Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

Đất Phương Nam 1 (tt) -Trần Thượng Xuyên Và Vùng Đất Cù Lao Phố


Tổng Quan Về Cù Lao Phố:

Cù lao Phố không phải là phố cảng đầu tiên được thành lập bởi người Hoa tại Việt Nam, mà vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII trước đó, sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan cho dời dinh chúa từ Phước Yên vào Kim Long (Huế) vào năm 1636, chúa đã cho phép thành lập phố Thanh Hà gồm những cư dân người Việt và người Hoa. Theo quyển “Nam Bộ Nhìn Về Lịch Sử Nhìn Vào Hiện Tại Nhìn Ra Khu Vực”, phố cảng

Thanh Hà đã có từ thời nhà Trần, vì dọc theo bờ sông gần Thanh Hà và thành Hóa Châu người ta tìm thấy hàng trăm đồng tiền thời Trần mang niên hiệu Thiệu Phong (1341-1357) và Đại Trị (1358-1369). Đến giữa thế kỷ thứ XVII, những người Hoa di dân được chúa Nguyễn cho phát triển phố Thanh Hà mà thế hệ đầu tiên có Trần Dưỡng Thuần (1610-1688), quê quán phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến. Chính Alexandre de Rhodes đã thừa nhận, mặc dầu không lớn như Kim Long, nhưng Thanh Hà là một phố cảng lớn thời đó với tên là “Đại Minh Khách Phố”. Đến cuối thế kỷ thứ XVII, phố cảng Thanh Hà đã nghiễm nhiên trở thành phố cảng quan trọng của xứ Đàng Trong. Các tay thương buôn Hoa kiều thường vào Hội An mua hàng hóa nước ngoài về Thanh Hà bán lại cho vùng Thuận Hóa(1). 
Đến khoảng hậu bán thế kỷ thứ XVII khi vùng biên trấn của xứ Đàng Trong là phủ Thuận Thành thì lưu dân Việt Nam đã đi đến những vùng xa hơn về phương Nam và cư ngụ chung đụng với người Chân Lạp, nhưng chúa Hiền Vương lúc ấy phải đương đầu với nhiều vấn đề về phía mặt Bắc nên chưa rảnh tay để tính chuyện trong Nam. Năm 1644, thời chúa Nguyễn Phúc Tần thì chúa Hiền Vương đã có công đánh tan Hải Quân Hòa Lan tại cửa biển Thuận An. Sau khi lên ngôi chúa năm 1648, chúa Hiền Vương lại phải đánh nhiều trận với quân chúa Trịnh từ năm 1648 đến năm 1672 nên kế hoạch lưu dân về phương Nam bị đình trệ. Năm 1679, có nhiều nhóm cựu thần nhà Minh vì không phục Thanh Triều nên dong buồm xuôi Nam tìm nơi tỵ nạn. Trong số những nhóm này, đáng kể nhất là Tổng Binh Trấn Thủ Thủy Lục ở Long Môn là Dương Ngạn Địch và Phó Tướng của ông là Hoàng Tấn, va quan Tổng Binh Trấn Thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên, còn gọi là Trần Thắng Tài, cùng phó tướng là Trần An Bình, đem gia quyến và tùy tùng trên 3.000 người và 50 chiến thuyền đến cửa Từ Dung và cửa Đà Nẳng, xin yết kiến chúa Hiền Vương để xin tỵ nạn. Thoạt đầu chúa muốn từ chối vì thấy không tiện khi cho hai đạo binh khá lớn ở sát kinh thành, lại nữa nếu chứa chấp họ, có thể bị rắc rối với Thanh Triều. Nhưng về sau tính lại, Chúa đồng ý cho hai ông một về miệt Mỹ Tho và một về vùng Đồng Nai, để vừa giúp đám lưu dân Việt Nam đang ở chung đụng với người Chân Lạp, vừa tiếp tục khai khẩn những vùng đất hãy còn hoang vu, mà cũng vừa trấn át quân Xiêm và Chân Lạp lúc nào cũng lăm le quấy phá vùng đất mới này. Gia Định Thành Thông Chí có chép: “Khi ấy Bắc Hà có nhiều việc biến loạn, mà quan binh của họ ở xa tới, chưa biết hư thực thế nào, huống chi họ lại y phục khác, tiếng nói khác, khó sử dụng. Nhưng họ trong lúc thế cùng nên phải chạy sang, khẩn khoản bày tỏ tấm lòng thì cũng không nên cự tuyệt... Vả lại địa phương Giản Phố (Gia Định) đất ruộng tươi tốt kể đến ngàn dặm, triều đình chưa rành kinh lý, chi bằng nay ta lợi dụng sức mạnh của họ, cho khai phá đất đai để ở, cũng là một việc mà được ba điều lợi.” Vì thế Chúa Hiền ra lệnh khoản đãi và cho họ giữ nguyên chức tước như cũ. Sau đó Chúa ban chiếu chỉ cho Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tấn theo các cửa Tiểu và cửa Đại đi lên khai phá hướng Mỹ Tho. Trong khi chiếu chỉ cho Trần Thượng Xuyên và Phó tướng Trần An Bình theo cửa Cần Giờ vào khai phá xứ Nông Nại(2) . Đây quả là một quyết định hết sức quan trọng của Chúa Hiền về cả hai mặt kinh tế và chiến lược. Nhờ hai đạo quân hùng mạnh giữ an ninh trật tự nên chẳng mấy chốc, các sắc tộc Việt, Miên và Hoa cùng nhau khai phá, phát triển và biến những vùng đất này thành một trong những vùng đất trù phú nhất Nam Kỳ thời đó. Khác với những nhóm lưu dân người Việt đến đó trước đây là chỉ lưu tâm đến phá rừng làm ruộng rẫy, những nhóm người Hoa mới đến này họ vừa phá rừng làm ruộng rẫy, vừa làm thương mại buôn bán. Hai nhóm người Hoa này đến Việt Nam thời đó đi theo rất nhiều nhà khoa bảng bất mãn với Thanh triều nên chẳng mấy chốc hai vùng Đồng Nai và Mỹ Tho biến thành hai thành phố vừa lớn mạnh về các mặt nông nghiệp, thương mại, và văn hóa. Họ biến hai vùng này thành hai trung tâm thương mại và giao dịch với nước ngoài lớn nhất vùng Nam Kỳ. Cũng như Mạc Cửu ở Hà Tiên, họ giao dịch với người với người Tân Gia Ba, Hương Cảng, Nhật Bản, và người Tây Dương, tức người từ các xứ Âu châu. Thuyền buôn các xứ này tới lui vùng Mỹ Tho và Đồng Nai tấp nập. Vào đầu thế kỷ thứ XVII, tại vùng Đồng Nai thì người Minh Hương tập trung nhiều ở vùng cù lao Phố. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển Thượng: “Cù Lao Phố chỗ sông sâu thuận tiện cho tàu biển đậu. Trần Thượng Xuyên chiêu tập thương buôn nước Tàu, xây dựng đường sá, nhà lầu đôi tầng, rực rỡ bên sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ, nhai lớn ở giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, và nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng, bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội.” Đa số người Hoa tập trung ở vùng Cù Lao Phố, dọc theo bờ sông Đồng Nai, mở mang cho phố nầy ngày càng thêm thịnh vượng, thu hút nhiều thương nhân ngoại quốc như Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Mã Lai, và rất nhiều người Âu Châu. Trần Thượng Xuyên lại khéo chỉ huy và tổ chức, quy tụ các thương nhân người Hoa ở các nước khác đã có mối quan hệ từ trước, các nhà buôn bán chuyên nghiệp có vốn lớn, giàu kinh nghiệm đến xây dựng Cù Lao Phố thành một thương cảng quốc tế phồn thịnh vào bậc nhất đất Gia Định thời đó, được mang tên là “Châu Đại Phố Cảng.”

Ngày nay đi đâu đến đâu trong vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh, chúng ta cũng đều nghe văng vẳng hai câu ca dao: 
“Nhà Bè nước chảy chia hai 
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.” 
Nói đúng hơn đây là những điệu hát câu hò chèo ghe cho đỡ buồn chán vào thời cha anh chúng ta đi mở cõi về phương Nam. Tuy nhiên, theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, thì ở ngã ba Tam Giang là một điểm mà ba con sông lớn gặp nhau. Đó là về phía Nam có sông Đồng Nai(3), về phía bắc có sông Tân Bình(4), gặp với sông Nhà Bè thành một điểm giao thủy với tàu bè đi lại tấp nập. Chính những dòng sông nầy đã là nơi quyến rũ, là điểm đến của những lưu dân Thuận Quảng đến vùng Sài Gòn-Gia Định khẩn hoang lập nghiệp. Tại sao lưu dân thuở đó chỉ nói đến Gia Định và Đồng Nai mà không hề đề cập đến Sài Gòn? Ngược dòng lịch sử, vào năm 1679, chúa Nguyễn cho phép nhóm di thần của nhà Minh là Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ, rồi lên đồn trú ở vùng Bàn Lân thuộc xứ Đồng Nai thời đó. Họ đã khai phá đất hoang, lập nên phố chợ thương mãi rất phồn thịnh, thông thương với người Hoa tại Đài Loan, người Nhật, người Ấn, cũng như người Âu Châu. Đó là khu Giản Phố hay Cù Lao Phố, hay nói đúng ra là cả vùng Biên Hòa ngày nay. Cù Lao Phố là một giang cảng nằm sâu trong đất liền, cách bờ biển khoảng trên 100 cây số. Thời đó sở dĩ nó có được vị trí thuận lợi là vì nó là khu thương mại đầu mối, vì từ đó người ta có thể dự trữ và đưa nông lâm sản đi các nơi khác rất dễ dàng. Nông Nại Đại Phố đã sớm trở thành một trung tâm thương mãi có nhiều tàu ngoại quốc tới lui buôn bán. Vùng Nông Nại Đại Phố lúc nầy cũng đã sẵn có người Việt Nam ở đây làm ăn khá đông. Việc thương mại của vùng Nông Nại Đại Phố lúc nầy phần lớn dựa vào nghề nông của người Việt và cư dân bản địa. Thật tình mà nói, vùng Nông Nại Đại Phố lúc nầy trù phú và cường thịnh nhưng không vượt nổi vùng Prei Nokor do người Việt Nam khai phá từ trước, vì Prei Nokor nằm gần cửa biển hơn Nông Nại Đại Phố đến hàng mấy chục cây số. Tuy nhiên, do tài giao tiếp của tướng Trần Thượng Xuyên nên chẳng mấy chốc mà cù lao Phố đã nghiễm nhiên trở thành một thương cảng lớn và quan trọng nhất của Nam Kỳ thời đó. Cù lao Phố tiếp tục phát triển trong suốt gần một thế kỷ, kể từ năm 1679 đến 1776. Năm 1698, khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn vào kinh lược đất Nông Nại thì vùng cù lao Phố đang hưng thịnh. Mặc dầu lúc ấy hầu như các đồn binh của xứ Đàng Trong đều đóng ở vùng Prei Nokor và Kas Krobei, tức Chợ Lớn và Sài Gòn ngày nay, nhưng Nguyễn Hữu Cảnh đã kéo thủy quân vào cửa Cần Giờ rồi theo dòng Đồng Nai mà đi ngược lên vùng Nông Nại và đóng quân tại cù lao Phố trong suốt thời gian ông làm Kinh Lược tại vùng đất nầy. Có lẽ chính vì vậy mà sau khi ông qua đời tại vùng Rạch Gầm, quan tài của ông đã được đưa về quàn tại cù lao Phố trước khi được đưa về chôn cất tại Quảng Bình. Ngày nay nơi quàn quan tài của ông người ta đã lập nên một phần mộ, mặc dầu không phải là mộ thật, nhưng đồng bào địa phương rất kính ngưỡng và tôn kính ông nên lúc nào nơi nầy cũng khói hương nghi ngút. Năm 1747, một thương gia người Phước Kiến tên Lý văn Quang nổi lên mong biến vùng nầy thành một khu tự trị của người Hoa; rồi tiếp theo đó là đại quân Tây Sơn vào đánh chiếm và thiêu hủy toàn bộ Giản Phố(5). Người ta phải dời vùng đất trung tâm về một nơi gần miền tây hơn, chính vì vậy mà khu Bến Nghé-Sài Gòn được chọn và đồng thời vùng Nông Nại bị lãng quên một cách nhanh chóng hơn. Đến khi vùng miền Tây Nam Phần được khai phá và trải qua bao cuộc bể dâu thì Giản Phố bị tàn phá không còn xây dựng lại được nữa. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ thì cù lao Phố không còn lưu lại vết tích gì của một thương cảng đã có thời cực thịnh trên vùng đất nầy. Tuy nhiên, hiện nay, những đình chùa cổ trong địa bàn xã Hiệp Hòa của thành phố Biên Hòa hãy còn rất nhiều.

Trần Thượng Xuyên Và Vùng Đất Cù Lao Phố:

Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, cùng với Mạc Cửu là những người Minh Hương tiên phong đã góp phần không nhỏ trong việc mở mang, khai phá và phát triển vùng đất Nam Kỳ, đáng được toàn dân Việt Nam nói chung và con dân Nam Kỳ nói riêng ghi nhớ công đức và lập đền thờ lưu lại cho hậu thế. Trần Thượng Xuyên, tự là Thắng Tài, làm quan dưới thời vua Nghi Tôn nhà Minh, bên Trung Hoa, tới chức Tổng Binh 3 châu: Cao, Lôi và Liêm, thuộc tỉnh Quảng Tây. Khi quân Mãn Thanh vào chiếm Trung Hoa, vua Nghi Tôn tự vẫn mà chết, những vị vua nối nghiệp cuối đời nhà Minh bỏ kinh thành mà chạy đến Hoài An, Phúc Châu hay Đài Loan, nhưng tất cả đều lần lượt bị quân nhà Thanh bắt giết. Quan Tổng binh Trần Thượng Xuyên không chịu thần phục nhà Thanh, nên cùng Phó Tướng Trần An Bình và một số thuộc hạ chạy sang xứ Đàng Trong vào khoảng năm 1679, dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Chúa đã cho phép ông được giữ nguyên chức Tổng binh và cùng bộ tướng đi vào khai phá vùng đất Nông Nại, tức vùng Đồng Nai-Biên Hòa ngày nay. Có thể nói Trần Thượng Xuyên là một trong những người đi tiên phong trong việc khai phá hoang địa tại miền Nam. Ông chẳng những có công trong việc khai hoang lập ấp, mà còn góp phần rất đắc lực trong việc chấn chỉnh và kiện toàn bộ máy hành chánh tại vùng Biên Hòa ngày nay. Lúc ông và phó tướng Trần An Bình tới vùng Nông Nại thì vùng đất nầy hãy còn là một hoang địa, đất rộng người thưa. Trên đường lên thượng nguồn sông Đồng Nai, đến khúc Cù Lao Phố, Trần Thượng Xuyên đã ra lệnh hạ trại và khởi công khai khẩn đất hoang. Đây là một vùng đất nằm trên khu đất mầu mỡ nhất giữa lưu vực sông Đồng Nai. Nhờ đất đai đầy phù sa mầu mỡ nên việc khai thác cũng rất dễ dàng. Lại thêm có ưu thế giao thông đường thủy rất thuận tiện, nên chẳng bao lâu sau đó Cù Lao Phố đã nổi tiếng khắp miền Nam. Tại đây, tướng Trần Thượng Xuyên đã tập trung nhiều người Minh Hương ở vùng cù lao Phố, cùng nhau khai khẩn đất hoang để làm ruộng và lập nên phố phường buôn bán rất sầm uất. Dần dần thu hút được rất nhiều lưu dân Việt Nam đến sinh cơ lập nghiệp, nên chỉ không đầy một thập niên sau đó, cù lao Phố đã trở thành một trung tâm đô hội rất phồn thịnh. Khoảng những năm 1689, 1690, phó tướng của Dương Ngạn Địch là Hoàng Tiến nổi lên giết chủ tướng rồi kéo về vùng Rạch Than cho xây dựng đồn lũy để chống lại với quân xứ Đàng Trong. Đồng thời vua Nặc Thu bên Cao Miên cũng phá bỏ lệ triều cống hàng năm, và thường mang quân sang đánh phá vùng Gia Định. Chúa Nguyễn Phúc Trăn bèn sai Mai vạn Long, Nguyễn Hữu Hào và Trần Thượng Xuyên cất quân đi đánh dẹp. Trần Thượng Xuyên đến nơi chiêu dụ được rất nhiều quân Long Môn, và được chúa Nguyễn Phúc Trăn giao cho ông và con là Trần Đại Định tiếp tục cai quản quân Long Môn để tiến quân dẹp loạn Nặc Thu. Năm 1690, quân của tướng Trần Thượng Xuyên đã đuổi Nặc Thu chạy về Nam Vang. Từ đó, Nặc Thu lại xin tiếp tục triều cống như xưa. Mùa thu năm Kỷ Mão 1699, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Nặc Thu lại làm phản, không chịu triều cống và thường mang quân sang quấy phá vùng Nông Nại. Chúc Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh phối hợp với 7 đội binh thuyền của Quảng Nam và quân Long Môn của Trần Thượng Xuyên sang đánh Cao Miên. Năm 1700, tướng Trần Thượng Xuyên đánh dẹp xong quân Cao Miên , Nặc Thu và Nặc Nộn xin đầu hàng. Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân vào Nam Vang cho Nặc Thu tiếp tục làm vua nước Cao Miên. Năm 1705, Nặc Thu nhường ngôi cho con là Nặc Thâm, nhưng Nặc Thâm vì sợ Nặc Yêm và Nặc Nộn làm phản nên đã dựa vào thế lực của quân Xiêm La để đánh nhau với Nặc Yêm. Nặc Yêm bỏ chạy sang Gia Định cầu cứu với chúa Nguyễn. Chúa sai Nguyễn cửu Vân sang đánh quân Xiêm và đưa Nặc Yêm về Nam Vang lên ngôi vua. Nặc Thâm bỏ chạy sang Xiêm, đến năm 1711 lại đưa quân Xiêm La trở về đánh chiếm Nam Vang. Sau khi nhận được thư cầu viện của Nặc Yêm, năm 1714, chúa Nguyễn cử Trần Thượng Xuyên cùng với Phó tướng Nguyễn Cửu Phú đem quân sang vây đánh Nặc Ông Thâm tại thành La Bích. Trần Thượng Xuyên chẳng những có công rất lớn trong việc khai khẩn đất đai ở miền Nam, mà ông còn lập được nhiều công lớn trong việc bình định nước Chân Lạp. Ông đã nhiều lần vào sanh ra tử và đã đem lại ổn định cho cả miền Nam lẫn Chân Lạp. Ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách nên được chúa Nguyễn phong chức Đô Đốc Thắng Tài Hầu, và được bổ nhiệm vào chức Trấn thủ Phiên Trấn cho đến khi ông qua đời vào năm 1720(6). Ông được an táng tại vùng Phước Bình, Tân Uyên, thuộc phủ Phước Long, ngày nay nằm trong địa phận tỉnh Biên Hòa. Khi mất, Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn ban đặc ân là ‘Nguyên Vị Vương Trần Vi Tướng, Đại Đại Công Thần Bất Tuyệt,’ và sắc phong ‘Phụ Quốc Đô Đốc Trần Phù Quân Thượng Đẳng Thần,’ đồng thời cho lập đền thờ ông tại vùng Biên Hòa. Không riêng gì con dân vùng Biên Hòa, mà tất cả con dân miền Nam đều phải nghiêng mình nhớ đến ân đức của tướng Trần Thượng Xuyên, một trong những bậc tiền bối, khai quốc công thần đã có công nối liền miền Nam thành một dãy sơn hà gấm vóc cho tổ quốc Việt Nam. Chính vì vậy mà không riêng gì tại Biên Hòa, mà tại các vùng Gia Định và Vĩnh Long đều có đền thờ tướng Trần Thượng Xuyên. Riêng tại Biên Hòa, ngôi đền thờ của ông vẫn hằng ngày khói hương nghi ngút tại đình làng Tân Lân(7). Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng 10 âm lịch thì khách thập phương đổ xô nhau đến đình Tân Lân để dự lễ vía đức ông ‘Trần Thượng Xuyên’ rất linh đình.


***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét