Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Về Miền Tây - Bài 13


Về phía Bắc Cần Thơ là một dãy đất rất phì nhiêu với cả một vùng bạt ngàn xanh mướt với đồng lúa, xen lẫn vùng bảy núi huyền bí và vùng Đồng Tháp Mười với nhiều triển vọng phát triển về nông nghiệp trong tương lai. Theo các nhà khảo cổ học Việt và Pháp thì vùng này trước đây là trung tâm văn minh Óc Eo của vương quốc Phù Nam thời xa xưa. Từ khoảng những năm 1931 đến 1936, các nhà khảo cổ học đã khám phá ra gần 30 đường nước phát khởi từ Angkor Borei chảy về Châu Đốc rồi qua vùng núi Sam, Tri Tôn, Ba Thê, sau đó có nhiều nhánh chảy ra Rạch Giá hợp thành một hệ thống dẫn thủy quan trọng cho cả vùng. Những khám phá này cho chúng ta thấy một thời vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, và Đồng Tháp đã từng là trung tâm văn hóa Óc Eo. Vào thời Nguyễn Ánh và Tây Sơn thì vùng An Giang là đất Tầm Phong Long của Miên. Năm 1757, vua Miên là Nặc Tôn dâng đất này cho các chúa Nguyễn để làm đạo Châu Đốc, trực thuộc dinh Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long bây giờ). Lúc bấy giờ chúa Nguyễn cho Trương Phúc Du và Nguyễn Cư Trinh đem dinh Long Hồ về xứ Tầm Bào (nay là tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Long) đặt ra ba đạo là Đông Khẩu (Sa Đéc), Tân Châu (Tiền Giang) và Châu Đốc (Hậu Giang). Đến đời Minh Mạng thứ 13, nhà vua cho tách huyện Vĩnh An của tỉnh Vĩnh Long để nhập vào Châu Đốc đạo làm tỉnh An Giang. Lúc bấy giờ tổng đốc Hà Tiên thống lãnh hai tỉnh Hà Tiên và An Giang, trong khi tổng đốc Vĩnh Long thống lãnh hai tỉnh Vĩnh Long và Định Tường. Về vị trí An Giang thời đó, Bắc giáp Cao Miên, Đông giáp Vĩnh Long và Định Tường, Tây giáp Kiên Giang (Rạch Giá). An Giang thời Minh Mạng có 3 phủ là Tuy Biên, Tân Thành và Ba Xuyên. Phủ Tuy Biên gồm các huyện Tây Xuyên, huyện Phong Phú, huyện huyện Hà Dương, huyện Hà Âm; phủ Tân Thành (bây giờ là Sa Đéc), gồm các huyện Vĩnh An, huyện An Xuyên, huyện Đông Xuyên; phủ Ba Xuyên gồm các huyện Phong Nhiêu, huyện Vĩnh Định. Như vậy, thời Minh Mạng, tỉnh An Giang bao gồm các vùng bây giờ là An Giang, Châu Đốc, Cần Thơ, và Sóc Trăng. An Giang có núi, nhưng không lớn và không cao như vùng Trường Sơn của miền Trung, tuy nhiên, những núi này cũng tô thắm và nổi bậc giữa một vùng đồng bằng bao la lại có một vùng núi non hùng vĩ. Đây là những núi Ba Thê, núi Thụy Sơn, núi Trà Chiếu, núi Trà Nghinh, núi Tượng, núi Tô Sơn, núi Cấm, núi Ốc Nhẫm, núi Nam Vi, núi Tà Biệt, núi Nhân Hòa, núi Đài Tốn, núi Thị Vi, núi Ba Xôi, núi Ca Âm, núi Nam Sư, núi Khe Săn, núi Ngất Sum, núi Chân Sum, núi Thâm Đăng, núi Đại Ba Đê, núi Tiểu Ba Đê... Ngày nay, ngoại trừ núi Ba Thê bây giờ còn thuộc tỉnh An Giang, còn lại những núi khác nắm trong vùng “Thất Sơn” thuộc tỉnh Châu Đốc. An Giang trong Nam Kỳ Lục Tỉnh, nằm dọc hai bên bờ sông Tiền Giang và Hậu Giang (vì ngày đó Sa Đéc cũng thuộc An Giang). An Giang trong Nam Kỳ Lục Tỉnh có sông Tiền Giang, sông Tân Giang, sông Tân Châu, sông Lễ Công, sông Tú Điền, sông Hội An, sông Mỹ An, sông Tân Đông, sông Long Phượng, và sông Sa Đéc. Dân chúng tại vùng này gồm đa số là người Kinh, kế đến là người Chà Châu Giang (Chàm), và người Miên. Tập quán cư trú tại vùng này vẫn còn lưu lại những nét nhà sàn bằng gỗ, vì đây là vùng thường hay bị lũ vào những tháng nước sông Cửu Long dâng cao. Tại Sa Đéc, có vùng Hồi Oa Nước Xoáy. Ở đây dòng nước chảy vòng thành xoáy do nước hai sông Tiền Giang và Hậu Giang giao hội với nhau. Ngoài ra, vùng Sa Đéc còn có sông Nha Mân, chảy từ bờ Nam sông Tiền, từ các đồng ruộng và đổ ra sông Hậu Giang. Sông An Thuận, chảy từ phía Đông ngã ba Cái Ngang (Vĩnh Long), qua ngã Bắc đến sông Long Hồ, rồi chảy về ngã Đông qua rạch Phú An, và ngã Tây chảy đến Trà Ôn (thuộc tỉnh Vĩnh Long). Thuở ấy sông Hậu Giang chảy vào địa phận tỉnh An Giang, bắt đầu từ chỗ phân nhánh Tiền giang và Hậu giang, rồi chảy ra đến tận biển. Phía Tây sông Hậu giang có các rạch Bàn Tăng, rạch Ô Môn, rạch Trà Nóc, rạch Bình Thủy, rạch Cái Khế; phía Đông qua các rạch Dừa Nước, rạch Quít, rạch Mít, rạch Song Đôi, rạch Dầu, rạch Trâm, rạch Bồn, rạch Trưng, rạch Sách, sông Trà Ôn, sông Tân Dinh, sông Sâm Đăng (những sông này nằm trong địa phận tỉnh Vĩnh Long). Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ họ chia tỉnh An Giang ra làm bốn tỉnh là Sóc Trăng, Cần Thơ, Long Xuyên và Châu Đốc.


Tỉnh Long Xuyên dưới thời Pháp thuộc phía Bắc giáp Châu Đốc, Nam giáp Cần Thơ, Tây giáp Rạch Giá và Đông giáp Sa Đéc. Tổng diện tích khoảng 120.432 mẫu Tây. Ngoại trừ hai ngọn núi Sập (86 mét) và núi Ba Thê (210 mét), còn lại toàn tỉnh Long Xuyên là một dãy đất thấp, nên mỗi năm đến mùa nước lũ, Long Xuyên thường bị ngập lụt như một biển nước mênh mông. Cũng như các vùng khác trong đồng bằng sông Cửu Long, Long Xuyên chằng chịt với một hệ thống kinh rạch và sông ngòi khắp nơi, nên vận chuyển giao thông bằng đường thủy là chính yếu. Dưới thời Pháp thuộc, Long Xuyên có bến tàu đi Nam Vang và Rạch Giá, mỗi tuần đều có 4 chuyến đi và về từ Nam Vang. Bên cạnh đó, Long Xuyên cũng có hệ thống đường bộ nối liền Long Xuyên với Cần Thơ, Sài Gòn, Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long, Rạch Giá, và Tri Tôn (nay thuộc Châu Đốc). Năm 1899, Pháp cho xây chiếc cầu thớt dựng, nối ngang con kinh ăn vào rạch Long Xuyên, khi có tàu qua lại thì dựng cầu lên, bình thường thì hạ cầu xuống cho lưu thông qua lại, dân chúng gọi đó là “Cầu Máy”. Tỉnh An Giang dưới thời Minh Mạng chỉ có những chợ sau đây: chợ Thái An Đông ở gần sông Ô Môn, chợ Tân An ở gần sông Bình Thủy, chợ Cần Thơ ở gần sông Cần Thơ, chợ Vĩnh Phúc hay chợ Sa Đéc. Các chợ Tân Phú Đông, chợ Tân Thuận, chợ Mỹ An thuộc huyện Vĩnh An. Chợ Nha Mân, chợ Hòa Mỹ, chợ Long Hậu, Tú Điền và Bình Thành Đông. Tỉnh An Giang đã sản sinh ra những nhân vật từng theo phò tá Nguyễn Ánh giành giựt giang sơn với nhà Tây Sơn như Nguyễn văn Nhân, quê ở huyện Vĩnh An, Tống Phước Thiêm, từ Tống Sơn qua ngụ tại An Giang, Nguyễn văn Nhàn người huyện Vĩnh An, Hoàng Phúc Bảo người huyện Tân Thành (Sa Đéc), Nguyễn văn Trọng người huyện An Xuyên, Đoàn văn Trường người huyện Đông Xuyên, Nguyễn văn Định người huyện An Xuyên, Nguyễn văn Tuyên người huyện Vĩnh An, Nguyễn công Yến người huyện An Xuyên. Về thổ sản, thời Minh Mạng, An Giang gồm có lúa, các loại đậu, các loại dưa, và hoa quả. Về lâm sản, An Giang không có rừng lớn, nhưng có rừng tràm, nên ngoài cây tràm, dùng để làm cừ đóng nọc, An Giang còn có cây mù u, giáng hương, cây sao, cây dừa và nhưng cây tạp khác. An Giang cũng còn có các vùng chuyên nghề nuôi tằm dệt vải lụa. An Giang còn có những sản phậm khác như hạt sen và tôm khô. Vì An Giang là một vùng bạt ngàn sông nước, ruộng đông, nên An Giang có rất nhiều loại cá đồng như các rô, cá đối, cá phèn, cá lưỡi trâu...Thời Pháp thuộc, sau khi chiếm toàn bộ Nam Kỳ Lục Tỉnh họ chia An Giang làm những tỉnh lớn như Cần Thơ, Châu Đốc, Rạch Giá và An Giang, còn những phần đất khác thì cho sáp nhập vào các tỉnh khác.
Thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa thì tỉnh An Giang có 4 quận: Quận Châu Thành, quận Chợ Mới, quận Thốt Nốt và quận Huệ Đức. Riêng vùng Núi Sập thì được nâng lên hàng thị trấn. Tại vùng núi Sập, nay thuộc quận Thoại Sơn, cách Long Xuyên khoảng 30 cây số có thành Óc Eo cũ, nay đã bị chìm sâu dưới lòng đất, được phát hiện khi dân chúng đào kinh Xáng Ba Thê. Đa số đất đai của tỉnh An Giang là những cánh đồng bao la bát ngát, tuy nhiên, riêng quận Huệ Đức có đến sáu (06) ngọn núi là những núi Sập, núi Chóc, núi Ba Thê, núi Cậu, núi Bà và núi Tượng. Tuy những núi này không lớn nhưng cũng đủ biến toàn vùng đồng ruộng này trở nên thâm u huyền bí hơn các vùng lân cận. Vào thời đệ nhất Cộng Hòa, chánh quyền trung ương có tài trợ xây dựng con lộ chạy vào núi Ba Thê. Tại Ba Thê hiện còn có một cộng đồng người Khmer rất đông nên ngoài lễ Tết Nguyên Đán vào đầu năm âm lịch, họ còn ăn Tết Miên vào khoảng tháng ba âm lịch. Họ thường chuẩn bị Lễ Tết trước đó hàng tháng và lễ Tết của họ thường kéo dài đến hơn nửa tháng mới dứt. Tại núi Sập, hiện còn đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu, hàng năm đến ngày cúng đình ở núi Sập vào tháng ba âm lịch, dân chúng các nơi trong tỉnh thường đổ xô về đây che sạp trước đình để chiêm bái và ăn chơi còn vui hơn cả ngày Tết nữa là khác. Nói đến An Giang mà không nói đến ngày Khai Đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ vào ngày mười tháng tám âm lịch là một thiếu sót lớn vì đa số dân vùng An Giang đều theo đạo Hòa Hảo. Họ tổ chức ngày Khai Đạo của Đức Thầy thật lớn vì chẳng những dân chúng trong tỉnh An Giang đổ về dự lễ mà tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở khắp các tỉnh miền Nam đều đổ xô về dự lễ. Bên kia bờ sông Hậu là vùng Chợ Mới cũng thuộc địa phận tỉnh An Giang. Nổi tiếng nhất của quận Chợ Mới phải nói là cù lao Ông Chưởng (được bao bọc xung quanh bởi rạch Ông Chưởng). Phải nói cù lao Ông Chưởng là một niềm hãnh diện cho dân chúng trong tỉnh An Giang, vì đây là một vùng sông nước bao la với cá mắm đầy sông, rau cỏ đầy đồng, lúa trải đầy ruộng. Chính vì vậy mà có câu ca dao :
“Chiều chiều quạ nói với diều, Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.”
Bên cạnh đó, người dân cù lao Ông Chưởng đa phần theo Phật Giáo Hòa Hảo nên tính tình họ rất thuần lương, chân chất, mộc mạc và hiếu khách.
Nói về giáo dục, thì hầu như trước năm 1975 ở miền Nam tỉnh nào cũng có một trường trung học lớn như ở Sài Gòn thì có Pétrus Ký, ở Mỹ Tho thì có trường Nguyễn Đình Chiểu, ở Cần Thơ có trường Phan Thanh Giản, ở Vĩnh Long có trường Tống Phước Hiệp... thì ở An Giang có trường Thoại Ngọc Hầu. Trường được thành lập năm 1948, do cố Phó Tổng Thống VNCH Nguyễn ngọc Thơ (quê của ông cũng tại An Giang) khởi xướng và vận động. Cũng như các vùng lân cận khác, trước thời đó sau bậc tiểu học học sinh An Giang phải xuống Cần Thơ để tiếp tục bậc trung học. Chính vì vậy mà lúc đó ông Nguyễn Ngọc Thơ (đang là tỉnh trưởng Long Xuyên) đã vận động thành lập trường. Trường được khai giảng khóa đầu tiên 1948-1949. Sau đó vào thời đệ nhị Cộng Hòa, năm 1968, trường Chưởng Binh Lễ được thành lập vì nhu cầu học sinh trong tỉnh đòi hỏi.
Thành phố Long Xuyên là một trong những thành phố lớn của miền Tây, chỉ thua có Cần Thơ. Long Xuyên có nhà thờ chánh tòa và tòa tổng giám mục. Từ Long Xuyên muốn về Sài Gòn có hai ngã, một ngả qua Bắc Vàm Cống đi Sa Đéc, rồi qua cầu Mỹ Thuận, ngã này ngắn hơn với khoảng cách chừng 190 cây số. Ngã thứ hai là đi về Thốt Nốt, qua Ô Môn rồi đến Bắc Hậu Giang, hướng về Vĩnh Long, rồi cũng qua cầu Mỹ Thuận để đi Sài Gòn, ngã này xa hơn với cự ly là 228 cây số. Ra khỏi thành phố Long Xuyên, đi về phía Tây Bắc là cầu Hoàng Diệu, nối liền Long Xuyên với thị xã Châu Đốc. Vùng Long Xuyên còn nổi tiếng với các “Chợ Nổi” dọc theo bờ sông Hậu. Đi chợ nổi phải cần có xuồng hay ghe, tuy nhiên, hàng hóa ở chợ nổi rất rẽ vì người bán không cần phí tổn cho mặt bằng. Các ghe trên chợ nổi cũng không cần trương bảng hiệu mà họ chỉ cần treo trên một cây tre những hàng hóa mà học đang bán. Chợ Long Xuyên nằm cạnh bến đò đi khắp các vùng miền Tây, vì như các tỉnh khác ở miền Nam, Long Xuyên chằng chịt những sông rạch nên phương tiện giao thông thuận tiện nhất vẫn là đường thủy. Ngoài ra, tại thành phố Long Xuyên hãy còn những chiếc “xe lôi” rất thuậtiện cho việc chuyên chở hàng hóa và hành khách đi lại trong thành phố. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Long Xuyên của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp:



***

Để tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Quí Vị mở Link bên dưới:

***



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét