Thi Sách chàng ơi trọn kiếp này
Thù nhà hận nước nặng đôi vai
Liều thân nhi nữ vì sông núi
Thề diệt xâm lăng dạ chẳng thay
Quên Đi
Từ ngày lập nước Văn Lang, trải qua hàng ngàn năm, các vua Hùng đã đem
đến cho dân Lạc Việt cuộc sống ấm no. Nhưng đến đời Hùng Vương thứ 18
thì thế nước bắt đầu suy tàn, vua Hùng Vương thứ 18 vốn nhu nhược, nên
bị vua nước Âu Việt là Thục Phán chiếm lấy. Sau khi giành được đất Lạc
Việt của họ Hồng Bàng, Thục phán sát nhập thành nước Âu Lạc, xưng là An
Dương Vương, đóng đô tại Phong Khê (nay là vùng Cổ Loa, huyện Đông
Anh-Hà Nội).
An Dương vương lúc nào cũng phòng bị, cho xây thành Cổ Loa, luôn huấn
luyện quân lính để bảo vệ đất nước. Lúc bấy giờ chúa quận Nam Hải (Quảng
Đông ngày nay) là Triệu Đà nhiều lần kéo quân xâm chiếm, nhưng đều thất
bại. Sau cùng Triệu Đà dùng kế nội gián, cho con là Trọng Thuỷ sang
cưới Mỵ Châu con An Dương Vương (tạo nên câu chuyện tình thương tâm
trong sử Việt).
Thôn tính xong nước Âu Lạc, Triệu Đà lập nước Nam Việt mở đầu kỷ nguyên
nhà Triệu. Đến cuối thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, Thái Hậu Cù Thị
cùng Vua Triệu Ai Vương định dâng nước cho nhà Hán, bị tể tướng Lữ Gia
chống đối và tiêu diệt. Lữ Gia kêu gọi người dân đứng lên chống giặc Hán
xâm lược. Nhưng thế cô lực lượng mỏng, bị Hán quân tiêu diệt.
Thế là thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ nhất bắt đầu.
Nhà Hán chia nước ta thành quận huyện. Đứng đầu mỗi quận là
một viên Thái thú người Hán, còn dưới mỗi huyện phần lớn vẫn để các Lạc
tướng người Việt trông coi, theo chính sách "dùng tục cũ mà cai trị".
Tuy nhiên các quan lại nhà Hán cai trị rất hà khắc, rất tham
lam và tàn bạo. . bắt dân ta xuống biển mò ngọc trai, lên rừng săn sừng
tê, ngà voi, sưu cao thuế nặng ... Các quan Lạc tướng cũng bị khinh
thường và đối xử tàn tệ, khiến các Lạc Tướng vô cùng căm phẩn.
Vốn căm thù quân Hán xâm lược, lúc bấy giờ có Lạc Tướng huyện Chu Diên
(nay là Hà Nam và Nam Hà), có con trai là Thi Sách, là người chí lớn,
tinh thần bất khuất quật cường, cưới con gái Lạc Tướng Huyện Mê Linh
(nay là vùng Sơn Tây cũ và tỉnh Vĩnh Phú), thuộc dòng dõi Hùng Vương, là
Trưng Trắc tài trí hơn người.
Hai gia đình Lạc tướng thông gia cùng mưu tính liên kết đứng lên đuổi
giặc, cùng lo chuẩn bị lực lượng, tập hợp dân chúng, rèn đúc vũ khí .
Nhưng việc bại lộ. Thi Sách bị viên Thái thú TôĐịnh bắt và giết đi.
Vốn là người có chí lớn, tài trí hơn người, Tuy việc khởi nghĩa bị
lộ, không hề rung sợ, hai Bà Trưng vẫn tiếp tục sự nghiệp mà Thi Sách
đã để lại.
Tháng 3 năm 40 (theo dương lịch), Hai Bà phất cờ
khởi nghĩa ở Mê Linh. Những lời tuyên thệ trước ba quân tướng sĩ :
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng
chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này.
Hai Bà Trưng là những hậu duệ trực tiếp của các vua Hùng, còn mẹ của
Hai Bà, bà Man Thiện, cũng là cháu chắt bên ngoại của vua Hùng. Bà góa
chồng sớm nhưng đã nuôi dạy hai con gái thành những trang anh hùng kiệt
xuất, mở đầu cho lịch sử chống ngoại xâm vẻ vang của dân tộc. Khi hai
con gái và con rể chuẩn bị khởi nghĩa, bà đã không quản đường xa mệt
mỏi, đi lại khắp nơi để hẹn ước với nghĩa quân các địa phương. Cuộc khởi
nghĩa của Hai Bà Trưng sở dĩ mau chóng thắng lợi là vì các lực lượng
trong nước đều nhất tề đứng đậy một lần, làm cho quân giặc trở tay không
kịp. Với danh nghĩa là vợ một vị Lạc tướng lẫy lừng, đã quán xuyến mọi
công việc sau khi chồng chết, nên lời nói của bà được mọi người trong
nước tin tưởng và hưởng ứng nhiệt liệt.
Trước đó trên mọi miền đất nước, đã có những cuộc nổi dậy lẻ tẻ. Nay
nghe tin hai Bà, vốn là dòng Hùng Vương dấy nghiệp, đều nhất tề đứng
lên, Mê Linh đã trở thành nơi tụ nghĩa của đồng bào cả nước.
Từ Mê Linh, nghĩa quân tiến đánh Luy Lâu
(thuộc
Thuận Thành, Hà Bắc) là thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở Giao Chỉ.
Thành Luy Lâu bị hạ, Tô Định phải cắt tóc cạo râu, ăn mặc giả làm con
gái, tìm đường lẻn trốn về Nam Hải (thuộc Quảng Tây, Trung Hoa).
Từ Luy Lâu, nghĩa quân tiến đánh nhiều phủ
huyện
khác, phối hợp với lực lượng nổi dậy ở các địa phương. Bọn quan lại ở
Đông Hán hoảng sợ, có nơi mới chỉ nghe tin nghĩa quân đang đến, đã phải
bỏ lại cả của cải, ấn tín, giấy tờ ... để cốt chạy tháo thân về nước.
"65 huyện thành", nghĩa là toàn bộ nước ta hồi đó đã sạch bóng quân xâm
lược. Bà Trưng Trắc được tất cả các tướng sĩ và quân lính suy tôn lên
làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Bà Trưng Nhị và các tướng lĩnh khác đều được
phong tước, chia nhau ra giữ các miền xung yếu. Hai năm liền, mọi người
cả nước được miễn tất cả các khoản sưu thuế, sống trong nền độc lập tự
chủ.
Tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa và xưng vương đã làm chấn động cả vương
triều Hán. Hán Quang Vũ vô cùng tức giận, lập tức hạ lệnh bắt các quận
miền Nam (Trung Hoa) lo trưng tập binh mã, sắm sửa thuyền bè khí giới,
sửa sang đường sá, tích trữ lương thảo ... để chuẩn bị đánh chiếm lại
nước ta.
Tháng 4 năm 42, vua nhà Hán phong Mã Viện làm "Phục Ba Tướng Quân" đem
hai vạn quân cùng hai nghìn thuyền xe, vừa thủy vừa bộ, từ Hợp phố
(Quảng Đông) tiến thẳng vào vùng Lãng Bạc (Tiên Sơn, Hà Bắc).
Mã Viện là viên tướng già có nhiều mưu gian kế hiểm, và thuộc vào loại
sừng sỏ nhất của nhà Hán thời đó. Một tay y đã từng đánh dẹp người
Khương và đàn áp các cuộc khởi nghĩa trong nước.
Trưng Nữ Vương và các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng đã đưa quân ra chống
giặc từ biên giới, trước thế giặc rất hung hãn, quân ta đã chống cự mãnh
liệt, các trận chiến ác liệt đã diễn ra ở Lăng Bạc, Ðông Triều, Yên
Phong, Hà bắc.
Cuối cùng quân ta yếu thế hơn phải rút lui về Cẩm Khê (Yên Lạc, Vĩnh
Phú). Mã Viện đem quân đuổi theo. Tại Cẩm Khê và các vùng lân cận lại
diễn ra nhiều cuộc chiến đấu ác liệt nữa, kéo dài gần một năm sau.
Hai bên đều bị hao binh tổn tướng. Hàng vạn người Việt đã ngã xuống
trong các trận chiến ác liệt để bảo vệ Tổ Quốc thiêng liêng của mình.
Nhưng quân giặc do đông hơn, lại có nguồn chi viện thường xuyên, còn
quân ta lực lượng ít hơn, lại bị chặn các nẻo đường tiếp tế. Cuối cùng,
do lực lượng quá chênh lệch, quân ta đã thất bại.
Khi chạy tới vùng cửa sông Hát, thấy không còn cứu vãn nổi tình thế
được nữa, Hai Bà Trưng thà chết chứ nhất định không chịu rơi vào tay
giặc, đã cùng nhảy xuống sông tự tử. Đó là ngày mồng 6 tháng 2 Âm lịch,
(Dương lịch là tháng 3 năm 43).
Chiếm được nước ta, nhà Hán sáp nhập vào Ðông Hán. Mã Viện còn cho dựng
cây đồng trụ ở chỗ phân địa giới và cho khắc sáu chữ : "Ðồng trụ chiết,
Giao Chỉ diệt" (cây đồng trụ đổ, thì người Giao Chỉ mất nòi). Dân ta ai
qua đó cũng ném một hòn đá vào, dần dần thành gò cao, đến nay không
biết cột trụ đâu
Thế là nước Ta lại bị giặc Tàu đô hộ.
Sau khi vua Trưng cùng 162 tướng tuẩn tiết, cả nước vô vùng thương
tiếc, đã lập đền thờ ghi công đức của hai vị nữ anh hùng của dân tộc.
Hàng năm, vào ngày 6 tháng 2 Âm Lịnh, là ngày giỗ hay là lễ hội tưởng
nhớ Hai bà (cũng là Ngày Phụ nữ Việt Nam tại miền Nam trước kia) được tổ
chức tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và hiện nay tại nhiều nơi
trong nước Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt tại nước ngoài
Tương truyền vua Anh Tông nhà Lý, nhân trời đại hạn, khiến thiền sư
Tịnh Giới đến đền cầu mưa, quả được mưa, khí mát buốt người. Vua mừng
liền qua xem, hốt nhiên ngủ mộng thấy hai thiếu nữ mặt hoa mày liễu, áo
lục quần hồng, mão đỏ, thắt lưng, cỡi ngựa sắt theo mưa mà chạy ngang.
Vua lấy làm lạ mới hỏi. Đáp rằng:
- Thiếp là chị em Nhị Trưng đây, vâng mệnh Thượng đế xuống làm mưa.
Vua
tỉnh dậy mà cảm, sắc phong trùng tu từ vũ, rồi sắm lễ vật đến tế, sai
sứ rước về phía Bắc Đại nội, dựng đền Vũ Sư mà thờ phụng. Sau lại thác
mộng cho vua xin lập đền thờ ở làng Cổ Lai, vua nghe theo, sắc phong
Trinh Linh Phu Nhân.
Năm
Trùng Hưng thứ tư, phong bà chị là Chế Thắng phu nhân, năm Hưng Long
thứ hai mươi mốt, gia thêm hai chữ Thuần Trinh. Lại gia phong thêm cả bà
chị và bà em hai chữ Bảo Thuận, thường thường vẫn có linh ứng.
Đền Thờ Hai Bà Trưng ở Vĩnh Phúc
Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Sử-gia Lê văn Hưu 黎文休nói rằng:
« Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn-bà nổi lên đánh lấy được 65 thành-trì, lập quốc xưng vương dễ như giở
bàn
tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn
năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi-tớ người Tàu, mà không biết
xấu-hổ với hai người đàn-bà họ Trưng! ».
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:
Họ
Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà [4a]
quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc
sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai
họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là
không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ
sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém
đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực
chính đại ấy ư ?
Vua Tự Đức viết trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục:
Hai
Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa,
làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời
thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh
sử
sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người
khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm
Phải chăng những nhận xét trên quá khắc khe với đấng mày râu chăng?
Chúng ta thử nhìn lại trên thế giới những Nữ Vương vang danh thiên hạ
1
- Cleopatra VII Philopator : gốc người Hy Lạp( 69 trước Công Nguyên-30
trước Công Nguyên) là Nữ Hoàng thời cổ đại của Ai Cập. Bà rất nổi tiếng
trên thế giới, là người thông minh tài giỏi. Tuy nhiên, quyền lực của bà
do vua cha truyền lại .
2
- Võ Tắc Thiên ( Võ Chiếu 625 - 705 ) Chặng đường lên ngôi vua của bà
dựa vào nhiều yếu tố khách quan. Nhờ vào sự ganh tỵ trong nội cung, bà
được Vương Hoàng Hậu ( Vua Đường Cao Tông) đưa vào cung cất nhắc lên làm
Võ Hoàng Phi hiệu là Chiêu Nghi. Sau đó được Đường Cao Tông phong làm
Hoàng Hậu....
Nhìn con đường dẫn đến ngai vàng của hai vị Nữ Hoàng nổi tiếng nhất
trong lịch sử thế giới, nếu đem so với con đường đi đến ngôi vua của
Trưng Nữ Vương, chúng ta thấy Bà Trưng không hề thua kém nếu không muốn
nói là bi hùng hơn hẳn.
Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn