Dơi, sông Trèm Trẹm, và sông Bạch Ngưu tạo thành những cửa biển lớn. Chảy ra vịnh Thái Lan có sông Trèm Trẹm dài khoảng 30 cây số, chảy từ Thới Bình qua Tân Bằng và Cán Gáo, đến Xẽo Rô rồi đổ ra sông Cái Lớn ở Rạch Giá. Rạch Cái Tàu. Rạch Cái Tàu, dài khoảng 25 cây số, chảy ngang qua Cái Tàu, Lâm An, Biện Nhị rồi đổ ra vịnh Thái Lan. Sông Ông Đốc, dài khoảng 60 cây số, bên hữu ngạn chảy ngang qua các xóm Rạch Giếng, Rạch Cui, Rạch Ráng; bên tả ngạn chảy ngang qua các xóm Cán Dù, Nổng Kè, Tắc Thủ, Ông Tư, Rạch Vọp và Bà Kẹo, rồi đổ ra Vịnh Thái Lan tại cửa Sông Ông Đốc. Sông Đồng Cùng, dài khoảng 22 cây số, sông rộng mà cạn, có nơi rộng đến 1 cây số, sông này không ăn thông với sông nào, nhưng từ khi có kinh xáng Bà Kẹo, nước sông mới được lưu thông với kinh này. Sông Bảy Hạp, dài khoảng 55 cây số, chảy từ Rạch Muỗi qua Cái Keo, vàm sông cạn nên tàu bè không ra vô được. Sông Cửa Lớn, dài khoảng 50 cây số, chảy xuyên qua các xóm Tam Giang, Xóm Lớn, Hàng Vịnh, Năm Căn, Cây Me và Ông Trang, rồi đổ ra biển tại vàm Ông Trang. Đây là con sông sâu nhứt và nước chảy mạnh nhứt tại Cà Mau. Sông Đầm Dơi, dài khoảng 30 cây số, chảy qua xóm Ruộng, Đầm Dơi, Bàu Sen, và Vàm Đầm. Sông Đầm Chim, dài khoảng 25 cây số trong xã Tân Thuận. Tại ngã ba sông Đầm Dơi tạo thành một cái vàm lớn gọi là Vàm Đầm. Sông Rạch Chảo, dài khoảng 10 cây số, chảy xuyên qua rừng vẹt, đước, dừa nước và chà là. Sông Cái Ngay, dài khoảng 20 cây số, thuộc xã Thuận Hòa, lòng sông sâu, nước chảy mạnh, nên khi ra đến ngã ba Tam Giang thì tạo ra một vùng nước xoáy rất lớn. Chảy ra biển Đông có rạch Đường Kéo dài trên 30 cây số, sông Bồ Đề dài 10 cây số, bắt nguồn từ sông Cửa Lớn chảy ra cửa Bồ Đề. Sông Gành Hào dài khoảng 55 cây số, bắt nguồn từ rạch Giồng Kè chảy ra cửa Gành Hào. Cà Mau còn có kinh xáng Cà Mau-Bạc Liêu, dài khoảng 64 cây số, đào năm 1914, đất lấy lên đắp con đường đi Cà Mau Bạc Liêu. Kinh Gành Hào-Bảy Háp, dài khoảng 10 cây số, nối liền sông Gành Hào và Bảy Háp, vì chảy ngang qua điền Đội Cường nên dân địa phương còn gọi là Kinh Xáng Đội Cường. Kinh Gành Hào-Hộ Phòng, dài khoảng 18 cây số, đi từ Gành Hào đến Hộ Phòng. Kinh Tắc Vân-Gành Hào, dài khoảng 10 cây số, nối Tắc Vân với Gành Hào. Kinh Sông Trẹm-Cái Lớn, dài khoảng 24 cây số, nối hai sông Trèm Trẹm và Cái Lớn. Kinh Kiểm Lâm, dài khoảng 32 cây số, từ Cái Tàu, ra Đá Bạc ở vịnh Thái Lan. Kinh Kiểm Lâm, dài 10 cây số, nối liền Cái tàu với sông Ông Đốc. Kinh Biện Nhị, dài 17 cây số, nối rạch Tiểu Dừa với vịnh Thái Lan. Kinh Xáng Bà Kẹo, dài 7 cây số, nối hai sông Ông Đốc và Đồng Cùng. Kinh Đồng Cùng, dài 10 cây số, sông Đồng Cùng với ngã ba Đình. Kinh Bà Bèo, dài 3 cây số, thuộc xã Tân Hưng, nối rạch Nàng Âm với sông Bảy Háp. Kinh Cái Rắn-Ông Tự. dài 4 cây số, nối liền hai xóm Cái Rắn và Ông Tự. Kinh Mương Điều, dài 4 cây số, nối Mương Điều với Xóm Ruộng. Kinh 16, dài khoảng 16 cây số tại châu thành Cà Mau do viên quận trưởng Pháp Mélaye bắt dân đào vào những năm 1870-1872. Nói đến Cà Mau là chúng ta liên tưởng đến rừng Cà Mau ngút ngàn những tràm, đước, vẹt, mắm, giá, su, dà, cóc, kè, vông, mốp... Chính vì vậy mà Cà Mau nổi tiếng về củi và than. Tuy nhiên, Cà Mau còn rất nổi tiếng về thủy sản và hải sản như cá, mắm, tôm khô, sò huyết, nghêu, vọp, hàu, ba khía, ốc len, cua gạch, tôm, tép, kỳ đà, sấu, rùa, cua đinh, càng đước, lươn, đuôn chà là, khỉ, lọ nồi, chim đủ loại từ mỏ nhát, cu xanh, vịt nước, chim quốc, đến đà điểu (một loại chim lớn), mật ong và sáp ong, vân vân luôn là những món hàng xuất khẩu nổi tiếng từ xưa đến nay tại Cà Mau. Đặc biệt, tại quận Đầm Dơi là nơi nổi tiếng có đủ các loại dơi, có lẽ vì vậy mà nó mang tên “Đầm Dơi.” Ngoài ra, dân Cà Mau còn phát triển chăn nuôi như heo, gà, vịt, trâu, bò, vân vân, cũng dư dùng trong tỉnh và còn chở đi phân phối cho các nơi khác. Bên cạnh đó dân Cà Mau cũng làm ruộng muối, nhưng muối Cà Mau đen và phẩm chất không bằng muối vùng Bạc Liêu. Rừng Cà Mau hiện tại không còn nhiều thú dữ nhưng vẫn còn heo rừng ở xóm Thủ, Cái Ngay, Cái Tàu; nai ở Cái Tàu. Về cọp thì có lẽ hiện nay Cà Mau không còn nữa. Cà Mau còn nổi tiếng về các loại rắn từ hổ đất, hổ lông, hổ mang, hổ ngựa, hổ lửa, hổ hành. Vì bạt ngàn rừng tràm, vẹt và đước, nên Cà Mau hãy còn là căn cứ địa của rất nhiều chim chóc như gà đãy, bồ nông, nhạn sen, cò ngà, diệc, diên điển, cồng cộc, dồng dộc, le le, cu, mỏ nhát, manh manh, ốc cao, quạ, kéc, sáo, trau trảu, vân vân. Về thổ sản, Cà Mau còn trồng lúa, tuy không sản xuất nhiều như những vùng đất thuộc, nhưng cũng dư dùng trong tỉnh. Ngoài ra, nông dân Cà Mau còn trồng các loại đậu, các loại dưa, rau quả, dù không nhìu như những vùng Cần Thơ hay Sóc Trăng, nhưng cũng dư dùng cho người dân trong tỉnh.
Sông Cà Mau và Cây Cầu Quay

Về giao thông, Cà Mau là tỉnh cuối cùng của đất nước, nơi chấm dứt quốc lộ 4. Quốc lộ 4 (nay là QL 1) từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, Bạc Liêu (114 cây số) đến Cà Mau dài khoảng 180 cây số. Vào thời đệ nhất Cộng Hòa (1954-1963), chánh quyền dự tính xây dựng liên tỉnh lộ đi từ Cà Mau đến các quận Thới Bình, Năm Căn, Đầm Dơi, vân vân. Chánh quyền thời ấy còn dự tính tái thiết lại con đường nối liền Cà Mau với các quận Kiên Long, Kiên Hưng, Ấp Lục (thuộc tỉnh Chương Thiện), đi đến Rạch Sỏi và Rạch Giá, nhưng chưa kịp thì chiến tranh đã bùng nổ khắp nơi nên mãi đến năm 1975, những con đường đó vẫn còn nguyên trạng thái “đá xanh” như dưới thời Pháp thuộc. Vì không tái thiết được đường bộ nên Cà Mau hoàn toàn lệ thuộc vào “thủy lộ”. Thời Pháp thuộc, con đường từ Cà Mau đi Rạch Giá lót đá xanh, nay đã được tráng nhựa, dài khoảng 130 cây số. Từ tỉnh lỵ đến Tắc Vân thuộc quận châu thành Quản Long là 12 cây số, quốc lộ 16 có tráng nhựa. Từ Cà Mau đi Năm Căn 53 cây số, trước đây lót đất nung, nay đã được tráng nhựa và nối dài đến vùng Mũi Cà Mau (bây giờ gọi là Ngọc Hiển). Quận lỵ Năm Căn nằm ở phía Đông của Vịnh (Bảy Hạp và Cửa Lớn), nơi hai con sông Bảy Hạp và Cửa Lớn đổ ra vịnh Thái Lan. Trước năm 1975, Năm Căn đã có phi trường, tuy không lớn, nhưng các loại vận tải cơ C47 và C123, cũng như trực thăng có thể đáp được. Cảng Năm Căn ra biển bởi sông Cửa Lớn, có thể dung chứa àu bè cỡ 5.000 tấn, tuy nhiên, muốn tránh nạn tàu mắc cạn, chính quyền cần vét nạo lại bến bãi vì phù sa sông Cửa Lớn thuộc loại nặng nên lắng đọng xuống lòng sông rất nhanh. Trước năm 1975, Năm Căn sản xuất rất nhiều than đước (loại than nổi tiếng của Việt Nam), thủy sản và hải sản nổi tiếng của Năm Căn là tôm khô, cá khô, cua, sò huyết, vân vân. Từ Cà Mau đi Thới Bình 36 cây số, nay cũng được tráng nhựa, tuy không rộng lắm. Mũi Cà Mau là mũi đất tận cùng của đất nước. Ngày trước ở đây có một bãi bùn rất lớn, tuy nhiên, với mức độ đất lở bên phía biển Đông lên tới 4 hay 5 cây số trong vòng 60 năm, hiện giờ thì bãi bùn bị thu hẹp lại rất nhỏ. Ngược lại, về phía vịnh Thái Lan thì đất bồi rất nhanh, đó cũng là định luật tất nhiên của thiên nhiên, hễ bên bồi thì phải có bên lở. Hồi trước khi đa số dân chúng còn xài than củi thì Cà Mau là vựa than củi chính cho cả Nam Kỳ Lục Tỉnh, từ củi đước than đước đến củi vẹt than vẹt đều rất nổi tiếng. Tuy nước mắm Cà Mau không nổi tiếng như Phan Thiết hay Phú Quốc, tuy nhiên cũng khá nổi tiếng, đủ cung cấp trong tỉnh và có khi còn sản xuất đi các vùng lân cận nữa. Dân Cà Mau đa số theo đạo Phật và thờ ông bà, còn một số ít theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài và Hòa Hảo. Hiện nay tại tỉnh đã có vài trường trung học và ở mỗi quận đều có trường trung học công lập và bán công. Tại Cà Mau, hiện tại còn một số đình miếu cổ như đình Tân Xuyên, không rõ xây năm nào nhưng được vua Tự Đức sắc phong năm 1880. Tại thị xã Cà Mau có chùa Quan Âm, do Hòa Thượng Tô Quang Xuân xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 19. Kiến trúc hiện nay là do Hòa Thượng Thiện Tường trùng tu năm 1936. Hiện trong chùa vẫn còn bia “Sắc Tứ Quan Ân Cổ Tự” và tháp của Hòa Thượng Trí Tâm. Chùa Cư Sĩ Tịnh Độ Hưng Quảng, được dựng lên từ năm 1950, trong chùa có phòng thuốc nam phước thiện, hoạt động từ năm 1954 đến nay. Chùa Bà Mã Châu và chùa Ông Bổn trong trung tâm tỉnh lỵ tại ngã ba Gành Hào. Đây là hai ngôi chùa được dân buôn bán sùng bái nhất, nhất là những Hoa Kiều. Tại chùa Bà Mã Châu thì hàng năm đến rằm tháng giêng, bá tánh từ khắp tỉnh lỵ Cà Mau và ngay cả những người ở các vùng quê cũng đổ xô lên chiêm bái. Chùa Ông Bổn cũng được người địa phương sùng bái, nhứt là Hoa Kiều. Chùa được vua Tự Đức sắc phong năm 1850. Miễu Ông Thần Minh, thờ ông huyện Nguyễn Hiền Năng, có sách viết là Nguyễn Thiện Năng, người đã có công dẹp loạn Khách Trú và đem lại trị an cho đồng bào trong thời vua Minh Mạng, nên được vua phong làm tri Huyện. Sau đó cả nhà ông bị dòng họ Quách giết sạch. Nên ngày nay vẫn còn câu vè về trai họ Quách lấy vợ Cà Mau, nhưng tôi chỉ nhớ mang máng chứ không rõ lắm. Chùa Cô Hồn do hai bang Hẹ và Hải Nam cùng xây dựng. Từ khoảng cầu Quay Cà Mau đi Ô Rô có một cái miễu nhỏ, người dân địa phương gọi là miếu Gia Long. Miếu do vua Gia Long hạ chỉ xây cất để thờ những khai quốc công thần. Tại rạch Ông Trang (gần vàm) tại xã Viên An, có ngôi miếu Cá Ông, thờ bộ xương cá ông đã tấp vào vàm Ông Trang đã lâu lắm chớ không biết hồi nào. Cà Mau là vùng mới, đất rộng người thưa, dù đã được khai khẩn nhưng sơn lam chướng khí hãy còn. Tuy nhiên, Cà Mau là nơi dung chứa và dựng nghiệp của rất nhiều người lở cơ thất vận ở các nơi khác. Trong thời trốn chạy Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã nhiều lần chạy trốn ở Cà Mau và được các ông Dương Công Trừng, Ngô Công Quí và Trần Phúc Chất theo phò trợ. Ngoài ra, thời Gia Long tẩu quốc, tại Cà Mau có một nữ nhi tên Ngô thị Lựu, đã từng theo vua qua Vọng Các và giữ đến chức cai đội. Về tôn giáo, như trên đã nói, Cà Mau là đất dung chứa tất cả những ai lỡ cơ thất vận, nên ai ai cũng đổ xô về đây lập nghiệp. Đời sống của dân Cà Mau, nhất là dân ở vùng nông thôn, thật thà chất phác. Cuộc sống của họ gắn liền với mảnh đất thân yêu được chính họ hay cha anh họ đã khai khẩn. Họ sống chung với mọi người trong niềm yêu thương hòa hợp. Tuy rằng trong lịch sử cũng đã có một đôi lần người Hoa kiều được người Tân Gia Ba hỗ trợ, đã nổi lên giết chết quan tri huyện Năng và làm xáo trộn đời sống nhân dân, nhưng đây chỉ là một trong những trường hợp cá biệt, còn đa phần dân tứ xứ tại đây chung sống rất hòa hợp. Cũng chính vì thế mà Cà Mau cũng mang một sắc thái tôn giáo hỗn hợp đặc biệt. Tại tỉnh lỵ Cà Mau, có rất nhiều đình chùa như đã nói ở trên. Ngoài ra, còn có những thánh thất Cao Đài, những nhà độc giảng của Phật giáo Hòa Hảo. Tuy đạo Thiên Chúa chỉ chiếm khoảng 7 phần trăm trên tổng số dân chúng, nhưng riêng tại Cà Mau đã có nhà thờ Chánh Tòa Thiên Chúa giáo và tại quận Hải Yến cũng có nhà thờ và giáo xứ thật lớn. Ngoài ra còn có nhà thờ tại Hòa Thành và Tân Lộc (Đầu Nai), đã bị chiến tranh tàn phá. Bờ biển Cà Mau chạy dài từ phía biển Đông qua vịnh Thái Lan với những bãi cát đen. Theo nghiên cứu địa chất thời VNCH thì hiện tại bờ phía biển Đông của Cà Mau đang bị dòng nước Đông Bắc Tây Nam xoáy mòn và có độ đất lở khá cao, trong khi bờ biển phía vịnh Thái Lan thì nước chảy yếu nên ngày càng bồi, nên vùng đất mũi ngày càng di chuyển gần về phía vịnh Thái Lan hơn. Phần ở chót mũi Cà Mau như vùng Ông Trang chạy ra đến mũi hầu như là nước mặn quanh năm, dân chúng ở đây, nếu không trữ được nước mưa, phải ra hòn Khoai lấy nước ngọt về xài. Hiện tại Cà Mau còn rất nhiều khu tuy không phải là hoang sơ, nhưng chưa bị khai thác một cách bừa bãi, toàn là rừng ngập nước mặn với đủ loại thực vật như mắm, giá, đước, vẹt, chà là, dừa nước... tạo nên một thảm thực vật phong phú và xanh tươi quanh năm với môi trường thiên nhiên trong lành nên có rất nhiều thú hoang và chim chóc đến trú ngụ như vùng giữa Thới Bình và thành phố Cà Mau hay khu phía Nam Năm Căn (chánh quyền Cộng Sản gọi là khu Ngọc Hiển), khu này rộng hơn 130 mẫu tây, và khu Đầm Dơi, vân vân. Diện tích mỗi khu trung bình trên 20 mẫu tây với đủ loại chim, cò, sếu, vạc, cồng cộc, le le, và thú hoang như cá sấu, khỉ, rắn, trăn, kỳ, đà, ba ba, vân vân. Do ảnh hưởng thủy triều, những khu rừng ngập mặn ở Cà Mau đã trở thành môi trường lý tưởng cho các loài tôm, cá, cua, vân vân, nên người dân vùng này đa phần làm nghề hạ bạc, bắt thủy hải sản và nuôi tôm.
Hồi Pháp mới chiếm Nam Kỳ, ban đầu họ dự định sáp nhập Cà Mau vào Sóc Trăng vì họ nghĩ rằng từ Cà Mau đi Sóc Trăng gần hơn. Tuy nhiên, trên thực tế thời đó, từ Cà Mau đi Rạch Giá tuy xa nhưng có thể đi dọc theo đường biển bên phía vịnh Thái Lan chỉ mất khoảng hai ngày hai đêm nên cũng tiện, còn từ Cà Mau đi Sóc Trăng tuy đoạn đường ngắn hơn nhưng phương tiện đường biển đã không tiện vì quá nhiều bãi lầy, lại không có đường bộ, mà đường thủy từ Cà Mau về Sóc Trăng không thông thương, mùa mưa nước nổi thì mất 6 ngày, còn mùa nắng các kinh rạch ngoằn ngoèo lại khô cạn, nhiều đoạn phải dùng trâu kéo ghe qua những vũng lầy nên phải mất trên 10 ngày. Chính vì thế mà họ không sáp nhập Cà Mau vào Sóc Trăng. Về sau này khi tỉnh Bạc Liêu được thành lập, Pháp mới sáp nhập Cà Mau vào Bạc Liêu. Vùng Cà Mau vẫn còn rất nhiều vùng đất “mùn” (một loại bùn lỏng sềnh sệt, không làm gì được), chỉ có thể đem lên phơi khô làm than bùn chứ không làm gì được.
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, năm 1956, quận Cà Mau được đổi thành tỉnh An Xuyên. Tỉnh lỵ được đặt tại Cà Mau, gồm sáu quận Quản Long (có 4 xã là Tân Xuyên, Tân Lộc, Định Thành và Hòa Thành), Thới Bình (gồm 4 xã là Thới Bình, Khánh An, Khánh Long, và Tân Phú), Sông Ông Đốc (gồm 3 xã là Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây và Phong Lạc), Đầm Dơi (gồm 4 xã là Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Hòa và Tân An), Hải Yến (gồm biệt khu Hải Yến và 3 xã Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây và Hưng Mỹ), và Năm Căn gồm hai xã Năm Căn và Viên An. Sau hiệp định Genève năm 1954, Cà Mau là cùng “Tập Kết” của Việt Minh, chờ di chuyển ra Bắc. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, quận Hải Yến là vùng co cụm của giáo dân Thiên Chúa, triệt để chống Cộng với vị chủ chăn nổi tiếng “Cha Hải Yến” (người viết bài này không còn nhớ tên thật của cha Hải Yến). Tuy nhiên, ngay khi nền đệ nhất Cộng Hòa bị sụp đổ thì Hải Yến không còn được sự yểm trợ từ trung ương nữa, nên khí thế chống Cộng cũng suy yếu dần và giáo dân tản mát về chợ Cà Mau hay lên Sài Gòn lập nghiệp. Về cực Nam của mũi Cà Mau, phía Tây Nam thị trấn năm Căn là Hòn Khoai, cách đất liền khoảng 15 cây số. Quần đảo Hòn Khoai bao gồm 5 đảo nằm sát nhau là Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ và Hòn Tương với tổng số diện tích khoảng 4 cây số vuông tuy không lớn lắm và cách bờ khoảng năm cây số, nhưng trên hòn có rất nhiều mạch nước ngọt, dân chúng từ trong rẫy Chệt thường hay ra hòn lấy nước ngọt đem về uống quanh năm. Trên Hòn Khoai có đỉnh cao nhất có độ cao 318 mét. Không như các đảo khác ở miền Nam, Hòn Khoai là quần đảo đá, vì trải qua thời kỳ nước rút sau thời xâm thực cách nay trên 1.200 năm, những đất mềm bị dòng nước Đông Bắc Tây Nam cuốn trôi hết chỉ còn trơ lại là những hòn đá, vì vậy mà cây tạp không mọc nổi, rừng núi trong quần đảo Hòn Khoai hiện tại đa số là gỗ quý như dầu, sao, vên vên, và một ít gõ. Núi rừng và biển hòn Khoai là một trong những thắng cảnh, không thua bất cứ thắng cảnh nào trên các miền đất nước. Thời đệ nhị Cộng Hòa, hòn Khoai có một căn cứ Hải Quân rất lớn và một hải đăng hướng dẫn tàu bè đi từ Vịnh Thái Lan qua biển Đông. Về phía Vịnh Thái Lan, phía Bắc vàm sông Ông Đốc khoảng 27 cây số, có hòn Đá Bạc cách bờ khoảng 5 cây số, và hòn Chuối cách bờ khoảng 10 cây số. Cũng giống như Hoàn Khoai, hòn Đá Bạc được thành lập sau thời kỳ xâm thực cách nay trên 1.200 năm nên đây chỉ là một đảo đá, ít cây cối và ngày trước không có dân cư. Tuy nhiên, sau năm 1975, một số dân trên Cà Mau đã về đây lập nghiệp bằng nghề hạ bạc, cuộc sống dân chúng ở đây chưa được khả quan mấy. Hiện trên Hòn Đá Bạc còn nhiều cảnh đẹp như Sân Tiên, Giếng Tiên, Bàn Chân Tiên, Bàn Tay Tiên, và ngôi chùa thờ Cà Ong...
Trước thời vua Minh Mạng chia Nam Kỳ ra làm sáu tỉnh thì miền đất nầy gồm 3 dinh và một trấn, đó là dinh Trấn Biên (Biên Hòa), dinh Trấn Phiên (Gia Định), dinh Long Hồ (Vĩnh Long) và Hà Tiên trấn. Đến đời Minh Mạng, Hà Tiên trấn bị bãi bỏ để thành lập tỉnh Hà Tiên. Thị xã Hà Tiên được thành hình cách nay trên 300 năm do một người Trung Hoa tên là Mạc Cửu, khai phá và xây dựng. Về địa thế, tỉnh Hà Tiên bắc giáp Cam Bốt, Tây giáp vịnh Thái Lan, Đông giáp An Giang. Về phía Nam của tỉnh Hà Tiên thời Minh Mạng bao gồm luôn cả những vùng Rạch Giá, Thới Bình và Long Xuyên (Cà Mau). Thời vua Minh Mạng, tỉnh Hà Tiên gồm phủ An Biên, huyện Hà Châu, huyện Kiên Giang và huyện Long Xuyên (Cà Mau). Nghĩa là thời đó phía Nam Hà Tiên giáp đến biển Đông. Về khí hậu thì Hà Tiên có khí hậu nóng và ẩm. Từ tháng 5 đến tháng 10 có gió nồm (gió thổi từ hướng Nam lên) thổi mạnh. Từ tháng 11 đến tháng 4 là gió bấc (gió từ hướng Bắc thổi xuống). Trước kia thì tình thành Hà Tiên tọa lạc tại xã Mỹ Đức, huyện Hà Châu. Đến đời Minh Mạng thứ 9, thì dời về Giang Thành, nhưng đến đời Minh Mạng thứ 14 lại dời trở về Hà Châu trở lại. Vào thời Gia Long thì toàn vùng Hà Châu, Kiên Giang và Cà Mau chỉ có khoảng 1.500 dân đinh, đến đời Minh Mạng tăng lên khoảng gần 6. 000 người. Hiện nay dân số các vùng Hà Tiên, Rạch Giá và Cà Mau lên đến hơn một triệu người. Hà Tiên chỉ có những núi nhỏ quanh vùng Hà Châu như núi Bình Sơn, Ngũ Hổ, Bát Giác, Dương Long, Phù Anh, Lộc Trĩ, Kháo Sơn, Đại Tạng, Vân Sơn, Bạch Tháp, Tô Châu, Đại Táo, Tượng Sơn, Thi Vạn, Chung Sơn, Châu Nham, Kích Sơn, Linh Quỳnh, Sài Mạt, Tây Thổ, Bạch Mã, Bồng Sơn, Phong Trách... Riêng tại Kiên Giang có núi Thổ Sơn, và Cà Mau có Bạch Thạch (hòn đá Bạc), ở cách Long Xuyên khoảng 20 dậm về phía Tây, hình thế đĩnh đạc, đứng thẳng ở bờ biển và núi Trà Sơn cách Long Xuyên khoảng 10 dậm. Về hòn (những núi nhỏ ngoài biển), ở Hà Châu có hòn Đại Kim, Tiểu Kim, Trúc Nội, Trúc Ngoại, hòn Son, Dầu Rái, hòn Nghệ (Uất Kim), hòn Đá Lửa, hòn Thổ Châu. Tại Kiên Giang có hòn Trúc và hòn Rái. Ở Long Xuyên có hòn Khoai nằm về phía Nam mũi Cà Mau. Hà Tiên có đảo Phú Quốc, nằm về phía Tây Nam huyện Hà Châu. Về sông ngòi thì tại huyện Hà Châu có sông Đông Hồ, sông Nam Phố, sông Lư Khê, sông Giang Thành, sông Lũng Kè. Tại Kiên Giang có sông Đại Giang, Tiểu Giang. Huyện Long Xuyên có sông Tân Xuyên, sông Nghi Giang, sông Khoa Giang, sông Bồ Đề và rạch Bạch Ngưu. Ngoài ra, ở huyện Long Xuyên còn có ngũ hồ (năm hồ cạn mà rộng). Nơi giáp ranh giữa hai huyện Kiên Giang và Long Xuyên có mười ngòi nước chảy từ ruộng ra biển, từ ngòi thứ nhứt đến thứ 10, những ngòi này đem lại cho dân chúng quanh đây rất nhiều tôm cá. Tại Hà Tiên có pháo đài Kim Dữ trông ra biển. Thời Minh Mạng, Hà Tiên chỉ có 4 ngôi chợ là chợ Mỹ Đức ở huyện Hà Châu, chợ Sái Phu và Sân Chim ở huyện Kiên Giang, và chợ Hoàng Giang ở Long Xuyên. Về di tích lịch sử thì trên đảo Phú Quốc hãy còn di tích ngôi mộ của hoàng tử Nhật, con Nguyễn Ánh. Ở Hà Tiên có lăng mộ Mạc Cửu và mộ Mạc Thiên Tứ. Mạc Cửu là người Minh Hương, quê ở Quảng Đông, sau khi nhà Minh mất, Mạc Cửu không theo nhà Thanh mà chạy về phương Nam, được vua Hiển Tông cho vào Hà Tiên k hai khẩn đất đai. Khi mất, ông được truy tặng tước Vũ Nghị Công. Mạc Thiên Tứ là con trưởng của Mạc Cửu, làm đô trấn Hà Tiên. Thiên Tứ là người văn hay võ giỏi, ông đã mở ra Chiêu Anh Các ở Hà Tiên để chiêu hiền đãi sĩ. Về sau ông bị quân Xiêm công phá nên phải rút bỏ Hà Tiên mà chạy về Trấn Giang (Cần Thơ bây giờ). Sau ông sang Xiêm cầu viện giúp Nguyễn Ánh, nhưng không thành, ông tự sát chết bên Xiêm. Con Thiên Tứ là Mạc Tử Sanh cũng theo phò Nguyễn Ánh, được phong chức Tham tướng, về sau tử trận tại Trấn Giang, hiện còn di tích cầu Tham Tướng tại Cần Thơ. Giữa đường quốc lộ 80 từ Rạch Giá đi Hà Tiên là thị trấn Kiên Lương (bây giờ thuộc huyện Ba Hòn). Trước năm 1975, Kiên Lương có hệ thống nhà máy xi măng Hà Tiên nổi tiếng của miền Nam Việt Nam mà phẩm chất không thua gì xi măng Đài Loan hay Nhật Bản. Trữ lượng đá vôi chạy dài từ vùng Kiên Lương đến Hà Tiên được mô tả là gần như vô tận. Ở miền Bắc có những thắng cảnh Hạ Long nổi tiếng thì ở miền Nam những thắng cảnh ở Hà Tiên cũng nổi tiếng không kém, như hang “Cá Sấu”, tuy không hùng vĩ như vùng biển vịnh Hạ Long, nhưng phong cảnh ở đây cũng đẹp và xứng đáng là một trong những kỳ tích của vùng đồng bằng Nam Việt. Cách Ba Hòn chừng 10 cây số là Hòn Chông và Hòn Phụ Tử, một kỳ quan Hạ Long ở miền Nam. Ngoài ra, Hà Tiên còn có Chùa Hang, cũng là một trong những thắng cảnh trong vùng. Về chiều, phong cảnh vùng Hà Tiên thật tĩnh lặng và thơ mộng, nhưng cũng không kém phần hoành tráng. Quả thật Hà Tiên xứng đáng là một địa điểm du lịch, chẳng những cho dân chúng trong vùng, mà còn có tầm vóc quốc tế nữa. Chính vì thế mà cố thi sĩ Đông Hồ đã từng nói “Hà Tiên mang đầy đủ tính chất của khắp các miền đất nước. Hà Tiên kỳ thú với những hang động hóc hiểm không kém gì những hang động của vùng Lạng Sơn. Hà Tiên có những ngọn núi chơi vơi giữa biển trông giống như một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Hà Tiên có những núi đá vôi không khác vùng Ninh Bình. Những thạch thất ở Hà Tiên phưởng phất dáng vẻ của vùng núi Hương Tích. Đông Hồ và những hồ khác trong vùng Tô Châu Giang Thành cũng thơ mộng không thua gì Tây Hồ. Dòng Giang Thành lờ lững trôi không kém vẻ nên thơ trữ tình của dòng Hương Giang xứ Huế. Bãi biển Hà Tiên, dù không có cát trắng, nhưng vẻ đẹp và sự quyến rũ cũng không thua gì vùng Đồ Sơn, hay Nha Trang, Long Hải. Trong khi đó những lăng tẩm của dòng họ Mạc tuy nhỏ hơn các lăng tẩm vua chúa ở Thuận Hóa, nhưng hình thái và quy cách cũng hùng vĩ không kém.”

Tóm lại, miền Tây Nam Kỳ là phần cuối của đồng bằng sông Cửu Long, mà mới hôm nào đây hãy còn là những sóc những phum của người Phù Nam, rồi người Thủy Chân Lạp. Tôi không phải là một nhà sử học, cũng không phải là một nhà phê bình sử học, nên tôi không có tham vọng viết sử hay phê phán những gì đã xảy ra trên đất Nam Kỳ từ thời khởi thủy cho đến ngày dân tộc ta hoàn toàn làm chủ trên mảnh đất này. Tuy nhiên, nếu nói rằng dân tộc Việt Nam lấn chiếm phần đất ấy của người Thủy Chân Lạp hẳn là không đúng, phải nói rằng vùng đất ấy đã một thời do người xứ Bà Lợi và Phù Nam, rồi Thủy Chân Lạp thay phiên nhau làm chủ, và bây giờ chủ nhân của nó là dân tộc Việt Nam thì đúng. Thật vậy, đúng theo luật biến thái sinh tồn của vạn hữu, không có cái gì trên đời này được gọi là trường tồn vĩnh cửu. Mấy chục ngàn năm trước thì vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh bây giờ chỉ là một vùng biển cạn mênh mông, rồi khoảng hơn mười ngàn năm trước, Nam Kỳ là những bãi lầy chen lẫn với những gò cao mà vẫn chưa có cư dân, rồi khoảng bốn ngàn năm trước, thủy tổ của hai dân tộc Bà Lợi và Phù Nam di cư đến đây, có lẽ họ đến từ quần đảo Nam Dương. Rồi “tang điền thương hải” xảy đến, do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, họ chỉ co cụm lại tại những gò cao, còn thì những vùng khác đều hoang vu. Kịp đến người Chân Lạp từ phía Bắc và người Chàm từ phía Đông Bắc bắt đầu phát triển và bành trướng, nên khoảng một ngàn năm trăm năm về trước họ đã lấn chiếm từ từ những vùng đất của Bà Lợi và Phù Nam. Trong khi đó thì dân tộc Việt Nam đang cát cứ những vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam và Giao Chỉ, cũng bị sức ép khủng khiếp của một bộ tộc cực kỳ hiếu chiến (Hán tộc), nên theo luật sinh tồn dân Việt phải tìm cách phát triển về phương Nam. Những biến thiên lịch sử trong thời Lê Mạt đã nảy sinh ra hai dòng Chúa Nguyễn và Trịnh, và chính những biến thiên ấy đã đưa đẩy chúa Nguyễn Hoàng về phương Nam, theo đó dân tộc ta bắt đầu một cuộc Nam tiến trong ôn hòa và đúng theo luật thiên nhiên, vì tất cả những phần đất mà các chúa Nguyễn đã tóm thâu từ Chân Lạp, chưa có phần đất nào mà các Chúa phải dùng đến vũ lực để cưỡng chiếm cả. Hơn nữa, theo đúng luật hình thành của một quốc gia phải hội đủ ba điều kiện là lãnh thổ, cư dân và chính quyền. Tuy nhiên, chúng ta không nói chi xa đến Bà Lợi và Phù Nam, mà chỉ nói đến Thủy Chân Lạp vào thời kỳ Nam tiến của dân tộc ta. Lúc ấy Nam Kỳ, dù nói là của Thủy Chân Lạp, chứ kỳ thật nó chỉ là một vùng gần như hoang địa, cư dân rất thưa thớt, lại không có chính quyền địa phương nên ai muốn đến thì đến, ai muốn đi thì đi. Trong hoàn cảnh chim trời, cá nước, cây rừng ấy, thì ai muốn bắt, muốn hái, muốn bẻ gì thì tự tiện chứ không hề xảy ra một vụ xích mích hay rắc rối nào. Vả lại, vào thời đó thì Nam Kỳ là nơi trú ẩn của hàng trăm ngàn chủng loại thú dữ, nên người Việt chúng ta ít ai dám bén mảng tới, ngoại trừ những người bị tội đi đày và những lưu dân nghèo nàn ở vùng ngoài không có đất dung thân. Ngay cả đến hồi Pháp lấn chiếm Nam Kỳ, thì cuộc Nam tiến của chúng ta đã hoàn tất cách đó trên hai trăm năm, thế nhưng đa phần Nam Kỳ Lục Tỉnh thời bấy giờ vẫn còn là những hoang địa. Như vậy nếu bảo rằng chúng ta lấn chiếm thì hẳn là không đúng. Ngày ấy, cả vùng Nam Kỳ bao la ngút ngàn với những rừng rậm và đầm lầy, mà đa phần là hoang địa, không có cư dân mà chỉ là quê hương của những loài thú hoang dã như voi, cọp, sấu, rắn... nhứt là muỗi mòng thôi thì khỏi nói (muỗi kêu như sáo thổi), còn về đỉa vắt thì nhiều vô số kể (đĩa lềnh như bánh canh). Lúc ấy phía Đông Bắc của Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng có cư dân của các dân tộc người Stieng, Mạ, Sê Đăng, Bà Lợi... và ngay tại trung tâm Óc Eo thì có dân Phù Nam, rồi theo dòng sinh diệt, mãi đến thế kỷ thứ 14 hay 15 thì người Thủy Chân Lạp mới chạy về đây sinh sống. Tuy nhiên, họ sống trong những vùng xa xôi. Như vậy, khi người Việt và những người Hoa (những cận thần nhà Minh chạy lánh nạn nhà Mãn Thanh) đến vùng đất này thì vùng đất ấy vẫn chưa có phân định rõ ràng về chủ quyền, mặc dù các vua Chân Lạp vẫn mặc nhiên xem mình là chủ nhân ông của nó. Người Việt và người Hoa đến đây sinh sống trong bầu không khí tự ai nấy làm và nấy lo thân, nhưng được cái là đất Nam Kỳ gần xứ Đàng Trong và hồi này xứ đàng trong cũng có một binh lực khá hùng hậu, nên đa phần những người Hoa định cư ở đây đều đem những phần lãnh thổ của mình xin nội thuộc vào Chúa Nguyễn. Thế là các chúa cử quan quân vào Nam kinh lược, thành lập chánh quyền để bảo vệ cư dân Việt cũng như những người Hoa đã thần phục và chịu nội thuộc. Như vậy rõ ràng phần đất ấy không phải là phần đất của tổ phụ người Chân Lạp để lại cho họ, mà là một phần đất trống không chủ khi người Phù Nam bị Chân Lạp tiêu diệt vào thế kỷ thứ bảy, nhưng trên thực tế thì người Chân Lạp chưa bao giờ đặt chân đến đây để xác lập chủ quyền. Kịp đến khi người Việt chúng ta bắt đầu cuộc Nam tiến thì các vua Chân Lạp bèn tự mình xác lập chủ quyền thế thôi, tuy nhiên, cả một vùng bao la ngút ngàn ấy mà chưa có lấy vài ngàn người Khmer sinh sống. Hơn nữa, trong tiến trình Nam tiến lại có sự kiện các vua Chân Lạp dâng những phần đất thuộc Nam Kỳ cho các chúa Nguyễn những mong các chúa giúp họ chống lại sự xâm lăng khốc liệt của người Lào và người Xiêm, như các vùng Tầm Bôn (Tân An), Lôi Lạp, Tầm Bào (Long Hồ), Tầm Phong Long (Châu Đốc và Long Xuyên), vân vân. Như vậy, trước khi bảo rằng chúng ta lấn chiếm vùng đất này của người Chân Lạp, phải nên tìm hiểu và suy xét cho kỹ những sự kiện từ chính đến phụ đã đưa đẩy dân tộc chúng ta xuôi về Nam và trở thành chủ nhân ông của vùng đất này. Thôi thì sự việc vô cùng phức tạp này nên dành lại cho những nhà sử học có nghiên cứu và dữ liệu lịch sử chính xác. Ở đây chúng ta chỉ nói đến một vùng đất hoang vu ngày nào đã trở thành một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc. Mới hôm nào đây nó còn là hoang địa, mà hôm nay nó đã trở thành vựa lúa cho cả nước của người Việt Nam. Sông Cửu Long đã vượt qua ngàn dậm núi rừng từ các xứ Tây Tạng, Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Miên, rồi cuối cùng đến Việt Nam để đổ ra biển. Chính con sông ấy đã mang dòng suối tuyết từ cao nguyên Tây Tạng huyền bí, cuốn trôi phù sa từ những vùng mà nó chảy qua đem bồi đắp cho đồng bằng sông Cửu Long tạo thành một vùng bao la trù phú với ngút ngàn ruộng lúa, ruộng muối, rừng tràm, rừng đước, đìa cá đủ loại. Thiên nhiên thật sự ưu đãi cho những ai làm chủ nhân ông của mảnh đất này mà biết khai thác và bảo vệ nó đúng mức. Ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên, dân chúng dọc theo hai bên bờ sông Cửu Long, không nhất thiết chỉ là người Việt, mà từ người Hoa, người Miến, người Thái, người Lào và người Miên... tất cả đều có chung tánh cần cù lam lũ quanh miếng vườn thửa ruộng. Đâu đâu chúng ta cũng thấy những làng xóm thanh bình bên hàng dừa râm mát, cạnh bờ sông có hàng “thủy liễu” (cây bần) rũ bóng. Đặc biệt người dân miền Nam, dù tính tình có phóng khoáng, rộng rải, nhưng họ rất cần cù siêng năng, khoảng bốn giờ sáng là họ đã thức giấc, nấu trà để nhâm nhi buổi sáng, rồi họ dở cơm ra đồng, hoặc chất hành hóa xuống ghe xuồng ra chợ. Đất miền Nam cũng mang nặng tình người như người miền Nam nặng tình với đất. Sông nước Cửu Long, Vàm Cỏ và Đồng Nai đã đem sự ngọt ngào của dòng nước mà tưới tẩm và thấm đậm vào trong máu thịt của con dân miền Nam. Có thể nói miền Nam là một vùng đất nơi có nhiều giống dân sống pha trộn nhất trên quê hương, tuy nhiên, tự thuở giờ, ngoại trừ một vài xích mích lẻ tẻ, chưa từng có những cuộc ẩu đã hay chiến tranh giữa các dân tộc ấy. Ngược lại, họ sống thanh bình bên nhau, cùng nhau chung sức tạo cho miền Nam một bộ mặt thật sự phồn vinh. Từ ngày các Chúa Nguyễn bắt đầu cuộc Nam tiến đến nay, miền Nam đã bao lần thay ngôi đổi chủ và bao lần hết tang tiền rồi thương hải trên mảnh đất này, nhưng đất nước ấy, con người ấy vẫn vậy. Sau cơn mưa nào rồi trời cũng lại sáng. Những thế lực bá đạo dù có dùng uy vũ để xiềng xích con người, rồi họ cũng bị luật đào thải khai trừ một ngày không xa nào đó để trả lại cho miền Nam sự vươn lên và sức sống thật của chính nó.
Xóm Mũi Cà Mau
------
Tài Liệu Tham Khảo:


  1. Theo lời kể miệng của hai cụ Trần văn Tiếng và Trần văn Hương, kể từ Nam Kỳ Lục Tỉnh đến 20 tỉnh Nam Kỳ dưới thời Pháp thuộc, cũng như Nam Kỳ từ những năm đầu thế kỷ 20 đến khoảng thập niên 1950.
  2. Theo lời kể của hai anh Hứa Hoành và Nguyễn Hữu Trí trong những đêm “NhớVề Vĩnh Long và Nam Kỳ Lục Tỉnh” tại Bataan, Philippines vào cuối năm 1984.
  3. Bạc Liêu Xưa và Nay, Huỳnh Minh, Bách Việt tái bản, 1995.
  4. Borri, Christophoro, Xứ Đàng Trong Năm 1621, NXBTPHCM, 1998.
  5. Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945.
  6. Bulletin Officiel de la Cochinchine Francaise 1862-1945.
  7. Cà Mau Xưa và Nay, Huỳnh Minh, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1966.
  8. Cần Thơ Xưa và Nay, Huỳnh Minh, NXB Cánh Bằng, Sài Gòn, 1966.
  9. Công Báo Việt Nam Cộng Hòa 1955- 1975.
  10. Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.
  11. Định Tường Xưa, Huỳnh Minh, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1973.
  12. Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, NXB Tổng Hợp Đồng Nai, TPHCM, 2005.
  13. Gò Công Xưa Và Nay, Huỳnh Minh, NXB Cánh Bằng, Sài Gòn, 1969.
  14. Kiến Hòa Xưa, Huỳnh Minh, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1965.
  15. Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, Tập I, Lê Xuân Giáo Việt dịch, Ủy Ban Dịch Thuật BQGGDVNCH xuất bản, Sài Gòn, 1972.
  16. Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, Tập II, Lê Xuân Giáo Việt dịch, Ủy Ban Dịch Thuật BQGGDVNCH xuất bản, Sài Gòn, 1973.
  17. Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, 2 Tập, với bản chữ Hán, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Sài Gòn, 1973.
  18. Lịch Annam-Sáu Tỉnh Nam Kỳ, Sài Gòn-Bản In Nhà Nước 1869, 1871, 1872, 1874, 1875, 1876, 1878, 1879, 1880.
  19. Sài Gòn Lục Tỉnh của Sơn Nam, 1998.
  20. Theo tài liệu của Sở Thông Tin Văn Hóa VNCH năm 1974.
  21. Vĩnh Long Xưa và Nay, Huỳnh Minh, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1966.

Tác Phẩm "Về Miền Tây" của Người Long Hồ đến đây là hết. Chân thành cám ơn Quý Độc Giả đã quan tâm theo dõi.
Huỳnh Hữu Đức

Chân thành cám ơn Bạn Đọc đã theo dõi "Về Miền Tây" của Người Long Hồ . 
Chúng tôi sẽ tiếp tục với "Đất Phương Nam" cùng Tác Giả là Người Long Hồ do trước đây đăng dang dở.


***
Để tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Quí Vị mở Link bên dưới:


***