Bá Đa Lộc
Hoàn Cảnh Nào Đã Đưa Đẩy Nguyễn Ánh Gặp Bá Đa Lộc?
Đối với thế giới và dân Pháp, có lẽ cái tên Bá Đa Lộc đã chìm sâu vào
quên lãng, nhưng đối với lịch sử và nhân dân Việt Nam, cái tên ấy nó vẫn
còn in đậm trong tâm tưởng như một vết hằn đau đớn, một vết sẹo chưa
lành, hay một vết thương vẫn còn rỉ máu... vì chính ông đã khiến cho cục
diện Việt Nam thay đổi hoàn toàn. Thật tình mà nói, nếu thế giới nầy
chưa từng có tên Bá Đa Lộc, có lẽ cục diện Việt Nam sẽ không như ngày
hôm nay. Như trên đã nói, trong cuộc chinh chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn
Ánh, phải thành thật mà nói, chưa một lần nào Nguyễn Ánh có thể đương
đầu trực diện với Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, một mặt vì thù nghĩa quân Tây
Sơn đã giết hại dòng họ của mình, mặt khác vì lúc nào cũng ôm mộng lấy
lại cho bằng được chiếc ngai vàng, nên Nguyễn Ánh không từ nan bất cứ
chuyện gì, ngay cả chuyện rước voi về dày mả tổ. Cũng chính vì vậy mà
Nguyễn Ánh đã đặt quyền lợi đất nước sau chuyện trả thù và khôi phục lại
chiếc ngai vàng cho dòng họ. Ông luôn nghĩ tới chuyện cầu cứu với ngoại
quốc, hết Xiêm, tới Pháp, rồi tới Bồ Đào Nha và Hòa Lan. Ngay cả cái
việc giao đứa con trai mới 4 tuổi của mình cho Bá Đa Lộc để làm con tin,
Nguyễn Ánh cũng không từ, thì thử hỏi chuyện gì mà Nguyễn Ánh không làm
được? Tệ hại hơn nữa, chính Nguyễn Ánh đã giao trọn quyền cho Bá Đa Lộc
khi thương thuyết với chánh phủ Pháp trong việc ký kết hiệp ước
Versaille vào năm 1787. Trong hiệp ước nầy, Nguyễn Ánh sẵn sàng dâng đất
dâng biển cho Pháp, nhất là việc nhượng đứt cho Pháp phố cảng Hội An và
quần đảo Côn Sơn, để được người Pháp giúp ông binh lính, vũ khí và quân
trang quân dụng trong chiến tranh đối đầu với nghĩa quân Tây Sơn. Trong
khi đó, về phía giám mục Bá Đa Lộc, động lực nào đã xui khiến vị giám
mục nầy lại trở nên quá gắn bó với triều đình xứ Đàng Trong như vậy?
Tưởng cũng nên nhắc lại, vào những thế kỷ thứ XV, XVI, XVII, XVIII, và
XIX, Giáo Hội La Mã đã tung ra các đoàn truyền giáo Tây phương viễn du
khắp nơi trên hoàn vũ với mục đích duy nhất là đem giáo lý đạo Ki Tô
giáo hóa những người mà họ cho là hãy còn man di mọi rợ. Qua những đoàn
truyền giáo nầy, họ muốn Ki Tô hóa toàn cầu, và sự xuất hiện của giám
mục Bá Đa Lộc tại xứ Đàng Trong cũng nằm trong chương trình Ki Tô hóa
toàn cầu nầy. Theo Việt Nam Giáo Sử của linh mục Phan Phát Huờn, năm
1774, Bá Đa Lộc được tấn phong Giám mục tại Madras, Ấn Độ. Đến năm 1775,
Tổng trấn Mạc Thiên Tứ mời ông về Hà Tiên (?) và nhường cho ông một khu
đất khá rộng gần thành phố để có thể tiện việc truyền giáo. Các giáo
hữu tụ họp ở đây rất đông đảo, vì giặc giã đói khát họ đã từ khắp các
tỉnh Nam Việt đến Hà Tiên tỵ nạn. Các thừa sai ước lượng số tỵ nạn lên
đến ngàn người. Bá Đa Lộc lập họ đạo Pigneau ở Hà Tiên. Chính lúc nầy
ông gặp Nguyễn Ánh và đã cho Nguyễn Ánh trốn tại nhà. Sau một tháng trú
ngụ trong nhà của Bá Đa Lộc,
Nguyễn Ánh đem mẹ và những người nghĩa thiết trốn trên một cù lao hiu
quạnh ở vịnh Thái Lan(12). Có lẽ từ đó Nguyễn Ánh đã để ý đến Bá Đa Lộc,
vì sau những lúc đàm luận với vị giám mục nầy Nguyễn Ánh nghĩ rằng
người nầy có thể là nhịp cầu nối liền Nguyễn Ánh với Pháp hoàng trong
việc cầu viện sự giúp đỡ của Pháp về mặt quân sự để đánh lại với nghĩa
binh Tây Sơn.
Tháng 9 năm 1777, quân Tây Sơn bắt sống Thái Thượng Vương và Tân Chính
Vương tại vùng Ba Vác và cả hai đều bị xử tử tại thành Gia Định vào
tháng 10 năm 1777. Năm 1780, sau khi Nguyễn Huệ rút đại quân Tây Sơn về
Qui Nhơn, Nguyễn Ánh lại quay trở về tái chiếm Gia Định và cho lập ra
Kinh Gia Định hay Tân Triều. Bá Đa Lộc chính là linh hồn của cuộc chiến
đấu chống Tây Sơn của Nguyễn Ánh, vì ông vừa là quân sư, vừa là tham mưu
hành quân, mà cũng vừa là người đã thảo ra những sách lược ngoại giao
của ‘Kinh Gia Định’ trong khi Nguyễn Ánh còn bôn tẩu tại miền Nam. Và
chính con người nầy đã giúp cho Nguyễn Ánh lập nên cơ nghiệp nhà Nguyễn
về sau nầy. Kỳ thật, dầu trước đó Nguyễn Ánh đã có liên lạc với Bá Đa
Lộc, nhưng sự thân thiện giữa Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc chỉ thật sự xảy ra
sau khi Nguyễn Ánh tái chiếm thành Gia Định vào năm 1780 và cho phép
ông này hoạt động truyền giáo tự do tại các vùng do Nguyễn Ánh kiểm
soát. Đến tháng 3 năm 1782, Nguyễn Huệ kéo đại quân vào đánh lấy lại
thành Gia Định, thì Nguyễn Ánh phải bỏ trốn ra Phú Quốc, còn Bá Đa Lộc
thì trốn sang Cao Miên. Đến tháng 10 năm 1782, sau khi Nguyễn Huệ rút
quân về Qui Nhơn, Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc lại kéo quân về định chiếm
thành Gia Định, nhưng không xong, nên sau đó, Bá Đa Lộc về vùng Mặc Bắc,
thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, để xây dựng giáo xứ Mặc Bắc. Đến
đầu năm Quí Mão, 1783, Châu văn Tiếp mang quân từ Bình Thuận vào giúp
Nguyễn Ánh đánh chiếm Gia Định, nhưng một tháng sau đó, vào tháng 2 năm
1783, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lại mang quân vào tái chiếm thành Gia
Định, Nguyễn Ánh lại phải bỏ chạy ra Phú Quốc lần nữa. Lần nầy quân Tây
Sơn ở lại lâu hơn để truy kích Nguyễn Ánh. Trong suốt khoảng thời gian
từ năm 1771 đến năm 1799, Nguyễn Ánh đã từng cầu cứu với người Bồ Đào
Nha và Hòa Lan, nhờ họ giúp đỡ về vũ khí và nhân lực nhằm lấy lại chiếc
ngai vàng cho dòng họ Nguyễn, nhưng giám mục Bá Đa Lộc đã tìm cách ngăn
chặn và lôi kéo Nguyễn Ánh về phía nước Pháp, vẫn với hy vọng Ki Tô hóa
ông chúa nhà Nguyễn nầy cũng như toàn bộ lãnh địa xứ Đàng Trong, nên ông
đã không ngần ngại làm bất cứ điều gì để đạt được mục đích của mình. Về
phía Nguyễn Ánh, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi gắt gao trong khu vực
các đảo quanh Phú Quốc vào cuối tháng 2 năm 1783, ông đã cho người đưa
hoàng tử Cảnh(13) đi theo giám mục Bá Đa Lộc làm con tin để xin cầu viện
với người Pháp. Trong vấn đề cầu viện với triều đình bên Pháp, Nguyễn
Ánh chẳng những cử Bá Đa Lộc làm sứ giả của mình qua Pháp cầu viện, mà
ông còn giao cho Bá Đa Lộc con trai của mình, và ấn tín của vương triều
nhà Nguyễn, đồng thời ông còn cho Phó vệ úy Phạm văn Nhơn và Cai Cơ
Nguyễn văn Liêm tháp tùng theo Bá Đa Lộc và Đông cung Cảnh. Thấy như thế
cũng đủ biết mộng bá đồ vương của Nguyễn Ánh được đặt lên trên bất cứ
thứ gì.
Vào tháng 2 năm 1785, Bá Đa Lộc đưa hoàng tử Cảnh sang Pondichéry, thuộc
xứ Bengale, Ấn Độ, nhưng phải đợi đến năm 1786 ông mới bắt đầu đi Pháp
được. Tháng 2 năm 1787, Bá Đa Lộc về đến Pháp, ông này ra sức tuyên
truyền với triều đình Pháp về mối lợi tại Việt Nam khi nắm được con cờ
Nguyễn Ánh trong tay. Sau đó, Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh được vua Louis
XVI tiếp kiến vào ngày 6 tháng 5 năm 1787. Trong buổi hội kiến nầy, Bá
Đa Lộc đã báo cáo lên Pháp hoàng về những thuận lợi khi giúp Nguyễn Ánh
lấy lại chiếc ngai vàng cho dòng họ Nguyễn, nhưng chính vua Louis XVI và
hoàng hậu Marie-Antoinette cũng đang bị rắc rối với dân chúng Pháp, nên
nhà vua và triều thần đã không chấp thuận cuộc viễn chinh nầy. Tuy
nhiên, Pháp Hoàng lại đồng ý cho một vị Bộ trưởng của ông là Công tước
Montmorin ký với Bá Đa Lộc một hiệp ước tại Versaille vào ngày 28 tháng
11 năm 1787. Trong hiệp ước nầy, Bá Đa Lộc được toàn quyền quyết định
mọi điều khoản thay cho Nguyễn Ánh. Hiệp ước gồm 10 khoản, trong đó Pháp
sẽ gởi quân sang giúp Nguyễn Ánh để khôi phục lại chiếc ngai vàng cho
nhà Nguyễn, gồm 4 tàu chiến, 1.200 quân, 200 khẩu pháo cùng trợ giúp vũ
khí, quân trang và quân phí. Để đổi lại Nguyễn Ánh sẽ nhường đứt cho
Pháp chủ quyền và sở hữu hải cảng Hội An và đảo Côn Lôn, người Pháp được
độc quyền về thương mại trên toàn cõi Việt Nam, và hải quân Pháp cũng
được phép sử dụng hải phận và các cảng khác của Việt Nam khi được hai
bên thỏa thuận. Hiệp ước cũng cho phép các giáo sĩ Tây phương hoàn toàn
tư do đi lại và truyền giáo trên khắp các miền đất nước Việt Nam. Bản
hiệp ước được ký tại Versailles ngày 28 tháng 11 năm 1787 thể hiện rõ
ràng ý đồ bao vây và xâm lược Việt Nam của Pháp ngay hồi hậu bán thế kỷ
thứ XVIII.
Trong khi chờ đợi sự trợ giúp của quân Pháp theo như hiệp ước
Versailles, Nguyễn Ánh vẫn sống lưu vong trên đất Xiêm và mặt khác cho
người về Gia Định chiêu mộ quân sĩ để chuẩn bị cuộc chiến tranh lâu dài
với Tây Sơn. Ngày 2 tháng 12 năm 1787, vua Louis XVI đã gửi cho viên
tổng chỉ huy quân sự Pháp tại Ấn Độ, kiêm Toàn quyền Pháp tại Pondichéry
là bá tước De Conway một bảng ghi nhớ mô tả tình trạng nguy ngập của
Nguyễn Ánh và giao phó cho De Conway trách nhiệm thi hành hiệp ước
Versaille. Mặc dầu theo ước tính của Bá Đa Lộc là chỉ tốn khoảng 100.000
quan Pháp cho kinh phí chiến tranh với Tây Sơn, nhưng sau khi ký kết
hiệp ước Versailles với Bá Đa Lộc, cũng cùng ngày 2 tháng 12 năm 1787,
Bộ trưởng Montmorin đã gửi cho viên Toàn Quyền Pháp ở Pondichéry một lá
thư với chỉ thị mật về tình trạng kiệt quệ tài chánh của triều đình Pháp
lúc bấy giờ. Bộ trưởng Montmorin giao cho De Conway tùy nghi định đoạt
trong việc thi hành hiệp ước Versaille. Tuy nhiên, theo Montmorin, nếu
muốn thi hành hiệp ước, Pháp phải thiết lập một ngân quỹ đặc biệt lên
tới 200 ngàn quan Pháp cho chiến tranh của Nguyễn Ánh với Tây Sơn. Đây
là việc mà De Conway chống đối quyết liệt. Trong khi chờ đợi sự quyết
định của bá tước De Conway, Bá Đa Lộc bèn tự mình đứng ra vận động một
số tư bản Pháp cũng như quyên góp từ các giáo xứ và thương nhân giàu có
một số tiền khoảng 15.000 quan Pháp thời đó, và ông đã đứng ra mua vũ
khí, súng ống, đạn dược, chiến thuyền và quân trang quân dụng cho quân
đội Nguyễn Ánh. Đến ngày 27 tháng 12 năm 1787, Bá Đa Lộc và hoàng tử
Cảnh lên đường trở lại Việt Nam trên chiến thuyền La Dryade. Tháng 9 năm
1788, tàu Dryade chở 1000 khẩu súng đến Côn Lôn. Cuối năm 1788, tàu
Garonne chở súng đại bác và nhiều quân trang quân dụng đến Gia Định.
Ngoài ra, Bá Đa Lộc còn chiêu mộ được một số người Pháp sang gia nhập
quân đội của Nguyễn Ánh. Trong số đó có các ông Chaigneau và Vannier mà
sau này được phong quan tước trong triều Gia Long. Theo ông Taboulet
trong cuộc nói chuyện với Vannier thì vào năm 1789, quân đội của Nguyễn
Ánh đã có 14 sĩ quan và 80 binh sĩ người Pháp. Trong khoảng thời gian
nầy Bá Đa Lộc thường qua lại giữa xứ Đàng Trong và Pondichéry nhằm đốc
thúc quyết định của bá tước De Conway, nhưng mối bất đồng giữa Bá Đa Lộc
và De Conway ngày một gay gắt hơn. Sau thời gian chờ đợi sự quyết định
của bá tước De Conway mà không thấy có kết quả, ngày 14 tháng 6 năm
1788, Bá Đa Lộc bèn viết thư cho bá tước De Conway chỉ xin ông nầy trợ
giúp chiếc tàu La Dryade mà thôi, nhưng đã bị De Conway thẳng thừng từ
chối. Sau đó, ngày 15 tháng 6 năm 1789, Bá Đa Lộc lên tàu La Méduse cùng
với bốn chiếc tàu khác trở lại xứ Đàng Trong. Khi đến nơi, một số sĩ
quan trên tàu đã bỏ tàu tình nguyện ở lại giúp Nguyễn Ánh, trong đó có
Jean Phillipe Vannier (Nguyễn văn Chấn), Olivier de Puymanel, Dayot, Le
Brun, De ForVant, vân vân. Đây là những người được Bá Đa Lộc thuyết phục
ở lại giúp cho Nguyễn Ánh sau khi hiệp ước Versaille không thi hành
được. Sau đó, ngày 14 tháng 7, năm 1789, cách mạng Pháp bùng nổ, kéo
theo bi kịch của nhiều người, trong đó có hoàng đế Louis XVI và hoàng
hậu Marie Antoinette, và chánh phủ mới tại Pháp đã quyết định không thi
hành hiệp ước này.
Nói về sự cầu cứu với người Hòa Lan của Nguyễn Ánh, thì Bá Đa Lộc đã
viết lại rất rõ trong một bức thư gởi về Paris đề ngày 6 tháng 7 năm
1785 như sau: “Trước khi ra khỏi vịnh Thái Lan, tôi gặp vị vua đang chạy
trốn mà tôi đã rời xa từ một năm rưỡi nay. Sau đủ chuyện với quân Thái
Lan, ông quyết định đi sang với người Hà Lan đang hứa giúp ông. Nếu tôi
không tới đó đúng lúc để ngăn chặn, thì cũng có lẽ ông đã ở Batavia.” Về
phía người Bồ Đào Nha, Nguyễn Ánh đã ký với họ một thỏa ước ở Băng Cốc
vào ngày 5 tháng 12 năm 1786, nhưng sau đó không được thi hành. Đến cuối
năm 1788, trong khi quân Tây Sơn đang chuẩn bị kéo vào Nam tiêu diệt
quân đội ngoại nhập của Nguyễn Ánh mới được Bá Đa Lộc thành lập với
những vũ khí tối tân(14), nhưng Nguyễn Huệ lại được tin cấp báo là Lê
Chiêu Thống đã chạy sang Tàu cầu viện với nhà Thanh, và vua Càng Long
đang cho đại quân tiến vào Thăng Long. Thế là Nguyễn Huệ phải dồn hết nỗ
lực để dẹp giặc phương Bắc. Chỉ trong vòng 6 ngày đầu xuân 1789, quân
Tây Sơn đã đánh tan gần 30 vạn quân Thanh và tái chiếm Thăng Long. Sau
khi dẹp tan giặc Thanh ở phương Bắc, vì không muốn nhân dân tiếp tục đồ
thán vì các cuộc chiến tranh nên Nguyễn Huệ không muốn tiếp tục đánh vào
Gia Định. Trong khi đó, Nguyễn Ánh và tàn quân của ông co cụm lại để
đánh chiếm Gia Định vào năm 1788, và ngày 24 tháng 7 năm 1789, đoàn
chiến thuyền Méduse của Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh cập bến Vũng Tàu với
rất nhiều vũ khí và đạn dược, cùng 20 sĩ quan và 300 binh sĩ trong quân
đội Pháp sẽ phục vụ trong quân đội của Nguyễn Ánh(15). Trong khi Nguyễn
Ánh đang củng cố quân sự tại Kinh Gia Định thì Bá Đa Lộc cũng lập Trung
Tâm Giáo Phận xứ Đàng Trong tại Lái Thiêu, nhưng đến tháng 6 năm 1792,
ông ta cho di chuyển trung tâm nầy ra Kinh Gia Định, kinh đô của Nguyễn
Ánh thời bấy giờ. Nguyễn Ánh ban cho Bá Đa Lộc một đội ngự lâm quân gồm
200 người, lúc đó Bá Đa Lộc đang đảm nhiệm chức vụ Đặc Ủy viên của vua
Pháp, Nguyễn Ánh lại phong cho Bá Đa Lộc làm cố vấn chiến tranh kiêm
ngoại giao cho Nguyễn Ánh. Đến tháng 9 năm 1792, vua Quang Trung phát
động chiến dịch ‘Nam Tiến’, nhưng vận nước đảo điên khiến cho vị hoàng
đế bách chiến bách thắng nầy yểu mệnh, khiến cho chẳng những kế hoạch
‘Nam Tiến’ không bao giờ trở thành hiện thực, mà những ước mơ cải cách
đất nước của vua Quang Trung cũng không được thực hiện. Tưởng cũng nên
nhắc lại, ngay khi vừa mới lên ngôi, ngoài việc chiêu hiền đãi sĩ, vua
Quang Trung còn chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế, và cương quyết
không ‘bế quan tỏa cảng’; tuy nhiên, chỉ tiếc rằng hoàng đế Quang
Trung băng hà khi chưa thực hiện được ước mơ làm cho dân giàu nước mạnh
của mình(16). Vua Quang Trung băng hà vào ngày 15 tháng 9 năm 1792. Kể
từ giây phút đó, coi như thế cờ Việt Nam đã nghiên hẳn về phía Nguyễn
Ánh và Bá Đa Lộc. Khi Bá Đa Lộc chết vào năm 1799, chính Nguyễn Ánh đã
chủ tọa đọc điếu văn, và chính Nguyễn Ánh đã cho xây dựng một lăng mộ
thật nguy nga trong khu vực Chí Hòa, thuộc tỉnh Gia Định, cách Kinh Gia
Định thời bấy giờ khoảng 3 cây số, chứ không phải là vị trí của ngôi mộ
‘Lăng Cha Cả’ mà chúng ta thấy sau nầy.
Tại Sao Nhân Dân Nam Kỳ Không Hỗ Trợ Phong Trào Tây Sơn?
Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng chỉ trong khoảng thời gian ngắn
ngủi mà Tây Sơn đã viết lên một trang sử vẻ vang cho đất nước. Tuy
nhiên, triều đại Tây Sơn chưa có đủ thì giờ để xây dựng một đất nước
Việt Nam đúng theo mô hình mà vua Quang Trung đã phác họa. Thêm vào đó,
vận nước đã khiến xui cho vua Quang Trung băng hà khi ngài vừa tròn 40
tuổi, cái tuổi hãy còn quá trẻ cho một đời người. Bên cạnh đó, những khó
khăn của Tây Sơn khởi lên ngay từ khi phong trào ấy bắt đầu, vì đây là
phong trào được mệnh danh là của nông dân, của những người áo vải, nên
ngay từ buổi hồng hoang của phong trào, họ đã bị nhóm sĩ phu ngoảnh mặt
quay lưng, không hợp tác. Kỳ thật họ không hề có ý định bỏ rơi nho sĩ
hay không đề ra chánh sánh bạc đãi nông nghiệp và thương nghiệp như một
số sử gia triều Nguyễn đã công kích. Nguyên nhân chính phải nói ở đây là
sự yểu mệnh của vua Quang Trung đã kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt
những chương trình mà vị vua này đã vạch ra cho đất nước Việt Nam. Như
vậy, phải nói sự yểu mệnh của người anh hùng áo vải đất Tây Sơn đã góp
phần không nhỏ trong việc đưa Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân, dựng lại một
triều đình một lần đã bị toàn dân Việt Nam đứng lên hợp sức với Tây Sơn
lật đổ.
Tưởng cũng nên nhắc lại một nguyên nhân khác đã góp phần không nhỏ trong
việc sĩ phu xứ Nam Kỳ không hỗ trợ cho phong trào Tây Sơn, đó là tâm
trạng ‘ăn trái nhớ kẻ trồng cây’ của người dân Nam Kỳ. Đối với nhân dân
Việt Nam nói chung, và nói riêng với nhân dân miền Nam, không ai trong
chúng ta có thể phủ nhận được công lao quá lớn của các chúa Nguyễn trong
công cuộc mở cõi về phương Nam. Đa số những người dân miền Nam đều là
những lưu dân nghèo khổ từ các vùng Thuận Hóa và Ngũ Quảng, bỏ xứ xuôi
Nam tìm sinh lộ. Các chúa tiền triều nhà Nguyễn đã khéo léo, đã dày công
mở cõi, cũng như đưa ra những chánh sách dễ dãi khiến cho họ được an cư
lạc nghiệp. Chính vì lý do đó nên khi con cháu của các chúa lâm vào thế
cùng sức cạn, bị Tây Sơn truy đuổi, phải trốn chạy vào miền Nam, không
có người con dân miền Nam nào nỡ đành ngoảnh mặt làm ngơ với Nguyễn Ánh.
Ngay cả các sĩ phu miền Nam, dầu họ biết triều đình chúa Nguyễn thời
lộng thần Trương Phúc Loan là một triều đình thối nát, mặc dầu họ biết
Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa vì chính nghĩa, vì lợi ích cho cả dân tộc,
nhưng họ cũng không theo, mà ngược lại lúc nào họ cũng một lòng hỗ trợ
Nguyễn Ánh. Những người Minh Hương cũng cùng có một tâm trạng với nhân
dân miền Nam, tổ tiên họ đã mang ơn các chúa, nên tâm trạng của họ là
phải ‘ăn trái nhớ kẻ trồng cây’. Chính vì thế mà họ không hỗ trợ Tây
Sơn. Một lý do khác nữa khiến cho người Hoa tại miền Nam chẳng những
không theo mà còn căm ghét Tây Sơn, đó là biến cố ‘Cù Lao Phố’ năm
1776(17).
Tại Sao Quân Tây Sơn Không Quyết Liệt Đánh Và Giữ Lấy Đất Nam Kỳ?
Không phải Tây Sơn không quyết liệt trong việc đánh chiếm và giữ lấy đất
Nam Kỳ, nhưng nhiều lý do đã khiến cho Tây Sơn cứ phải vào đánh Gia
Định; đánh xong rồi lại phải rút về Qui Nhơn. Sau khi Tây Sơn rút quân
về Qui Nhơn, thì Nguyễn Ánh lại kéo quân về tái chiếm Gia Định, rồi Tây
Sơn vào đánh, rồi rút, rồi đánh... cứ thế mà Tây Sơn và Nguyễn Ánh phải
giằng co với nhau trong xứ Gia Định đến năm lần, cho đến khi Nguyễn Huệ
phải rút quân về chuẩn bị đánh quân Thanh vào năm 1789. Phải thành thật
mà nói, phong trào Tây Sơn khởi đi từ Qui Nhơn trong lúc triều đình nhà
Nguyễn xứ Đàng Trong đang trong tình trạng thối nát, lớp thì tham quan ô
lại, lớp thì lộng thần Trương Phúc Loan nắm giữ hết mọi quyền bính
trong tay. Chính vì thế mà khi Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa, ban đầu có
rất nhiều tướng tài về theo. Đến khi quân Tây Sơn kéo ra xứ Bắc Hà, họ
lấy danh nghĩa ‘Phù Lê Diệt Trịnh’, nên sĩ phu Bắc Hà dầu không theo
cũng không chống đối một cách quyết liệt. Chính vì thế mà quân Tây Sơn
có chánh nghĩa rõ ràng tại xứ Bắc Hà, và họ đã diệt nhà Trịnh không mấy
khó khăn. Đến khi họ kéo quân vào Nam Kỳ đánh triều đình xứ Đàng Trong,
đối với nhân dân miền Nam, ngoài việc đứng lên diệt lộng thần Trương
Phúc Loan, phong trào Tây Sơn không tìm ra được một lý do nào khác có
tánh thuyết phục được nhân dân miền Nam. Chính vì vậy mà sau khi Tây Sơn
đã diệt xong được Trương Phúc Loan, người dân miền Nam coi như Tây Sơn
đã làm xong bổn phận của ‘con dân’. Đối với họ, Tây Sơn không còn lý do
chính đáng để tiếp tục đánh phá triều
đình nhà Nguyễn nữa. Riêng việc tôn phù chính thống đối với dòng họ Nguyễn trong
Nam, ban đầu Tây Sơn cũng lấy chiêu bài tôn phù Hoàng Tôn Dương, nhưng
sau khi quân Tây Sơn tìm bắt Thái Thượng Vương và Tân Chính Vương(18),
và giết đi, thì ngay lập tức tướng Châu văn Tiếp rời bỏ hàng ngũ Tây Sơn
để về với Nguyễn Ánh. Đó là những trở ngại lớn cho quân Tây Sơn ở miền
đất Nam Kỳ
Thêm vào đó, đối với Tây Sơn thời đó, như trên đã nói, vì phong trào Tây
Sơn khởi lên từ một địa phương nhỏ tại vùng Qui Nhơn, nên rất có thể họ
không xem vùng đất Nam Kỳ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, vì ý
thức quốc gia đối với những người trong phong trào không vượt lên trên
được tâm lý địa phương. Chính vua Thái Đức Nguyễn Nhạc cũng chỉ an phận
với vùng Qui Nhơn, nên luôn tìm mọi cách củng cố triều đình Qui Nhơn.
Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy rõ ràng mỗi khi phải kéo quân vào
Nam, các tướng lãnh Tây Sơn chỉ xem đó như là những cuộc chinh phạt vì
nhu cầu quân sự mà thôi. Với họ là phải đánh nhanh và đánh mạnh, lấy
được thứ gì cho việc xây dựng quân đội và kinh thành (Qui Nhơn) thì lấy,
xong rồi rút về Qui Nhơn, chứ không muốn ở lại vùng đất ấy. Chính vì
thế mà mỗi lần Tây Sơn kéo quân vào Nam, họ đánh như vũ bão, bách chiến
bách thắng, nhưng họ quên rằng trong chiến tranh, hạ được thành không
hẳn là thắng, mà phải giữ cho được thành mới gọi là thắng. Việc nầy Tây
Sơn không làm được ở miền đất Nam Kỳ nếu không có hoàng đế Quang Trung
Nguyễn Huệ. Mà thật vậy, sau khi Nguyễn Huệ mất, chẳng những Tây Sơn
không chiếm được Nam Kỳ, mà lần lượt những phần đất miền Trung, miền
Bắc, và ngay cả Phú Xuân cũng phải rơi vào tay Nguyễn Ánh, và cuối cùng,
ấu chúa Tây Sơn phải bị xử trảm dưới bàn tay của Nguyễn Ánh.
Bên cạnh đó, trong một đất nước quân chủ phong kiến như Việt Nam, thì
việc tạo dựng sự chính thống cho một vương triều vẫn là ưu tư hàng đầu
cho những người khởi nghiệp. Riêng đối với triều đại Tây Sơn, dầu đã
chiến thắng gần 30 vạn quân Thanh vào năm 1789, nghĩa quân Tây Sơn vẫn
chưa tìm ra được một khẩu hiệu nào thích ứng cho sự khởi nghiệp chính
đáng của triều đại, nhằm khả dĩ có thể đối đầu với một đối thủ như
Nguyễn Ánh, một nhân vật vốn đã có truyền thống về sự khởi nghiệp của
dòng họ mình gần 200 năm. Đây là một trong những trở ngại lớn nhất của
Tây Sơn mỗi lần cất quân vào đánh Gia Định. Tây Sơn phải dựa vào sự sai
lầm nghiêm trọng của Nguyễn Ánh mới có thể bố cáo với thần dân Nam Kỳ về
sự cất quân của mình một cách có chính nghĩa, điển hình là lần Nguyễn
Ánh cầu viện quân Xiêm La mang quân sang dày xéo bờ cõi Việt Nam, lần đó
Nguyễn Huệ đã mạnh dạn cáo tri với thần dân Nam Kỳ về sự cất quân đánh
đuổi quân xâm lược của mình. Ngoài lần đó ra, dưới mắt thần dân Nam Kỳ,
họ luôn xem Tây Sơn là một phong trào địa phương tại vùng Qui Nhơn, chỉ
khởi lên nhằm soán đoạt ngôi vị của dòng họ Nguyễn, một dòng họ mà họ
xem là chính thống từ gần 2 thế kỷ nay.
Còn một lý do phát khởi từ sự chia rẽ trong nội bộ Tây Sơn cũng đóng một
vai trò rất quan trọng trong việc Tây Sơn không quyết liệt đánh và giữ
lấy đất Nam Kỳ. Sau năm 1785, Nguyễn Huệ vừa đánh chiếm Phú Xuân, theo
lời cố vấn của Nguyễn Hữu Chỉnh, đem quân ra đánh Bắc Hà. Nguyễn Nhạc vì
sợ Nguyễn Huệ chuyên quyền, nên vội vã mang quân ra Bắc và ép buộc
Nguyễn Huệ phải rút quân về Phú Xuân. Từ đó đã có mâu thuẫn trong nội bộ
giữa hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, đến nỗi Nguyễn Huệ phải mang
quân vào vây thành Qui Nhơn, nhưng rồi họ cũng tạm thời giảng hòa được
với nhau. Tuy nhiên, kể từ đó, quyền bính đã được phân định rõ ràng:
Nguyễn Nhạc làm Trung Ương Hoàng Đế, cai quản từ Quảng Ngãi đến Bình
Thuận; Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cai quản từ Quảng Nam ra Bắc; và Đông
Định Vương Nguyễn Lữ cai quản từ Bình Thuận vào Hà Tiên. Chính sự phân
chia quyền hành nầy đã gây ra một lỗ hỏng quân sự lớn tại miền Nam, vì
Đông Định Vương Nguyễn Lữ chưa bao giờ là đối thủ của Nguyễn Ánh, và có
lẽ trong đời của Nguyễn Ánh, ông ta chỉ khiếp sợ mỗi một mình Nguyễn Huệ
mà thôi. Cũng chính sự phân chia quyền hành nầy đã đẩy Nguyễn Huệ đi xa
cái vùng cần sự có mặt của Nguyễn Huệ nhiều nhất, đó là vùng đất phía
Nam, nơi có sự cát cứ của Nguyễn Ánh. Và có lẽ cũng chính sự phân chia
quyền hành nầy đã cô lập các lực lượng thiện chiến của Tây Sơn và hậu
quả cuối cùng là sự sụp đổ của Tây Sơn vào năm 1802.
Nguyễn Ánh Cầu Viện Xiêm La Về Đánh Đất Nam Kỳ:
Thấy binh lực của Nguyễn Ánh đã hoàn toàn kiệt quệ nên Nguyễn Lữ và
Nguyễn Huệ rút quân về Qui Nhơn, để phò mã Trương văn Đa ở lại giữ thành
Gia Định. Trong khi Nguyễn Ánh đang lẩn trốn trên đảo Thổ Châu thì tàn
quân của ông ta vẫn tiếp tục hoạt động tại vùng Gia Định. Đầu năm Giáp
Thìn 1784, phò mã Trương văn Đa mở cuộc hành quân tảo thanh tàn quân
Nguyễn Ánh tại vùng Tân Hòa (Gia Định), các tướng của Nguyễn Ánh bị đại
bại nên phải trốn sang Xiêm bằng đường bộ. Trong khi đó thì Châu văn
Tiếp đã có mặt tại Xiêm để cầu cứu đến sự trợ giúp của Xiêm vương. Vua
Rama I đồng ý gửi quân sang đánh Tây Sơn với điều kiện Nguyễn Ánh phải
đích thân qua chầu vua Xiêm. Vừa được chiếu chỉ của Xiêm vương, Tiếp
băng đường bộ về Việt Nam để báo tin cho Nguyễn Ánh. Đầu năm 1784, vua
Xiêm lại sai tướng Thát Sỉ Đa đem thủy quân đến Hà Tiên, lấy cớ là để
đưa Nguyễn Ánh sang Xiêm, nhưng thực chất là thị uy cái vương triều thối
nát của Nguyễn Ánh, buộc Nguyễn Ánh phải sang chầu vua Xiêm như một
nước chư hầu. Thấy không thể đương cự được với Tây Sơn, nên tháng 2 năm
1784, Nguyễn Ánh đã đích thân trốn sang Xiêm để cầu viện với Xiêm vương,
nhưng thực chất là để chầu vua Xiêm La như một nước chư hầu, mong được
Xiêm vương chấp thuận đưa quân sang đánh Việt Nam. Tháng 6 năm 1784,
Xiêm vương sai 2 tướng Chiêu Sương và Chiêu Tăng(19) đem 20.000 thủy
binh với 300 chiến thuyền, cùng với 30.000 lính bộ binh sang đánh Tây
Sơn với danh nghĩa là giúp Nguyễn Ánh, thực chất thời đó lúc nào Xiêm La
cũng mong thôn tính trọn vẹn vùng đất Nam Kỳ mầu mỡ nầy. Nguyễn Ánh cử
Châu văn Tiếp làm Bình Tây Đại Đô Đốc, chỉ huy các đạo quân của Nguyễn
Ánh. Tháng 7 năm 1784, quân Xiêm tiến chiếm Rạch Giá, Trấn Giang, Ba
Thắc, Trà Ôn, Sa Đéc. Tuy nhiên, vừa đến Mân Thít thì Châu văn Tiếp tử
trận. Quân Xiêm đến Việt Nam với thái độ trịch thượng của một mẫu quốc,
chúng thẳng tay cướp bóc và tàn sát dân lành. Phò mã Trương văn Đa biết
thế mình yếu hơn, không thể lấy 1 chọi 5, nên một mặt ông đã cho lui
quân về Gia Định để bảo toàn lực lượng, một mặt cấp báo về Qui Nhơn.
Tháng 12 năm 1784, Long Nhượng Tướng Quân Nguyễn Huệ đem quân vào Nam
cứu ứng. Vào đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785, dù quân số ít hơn một phần
tư quân số của Xiêm La và Nguyễn Ánh, nhưng vị tướng bách chiến bách
thắng này đã đánh phủ đầu quân Xiêm một trận để đời tại vùng Rạch Gầm
Xoài Mút, thuộc tỉnh Mỹ Tho bây giờ. Trong trận này, quân Xiêm chết trên
một vạn rưỡi. Chiêu Sương và Chiêu Tăng phải thu góp tàn quân chạy theo
đường bộ về Xiêm La, còn Nguyễn Ánh phải trốn chạy về vùng Trấn Giang
(vùng Cần Thơ ngày nay). Trận chiến thắng vẻ vang của quân Tây Sơn tại
Rạch Gầm Xoài Mút như thế ấy mà sử thần triều Nguyễn lại chép rằng: “Khi
tới nơi, Huệ đánh vài trận không được, có ý muốn lui binh, nhưng nhờ có
phản thần bày kế, Huệ mới mai phục tại Sầm Giang và ở Xoài Mút, rồi dụ
quân Xiêm tới đánh. Quân Xiêm do không rành địa thế, lại ỷ thắng trận
nên bị lọt vào vòng phục kích của hai đạo quân thủy bộ của Nguyễn Huệ.
Chiêu Tăng và Chiêu Sương gom quân sống sót còn được vài ngàn, nhắm nẻo
Chân lạp mà chạy.” Tuy nhiên, chính sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện
cũng phải thừa nhận về vị anh hùng Nguyễn Huệ như sau: “Nguyễn Huệ bốn
lần vào đánh Gia
Định, mỗi khi ra trận đều dẫn đầu các sĩ tốt, hiệu lệnh rất nghiêm, quân binh đều nể phục.”(20)
Sau khi tàn quân Xiêm La bỏ chạy về nước, Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh cũng
phải chạy trốn ra các đảo nhỏ trong vịnh Xiêm La. Trong cơn tuyệt vọng,
Nguyễn Ánh đã thúc giục Bá Đa Lộc đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp với nhiều
điều kiện thuận lợi cho cả Pháp lẫn Bá Đa Lộc trong việc truyền đạo tại
Việt Nam. Sau trận Rạch Gầm-Xoài Mút, nghĩa quân Tây Sơn truy kích tàn
quân Nguyễn Ánh một cách ráo riết, nên Nguyễn Ánh lại phải bỏ chạy ra
đảo Thổ Châu, nhưng rồi cũng bị quân Tây Sơn truy nã quá gắt, phải chạy
sang đảo Cổ Cốt. Tháng 3 năm 1785, tên Cai Cơ Trung đem 200 quân cùng 5
chiếc thuyền của giặc Xiêm đến đón Nguyễn Ánh sang chầu Xiêm vương tại
Vọng Các. Xiêm vương Rama I, không cho Nguyễn Ánh vào thành nên Ánh và
đoàn tùy tùng phải trú ngụ ở Long Kỳ, ngoại ô thành Vọng Các.
Nguyễn Ánh Tái Chiếm Nam Kỳ:
Tháng 4 năm 1785, Long Nhượng Tướng Quân Nguyễn Huệ rút quân về Qui
Nhơn, giao Gia Định lại cho Đô Úy Đặng văn Trấn. Tháng 5 năm 1786, Long
Nhượng Tướng Quân chiếm thành Phú Xuân, rồi tiến thẳng ra Thăng Long
tiêu diệt họ Trịnh. Vua Thái Đức phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình
Vương. Kể từ khi họ Trịnh ở phương Bắc đã bị tiễu trừ, Bắc Bình Vương
vẫn để cho vua Lê trị vì phương Bắc, nhưng vua Lê Chiêu Thống lại sợ
cảnh chúa Trịnh tái diễn nên đã sang Tàu cầu cứu với nhà Thanh. Trong
khi về mặt Bắc, quân Tây Sơn phải dồn hết nỗ lực đánh bại quân Trịnh,
rồi lại phải đương đầu với giặc Mãn Thanh, nên không còn lực lượng đâu
nữa để mà trấn giữ thành Gia Định. Tuy vậy vua Thái Đức vẫn phong cho
Tiết Chế Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương và giao cho trấn thủ thành Gia
Định với một số quân khiêm nhường(21).
Sau hơn một năm trời chầu chực mà vẫn không được sự trợ giúp của Xiêm
vương, nên tháng 7 năm 1787, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng của ông đang
đêm bỏ trốn về nước. Khi về nước, Nguyễn Ánh lại gặp dịp may là quan
Chưởng Cơ của Tây Sơn ở Long Xuyên là Nguyễn văn Trương đem quân về qui
thuận với Nguyễn Ánh. Như vậy, không đánh mà đã chiếm được vùng Long
Xuyên. Sau đó chính Nguyễn văn Trương dẫn quân đi đánh Tây Sơn tại các
vùng Trà Ôn, Cần Giờ... Đông Định Vương nghe tin các tướng của mình làm
phản theo về với Nguyễn Ánh nên rút quân về Trấn Biên, rồi sau đó rút
lui về Qui Nhơn. Trong ba anh em nhà Tây Sơn, thì Đông Định Vương Nguyễn
Lữ không có khiếu về quân sự. Ông chỉ có cốt cách của một nhà tu, không
chủ trương sát hại sinh linh, nên ông không tha thiết mấy với việc
tranh hùng với Nguyễn Ánh. Chính vì thế mà Nguyễn Ánh mới có đất dụng võ
ở phương Nam. Nếu tài năng của Nguyễn Lữ chỉ cần bằng phân nửa của
Nguyễn Huệ thì có lẽ cục diện thành Gia Định đã khác. Dù Bắc Bình Vương
Nguyễn Huệ biết rõ nguy cơ phục hồi của Nguyễn Ánh cũng như những việc
làm bất kể hậu quả lâu dài cho dân tộc Việt Nam về sau này của Nguyễn
Ánh, nhưng hiện tình ngoài Bắc bấy giờ cần sự lo lắng của vua Quang
Trung hơn, nên ngài không còn đủ nhân lực vật lực để tiêu diệt Nguyễn
Ánh trong giai đoạn này.
Năm 1788, Nguyễn Ánh gả công chúa Ngọc Du cho Võ Tánh khi ông này mang
theo hơn một vạn quân đến với Nguyễn Ánh. Tháng 2 năm 1788, Nguyễn Ánh
đánh chiếm 4 đồn tại vùng Vĩnh Trấn, rồi tháng 8 năm 1788, Nguyễn Ánh
chiếm lại thành Gia Định. Như vậy, tính đến năm 1789, trong khi quân đội
Tây Sơn đang ráo riết chuẩn bị chống ngoại xâm từ phương Bắc, thì
Nguyễn Ánh đã nhân cơ hội này cầu viện với Xiêm và với Pháp để mua vũ
khí và huấn luyện quân đội đánh chiếm thành Gia Định. Nguyễn Ánh muốn
nhân cơ hội này củng cố và biến thành Gia Định thành một căn cứ hậu cần
vững chắc cho cuộc chiến với Tây Sơn. Hơn thế nữa, đầu năm 1789, khi hay
tin quân Thanh đang tràn sang xâm chiếm nước ta theo lời cầu viện của
Lê Chiêu Thống, Nguyễn Ánh bèn sai sứ thần Phan văn Trọng và Lâm Đề mang
quốc thư cùng 50 vạn cân gạo sang trợ giúp cho quân xâm lăng. Lại một
lần nữa, trời bất dung gian, chưa tới nơi thì đoàn chở lương cho giặc
Thanh bị bão đánh chìm. Thế là Nguyễn Ánh không được Thanh triều ghi
công trong cuộc xâm lăng này. Đã vậy, sau khi bại trận, Thanh triều
chẳng những không phục thù mà còn tỏ ra hòa hoãn với Tây Sơn bằng cách
phong vương cho Nguyễn Huệ.
Vào ngày 14 tháng 7, năm 1789, trong chuyến trở lại Việt Nam, Bá Đa Lộc
dẫn đường cho một số võ quan Pháp qua đầu quân với Nguyễn Ánh theo sự
sắp xếp của Bá Đa Lộc và bộ Viễn Chinh Pháp. Thành Sài Gòn do Nguyễn Ánh
ra lịnh xây vào năm 1790 là do Olivier de Puymanuel đứng chỉ huy xây
dựng, với chiều cao khoảng 4.80 mét, toàn bằng đá ong Biên Hòa, có hình
lục lăng. Tuy nhiên, đến năm 1835, sau khi đánh dẹp được nghĩa binh Lê
văn Khôi, vua Minh Mạng đã cho san bằng thành này. Như vậy một cái thành
kiên cố và tốn kém như vậy chỉ được xử dụng có 45 năm mà thôi. Không
biết vua Minh Mạng nghĩ gì khi ngài giận cá chém thớt như vậy, chỉ vì
giận “giặc Khôi,” mà ngài nỡ phá bỏ thành lũy phòng thủ của vùng đất mà
mới vài chục năm trước chính cha của ngài đã được người dân tại đây che
dấu và bảo vệ. Sau khi phá bỏ thành Gia Định thỉ ngài chỉ xây lại một
cái thành gọi là “lấy có”, chứ quy mô thì nhỏ hơn thành Gia Định trước
nhiều. Chính vì thế mà khi quân
Pháp tiến đánh Gia Định, chúng không bị một trở ngại nào trong việc đánh
chiếm ngôi thành mới này. Theo Trương Vĩnh Ký thì trung tâm phế thành
Gia Định là khoảng khu nhà thờ Đức Bà vì khi đào móng xây nhà thờ Đức
Bà, người ta bắt gặp một lớp tro, cây, gạch và đá cháy lụn vụn có bề dày
trên 3 tấc, có lẽ đây là kho lương thực của nghĩa binh Lê văn Khôi bị
quân của vua Minh Mạng đốt vào năm 1835. Trong đống tro vụn này có rất
nhiều tiền điếu, tiền kẽm bị lửa cháy quyện lại thành khối, nhưng vẫn
còn thấy nhiều đồng tiền chưa bị tan chảy hoàn toàn. Vào năm 1926, thợ
đào móng xây nhà lầu ở đường Catinat (đường Tự Do bây giờ), có gặp dưới
bề sâu khoảng 5 hay 6 thước, một nền đá ong hình lục lăng. Vào năm 1935,
thợ xây cất đào thấy ở nhà thương Đồn Đất, góc đường La Grandière
(đường Gia Long sau này) và đường Lafont (đường Chu Mạnh Trinh), mớ đá
ong hình lục lăng. Theo nhà khảo cổ Charles Lemire thì đường Lagrandière
chính là con đường đắp trên hào của phế thành Gia Định ngày trước. Hiện
những tảng đá ong lục lăng này vẫn còn được lưu trữ trong Bảo Tàng Viện
trong vườn Bách Thảo Thị Nghè.
Hết Phần 2
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét