Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Về Miền Tây (tt) - Bài 3



                                                                      Cầu Bến Lức

Đặc biệt khi Pháp mới xâm chiếm miền Nam, Cần Giuộc và Cần Đước là những vùng đất ngập mặn âm u với rừng đước, sú, vẹt, rất ít dân cư, nên nghĩa quân đã dùng những nơi này làm căn cứ địa đánh Pháp và gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Dân Nam Kỳ lục tỉnh không ai là không biết Tân An vì tỉnh lỵ Tân An nằm ngay trên trục lộ từ Sài Gòn về miền Tây. Từ Sài Gòn về miền Tây phải qua Phú Lâm, Bình Chánh, Bến Lức, và đi ngang qua Tân An bằng cầu Tân An... rồi mới đến ngã ba Trung Lương, Cai Lậy, Cái Bè, Cổ Cò, Mỹ Thuận... Ngày trước khi quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) hãy còn là một con đường nhỏ chưa được tráng đá hay tráng nhựa thì những nhánh sông Tân An và Bến Lức là hai thủy lộ quan trọng cho giới thương hồ từ miền Tây về Sài Gòn. Tân An là giao điểm giữa hai vùng Đông và Tây Nam Bộ nên dù được phù sa bồi đắp, Tân An cũng có những gò đất khá cao như các vùng Biên Hòa và Đồng Nai, chẳng hạn như các vùng Thủ Thừa, Khánh Hậu. Tuy nhiên, đồng ruộng Tân An không phì nhiêu như đồng ruộng miền Tây. Vùng Cần Giuộc nằm sát biển Đông thì nước mặn gần như quanh năm, trong khi vùng Thủ Thừa ở phía Tây thì luôn bị ủng phèn. Thời các chúa Nguyễn thì sông Vàm Cỏ Đông được gọi là sông Thuận An, chảy từ biên giới Việt Miên qua tỉnh Tây Ninh, xuống Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Lức, tuy nhiên dân địa phương quen gọi khu vực này là sông Bến Lức, còn người Pháp thì gọi là Vaico Oriental. Còn sông Vàm Cỏ Tây cũng phát xuất từ Miên nhưng chảy qua vùng Đồng Tháp Mười, Tuyên Bình, Mộc Hóa, đến Thủ Thừa, rồi chảy về phía Đông qua Tân An (khi đi từ Sài Gòn về miền Tây, đến cầu Tân An là cây cầu bắt ngang qua sông Vàm Cỏ Tây), người Pháp gọi sông Vàm Cỏ Tây là Vaico Occidental. Cả hai sông Vàm Cỏ gặp nhau ở phía Đông quận Tân Trụ, rồi dòng sông mở rộng ra để chảy vào Nhà Bè và đổ ra cửa Xoài Rạp. Nước sông Vàm Cỏ hai mùa trong đục, về mùa nắng ráo thì nước trong đến nỗi người ta có thể nhìn thấy thấu tận đáy, đến mùa mưa thì nước sông đục ngầu. Ban đầu tỉnh lỵ Tân An được đặt tại Châu Phê, nằm về hướng Bắc sông Bảo Định (Châu Phê là vùng đất mà Chúa Nguyễn đã cấp cho Vân trường Hầu Nguyễn Cửu Vân vì ông này có công khai khẩn đất quanh vùng Mỹ Tho). Sau đó tỉnh lỵ Tân An dời về Nhựt Thạnh, bên tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây. Năm 1868, sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì chúng cho dời tỉnh lỵ về vị trí Châu Thành Tân An ngày nay. Đối với dân thương hồ từ miền Tây đi Sài Gòn lúc nào họ cũng phải đi ngang qua châu thành Tân An, hoặc từ sông Tiền qua Bảo Định, hoặc vàm Kỳ Hôn qua Chợ Gạo để vào sông Vàm Cỏ, rồi qua sông Bao Ngược để đến Cần Giuộc... hay từ Tân An lên Thủ Thừa rồi qua sông Bến Lức, nghĩa là phải đi ngang qua Tân An tại xã Bình Lập (xưa gọi là Vũng Gù). Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, họ cho đào kinh Chợ Gạo nối liền các tỉnh phía Tây với Sài Gòn, nên Tân An không còn giữ vị trí trọng yếu nữa. Đến thời đệ nhất Cộng Hòa thì một phần của tỉnh Tân An được cắt ra để thành lập tỉnh Hậu Nghĩa. Trước năm 1975, Mộc Hóa là tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Tường, và hai quận Đức Hòa và Đức Huệ trực thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, nhưng sau năm 1975 chính quyền Cộng Sản chia cắt lại nên diện tích tỉnh Long An lên tới 4.492 cây số vuông, gồm các quận Bến Lức, Cần Đước, Châu Thành, Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng, với tổng dân số là 1.363.600 người, đa số là người Việt, một số nhỏ người Khmer sống bằng nghề làm rẫy trong vùng Mộc Hóa, và một số nhỏ người Hoa sống bằng nghề thương mại tại các thị trấn lớn. Sau năm 1975, chính quyền sáp nhập tỉnh Mộc Hóa và Hậu Nghĩa vào Tân An, nên hiện tại về vị trí Long An, Bắc giáp Tây Ninh và Cao Miên, Đông giáp Sài Gòn, Tây giáp Đồng Tháp (vùng Cao Lãnh cũ), và Nam giáp Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Về đường bộ, Tân An có đường trải đá đi từ Tân An đi Sài Gòn (khoảng 50 cây số), Tân An đi Gò Công, Tân An đi Mỹ Tho, Tân An đi Thủ Thừa (khoảng 7 cây số), Tân An đi Tầm Vu (khoảng 12 cây số), Tân An đi Bình Phước (khoảng 15 cây số), Tân An đi Bình Quới (khoảng 6 cây số), và Tân An đi Nhật Tảo, vân vân. Sau khi chiếm trọn miền Nam thì chính quyền Cộng Sản cho sáp nhập tỉnh Mộc Hóa vào Tân An. Tuy nhiên, từ Tân An không có đường bộ đi Mộc Hóa, nên phải đi theo quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1), qua ngã ba Trung Lương, đến Cai Lậy, rồi từ Cai Lậy mới đi đường 49 vào Ấp Bắc rồi lên Mộc Hóa. Bây giờ thì con lộ 62 chạy dọc theo bờ kinh đi từ Tân An vô Mộc Hóa đã được thông thương, nên việc đi lại giữa Tân An và các nơi trong vùng Đồng Tháp Mười cũng dễ dàng hơn. Cho đến hôm nay thì vùng Đồng Tháp thuộc Tân An vẫn còn là một vùng mênh mông bạt ngàn rừng tràm, mùa khô thì đất ủng phèn và trở thành hoang mạc, chỉ còn lại những ốc đảo “tràm” là xanh mát. Còn về mùa nước lũ thì toàn vùng biến thành một biển nước bao la. Cư dân trong vùng đã quen sống với lũ lụt từ gần bốn trăm năm nay, nên họ đã xây đắp những con đê bao quanh những thị trấn trong Đồng Tháp, vừa ngăn lũ vừa làm nơi trú ngụ trong mùa nước nổi như đê Tân Hưng và Vĩnh Hưng. Thật ra, Long An không hẳn là vùng đất bồi của đồng bằng sông Cửu Long, mà chỉ là một cánh đồng nhỏ được bồi đắp bởi hai sông Vàm Cỏ nằm giữa hai hệ thống đồng bằng sông Đồng Nai và Cửu Long. Bên cạnh đó, đất đai Long An luôn được nước mưa tưới tẩm quanh năm với một số nước mưa lượng khá lớn hàng năm gần 1.700 mm. Nhờ lượng nước mưa cao, sông rạch chằng chịt và tựa lưng vào biển Đông nên nhiệt độ trung bình của Long An là 26 độ C, rất lý tưởng cho vùng khí hậu nhiệt đới. Ngoại trừ một số đồi gò và những vùng trũng thấp thuộc Đồng Tháp Mười ở phía Bắc, còn thì đa số đất đai của tỉnh Long An đều bằng phẳng với kinh rạch chằng chịt, chia cắt tỉnh này ra làm nhiều vùng. Tân An còn là xứ của cá tôm nước ngọt, gà vịt, rắn rùa. Về trồng trọt, ngoài hai vụ lúa mỗi năm, dân Tân An còn trồng rất nhiều dưa hấu, dưa hấu Tân An chẳng những nổi tiếng trong tỉnh, mà còn biết tiếng ở Sài Gòn và các vùng phụ cận nữa. Những năm sau này, nhứt là khoảng 10 năm trở lại đây, dân Tân An bắt đầu trồng thanh long để xuất cảng ra ngoại quốc. Từ Sài Gòn, theo quốc lộ 1A đi Thủ Thừa, một thị trấn nhỏ nằm trong cửa ngỏ đồng tháp ra Sài Gòn. Đặc biệt tại Thủ Thừa vẫn còn một chiếc “Cầu Treo” một nhịp giữa sông, được treo bởi những sợi dây cáp lớn, cầu được xây từ thời Pháp thuộc, nhưng đến nay vẫn còn tốt. Từ Sài Gòn về miền Tây, trước khi đến Tân An, đến Gò Đen lúc nào chúng ta cũng nghe một mùi men rượu phảng phất. Đây là vùng sản xuất rượu nổi tiếng của tỉnh Tân An. Sau đó chúng ta phải đi qua cầu Bến Lức rồi đến Tân An. Vừa qua cầu Bến Lức, nếu rẽ phải thì chúng ta sẽ đi đến thị trấn Đức Hòa. Hai quận Đức Hòa và Đức Huệ, trong thời VNCH trực thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, nhưng sau năm 1975, nó được sáp nhập vào Tân An. Cũng như các vùng khác ở miền Nam, Long An nằm trong khu văn hóa Óc Eo, nền văn hóa mang máng hình ảnh văn hóa Ấn Độ, đã chiếm ngự toàn vùng trong suốt sáu thế kỷ từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ sáu sau Tây lịch. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại Long An trên 20 di tích tiền sử và trên 100 di tích thời Óc Eo tại các gò như Gò Xoài, Gò Đồn và Gò Năm Tước nằm trong vùng ấp Bình Tả, thuộc quận Đức Hòa. Các nhà khảo cổ phải đào sâu gần 2 mét mới phát giác ra những di tích này. Người ta cho rằng đây là một trong những địa điểm hành lễ của dân Phù Nam. Ngoài ra, trong bộ sư tập 26 hiện vật bằng vàng ở Gò Xoài có một bản bằng chữ Phạn cổ được khắc trên một lá vàng mỏng ghi lại câu kinh Phật giáo. Bên cạnh đó, cũng có các tượng thần Siva, thần giữ đền, thần Vinu, các linh vật Linga, Yoni, và rất nhiều mảnh gốm mịn, hay mảnh kim loại, đá quý, sa thạch thuộc nền văn minh Óc Eo, cũng như rất nhiều di chỉ xung quanh ngôi đền Gò Xoài có liên quan đến con người từ thời tiền sử. Các di tích về ngôi đền thờ thần Siva ở Bình Tả cho thấy người Phù Nam thuộc tôn giáo Bà La Môn, một tôn giáo đã có lâu đời tại Ấn Độ và được truyền bá qua phía Nam bán đảo Đông Dương như Chiêm Thành và Phù Nam vào những thế kỷ đầu Tây lịch. Những di tích khảo cổ cho thấy vùng Đồng Tháp Mười khi xưa đã từng một thời là một trung tâm chính trị văn hóa của dân tộc Phù Nam. Ngày nay tại xã Khánh Hậu, cách thị xã Tân An chừng 4 cây số có lăng miếu thờ ông Nguyễn Huỳnh Đức, một công thần thời nhà Nguyễn. Lăng mộ, đền thờ và nền nhà cũ của quan Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức hãy còn tương đối nguyên vẹn, vì được dân địa phương và con cháu của ngài bảo quản rất chu đáo. Cách châu thành Tân An khoảng 5 cây số có mộ Ông Hống, nằm ngay bên bờ Kinh Ông Hống. Ngoài ra, tại xã Long Hựu Đông, quận Cần Đước, cách thị xã Tân An khoảng 50 cây số, vẫn còn ngôi nhà Trăm Cột, làm bằng cẩm lai, được khởi công xây từ năm 1898 đến 1903, với lối kiến trúc thật độc đáo do những tay thợ chạm trổ từ Huế vào xây dựng. Ngôi nhà có 68 cột tròn, 12 cột vuông và 40 cột làm bằng gạch ở ngoài hiên. Mãi cho đến ngày nay hãy còn rất nhiều người tới đây để nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc cũng như chạm trổ những hoa văn tại đây. Ngoài ra, về di tích lịch sử, tại Tân An hiện còn ba ngôi chùa cổ, một là chùa Tôn Thạnh ở ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, quận Cần Giuộc. Đây là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An, được xây vào năm 1808, chùa do Hòa Thượng Viên Ngộ khai sáng với tên là Lan Nhã. Hiện trong chùa hãy còn rất nhiều pho tượng cổ theo nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ 18, đặc biệt pho tượng Bồ Tát Địa Tạng được đút tại chùa. Chùa Tôn Thạnh còn là nơi mà nhà thơ nổi tiếng Nguyễn đình Chiểu đã sống và sáng tác những áng thơ tuyệt tác. Ngôi chùa thứ hai là chùa Linh Sơn, nằm trong vùng Rạch Núi. Chùa do Hòa Thượng Minh Nghĩa khai sáng vào giữa thế kỷ thứ 19. Trong chùa hiện còn trên 100 bức tượng cổ làm bằng gỗ quý. Ngôi chùa thứ ba là chùa Kim Cang, tọa lạc trong xã Bình Thạnh, quận Thủ Thừa. Chúa được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 19. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Tân An của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp:

                                                            Nhà Khách tỉnh Tân An
 

Về phía Tây Bắc Tân An là Mộc Hóa. Vùng Mộc Hóa nằm trọn trong vùng Đồng Tháp Mười bao la bát ngát. Sở dĩ gọi là Đồng Tháp Mười vì giữa cánh đồng bao la có một ngôi tháp cổ mười tầng (ngôi tháp này nằm giữa khoảng Long An và Cái Bè). Xưa kia Mộc Hóa là một quận lỵ nhỏ của tỉnh Tân An, nằm ở thượng lưu sông Vàm Cỏ Tây, giữa Đồng Tháp Mười. Hai bên bờ sông Vàm Cỏ quanh vùng Mộc Hóa toàn là dừa nước. Mộc Hóa là một vùng bao la với những rừng tràm, năng, lát, được thiên nhiên ưu đãi với vô số cá tôm, rùa, rắn, cua đinh... đây cũng là những đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười. Tân An là một tỉnh nông nghiệp, đất đai màu mỡ và phong phú trải dài theo hai con sông lớn là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Từ Mộc Hóa qua Cao Lãnh và ra Tân An hãy còn rất nhiều cụm rừng tràm, xa xa mới có một vài căn chòi xuất hiện. Cây cối quanh nhà còi cọc chứ không xanh tươi um tùm như những vùng khác ở miền Nam. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Mộc Hóa là tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Tường. Mộc Hóa nằm giữa Đồng Tháp Mười, bên bờ sông Vàm Cỏ Tây. Sau năm 1975, Mộc Hóa bị chính quyền Cộng Sản sáp nhập vào tỉnh Long An. Giữa cánh đồng năng lát bạt ngàn, chen lẫn những khu rừng tràm ủng nước, Mộc Hóa thuở ban sơ chỉ là một xóm nhà dùng làm nơi dừng chân cho giới lang bạt giang hồ từ Việt Nam tìm đường lên Cao Miên lập nghiệp, hay giới buôn lậu những món hàng được chuyên chở từ Miên về. Vào mùa khô thì cả vùng này là vùng đồng khô cỏ cháy, nhưng đến mùa nước nổi thì vùng này biến thành một biển nước không cạn không sâu, nhưng rất thuận tiện cho bọn buôn lậu vận tải hàng hóa từ Miên về Việt Nam hay từ Việt Nam lên Miên. Trước thời Pháp thuộc thì đa số dân vùng Đồng Tháp và Mộc Hóa là người Miên, nhưng về sau này người Kinh và người Hoa từ các vùng khác đổ xô đến đây khai hoang lập nghiệp. Khoảng năm 1973 hay 1974, dù chánh quyền VNCH đã cố gắng bảo vệ và phát triển tỉnh Mộc Hóa, nhưng ngay tại tỉnh lỵ cũng chỉ có một vài khu phố lèo tèo, có căn lợp ngói, có căn lợp tôle fibro ciment, có căn hãy còn lợp lá. Về buôn bán thì chỉ có một vài tiệm tạp hóa của người Hoa. Hồi này dân chúng còn chăn nuôi thả rong heo, trâu, bò, gà, vịt... rồi bán cho bạn hàng từ Tân An lên. Bây giờ thì không biết đã có đường tráng nhựa từ Tân An lên Mộc Hóa hay chưa, chứ mãi đến gần năm 1975 thì phương tiện duy nhất vẫn là tàu đò, còn con lộ từ Cai Lậy vô Ấp Bắc đi Mộc Hóa thì bị tàn phá gần hết, không còn lưu thông được nữa. 


                                                                 Sông Vàm Cỏ Tây

Về phía Bắc Đông Bắc của Sa Đéc là tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh). Năm 1956, Tổng Thống VNCH thành lập tỉnh Kiến Phong vì nhu cầu an ninh lãnh thổ. Về vị trí, Bắc giáp Cao Miên, Nam giáp Sa Đéc, Đông giáp Kiến Tường (Mộc Hóa) và Mỹ Tho, Tây giáp Long Xuyên và Châu Đốc. Thị xã Cao Lãnh nằm bên bờ sông Cao Lãnh, một nhánh nhỏ của sông Tiền Giang, cách quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) khoảng 40 cây số, và cách Sài Gòn khoảng 160 cây số. Ngay từ thời Pháp thuộc, Cao Lãnh là một đô thị sầm uất và là trung tâm kinh tế của khu Đồng Tháp Mười. Kiến Phong là một tỉnh nông nghiệp, tuy đất đai có vùng hãy còn ủng phèn, nhưng đa phần là đất màu mỡ do phù sa sông Cửu Long bồi đắp. Những vùng dọc theo bờ sông Tiền Giang bốn mùa cây cối xanh tươi. Cũng như các tỉnh dọc theo biên giới Việt Miên như Châu Đốc và Kiến Tường, Kiến Phong nằm trong vùng lũ lụt hằng năm, nên thiên nhiên đã ưu đãi cho Kiến Phong một loại lúa nước nổi, là một loại lúa mọc tự nhiên từ tháng 4 hay tháng 5 và đến tháng 10 thì thu hoạch mà không cần phải chăm bón hay phân phướn gì cả. Tuy nhiên, về sau này khi Kiến Phong được mở mang và phát triển thì chính phủ thời VNCH đã cho nghiên cứu và trồng thử nghiệm nhiều loại lúa Thần Nông ngắn ngày, và kết quả rất khả quan. Hiện nay thì Kiến Phong là một trong những vựa lúa lớn trên toàn quốc. Ngoài ra, trong hai thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa, trừ những vùng nào quá mất an ninh thì thôi, còn những vùng ven thị xã Cao Lãnh và ven bờ sông Tiền Giang thì chính phủ thời VNCH còn khuyến khích nhân dân trồng những loại cây công nghiệp ngắn ngày khác như mía, bông, thuốc lá, các loại đậu, đặc biệt là đậu nành để làm tàu hủ và tương hột. Kiến Phong còn là quê hương của những loài cây ăn trái nổi tiếng như xoài Cao Lãnh, quít Lai Vung, mận, nhãn Châu Thành, ổi và bưởi Phong Hòa, còn chôm chôm, vú sữa, và mãng cầu thì có hầu như quanh năm... Kiến Phong là một dãy đất gò tương đối cao nằm trong vùng Đồng Tháp Mười. Hiện nay muốn đi đến ngôi tháp cổ trong Đồng Tháp Mười, người ta có thể đi từ ngã Sa Đéc qua Cao Lãnh, hay từ ngã Cái Bè vào, hoặc từ Châu Đốc qua Tân Châu đến chợ Hồng Ngự, qua Tam Nông, đến Mỹ An, gò “tháp cổ” cách chợ Mỹ An chừng 8 hay 9 cây số (nghĩa là cách chợ Cao Lãnh chừng 43 cây số). Gò Tháp Mười là một khoảng đất cao với diện tích khoảng 100.000 thước vuông, chiều dài nhất khoảng nửa cây số. Vào mùa nước nổi thì xung quanh đều chìm vào biển nước, duy chỉ có gò tháp mười là không bị ngập. Hiện tại trên Gò Tháp có Tháp Mười, Tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ Đốc Binh Kiều, Gò Minh Sư và Miếu Bà Chúa Xứ. Theo các bô lão trong vùng kể lại thì ngôi Tháp Cổ Tự cách Tháp Mười chừng 100 mét đã có từ thời vua Thiệu Trị, và được xây ngay trên nền Tháp Cổ của người Phù Nam. Tuy nhiên, cho tới nay chưa ai biết rõ lai lịch của ngôi tháp cổ này, nhưng có nhiều giả thuyết, thứ nhất là ngôi tháp cổ mười tầng là do Thiên Hộ Dương xây để cho nghĩa quân làm trạm canh cho chiến khu Đồng Tháp, giả thuyết này không đứng vững, vì theo dân trong vùng ngôi tháp đã có từ lâu đời lắm rồi, chứ không phải sau thời Pháp chiếm miền Nam. Giả thuyết thứ nhì cho rằng đây là một trong những ngôi cổ mộ của các vì vua chúa của vương quốc Phù Nam, và giả thuyết thứ ba cho rằng đây là một trong những phế tích của một thành phố cổ thuộc vương quốc Phù Nam xưa kia. Hai giả thuyết sau này có phần có lý hơn giả thuyết thứ nhất, vì đất Nam Kỳ xưa kia thuộc vương quốc Phù Nam, và những gạch ngói cổ và một vài khối đá có hoa văn chạm trổ có tính nghệ thuật cao mà thỉnh thoảng dân trong vùng tìm thấy trong những cánh rừng tràm, có khi người ta cũng tìm thấy vàng bạc trên những gò đất cao... cho chúng ta thấy có lẽ vùng Tháp Mười xưa kia cũng phồn thịnh, nhưng vì thế đất thấp nên chịu nhiều trận lũ từ miệt đồng bằng sông Cửu Long tràn qua, nên mới lâm vào cảnh “thương hải tang điền” này. Còn một giả thuyết nữa mà nhà khảo cổ học người Pháp tên Parmentier đã tìm thấy một bia đá có ghi chép lại rằng ngôi tháp cổ được xây vào thời vua Javavarman (1181-1281). Nhà vua bị bệnh phong cùi nên ông rất thương cảm với nhân dân nghèo trong xứ, ông đã cho xây nhiều tháp tương tự như vậy để làm những trạm tế bần. Ngôi tháp ở Đồng Tháp là ngôi tháp thứ mười nên được gọi là “Tháp Mười.” Dù đã có bia đá ghi lại như thế nhưng đâu có chứng cứ nào xác thực nào chứng nhận ngôi tháp thứ mười ấy là ngôi phế tháp hiện tại, nên theo tôi giả thuyết thứ hai và thứ ba vẫn còn đứng vững. Vào thời Pháp mới xâm chiếm Việt Nam thì Đồng Tháp Mười là căn cứ kháng Pháp của các anh hùng Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương), Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân), Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều). Nhờ những đạo quân “Trời” (nắng, vắt, đỉa, rừng rậm và đầm lầy) làm bức chắn, nên nghĩa quân dù thế yếu vẫn được Tháp Mười che chở và nuôi dưỡng để tấn công quấy phá địch. Năm 1957, chính quyền VNCH cho xây lại tháp (có lẽ dùng để làm một đài quan sát toàn vùng), nhưng tháp ấy cũng bị chiến tranh tàn phá gần hết. Không biết sau chiến tranh người ta có trùng tu lại ngôi tháp hay không? Hiện tại tại gò Tháp Mười có đền thờ Đốc Binh Kiều và Miếu Bà Chúa Xứ, hằng năm dân chúng trong vùng vẫn tổ chức lễ vía bà vào ngày 16 tháng 3 âm lịch và lễ giỗ ngài Đốc Binh vào ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch. Về giao thông đường thủy, người ta có thể đi Cao Lãnh bằng cách đi theo tỉnh lộ từ Giáo Đức (Mỹ Thuận) đi lên, hay từ Sa Đéc qua bắc Cao Lãnh. Kiến Phong có một hệ thống sông ngòi và kinh rạch chằng chịt, bên cạnh đó còn có những ao, hồ và đầm rộng mênh mông. Sông chính chảy qua Kiến Phong là sông Tiền Giang, một nhánh của sông Cửu Long, chảy qua địa phận tỉnh Kiến Phong trên một thủy lộ dài 132 cây số. Dọc theo hai bên bờ sông là hệ thống kinh rạch xẻ dọc xẻ ngang, tạo cho việc đi lại trong tỉnh bằng đường thủy rất thuận tiện. Trước năm 1975, vì chiến tranh nên đường sá chưa được tái thiết hay mở mang thì sự đi lại chính trong tỉnh Kiến Phong là những chiếc đò nhỏ mà dân trong vùng gọi là “Tắc Rán”. Riêng vào mùa nước nổi thì không có phương tiện nào có thể đi lại trong tỉnh được ngoài những chiếc “Tắc Rán” này. Chính vì vậy mà có lẽ không nơi nào có nhiều những “bến đò” bằng tỉnh Kiến Phong, xa xa một đỗi trên dòng sông Tiền là có một bến đò, đò đi An Long, đò đi Hồng Ngự, đò đi Đồng Tiến...
 

Hết Phần 3 (Trang 8 - 13)
 
Để tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Qúi Vị mở Link bên dưới:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét