Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Vùng Đất Cochinchine Và Công Nữ Ngọc Vạn Phần 2

Cuộc Hôn Nhân Mà Cả Hai Bên Đều Có Lợi: 


Phải công tâm mà nói, trong cuộc hôn nhân nầy, không riêng gì phía Đàng Trong được lợi, mà người có lợi trước mắt phải nói là vua Chey Chetta II và vương quốc Chân Lạp, vì ngay sau hôn lễ chúa Nguyễn Phước Nguyên đã viện trợ cho vua Chân Lạp cả tàu thuyền lẫn binh lính để chống lại quân Xiêm La. Để làm vui lòng bà Ngọc Vạn cũng như chúa Nguyễn, vua Chey Chetta II đã lập nhiều người Việt Nam làm quan văn võ trong triều đình Chân Lạp tại Oudong. Đồng thời, rất nhiều người Việt Nam được phép lên Oudong mở các cơ xưởng công nghệ, đóng tàu thuyền cho triều đình, giúp Chân Lạp phòng thủ chống quân Xiêm. Càng sống chung lâu ngày với người Việt, nhà vua càng cảm thấy người Việt hiền hòa, chăm chỉ và làm được nhiều điều lợi ích cho đất nước Chân lạp, nên sự việc lưu dân đến đây lập nghiệp không có gì trở ngại dưới thời vua Chey Chetta II. Nếu chúng ta lật lại những trang sử cũ vào thời kỳ này thì chúng ta sẽ thấy vua Chey Chetta II không phải tự nhiên nhường đất Thủy Chân Lạp cho Việt Nam, mà thời ấy nước Chân Lạp quá suy yếu nên ông muốn tựa vào Việt Nam như một điểm tựa, vì thế trong cuộc hôn nhân ông chỉ cho dân Nam một quy chế dễ dàng trong sinh hoạt ở vùng Đồng Nai và Sài Gòn, chứ không dâng một chút đất nào hết cho Việt Nam, đổi lại ông được nhạc phụ là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã bao lần đem quân sang giúp đánh đuổi giặc Xiêm ra khỏi bờ cõi. Trong những năm từ 1621 đến 1623, nhờ sự trợ giúp của chúa Nguyễn mà Chey Chetta II đã đuổi được quân Xiêm ra khỏi bờ cõi. Như vậy phải thành thật mà nói trong cuộc hôn nhân này, nhứt thời nước Miên có lợi nhiều hơn Việt Nam, nhưng về lâu về dài thì ngay từ thời điểm ấy, nước Miên trúng phải kế hoạch “Tầm ăn dâu” của Việt Nam. Chính vì thế mà kể từ sau khi công nữ Ngọc Vạn ra đi làm dâu xứ Chân Lạp, từng thời từng thời, những đất đai của xứ Thủy Chân Lạp lần lượt rơi vào tay Việt Nam một cách ôn hòa, chứ chưa có một cuộc chiến tranh giành đất nào giữa Việt Nam và Miên tại Nam Kỳ. 

Đầu năm 1623, ngay sau khi Chân Lạp dời đô về Phnom Penh, nằm ngay bên dòng Tonle Sap, nên công nữ Ngọc Vạn đã xin cha gửi chuyên viên đóng chiến thuyền sang giúp Chân Lạp đóng thuyền và xây dựng đội thủy binh(6). Ngoài ra, sau khi gả con gái cho Miên vương, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng gửi người sang giúp vua Miên huấn luyện quân đội. Chính nhờ sự trợ giúp rất đắc lực nầy mà trong vòng hai năm từ năm 1621 đến 1623, quân Chân Lạp đã liên tiếp đánh bại quân Xiêm hai lần. Đây là lần đầu tiên mà quân đội Chân Lạp đã đánh bại được quân Xiêm trong hơn 100 năm lịch sử chiến tranh giữa Chân Lạp và Xiêm La từ khoảng 1520 đến 1623. 

Sau khi giúp Chân Lạp đánh thắng được quân Xiêm, một phái đoàn của triều đình Thuận Hóa đã đến Nam Vang, xin vua Chey Chetta II cho người Việt tự do vào cư ngụ trong các vùng Kas Krobei và Prey Nokor và lập cơ quan thu thuế, cũng như đặt đồn binh tại đây để phòng khi có việc là kéo quân lên Nam Vang tiếp trợ ngay. Vua Miên đã chuẩn thuận ngay vì lợi ích trước mắt là nhà vua có quân tiếp trợ bất cứ lúc nào, vả lại đất Kas Krobei và Prey Nokor đã thu được từ dân tộc Phù Nam từ sau thế kỷ thứ VI, mà cho tới thời bấy giờ (1623) vẫn chưa có cư dân Chân Lạp trú ngụ, vì vùng này toàn là đầm lầy hoang vu, đất thì thấp hơn mực nước biển nên người Chân Lạp, vốn là dân bán du mục không chịu đến để khai khẩn. Như vậy, kể từ năm 1623, lưu dân người Việt được tự do đi lại và khai hoang lập ấp. Nói cách khác, chỉ sau hơn ba năm về làm hoàng hậu xứ Chân Lạp, công nữ Ngọc Vạn lập xong một nhịp cầu thật vững chắc cho công cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh kêu gọi lưu dân Việt Nam khai phá các vùng Mô Xoài và Long Khánh, công nữ Ngọc Vạn cũng kêu gọi và thu xếp phương tiện cho lưu dân Việt Nam đến các vùng Tà Keo và Nam Vang để buôn bán với người Miên. Mà thật vậy, chỉ năm năm sau ngày Ngọc Vạn đi lấy chồng, cả một vùng rừng rậm hoang vu từ Bà Rịa, Biên Hòa, Prei Nokor, Tà Keo và Nam Vang bỗng chốc trở thành những nơi thị tứ sầm uất. Đến năm 1625(7) thì vua Chey Chetta II băng hà. Phó vương Prea Outey, người đã tổ chức lễ đón rước công nữ Ngọc Vạn năm 1620, là cột trụ trong triều đình Chân Lạp thời bấy giờ, đã hết lòng bảo vệ công nữ ngọc Vạn và vẫn tiếp tục chánh sách thân Việt Nam và chống Xiêm của vua Chey Chetta II. Không hiểu vì lý do gì mà Prea Outey không lập những người con của vua Chey Chetta II với các bà hoàng hậu người Miên và người Lào lên làm vua, mà lại lần lượt đưa 2 người em họ là Pona To (1625-1630) và Pona Nu (1630-1640) lên làm vua trong suốt 15 năm. Tưởng cũng nên nhắc lại, lúc nầy 2 người con trai của công nữ Ngọc Vạn tuổi hãy còn quá nhỏ (chưa đầy 4 tuổi). Có lẽ, ông thấy được sự thông minh và nhanh nhẹn, cũng như những cái lợi của những ông hoàng gốc Việt, nên muốn chần chừ để đưa những vị nầy lên ngôi sau nầy. Để tránh sự nghi kỵ và để chứng tỏ mình không tha thiết gì đến vương triều, công nữ Ngọc Vạn xin phép được đưa hai con ra ngoại thành để lập chùa tụng kinh cầu an cho hoàng gia. Nhờ vậy mà mẹ con bà thoát được cuộc tranh chấp quyền lực gay gắt nhất trong triều đại Chân Lạp thời bấy giờ. 

Sau khi vua Pona Nu băng hà vào năm 1640, phó vương Prea Outey liền đưa con trai mình lên ngôi vua, tức vua Ang Non (1640-1642). Trong khi đó thì hoàng tử Chau Ponhea Chan, con trai của bà vợ người Lào của vua Chey Chetta II, được người Lào và người Chăm yểm trợ giết chết cả hai cha con phó vương Prea Outey để soán ngôi. Sau khi Chau Ponhea Chan lên ngôi, tức Ponhea Chan I (1642-1659), sử Việt Nam gọi là Nặc Ông Chân. Nặc Ông Chân loại bỏ tất cả những người Việt Nam trong triều, và chỉ sử dụng người Mã Lai và người Lào. Lúc nầy hoàng thái hậu Ngọc Vạn lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn vì hai con trai của bà đã trưởng thành và là những cái gai chính trước mắt Nặc Ông Chân (Rama Chan). Trong khi triều chính rối loạn, để bảo vệ cho các con nên công chúa Ngọc Vạn đem hai con về vùng Mô Xoài Bà Rịa ẩn thân, vì nơi đây bà đã cho lập xóm làng từ trước vào những năm 1620 và 1621. Sử Chân Lạp còn ghi lại: “Khi quốc vương Chey Chetta II băng hà, tất cả vùng đất thuộc miền Nam từ Prey Nokor đến ranh giới với Chiêm Thành đều do người Việt cai trị.” 

Khi bà Ngọc Vạn trở lại đất Mô Xoài vào năm 1640 thì vùng đất nầy đã được khai khẩn thành thuộc đất và được tổ chức thành thôn ấp hẳn hòi. Bà được dân chúng tại đây hết lòng ngưỡng mộ, vì đây là lần đầu tiên họ thấy một vị sư nữ hiền và đẹp như một vị Phật Bà. Công nữ Ngọc Vạn và hai con tới lập chùa tại vùng Prei Nokor(8). Hai vị hoàng tử Batom Reachea Potouna Raja và Ang Non đã trưởng thành. Trong giai đoạn nầy, bà đã khuyến khích cư dân tại đây nỗ lực canh tác, chẳng những về lúa nước, mà còn trồng nhiều loại hồ tiêu và trồng dâu nuôi tằm theo kỹ thuật của người Việt. Từ đó cư dân Prei Nokor luôn gọi công nữ Ngọc Vạn với một danh xưng vừa tôn kính mà lại vừa gần gũi: “Cô Chín”. Hồi nầy vùng Prei Nokor đã trở nên rất phồn thịnh, về thương mãi, ngoài người Minh Hương, còn có người Ấn Độ đến đây buôn bán với cư dân tại đây. Bên cạnh đó có nhiều đoàn truyền giáo đến đây truyền đạo từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan, và Pháp... Thấy công nữ Ngọc Vạn rất đẹp với nước da thật trắng có uy tín với cư dân và mọi người, nên nhiều người ngoại quốc lầm tưởng bà là người Hoa nên kể từ đó công nữ Ngọc Vạn luôn được người ngoại quốc gọi là “Cô Chín Chine”(9). Và có lẽ tên Cochinchine cũng có từ đó để gọi cho cả vùng đất Nam Kỳ. Trong khi cả vùng Thủy Chân Lạp dưới sự chỉ dẫn của mẹ con công nữ Ngọc Vạn vào sau thập niên 1640s đã trở thành một vùng đất trù phú và thịnh vượng, thì tại Nam Vang, Nặc Ông Chân, con của một bà hoàng hậu người Lào, đã lên ngôi trị vì Chân Lạp. Ông Chân lấy vợ người Mã Lai, theo đạo Hồi nên rất hung hãn muốn tiêu diệt đạo Phật và muốn biến Hồi giáo làm quốc giáo cho Chân Lạp. Phản ứng trước những cai trị bạo ngược của Nặc Ông Chân, các hoàng thân khác đã liên kết lại nhằm tìm cách lật đổ Nặc Ông Chân, nhưng âm mưu thất bại, nên một số đã chạy qua đất Mô Xoài lánh nạn. Nhân cơ hội nầy, Nặc Ông Chân xua quân xuống vùng Prei Nokor, truy tầm những hoàng thân chống đối, đồng thời tìm dấu vết của bà Ngọc Vạn để tiêu diệt hai vị hoàng tử là con chính thức của bà và vua Chey Chetta II. Trước tình thế đó công nữ Ngọc Vạn phải cầu cứu với chúa Hiền Vương. Chúa sai Nguyễn Phúc Yên đưa 3.000 quân vào đánh Nặc Ông Chân. Ông Chân thua trận và bị bắt tại Mô Xoài và bị đưa về giam và qua đời tại Quảng Bình. 

Đến năm 1660 thì con trai của công nữ Ngọc Vạn lên ngôi vua lấy hiệu là Barom Reachea, đóng đô ở Oudong. Sử Chân Lạp có ghi như sau: “Nhờ người Việt Nam mới được làm vua, quốc vương Batom Reachea ký hòa ước nhận triều cống cho chúa Nguyễn hàng năm. Cho người Việt Nam được làm chủ phần đất vừa khai hoang. Cho người Việt được định cư trong lãnh thổ Chân Lạp và được hưởng quyền lợi ngang hàng với người Miên.” Sau đó chúa Hiền Vương lại đặt con trai thứ hai của bà Ngọc Vạn là Ang Non làm Nhị Vương và đóng đô ở Prei Nokor, tức là Sài Gòn bây giờ, tách rời hoàn toàn với Chân Lạp. Nghĩa là nước Chân Lạp đã chánh thức nhìn nhận quyền tự do khai hoang lập nghiệp của lưu dân người Việt trên một vùng đất rộng lớn từ Bà Rịa đến Prei Nokor. Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ thấy sứ mạng lớn lao và sự hoàn thành sứ mạng một cách mỹ mãn của công nữ Ngọc Vạn như thế nào. Vào năm 1672, Batom Reachea bị con rể giết chết để soán ngôi, nhưng người con rể này lại bị con trưởng của Batom Reachea là Ang Chey giết chết. Ang Chey được triều đình thân Xiêm đưa lên ngôi lấy hiệu là Nặc Ông Đài. Ông Đài lại kéo quân về đánh đuổi chú ruột của mình là Nặc Ông Nộn đang làm Nhị Vương ở Prei Nokor. Sau khi có sự can thiệp của quân đội nhà Nguyễn Nặc Ông Đài bị thua và bị chính triều đình Chân Lạp giết chết vào năm 1674. Sau khi Nặc Ông Đài băng hà, chúa Hiền giao binh quyền Chân Lạp cho Nặc Ông Nộn làm chánh vương đóng đô tại Long Úc (Oudong). Nhưng ngay sau khi quân của chúa Hiền rút về Việt Nam, em của Nặc Đài là Nặc Thu (Ang Saur)(10) nổi lên đánh phá và chiếm lại ngai vàng. Chúa Hiền Vương đồng ý để cho Nặc Thu về Nam Vang lên ngôi lấy hiệu là Chey Chetta IV với chủ trương hòa hoãn và thân thiện với triều đình Thuận Hóa. Nhờ đó mà công cuộc di dân của các chúa được tiến hành một cách tốt đẹp. Như vậy trong khoảng những năm từ 1660 đến 1674, con trai trưởng và cháu nội của công nữ Ngọc Vạn liên tiếp làm vua tại vùng Lục Chân Lạp; trong khi con trai thứ hai của bà làm Nhị vương tại vùng Prei Nokor. Chính nhờ diễn tiến lịch sử thuận tiện nầy mà tiến trình Nam Tiến của dân tộc Việt Nam được thực hiện nhanh và ít tốn kém xương máu hơn. Hai xứ Prei Nokor và Kas Kobei(11), được quốc vương Chey Chetta II cho nhà Nguyễn mượn để lập sở thu thuế vào năm 1623, đến năm 1673, nghĩa là đúng nửa thế kỷ sau, nó đã trở thành một nơi thị tứ sầm uất với nhiều thương nhân ngoại quốc lui tới buôn bán tấp nập với cái tên Việt Nam là “Sài Côn”. 
Nói gì thì nói, dù ngay thời đó cả hai ông vua Chiêm và vua Miên đều có ý đồ chính trị là nhờ vả ở thế lực của triều đình Thuận Hóa, vì ngay lúc đó Chiêm Thành đang bị áp lực nặng nề của cả hai phía Chân Lạp và Việt Nam, còn Chân Lạp thì mới vừa thất điên bát đảo với quân Xiêm La nên phải bỏ cố đô Angkor Wat mà chạy về Nam Vang. Lúc đó Miên vương không có sự lựa chọn nào khác nếu không muốn bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Dù người Cao Miên có bạc tình bạc nghĩa thế mấy, dù lịch sử Cao Miên cố tình không tô đậm những chiến công chiến thắng quân Xiêm vào những năm 1621 và 1623, nhưng họ cũng dư biết là sự nghiệp của công nữ Ngọc Vạn đối với sự tồn vong của đất nước Chân Lạp không phải là nhỏ. Thử hỏi ngay vào thời điểm đó mà Chey Chetta II không có công nữ Ngọc Vạn và không được sự trợ giúp của xứ Đàng Trong thì họ có tránh được sự nuốt trửng của quân đội Xiêm La hay không? Chắc chắn là không tránh được. Thế mà các sử gia xứ Chân Lạp không ghi lấy một chữ. Ngược lại, trong thời Pháp thuộc, họ bị người Pháp dùng chánh sách chia để trị, cố tình nói sai về lịch sử khiến cho đàng hậu duệ của họ đem lòng oán hận người Việt. Họ quên rằng dân tộc Xiêm La đã từng bị họ bắt làm nô lệ, rồi sau đó quật khởi nổi lên đánh chiếm đất đai của Chân Lạp làm lãnh thổ Xiêm La. Họ quên rằng trong suốt chiều dài lịch sử giữa Xiêm La và Cao Miên, vì mối thù nô lệ năm xưa nên chưa có lần nào Xiêm La thực tâm muốn để cho Cao Miên được tồn tại. 

Chính hai cuộc hôn nhân, một giữa công nữ Ngọc Khoa và vua Pô Romê của Chiêm Thành, và hai là giữa công nữ Ngọc Vạn và vua Chey Chetta II của Chân Lạp đã mở ra một trang sử mới cho đất nước Việt Nam. Dù ngay sau khi gả công nữ Ngọc Vạn cho Miên vương Chey Chetta II, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng đã trợ giúp tại chỗ rất nhiều cho chàng rể về cả quân sự lẫn chánh trị. Chúa luôn cho tập luyện binh sĩ để phái đi giúp cho chàng rể, luôn chi viện cả tàu chiến, binh khí và quân lính để chống chọi với quân Xiêm. Nhưng kết quả về lâu về dài thì như ai trong chúng ta cũng đều biết: “Cả vùng Nam Kỳ trù phú biến thành cương thổ của Việt Nam mà không phải tốn nhiều xương máu.” Vì đứng về phương diện tâm lý xã hội mà nói, thì việc công nữ Ngọc Vạn theo chồng về Chân Lạp có thể được xem như là sự mở đầu, hay ít ra sự kiện này cũng làm cho nhiều lưu dân Việt Nam mạnh dạn hơn khi quyết định đi về phương Nam, vì họ nghĩ rằng một nàng công nữ xinh đẹp và được chúa Nguyễn Phước Nguyên cưng chiều như công nữ Ngọc Vạn mà còn “nước non nghìn dặm ra đi,’ huống là hạng thứ dân như họ. Chính vì thế mà sau năm 1620, theo chân công nữ Ngọc Vạn, lưu dân Việt Nam càng ngày càng vào Nam lập nghiệp nhiều hơn. Thêm vào đó, với chánh sách khuyến khích một cách khéo léo của các chúa Nguyễn, làn sóng người Việt vào Nam càng lúc càng bành trướng mạnh mẽ. Về phương diện ngoại giao, cuộc hôn nhân của công nữ Ngọc Vạn với Miên vương Chey Chetta II đem lại cuộc giao hảo dài lâu giữa hai vương quốc Chân Lạp và xứ Đàng Trong. 
 

Mời xem tiếp Phần 3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét