Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Đất Phương Nam I - Phần 2 Cộng Đồng Những Cư Dân Bản Địa Trên Đất Nam Kỳ Xưa

Cộng Đồng Người Mạ Ở Miền Đông Nam Kỳ:




Người Mạ là một trong những bộ tộc bản địa lớn ở miền nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Phần với tổng số khoảng trên 25.000 người(14). Tuy ở miền đông Nam Phần có những nhóm cư dân bản địa với dân số rất ít, nhưng họ là những cộng đồng có chung một tên gọi, ngôn ngữ, văn hóa, và ý thức chung về bộ tộc của mình. Hiện nay người Mạ Krung ở miền Đông Nam Phần sống dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai và vùng Định Quán. Người Mạ có tầm vóc không cao, màu da ngăm đen, tóc thẳng, mũi không cao, thuộc nhân chủng Nam Á. Đặc điểm của người Mạ là rất hiền lành và hiếu khách gần giống như những người Việt thuở còn đi khẩn hoang vậy. Sau khi vương quốc Phù Nam thành hình vào thế kỷ thứ nhất sau tây lịch, những người Mạ trong vùng trực thuộc vương quốc Phù Nam bỏ chạy về vùng cao nguyên phía đông bắc để thành lập tiểu quốc “Che Mạ”. Về sau, vương quốc Phù Nam tiếp tục lấn lướt họ nên họ đã rút sâu lên miền Tây Nguyên, nhưng vẫn giữ nguyên trạng nếp sống của tổ tiên mình và trở thành bộ tộc Mạ mà chúng ta biết đến ngày nay. Sau đó vài thế kỷ, cũng như người Châu Ro, người Mạ di chuyển từ cao nguyên Bảo Lộc xuống các vùng bên phía đông nam lưu vực sông Đồng Nai và tiếp xúc với người Khmer và người Chăm(15) để thành hình hai nhóm bộ tộc có tên là “Mạ Krung” và “Châu Ro”. Chính vì vậy mà ngày nay chúng ta vẫn thấy sự gần gũi giữa người Mạ và người Châu Ro về các mặt văn hóa, ngôn ngữ, sinh hoạt xã hội, vân vân. Ngày nay người Mạ cư trú trong một địa bàn khá rộng trên lưu vực sông Đồng Nai, từ cao nguyên Nam Trung Phần đến miền Đông Nam Phần(16). Đối với người Mạ, việc khai khẩn đất mới là cần thiết trong việc trồng lúa, vì họ cho rằng lúa chỉ tốt có một mùa sau khi khai khẩn, đến mùa thứ nhì thì đất ấy đã bị xem như cằn cỗi và chỉ được dùng để trồng các thứ hoa màu phụ như bắp, khoai, bầu, bí, dưa, vân vân. Tuy nhiên, người Mạ rất kỵ việc khai phá những khu rừng nguyên sinh vì họ coi những khu rừng nầy là thiêng liêng, và họ cho rằng nếu ai làm việc nầy sẽ mắc tội rất nặng với ông trời. Về nông nghiệp, ngoài việc trồng lúa và bắp ra, người Mạ còn trồng đủ thứ hoa màu phụ như các loại đậu, bầu bí, và các loại rau củ trên những bãi đất bồi ven theo bờ sông gần nơi họ cư trú. Bên cạnh đó, trong vườn nhà người Mạ còn trồng đủ thứ cây trái khác như cây mít, đu đủ, mía, bông vải, thuốc lá, vân vân, để cung cấp cho nhu cầu hằng ngày của gia đình. Riêng người Mạ cư trú ở miền Đông Nam Phần thì được gọi là Mạ Krung. Ngoài ra, còn có một số sống trên vùng Phước Long. Đặc điểm của người Mạ Krung ở miền Đông Nam Phần là họ vẫn còn giữ lấy truyền thống làm thuyền độc mộc để di chuyển trên các sông suối(17), hoặc để bắt cá tôm. Người Mạ còn dùng thuyền độc mộc để hái rau và bắt các loại cua, sò, ốc, hến và hái rau ven bờ sông. Người Mạ vẫn còn dùng lao và tên ná để săn bắt thú rừng và xem đây là một trong những sinh hoạt chính trong việc cung cấp thực phẩm hằng ngày cho gia đình. Bên cạnh những sinh hoạt săn bắt thú rừng và tôm cá ra, người Mạ còn chăn nuôi trâu bò và gia súc như heo, gà, vịt, dê, vân vân. Thường thì người Mạ chỉ nuôi trâu bò để dùng vào việc tế lễ thần linh mà thôi. Thỉnh thoảng lại có một vài gia đình người Mạ còn nuôi cả ngựa và voi để dùng vào việc vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó phải kể đến kỹ xảo về thủ công nghệ và việc dệt vải của người Mạ. Mà thật vậy, người Mạ rất khéo tay trong việc đan giỏ và dệt vải. Vào thế kỷ trước, người Mạ thường sống trong những ngôi làng kế cận nhau với những căn nhà dài truyền thống. Dân chúng trong làng thường có liên hệ huyết thống với nhau hoặc là những gia đình đã liên minh với nhau từ bao đời nay với mục đích bảo tồn nòi giống. Đối với người Mạ, ông chủ làng kiêm chủ rừng là người rất quan trọng vì họ luôn tuân thủ quyết định của người nầy. Bên cạnh đó, chủ làng còn chỉ định một người lo về việc sử dụng rừng núi và một người khác chuyên lo việc khuyến nông đối với dân làng. Cũng như các bộ tộc khác, dĩ nhiên là có sự cách biệt giữa giàu và nghèo, nhưng tuyệt nhiên không có sự bóc lột, mà người trong bộ tộc chỉ làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Thường thì mỗi gia đình đều có lẫm lúa riêng, nhưng những lúc thiếu hụt gia đình nầy có thể đến những nhà dư giã để lấy lúa gạo khi cần mà không bị coi như là vay hay mượn; tuy nhiên, tập tục nầy hầu như không còn thấy nữa. Người Mạ theo truyền thống phụ hệ và nhiều thế hệ thường sống chung trong một nhà dài, nhưng ngày nay truyền thống ấy cũng ít thấy, mà đa số chỉ là những gia đình nhỏ giữa vợ chồng và con cái mà thôi. Về tín ngưỡng, niềm tin của người Mạ có liên hệ trực tiếp với nghề nông, mỗi khi đốt rừng bụi để canh tác, họ thường làm lễ dâng lên ‘Thần Lửa’; và vào lúc gieo mạ họ thường làm lễ tạ ơn ‘Mẹ Lúa’. Những huyền thoại về tín ngưỡng của người Mạ luôn gắn liền với đất, sông, núi, rừng, vân vân. Đặc biệt nhất là trong các nghi lễ của người Mạ họ đều đánh còng chiêng và thổi kèn trúc. Ngày nay ở một số nơi người ta vẫn còn thấy người Mạ làm trâu để tế lễ thần linh. Thường thì trong cộng đồng người Mạ không có sự phân biệt giữa Mạ cao nguyên hay Mạ Krung, nhưng chỉ khi có ai hỏi thì họ mới nói rõ mình thuộc hệ người Mạ nào mà thôi. Như trên đã nói, từ xa xưa tổ tiên người Mạ đã sinh sống dọc theo bờ sông Đồng Nai và khai phá những khu đồi thấp ở Định Quán. Mặc dầu vẫn tiếp tục đời sống săn bắt và hái lượm như tổ tiên, nhưng đồng thời họ cũng biến những vùng gần hồ Trị An, phía tây nam của Định Quán, thành những khu đồng ruộng lớn để canh tác lúa vào mùa mưa và làm rẫy vào mùa khô. Sau khi những lưu dân người Việt đầu tiên đến đây, người Mạ đã rút sâu vào những vùng đồi thấp phía bắc Định Quán, nhưng đến khi chánh phủ Ngô Đình Diệm quyết định đưa người Nùng ở những vùng cao Bắc Phần đến định cư trong vùng Định Quán, thì người Mạ lại phải rút sâu vào rừng núi phía nam Lâm Đồng, thuộc cao nguyên Nam Trung Phần. Chính vì phải ngày càng rút sâu vào rừng mà mức sống của người Mạ rất thấp so với người Châu Ro và người Stiêng, là những người có may mắn được sống gần các trục lộ giao thông lớn ở miền Đông. Hiện có khoảng trên 3.000 người Mạ Krung sống tập trung tại các xã Phú Hiệp, Phú Bình, và Tà Lai, thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai bây giờ. Số người Mạ còn lại đều sống rải rác trong vùng phía nam cao nguyên Trung Phần. 



Người Mạ săn bắn bằng ná trong vùng Định Quán. 



Cộng Đồng Người Châu Ro Ở Miền Đông Nam Kỳ: Đúng tên là Chrau-Jro(18). Theo thống kê của chánh phủ VNCH năm 1958 về người Châu Ro tại các vùng quanh Biên Hòa gồm khoảng trên 15.000 người. Không có tài liệu lịch sử chính xác về sự di chuyển địa bàn cư trú của người Châu Ro trong địa bàn phía nam Tây Nguyên và phía bắc miền Đông Nam Phần; tuy nhiên, theo thiển ý có lẽ tổ tiên của người Châu Ro đã cư trú trong vùng đông Nam Bộ trước thời Phù Nam, khi người Phù Nam lập quốc thì người Châu Ro phải rút sâu lên phía nam Tây Nguyên. Sau khi Phù Nam bị tiêu diệt thì người Châu Ro lại di chuyển trở xuống vùng đất mà ngày trước tổ tiên họ đã từng cư trú, đó là vùng Bà Rịa, Long Khánh và Đồng Nai. Như trên đã nói, người Mạ và người Châu Ro là những bộ tộc cư dân bản địa ở trong khu vực hái lượm từ phía đông sông Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Có người cho rằng người Châu Ro là một phần của cộng đồng người Mạ chịu ảnh hưởng văn hóa Champa và Raglai. Nhưng trên thực tế, người Châu Ro có những đặc điểm gần gũi với người Stiêng hơn về các mặt tiếng nói(19), cấu trúc xã hội, nhất là cấu trúc dòng họ thường hướng về người mẹ. Khoảng vài thế trước đây, người Châu Ro tính dòng họ theo phía mẹ, nhưng hiện nay họ lại chuyển dần theo họ cha, có lẽ ảnh hưởng từ sự tiếp xúc và gần gũi hơn với người Kinh(20). Thường thì mỗi dòng họ hùng cứ một khu vực riêng, nên hễ nói đến họ nào là người Châu Ro biết ngay người đó ở đâu. Cũng như người Việt, người Châu Ro không kết hôn với những người có họ hàng gần với mình, nhưng có lẽ người Châu Ro còn khe khắc hơn ở chỗ chỉ được lấy người ngoài hoặc nếu là bà con thì phải cách 5 đời. 



Người Châu Ro ở Phước Long ngày nay 





Về quyền sở hữu đất đai canh tác, cũng giống như người Stiêng, ranh giới giữa các làng người Châu Ro được phân định bởi con sông, con suối, hay cánh rừng, vân vân, người của làng nầy không có quyền đến làng khác để canh tác. Tuy nhiên, người Châu Ro khác người Stiêng ở chỗ vì đất rộng nên mọi người trong làng đều có thể tự mình khai thác và canh tác chứ không cần đến người chủ làng phân chia. Và về việc sang nhượng thì người Châu Ro lại có quyền bán những đất mình đang canh tác cho người khác(21).
Người Châu Ro có thể có quyền sở hữu cá thể trên ruộng trồng lúa, nhưng những đám rẫy vẫn là tài sản của chung. Đối với những thanh niên trai tráng trong làng, họ có thể tự do phát rẫy gần nơi mình ở để làm rẫy mà không cần phải xin phép chủ làng. Thường thì vùng người Châu Ro cư trú là vùng đất xám, có màu trắng bạc nên cằn cỗi hơn vùng đất đỏ, chính vì vậy mà sau khi phát rẫy chừng hai ba năm là họ phải đi tìm một miếng đất khác để làm đất luân canh. Thường thì hai năm đầu họ trồng lúa ở giữa trung tâm đám ruộng; kế đó là họ trồng bầu, bí, dưa, củ sắn, và đủ các loại đậu; và phía ngoài cùng thì họ trồng những dây leo làm như hàng rào, nhưng đây là những dây leo có thể ăn hay làm thuốc được. Chu kỳ canh tác được bắt đầu bằng nghi thức cầu khẩn ‘Thần Lúa’ vào khoảng tháng 3 âm lịch; từ tháng tư đến tháng sáu âm lịch thì họ trồng bắp; từ tháng tư đến tháng mười là trồng lúa. Những nông cụ hay vật dụng làm ruộng rẫy của người Châu Ro thường là dao, búa, cây đào đất, cuốc, lưỡi hái, và những lưỡi cày rất thô sơ. Đến thời đệ nhất Cộng Hòa, chánh quyền khuyến khích định canh(22).
Ngày nay người Châu Ro thường sống từng gia đình nhỏ chứ không còn sống tập trung trong một nhà dài lớn như trước đây nữa, nên từng gia đình có thể sở hữu vườn rừng, vườn nhà, cũng như những nông cụ hay vật dụng trong gia đình. Về mặt tín ngưỡng, người Châu Ro sùng bái thiên nhiên. Họ tin nơi các vị thần Sấm, thần Sét, thần Sông, thần Núi, thần Bến Nước, thần Đất, vân vân. Họ cũng tin rằng các thiện thần và ác thần chi phối trực tiếp đời sống con người, nên khi làm bất cứ chuyện gì họ cũng tìm sự trợ giúp của thần linh. Người Châu Ro xem ông ‘Tom Bri’(23) là người chủ làng, có quyền lực tối cao trong làng về mọi mặt. Tuy nhiên, trong việc xử kiện hằng ngày, ‘Tom Bri’ của người Châu Ro không phải là người có quyết định tối hậu như ‘Tom Bri’ của người Stiêng, mà mọi xử kiện đều phải dựa vào tập quán với sự chứng kiến của thầy Chang(24).
Địa bàn sinh sống của người Châu Ro kéo dài từ cao nguyên Bảo Lộc xuống các vùng đông nam của sông Đồng Nai đến tận bờ biển Bà Rịa-Vũng Tàu(25) ngày nay. Tuy nhiên, vùng đất Xuân Lộc ngày nay đã từng là một địa bàn cư trú lâu đời của người Châu Ro. Người Châu Ro thích ở những nơi bưng thấp với những đám ruộng hẹp, nhưng lại có những con suối lớn. Người Châu Ro có vóc dáng nhỏ hơn người Stiêng, đầu dài, và tóc thẳng chứ không quăn, da không đen lắm. Họ thích cư trú tại các vùng đồi núi thấp chứ không thích ở những vùng núi cao của dãy Trường Sơn. Kỹ thuật làm rẫy của người Châu Ro khá tiến bộ. Người Châu Ro cũng có tục lệ chôn người chết, mở cửa mả, và cúng cơm cho người chết đến 100 ngày giống như người Việt.
Sau đó mỗi năm cứ đến ngày 23 tháng chạp âm lịch, họ có tục thăm viếng mồ mả người chết. Theo Bộ Thông Tin của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1970, đa số người Châu Ro đều nói rất thông thạo tiếng Việt, và khó lòng có thể phân biệt được người Việt với người Châu Ro nếu cả hai cùng cư trú tại thành thị. Vấn đề khó khăn để xác định nguồn gốc bộ tộc là ở chỗ ngay những bộ tộc thiểu số nầy cũng không biết rõ mình thuộc nhóm bộ tộc nào, nên có lúc họ nói mình thuộc bộ tộc nầy mà cũng có lúc họ lại cho mình thuộc một bộ tộc khác, như trường hợp của một nhóm người Stiêng từ vùng phía tây sông Bé lại tiếp tục di chuyển đến khu vực trũng của vùng Bình Long-Phước Long ngày nay, nơi có những vùng đất bưng biền và đầm lầy, khai phá thành ruộng rẫy, mà ngày nay người ta gọi là Stiêng Bu-dek(26).
Nhóm người nầy là những người Stiêng chánh gốc, nhưng có lúc họ lại tự nhận mình là Stiêng mà cũng có lúc họ lại cho mình là người Châu Ro. Môi trường sinh hoạt của người Châu Ro ở trong vùng không cao không thấp, mà lại không có hệ thống dẫn thủy nhập điền, thêm vào đó đất lại xốp và khô, nên về canh nông chỉ thích hợp cho việc trồng lúa khô, vì thế họ hoàn toàn lệ thuộc vào nước mưa trong việc canh tác. Tuy nhiên, cũng có một vài nơi người Châu Ro cũng khai thác ruộng sâu với nhiều sình lầy. Tại các nơi đó họ thường cho trâu dẵm cho nhuyễn đất trước khi gieo mạ theo lối làm lúa nước cổ điển. Khi đi rừng thì người Châu Ro thường trang bị liềm mốc(27) và lưỡi hái(28).
Về dụng cụ canh tác, đi đâu đến đâu có người Châu Ro người ta cũng thấy người Châu Ro thường vác trên vai một cây cuốc. Mà thật vậy, có người đặt tên cho nông nghiệp của người Châu Ro là ‘nông nghiệp dùng cuốc’, vì tất cả những công việc trong canh tác đều cần đến cây cuốc như đào xới đất, chen đất gieo hạt, đào đất lấy củ, vân vân. Tuy nhiên, ở những nơi gần với cộng đồng người Kinh, người Châu Ro cũng phát triển những loại cày do người kéo, đây cũng chỉ là một dạng xới đất bằng cách ghép nhiều lưỡi cuốc vào với nhau mà thành. Về sản xuất nông phẩm, bên cạnh việc trồng lúa và bắp, củ sắn, rau quả, người Châu Ro còn trồng thêm trên rẫy của mình đủ các loại đậu làm lương thực hằng ngày. Bên cạnh việc trồng trọt, người Châu Ro cũng có chăn nuôi một ít gia súc và gia cầm, nhưng không đủ cung ứng cho thức ăn hằng ngày, nên họ còn đi săn bắn và câu cá ở những cánh rừng hay con suối lân cận. Về nhà cửa, người Châu Ro thường cư trú trong những khu rừng lá và rừng thấp nên họ dùng các loại lá buông, lá cọ, cũng như tre và mây làm nguyên liệu cất nhà và làm vách, cũng như bàn, ghế, giường, tủ và những đồ gia dụng khác trong nhà. Cuối thế kỷ thứ XIX, sau khi thực dân Pháp đã lập xong những đồn điền cao su ở vùng Đồng Nai, người Châu Ro bị dồn về núi Chứa Chan và rừng núi tỉnh Bà Rịa. Theo thống kê của chánh quyền thực dân Nam Kỳ vào năm 1912, tại vùng núi Chứa Chan có 12 xã của người Châu Ro, và tại tỉnh Bà Rịa có khoảng 21 xã. Ngoài việc canh tác lúa nước và làm rẫy, người Châu Ro còn có tay nghề thủ công rất cao về đan lát và mây tre, đa số những chiếc ghế mây đưa lên Sài Gòn bán vào thập niên 1970 đều là sản phẩm của người Châu Ro. Bên cạnh đó phải kể đến nghề làm mộc của người Châu Ro cũng đã phát triển đến trình độ cao. Ngày nay, một số người Châu Ro đã định cư hẳn ở thành thị và hòa nhập với cuộc sống của đại đa số người Kinh. 

 Cộng Đồng Người Tà Mun Ở Miền Đông Nam Kỳ:




Hiện nay ở vùng Bình Long và Tây Ninh còn một tộc người bản địa khoảng trên dưới 1.500 người, đó là tộc người Tà Mun. Tưởng cũng nên nhắc lại là tộc người bản địa Tà Mun không có tên trong danh mục của 54 dân tộc Việt Nam. Vậy thì bộ tộc Tà Mun là bộ tộc có nguồn gốc từ đâu và họ có liên hệ gì tới các bộ tộc khác? Vì người Tà Mun có nhiều đặc điểm nhân thể, xã hội và đời sống gần giống như người Stiêng ở Bình Long và người Châu Ro ở Đồng Nai nên có nhiều ý kiến cho rằng người Tà Mun là một nhóm hỗn hợp của người Stiêng và người Châu Ro sống chung đụng với nhau. Nhưng theo quyển “Những Dân Tộc Thiểu Số Ở Việt Nam”, bộ tộc người Tà Mun không có tên trong số 54 dân tộc thiểu số, mà lại được xếp trong nhóm Stiêng(26). Bên cạnh đó, theo các bô lão người Tà Mun thì ba bộ tộc Stiêng, Châu Ro và Tà Mun hoàn toàn khác biệt nhau. Theo Văn Hóa & Cư Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long(29), từ sau năm 1930, một nhóm dân tộc thiểu số duy nhất theo đạo Cao Đài và Hội thánh Tây Ninh gọi họ là Tà Mun. Có thuyết giải thích Tà Mun là địa danh, cũng có người giải thích rằng Hội thánh Tây Ninh gọi nhóm nầy là người Miên, có tục lệ thờ ‘Niết Tà’, nên gọi họ là Tà Miên, nhưng Hội thánh kỵ húy chữ Miên nên gọi trại lại là Tà Mun. Trên đây chỉ là những lối giải thích khác nhau về nguồn gốc của tộc người Tà Mun mà thôi. Riêng tại vùng cao nguyên và miền đông Nam Phần, người Stiêng sinh sống ở các vùng Bù Đăng và Bù Đốp, còn người Tà Mun sống ở vùng Sóc Năm. Về sau nầy do hoàn cảnh chiến tranh, người Tà Mun di chuyển đến làm rẫy trong vùng Ninh Thạnh, trong thị xã Tây Ninh và Suối Đá(30). Sau khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, một số người Tà Mun di chuyển về phía bắc của núi Bà Đen, thuộc hai xã Tân Bình và Thạnh Tân, thuộc thị xã Tây Ninh; một số khác đi xa hơn về phía bắc trong những khu rừng thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu. Theo các bô lão người Tà Mun thì dầu có sống cộng cư với các bộ tộc Stiêng và Châu Ro rất lâu, nhưng tộc người Tà Mun hoàn toàn khác biệt với hai bộ tộc vừa kể trên. Người Tà Mun chịu ảnh hưởng rất lớn với nền văn hóa Khmer, và ngay cái tên Tà Mun cũng được đọc trại ra từ tiếng Khmer “Khmun”, là tên gọi của một trong những vị thần bảo hộ của dân tộc Khmer. Điểm đặc sắc của văn hóa Tà Mun là những bài hát nghi lễ, hát ru và những làn điệu dân ca, mang âm hưởng Khmer như lễ cột chỉ, lễ dâng trầu cau ra mắt, vân vân. Bên cạnh đó thì phong tục cưới chồng của người Tà Mun cũng rất đặc biệt, vì nó không giống như các lễ cưới theo mẫu hệ của người thiểu số khác, mà ông mai bên nhà trai phải qua bên nhà gái dạm hỏi trước. Sau khi hai bên đã đồng ý thì nhà gái mới đứng ra tổ chức lễ rước chú rể. Ngoài ra, ngày trước người Tà Mun còn nhiều nghi lễ khác như lễ ‘cầu mưa’, lễ ‘gieo hạt’, lễ ‘cúng cơm mới’, lễ ‘bỏ mả’, và Tết cổ truyền, vân vân. Tết cổ truyền của người Tà Mun thường rơi vào cuối tháng tám đầu tháng chín, vì đây là mùa mà các giống lúa trên rẫy(31) chín tới. Sau mùa thu hoạch là mùa rước nước và lễ cúng cơm mới trong dịp Tết cổ truyền, đây cũng là dịp để người Tà Mun cúng bái thần linh đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong dịp Tết cổ truyền người Tà Mun cũng mặc đồ mới, và cùng đóng góp lúa gạo, gà vịt, heo với làng để làng tổ chức cúng cơm mới và cúng ông bà vào đêm cuối tháng tám, sau đó họ đi chúc thọ lẫn nhau, rồi cùng nhau nhảy múa và ca hát suốt đêm(32). Tuy nhiên, ngày nay do chánh sách đô thị hóa và bởi sinh kế hằng ngày mà đa số người Tà Mun phải sống hòa nhập với cộng đồng người Việt, nên họ đã bỏ đi rất nhiều những tập tục cổ truyền.


Mời xem tiếp phần 3
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới;
***



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét