Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2024

Chút Tình Quê

 

Bài Thơ Xướng

         Chút Tình Quê

Nhìn ánh hoàng hôn thấy chạnh lòng
Miền Tây tôi đó vẫn hoài mong
Cách chim bạt gió tìm nơi trú
Lữ khách xa nhà dõi mắt trông
Chầm chậm đêm đen sương lả tả
Ngậm ngùi chốn cũ lạnh lùng sông
Nghe hơi gió lạ càng thêm nhớ
Nỗi nhớ trong tim đất chín rồng.
                                 Quên Đi

Các Bài Thơ Hoạ

               Bên Trời

Hướng về cố quận xót xa lòng
Tin nhạn cành xưa những mỏi mong
Đất khách năm cùng luôn lắng đợi
Hồn quê vận lỡ gắng chờ trông
Ngậm ngùi dõi mắt ngoài song cửa
Thề quyết dìm mình tận đáy sông
Bất tử khí hùng gương tuẫn tiết
Lưu danh muôn thuở giống tiên rồng
                             Kim Phượng
***
              Mòn Mỏi Đợi

Nghĩ đến người xưa chợt chạnh lòng
Biết đà tử biệt, vẫn hoài mong
Ngậm ngùi dạ nhớ, tim mòn đợi
Khắc khoải tâm chờ, mắt dõi trông
Tháng bảy mưa rơi tràn ngạch cửa
Chiều hôm triều phủ ngập dòng sông
Thẫn thờ nhìn cánh chim bay khuất
Trong áng mây loang tựa dáng rồng.
                                 Phương Hà
***
    HỒN MẸ VIỆT NAM

Lận đận trời xa thấy đắng lòng
Hướng về đất nước vẫn đợi mong
Một đàn chim Việt bay về tổ
Vạn đứa con Nam trở lại sông
Hùng khí tiền nhân tung cánh hạc
Hậu sinh tổ quốc xứng nòi Rồng
Quây quần chia sẻ vui nguồn cội
Hồn mẹ Việt Nam mãi ngóng trông
                          songquang 20240813
***
       TÌM VỀ CHỐN CŨ 
 

Từ đi, cách mặt đến xa lòng
Sao vẫn âm thầm nỗi nhớ mong
Sa Đéc mịt mù sương khói đợi
Long Xuyên thăm thẳm nắng mưa trông
Khi mình kiếm được đường ra biển
Lúc bạn chưa xong chuyện vượt sông
Mấy chục năm rồi, nay trở lại
Bờ xưa khô khốc bãi xương rồng ...
         Los Angeles 13 - 8 - 2024 CAO MỴ NHÂN
***
           TRẮC ẨN

Thu về tức cảnh xuyến xao lòng
Lá rụng chừng nhiêu bấy nỗi mong
Nào biết mô ngày cho khỏi đợi?
Khó hay nọ bến để còn trông?
Ai người hiểu giúp đây lòng mỗ?
Ai bạn chia giùm đó nhánh sông?
Nếu chẳng thôi thời muôn kiếp lạc,
Còn chi hậu duệ của con Rồng.
                            Thái Huy 8/13/24
***
             Ngàn Dặm

Tìm về lối cũ nhói đau lòng
Người đã quên rồi hết đợi mong
Nhà vắng tiêu điều bao luyến tiếc
Vườn xưa hiu hắt những hoài trông
Lỡ làng đôi ngã xa ngàn dặm
Khắc khoải hai nơi cách biệt sông
Hoàn cảnh ngày nay như cổ tích
Bởi ta dòng dõi cháu tiên rồng
                                Kim Oanh
***
               Tình Quê

Hoàng hôn đất khách ngẩn ngơ lòng,
Cố quốc tình quê những ước mong.
Lục tỉnh vườn cây ra sức ngắm,
Nam kỳ ruộng lúa bạt ngàn trông.
Cần Thơ Bình Thủy xôn xao khách,
Chợ Nổi Cái Răng tấp nập sông.
Xa cách muôn trùng lòng vẫn nhớ,
Cửu long là đất chín con rồng !
                           Đỗ Chiêu Đức
                             08-15-2024


Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

Mùa Báo Hiếu

 


Đêm trăng rằm tháng Bảy   
Soi sáng tấc lòng con  
Năm tháng nhiều dau khổ
Sinh thành tựa biển non
Vu Lan nay lại đến    
Hiếu đạo mãi không tròn
Nhìn khói lam mờ ảo    
Thương Ba Má chẳng còn
                         Quên Đi

 

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2024

Lòng Con


Đêm nay trời trong sáng   
Bên song ngắm trăng vàng   
Con tim chừng nhói động   
Nghe ray rức cõi lòng  

Vu Lan đâu đã cận   
Mà nghĩ đến song thân  
Quá mười năm khuất núi  
Sao ta vẫn ngậm ngùi    

Cả cuộc đời gian khó   
Ba Má vẫn mãi lo  
Nuôi đàn con thơ dại     
Oằn trĩu cả đôi vai   

Biển trời ơn chưa trọn   
Chữ hiếu viết chưa tròn  
Lặng nhìn qua di ảnh 
Nhớ lắm đấng sinh thành.
                      Quên Đi


Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2024

Điệp Khúc Ngâu

 
Bao đêm khắc khoải nỗi ưu sầu   
Cách biệt đôi bờ cũng bởi đâu   
Đôi bóng ngày xưa vui hạnh phúc   
Giờ đây mỗi đứa mỗi bên cầu    

Trời còn dày đoạ đến khi nào    
Bờ bắc bờ nam mãi cách nhau    
Bến mộng giờ đây thành bến đợi   
Ngàn năm thấm thía tấm lòng đau   

Song Thất ngày nay gợi nhớ về  
Giọt Ngâu mừng tủi kéo lê thê   
Thương người năm tháng trong mòn mỏi   
Nhịp thước cầu ô thoả ước thề.

                               Quên Đi

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2024

Hạnh Đầu Đà


- Ông Xã ơi, cho em hỏi chuyện này coi  
-  Nhờ người ta thì nói nghe ngọt xớt, còn đụng chuyện thì giũa te tua. Chuyện gì? Em làm như tui Bát Đại Tinh Thâm vậy.
- Thôi mà, em hỏi nè, mấy tháng nay, vụ sư Minh Tuệ đăng đầy trên youtube, có nhiều cái không hiểu anh giải thích dùm nghen.   
- Không hiểu gì hỏi đi, không biết anh giải đáp được hông đây 
- Có một số vị thượng toạ, chủ trì các chùa nói sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ, đọc được  bao nhiêu Kinh kệ, hiểu bao nhiêu Phật Pháp, đúng là Ba trợn ôm nồi cơm điện đi xin ăn khắp nơi... rồi nào là 13 Hạnh Đầu Đà, nào là Y phấn tảo...
- À hên quá, cái này thì anh biết chút chút, nhưng cũng phải coi lại vì có nhiều chi tiết không nhớ, hẹn tối nghen.
Sau đó tôi vào mạng, dựa vào một ít hiểu biết cộng với một số thông tin trên mạng để thoả mãn những thắc mắc của Bà Xã.

1- Y Phấn Tảo  (衣 粉 掃) 
- Chiếc áo của tu sĩ tu theo Hạnh Đầu Đà, gồm những mảnh vải vụn bị bỏ đi, được các vị thu lượm trên đường đi khất thực, kết nối lại thành tấm áo để mặc..
- Có phải là áo ngũ sắc không?
- Không phải. Do áo được may bằng những mảnh vải lượm bất kỳ, nên Y Phấn Tảo sẽ có nhiều màu sắc có thể chỉ 2-3 hoặc nhiều hơn, chứ không chỉ 5 màu.   

2- Hạnh Đầu Đà  
Có nhiều người cho rằng tu theo Hạnh Đầu Đà là tu khổ hạnh hành thể xác. Điều này không đúng lắm, mặc dù hai từ Đầu Đà có nghĩa khổ cực khó khăn. Muốn tìm hiểu phép tu này khá dài dòng. Trước hết phải tìm ra nguồn cội.
Trước khi Phật Giáo xuất hiện, tiểu lục địa Ấn Độ có giáo phái Bà La Môn thống trị. Do đó, Giáo lý của Phật Giáo và Bà La Môn có một số quan điểm tương đồng. Trong đó điều quan trọng nhất chính là Giải Thoát
Theo Bà La Môn có 3 con đường chính để đạt đến giải thoát, trong đó có con đường tu khổ hạnh cực đoan giống như hành xác vậy.
Còn theo Đức Thế Tôn (Thích Ca Mâu Ni) Tôn chỉ của Phật Giáo là theo Trung Đạo. Trung Đạo mà Thế Tôn truyền dạy là ở giữa 2 cực: tu theo Khổ nhục và tu dựa theo Lạc thú (thụ hưởng vật chất  khi tu niệm). Điều này thấy hơi giống đạo Trung Dung trong Nho Giáo
Đức Thế Tôn  từng bảo:
“Này Ca Diếp, ‘ tất cả có’ là một cực đoan. ‘tất cả không có’ là một cực đoan khác. Này Ca Diếp, ở giữa hai cực đoan này là trung đạo, bởi vì đây là một sự nhận thức đúng đắn về sự vật…”
"Này Ca Diếp, ‘ngã (bản thể luôn tồn tại vĩnh viễn trong mỗi người)’ là một cực đoan. ‘Không có ngã' là một cực đoan khác. Ở giữa hai cực đoan này là quan điểm Trung đạo mà nó không hình tướng, không biểu lộ, không chống đỡ, không thực thể, không ký hiệu và không khái niệm. Này Ca Diếp, đây được gọi là trung đạo, sự nhận thức đúng đắn về các sự vật.
Theo quan niệm thời bấy giờ, tu là phải thật khổ thì mới đắc đạo. Vì vậy, ngài đã bỏ ra năm năm tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già, thực tập tất cả các phương pháp tu khổ hạnh: Hành thân hoại thể, phơi nắng, phơi sương, Có ngày ăn chỉ một hạt đậu hoặc một hạt mè, có khi nhịn đói,... đến mức thân thể tiều tụy, thậm chí suýt chết.
Lúc ấy, Ngài giác ngộ ra rằng, tu khổ hạnh cực đoan không đem lại lợi ích,  và từ bỏ lối tu khổ hạnh cực đoan, quay trở về tu tập theo con đường trung đạo, tức là nuôi dưỡng thân này có đủ sức khỏe để hành các Pháp.
Cuối cùng, Ngài thành tựu đạo quả nhờ Pháp tu Trung đạo này. Từ đó, Đức Phật đã hướng dẫn Tăng đoàn thực hành pháp tu Trung Đạo, trong đó có pháp tu Hạnh Đầu Đà.
Trong hàng đệ tử Phật, tuy có nhiều tăng tu theo Hạnh Đầu Đà, nhưng chỉ có Đại Tôn Giả Ca Diếp là người đầu tiên thực hiện đầy đủ pháp tu Hạnh Đầu Đà. Tôn giả Đại Ca-Diếp đã trọn đời giữ hạnh đầu-đà. Dù rằng, lúc tuổi cao sức yếu, đạo giải thoát đã viên mãn, và chính Như Lai có lời khuyên “nên bỏ hạnh khất thực, cho đến các hạnh đầu-đà khác, mà nên nhận lời mời của các trưởng giả và nhận y áo” nhưng Tôn giả vẫn giữ vững công hạnh. Một phần vì Tôn giả vốn đã quen với hạnh đầu-đà, nhưng quan trọng hơn, có lẽ Tôn giả ngầm gửi một lời nhắn nhủ sâu xa đến hàng hậu thế chúng ta hiện nay.

Từ đó, Thế Tôn đã xác định một cách chắc chắn với chúng đệ tử:
Nếu Hạnh Đầu Đà này được ở đời thì pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có pháp ở đời, thì thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm (Lời nói này rất đúng với hiện tại. Khi sư Minh Tuệ xuất hiện thì những Giả Tăng, Ma Tăng dần lộ diện và bị chúng Phật Tử rời  xa). Này các Tỳ-kheo, hãy học như Ca-diếp tu tập.

Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Theo các Tài liệu ghi chép Hạnh Đầu-đà (Dhuta), là hạnh tu khắc khổ để dứt bỏ các tham dục. Có 12 Hạnh Đầu Đà (có nơi ghi 13 do tách Khất Thực thành 2 Hạnh) :
 12 Hạnh Đầu Đà :

1- Y phục làm bằng những mảnh vải rách. 2-Chỉ dùng ba y. 3-Khất thực mà ăn. 4-Chỉ ăn một bữa vào giờ trưa. 5-Không ăn quá no. 6-Không giữ tiền bạc. 7-Sống độc cư. 8-Sống trong nghĩa địa. 9-Sống dưới gốc cây. 10-Sống ngoài trời. 11-Không ở cố định, thường du hành. 12-Ngồi ngủ, không nằm ngủ.
13 Hạnh Đầu Đà:
  1. Mặc y phấn tảo: Đây là loại y được làm từ những miếng vải vụn, rách, không dùng đến được lấy từ nghĩa địa, bệnh viện, ở ngoài đường hay ở rừng,…Sau đó được giặt sạch và vá lại thành y để mặc. Vị hành giả tu tập không nhận sự cúng dường y áo của thí chủ mà đi nhặt những vải này. Cho nên không bị lệ thuộc vào thí chủ.
  2. Chỉ mặc ba y: Vị tu sĩ tu hạnh đầu đà chỉ có ba y, bao gồm: thượng y, trung y và hạ y. Chư Tăng dùng y đó đến khi rách, thậm chí là không còn chỗ vá mới được may mới.
  3. Phải khất thực để sống: Ở hạnh này, chư Tăng tu hành hạnh đầu đà mang bình bát đi khất thực để nuôi sống bản thân mình. Chư Tăng không đợi tín chủ mời đến nhà để cúng mà phải mang bình bát khất thực.
  4. Khất thực theo thứ lớp: Đây là việc đi khất thực theo từng nhà, không vì chọn gia chủ giàu sang mà bỏ những gia đình nghèo khổ, không tới nơi có nhiều đồ ăn ngon mà phải khất thực tuần tự. Đó là một hạnh của người tu hành Pháp đầu đà.
  5. Ngồi ăn một lần: Đó là khi ăn, nếu đã đứng dậy thì vị tu sĩ đó không ăn nữa, có người đến cúng thêm cũng sẽ không ăn.
  6. Ăn bằng bình bát
  7. Không để dành đồ ăn: Vị hành giả khi thọ thực không để dành đồ ăn còn dư (hoặc đồ tín chủ cúng dường) cho ngày hôm sau.
  8. Sống ở trong rừng
  9. Ở dưới gốc cây
  10. Ở ngoài trời
  11. Ở nghĩa địa
  12. Nghỉ ở đâu cũng được: Tu sĩ tu hành hạnh đầu đà không chọn chỗ nghỉ, mà tùy thuận nghỉ ở đống rơm, gốc cây,...
  13. Ngồi ngủ, không được nằm ngũ.
Còn việc một số tu sĩ Phật Giáo thuộc giáo hội Phật Giáo Việt Nam nói Sư Minh Tuệ không biết bao nhiêu pháp môn Phật pháp ..thì chính các vị ấy mới không rành các tu tập trong đạo Phật, vì Hạnh Đầu Đà là một phép tu tập của Phật Giáo.

3- Kết Luận
Từ sau Tôn Giả Ca Diếp hơn 2500 năm, không ai có thể tu tập trọn vẹn Hạnh Đầu Đà, mãi đến nay có lẽ chỉ mình Sư Minh Tuệ mà thôi. Không biết thời gian sau này, có được vị sư nào tu tập được 13 Hạnh Đầu Đà nữa hay không? 
Cũng vì sự khó khăn trong tu tập Hạnh Đầu Đà, nên Sư Minh Tuệ đều được Chúng Tăng, cũng như Phật tử trong nước sùng bái. Chẳng những thế, các tổ chức tôn giáo trên khắp thế giới, không riêng gì Phật giáo, các tôn giáo khác đều rất kính trọng và ngưỡng mộ sư Minh Tuệ. 
Có người còn coi Sư là vị Phật sống của thời hiện đại. Đúng là chuyện ngàn năm mới có một!
Huỳnh Hữu Đức

(Tài liệu tham khảo: Thư Viện Hoa Sen, Giác Ngộ online)