Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Đồng Tháp Mười Phần 3


Lúa Ma Đồng Tháp:

Về mùa nước nổi, toàn vùng Đồng Tháp không đơn thuần chỉ là một biển nước, mà thấp thoáng đó đây là những khu rừng tràm ngập nước quanh năm mà bên dưới những đám tràm là những khu rừng kín quanh năm(52), những đầm sen súng đang khoe mình với trời với nước như đang thử thách cùng thiên nhiên, và những đồng cỏ năn đang vươn mình cao theo con nước. Bên cạnh đó, Đồng Tháp Mười còn rất nhiều những thảm cỏ dại, hễ nước dâng lên cao quá thì chúng chết, mà nước vừa rút đi là chúng lại tái sanh và biến vùng Đồng Tháp thành một tấm thảm xanh, rồi kịp đến mùa khô thì chúng lại biến thành những đám cỏ khô chờ người dân đốt đồng biến chúng thành phân, tiếp tục vun bón cho cả vùng Đồng Tháp. Ngoài ra, vùng Đồng Tháp còn một loài thực vật rất đặc biệt, đó là loại “Lúa Ma”(53). Đây là loại lúa không ai gieo, không biết hạt giống đầu tiên mọc lên từ đâu, cây lúa cứ vươn lên theo mực nước, mực nước càng lên cao thì cây lúa càng cao. Hàng năm vào khoảng tháng tư âm lịch khi trời bắt đầu vào mùa mưa thì cũng là lúa ‘ma’ mọc lên rất nhiều, thân lúa rất cứng, có màu tim tím. Cây lúa ‘ma’ chỉ phát triển và cho hột nhờ vào lượng nước mưa và sương gió, chứ đất bên dưới chỉ là đất phèn mặn mà thôi. Lưu dân trong Đồng Tháp cứ chống xuồng vô đồng, dùng cây dầm mà đập các cọng lúa cho hột rớt vô xuồng. Hột nào vô xuồng được thì vô, còn hột nào rớt ra ngoài lại tiếp tục nẩy mầm lên cây và tiếp tục cho hột nữa. Lúa ‘ma’ Đồng Tháp phát triển mạnh và trổ bông vào mùa nước nổi. Nước nổi lên tới đâu là cây lúa vượt khỏi mặt nước tới đó. Có nhiều nơi trong Đồng Tháp mực nước cao đến 4 hay 5 thước, như vậy thân cây “Lúa Ma” cũng cao đến 4 hay 5 thước. Thường thì “Lúa Ma” mọc trong các đầm lầy, có nơi “Lúa Ma” cũng mọc dọc theo hai bên bờ kinh. Theo lời kể của cư dân trong vùng Đồng Tháp thì trong khoảng từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 10 âm lịch là lúc lúa ‘ma’ chín. Có vùng trong Đồng Tháp người ta đi cắt lúa ‘ma’ rất khoa học, thường là vào buổi sáng sớm và phải cần một chiếc xuồng nhỏ với hai người, một người cầm sào chống xuồng lướt trên mặt nước, giữa những đám lúa, còn người kia ngồi ở mũi quay mặt về phía người chống sào, hai tay cầm hai cần đập quét ngang trên đầu ngọn lúa về phía bên trong xuồng, thế nào lúa cũng rớt vào một tấm phên thật mỏng ngăn đôi lòng xuồng theo chiều dọc, như vậy là những hạt lúa phải chịu rớt xuống lòng xuồng chứ không bị rớt xuống nước. Cũng theo lời kể lại của cư dân Đồng Tháp, trước kia vùng sâu trong Đồng Tháp, những gia đình đông người cùng đi đập lúa ma, một ngày có thể thâu hoạch được 4 hoặc 5 giạ là chuyện thường. Để có nồi cơm lúa ‘ma’ ngon dẻo, sau khi gặt lúa về người ta thường ngâm nước khoảng 3 ngày cho phần cứng đuôi lúa rụng đi, rồi mới đem phơi nắng cho thật khô. Đầu năm 1974, tôi có dịp ghé lại vùng Long Khốt và được bà con ở đây cho ăn một bữa cơm ‘lúa ma’ thật thơm, ngon và dẻo. Nếu như khi lúa chín tới mà không có ai cắt thì hột sẽ rụng và ghim xuống bùn, nằm đó cho đến khi nước rút, rồi kịp đến mùa mưa là cây lúa lại bắt đầu đâm chồi và phát triển thật nhanh. Dù năng suất rất thấp, chưa tới nửa tấn một héc ta, nhưng đây lại là nguồn sống chính cho lưu dân Đồng Tháp. Phải nói lúa ‘ma’ là một đặc sản mà thiên nhiên đã ưu đãi cho nhân dân Đồng Tháp. Tuy nhiên, sau chiến tranh, lưu dân Đồng Tháp giảm dần và cư dân có khuynh hướng định cư vĩnh viễn nên đất đai Đồng Tháp ngày càng được khai thác đúng mức với những đồng lúa hai hay ba mùa vụ mỗi năm, vì vậy mà tính đến năm 2005, giống “Lúa Ma” gần như mai một hay hoàn toàn bị tiêu diệt. Họa hoằng lắm nếu chúng ta đi vào khu Vườn Quốc Gia Tràm Chim ở Tam Nông, chúng ta mới thấy được những đám lúa ‘ma’ dọc theo bờ kinh rạch. Thôi thì luật tiến hóa của vũ trụ là phải vậy! Ở đây chỉ muốn nhắc lại cho các thế hệ mai sau biết được là từ nhiều trăm năm về trước, vùng Đồng Tháp nầy đã từng có những cây lúa ‘ma’ không trồng mà mọc và chính những cây lúa ‘ma’ ấy đã nuôi sống các bậc tiền nhân đến đây mở cõi.

Những Cư Dân Bất Đắc Dĩ Trở Thành Dân Cố Cựu Của Đồng Tháp:

Vào khoảng đầu năm 1974, tôi có dịp ghé qua những vùng Mộc Hóa, Cái Cái và Long Khốt. Tại đây tôi cũng có dịp hầu chuyện với một số bô lão trong vùng, mới biết ra các cụ là đàn hậu duệ của hai ba thế hệ lưu dân trước đây đến Tháp Mười từ các vùng Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Vĩnh Long, và Sa Đéc. Họ đến đây vì nhiều lý do khác nhau, có người ở thôn quê vì mùa màng thất bác, có người ở thành thị vì không có công ăn chuyện làm, có người trốn thuế thân, vân vân, nên vợ chồng con cái chèo chống đến vùng nầy, chỉ với một mục đích duy nhất là mong sao cho có được cuộc sống dễ chịu hơn. Nhưng khi đến nơi thì họ mới vỡ lẽ đây là một vùng ma thiêng nước độc, khi vỡ lẽ như vậy thì mọi chuyện đã lỡ làng hết rồi, họ đâu còn chỗ nào nữa để mà quay về, nên đành một liều ba bảy cũng liều, họ tiếp tục chèo chống đi sâu hơn nữa vào Đồng Tháp. Vào mùa nước nổi Đồng Tháp là một biển nước bao la, chỉ còn trơ lại vài cái gò hoặc giả vài cái giồng cao hơn mặt nước. Họ dừng lại cắm sào ngay bất cứ gò nào mà họ tới, rồi thì vợ chồng con cái khiêng vác đồ đạc lên gò, đốn vài chục tràm làm cột, cắt vài trăm lá dừa nước làm nóc và vách, thế là vài ba ngày sau đó họ đã cất xong một cái nhà, không có cửa nẻo, cũng không phân chia thành buồng hay phòng ốc chi cả. Mãi đến trước năm 1975, ruộng đất Tháp Mười có nhiều nơi vẫn còn vô chủ, nên khi họ đến đây, họ không phải mướn ruộng, cũng không phải làm tá điền cho ai, chỉ cần phát cỏ rồi gieo mạ bỏ đó, đến mùa lúa chín thì cắt. Nếu thu hoạch đủ ăn đủ mặc thì họ tiếp tục ở lại, nếu không thì vợ chồng con cái lại khiêng vác đồ đạc xuống xuồng đi tìm chỗ khác. Theo lời các bô lão trong vùng kể lại: Ngày trước ngoài nạn ủng phèn ra, vùng nầy còn đủ thứ trở ngại khác, như nạn chuộc ăn lúa chín, cua cắn lúa non, rồi nạn chim chóc phá hại mùa màng quanh năm. Đến thời ông Diệm thì người ta cho đào kinh An Long Đồng Tiến và nhiều kinh nhỏ khác nên đất cũng được thuần hóa đi nhiều. Cả vùng Đồng Tháp nầy cũng giống như một cái chậu rộng cá thật lớn, là một vùng trũng nơi những cơn mưa tạo nên những đầm nước ngọt giúp ích cho sự sống của con người và dinh dưỡng cho biết bao sinh vật dưới nước khác. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, nguồn nước khổng lồ từ thượng nguồn sông Mékong đổ về, tràn ngập lên đồng, cá tôm theo nước sinh sản, lớn lên và trú ngụ lại tại các đầm nước ngọt trong mùa khô. Thành thử mấy cậu thấy mặc dầu dân chúng miền nầy còn nghèo, nhưng cái ăn cái mặc cũng đỡ lắm rồi. Dầu hèn cũng thể, mùa nào chúng tôi cũng thâu hoạch dư ăn dư để. Còn nói về thực phẩm thì miệt Đồng Tháp nầy luôn dư thừa, nào là đủ loại cá đồng như cá lóc, cá trê, cá rô, rồi tôm càng xanh, rắn, rùa, ếch, kỳ đà, vân vân. Bây giờ ở đây hễ mùa lúa thì người ta trồng lúa, sau khi gặt xong thì người ta đốt đồng rồi làm rẫy, trồng khoai, trồng bắp và nhiều thứ hoa màu phụ khác. Cũng chính vì vậy mà mấy cậu thường nghe những câu ca dao nói về cá tôm và thức ăn trong vùng Đồng Tháp hay những vùng ven Đồng Tháp:

“Bao phen quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”

hay:

“Muốn ăn bông súng mắm kho 
Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm.”

Mấy cậu thấy từ xa xa ngoài đồng có những vùng phản chiếu ánh sáng mặt trời lấp lánh đó không? Đó là những vùng “phèn lừng”, tại vì đất trong cánh đồng nầy chứa rất nhiều phèn. Thường thì những vùng đất thấp ở gần biển mà chưa được khai phá chứa rất nhiều muối và phèn, nên có câu “đồng chua nước mặn” là vậy. Theo ông bà mình kể lại thì ngày trước từ Hà Tiên qua vùng nầy thẳng đến Tây Ninh và núi Bà Phnom bên Miên là bờ biển, với những dãy hòn “Thất Sơn”, xuống “Hòn Khoai”, “Hòn Đất”(54). Về sau đất bồi lần lần biến cả một vùng Tháp Mười rộng lớn nầy thành một cái vũng trũng khổng lồ. Tại những vùng nầy cho tới bây giờ người ta vẫn còn đào thấy những cột buồm hay những đám dừa nước đã biến thành than, vùi sâu dưới đất đến vài ba thước tây. Hiện nay toàn vùng Đồng Tháp chỉ cao hơn mực nước biển từ 5 tấc đến 1 thước tây mà thôi. Mấy cậu thấy đó, ngay như nước trong kinh Đồng Tiến nầy cũng là một loại nước phèn, có màu đỏ đục ngầu, vì loại phèn nầy có chứa nhiều chất sắt. Mấy cậu lên những vùng ‘Cái Bác’, ‘Mộc Hóa’ và ‘Tuyên Nhơn’ sẽ thấy nước trong xanh, đó cũng là một loại nước phèn, nhưng là loại phèn chứa nhiều chất nhôm (aluminum). Dù là phèn đỏ hay phèn xanh, khó lòng có loại thảo mộc nào có thể sinh sống được, ngoại trừ những loại cỏ chịu phèn như năng, bàng, đưng, lác, vân vân.”
Đồng Tháp Mười chẳng những nhiều bông súng, mà nói về bông sen thì chắc không nơi nào của đất nước có thể vượt qua được Đồng Tháp. Nhiều nơi trong Đồng Tháp, nhất là về mùa khô, nước rút xuống, các đầm lớn trong vùng Đồng Tháp đều là những đầm sen đủ màu, trắng, vàng, đỏ, hường, vân vân. Bên cạnh đó, vùng Đồng Tháp Mười còn nổi tiếng về các thiếu nữ đẹp. Theo truyền thuyết của người Khmer thì vùng ven bờ sông Tiền từ Sa Đéc xuống Nha Mân và Cái Tàu Hạ... rất nổi tiếng về các thiếu nữ đẹp. Thời vùng đất nầy còn trực thuộc Chân Lạp, các vua Miên thường cho người đến đây để tuyển chọn hoàng hậu và cung phi mỹ nữ.
Nếu chúng ta đáp trực thăng bay ngang qua vùng Đồng Tháp vào mùa nước chưa rút hoàn toàn chúng ta sẽ thấy một thảm thiên nhiên tuyệt đẹp. Trước năm 1975, có lần tôi ghé lại vùng Tràm Chim, dọc theo bờ kinh An Long Đồng Tiến, thấy một cậu bé dùng một cây vợt nhỏ, đi dọc theo bờ kinh Đồng Tiến vợt cá. Cậu bé chỉ bắt cá to, còn cá vừa vừa thì thả lại dòng kinh. Thấy vậy tôi bèn đề nghị: “Để chú đi theo xách giỏ cho cháu, cá lớn thì cháu bắt, còn những con vừa vừa thì cho chú.” Thế mà chỉ trong vòng khoảng 15 phút sau, tôi không xách nổi cái giỏ đầy cá nầy nữa. Thế mới biết cá tôm vô số của vùng Đồng Tháp! Chính vì vậy mà ngay từ giữa thế kỷ thứ 19, khi nói tổng quát về vùng Gia Định, Trịnh Hoài Đức đã ghi trong Gia Định Thành Thông Chí: “Đất Gia Định nhiều sông hồ, đầm bãi, cứ 10 người thì có đến 9 người thông thạo việc đi thuyền, biết bơi lội, thích ăn mặn. Có người đánh đố đã ăn hết 20 cân mắm trong một bữa ăn.” Bên cạnh vô số cá tôm và những loài thủy sản khác, Đồng Tháp Mười còn là vùng trú ẩn của vô số chim muông. Nếu nói Đồng Bằng Sông Cửu Long là thánh địa của các loài chim, thì Đồng Tháp Mười chính là trung tâm của thánh địa ấy.

Lũ Lụt Và Ảnh Hưởng Của Các Kinh Rạch Trong Vùng Đồng Tháp:

Đối với người dân Đồng Tháp thì rõ ràng là họ quan niệm ‘nắng mưa là chuyện của trời’, chuyện của mình là phải sống chung với lũ lụt một cách lạc quan yêu đời.

Mà thật vậy, chỉ có những ai đã từng đi sâu vào Đồng Tháp, thấy cảnh sinh hoạt của cư dân ở đó mới thấy được người Đồng Tháp sống chung với lũ như thế nào. Vào cuối năm 1973, ngay mùa nước nổi, tôi có dịp ghé lại vùng kinh An Long-Đồng Tiến và có cơ hội nói chuyện với một số bô lão trong vùng mới thấy sự lạc quan sống với hiện thực của người Đồng Tháp. Mấy cụ nói: “Cậu ơi, riết rồi cũng quen. Mà nước nổi hay lũ lụt thì đã sao? Ở đây nước nổi không gây nguy hiểm như ở miền Trung của mình, vì nước ở đây lên rất từ từ mà xuống cũng rất từ từ, nên mình có thì giờ chuẩn bị mọi thứ. Trong đầu người dân Đồng Tháp lúc nào cũng phải nhớ là mỗi năm mình phải có mấy tháng sống chung với lũ nên đã cụ bị đủ thứ, từ gạo muối đến thức ăn khô. Còn nói về rau cỏ mùa nước nổi thì khỏi phải lo, đã có ông Trời lo. Chỗ khác thì tụi tôi hổng biết, chứ miệt Đồng Tháp mùa nước nổi không thiếu gì rau cỏ, chỉ riêng bông sen, bông súng, và bông điên điển cũng dư sức cho bà con ăn cho tới khi nước rút.”
Về phương diện kinh tế, tiềm năng của vùng Đồng Tháp Mười thật to lớn. Nhờ có một hệ thống kinh đào chằng chịt nên dù trong Đồng Tháp không có những con sông lớn, việc di chuyển bằng đường thủy cũng rất thuận tiện. Những con kinh nhân tạo trong Đồng Tháp đã được đào thời xa xưa, có lẽ ngay từ thời còn vương quốc Phù Nam, rồi đến vương quốc Chân Lạp. Ngày nay qua không ảnh người ta vẫn còn nhận dạng ra được những con kinh lạn. Có những con kinh đã cạn và được nạo vét lại như kinh Cái Bác chảy từ hố Cái Bác đến ngọn sông Vàm Cỏ Tây. Ngay từ thời xa xưa, có lẽ người Phù Nam và Chân Lạp đã thấy được điều nầy nên họ đã thực hiện đào những kênh rạch thủy lợi như Rạch Cái Bác chạy từ ngọn Cái Bác đến ngọn sông Vàm Cỏ Tây, và rất nhiều kênh rạch mà nay đã cạn hay đứt khúc. Đến thời Nam Tiến, các chúa Nguyễn cũng cho đào nhiều kinh, nhưng ngày nay đã bị cạn và không còn lưu lại dấu tích. Đến thời Pháp thuộc, người Pháp đã cho đào rất nhiều kinh rạch với mục đích vừa dẫn thủy nhập điền mà cũng vừa tiện lợi trong việc chuyên chở lúa gạo từ Đồng Tháp về Sài Gòn và cũng nhằm kiểm soát các nhà cách mạng như các kinh Lagrange(56) và kinh “Bốn Bis”, có bề rộng khoảng 20 mét. Vào những năm hãy còn chiến tranh từ năm 1946 đến 1975, Đồng Tháp Mười chưa được khai khẩn đúng mức. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng cho đào rất nhiều kinh rạch thoát phèn và dẫn thủy nhập điền, như những kinh An Long, Đồng Tiến, Hồng Ngự, vân vân, có bề rộng lên đến gần cả trăm mét. Những kinh này dẫn nước ngọt từ sông Tiền chảy đến các vùng trũng tại vùng trung tâm Đồng Tháp. Chính quyền cũng khuyến khích người dân định cư tại các vùng này để khai khẩn và phát triển kinh tế. Sau chiến tranh 1975, diện tích canh tác tăng dần(57); tuy nhiên, cư dân vùng Đồng Tháp Mười phải đương đầu với cơn nước lũ hàng năm. Phần lớn Đồng Tháp Mười vào mùa nước lũ đều chìm sâu trong biển nước mênh mông, có chỗ sâu đến 4 hoặc 5 thước. Nước lũ ở đây không rút nhanh như nước lũ miền Trung, mà nó ứ lại có khi đến hằng tháng trời, khiến cho cây cối trong vùng gần như chết sạch. Ngược lại, vào mùa nắng, cả vùng Đồng Tháp biến thành đồng khô cỏ cháy, không có lấy một miếng nước để ăn uống, tắm giặt, huống là nước tưới cây. Đồng Tháp Mười còn là giang sơn gần như bất khả xâm phạm của các loài ếch, nhái, cua, tôm dưới nước, còn trên trời thì không biết cơ man nào mà kể cho hết những loài chim rừng. Hiện nay đa phần đất đai vùng Đồng Tháp đã được khai khẩn thành khoảnh và có chủ nhân hẳn hòi. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một vùng đất ủng phèn và năng suất rất thấp cho việc trồng cây lúa nước.

Sếu Đầu Đỏ Trong Vùng Tràm Chim:

Cái tên Tràm Chim Tháp Mười cũng đủ nói lên ý nghĩa của nó, mà tại Đồng Tháp có trên cả chục nơi được gọi là tràm chim. Chỉ riêng ‘Tràm Chim Tam Nông’ thì đã nổi tiếng khắp thế giới, và đã trở thành ‘Vườn Quốc Gia Tràm Chim’ kể từ năm 1998, với tổng diện tích lên đến trên 7.600 mẫu tây đất. Đây là vườn quốc gia ngập nước đầu tiên của Việt Nam, mà cũng là một trong những nơi sót lại cuối cùng của hệ sinh thái vùng lau sậy ngập nước. Vào năm 1985, theo cơ quan Bảo Vệ Thiên Nhiên trên thế giới, Đồng Tháp Mười hiện vẫn còn trên 130 loài thực vật, 120 loài cá nước ngọt đủ loại, 40 loài bò sát, và trên 200 loài chim trong đó có 16 loài được coi như quý hiếm. Đồng Tháp là nơi có hàng trăm loài chim bản địa cũng như các loài chim di trú khác cùng cộng cư. Chúng sống tập trung tại các nơi mà người dân địa phương thường gọi là ‘tràm chim’, ‘mảng chim’, ‘vườn chim’ hay ‘sân chim’. Theo các nhà sinh vật học thì vùng Đồng Tháp Mười là quê hương của rất nhiều loài chim từ thông thường đến quý hiếm, đặc biệt là loài “Sếu Đầu Đỏ” (Grus antigone) đã được Liên Hiệp Quốc liệt kê là loài đang có nguy cơ diệt chủng. Đây là một trong 15 loài sếu còn tồn tại trên thế giới. Riêng loài sếu đầu đỏ của vùng Đồng Tháp phải nói là giống sếu quý hiếm hiện còn rất ít trên thế giới. Vì loài sếu đầu đỏ hiện chỉ còn một số ít sinh sống tại Việt Nam nên người Tây phương gọi chúng là hạc Đông Phương. Các nhà sinh vật học thì cho rằng sếu là một trong những loài tương cận của loài hạc, chúng có dáng vẻ cao lớn nhất trong tất cả các loài chim, với đôi chân thật dài, có con cao đến gần 2 mét, đầu đỏ, với đôi cánh thật rộng. Sếu đầu đỏ có tuổi thọ trung bình khoảng từ 40 đến 50 năm, và tuổi thành thục về sinh dục từ lúc lên 4 hoặc 5 năm tuổi. Theo lời cư dân ở đây kể lại thì từ sau năm 1987, mỗi năm cứ từ tháng 3 đến tháng 7 từng đàn sếu bay về Tràm Chim Tam Nông. Tại sao loài sếu nầy chỉ sống trong các vùng rừng tràm trong vùng Tràm Chim Tam Nông, thuộc tỉnh Đồng Tháp ngày nay, mà không tìm thấy ở những khu rừng khác tại Việt Nam? Theo các nhà chuyên môn về loài chim hạc, thì loài sếu thích sống ở những nơi có môi trường sinh thái cân bằng như Tràm Chim Tam Nông. Hiện tại toàn vùng Tràm Chim vẫn còn chìm ngập trong vùng trũng phèn mặn với tổng diện tích chừng 7.612 mẫu. Cũng theo các nhà sinh vật học, thì dưới thời vương quốc Phù Nam vùng Đồng Tháp có rất nhiều sếu, nhiều vô số kể và sếu tồn tại đến cuối tiền bán thế kỷ thứ 20 tại khu vực này. Đến khoảng năm 1952 thì đột nhiên chúng biến mất, gần như tuyệt chủng tại đây. Tuy nhiên, đến giữa thập niên 1980s, khoảng những năm 1987 và 1988, thì từng bầy sếu lại bay về các khu rừng tràm Đồng Tháp. Có lẽ trước đây chúng không chịu nổi sự khai phá đất hoang của con người, và có lẽ về sau này, khi đất nước không còn chiến tranh, các rừng tràm được trồng trở lại nên nhiều bầy sếu lại kéo về đây trú ngụ. Điều nầy cho thấy nơi nào có sự cân bằng nhất về môi trường sinh thái là thì loài sếu nầy mới chịu về, chẳng hạn như vùng thiên nhiên đất ngập nước Tràm Chim nầy. Theo cơ quan bảo vệ sinh vật hiếm quý thì sếu Đồng Tháp là loài sếu rất hiếm vì dường như chúng chỉ còn xuất hiện ở các xứ Đông Nam Á Châu, chúng có đầu trụi lông màu đỏ, toàn thân khoát một màu lông xám, thường cao từ 1.6 đến 1.8 mét, với sải cánh khoảng 2,5 mét; tuy nhiên, cũng có con cao đến gần 2 mét, nặng từ 10 đến 15 kí lô. Thức ăn chính của loài sếu là củ năn và những loài vật nhỏ như cua, ốc, hến, vân vân.

Ngay khi người ta phát hiện về sự có mặt của loài sếu đầu đỏ tại vùng Tràm Chim, các chuyên gia Nhật, Mỹ và Trung Hoa đã có một cuộc hội thảo quốc tế về bảo vệ loài sếu nầy tại Trung Quốc. Tất cả những con sếu đầu đỏ trong vùng Tam Nông đều được gắn máy định vị vào lưng để người ta có thể theo dõi qua vệ tinh nơi cư trú của đàn sếu sau khi chúng rời khỏi Tràm Chim. Tuy nhiên, từ năm 1988 đến nay con số sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp đã giảm thiểu đáng quan ngại. Năm 1988 có trên một ngàn con (1052), năm 1996 còn khoảng 631 con, năm 2004 khoảng 154 con, và năm 2006 chỉ còn lại 90 con. Mãi cho đến hôm nay những chuyên gia Mỹ Nhật của tổ chức Hạc Quốc Tế vẫn tiếp tục giúp đở trong việc theo dõi sự sinh hoạt của loài sếu này bằng những chiếc vòng điện tử. Tháng 2 năm 1994, chánh quyền Việt Nam đã chính thức ra quyết định biến khu Tràm Chim làm khu ‘Bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc Gia’ với những biện pháp thiết thực nhằm khả dĩ có thể bảo vệ loài chim quý hiếm này. Sếu đối với người châu Á được coi như là biểu tượng của sự may mắn, trung thực và hạnh phúc. Riêng đối với người Việt Nam chúng ta, sự bảo vệ những đàn chim sếu còn sót lại mang một ý nghĩa đặc biệt hơn nữa, vì hãy nhìn vào những trống đồng từ thời các vua Hùng, chúng ta sẽ thấy ngay những hoa văn đẹp rực rỡ với những đàn hạc chim Việt bay chung quanh mặt trời. Ngày nay, dường như sếu đầu đỏ chỉ còn xuất hiện ở vùng Đông Nam Á mà thôi, mong rằng những người có trách nhiệm tiếp tục đưa ra những biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ loài chim quí hiếm nầy.

------------

Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,3, 4..ở cột danh mục hai bên.

***

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Áng Phù Vân


Bài Xướng:
 
Áng Phù Vân

Nước lớn bìm bịp kêu vang
Chờ ai múc ánh trăng vàng hắt hiu
Thuyền rời tách bến một chiều
Sông xưa thắc thẻo tiêu điều khách qua
Dấu yêu biệt xứ quan hà
Điêu linh khắp nẻo trời xa đoạn trường
Còn chút gì nhớ quê hương
Thuyền đi bến đợi tình vương sông dài
Ngửa trông mây khói u hoài
Gục đầu sóng nước bóng phai nhạt dần
Tháng ngày tựa áng phù vân

Cuộc đời qua vội tình trần thế thôi.
                                Kim Oanh
***
Các Bài Họa & Cảm Tác: 
Khói Mây

Tiếng lòng thổn thức âm vang
Gió thu ảm đạm sắc vàng quạnh hiu
Chia tay trong một buổi chiều
Nhìn nhau ôn lại bao điều đã qua
Tới đây trắc trở sơn hà
Hai phương trời biệt cách xa dậm trường
Giờ thân lữ khách tha hương
Biết sao dứt mối tơ vương lâu dài
Nghĩ chi thêm lắm cảm hoài
Khó mong tình sẽ nhạt phai phai dần
Chuyện mình nào khác yên vân
Hợp tan tan hợp cảnh trần vậy thôi.
                                 Quên Đi
*** 
Nhớ Quê

Dư âm ngày ấy còn vang
Bến thu sông nước gió vàng hiu hiu.
Sáo diều văng vẳng sông chiều
Con đò rộn rịp khăn điều khách qua.
Giờ đây cách biệt hải hà
Nước non còn đó quê xa dặm trường.
Mả mồ lạnh lẽo khói hương
Tháng Tư lại đến sầu vương lệ dài.
Thời gian tan tác ai hoài!
Tuổi già ký ức nhạt phai dần dần.
Ráng chiều le lói hồng vân
Phải đi cho hết đường trần mà thôi!
                                  Mailoc
                                 4-20-19
*** 
Trả Hết Những Gì

Nghe quanh nhịp guốc còn vang
Sân trường sót lại nắng vàng quạnh hiu
Đằm đằm sắc phượng trong chiều
Rưng rưng gợi nhớ những điều hôm qua
Vì đâu cách bởi ngân hà
Vì đâu xót nổi chia xa dặm trường
Cho người sống kiếp tha hương
Trông về cố quốc lệ vương tuôn dài
Mưa tình rơi mãi rơi hoài
Xóa đi chứng tích nhạt phai mờ dần
Thu hồn lánh chốn am vân
Bao giờ trả hết nợ trần mà thôi.
                                 Kim Phượng
***
Áng Phù Vân

Thuyền chèo nhẹ lướt êm vang
Lung linh lấp lánh sợi vàng đìu hiu
Trăng lên,lại nhớ nắng chiều
Nhưng không sao đạt tới điều ngày qua.
Anh sông Cửu,bậu Hồng Hà,
Để rồi từng giấc mơ xa canh trường
Khiến cho nhạt phấn, tàn hương
Và luôn cả những vấn vương năm dài!
Phần mây theo gió bay hoài
Còn trăng quá độ cứ phai sắc dần
Loãng tan trong lớp tinh vân
Thì ra tất cả phù trần đấy thôi! 
                                 Thái Huy

*** 
Đóa Bạch Vân

Bìm bịp nước lớn kêu vang,
Ai kia ngắm ánh trăng vàng buồn hiu.
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhớ người tri kỷ khăn điều năm qua.
Cách nhau biết mấy sơn hà,
Mây Tần liệu nẻo xa xa dặm trường.
Hương thừa còn thoáng tàn hương,
Tình xưa còn luyến còn vương dặm dài.
Lòng yêu mãi mãi hoài hoài,
Dẫu mòn bia đá cũng không phai dần.
Ngàn năm tựa đóa bạch vân,
Du du bay mãi đường trần ngàn năm !
                              Đỗ Chiêu Đức
***
Bài Cảm Tác:
  Đường Lên Núi


Bên đường tiếng thác ầm vang
Ngọn lau vách núi võ vàng đìu hiu
Ráng hồng loang lổ rừng chiều
Một đôi chim lạ bay vèo thoáng qua
Trời thu bảng lảng sơn hà
Níu chân lữ khách đường xa dặm trường
Đâu đây thoang thoảng mùi hương
Khói nhang phảng phất vấn vương dặm dài
Lần theo lối dốc đi hoài
Đên ngôi chùa cổ ...nắng phai úa dần
Tĩnh tâm lòng hết phân vân
Xả buông tất cả, cõi trần nhẹ thôi 
                     Phương Hà
***
Buồn Thương Màu Kỷ Niệm
Gót hài xưa vẫn âm vang
Dạo đi giữa phố,nắng vàng nhẹ hiu
Cùng em sóng bước đường chiều
Làm cho ngơ ngẩn,dập dìu người qua
Bây giờ cách trở sơn hà
Nhớ ngày hai đứa thường qua ngang trường
Hoa cài còn đượm mùi hương
Gió lay tóc thả ngọn vương áo dài
Lòng anh xao xuyến cảm hoài
Tháng năm rồi cũng tàn phai dần dần...
Buồn thương mầu kỷ niệm dâng
Tình không trọn ước...chỉ ngần ấy thôi.... 
                                 Song Quang
                                   20190421

***

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Đồng Tháp Mười phần 2


Di Tích Lịch Sử Vùng Đồng Tháp Mười:

Hầu như không một người miền Nam nào mà không biết hay nghe nói đến địa danh “Đồng Tháp Mười,” tuy nhiên, vì tình trạng chiến tranh và đường sá không thuận tiện nên trước năm 1975 ít ai có cơ hội đặt chân lên vùng đất thân yêu và đầy kỳ bí của đất nước này. Về mùa nước nổi, từ trên phi cơ nhìn xuống toàn cảnh Đồng Tháp Mười không khác gì một cái biển cạn, vì cả một vùng bao la bạt ngàn nầy đều chìm trong biển nước. Về phương diện lịch sử, Đồng Tháp Mười là khu di tích đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam, vì nó đã in lại dấu ấn của nhiều nhân vật lịch sử. Đồng Tháp Mười là nơi trú ẩn an toàn thời Gia Long tẩu quốc, và là chiến khu bất khả xâm phạm của người dân miền Nam. Thời Nguyễn Ánh trốn chạy sự săn đuổi của đại quân Tây Sơn, ông đã nhiều lần lẩn trốn trong vùng Đồng Tháp. Thời đó vùng Sa Đéc và Cao Lãnh, mặc dầu chỉ là vùng ven bìa Đồng Tháp, nhưng hãy còn rất âm u. Ngày đó chưa có đường bộ từ Giáo Đức lên Hồng Ngự như ngày nay nên đây là nơi ẩn trốn rất tốt cho những nhà cách mạng. Ngày nay tại vùng Nước Xoáy, xã Long Hưng, vẫn còn sự tích Cây Đa Bến Ngự. Vào năm 1787, Nguyễn Ánh cho xây tại đây một cái đồn nơi mà ông thường ngồi câu cá kiểu Khương Tử Nha mong tìm mưu chước giành giựt lại chiếc ngai vàng cho dòng họ Nguyễn. Cũng tại đây Nguyễn Ánh được một phú nông tên Nguyễn văn Hậu hỗ trợ rất đắc lực. Vì thế mà vào năm 1807, vua Gia Long tức Nguyễn Ánh thời bôn tẩu đã cho xây Lăng Ông Bõ Hậu để tưởng nhớ đến một người mà ông xem như là cha đỡ đầu.

Bè qua rạch Cái Nứa lên Cai Lậy rồi vô Ấp Bắc. Ngày đó, các ông Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều tuy thế yếu nhưng vẫn quyết đánh giặc đến hơi thở cuối cùng, dẫu không thành công cũng thành nhân. Hiện tại, tại vùng Gò Tháp vẫn còn có đền thờ hai vị anh hùng chống giặc Tây là Đốc Binh Kiều và Thiên Hộ Dương, với hai câu liễn đối thật oai hùng:

“Gò Tháp địa linh nối chí hùng anh giữ Tổ Quốc 
Tháp Mười nhân kiệt giương cờ đại nghĩa dựng quê hương.”
 
Sau khi giặc Pháp chiếm xong ba tỉnh miền Đông, anh hùng Trương Công Định và Thiên Hộ Dương rút quân về “Đám Lá Tối Trời” ở Gò Công để tiếp tục kháng Pháp.
Sau khi anh hùng Trương Công Định tử trận, ngài Thiên Hộ Dương ra lệnh cho nghĩa quân tiến vào Đồng Tháp lập căn cứ tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Sau khi ổn định chiến khu, ngài Thiên Hộ Dương tung nghĩa quân ra đánh du kích khắp các miền từ Vĩnh Long, đến Sa Đéc, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Long An, Mỹ Tho. Ngày 15 tháng 4 năm 1865, nghĩa binh phục kích giặc Pháp tại Cái Thia đánh một trận quyết liệt. Sau đó Pháp cho viện binh vào vây hãm chiến khu Đồng Tháp, nhưng không cách gì tiêu diệt được nghĩa quân. Về sau vì thiếu lương thực và thuốc men, nghĩa quân lớp bệnh lớp bỏ ngũ, ngài Thiên Hộ Dương thì mắc bệnh kiết lỵ mà qua đời nên nghĩa quân tàn lụi dần dần. Tuy nhiên, một thuộc tướng của Thiên Hộ Dương là Đốc Binh Kiều, rút sâu vào Đồng Tháp chiêu mộ nghĩa quân từ các tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Long Xuyên, Châu Đốc và Cao Lãnh đến lập chiến khu tiếp tục chống Pháp. Theo truyền thuyết thì ngài Đốc Binh cho xây một cái tháp cao mười tầng(22) dùng làm đài quan sát. Phế tháp với một nền gạch hiện vẫn còn nằm bên cạnh mộ của ngài Đốc Binh trong quận Mỹ An, sát bên kinh Tháp Mười. Con đường tiếp tế duy nhất cho nghĩa quân là con đường Cần Lố đi vào. Súng đạn và lương thực từ các tỉnh miền Tây(23) được dân quân kháng chiến chở vào bằng con đường này. Ngày đó Tây muốn vào Tháp Mười chỉ có hai đường duy nhất là từ Cần Lố bên phía Hồng Ngự đi vào, hoặc Cái Nưa từ phía Mỹ Tho đi lên. Trên mỗi lối đi vào, ngài Đốc Binh cho xây nhiều đồn binh kiên cố nhằm bảo vệ và thông tin cho nghĩa quân bên trong, trong đó có hai đồn lớn là Đồn Tả và Đồn Hữu. Về sau này giặc Pháp tìm cách đi từ gò Bắc Chiên(24) (Mộc Hóa) đi xuống, nên ngài Đốc Binh cho xây thêm Đồn Tiền để án ngữ giặc. Mỗi tiền đồn có từ 200 đến 300 nghĩa quân với 10 khẩu súng thần công(25) và 50 súng bắn đá. Ngoài ra tại gò Bắc Chiên và ấp Lý ngài Đốc Binh cho dựng tiền đồn với khoảng 100 đến 150 nghĩa quân, được trang bị 25 súng bắn đá. Như vậy nếu giặc Pháp không cấp thời đánh chiếm ba tỉnh miền Tây, ắt hẳn chúng sẽ không yên với nghĩa quân trong Đồng Tháp Mười. Tháng 7 năm 1865, nghĩa quân cho đốt chợ Trà Mỹ, sau đó tấn công Cái Bè, Mỹ Quí... Chính những trận đánh này đã làm cho giặc Pháp lo âu nên đầu năm 1866 chúng sai Thủy Sư Đô Đốc De La Grandière trở qua Việt Nam để tấn công và ổn định vùng Đồng Tháp Mười. Với sự trợ giúp của những tên Việt gian như Quản Tấn(26) và Huyện Lộc(27), giặc Pháp đã phá hủy chiến lũy Đồng Tháp vào cuối năm 1866.
Năm 1958, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa cho xây dựng ngôi đền thờ cho ngài Đốc Binh Kiều ngay trên khu Gò Tháp. Ngày nay hàng năm đến các ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch các bô lão địa phương cũng như những vùng phụ cận tề tựu về đây tổ chức ngày lễ giỗ cho ngài Đốc Binh Kiều. Trong các buổi lễ người ta thường tổ chức cầu an cho bá tánh và đọc bài văn điếu ngài một cách long trọng và trang nghiêm với nhạc lễ theo nghi thức cổ truyền. Ngoài ra, các ngày lễ này còn có tổ chức hát bội, đấu võ, đốt lửa trận, vân vân. Tuy nhiên, nghi thức chính vẫn là cầu mong các vị thần đã từng hy sinh giữ yên bờ cõi tiếp tục hộ trì cho con dân đất phương Nam được quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Trong thời chiến tranh Việt Nam từ năm 1960 đến 1975, Đồng Tháp Mười từng là nơi có những cuộc giao tranh ác liệt giữa hai phe Quốc Cộng. Quân Cộng Sản đã lợi dụng thế đầm lầy của Đồng Tháp làm an toàn khu cho họ, thêm vào đó tại Việt Nam thời đó Mỹ chỉ phát động một cuộc chiến tranh nhằm trong chiến lược giựt sập hệ thống Cộng Sản Sô Viết, nên họ đã không thực tâm với những người Việt Nam quốc gia, và kết quả là quân Cộng Sản đã chiếm toàn bộ miền Nam vào năm 1975 trong sự ngỡ ngàng của nhân dân hai miền Nam Bắc.

Di Tích Khảo Cổ Trong Vùng Đồng Tháp Mười:
 
Về phương diện khảo cổ học, Đồng Tháp Mười hãy còn cất chứa rất nhiều những di chỉ đáng được khai quật về một nền văn hóa mang tên Óc Eo và một vương quốc mang tên Phù Nam. Hiện nay vị trí khu di tích Gò Tháp thuộc ấp 4 xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Khoảng hai mươi thế kỷ về trước, Đồng Tháp Mười là trung tâm lãnh địa của vương quốc Phù Nam. Ngày đó địa hình của vùng Đồng Tháp không khác mấy với địa hình của Đồng Tháp ngày nay. Vùng Đồng Tháp Mười thì bát ngát bao la, nhưng vùng di tích Gò Tháp lại nằm giữa Cao Lãnh và Long An. Quần thể Gò Tháp gồm có 5 di tích tiêu biểu tính từ lộ Mỹ Hòa đi vào là Gò Tháp Mười, Tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ Đốc Binh Kiều, Gò Minh Sư, và Miễu Bà Chúa Xứ. Các di tích trong Gò Tháp(28) mang nhiều giá trị văn hóa, nhờ khai quật những khu di tích nầy mà chúng ta biết được đặc tính cũng như tiến trình phát triển và bị tiêu diệt của những dân tộc đã từng là chủ nhân ông vùng đất này trước chúng ta. Quang cảnh trong Đồng Tháp vào mùa nước nổi không khác gì một biển nước với những hòn hay những gò đất cao(29) nằm rải rác đó đây. Những gò đất nầy được cấu tạo bằng những lớp cát và đất sét. Nếu quan sát từ đông sang tây phần Đồng Tháp Mười bên phía Việt Nam chúng ta sẽ thấy dọc theo hai con sông Vàm Cỏ(30) là phần thung lũng phù sa; kế đó xám, nâu, đen, và xanh... chen nhau bởi những khu vực cỏ khô, cỏ khô đã bị đốt cháy thành tro đen, và những cánh đồng năng lát, bàng, lau sậy, và đầm sen, vân vân.
Vào hậu bán thế kỷ thứ XIX đến đầu thế kỷ thứ XX, một số nhà khảo cổ học người Pháp đã đến vùng Đồng Tháp Mười để khảo sát vào nghiên cứu. Sau những khai quật về dấu tích những kiến trúc cổ, tượng thờ, bia đá và văn tự cổ, người ta đã công bố những phát hiện quan trọng về vùng Gò Tháp hay khu di tích Gò Tháp(31).
Chung quanh gò cát là một cánh đồng bao la, cây cối um tùm, lau sậy chằng chịt. Ngày trước muốn đi vào Tháp Mười phải đi bằng ngả Cần Lố(32), hai bên bờ toàn là lau sậy. Từ quốc lộ 4(10), gần sông Tiền Giang, đi về phía Tây Bắc khoảng 36 cây số là thị xã Cao Lãnh, từ thị xã Cao Lãnh đi về phía Đông Bắc khoảng 43 cây số là đến xã Tân Kiều, trước năm 1975 thuộc thị xã Cao Lãnh, sau này thuộc huyện Tháp Mười, là khu di tích Gò Tháp. Nhiều nhà khảo cổ học và học giả người Pháp đã đến đây khảo sát và đã đạt được những kết quả quan trọng. Phải nói vùng nầy chẳng những gợi lên sự tò mò cho những nhà khảo cổ địa chất học, mà ngay cả viên Thanh Tra Cai Lậy người Pháp tên Sylvestre, làm việc từ năm 1869 đến năm 1878 cũng đã nhiều lần đến viếng Chùa Tháp Mười. Chùa được xây trên một gò đất cao khoảng bốn hay năm thước tây, đường kính khoảng trên 60 thước. Nền chùa được xây bằng đá ong với tháp hình ngũ giác mà người Miên gọi là Prasah Préam Loveng(33), nhưng người Việt thì gọi là Tháp Mười. Ông Sylvestre đã lấy từ ngôi tháp nầy một phiến đá có chạm trổ hình bánh xe Pháp Luân còn nguyên vẹn với 12 căm bánh xe và gởi về tặng cho Viện Bảo Tàng Musée Municipal de Rochefort sur Mer ở Pháp. Sau đó các nhà khảo cổ học nổi tiếng như Étienne Aymonier và Henri Parmentier thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ đều đến viếng thăm Tháp Mười và họ đã tìm ra một số dấu tích kiến trúc cổ, tượng thờ, bia đá và văn tự cổ tại đây, có lẽ có trước thời người Phù Nam làm chủ nhân của mảnh đất này. Về sau người Chân Lạp thấy khu đất khá cao nên cho trùng tu lại những phế tháp để thờ thần Siva(34). Theo các nhà khảo cổ và nhân chủng học thì những di vật văn hóa cổ được đào xới lên trong khu vực này cho thấy trên 2.000 năm trước đây đã từng có những bộ lạc cổ sinh sống tại khu vực này, trong đó đa phần là những dấu tích của nền văn minh Óc Eo của người Phù Nam, có niên đại từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 6. Vì địa điểm ngôi Tháp Cổ tọa lạc tại một nơi xa xôi hẻo lánh nên ít có ai lui tới tham quan nghiên cứu. Theo kết quả khảo cổ học từ các di vật khai quật được thì Tháp Mười được cấu trúc toàn bằng những tảng đá xanh ở trên một gò cát. Phía trước Tháp Mười có một tượng sư tử và một trụ đá lớn mà người Khmer gọi là “Linga” ở trạng thái đầy sinh lực. Theo Ấn Độ giáo thì thần Shiva-Bhadresvara tượng trưng bằng “linga”, biểu hiện của sự sinh tồn của nhân loại. Ngoài ra, tại đây người ta còn tìm thấy nhiều tượng Phật, và các tượng thờ khác bằng đá hay đồng đen. Hiện các cổ vật nầy được lưu trữ tại Bảo Tàng Viện Sài Gòn(35).
Theo truyền thuyết thì ngôi tháp cổ này do ngài Thiên Hộ Dương xây dựng làm tháp canh cho chiến khu Đồng Tháp hơn 100 năm về trước. Tuy nhiên, theo sự đào xới và nghiên cứu của các nhà khảo cổ vào những năm 1942 và 1944 thì ngôi tháp mà Thiên Hộ Dương xây dựng chỉ tình cờ nằm bên trên của một nền tháp rất cổ của vương quốc Phù Nam. Sở dĩ có tên Tháp Mười là lấy từ tên của vị vua thứ 10 của vương quốc Phù Nam. Cũng theo truyền thuyết thì ngày xưa, khoảng gần 2000 năm trước, vùng Tháp Mười là một đô thị phồn thịnh của vương quốc Phù Nam, nhưng rồi một cơn đại hồng thủy xảy ra tại đây vào khoảng thế kỷ thứ VI đã cuốn trôi tất cả, từ đô thị, phố xá đến cả con người. Khi nước rút chỉ còn trơ lại ngôi tháp đã được vị vua thứ 10 của Phù Nam xây dựng mà thôi. Ôi ngậm ngùi thay:

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, 
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.”

Ngày trước vùng Đồng Tháp Mười là một vùng châu thổ rất đặc biệt, nó trải rộng từ bờ sông Tiền đến tận vùng châu thổ hai sông Vàm Cỏ. Nó nhận phù sa từ ba con sông lớn là sông Tiền Giang, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Hiện tại vùng Đồng Tháp Mười vẫn còn một diện tích khá lớn, gồm một phần của tỉnh Long An, một phần của tỉnh Mỹ Tho(36) và một phần lớn thuộc hai tỉnh Mộc Hóa(37) và Kiến Phong(38). Sau năm 1975, chánh quyền mới cho sáp nhập ba tỉnh Long An, Hậu Nghĩa và Mộc Hóa làm một thành tỉnh Long An. Trong khi đó hai tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc nhập lại thành tỉnh Đồng Tháp. Như vậy hiện nay Đồng Tháp Mười nằm trọn trong hai tỉnh Long An và Đồng Tháp.
Từ con lộ Mỹ Hòa đi vào, di tích khu Gò Tháp gồm có Gò Tháp Mười, tháp Cổ Tự, mộ và đền Đốc Binh Kiều, gò Minh Sư... Ngôi tháp mà chúng ta tìm thấy trong khu Gò Tháp(39) là ngôi tháp thứ mười nên gọi là Tháp Mười, nằm trên một khu gò dạy học tại trường Pétrus Ký, sau làm quản thủ Viện Bảo Tàng Sài Gòn, rồi được thăng chức Viện Trưởng trường Viễn Đông Bác Cổ. Ông Louis Malleret đã bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu về Tháp Mười và văn hóa Óc Eo. Chính ông Louis Malleret là tác giả của bộ sách nhan đề “Le Delta du Mékong”(40), trong đó quyển thứ IV là quyển riêng nói về “Le Cisbassac”(41). Ông đã mang về Bảo Tàng Viện Sài Gòn những viên gạch di tích Tháp Mười, hiện vẫn còn được lưu giữ tại đây. Theo ông L. Malleret, khu Gò Tháp Mười là một trong những kiến trúc văn minh Óc Eo. Trên khu gò chính có nhiều gò phụ chung quanh. Tuy nhiên, Gò Tháp là gò lớn nhất với đỉnh cao nhất khoảng trên 5 mét. Gò có hình dáng gần như vuông, với diện tích khoảng 4.500 mét vuông. Trên mặt và dưới chân gò có rất nhiều khối đá lớn, cũng như những vật thờ và bệ thờ thần Visnu. Đây là một khu di tích lớn nhất được tìm thấy trong vùng Đồng Tháp Mười. Louis Malleret cho rằng giáp chân Gò Tháp là khu cư trú nhà sàn, được dựng ở địa hình thấp. Trên gò cao được đắp bằng cát và đất sét nung. Đây cũng là khu di tích của những đền thờ hay mộ hỏa táng. Nhiều di vật làm bằng đá hoa cương và sa thạch được thu thập vào năm 1944, như những tấm lót, cột trụ, chân trụ, bệ thờ và vật thờ theo Ấn Độ giáo, có niên đại Óc Eo, vào khoảng thế kỷ thứ III hay thứ IV sau Tây lịch. Hiện còn 3 cây cột lớn bằng đá hoa cương, mặt cắt ngang hình vuông, cạnh 0,48 mét, dài từ 1,10 mét, 1,42 mét, và 1,56 mét; một đầu có chốt và đầu kia có mộng để ghép nối theo chiều cao. Kiến trúc mà người ta có thể thấy rõ nhất là kiến trúc qui mô nhất trên gò, được xây bằng gạch, chiều dài theo hướng đông-tây khoảng 17,30 mét và chiều rộng theo hướng bắc-nam khoảng 12 mét. Lại có những tượng Phật bằng gỗ, niên đại Óc Eo và hậu Óc Eo, khoảng thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 9. Người ta cho rằng những tượng Phật có niên đại hậu Óc Eo là những di vật của người Chân Lạp mang đến khi họ là chủ nhân ông của vùng này. Phần lớn tượng Phật trong vùng được dân chúng phát hiện một cách ngẫu nhiên khi đào đìa hay khi làm ruộng. Các nhà khảo cổ cho rằng sở dĩ trong vùng Đồng Tháp có quá nhiều tượng Phật bằng gỗ có lẽ vào những thế kỷ đầu Tây lịch, khu vực nầy rất dồi dào về nguồn nguyên liệu gỗ, nhất là gỗ mù u, đây là một trong những loại gỗ rất tốt trong vùng nhiệt đới và sức chịu đựng mưa nắng của nó rất cao. Mặc dầu niên đại của những pho tượng cách nay gần 15 thế kỷ, nhưng nét mỹ thuật và nghệ thuật tạc tượng cũng như chạm trổ của người Phù Nam thời đó rất cao. Những tượng Phật tìm thấy trong vùng đã minh chứng một cách mạnh mẽ rằng đây có thể là giai đoạn đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo của cư dân bản địa thời đó. Sau năm 1975, các nhà khảo cổ Việt Nam tiếp tục khai quật và những di vật tìm thấy gồm những mảnh gốm bình ấm có vòi, một số những mảnh vỡ của ‘Yoni’, tượng Vishnu, khuôn đút, đặc biệt nhất là 2 tượng Vishnu rất đẹp, tuy không còn được nguyên vẹn. Nếu so sánh với những khu di tích khác thuộc văn hóa Óc Eo thì qui mô khu di tích Gò Tháp khá lớn với nhiều loại hình di tích khác nhau. Tại đây người ta cũng tìm thấy dấu tích của một số đường nước cổ(42) rất nhiều di tích khác trong vùng Đồng Tháp như khu Gò Đế, khu Gò Hàng, khu Gò Bảy Liếp, khu Đìa Tháp, và khu Gò Vĩnh Châu A(43), vân vân.
Năm 1931, quận trưởng Cao Lãnh là ông Trần văn Mãng đã mời nhà khảo cổ người Pháp tên Parmentier đến khu Gò Tháp để quan sát, nghiên cứu và đã tìm ra được nhiều tấm bia cổ. Trong số các bia đá cổ tìm thấy trên vùng Gò Tháp, có một tấm bia mang ký hiệu K5, được các nhà nghiên cứu xác định niên đại vào thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch. Nội dung của văn bia cho thấy rõ nét tinh thần của thần Vishnu trong Ấn Độ giáo, song hành với Phật giáo trong văn hóa Óc Eo. Văn bia nầy cũng còn cho biết rằng đây chính là vùng đầm lầy mà vua Phù Nam Jayavarman đã chinh phục và giao cho con trai mình là Gunavarman cai quản. Một tấm bia cổ khác được viết từ thời vua Chân Lạp, Jayavarman VII (1181-1281). Tấm bia cho thấy ngôi tháp này đã được vua Jayavarman dựng lên vào thế kỷ thứ XII. Về sau ông bị bệnh phong cùi nên ông rất thương cảm thần dân trong vương quốc của mình. Sau đó nhà vua cho xây dựng rất nhiều ngôi tháp thờ ngài Bồ Tát Avalokitesvara(44) để hộ trì cho thần dân của ngài. Ngài lại cho xây rất nhiều trạm xá và trạm chẩn bần cho người nghèo. Lúc nào nhà vua cũng cho lương y túc trực để chăm lo sức khỏe cho dân nghèo.
Trên gò là chùa Tháp Mười mà theo các bô lão trong vùng thì dân chúng quen gọi là Chùa Tháp hay Tháp Cổ Tự. Nói là chùa chứ ở đây người ta thờ cả Phật lẫn thần(45). Khi nhà văn Nguyễn Hiến Lê đến thăm vào năm 1939 thì ngôi chùa này vẫn còn là một ngôi chùa lợp lá rất đơn sơ, bên trong có bệ thờ và vài bức tượng Phật bằng gỗ không sơn phết chi cả. Bên trong chùa không có đôi liễn hay bức hoành nào cả. Theo nhà văn Nguyễn Hiến Lê thì ông có lưu lại chùa và đàm đạo với sư ông trụ trì tại chùa. Đến năm 1957, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa cho dời ngôi chùa đi xa nền cũ khoảng 100 mét, để xây một ngôi tháp 10 tầng ngay trên nền chùa cũ. Hiện nay ngôi phế tháp 10 tầng vẫn còn lưu lại dấu tích tàn phá của chiến tranh. Theo truyền thuyết trong dân gian thì ngay phía sau ngôi tháp là mộ của Hoàng Cô, em gái của Nguyễn Ánh, đã đến đây để trốn chạy nghĩa quân Tây Sơn và mất tại đó.
Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật nhiều lần tại khu Gò Tháp, và kết quả cho thấy những gì mà ông Louis Malleret nhận xét trước đây là đúng(46). Năm 1984, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật một kiến trúc khá lớn nằm trong lòng gò, đây là dấu tích của ngôi miếu cổ mà ngày nay là khu vực miếu Bà Chúa Xứ(47), dài khoảng 20,90 mét, rộng khoảng 13,40 mét, gồm 24 đường biên móng và 36 cấu trúc, tương đối cân xứng giữa hai phần Bắc và Nam. Phần nền móng có những ô vuông xây gạch, có chỗ dày đến 1,40 mét. Phần kiến trúc bên trên đã bị phá hủy gần hết; tuy nhiên, căn cứ vào dấu tích của nền móng và những mảnh đá kiến trúc còn sót lại, chúng ta có thể nhận biết đây là một đền thờ Ấn Độ giáo, được xây khá chuẩn mực, và có niên đại vào thế kỷ thứ VI sau Tây lịch. Người ta còn tìm thấy rải rác trên gò những viên gạch cổ, một số vật thờ cũng như tượng thờ thần Visnu. Ngày nay ngôi chùa Tháp chỉ mở hội khi Miễu Bà Chúa Xứ mở hội(48). ai chịu ghé qua tham quan Chùa Tháp, dù ngôi chùa ấy cách ngôi miễu kia không xa lắm. Nói chung, từ xa xa khu Gò Tháp trông như một dãy thảo mộc xanh nổi bật trên đường chân trời với một vài rặng cây lớn về phía Nam và chung quanh là màu xanh của ruộng. Đây là một dãy đất pha cát, dài trên một cây số, rộng trên 300 mét, chạy theo hướng đông bắc-tây nam. Trên mặt gò là tập họp một số gò nhỏ, nơi cao nhất khoảng gần 4 mét.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ còn khai quật được trong vùng Đồng Tháp Mười tại các Gò Rộc Chanh và Gò Bún rất nhiều di vật cổ và những kiến trúc đền đài theo Ấn giáo của dân tộc Phù Nam. Gò Rộc Chanh nằm trong xã Vĩnh Thạnh, thị xã Cao Lãnh, nay thuộc xã Tân Thạnh, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, còn gọi là Gò Ông Tà hay Gò Lớn, gò dài khoảng 60 mét, rộng khoảng 30 mét, và cao hơn mặt ruộng chừng 1 mét. Theo dân chúng địa phương thì chưa bao giờ gò này bị ngập nước, kể cả những mùa nước lũ cao nhất. Trên gò có nhiều gạch cổ, đỉnh gò bị dân địa phương đào xới để lộ nhiều lớp gạch cổ bên dưới. Sau khi các nhà khảo cổ đào xới, người ta tìm thấy khu Gò Rộc Chanh có hai quần thể kiến trúc khác nhau là quần thể phía Đông và quần thể phía Tây, niên đại của nền gạch cho thấy cả hai quần thể đều được xây vào khoảng thế kỷ thứ VII hay thứ VIII sau Tây lịch, theo kiến trúc Ấn Độ giáo. Từ tháng 2 năm 2001 đến tháng 4 năm 2003, người ta đã khởi động ba lần khai quật, sau những khai quật nầy, các nhà khảo cổ học Việt Nam cho biết qui mô và tính chất của khu di tích Gò Tháp gồm ba loại hình khác nhau là di chỉ cư trú, di tích kiến trúc, và di tích mộ táng(49). Người ta đã phát hiện một khu cư trú cùng mộ táng có địa tầng còn nguyên vẹn cách chân Gò Minh Sư khoảng 120 mét về phía đông nam. Dấu tích mộ táng phân bố dưới chân gò và dấu tích cư trú trên những gò thấp dưới những khu ruộng chung quanh. Trong cuộc khai quật nầy người ta tìm thấy hơn 18.000 mảnh vỡ gốm sứ, bình, vò nồi, rất nhiều mảnh có thể ráp lại được. Riêng nhóm hiện vật bằng vàng tại khu Gò Tháp có tới 321 mảnh, với những chạm khắc hình tượng các vị thần, các linh vật, và hoa văn thuộc văn minh Ấn Độ, có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ VI trước Tây lịch đến khoảng thế kỷ thứ VI sau Tây lịch. Đặc biệt người ta phát hiện trong vùng Đồng Tháp Mười rất nhiều pho tượng Phật bằng gỗ mà đa số có niên đại từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VII sau Tây lịch, điều nầy cho thấy nghệ thuật tạc tượng của vùng Gò Tháp(28) nói riêng, và văn hóa Óc Eo nói chung còn cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nữa. Khoảng gần hai mươi thế kỷ về trước, những cư dân cổ trong vùng Đồng Tháp Mười cũng phải cố gắng thích nghi với môi trường sinh sống bằng cách xây dựng khu cư trú bằng những khu nhà sàn trên những vùng trũng quanh những gò; còn trên gò thì họ xây những những khu đền đài, tháp mộ, vân vân, nhằm phục vụ cho tín ngưỡng và đời sống tâm linh của họ. Về thực phẩm thì chắc chắn phải dồi dào và phong phú hơn nhiều nơi khác nhiều lắm(50).
Chính vì vậy mà khi cha anh của chúng ta vào đến đây mới có câu ca dao: “Ai ơi về miệt Tháp Mười, cá tôm sẵn bắt lúa trời sẵn ăn.” Thật vậy, mãi đến ngày nay mà vùng Tháp Mười vẫn còn vô số các loại động vật và thực vật nơi đầm lầy đìa trũng, trong đó sen, súng, và lúa ma hãy còn rất nhiều. Tại khu Gò Tháp, bên cạnh những di vật thuộc văn minh Óc Eo, người ta còn tìm thấy nhiều di vật của các nền văn minh khác, có thể thuộc thời kỳ ‘Tiền Óc Eo’ hay ‘Tiền Sử’. Điều nầy cho thấy cư dân cổ trong vùng Gò Tháp mà ngay nay thuộc Đồng Tháp Mười không chỉ có mối quan hệ với văn hóa Óc Eo(51), mà họ còn có nhiều mối quan hệ với các nền văn hóa khác nữa.

------------

Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,34..ở cột danh mục hai bên.


***


Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

Lan Man Thơ Lục Bát


Thơ Lục Bát xuất hiện vào thời nào. Có từ bao giờ?
Một câu hỏi không riêng gì cá nhân tôi, mà còn rất nhiều người, trong đó có các nhà nghiên cứu văn học. Nhưng đến nay không có lời giải mà chỉ có những giả thiết.
Có một vài nhà nghiên cứu cho rằng thơ Lục Bát xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15. Vì theo tìm hiểu của các vị ấy, đến thế kỷ 16, các tác phẩm viết bằng thể thơ Lục Bát vẫn chưa hoàn chỉnh về âm điệu và gieo vần.
Về văn bản Nôm cũng theo nghiên cứu của các học giả, thì bản Nôm viết theo thể Lục Bát đầu tiên có "Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh", truyện "Trinh Thử", và về sau, có rất nhiều tác phẩm Lục Bát được viết bằng chữ Nôm như: Trê Cóc, Mục Liên Bản Hạnh, Bích Câu Kỳ Ngộ...và nổi bật nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Tuy nhiên nhìn chung, các nhà nghiên cứu này chỉ truy nguyên nguồn gốc thơ Lục Bát qua những tác phẩm, rõ ràng đây lại là cách tiếp cận phần ngọn, trong khi Ca Dao là loại Văn chương truyền khẩu, xuất xứ từ những người bình dân lam lũ, chớ không phải là những nhà trí thức nho học.

Thực tế, thơ Lục Bát có nguồn gốc từ ca dao Việt Nam, và ca dao đã có từ rất lâu, nhưng có thể do người sáng tác không biết chữ, cũng như chưa có ký tự, nên chỉ truyền khẩu. Vì vậy không thể xác định ca dao đã xuất hiện vào lúc nào, nhưng có một điều chắc chắn là thơ Lục Bát xuất hiện sau khi ngôn ngữ Việt đã có thể dùng để giao tiếp dễ dàng, và người Việt đã hình thành cuộc sống định cư.

Theo huyền sử, Đế Viêm được gọi là Thần Nông, người được cho là thủy tổ của nền Văn Minh Lúa Nước, trong khi tổ của họ Hồng Bàng là Đế Minh chính là cháu 3 đời của Thần Nông. Nên dân Việt đã học được nghề trồng lúa nước, một nghề chính trong lịch sử nước nhà từ thời dựng nước đến nay.
Trên những cánh đồng ngập nước sau những trận mưa đầu mùa, những thôn dân trai có gái có, nam thì kéo bừa, kéo cày...gái thì thi nhau cấy lúa...giữa khung cảnh an bình và trữ tình như thế, những câu trêu ghẹo của đôi bên xuất hiện. Lúc đầu chỉ là những câu nói bình thường, nhưng từ từ chúng được sắp xếp nghe êm tai và du dương hơn, để rồi theo thời gian  khuôn phép thơ Lục Bát hình thành và đi đến hoàn chỉnh như ngày nay:

Em như ngọn cỏ phất phơ
Anh như con nghé nhởn nhơ giữa đồng

Lưng dài có võng đòn cong
Áo dài đã có lụa hồng vua ban.
                                                 (Ca Dao)

và từ đó những câu nói êm có vần có điệu được phát triển thành những đoạn dài hơn:

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
                                    (Ca Dao)

Có lẽ thơ Lục Bát khởi đầu như thế. Khởi đầu và hình thành vào thời kỳ dân ta phát triển mạnh nghề làm lúa nước.


Thơ Lục Bát bắt nguồn từ Ca Dao. Muốn tìm hiểu về thơ Lục Bát, các Học giả đã đi sâu vào nghiên cứu Ca Dao để từ đó rút ra quy tắc về luật thơ Lục Bát.
Mỗi loại thơ đều có những nét riêng, để phân biệt, Ta thường dựa vào Hình thức và Cách gieo vần  để phân biệt các dạng thơ.

 - Hình Thức Thơ Lục Bát

1- Thơ Lục Bát

Các nhà nghiên cứu đã dựa vào  số chữ trong câu mà đạt tên cho dạng thơ Việt chúng ta, đó là câu 6 chữ và câu 8 chữ:

Chẳng tham ruộng cả ao liền
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.

Của chua ai nấy cũng thèm 
Em cho chị mượn chồng em vài ngày 
Chồng em đâu phải trâu cày 
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm

Anh đi không lẽ em cầm 
Chấp tay đưa bạn ruột bầm như dưa
Anh về không lẽ em đưa
Hai hàng nước mắt như mưa tháng mười.
                                            (Ca Dao)
2- Thơ Lục Bát Biến Thể

Thơ Lục bát không chỉ đơn thuần là câu 6 và câu 8, mà còn có những câu nhiều hoặc ít hơn 6 hay 8 chữ, các Học giả gọi đó là Lục Bát Biến Thể:

Rượu Phù Li chuốc để hai hàng
Phụ mẫu anh uống trước, phụ mẫu nàng uống sau.

Anh thương em không muốn vào nhà
Đi qua ngoài ngõ hỏi có bán không
- Nhà em buôn vải bán bông
Buôn tơ bán lụa em không có gà.
                                    (Ca Dao)

3- Thơ Song Thất Lục Bát

Đây cũng là dạng thơ Lục Bát Biến Thể, nhưng có quy định rõ ràng là 2 câu 7 rồi đến câu 6 và 8

Câu Thất 1 : b b T t B b T
Câu Thất 2 : t  t B b T t B
Câu Lục :      b B t T b B
Câu Bát :    b B t T b B t B
                              Đoạn hai :   b b T t B b T (giống 4 câu trên )
                     t t B b T t B
                     b B t T b B
                   b B t T b B t B

Nước thanh bình ba trăm năm
Áo nhung trao quan từ đâỵ
Sứ trời sớm giục đường mây
Phép công là trọng, niềm tâynào...
                        (Chinh Phụ Ngâm)

B - Cách Gieo Vần Trong Thơ Lục Bát

Khác với các loại thơ Tây, thơ Tàu chỉ gieo vần cuối câu (Cước Vận), thơ Việt chúng ta ngoài gieo vần cuối câu mà còn gieo vần ở giữa câu gọi là vần lưng (Yêu Vận).
Khởi đầu là chữ cuối câu 6 sẽ gieo vần với chữ thứ 6 của câu 8. Chữ thứ 8 của câu 8 gieo vần với chữ cuối của câu 6 kế tiếp. Cứ tuần tự như thế cho đến hết bài thơ.

Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng
Đèn ra chỗ gió còn chăng hỡi đèn
Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn
Gặp mây trăng phải nhiều phen phải luồn
                                         (Ca Dao)

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
                                               (Kiều)



Không biết có phải do bản chất đơn thuần dân dã không, mà cách gieo vần của Lục Bát cũng dễ dãi:

- Chữ cuối câu 6 gieo vần với chữ thứ 4 câu 8:

Thuyền dời nào bến có dời 
Khăng khăng một lời quân tử nhất ngôn

Trời mưa trời gió đùng đùng 
Bố con ông Nùng đi gánh phân trâu... 

Đời vua Thái Tổ Thái Tông
Lúa mọc đầy đồng trâu chẳng buồn ăn
                                        (Ca Dao)

- Gieo Vần Trắc: đây cũng là một điều thú vị chứng minh sự dễ dãi và phóng túng của dân quê mùa chúng ta:

Con kiến bò ngang ổ mối   
               Anh báo với nàng để tối anh qua                    

Tóc ngôi dài, tóc mai cụt
Cầu trời khấn Bụt cho tóc mai dài
Bao giờ tóc chấm ngang vai
Thì ta kết nghĩa làm hai vợ chồng

Anh ham giàu là anh dại
Của hoạnh tài người lại mau hư
                                      (Ca Dao)

C- Luật Thanh (Luật Bằng Trắc)

Thông thường cấu trúc âm điệu Bằng Trắc của thơ Lục Bát như sau:

B B T T B B
B B T T B B T B

Ai bì anh có tiền bồ
Anh đi anh lấy sáu cô một lần
Cô Hai buôn tảo bán tần 
Cô Ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
Cô Tư dọn dẹp trong nhà
Cô Năm sắc thuốc mẹ già cô trông
Cô Sáu trải chiếu giăng mùng
Một mình cô Bảy nằm chung với chồng
                                            (Ca Dao)

Tuy thế, thơ lục bát không quá câu nệ trong luật bằng trắc. Như chữ thứ 2  không nhất thiết phải Bẳng và chữ thứ 4 có thể là Bằng, chữ thứ 5-6 vẫn có thể Trắc:

Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngay ba mươi tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông...

Biển cạn, lời nguyền không cạn
Núi lở non mòn nghĩa bạn không quên 
Đường mòn sáng xuống chiều lên
Dặn ai hãy nhớ đừng quên nghĩa tình.
                                           (Ca Dao)

Thời gian gần đây, có những người làm thơ Lục Bát, nhưng các câu thơ được chia ra thành nhiều câu nhỏ gọi là Lục Bát Cách Tân gì đó, ví dụ như:

Trên trời,
Có đám mây xanh
Ở giữa
Mây trắng,
Chung quanh mây vàng
Ước gì
Anh lấy được nàng
Thì anh
Mua gạch Bát Tràng
Về xây...
...vân vân và vân vân... (Mượn Ca Dao làm thí dụ)

Theo cá nhân tôi, mỗi loại thơ có cấu trúc câu, vần riêng biệt, khi nhìn vào Ta sẽ biết ngay đó là Thể Thơ gì.  Tuy thí dụ trên là thơ Lục Bát, nhưng khi xé ra như thế, thì không còn chút gì mang đặc điểm của thơ Lục Bát cả. Phải chăng người có sáng kiến này ngầm ý chê Lục Bát thô kệch, quê mùa, cần phá bỏ nét cũ hằng ngàn năm qua, thay vào phong thái mới cho hiện đại hơn ?
Tôi có người Bạn Thơ ở Đồng Tháp, khi nhìn thấy những bài thơ kiểu này anh đã thốt lên:

Nỡ nào chặt khúc câu thơ
Ôi thôi lục bát bây giờ ra sao?
Nguyễn Du trông thấy lệ trào
Thấy thơ tàn phế mà ngao ngán lòng !  
                            huuuuuuuuu                                
                                  Cao Linh Tử 

Đọc mấy câu thơ Lục Bát trên của người bạn, tôi thấy vui vui vì có người cùng cảm nghĩ như mình. Tôi cũng viết ngay mấy câu:   
Cũng vì tạo dáng bài thơ
Nên hình bóng cũ đến giờ thảm thay
Câu thơ người nỡ bẻ hai 
Khiến tình Lục Bát đêm ngày trở trăn 

Thiết nghĩ thơ Lục Bát có thể xem như là Quốc Hồn Quốc Túy, hy vọng các nhà thơ đừng vì thích kiểu cách mới lạ, mà làm mất đi cái dáng dấp thuần Việt, một nét văn hóa đôc đáo của đất nước chúng ta. 
Xin thứ lỗi cho sự ví von :           Ta về ta tắm ao ta
                                                        Ao nhà có đục cũng là cái ao 
                                 


Huỳnh Hữu Đức
***