Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

Đất Phương Nam I - Phần 1 Cộng Đồng Những Cư Dân Bản Địa Trên Đất Nam Kỳ Xưa





Tổng Quan Về Những Cộng Đồng Cư Dân Cổ Tại Nam Kỳ: 

Người Việt chỉ mới có mặt trên vùng đất Nam Kỳ khoảng trên 300 năm nay mà thôi, và theo các di chỉ khảo cổ khai quật được thì vùng đất mà ngày nay chúng ta gọi là Nam Kỳ, Nam Phần hay Đất Phương Nam đã từng có những cộng đồng cư dân bản địa sinh sống từ mấy ngàn năm trước. Đất Nam Kỳ trước đây trực thuộc vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII; sau khi vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt thì nó trực thuộc vương quốc Chân Lạp. Kể từ thế kỷ thứ IX trở về sau nầy, vùng đất nầy có tên là Thủy Chân Lạp. Như vậy rõ ràng trước khi người Việt đến đây, vùng đất nầy đã có nhiều cộng đồng cư dân bản địa. Những cộng đồng cư dân cổ nầy đã cư ngụ tại vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ trước khi cha anh chúng ta đến đây hàng ngàn năm, và có lẽ họ đã ở đây trước những người Phù Nam lâu lắm. Đây là bản địa của các bộ tộc Mạ, Châu Ru, Stiêng, Cơ Ho, và Tà Mun, vân vân.
Khoảng từ 4 đến 5 ngàn năm trước, trong khi miền Bắc xuất hiện văn hóa Đông Sơn, miền Trung xuất hiện văn hóa Sa Huỳnh, bên Thái Lan xuất hiện văn hóa Bản Chiềng, thì ở vùng đồng bằng Nam Phần cũng xuất hiện một loại văn hóa mà bây giờ các nhà khảo cổ gọi là văn hóa ‘Đồng Nai’. Chính những cộng đồng cư dân cổ nhất trên vùng đất nầy là chủ nhân ông của nền văn hóa Đồng Nai nầy. Thành thật mà nói, chắc hẳn văn hóa Đồng Nai phải có sức sống mãnh liệt lắm mới có thể tồn tại và phát triển hàng ngàn năm trước thời Phù Nam, để rồi sau đó nó được tiếp nối bởi văn hóa Óc Eo, cũng rực rỡ không kém. Vào khoảng ba ngàn năm trước tây lịch, một số bộ tộc Nam Á và Nam Đảo đã đến vùng Đồng Nai khai phá vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Đồng Bằng Miền Đông(1).

Họ đã xây dựng nên các khu cư dân lớn trong vùng như Đồng Nai, Hàng Gòn, Dầu Giây, Sông Bé, Suối Chồn ở Xuân Lộc, Gò Dưa ở Tân Phú, Long Thành, Vàm Cỏ, và nhất là những vùng ven hai bên bờ sông Đồng Nai, vân vân. Thật vậy, theo kết quả của những di chỉ khảo cổ thì cư dân cổ tại các vùng nầy đã để lại rất nhiều chứng tích của nền văn hóa Đồng Nai. Rõ ràng trước khi người Việt Nam mở cõi về phương Nam, trên vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ đã từng có những nền văn hóa rực rỡ. Ngay cả trước khi người Phù Nam từ các vùng Nam đảo đến đây để thành lập vương quốc Phù Nam, tại đây cũng đã có cư dân cổ. Theo các nhà khảo cổ học, những di chỉ của nền văn hóa Đồng Nai đã được tìm thấy rải rác khắp các tỉnh miền Đông, mà ngôi cổ mộ ‘Hàng Gòn’ là một thí dụ điển hình; trong khi những di chỉ của nền văn hóa Tiền Óc Eo cũng đã được tìm thấy tại vùng Giồng Phệt. Nhiều nhất là những di chỉ của nền văn hóa Óc Eo (Phù Nam) đã được tìm thấy tại một hải cảng cổ mang tên Óc Eo.

Sau khi người Phù Nam bị triệt tiêu vào khoảng thế kỷ thứ VII, mặc dầu Chân Lạp trở thành chủ nhân ông của vùng đất nầy, nhưng di chỉ về văn minh Angkor chỉ được tìm thấy trên vùng Lục Chân Lạp mà thôi. Trước khi các chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam, nhiều lưu dân Việt Nam đã phiêu lưu đến vùng đất nầy tự khai hoang tìm sinh lộ. Tính đến nay, người Việt đã có mặt trên vùng đất nầy khoảng trên dưới 4 thế kỷ, nhưng họ cũng tạo cho vùng đất nầy một nền văn hóa mang tính đặc thù của riêng nó. Tuy không khác xa lắm với nền văn hóa cổ truyền, nhưng cũng không còn hoàn toàn giống với nền văn hóa Thăng Long hay Phú Xuân nữa. Sự khác biệt giữa nền văn hóa truyền thống Việt Nam và văn hóa Nam Kỳ chủ yếu phát sinh từ những hội nhập và thẩm thấu các nền văn hóa Champa và bản địa vùng Thủy Chân Lạp khi người Việt đang lần bước về phương Nam.

Những cư dân cổ ở đây đã xây dựng nên những cộng đồng lớn ở nhiều địa điểm khác nhau. Điều nầy đã được chứng minh bởi những khai quật khảo cổ với những loại hình vật dụng bằng đá và gốm sứ của những vật dụng đã được cư dân văn hóa Đồng Nai sử dụng trong các hoạt động nông nghiệp, săn bắn và hái lượm trong sinh hoạt hàng ngày. Riêng trong vùng phía bắc đồng bằng miền Đông người ta tìm thấy những loại hình di chỉ ‘công trình đất hình tròn’, nơi cư trú của cư dân văn hóa Đồng Nai. Đây là một loại hình cư trú khá đặc biệt mà cư dân cổ vùng Đồng Nai làm nơi cư trú đã được tìm thấy nhiều nơi trong vùng. Thường thì trên mỗi ngọn đồi thoai thoải, cư dân cổ xây dựng một hệ thống hai lớp tường đất đắp cao có hào sâu chính giữa, lớp tường bên ngoài thường cao hơn lớp tường bên trong(2).

Rõ ràng đây là một công trình giống như thành lũy để bảo vệ và che chắn nơi cư trú. Hầu như đa số những di chỉ tìm thấy của nền văn hóa nầy đều có truyền thống kỹ thuật đồ đá và gốm sứ trong việc chế tạo ra mọi vật dụng cho sinh hoạt thường ngày của họ. Vì cuộc sống của họ phải lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên họ thường tìm những nơi có sông hồ để lập nên nơi cư trú tập thể. Ngoại trừ một số bộ tộc sống trên những vùng đồi núi thấp của miền Đông Nam Phần, đa số cư dân thuộc văn hóa Đồng Nai đều tập trung tại các vùng sông nước. Họ luôn gắn bó với dòng sông và bến nước vì chính dòng sông đã cho họ chẳng những nguồn nước trong sinh hoạt, mà còn cho họ lương thực và phương tiện di chuyển nữa. Thời đó cư dân dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai và sông Bé đã sớm phát triển để trở thành vùng dân cư có kinh tế trù phú nhất trong vùng.
Tuy nhiên, khoảng những năm cuối trước tây lịch một số bộ tộc khác từ Nam Á và Nam Đảo đến đây và đã tạo ra những xáo trộn chính trị trong vùng để rồi cuối cùng đến đầu thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch thì vùng đất nầy hình thành một vương quốc mang tên Phù Nam. Vương quốc nầy phát triển đến cực thịnh vào khoảng thế kỷ thứ IV, nhưng rồi đến thế kỷ thứ bảy nó lại suy tàn, và toàn thể vùng đất Nam Kỳ lại rơi vào tay của vương quốc Chân Lạp. Riêng về phần lịch sử cư dân vùng đất Nam Kỳ thời kỳ vương quốc Phù Nam cho tới bây giờ hãy còn rất mù mờ không những đối với thế giới, mà còn ngay cả với các lân quốc trong vùng Đông Nam Á nữa. Theo các thư tịch cổ của Trung Hoa, vương quốc thì Phù Nam hay còn gọi là ‘Diệu Nghiêm Quốc’ xuất hiện khoảng đầu thiên niên kỷ Tây lịch và tồn tại khoảng trên dưới bảy thế kỷ. Các nhà khảo cổ đã và đang tiếp tục khai quật các di chỉ rải rác khắp vùng Nam Kỳ từ di chỉ Gò Chùa, Gò Tháp, Gò Rộc Chanh, Gò Sao, Gò Cây Thị, và Cạnh Đền, vân vân. Tuy công việc chưa hoàn tất, nhưng qua những kết quả gặt hái được từ những mẫu đất nung, những mảnh gốm sứ, và rất nhiều di vật khác có thể giúp chúng ta có những nhận định tương đối ít mù mờ hơn về hình ảnh của cộng đồng cư dân cổ thời vương quốc Phù Nam. Theo tài liệu khai quật khảo cổ thì tại vùng Óc Eo(3), dưới chân núi Ba Thê, vào những thế kỷ thứ II và thứ III có nhiều ngôi đền bằng gạch bên cạnh những khu nhà sàn liền nhau trên một khu đất rộng lớn. Điều nầy trùng hợp với những khai quật khảo cổ tại đây vào những thập niên 1930s và 1940s. Căn cứ vào những bông tai, nhẫn, cà rá, và chuỗi hột đào được, người ta đoán những khu nhà sàn nầy có lẽ là những khu buôn bán sầm uất của người Phù Nam. Điều nầy cũng trùng hợp với những ghi chép từ phía Ấn Độ là vào những thế kỷ từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ VII, rất nhiều thương gia Ấn Độ đến khu cư dân mà bây giờ chúng ta gọi là Đồng Bằng Sông Cửu Long để mua bán. 



Sự Phát Triển Của Các Bộ Tộc Bản Địa Ở Nam Kỳ Trước Thời Vương Quốc Phù Nam:
Từ khi được định hình cho đến ngày nay, miền Đông Nam Kỳ luôn là vùng đất của những cánh rừng già đất đỏ; trong khi miền Tây luôn là khu trũng thấp cho mãi đến khoảng ba mươi thế kỷ trước tây lịch thì sông Cửu Long mới bồi đắp và tạo hình cho nó có dáng vẻ giống như ngày nay. Như vậy phải nói địa bàn cư trú chính của những bộ tộc cư dân cổ trên miền đất Nam Kỳ xưa phải là miền Đông Nam Kỳ. Như trên đã nói, nhưng cư dân cổ đầu tiên trên vùng đất nầy là những người Nam Á và Nam Đảo(4), có nguồn gốc Indonesien, có tiếng nói thuộc ngữ hệ Môn-Khmer cổ đại. Họ đã dong buồm đến định cư ven hai bên bờ sông của những vùng đất cao cách đây khoảng trên dưới ba ngàn năm trước tây lịch. Tuy nhiên, theo kết quả khai quật khảo cổ của những di chỉ săn bắn và hái lượm bằng đá tìm thấy rải rác khắp nơi chứng tỏ khi mới đến đây những cư dân cổ nầy không định cư hẳn tại một vùng, mà họ là những bộ tộc du mục chia làm hai nhóm: săn bắn và hái lượm. Thời đó họ luôn di chuyển trên khắp địa bàn miền Đông Nam Kỳ để săn bắn và hái lượm. Tuy nhiên, sau đó cả hai nhóm săn bắn và hái lượm dần dần định hình những khu vực định cư riêng biệt cho chính bộ tộc mình. Có lẽ ngay từ khoảng ba bốn ngàn năm trước đây, khi nền nông nghiệp nguyên thủy bắt đầu xuất hiện, nghĩa là sau khi con người đã phát hiện ra cây lúa và đã biết đến chăn nuôi một số gia súc và bắt đầu thành hình những khu cộng đồng cư dân cố định, từ đó xuất hiện những cuộc xung đột giữa những bộ tộc cổ để xác định quyền sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong địa bàn quản lý của bộ tộc mình. Có thể hồi đó những cư dân bản địa đầu tiên tại đây là tổ tiên của người Mnông ngày nay và người Stiêng ở trong khu vực săn bắn ở các vùng cao nguyên Nam Trung Phần, vì cả hai giống người Mnông ngày nay và người Stiêng đều có tiếng nói gần giống nhau, có ngữ âm và ngữ điệu rất gần nhau, và mãi cho đến ngày nay họ vẫn còn chung sống trong một buôn làng mà không phân biệt Mnông hay Stiêng. Trong khi đó, người Mạ và người Châu Ro ở trong khu vực hái lượm từ phía đông sông Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu lại có tiếng nói hoàn toàn khác biệt với người Mnông và Stiêng. 



Cộng Đồng Người Stiêng Ở Miền Đông Nam Kỳ: 



Như trên đã nói, có lẽ tổ tiên người Mnông ngày nay cũng là tổ tiên của người Stiêng(5) ở trong khu vực săn bắn trên vùng cao nguyên Nam Trung Phần. Hai bộ tộc nầy đều thuộc giống người thuộc ngữ hệ Môn-Khmer, có tiếng nói ngữ âm và ngữ điệu gần giống nhau, có chế độ gia đình giống nhau. Theo thống kê của bộ Thông Tin VNCH năm 1958 về người Mnông tại các vùng Nam cao nguyên Trung Phần và Biên Hòa có khoảng trên 67.000 người. Trong khi người Stiêng tại các vùng Nam cao nguyên Trung Phần, Lâm Đồng, Biên Hòa và Tây Ninh gồm khoảng trên 50.000 người. Người Stiêng có thân hình khỏe mạnh, cao lớn, mũi cao, chân mày rộng, sọ tròn, hốc mắt không sâu, tóc hơi quăn, da ngăm đen, nhanh nhẹn, thích sự náo động và săn bắn. Họ ở trong vùng rừng núi có nhiều hoang thú nên tổ tiên của họ đã sớm phát triển những kỹ thuật săn bắn các loại thú lớn, cũng như truyền lại cho những thế hệ sau nầy những loại chất độc có thể vật chết con mồi rất nhanh. Thường thì nhóm người Stiêng đi rừng săn bắn đều được trang bị với những khí cụ như chà gạt(6), dao nhọn(7), rìu(8), và cuốc(9). Mãi đến ngày nay tại nhiều nơi ở vùng Tây Nguyên hai bộ tộc Mnông và Stiêng vẫn còn chung sống trong một buôn làng mà không hề phân biệt Mnông hay Stiêng. Sở dĩ có sự phân biệt do bởi về sau nầy trong quá trình di chuyển về phía Nam, một bộ phận của người Mnông đã đi về phía đông nam để săn bắn và bẫy thú ở những vùng rừng rậm có đầm lầy dọc theo phía tây sông Bé, phía tây bắc sông Đồng Nai, và quanh vùng núi Bà Đen. Bộ phận nầy đã tiếp xúc và gần gủi với người Khmer trong vùng và đã tự hình thành một nhóm tộc người khác có tên là Stiêng. Sau đó một bộ phận của nhóm người Stiêng nầy lại di chuyển đến khu vực trũng của vùng Bình Long-Phước Long ngày nay, nơi có những vùng đất bưng biền và đầm lầy, khai phá thành ruộng rẫy, mà ngày nay người ta gọi là Stiêng Bu-dek(10). Đến cuối thế kỷ thứ XIX khi thực dân Pháp bắt đầu phát triển những đồn điền cao su ở miền đông Nam Phần, vì không thích ứng được với sự thay đổi của hệ sinh thái nên người Stiêng đã phải rút sau vào rừng hay đi về phía cao nguyên Nam Trung Phần. Đây là biến cố khiến cho dân số của bộ tộc Stiêng bị giảm đi rất nhanh vì họ đã quen với những khu rừng già nhiệt đới trên vùng đất đỏ với sông rạch và nước nôi đầy đủ, nay lại phải rút sâu vào những vùng đất xám nơi có rất ít sông ngòi và nguồn nước thật là khan hiếm. Bên cạnh đó, trong những khu rừng nầy có rất ít thú nhỏ cho họ săn bắn mà ngược lại, họ bị thú dữ như cọp, beo, gấu, và voi uy hiếp trong sinh hoạt hằng ngày. Đối với người Stiêng, việc săn bắn được xem là quan trọng trong việc tìm kiếm thực phẩm vì họ không có thói quen chăn nuôi trâu bò hay những thứ gia cầm khác. Chính vì vậy mà người Stiêng rất thành thạo về săn bắt và câu cá. Tuy nhiên, việc săn bắn của họ rất bấp bênh vì họ hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh thiên nhiên. Đến mùa mưa, họ thường tổ chức những cuộc đi săn cá trên những dòng suối.

Cộng đồng người Stiêng trong vùng An Lộc 



Đối với các buôn làng người Stiêng, quyền lợi sở hữu tập thể là một quyền lợi tối cao. Đất sở hữu tập thể bao gồm đất cất nhà ở, đất rẫy, đất luân canh(11), đất cấm(12), sông, suối, rừng và lâm thổ sản từ rừng núi(13). Trong xã hội người Stiêng, ít khi người ta nói đến quyền sở hữu gia đình, mà người ta thường nói đến quyền sở hữu dòng họ, thí dụ như một dòng họ sở hữu một cái nhà dài, chiêng, ché rượu, vòng vàng trang sức, thóc lúa, đậu, ngô, khoai, cũng như tất cả súc vật như trâu bò, heo, gà, vịt, vân vân, và một khu đất ven suối để canh tác cho riêng dòng họ mình. Tất cả mọi người trong gia đình nhỏ đều ở chung với những gia đình nhỏ khác trong một khu nhà dài của dòng họ. Đó là những ngôi nhà dài truyền thống, trong đó có vài gia đình nhỏ hay một gia đình lớn với nhiều thế hệ cùng nhau sinh sống. Thường thì những ngôi nhà nầy có hai cửa lớn ở hai đầu nhà và lẫm lúa ở dưới sàn nhà, hai mái thường phủ xuống chỉ còn cách mặt đất chừng 4 tấc mà thôi. Nhà dài khoảng từ 30 đến 40 mét nếu có khoảng ba bốn gia đình chung sống; nếu có khoảng năm hoặc sáu gia đình thì ngôi nhà sẽ dài từ 50 đến 60 mét. Đất đai của dòng họ thường được buôn làng chia theo nhân số lao động; tuy nhiên, bất cứ dòng họ nào bỏ đất hoang thì đất ấy sẽ bị buôn làng lấy lại để chia cho dòng họ khác. Như vậy, đối với người Stiêng, gia đình và dòng họ không thể tự quyền chuyển nhượng tài sản đất đai mà phải do vị đứng đầu làng (Tom Bon) thay mặt làng để chuyển nhượng, và sự sang nhượng có thể thực hiện bằng cách trao đổi tôi tớ, còng chiêng, ché đựng rượu, trâu bò hay tiền bạc. Điểm đặc biệt trong quyền chuyển nhượng đất đai của người Stiêng là họ không thể nhượng đất cho người ngoài làng. Người Stiêng rất xem trọng nghi lễ chuyển nhượng, chính vì vậy mà mọi người trong làng đều phải đến để chứng giám cho sự chuyển nhượng nầy. Người Stiêng có tập tục ‘cà răng căng tai’, thường thì họ cà răng tới nướu và căng tai tới tận vai. Không phải ai cũng được ‘cà răng căng tai’, mà chỉ có những giai cấp quí tộc mới được cái vinh dự nầy, vì nó là dấu chỉ được sự kính trọng của các giai cấp khác. Ngoài ra, người Stiêng còn có tập tục đeo đủ thứ vòng bạc, đồng và xâm mình. Về cách ăn mặc, đàn ông người Stiêng thường đóng ‘khố’ và đàn bà có khi cũng đóng khố, có khi thì họ lại vận sà rông như kiểu người Khmer, nhưng phần trên để trần, nhưng đến mùa lạnh họ thường quấn mền trùm khắp cả thân người. Cũng như xã hội người Việt, người Stiêng cũng có kẻ giàu người nghèo, có những gia đình quá nghèo nên con cái đến tuổi trưởng thành vẫn không có quần áo để mặc. Thỉnh thoảng có những gia đình có con trai đến tuổi lấy vợ, nhưng vì quá nghèo nên phải đem bán bớt con mình để lấy tiền về cưới vợ cho con trai. Chính vì vậy mà tệ nạn buôn bán nô lệ trong xã hội người Stiêng vẫn còn tới ngày nay. Đối người người Stiêng, nợ của cha mẹ đời nầy không trả hết thì con cái phải tiếp tục làm nô lệ để trả tiếp. 



Đàn ông Stiêng đóng khố và ở trần 


Kỳ thật tình trạng buôn bán nô lệ không chỉ xãy ra trong xã hội người Stiêng, mà nó xãy ra trong hầu hết các buôn làng cư dân bản địa thiểu số như Mạ, Cơ Ho, và Châu Ro, vân vân. Về mặt tín ngưỡng, người Stiêng tin tưởng vào các vị thần sông, thần núi, thần, thần rừng, thần đất, vân vân. Nhưng kể từ khi tiếp xúc nhiều với người Khmer, người Stiêng cũng thờ ‘Néak Tà’, có thể xem là vị ‘Thổ Thần’ của người Việt. Vào mùa mưa, người chủ gia đình thường mang lễ vật tới miễu thờ ông Tà và cử hành lễ lạc tại đây, vì họ tin rằng làm như vậy ‘Ông Tà’ sẽ vừa lòng và ban cho họ một năm sống trong sự an bình và thịnh vượng. Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, thì miền Nam lại bị lâm vào chiến tranh triền miên trong suốt từ năm 1960 đến năm 1975. Những khu rừng nơi người Stiêng cư trú bị chiến tranh tàn phá. Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa phải tiếp trợ cho họ về mọi mặt từ nhà ở đến lương thực. Đến năm 1970, cuộc sống của người Stiêng ở miền đông Nam Phần đã tương đối ổn định về mặt vật chất; tuy nhiên, cuộc sống tinh thần của họ vẫn bị xáo trộn khi họ bị tách rời ra khỏi vùng môi sinh thiên nhiên. Sau năm 1975, chiến tranh chấm dứt, đa số người Stiêng đã tản cư ra thành thị đều hồi cư trở về khu sinh thái thiên nhiên trước đây.

Mời xem tiếp phần 2
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:

***

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét