Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Sinh Nhật



       SINH NHẬT !

Sinh nhật người Tây họ đặt mà
Phải đâu tập quán của ông cha
Rằng hay sao thuở nào không dạy?
Nếu dỡ thì ai lại hát ca ?
Đầy túi ăn mừng khui rượu tiệc
Khô nồi chạy vạy lấy chi quà?
Nên thường bắt chước cho xôm tụ
Chúc tụng lời hay để gọi là…!
                         Cao Linh Tử
                            4/3/2017
Các Bài Thơ Hoạ

     Vui Chút Thôi

Đông –Tây khác chút,bác sao mà…
Tạo dịp mua vui khó vậy cha ?
Đây tớ xa quê đang muốn trối
Đó huynh bám trụ chắc ưa ca?
Nói vui vậy đấy-bằng lòng chứ?
Bỡn tí được không-lỗi bỏ qua?(*)
Đâu phải trên mây sinh lễ nghĩa
Cao Linh Tử,bạn đúng không là… ?
                               Thái Huy,
    (Xin Thất Vận một chữ)
***
            Ngày Sinh !

Hồ sơ lý lịch vẫn khai mà,
Tháng đẻ ngày sinh lẫn mẹ cha.
Tập tục xưa nay giàu lễ nghĩa,
Nhạc vàng chiếu lệ phú đờn ca.
Rượu mừng chúc tụng tùy bằng hữu,
Đãi tiệc tương thân tiện tặng quà...
Mặc khách tao nhân nay có dịp,
Làm thơ mừng tuổi chẳng lơ là !
                   Mai Xuân Thanh
***
         Cõi Thế Có Ta

Tự mình quyết định được đâu mà
Cõi thế có ta do mẹ cha
Sinh nhật khắc ghi ngày hiện hữu
Cuộc đời chẳng khác món ân quà
Mỗi lần kỷ niệm mừng năm tuổi
Một dịp vui vầy rộn tiếng ca
Dấu vết thời gian như biến mất
Tâm hồn phơi phới cứ như là....
                          Phương Hà
***
        Sinh Nhật

Cúng căn lúc nhỏ nhớ đi mà
Lễ lục bát..tuần kính mẹ cha
Con cháu họ hàng mừng tuổi thọ
Anh em bạn hữu xúm đàn ca
Tiệc tùng chủ yếu cầu vui khoẻ
Nào phải kinh doanh để nhận quà
Tây với Ta dù hơi khác biệt
Nhưng thêm sinh nhật có chi là...
                            Quên Đi
***
       Mừng Sinh Nhật

Chúc mừng sinh nhật cũng vui mà
Dẫu biết tuổi đời đáng chú cha
Thân thiết bạn bè chung tiếng hát

Yêu thương con cháu họp lời ca
Nhâm nhi tí rượu xem như tiệc
Xướng họa dăm câu tạm thế quà
Trân quý những gì còn có thể
Nhỡ mai xa cách chẳng quên là

                       Kim Phượng

***

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Đất Phương Nam I - Phần 2 Cộng Đồng Những Cư Dân Bản Địa Trên Đất Nam Kỳ Xưa

Cộng Đồng Người Mạ Ở Miền Đông Nam Kỳ:




Người Mạ là một trong những bộ tộc bản địa lớn ở miền nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Phần với tổng số khoảng trên 25.000 người(14). Tuy ở miền đông Nam Phần có những nhóm cư dân bản địa với dân số rất ít, nhưng họ là những cộng đồng có chung một tên gọi, ngôn ngữ, văn hóa, và ý thức chung về bộ tộc của mình. Hiện nay người Mạ Krung ở miền Đông Nam Phần sống dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai và vùng Định Quán. Người Mạ có tầm vóc không cao, màu da ngăm đen, tóc thẳng, mũi không cao, thuộc nhân chủng Nam Á. Đặc điểm của người Mạ là rất hiền lành và hiếu khách gần giống như những người Việt thuở còn đi khẩn hoang vậy. Sau khi vương quốc Phù Nam thành hình vào thế kỷ thứ nhất sau tây lịch, những người Mạ trong vùng trực thuộc vương quốc Phù Nam bỏ chạy về vùng cao nguyên phía đông bắc để thành lập tiểu quốc “Che Mạ”. Về sau, vương quốc Phù Nam tiếp tục lấn lướt họ nên họ đã rút sâu lên miền Tây Nguyên, nhưng vẫn giữ nguyên trạng nếp sống của tổ tiên mình và trở thành bộ tộc Mạ mà chúng ta biết đến ngày nay. Sau đó vài thế kỷ, cũng như người Châu Ro, người Mạ di chuyển từ cao nguyên Bảo Lộc xuống các vùng bên phía đông nam lưu vực sông Đồng Nai và tiếp xúc với người Khmer và người Chăm(15) để thành hình hai nhóm bộ tộc có tên là “Mạ Krung” và “Châu Ro”. Chính vì vậy mà ngày nay chúng ta vẫn thấy sự gần gũi giữa người Mạ và người Châu Ro về các mặt văn hóa, ngôn ngữ, sinh hoạt xã hội, vân vân. Ngày nay người Mạ cư trú trong một địa bàn khá rộng trên lưu vực sông Đồng Nai, từ cao nguyên Nam Trung Phần đến miền Đông Nam Phần(16). Đối với người Mạ, việc khai khẩn đất mới là cần thiết trong việc trồng lúa, vì họ cho rằng lúa chỉ tốt có một mùa sau khi khai khẩn, đến mùa thứ nhì thì đất ấy đã bị xem như cằn cỗi và chỉ được dùng để trồng các thứ hoa màu phụ như bắp, khoai, bầu, bí, dưa, vân vân. Tuy nhiên, người Mạ rất kỵ việc khai phá những khu rừng nguyên sinh vì họ coi những khu rừng nầy là thiêng liêng, và họ cho rằng nếu ai làm việc nầy sẽ mắc tội rất nặng với ông trời. Về nông nghiệp, ngoài việc trồng lúa và bắp ra, người Mạ còn trồng đủ thứ hoa màu phụ như các loại đậu, bầu bí, và các loại rau củ trên những bãi đất bồi ven theo bờ sông gần nơi họ cư trú. Bên cạnh đó, trong vườn nhà người Mạ còn trồng đủ thứ cây trái khác như cây mít, đu đủ, mía, bông vải, thuốc lá, vân vân, để cung cấp cho nhu cầu hằng ngày của gia đình. Riêng người Mạ cư trú ở miền Đông Nam Phần thì được gọi là Mạ Krung. Ngoài ra, còn có một số sống trên vùng Phước Long. Đặc điểm của người Mạ Krung ở miền Đông Nam Phần là họ vẫn còn giữ lấy truyền thống làm thuyền độc mộc để di chuyển trên các sông suối(17), hoặc để bắt cá tôm. Người Mạ còn dùng thuyền độc mộc để hái rau và bắt các loại cua, sò, ốc, hến và hái rau ven bờ sông. Người Mạ vẫn còn dùng lao và tên ná để săn bắt thú rừng và xem đây là một trong những sinh hoạt chính trong việc cung cấp thực phẩm hằng ngày cho gia đình. Bên cạnh những sinh hoạt săn bắt thú rừng và tôm cá ra, người Mạ còn chăn nuôi trâu bò và gia súc như heo, gà, vịt, dê, vân vân. Thường thì người Mạ chỉ nuôi trâu bò để dùng vào việc tế lễ thần linh mà thôi. Thỉnh thoảng lại có một vài gia đình người Mạ còn nuôi cả ngựa và voi để dùng vào việc vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó phải kể đến kỹ xảo về thủ công nghệ và việc dệt vải của người Mạ. Mà thật vậy, người Mạ rất khéo tay trong việc đan giỏ và dệt vải. Vào thế kỷ trước, người Mạ thường sống trong những ngôi làng kế cận nhau với những căn nhà dài truyền thống. Dân chúng trong làng thường có liên hệ huyết thống với nhau hoặc là những gia đình đã liên minh với nhau từ bao đời nay với mục đích bảo tồn nòi giống. Đối với người Mạ, ông chủ làng kiêm chủ rừng là người rất quan trọng vì họ luôn tuân thủ quyết định của người nầy. Bên cạnh đó, chủ làng còn chỉ định một người lo về việc sử dụng rừng núi và một người khác chuyên lo việc khuyến nông đối với dân làng. Cũng như các bộ tộc khác, dĩ nhiên là có sự cách biệt giữa giàu và nghèo, nhưng tuyệt nhiên không có sự bóc lột, mà người trong bộ tộc chỉ làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Thường thì mỗi gia đình đều có lẫm lúa riêng, nhưng những lúc thiếu hụt gia đình nầy có thể đến những nhà dư giã để lấy lúa gạo khi cần mà không bị coi như là vay hay mượn; tuy nhiên, tập tục nầy hầu như không còn thấy nữa. Người Mạ theo truyền thống phụ hệ và nhiều thế hệ thường sống chung trong một nhà dài, nhưng ngày nay truyền thống ấy cũng ít thấy, mà đa số chỉ là những gia đình nhỏ giữa vợ chồng và con cái mà thôi. Về tín ngưỡng, niềm tin của người Mạ có liên hệ trực tiếp với nghề nông, mỗi khi đốt rừng bụi để canh tác, họ thường làm lễ dâng lên ‘Thần Lửa’; và vào lúc gieo mạ họ thường làm lễ tạ ơn ‘Mẹ Lúa’. Những huyền thoại về tín ngưỡng của người Mạ luôn gắn liền với đất, sông, núi, rừng, vân vân. Đặc biệt nhất là trong các nghi lễ của người Mạ họ đều đánh còng chiêng và thổi kèn trúc. Ngày nay ở một số nơi người ta vẫn còn thấy người Mạ làm trâu để tế lễ thần linh. Thường thì trong cộng đồng người Mạ không có sự phân biệt giữa Mạ cao nguyên hay Mạ Krung, nhưng chỉ khi có ai hỏi thì họ mới nói rõ mình thuộc hệ người Mạ nào mà thôi. Như trên đã nói, từ xa xưa tổ tiên người Mạ đã sinh sống dọc theo bờ sông Đồng Nai và khai phá những khu đồi thấp ở Định Quán. Mặc dầu vẫn tiếp tục đời sống săn bắt và hái lượm như tổ tiên, nhưng đồng thời họ cũng biến những vùng gần hồ Trị An, phía tây nam của Định Quán, thành những khu đồng ruộng lớn để canh tác lúa vào mùa mưa và làm rẫy vào mùa khô. Sau khi những lưu dân người Việt đầu tiên đến đây, người Mạ đã rút sâu vào những vùng đồi thấp phía bắc Định Quán, nhưng đến khi chánh phủ Ngô Đình Diệm quyết định đưa người Nùng ở những vùng cao Bắc Phần đến định cư trong vùng Định Quán, thì người Mạ lại phải rút sâu vào rừng núi phía nam Lâm Đồng, thuộc cao nguyên Nam Trung Phần. Chính vì phải ngày càng rút sâu vào rừng mà mức sống của người Mạ rất thấp so với người Châu Ro và người Stiêng, là những người có may mắn được sống gần các trục lộ giao thông lớn ở miền Đông. Hiện có khoảng trên 3.000 người Mạ Krung sống tập trung tại các xã Phú Hiệp, Phú Bình, và Tà Lai, thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai bây giờ. Số người Mạ còn lại đều sống rải rác trong vùng phía nam cao nguyên Trung Phần. 



Người Mạ săn bắn bằng ná trong vùng Định Quán. 



Cộng Đồng Người Châu Ro Ở Miền Đông Nam Kỳ: Đúng tên là Chrau-Jro(18). Theo thống kê của chánh phủ VNCH năm 1958 về người Châu Ro tại các vùng quanh Biên Hòa gồm khoảng trên 15.000 người. Không có tài liệu lịch sử chính xác về sự di chuyển địa bàn cư trú của người Châu Ro trong địa bàn phía nam Tây Nguyên và phía bắc miền Đông Nam Phần; tuy nhiên, theo thiển ý có lẽ tổ tiên của người Châu Ro đã cư trú trong vùng đông Nam Bộ trước thời Phù Nam, khi người Phù Nam lập quốc thì người Châu Ro phải rút sâu lên phía nam Tây Nguyên. Sau khi Phù Nam bị tiêu diệt thì người Châu Ro lại di chuyển trở xuống vùng đất mà ngày trước tổ tiên họ đã từng cư trú, đó là vùng Bà Rịa, Long Khánh và Đồng Nai. Như trên đã nói, người Mạ và người Châu Ro là những bộ tộc cư dân bản địa ở trong khu vực hái lượm từ phía đông sông Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Có người cho rằng người Châu Ro là một phần của cộng đồng người Mạ chịu ảnh hưởng văn hóa Champa và Raglai. Nhưng trên thực tế, người Châu Ro có những đặc điểm gần gũi với người Stiêng hơn về các mặt tiếng nói(19), cấu trúc xã hội, nhất là cấu trúc dòng họ thường hướng về người mẹ. Khoảng vài thế trước đây, người Châu Ro tính dòng họ theo phía mẹ, nhưng hiện nay họ lại chuyển dần theo họ cha, có lẽ ảnh hưởng từ sự tiếp xúc và gần gũi hơn với người Kinh(20). Thường thì mỗi dòng họ hùng cứ một khu vực riêng, nên hễ nói đến họ nào là người Châu Ro biết ngay người đó ở đâu. Cũng như người Việt, người Châu Ro không kết hôn với những người có họ hàng gần với mình, nhưng có lẽ người Châu Ro còn khe khắc hơn ở chỗ chỉ được lấy người ngoài hoặc nếu là bà con thì phải cách 5 đời. 



Người Châu Ro ở Phước Long ngày nay 





Về quyền sở hữu đất đai canh tác, cũng giống như người Stiêng, ranh giới giữa các làng người Châu Ro được phân định bởi con sông, con suối, hay cánh rừng, vân vân, người của làng nầy không có quyền đến làng khác để canh tác. Tuy nhiên, người Châu Ro khác người Stiêng ở chỗ vì đất rộng nên mọi người trong làng đều có thể tự mình khai thác và canh tác chứ không cần đến người chủ làng phân chia. Và về việc sang nhượng thì người Châu Ro lại có quyền bán những đất mình đang canh tác cho người khác(21).
Người Châu Ro có thể có quyền sở hữu cá thể trên ruộng trồng lúa, nhưng những đám rẫy vẫn là tài sản của chung. Đối với những thanh niên trai tráng trong làng, họ có thể tự do phát rẫy gần nơi mình ở để làm rẫy mà không cần phải xin phép chủ làng. Thường thì vùng người Châu Ro cư trú là vùng đất xám, có màu trắng bạc nên cằn cỗi hơn vùng đất đỏ, chính vì vậy mà sau khi phát rẫy chừng hai ba năm là họ phải đi tìm một miếng đất khác để làm đất luân canh. Thường thì hai năm đầu họ trồng lúa ở giữa trung tâm đám ruộng; kế đó là họ trồng bầu, bí, dưa, củ sắn, và đủ các loại đậu; và phía ngoài cùng thì họ trồng những dây leo làm như hàng rào, nhưng đây là những dây leo có thể ăn hay làm thuốc được. Chu kỳ canh tác được bắt đầu bằng nghi thức cầu khẩn ‘Thần Lúa’ vào khoảng tháng 3 âm lịch; từ tháng tư đến tháng sáu âm lịch thì họ trồng bắp; từ tháng tư đến tháng mười là trồng lúa. Những nông cụ hay vật dụng làm ruộng rẫy của người Châu Ro thường là dao, búa, cây đào đất, cuốc, lưỡi hái, và những lưỡi cày rất thô sơ. Đến thời đệ nhất Cộng Hòa, chánh quyền khuyến khích định canh(22).
Ngày nay người Châu Ro thường sống từng gia đình nhỏ chứ không còn sống tập trung trong một nhà dài lớn như trước đây nữa, nên từng gia đình có thể sở hữu vườn rừng, vườn nhà, cũng như những nông cụ hay vật dụng trong gia đình. Về mặt tín ngưỡng, người Châu Ro sùng bái thiên nhiên. Họ tin nơi các vị thần Sấm, thần Sét, thần Sông, thần Núi, thần Bến Nước, thần Đất, vân vân. Họ cũng tin rằng các thiện thần và ác thần chi phối trực tiếp đời sống con người, nên khi làm bất cứ chuyện gì họ cũng tìm sự trợ giúp của thần linh. Người Châu Ro xem ông ‘Tom Bri’(23) là người chủ làng, có quyền lực tối cao trong làng về mọi mặt. Tuy nhiên, trong việc xử kiện hằng ngày, ‘Tom Bri’ của người Châu Ro không phải là người có quyết định tối hậu như ‘Tom Bri’ của người Stiêng, mà mọi xử kiện đều phải dựa vào tập quán với sự chứng kiến của thầy Chang(24).
Địa bàn sinh sống của người Châu Ro kéo dài từ cao nguyên Bảo Lộc xuống các vùng đông nam của sông Đồng Nai đến tận bờ biển Bà Rịa-Vũng Tàu(25) ngày nay. Tuy nhiên, vùng đất Xuân Lộc ngày nay đã từng là một địa bàn cư trú lâu đời của người Châu Ro. Người Châu Ro thích ở những nơi bưng thấp với những đám ruộng hẹp, nhưng lại có những con suối lớn. Người Châu Ro có vóc dáng nhỏ hơn người Stiêng, đầu dài, và tóc thẳng chứ không quăn, da không đen lắm. Họ thích cư trú tại các vùng đồi núi thấp chứ không thích ở những vùng núi cao của dãy Trường Sơn. Kỹ thuật làm rẫy của người Châu Ro khá tiến bộ. Người Châu Ro cũng có tục lệ chôn người chết, mở cửa mả, và cúng cơm cho người chết đến 100 ngày giống như người Việt.
Sau đó mỗi năm cứ đến ngày 23 tháng chạp âm lịch, họ có tục thăm viếng mồ mả người chết. Theo Bộ Thông Tin của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1970, đa số người Châu Ro đều nói rất thông thạo tiếng Việt, và khó lòng có thể phân biệt được người Việt với người Châu Ro nếu cả hai cùng cư trú tại thành thị. Vấn đề khó khăn để xác định nguồn gốc bộ tộc là ở chỗ ngay những bộ tộc thiểu số nầy cũng không biết rõ mình thuộc nhóm bộ tộc nào, nên có lúc họ nói mình thuộc bộ tộc nầy mà cũng có lúc họ lại cho mình thuộc một bộ tộc khác, như trường hợp của một nhóm người Stiêng từ vùng phía tây sông Bé lại tiếp tục di chuyển đến khu vực trũng của vùng Bình Long-Phước Long ngày nay, nơi có những vùng đất bưng biền và đầm lầy, khai phá thành ruộng rẫy, mà ngày nay người ta gọi là Stiêng Bu-dek(26).
Nhóm người nầy là những người Stiêng chánh gốc, nhưng có lúc họ lại tự nhận mình là Stiêng mà cũng có lúc họ lại cho mình là người Châu Ro. Môi trường sinh hoạt của người Châu Ro ở trong vùng không cao không thấp, mà lại không có hệ thống dẫn thủy nhập điền, thêm vào đó đất lại xốp và khô, nên về canh nông chỉ thích hợp cho việc trồng lúa khô, vì thế họ hoàn toàn lệ thuộc vào nước mưa trong việc canh tác. Tuy nhiên, cũng có một vài nơi người Châu Ro cũng khai thác ruộng sâu với nhiều sình lầy. Tại các nơi đó họ thường cho trâu dẵm cho nhuyễn đất trước khi gieo mạ theo lối làm lúa nước cổ điển. Khi đi rừng thì người Châu Ro thường trang bị liềm mốc(27) và lưỡi hái(28).
Về dụng cụ canh tác, đi đâu đến đâu có người Châu Ro người ta cũng thấy người Châu Ro thường vác trên vai một cây cuốc. Mà thật vậy, có người đặt tên cho nông nghiệp của người Châu Ro là ‘nông nghiệp dùng cuốc’, vì tất cả những công việc trong canh tác đều cần đến cây cuốc như đào xới đất, chen đất gieo hạt, đào đất lấy củ, vân vân. Tuy nhiên, ở những nơi gần với cộng đồng người Kinh, người Châu Ro cũng phát triển những loại cày do người kéo, đây cũng chỉ là một dạng xới đất bằng cách ghép nhiều lưỡi cuốc vào với nhau mà thành. Về sản xuất nông phẩm, bên cạnh việc trồng lúa và bắp, củ sắn, rau quả, người Châu Ro còn trồng thêm trên rẫy của mình đủ các loại đậu làm lương thực hằng ngày. Bên cạnh việc trồng trọt, người Châu Ro cũng có chăn nuôi một ít gia súc và gia cầm, nhưng không đủ cung ứng cho thức ăn hằng ngày, nên họ còn đi săn bắn và câu cá ở những cánh rừng hay con suối lân cận. Về nhà cửa, người Châu Ro thường cư trú trong những khu rừng lá và rừng thấp nên họ dùng các loại lá buông, lá cọ, cũng như tre và mây làm nguyên liệu cất nhà và làm vách, cũng như bàn, ghế, giường, tủ và những đồ gia dụng khác trong nhà. Cuối thế kỷ thứ XIX, sau khi thực dân Pháp đã lập xong những đồn điền cao su ở vùng Đồng Nai, người Châu Ro bị dồn về núi Chứa Chan và rừng núi tỉnh Bà Rịa. Theo thống kê của chánh quyền thực dân Nam Kỳ vào năm 1912, tại vùng núi Chứa Chan có 12 xã của người Châu Ro, và tại tỉnh Bà Rịa có khoảng 21 xã. Ngoài việc canh tác lúa nước và làm rẫy, người Châu Ro còn có tay nghề thủ công rất cao về đan lát và mây tre, đa số những chiếc ghế mây đưa lên Sài Gòn bán vào thập niên 1970 đều là sản phẩm của người Châu Ro. Bên cạnh đó phải kể đến nghề làm mộc của người Châu Ro cũng đã phát triển đến trình độ cao. Ngày nay, một số người Châu Ro đã định cư hẳn ở thành thị và hòa nhập với cuộc sống của đại đa số người Kinh. 

 Cộng Đồng Người Tà Mun Ở Miền Đông Nam Kỳ:




Hiện nay ở vùng Bình Long và Tây Ninh còn một tộc người bản địa khoảng trên dưới 1.500 người, đó là tộc người Tà Mun. Tưởng cũng nên nhắc lại là tộc người bản địa Tà Mun không có tên trong danh mục của 54 dân tộc Việt Nam. Vậy thì bộ tộc Tà Mun là bộ tộc có nguồn gốc từ đâu và họ có liên hệ gì tới các bộ tộc khác? Vì người Tà Mun có nhiều đặc điểm nhân thể, xã hội và đời sống gần giống như người Stiêng ở Bình Long và người Châu Ro ở Đồng Nai nên có nhiều ý kiến cho rằng người Tà Mun là một nhóm hỗn hợp của người Stiêng và người Châu Ro sống chung đụng với nhau. Nhưng theo quyển “Những Dân Tộc Thiểu Số Ở Việt Nam”, bộ tộc người Tà Mun không có tên trong số 54 dân tộc thiểu số, mà lại được xếp trong nhóm Stiêng(26). Bên cạnh đó, theo các bô lão người Tà Mun thì ba bộ tộc Stiêng, Châu Ro và Tà Mun hoàn toàn khác biệt nhau. Theo Văn Hóa & Cư Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long(29), từ sau năm 1930, một nhóm dân tộc thiểu số duy nhất theo đạo Cao Đài và Hội thánh Tây Ninh gọi họ là Tà Mun. Có thuyết giải thích Tà Mun là địa danh, cũng có người giải thích rằng Hội thánh Tây Ninh gọi nhóm nầy là người Miên, có tục lệ thờ ‘Niết Tà’, nên gọi họ là Tà Miên, nhưng Hội thánh kỵ húy chữ Miên nên gọi trại lại là Tà Mun. Trên đây chỉ là những lối giải thích khác nhau về nguồn gốc của tộc người Tà Mun mà thôi. Riêng tại vùng cao nguyên và miền đông Nam Phần, người Stiêng sinh sống ở các vùng Bù Đăng và Bù Đốp, còn người Tà Mun sống ở vùng Sóc Năm. Về sau nầy do hoàn cảnh chiến tranh, người Tà Mun di chuyển đến làm rẫy trong vùng Ninh Thạnh, trong thị xã Tây Ninh và Suối Đá(30). Sau khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, một số người Tà Mun di chuyển về phía bắc của núi Bà Đen, thuộc hai xã Tân Bình và Thạnh Tân, thuộc thị xã Tây Ninh; một số khác đi xa hơn về phía bắc trong những khu rừng thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu. Theo các bô lão người Tà Mun thì dầu có sống cộng cư với các bộ tộc Stiêng và Châu Ro rất lâu, nhưng tộc người Tà Mun hoàn toàn khác biệt với hai bộ tộc vừa kể trên. Người Tà Mun chịu ảnh hưởng rất lớn với nền văn hóa Khmer, và ngay cái tên Tà Mun cũng được đọc trại ra từ tiếng Khmer “Khmun”, là tên gọi của một trong những vị thần bảo hộ của dân tộc Khmer. Điểm đặc sắc của văn hóa Tà Mun là những bài hát nghi lễ, hát ru và những làn điệu dân ca, mang âm hưởng Khmer như lễ cột chỉ, lễ dâng trầu cau ra mắt, vân vân. Bên cạnh đó thì phong tục cưới chồng của người Tà Mun cũng rất đặc biệt, vì nó không giống như các lễ cưới theo mẫu hệ của người thiểu số khác, mà ông mai bên nhà trai phải qua bên nhà gái dạm hỏi trước. Sau khi hai bên đã đồng ý thì nhà gái mới đứng ra tổ chức lễ rước chú rể. Ngoài ra, ngày trước người Tà Mun còn nhiều nghi lễ khác như lễ ‘cầu mưa’, lễ ‘gieo hạt’, lễ ‘cúng cơm mới’, lễ ‘bỏ mả’, và Tết cổ truyền, vân vân. Tết cổ truyền của người Tà Mun thường rơi vào cuối tháng tám đầu tháng chín, vì đây là mùa mà các giống lúa trên rẫy(31) chín tới. Sau mùa thu hoạch là mùa rước nước và lễ cúng cơm mới trong dịp Tết cổ truyền, đây cũng là dịp để người Tà Mun cúng bái thần linh đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong dịp Tết cổ truyền người Tà Mun cũng mặc đồ mới, và cùng đóng góp lúa gạo, gà vịt, heo với làng để làng tổ chức cúng cơm mới và cúng ông bà vào đêm cuối tháng tám, sau đó họ đi chúc thọ lẫn nhau, rồi cùng nhau nhảy múa và ca hát suốt đêm(32). Tuy nhiên, ngày nay do chánh sách đô thị hóa và bởi sinh kế hằng ngày mà đa số người Tà Mun phải sống hòa nhập với cộng đồng người Việt, nên họ đã bỏ đi rất nhiều những tập tục cổ truyền.


Mời xem tiếp phần 3
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới;
***



Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Điệp Lê Đãi Tiệc Chay và Đại Diện Các Bạn Thăm Thầy

Đúng 11 giờ trưa ngày 22/3/2017, nhân Ngọc Em về  Vĩnh long, Điệp Lê tổ chức bữa cơm chay đãi các Bạn. Hiên diện có các bạn Sanh, Thơ, Duyên, Khải (Hoàng), Khánh, Thu, Dũng, Ngọc Em, Khải (Dương) và Đức.

Khánh, Thu, Sanh. 


Duyên, Thơ, Dũng, Ngọc Em

Khải (Hoàng), Điệp Lê, Khánh, Thu.

Dũng, Ngọc Em, Khải Dương), Khải (Hoàng) , Thu. 


Điệp Lê, Khánh, Thu, Sanh.


Một điều thật thú vị, khi trong bàn tiệc có hai Hậu nhận dòng dõi của Tây Sơn do tôi giới thiệu để nhìn Bà Con.
Đó là Trần Ngọc Em dòng dõi của Bắc Bình Vương Quang Trung Nguyễn Huệ, và Lê Ngọc Điệp dòng dõi của Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Hiện Sử sách vẫn chưa thống nhất giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ ai là anh. Tuy nhiên đa số đồng ý Nguyễn Huệ là anh.
Theo Trần Ngọc Em, không hiểu vì lý do gì mà hậu nhân hai nhà đều cải thành họ Lê, mà không phải họ nào khác. Tất cả anh chị em của Ngọc Em cũng họ Lê, chỉ có Ngọc Em mang họ Trần của Mẹ. Cũng theo Ngọc Em, dòng dõi của Nguyên Huệ còn rất ít hiện ở Bình Định Quãng Ngãi chớ không nhiều như dòng dõi của Nguyễn Lữ ở cả Miền Nam.

Gần cuối buổi tiệc Ngọc Em có hỏi tôi về các Thầy cũ, đồng thời nhờ chúng tôi gởi tặng các Thầy chút ít gọi là. Ngay trong ngày, Điệp (Lê), Thơ, Duyên, đại diện các Bạn CHS Tống Phước Hiệp nk 62-69 trao số tiền của Trần Ngọc Em gởi tặng các Thầy,


 Thầy Lê Quan Liêm.

 Thầy Hồ Văn Thuận.

Thầy Lê Tương Ứng bệnh hơn năm nay.


Do cửa rào nhà Thầy Quí khoá lại, các bạn không thể vào trao số tiền của Ngọc Em gởi tặng (sẽ gởi sau) nên chưa có hình.

Hình ảnh: Huỳnh Hữu Đức - Lê Ngọc Điệp.

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Đẹp Giấc Mơ



        Đẹp Giấc Mơ
 
Tiếc rẻ bồi hồi đẹp giấc mơ
Bâng khuâng tiềm thức chửa phai mờ.
Căn nhà cổ kính rêu nhàn nhạt,
Thôn xóm điêu tàn mái xác xơ .
Lộp độp hạt mưa tàu lá chuối ,
Ngân nga tiếng gõ chiếc đồng hồ.
Tiếng xưa văng vẳng sau cơn mộng,
Trằn trọc tàn đêm dạ thẩn thờ !
                            Mailoc
                           02-27-17
Các Bài Thơ Hoạ

    Giấc mơ một đời

Cuộc đời tái hiện giữa cơn mơ
Thức dậy còn vương, chửa xóa mờ
Quyển sách làm quen hôm xuống phố
Cành hoa gởi tặng buổi thăm hồ
Tháng ngày chung sống, tình chan chứa
Giây phút chia lìa, tim héo xơ
Ngơ ngẩn tiếc hoài khi tỉnh giấc
Nhìn vầng trăng úa, dạ bơ thờ.
                          Phương Hà
***

Chập Chờn Trong Mộng

Ký ức quê nhà cứ mộng mơ,
Sáng trăng tâm khảm chẳng lu mờ
Ngôi nhà mái ngói rêu phong nguyệt,
Lúa thóc kho đầy gốc rạ xơ.
Mưa bão tơi bời te đọt chuối,
Đàn kêu réo rắt vọng ven hồ.
Muộn màng quả lắc đong đưa gõ
Tiềm thức chuông ngân cạnh án thờ.
                     Mai Xuân Thanh
              Ngày 27 tháng 02 năm 2017
***
       Đẹp Giấc Mơ

Thẩn thờ tiếc rẻ nửa cơn mơ
Cố níu mà sao vẫn cứ mờ
Nắng nhẹ xuyên cành em bẽn lẽn
Người xa vắng bóng lá còi xơ
Dù nhiêu tiếng nhạc trao thơ mộng
Cũng chỉ vầng trăng hiện đáy hồ
Đã hợp thì tan duyên vẫn thế
Chân thương ai trách kẻ ơ thờ !
                    Cao Linh Tử
                       1/3/2017
***
         Ác Mộng

Mồ hôi ướt đẫm bởi cơn mơ
Thấy phố chìm trong khói phủ mờ
Tiếng đạn thét gầm mang chết chóc
Dòng người xuôi ngược vẻ lơ xơ
Cụ già hớt hải đang tìm cháu
Đứa trẻ hoang mang núp dưới hồ
Cũng chính con người gieo thảm cảnh
Máu dân tuôn đổ vẫn ơ thờ.
                           Quên Đi
***
      Giấc mơ yêu

Tình em ,một thuở vẫn thầm mơ
Ký ức ngày xưa chẳng xóa mờ
Say mộng đầu đời yêu dáng ngọc
Ngất ngây áo trắng đẹp đơn sơ
Hẹn hò,tiếng trống tan trường lớp
Cùng ngắm vầng trăng rụng xuống hồ
Thời thế ghềnh đời chia lối mộng
Ta nào quên được...cứ ơ thờ !!
                            songquang

***
        Những giấc mơ

Đêm dài thoảng lúc chợt choàng mơ
Bóng cũ thân thương chẳng xóa mờ
Nọ áo nhà binh màu lá thẳm     
Đây mền chiến trận mảnh vành xơ
Hồn thiêng ẩn hiện sầu dai dẳng
Bóng tối chìm loang chạnh thẫn thờ
Tiếng súng như còn đang vẫn nổ
Nghìn con sóng cả cuộn loang hồ!
              Mai Thắng – 170301
*** 
             Mơ Gì?

Còn gì tồn đọng ở trong mơ,
Hay chỉ đôi ba chấm phết mờ?
Cảnh đã hoang tàn càng trắc ẩn
Đời thời đơn lẻ mãi hoang xơ
Qua song trăng sáng giăng đầu núi
Cuối bến sương khuya phủ mặt hồ
Tiếng hát liêu trai thương cố quận
Trơ kia miếu vắng khói nhang thờ.
                              Thái Huy,
***
          Tâm Bất Biến
Dỡ dang giấc điệp vẫn còn mơ
Bóng dáng người xưa chửa xóa mờ
Nhật nguyệt xoay dần hồn đứng đợi
Chim ngàn mãi gọi dáng lơ xơ
Cách ngăn ly xứ trời mây nước
Hội ngộ cố nhân chốn Biển Hồ
Phố Núi Đồng Bằng tâm bất biến
Muôn đời vạn thuở đẹp tình thơ
                            Kim Oanh
***
       Tàn Ước Mơ
Bận lòng chi nữa chỉ là mơ
Hình bóng xa xưa đã nhạt mờ
Lắt lẻo cầu duyên đà gãy nhịp
Hẩm hiu lá thắm rũ tàn xơ
Hoa đời trôi giạt theo con nước
Thuyền mộng chìm sâu dưới đáy hồ
Bụi cát thời gian xin phủ lấp
Quên rồi lòng dạ kẻ thờ ơ

                    Kim Phượng
***

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Kỷ Niệm Dấu Yêu - Phần Cuối

Đây là những cây Huỳnh Đàn dọc theo con đường dẫn vào Văn Phòng, phòng Khánh Tiết ngày xưa.








 Cây Phượng Vỹ cổ thụ vẫn còn nguyên vị trí ngày xưa. Phía xa là 2 cây Phượng cổ thụ khác nằm trong vị trí xây dựng, được thầy Tường cho dời ra.


Đứng bên cây Phượng đã được trồng nơi mới, thầy Tường than : "Em dời ra cũng khá lâu rồi, nhưng đến giờ không thấy đâm chồi mới, Em lo quá".


Đây là Bia Thành Tích trước kia được cẩn trên tường ngay bậc thang bước vào Văn Phòng. Khi đập văn phòng đã bị bể ra ba mảnh, thầy Tường đã cho dán lại và cẩn nơi văn phòng mới.

Sau khi ghi lại hình ảnh những gì còn sót lại, trong lòng tôi nghe như có gì nhớ nhớ thương thương, nửa như nghẹn ngào, nửa lại xót xa.
Cám ơn Thầy Nguyễn Bá Tường, một việc làm cứ ngỡ như bình thường, nhưng thật không bình thường. Nếu không có tấm lòng, không hơi đâu làm những chuyện này cho mất thời gian và công sức.
Khi đăng bài  này lên trang Blog, tôi càng xúc động. 
Một lần nữa cám ơn thầy Tường đã lưu lại cho chúng tôi, những cựu học sinh Tống Phước Hiệp chút gì để nhớ, chút gì để thương, và một chút gì để lưu luyến.

Vĩnh Long ngày 22/03/2017
        Huỳnh Hữu Đức  

Hình Ảnh Huỳnh Hữu Đức

Để xem đầy đủ, mời click vào link dưới:

http://huynhhuuduc.blogspot.com/2017/03/ky-niem-dau-yeu-phan-au.html



 

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Kỷ Niệm Dấu Yêu - Phần Đầu

Dẫu biết hình dáng cổ kính của ngôi trường Tống Phước Hiệp không còn nữa, nhưng tôi cũng cố đi tìm những gì của ngày xưa còn lưu lại. 
Ngày 22/03/ 2017, tôi đến thăm ngôi trường cũ mà tôi đã gắn bó suốt những năm Trung Học. Đó là trường Trung Học Tống Phước Hiệp, sau năm 1975 đã đổi tên là trường Trung học Phổ Thông Lưu Văn Liệt. Hiện nay, ngôi trường đã không còn chút gì hình bóng cũ, chỉ còn cái cổng cũ kỹ sắp sửa bị phá bỏ để xây mới.


Từ Trái sang: Nguyễn Bá Tường Hiệu Trưởng trường Lưu Văn Liệt, Huỳnh Hữu Đức.

Tôi vào văn phòng tìm thầy Hiệu trưởng, đã từng gặp gỡ nhiều lần, chúng tôi trò chuyện rất hợp. Thầy Tường từng tâm sự với tôi: " Khi có quyết định xây mới, Em đã cố gắng trong khả năng để lưu giữ lại những gì của ngôi trường cũ, lưu giữ lại phần nào kỷ niệm thân yêu cho các anh chị khi có dịp thăm lại trường xưa".
Cũng từ câu nói này, hôm nay tôi tìm về Trường để ghi những gì còn sót lại.


Sau khi gởi tặng trường quyển sách " Một Thoáng Nam Kỳ Lục Tỉnh" của Người Long Hồ Trần Ngọc Em (Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp niên khoá 62-69), và trình bày ý định của mình. Thầy Tường đã giới thiệu với tôi những gì mà Thầy còn giữ đươc.


Trước hết là ngôi mộ "Long Châu Đại Thần Nguyễn Triều?" có từ năm 1925? hay 1927? 


Thầy Tường tâm sự với tôi: "Ngôi mộ này có trước Trường, Em nghĩ đây chính là Chủ miếng đất, mình không thể đuổi hay dời  đi. Chính vì thế em đã cố gắng thuyết phục cấp trên để giữ lại ngôi mộ này, Em sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm, nếu bị kỷ luật hay khiển trách".


Thầy Nguyễn Bá Tường bên ngôi mộ cổ được giữ lại.





Mời click vào Link bên dưới để xem tiếp Phần Cuối:
http://huynhhuuduc.blogspot.com/2017/03/ky-niem-dau-yeu-phan-cuoi.html

Hình Ảnh Huỳnh Hữu Đức