Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Vùng Đất Cochinchine Và Công Nữ Ngọc Vạn Phần 1



 

Tổng Quan Về Địa Danh Cochinchine:  

Vào cuối năm 1984, tôi có dịp sống chung với các anh Hứa Hoành và Đỗ Hữu Trí tại trại Tỵ Nạn Bataan, Phi Luật Tân. Anh em chúng tôi luôn có những đêm trà mạn đàm về vùng đất mang tên Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ai trong chúng ta cũng đều đồng ý chữ Cochinchine là một từ Pháp ngữ gồm hai phần, phần thứ nhất là “Cochin” và phần thứ nhì là “Chine”. Chữ “Chine” thì ai cũng biết là “Trung Quốc”, tên của một quốc gia rộng lớn ở vùng Đông Bắc Á Châu. Còn chữ “Cochin” thì có nhiều cách giải thích khác nhau. Chữ “Cochin” không phải là một từ ngữ riêng dành cho một địa danh trên bán đảo Đông Dương, nó cũng được người Pháp dùng để gọi một địa danh trên bờ biển Malabar Coast ở Ấn Độ mà người Bồ Đào Nha đã đặt tên trên những bản đồ hàng hải của họ từ trước thế kỷ thứ XV. Theo Aurousseau, chữ “Cochin” có nghĩa là “Giao Chỉ”.
Tuy nhiên, từ Giao Chỉ đã không còn được sử dụng từ lâu lắm rồi, có lẽ ngay trong những ngày đầu mà cha anh chúng ta bắt đầu dong ruổi về phía Nam để tránh xa nanh vuốt tàn bạo của giặc phương Bắc, chúng ta đã không chấp nhận sự áp đặt cái tên có vẻ khinh miệt của người Trung Hoa, nhưng thời đó người Tây phương không biết đến Việt Nam một cách trực tiếp mà chỉ biết rằng vùng đất đó có tên là Quachymchyna theo tiếng Bồ Đào Nha. Từ “Quachymchyna” của Bồ Đào Nha lại thoát thai từ chữ Ả Rập “Kwaci-min-cin” mà âm Trung Hoa là “Kiao Tche” (Giao Chỉ). Lại có giải thích khác cho rằng bắt đầu từ thế kỷ thứ XV thì người Tây phương, nhứt là người Bồ Đào Nha mới khởi sự có mối quan hệ và biết nhiều đến Việt Nam qua cái tên Cauchinchina, tức là quận Cửu Chân của Trung Hoa. Riêng tôi, tôi cũng hoàn toàn không đồng ý với cái tên “Cửu Chân của Trung Hoa”, có lẽ do chữ Cauchinchine mà ra, vì huyện Cửu Chân là một trong 9 huyện được Hán Vũ Đế áp đặt lên những vùng đất Lạc Việt từ năm 111 trước Tây lịch(1), và đất nước tôi đã hoàn toàn độc lập từ thế kỷ thứ X sau khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi. Tuy nhiên, đó là tên gọi duy nhất mà người Tây phương biết đến và dùng để gọi vùng đất mà bây giờ là đất nước Việt Nam nên tôi tạm chấp nhận cách gọi nầy. Đến đầu thế kỷ thứ XVI thì tên gọi “Cauchinchina” hầu như xuất hiện thường xuyên trên các bản đồ hàng hải Tây phương, và mãi đến thế kỷ thứ XVII thì từ “Cochinchina” được thay thế cho từ “Cauchinchina”, nhưng không ai giải thích được tại sao lại dùng “Cochin” để thay thế cho “Cauchin”.  

Sự Quan Hệ giữa Địa Danh Cochinchine Và Công Nữ Ngọc Vạn:

 Anh Hứa Hoành cũng có kể lại cho chúng tôi nghe về chuyện “Cô Chín Xinh” như sau: Vào khoảng năm 1973, có một Việt kiều tên Nguyễn văn Long, ở bên Miên có trên 20 năm đã kể lại rằng mãi đến thời cận đại, người dân Miên vẫn còn phàn nàn với nhau rằng chỉ vì một nàng công chúa Việt Nam (2) mà Cao Miên phải mất đi nguyên vùng Thủy Chân Lạp bao la bạt ngàn. Dù chuyện phàn nàn của dân gian Miên có trùng hợp với tài liệu lịch sử đã được ghi lại trong cuốn “Vương Quốc Cao Miên”(3) của Moura, nhưng theo thiển ý, chuyện dân Cao Miên gọi công nữ Ngọc Vạn bằng “Cô Chín”, mà cô lại rất xinh đẹp nên dân chúng hai vùng Prei Nokor và Kas Krobei (Chợ Lớn và Sài Gòn ngày nay), cũng như người Khmer thời đó đều gọi cô là “Cô Chín Xinh”. Cũng có thể vì công nữ là người vợ thứ “Chín” của vua Chey Chetta II, mà cũng có thể là người con thứ “Chín” của chúa Sãi nguyễn Phúc Nguyên, vì chúa Nguyễn Phúc Nguyên có rất nhiều con trai, trong số đó có bốn cô con gái là các công nữ Ngọc Liên, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa, và Ngọc Đỉnh. Năm 1863, khi đại diện Pháp đến Miên thương lượng một hiệp ước bảo hộ vương quốc này thì Miên ưng thuận ngay. Khi Doudart de Lagreé hỏi vua Norodom ‘phần đất Nam Việt gọi là gì để ghi vào hiệp ước?’ Vua Norodom trả lời không chút do dự: “Cô Chín!”(4) Như vậy đủ chứng tỏ mãi hơn 150 năm sau mà người dân Miên, ngay cả ông vua của họ, cũng không quên được một “Cô Chín” đã tóm thâu cả một vùng đất Thủy Chân Lạp bao la. Về sau, để tránh trùng tên với một vùng cũng tên Cochin ở Ấn Độ, nên người Pháp gọi vùng Nam Kỳ là Cochinchine. 

Tôi sanh ra và lớn lên trong lòng Nam Kỳ, trong vòng tay yêu thương của đàn hậu duệ của những người can trường đi mở cõi về phương Nam. Tôi đã sống và đã trải qua những năm tháng cùng khổ của tuổi thơ với bao nhiêu vất vả gian nan của một đời người. Chính vì thế mà tôi luôn trân trọng và yêu quý các bậc tiền nhân đã từng đặt chân đến đây, mở mang bờ cõi, và để lại cho đàn hậu duệ một dãy đất đầy hoa gấm hôm nay. Trong số những bậc tiền hiền ấy, chúng ta không thể không kể đến nàng công nữ xinh đẹp của xứ Đàng Trong. Công Nữ Ngọc Vạn đã bỏ lại sau lưng những gấm hoa vương giả của một nàng công nữ cành vàng lá ngọc để theo gót tiền nhân làm lịch sử. Nàng đã theo gót Huyền Trân công chúa đời Trần, một thân vạn dặm ra đi, để lại phía sau cho dân tộc cả một vùng Bình Trị Thiên lịch sử. Công Nữ Ngọc Vạn cùng em là công nữ Ngọc Khoa đã ra đi làm lịch sử mở cõi về phương Nam. Nếu Ngọc Khoa đã làm dịu đi mối nghi kỵ giữa hai dân tộc Việt Chiêm, thì Ngọc Vạn đã một thân đi thẳng vào vùng rừng rậm phương Nam mở đất Mô Xoài Đồng Nai. Thật vậy, nếu không có tiếng nói của nàng công nữ yêu kiều ấy thì chắc gì Miên Vương Chey Chetta II đã đồng ý cho quan quân xứ Đàng Trong vào đặt sở thu thuế ở các vùng Prei Nokor và Kas Krobei? 

Công Nữ Ngọc Vạn là con gái thứ hai trong số các cô con gái của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635). Để đương đầu với quân Trịnh hùng mạnh ở phương Bắc, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên đã cố gắng hòa hoãn với các lân bang phương Nam của mình là Chiêm Thành và Chân Lạp. Trong kế hoạch thắt chặt tình giao hảo với các lân quốc về phương Nam, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả công nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm là Pô Romê và gả công nữ Ngọc Vạn cho Miên Vương Chey Chetta II (1618-1628). Tuy nhiên, không thấy sử sách cũng như ngoại sử viết nhiều về vai trò cũng như công lao của công nữ Ngọc Khoa trong công cuộc Nam Tiến, mà chỉ nghe dân gian Chiêm quốc ta thán về một bà công chúa Việt Nam đã khiến vua Pô Romê mê muội và kết quả là đưa đến việc Chiêm Thành bị diệt vong. Trong khi đó sử sách Việt Nam cũng không viết gì về vai trò của công nữ Ngọc Vạn, tuy nhiên, ngoại sử viết nhiều về nàng công nữ nầy trong việc bà thuyết phục vua Miên cho phép lưu dân người Việt đến trú ngụ tại một vùng đất bao la bạt ngàn mà sau này trở thành Nam Kỳ Lục Tỉnh của Việt Nam. Sau khi được gả cho Miên vương, công nữ Ngọc Vạn được tấn phong làm Hoàng hậu với danh hiệu Somdach Prea Peaccacyo-dey Preavoreac Ksattrey vào cuối năm 1620. Do cuộc hôn nhân này mà sự giao hiếu giữa Việt Nam và Cao Miên được khắng khít hơn và người Việt được phép di dân vào đất Thủy Chân Lạp để sinh sống dễ dàng hơn. 

Quốc Sử Quán Triều Nguyễn Nói Gì Về Công Nữ Ngọc Vạn: 

 
Quốc sử quán triều Nguyễn cũng không ghi lại gì nhiều về cuộc hôn nhân của công nữ Ngọc Vạn với vua Miên, mà chỉ ghi rất đại lược như sau: “Năm Canh Thân 1620, Chúa Sãi gã người con gái thứ nhì là nguyễn Phúc Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II.” Kỳ dư không ghi lại bất cứ công trạng hay sự nghiệp gì của công nữ Ngọc Vạn cả. Trong khi sử Cao Miên thì ghi như sau: “Quốc Vương Chey Chetta II xin cưới công nữ của chúa Nguyễn làm hoàng hậu vì mong được sự ủng hộ của triều đình nhà Nguyễn ở Thuận Hóa.” Còn các nhà truyền giáo Thiên Chúa đang có mặt ở Chân Lạp và xứ đàng trong thì viết: “Vua Chân Lạp Chey Chetta II muốn tìm một đối lực để chống lại thế lực của Xiêm La nên xin cưới một công nữ của chúa Nguyễn làm hoàng hậu, trông mong được sự ủng hộ của triều đình Thuận Hóa, và Chúa Sãi thì có mưu đồ xa xôi, năm 1620 đã gả con gái cho vua Chân Lạp. Cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng lớn lao đến vận mạng của Chân Lạp sau này.” 

Mặc dù nguồn gốc của chữ “Cochinchine” hãy còn rất mơ hồ, nhưng tôi thấy tên Cochinchine cũng khá trùng hợp với “Cô Chín Xinh” nên tôi cũng đồng ý với anh Hừa Hoành, xin mạo muội lấy tên “Cô Chín Xinh” để gọi tên của một vùng đất mà nàng công nữ thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Nguyên vì những lý do sau đây: thứ nhất theo thiển ý, công nữ ngọc Vạn đã có công đầu ghi vào những trang sử mở cõi về phương Nam, thứ nhì có lẽ người ta đã quá bất công với hai bà công nữ triều Nguyễn, mà công trạng cũng không kém gì công trạng của Huyền Trân công chúa đời Trần. Đối với Huyền Trân thì người ta đã sáng tác không biết bao nhiêu là thi thơ và dân ca để ca tụng bà và sử sách cũng ghi lại hẳn hòi mục đích vua nhà Trần gả bà về với vua Chiêm cũng như công lao của bà đối với đất nước. Trong khi đó thì cả công nữ Ngọc Vạn lẫn công nữ Ngọc Khoa không có lấy một dòng chánh sử để cho hậu thế biết được hạt cơm mà họ đang ăn và nguồn nước mà họ đang uống cũng có phần công lao rất lớn của nhị vị công nữ Nguyễn trào. Hãy lần dở lại bộ “Đại Nam Liệt Truyện”, một bộ sách do Quốc Sử Quán triều Nguyễn ghi lại, chúng ta chỉ thấy vỏn vẹn có một hàng ngắn về công nữ Ngọc Vạn: “Ngọc Vạn là em cùng mẹ với hoàng trưởng tử Kỳ”, còn tuyệt nhiên không nói gì đến công nữ Ngọc Khoa. Quả là một thiếu sót cố tình của các quan viết sử nhà Nguyễn! Tuy nhiên, nếu để ý một chút chúng ta sẽ thấy nguyên nhân của “sự thiếu sót cố tình” nầy. Ngay cái câu “Ngọc Vạn là em cùng mẹ với hoàng trưởng tử Kỳ” nầy đã khiến cho quốc sử quán không dám viết gì thêm nữa về các nàng công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa. Số là như vầy, hoàng trưởng tử Kỳ là con cả của chúa Sãi, là dòng trưởng của nhà chúa thời bấy giờ. Tuy nhiên, hoàng trưởng tử Kỳ mất vào năm 1631 khi đang trấn thủ vùng Quảng Nam. Khi qua đời, hoàng trưởng tử Kỳ có bốn con trai là Nhuận, Xuân, Tài và Trí. Đến năm 1635 thì Chúa Sãi băng hà, đáng lý ra theo truyền thống thì ngôi chúa phải thuộc về dòng trưởng, tức là về tay của người con tên “Nhuận” của hoàng trưởng tử Kỳ, nhưng không biết vì lý do gì mà chúa Sãi để lại di chúc nhường ngôi cho người con thứ hai tên “Lan”, thuộc dòng thứ, không cùng mẹ với hoàng trưởng tử Kỳ và công nữ Ngọc Vạn. Mặc dù chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan là một bậc minh quân lỗi lạc và nhân hậu, nhưng có lẽ chính vì mặc cảm “dòng thứ” mà chúa Nguyễn Phúc Lan không muốn sử sách viết gì về hai nàng công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa. Như trên đã nói, không có sách sử nào của phía Đàng Trong nói gì về công nữ Ngọc Vạn, nhưng theo suy đoán thì năm 1620, nàng được gả về cho Miên Vương vào tuổi đôi tám, như vậy có lẽ nàng sanh ra vào khoảng những năm 1603 hay 1604. Còn nói về hôn lễ và cuộc rước dâu của Miên vương, cả sách sử Việt Nam lẫn Cao Miên đều không ghi lại một chi tiết nào. Tuy nhiên, theo hồi ký của các giáo sĩ cũng như các thương nhân Âu Châu đương thời, chúng ta thấy đây là một cuộc đưa dâu có tính toán từ phía chúa Nguyễn Phúc Nguyên, và một cuộc rước dâu cực kỳ long trọng của vua Miên Chey Chetta II(5). Theo hồi ký được xuất bản năm 1631 của giáo sĩ Christoforo Borri, một giáo sĩ người Ý đã sống gần vùng Qui Nhơn từ năm 1618 đến năm 1622, chúng ta thấy vào khoảng đầu năm 1620, vua Chân Lạp là Chey Chetta II đã sai sứ đem nhiều lễ vật đến Thuận Hóa, tỏ ý muốn giao hảo và xin cưới công chúa xứ Đàng Trong. Lời cầu hôn của vua Chey Chetta II được chúa Nguyễn Phúc Nguyên chấp thuận, và liền sau đó chúa đã chọn cô công nữ cưng yêu nhất của ngài là công nữ Ngọc Vạn. Với chúa Nguyễn, đây không phải là một cuộc hôn nhân bình thường, mà là một cuộc hôn nhân có tính cách ngoại giao rất trọng đại, một cuộc hôn nhân mà chủ đích của nó là bằng mọi cách phải làm sao cho xứ Đàng Trong liền một dãy từ Thuận Hóa đến Hà Tiên. Vì thế mà ngay sau khi nhận lời, chúa đã cho cử hành ngay một cuộc đưa dâu với một đoàn tùy tùng đông đảo được hộ tống bởi cả một đội chiến thuyền. Chuyện công nữ Ngọc Vạn được gả về cho Miên vương chẳng những là một biến cố lớn, thật lớn đối với quần thần xứ Đàng Trong, đối với nhân dân Nam Hà, mà còn là một biến cố cực kỳ trọng đại đối với nước Cao Miên và người Cao Miên nữa. Trước khi tiễn con ra đi, chúa đã nói gì với công nữ Ngọc Vạn? Khỏi cần phải bàn luận, ai trong chúng cũng đều có thể đoán được là chúa đã căn dặn con mình những gì, vì chỉ không lâu sau đó, biết bao nhiêu biến cố thuận lợi đã xảy ra cho lưu dân Việt Nam trong các vùng Kas Krobei và Prei Nokor. Theo Trịnh Hoài Đức trong ‘Gia Định Thành Thông Chí,’ từ các đời tiên hoàng đế, tức là từ thời các chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phước Nguyên, người Việt đã đến khai khẩn vùng Mô Xoài. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì Mô Xoài là vùng địa đầu của Biên Trấn, tức là vùng lưu dân người Việt đầu tiên đặt chân đến để khai phá và mở mang nước Việt về phương Nam. Các nhà làm sử Chân Lạp, mặc dầu không ưa gì bà hoàng hậu người Việt Nam, nhưng cũng phải thừa nhận rằng bà rất xinh đẹp và rất khôn khéo, chính vì vậy mà chẳng bao lâu sau khi về làm hoàng hậu cho xứ Chân Lạp bà đã có ảnh hưởng rất lớn đối với vua Chey Chetta II. 

Hết Phần 1
 ***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét