Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Đất Phương Nam I - Phần Cuối Kas Krobei Hay Prei Nokor Là Sài Gòn?

Quân Xiêm La Luôn Dòm Ngó Vùng Kas Krobei và Prei Nokor: 

Sau khi công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu cho vua Chey Chetta II vào năm 1620, và sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho đặt hai trạm thu thuế tại hai xứ Prei Nokor và Kas Kobei vào năm 1623, tức vùng Sài Gòn-Bến Nghé ngày nay, từng đoàn lưu dân cùng khổ người Việt từ các xứ Thuận Quảng kéo nhau vào đây tìm đất sống. Dầu đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về mọi mặt, nhưng những người đi tiên phong đã gặp phải vô vàn trở ngại từ rừng thiêng nước độc đến vô số thú dữ thời đó đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng mà kể cho xiết. Ngay từ những ngày đầu mở cõi về phương Nam, Bến Nghé đã sớm trở thành trung tâm của cả vùng Nam Kỳ. Và có lẽ vương quốc Xiêm La, tức Thái Lan ngày nay, cũng nhìn thấy vị trí chiến lược của vùng Bến Nghé nên lúc nào cũng chực chờ đánh chiếm vùng đất nầy. Năm 1731, quân Xiêm La đã tràn vào đến 18 Thôn Vườn Trầu và uy hiếp vùng Bến Nghé, nhưng đã bị quân đội xứ Đàng Trong đẩy lui. Trước năm 1748, chưa có con đường thiên lý bắc-nam nên mọi sự di chuyển đi lại đều bằng đường thủy, nên sự di chuyển từ kinh đô đến các vùng Trấn Định, Long Hồ và Hà Tiên, vừa chậm mà lại vừa nguy hiểm vô cùng. Chính vì vậy mà Bến Nghé đã sớm trở thành điểm trung chuyển vô cùng quan trọng cho miền ngoài(16) cũng như vùng Đồng Nai với vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Đến năm 1771, quân Xiêm La tiến chiếm Hà Tiên và tìm cách đánh dần lên Trấn Giang(17) để tìm đường lên đánh chiếm Bến 

Nghé. Để dễ bề tiến quân, quân Tây Sơn đã cho nạo vét và khai thông kinh Ruột Ngựa vào năm 1772, nhờ đó mà quân sĩ đã di chuyển rất nhanh chóng đến vùng Mỹ Tho và cuối cùng quân ta đã đẩy lui họ một cách dễ dàng. Năm 1784, khi Nguyễn Ánh cho người đi Vọng Các cầu viện, hai tướng Xiêm La là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đã kéo quân sang đánh chiếm toàn bộ miền Tây, nhưng trên đường tiến quân về Bến Nghé thì giặc đã bị nghĩa binh Tây Sơn đánh tan tác tại vùng Rạch Gầm Xoài Mút. Năm 1790, khi Nguyễn Ánh quyết định xây Kinh Gia Định, ông đã cho xây đắp nhiều con đường bằng đất hầm quanh vùng như đường Phú Lâm đi Cai Lậy. Như vậy, tính đến năm 1790, con đường thiên lý lót bằng đất hầm và đá ong đã có thể đi từ kinh kỳ đến Cai Lậy. Đồng thời, Nguyễn Ánh cũng cho nạo vét lại những con rạch nối liền miền Tây với rạch Bến Nghé để tiện việc chuyên chở lương thực từ miền Cửu Long lên Kinh Gia Định tiếp tế cho quân lính của ông. Kinh Bảo Định đã được Nguyễn Cửu Vân đào từ năm 1705, từ sông Tiền lên Tân An, nay chỉ cần nạo vét lại là ghe thuyền có thể đi lại dễ dàng. Năm 1833, lịch sử xâm lược của quân Xiêm La lại tái diễn khi họ kéo quân qua gọi là tiếp trợ cho quân nổi dậy của Lê văn Khôi. Quân Xiêm La tiến ào ạt từ nhiều mặt tại các vùng Hà Tiên, Châu Đốc, và Tân Châu, rồi hiệp nhau tại Vàm Nao để kéo xuống đánh chiếm Sa Đéc để tiến về Mỹ Tho và Bến Nghé, nhưng đã bị quân ta đánh tan tại vùng Sa Đéc. 

Có Phải Chăng Prei Nokor Lại Là Vùng Chợ Lớn? 

Sau cuộc hôn nhân giữa công nữ Ngọc Vạn và vua Chey Chetta II vào năm 1620 đã khiến cho xứ Chân Lạp đối xử thật dễ dãi cho những lưu dân Việt Nam đến vùng Thủy Chân Lạp tìm đất sống. Đến năm 1623 thì số cư dân người Việt tại vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn đã khá đông nên chúa Nguyễn đã sai một sứ bộ sang Chân Lạp yêu cầu vua Chey Chetta II cho xứ Đàng Trong lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Tuy nhiên, không có tài liệu nào ghi lại rõ ràng hai đồn thu thuế nầy cách nhau bao xa và vị trí chính xác là ở đâu. Mặc dầu hồi đó hai vùng nầy vẫn còn hoang vu, nhưng vẫn là điểm trung chuyển nghỉ ngơi của các thương nhân đi vào Chân Lạp. Kể từ đó hai địa danh Sài Gòn và Bến Nghé được xứ Đàng Trong mặc nhiên coi như lãnh địa của mình. Vào năm 1747, một biến cố lớn xãy ra tại vùng Đông Phố, có một thương gia người Phước Kiến tên Lý văn Quang nổi lên mong biến vùng nầy thành một khu tự trị của người Hoa. Biến cố nầy đã gây sự bất ổn cho những người Minh Hương tại Giản Phố. Tiếp theo đó, vào năm 1776, đại quân Tây Sơn vào đánh chiếm và thiêu hủy toàn bộ Giản Phố. Người ta phải dời vùng đất trung tâm về một nơi gần miền tây hơn, chính vì vậy mà khu Bến Nghé-Sài Gòn được chọn và đồng thời vùng Nông Nại bị lãng quên một cách nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, do công cuộc khai khẩn ruộng đất của lưu dân người Việt nên vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, nghĩa là không đầy một thế kỷ sau đó cả một vùng rừng rậm hoang vu Prei Nokor đã biến thành một trung tâm sản xuất nông nghiệp và buôn bán phồn thịnh. Năm 1778, đa số người Hoa ở vùng cù lao Phố đã bị quân Tây Sơn đánh đuổi đều ngược dòng sông Bến Nghé lên khu Chợ Lớn ngày nay. Tại đây họ lại xây dựng phố sá như phía Bến Nghé và tiếp tục buôn bán như xưa. Người Hoa gọi vùng nầy là ‘Đê Ngạn’, người Phúc Kiến phát âm là ‘Tầy Ngon’, và người Việt lại đọc trại là ‘Thầy Ngòn’. Có lẽ đọc như vậy riết rồi lại trại ra là ‘Sài Gòn’. Thành phố nầy được người Việt Nam gọi là Chợ Lớn từ khi người 

Pháp xây dựng hai ngôi chợ: Chợ Lớn(18) và Chợ Nhỏ(19). Kỳ thật, khu được mệnh danh là ‘Sài Gòn’ về sau nầy đích thực là khu ‘Bến Nghé’ ngày trước. Hiện trên những gò cao vẫn còn những chứng tích của những ngôi chùa cổ đã được xây dựng từ năm 1774 như chùa Giác Lâm, chùa chùa Giác Viên, chùa Cây Mai và chùa Cây Gõ, vân vân. Khu vực Chợ Lớn, mà ngày xưa gọi là Sài Gòn, có bến cẩn đá xanh rất xinh xắn. Theo bản đồ của Trần văn Học dưới thời Gia Long, Chợ Lớn chạy từ con đường mà ngày nay là đường Tản Đà đến khoảng chợ Kim Biên trong quận 5. Mặc dầu không lớn như bên phía Sài Gòn, nhưng vì người Hoa tập trung rất đông, nên chỉ trên khoảng phố sá dài khoảng 3 dặm của Chợ Lớn thật là náo nhiệt. Mặc dầu thời đó hai vùng Bến Nghé và Sài Gòn vẫn còn cách nhau bởi một khoảng rừng thưa, nhưng từ sau năm 1788 khi thành Gia Định (thành Qui) được xây dựng thì vùng Bến Nghé đã một sớm một chiều biến thành xứ thành thị vì Thành Qui rất thuận tiện, trên chợ dưới bến nên người thời đó còn gọi là chợ Bến Thành với cả một dãy dinh thự, kho lẫm, xưởng đóng ghe thuyền và tàu chiến. Đồng thời, hệ thống đường sá và phố chợ được xây dựng rất qui mô. Đây là khu chợ Bến Thành Cũ, chứ không phải là chợ Bến Thành(20) ngày nay. Chẳng bao lâu sau cả vùng Bến Nghé-Sài Gòn, tức vùng Chợ 

Lớn ngày nay, đã nhanh chóng trở thành trung tâm chính trị và kinh tế cho cả vùng miền Nam. Trịnh Hoài Đức đã ghi về Bến Nghé trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Sau khi Thành Qui được xây đắp thì dân cư đông đúc; phố chợ san sát; nhà tường, nhà ngói liên tiếp nhau. Tàu ghe từ ngoài biển đến buôn bán qua lại, cột buồm liền lạc, xưng là xứ đô hội, cả nước không đâu sánh bằng.” Thêm vào đó, sau khi vua Quang Trung băng hà, cục diện hoàn toàn đổi thay. Ở miền Nam, Nguyễn Ánh ra sức củng cố thành Gia Định, xây dựng kho lẫm, xưởng đóng thuyền chiến, xưởng chế tạo vũ khí, vân vân. Hồi nầy thương cảng Bến Nghé thu hút tàu bè của thương nhân ngoại quốc lui tới buôn bán đông đảo. Phố xá sầm uất, chợ búa tấp nập đã khiến cho vùng Prei Nokor-Bến Nghé trở thành trung tâm chính trị và kinh tế cho toàn vùng. Trịnh Hoài Đức lại ghi tiếp về Bến Nghé: “Nơi đây dân cư đông đúc; phố chợ san sát; nhà tường nhà ngói liên tiếp cùng nhau... Tàu ghe hải dương đến buôn bán qua lại, cột buồm liền lạc, xưng là xứ đô hội, cả nước không đâu sánh bằng.”(21) Vào năm 1821, Finlayson đã ghi lại trong “Journal de voyage”, được đăng trong “Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises” vào năm 1939 như sau: “Không ngờ ở miền xa xôi nầy lại có một thành thị to và rộng như vậy... Cách xếp đặt phố xá ở đây còn phong quang thứ tự hơn nhiều kinh đô Âu châu.” Khi người Pháp vừa chiếm Gia Định vào năm 1859, con đường lót đất hầm nối liền Bến Nghé và Chợ Lớn(22) chỉ là một con đường với lác đác vài căn nhà lá trong khu trũng thấp mà thôi. Rõ ràng vào năm 1859, thì khu thị tứ Sài Gòn, nói đúng hơn là Bến Nghé, hoàn toàn cách biệt và khác hẳn khu thương mại sầm uất Chợ Lớn thời bấy giờ. Theo ông Louis Malleret, một nhà khảo cổ học người Pháp, trước khi có Chợ Lớn khu vực nầy đã từng có một khu thị tứ Khmer tên Prei Nokor, tuy nhiên chỉ sau khi người Hoa đổ dồn về đây buôn bán thì Prei Nokor mới thật sự thay hình đổi dạng thành một Chợ Lớn với đặc trưng của một thành phố. Điều nầy cho thấy rõ Kas Krobei và Prei Nokor là hai thành phố riêng biệt trước khi nó được sáp nhập lại làm một sau thời Pháp thuộc để trở thành một Sài Gòn “Hòn Ngọc Viễn Đông” vào thập niên 1950. 
Kinh Tàu Hủ tại Chợ Lớn—La Cochinchine 1925. 

Chú Thích: 
(1) Cao Miên ngày nay. 
(2) Nam Kỳ ngày nay. 
(3) Sài Gòn và Chợ Lớn ngày nay. 
(4) Đê Ngạn chữ Hán có nghĩa là nắm vững bờ sông. 
(5) Thời đó, lũy ‘Sài Côn’ là một lũy quân sự của Cao Miên với mục đích bảo vệ một miền đất chạy dài từ cửa biển Cần Giờ và cửa Ba Rài lên đến vùng biên giới Việt-Miên ngày nay. 
(6) Sở dĩ có tên Tây Cống là vì đây là phần đất mà các vị vua của nước ở phía tây cống hiến cho xứ Đàng Trong. 
(7) Ngày nay là đường Trần Hưng Đạo. 
(8) Còn gọi là “Bến Trâu”. 
(9) Rừng Gòn, tức vùng Chợ Lớn ngày nay. 
(10) Phương Đình Dư Địa Chí, Nguyễn văn Siêu, NXB Tự Do, 1958 và Đại Nam Nhất Thống Chí, tập V, quyển xxxi, tr. 214. 
(11) Ngày nay đã bị lấp cạn, nhưng thời VNCH vẫn còn có một cái hẻm nhỏ tên hẻm Rạch Ông Bương. 
(12) Nguyễn Hữu Cảnh sanh năm 1650 tại xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Theo các nhà sử học, Nguyễn Hữu Cảnh chính là hậu duệ của Quốc Công Nguyễn Bặt dưới thời nhà Đinh, và cũng là cháu mấy đời của Nguyễn Trãi. Cha ông là Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật, người đã có công lớn với xứ Đàng Trong trong cuộc đối đầu với nhà Trịnh ở phía Bắc. Ông là một vị tướng văn võ toàn tài, một nhà quản lý hành chánh xuất sắc dưới thời Nguyễn Sơ. Ngay khi cha ông mất vào năm 1681, ông đã tích cực tham gia vào quân đội xứ Đàng Trong. Năm 1692, chúa Nguyễn sai ông đem quân đánh dẹp vua Champa là Bà Tranh ở Diên Ninh (Phú Yên ngày nay), rồi đổi tên vùng đất mới nầy ra làm Thuận Thành. Ông là vị quan Trấn Thủ đầu tiên của của trấn Thuận Thành. Ngay sau khi nhậm chức Trấn Thủ Thuận Thành, ông đã tổ chức cho dân chúng khai hoang lập ấp, khiến trấn Thuận Thành ngày càng phát triển rất vững vàng. Chính ông là người đầu tiên đã khai sanh ra vùng đất phía Nam, và là người xây dựng một cách vững chắc hệ thống hành chánh đầu tiên ở Sài Gòn-Gia Định.

(13) Đây là một hòn đảo phì nhiêu, nằm trên sông Đồng Nai, nên chỉ sau một thời gian ngắn, những người Minh Hương nầy đã thành lập và phát triển khu nầy thành Nông Nại Đại Phố. Lúc đó Đông Phố có giao dịch thương mại với người Tàu, Nhật, châu Âu. Thuyền bè tụ tập về đây rất đông đảo. Kể từ thập niên 1680, Cù Lao Phố, hay Đông Phố, hay Giản Phố, đã bắt đầu trở thành một trung tâm thương mại lớn nhất của xứ Đàng Trong. Cù Lao Phố nằm cách bờ biển trên 100 cây số, nhưng lúc đó nó là một cảng nước sâu, là trung tâm tụ hội của các khu vực, là khu chợ đầu mối của các khu chợ quanh vùng. Vào thời Pháp thuộc, quốc lộ số 1 và đường rầy xe lửa xuyên Việt đều đi ngang qua Cù Lao Phố qua hai cây cầu là cầu Gành về phía nam và Cầu Rạch Cát về phía bắc. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn đã ghi lại cảnh phồn thịnh và sầm uất của

Cù Lao Phố như sau: “Cù Lao Phố ngày trước là một nơi hưng thịnh, thu hút nhiều cư dân đến từ miền Trung. Nhà mái ngói, tường vôi, lầu cao, quán rộng. San sát bên bờ sông là các nhà làm bằng gỗ hai tầng, nối liền năm dặm. Ngoài việc xây cất nhà cửa, chợ búa, phát triển các nghề trồng trọt, thủ công nghiệp, tướng Trần Thượng Xuyên còn cho xây ba loại đường rộng, bằng phẳng, đến nay vẫn còn. Con đường giữa, theo chiều dài cù lao, lót đá ong đỏ, dài khoảng 4 cây số, từ chùa Đại Giác đến Bến Đò Kho. Con đường thứ hai, xây ngang qua Cù Lao Phố, lót đá trắng, cắt ngang con đường giữa cạnh chợ Hiệp Hòa, đi đến bến đò Tân Vạn. Con đường thứ ba lót đá xanh, bao quanh Cù Lao, ngày nay không còn nữa.”

(14) Bến Nghé Xưa, Sơn Nam, NXB Văn Nghệ, 1992, tr. 12.
(15) Những vùng nầy chỉ cao hơn mực nước biển trung bình khoảng 2 mét mà thôi.
(16) Miền Trung.
(17) Cần Thơ ngày nay.
(18) Tức Chợ Lớn cũ.
(19) Tức Chợ Thiếc hay Chợ Phó Cơ Điều.
(20) Chợ Bến Thành bây giờ chỉ mới được xây lại vào khoảng những năm 1903 hay 1904 mà thôi.
(21) Theo Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định Thành Thông Chí”, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, NXB
Tổng Hợp Đồng Nai, TPHCM, 2005, tr. 114.
(22) Ngày nay là đường Trần Hưng Đạo.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.


***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét