Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Ngậm Ngùi


Xướng:

Ngậm Ngùi 

Một mình hiên vắng lắng ngày trôi
Thấp thoáng trong xuân dáng hạ rồi.
Khắc khoải quyên sầu còn rướm máu
Bâng khuâng rượu nhạt chẳng cần mồi.
Trang thư đọc mãi leo nheo mắt
Răng cỏ bay dần móm xọm môi.
Bấm đốt bạn bè còn mấy bố
Đường về sương khói ngậm ngùi thôi!
                                   Mailoc
                                  04-04-21
***
Các Bài Họa:

Khắc Khoải

Những buổi hoàng hôn lặng lẽ trôi
Niềm vui thuở ấy đã xa rồi
Nên giờ thơ thẩn cùng thi hứng
Nhiều lúc nhâm nhi chẳng thiết mồi
Thơ rượu giao thoa buồn thế tục
Câu vần xướng họa nở hoa môi
Bao năm lận đận thời không đến
Bóng xế đôi dòng cảm xúc thôi.
                             Quên Đi
***
Ngậm Ngùi

Ngậm ngùi ngày tháng lạnh lùng trôi
Xuân mới vừa đi, hạ tới rồi
Phượng tím Ca Li đang tím nụ
Cá vàng Long Beach đợi ăn mồi
Hải âu bãi cạn chờ vươn cánh
Thiền viện chuông xa vẳng khép môi
Thoáng bóng chuyển mùa, năm đã nửa
Tuổi vàng chiu chắt mộng mơ thôi...

                     Los Angeles 6 - 4 - 2021.

                             Cao Mỵ Nhân
***
Hiu Quạnh Tuổi Già


Ngồi xem con nước lững lờ trôi
Nhớ bạn về thăm mấy tháng rồi
Hiu quạnh chung trà thơm vắng khách
Buồn tênh cốc rượu đắng không mồi
Da nhăn tóc bạc kèm nhem mắt
Má hóp răng long móm mém môi
Bằng hữu, đồng song đi bán muối
Mình tôi thất nghiệp chạnh buồn thôi...! 
                           Mai Xuân Thanh
                            Ngày 05/04/2021
***
Tuổi Lão Vào Hè

Ráng đổ bên thềm lặng lẽ trôi
Lần sang buổi hạ nắng chen rồi
Ve khàn trỗi giọng nao tiềm thức
Phượng đỏ theo đường rỡ nét môi
Đỡ kiếng trông nhòa hoa lộng ảnh
Cài răng nhấm bệu chả thay mồi
Trà châm nóng hổi khà men rượu
Hỏi khách thân tình cũng vậy thôi. 
                              Mai Thắng 
                                  210407
***
Đồng Tình

Uống cạn ly đầy cố nuốt trôi
Thế nhân một kiếp hiển nhiên rồi
Nhà thì quạnh vắng đâm ghiền rượu
Thân đã hom hem tập phá mồi
Đâu phải vì ai mà chặt dạ
Chẳng qua thích bạn chịu mềm môi
Đinh Lăng mượn rượu tìm tri kỷ
Xướng họa đồng tình chỉ thế thôi
                         Kim Phượng
***
An Nhiên

Thời gian chầm chậm tháng ngày trôi
Cái thuở ngây thơ đã hết rồi
Nhìn ánh mắt mờ nhiều xếp nếp
Ngắm làn da trổ những đồi mồi
Trách chi tình bạc phai màu tóc
Chớ giận tâm sầu nhợt nhạt môi
Cuộc sống tự nhiên là thế đó
An bình chấp nhận thảnh thơi thôi

                               Kim Oanh

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Kỷ Niệm Không Quên Với Nhà Thơ Trầm Vân (Giáo Sư Võ Văn Vạn)

Thế là Vườn Thơ Thẩn vắng thêm một trưởng bối, một nhà thơ tình lãng mạn. Tuy chưa hề gặp thầy Võ Văn Vạn, nhưng Quên Đi có một kỷ niệm không thể nào quên với nhà thơ Trầm Vân.
Cách nay cũng khá lâu, đó là lần hai thầy trò cùng nối vận bài thơ Lục Bát  qua email, có tựa là Kết Vần.
Lúc đó Quên Đi nhắn tin thăm sức khỏe, không ngờ Thầy đang trên máy trả lời và nhắc đến một bài thơ của Quên Đi, đồng thời thầy gởi tặng 4 câu Lục Bát. Thấy vậy, Quên Đi liền làm 4 câu đáp lại, với hình thức nối vận và cứ thế...
Để tưởng nhớ Thầy Võ Văn Vạn, Quên Đi kính gởi đến Vườn Thơ Thẩn bài thơ Lục Bát của Thầy Trầm Vân và Quên Đi:
 
Kết Vần

Vần thơ xướng họa gần xa 
Chữ nghiêng tình nghĩa thật là dễ thương 
Tìm về kỷ niệm vấn vương 
Phương trời ai thả tóc buồn về đâu ?
               Thân mến. Trầm Vân

Đôi câu xướng mến tình sâu 
Mấy dòng thơ hoạ xin hầu thi nhân
Bốn phương cùng kết nên vần
  Thả hồn mơ mộng ân cần đổi trao 
 
                               Kính. Quên Đi 

Bốn câu thơ tiếp ngọt ngào 
Vầng trăng hò hẹn đêm thao thức chờ
Dòng sông con sóng nằm mơ
Xa gần thương nối tiếng thơ vọng về 

Cám ơn thi hữu Quên Đi ( hay Nhớ Mãi ).
               Thân mến. Trầm Vân. 

Duyên giấy mực thoả đam mê
Tơ lòng buông thả bút đề thêm hương
Thanh xuân giờ lấm tấm sương
Say vần Nhớ Mãi tình trường Quên Đi.
                                    Kính - Quên Đi

Thầy Trầm Vân tên thật là Võ Văn Vạn, cựu giáo sư Toán trường Pétrus Ký Sài Gòn. Thầy mất vào lúc 16 giờ 30 ngày 22 tháng 4. 2021 thọ 82 tuổi. Thầy ra đi để lại nhiều thương tiếc cho Bạn bè, Thi hữu và các Học trò. 
Quên Đi thành kính chia buồn cùng Tang gia. Cầu nguyện hương linh Thầy sớm tiêu diêu cõi vĩnh hằng.
          Thành Kính
Quên Đi Huỳnh Hữu Đức.

 

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Giỗ Tổ Hùng Vương

 


Bài Xướng:

Giỗ Tổ Hùng Vương

Dù ai lưu lạc phương xa,
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười .
Dù ai đây đó ngược xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba!
***

Trăm trứng trăm con ấy Lạc Long,
Khởi từ Âu Lạc giống Tiên Rồng.
Con rồng truyền thuyết in sông núi,
Cháu thánh lưu danh rạng núi sông.
Lịch sử bốn ngàn năm nhất quán,
Nhân văn chín chục triệu chung lòng.
Hỏi rằng nước ấy nơi đâu nhỉ ?
Thưa chính Việt Nam cõi biển Đông!

Đỗ Chiêu Đức
Mùng 7 tháng 3 năm Tân Sửu
04-18-2021
***
Các Bài Họa:

Mùng 10 Tháng 3

Giang sơn vạn thuở tộc tiên long
Âu Lạc khai sinh ấy giống rồng
Mười tám vua Hùng xây đất nước
Ngàn đời con cháu giữ non sông
Bạt ngàn xẻ núi luôn bền chí
Mở cõi vươn khơi chẳng nản lòng
Giỗ Tổ hậu nhân đồng hứa nguyện
Rạng danh tổ quốc góc trời đông.


Quên Đi

***

Tưởng Niệm Quốc Tổ

Hồn thiêng sông núi cuộn Thăng Long
Từng bước Tiên thiên thả cõi Rồng
Muôn dặm ngàn thu còn vẹn đất
Năm châu bốn biển vẫn riêng sông
Âu Cơ thủa trước sanh trăm họ
Nam Việt thời nay kết một lòng
Giỗ tổ Hùng Vương, dân chúng nhớ
Con Hồng cháu Lạc khắp tây đông...


Hawthorne 18 - 4 - 2021
Cao Mỵ Nhân
***
Giỗ Tổ Hùng Vương

(Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ Mùng Mười Tháng Ba)
 

Hồng Bàng, Thủy Tổ, hiện Thăng Long
Mười Tám đời vua biểu tượng rồng
Truyền thuyết Âu Cơ đây bách tính
Dựng nên Lạc Việt đó non sông
Bốn ngàn năm gắn liền tình Mẹ
Trăm triệu dân chung kết tấm lòng
Đất nước Việt Nam ta chữ " S "
Dương danh lịch sử biển trời Đông


Mai Xuân Thanh
April 17, 2021

***
Tổ Quốc Việt Nam

Kinh thành xưa gọi đất Thăng Long
Ước muốn bay cao dũng mãnh rồng
Đánh đuổi ngoại xâm gìn đất nước
Trui rèn nội lực dựng non sông
Mở mang bờ còi đà chung sức
Bảo vệ giang sơn vẫn vững lòng
Kiên quyết bảo tồn văn hóa Việt
Xứng danh hòn ngọc cõi trời đông


Phương Hà
( 19/04/2021 )

Tổ Quốc Trên Hết

Trường Sơn một dãi uốn mình rồng
Biển cả trải dài đẹp núi sông.
Một thuở quật cường dân Đại Việt
Muôn đời hùng khí đất Thăng Long.
Vua Hùng mãi miệt xây non nước
Con cháu kiên cường trấn cỏi đông.
Bài học tương tàn vì chủ thuyết
Giang sơn tổ quốc nhớ nằm lòng.


Mailoc
4-18-21
*** 

Giỗ Tổ Hùng Vương

Trăm con một Mẹ giống Tiên Long
Khởi dựng quê hương với sức Rồng
Vạn đại trường tồn lừng bốn biển
Muôn đời vĩnh cửu rạng non sông
Nay ngày huý nhật vui toàn cõi
Đây dịp tri ân thỏa tấm lòng
Gương sáng ngàn sau cho hậu duệ
Minh Châu rực rỡ giữa Trời Đông.


Thái Huy 

18/4/21

Giỗ Tổ Hùng Vương

Quốc Tổ nghìn năm, đấng Lạc Long,
Tự đâu truyền thuyết : họ Tiên Rồng ?
Gương treo nhờ đó, khai rừng biển
Phép dựng từ đây, mở núi sông.
Đất nước nghìn đời, nhờ vững bước,
Giang sơn vạn thuở, cậy bền lòng.
Nhân ngày giỗ tổ, ta thầm ước :
Hẹn một ngày nao, cưỡi gió đông.


Danh Hữu
Paris, ngày 19.4.2021
***
Nhớ Cội Nguồn

Ngàn năm văn hiến đấng Tiên Long
Âu Lạc, tiền nh
ân thuộc giống Rồng
Xây dựng bao đời nên đất nước
Mở mang mấy thuở được non sông
Cháu con gắng sức lo gìn giữ
Hậu thế chung tay phải hết lòng
Lịch sử Vua Hùng luôn rạng rỡ
Việt Nam rực rỡ phía trời Đông


songquang

***
Ngày Giỗ Hùng Vương

Mang nòi giống Việt gốc Tiên Long
Khởi xuất truyền lưu lịch sử rồng
Thế giữ bồi nương vùng đất thổ
Kênh đào phát triển cội nguồn sông
Văn Lang chắc thuở khai dòng tộc
Lạc Việt vinh danh dưỡng tấm lòng
Hướng mở xuôi Nam rời giặc cướp
Ven bờ nắng gió biển trời Đông.

Mai Thắng
210420

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 là giỗ vị vua nào?

 

Dù ai đi ngược về xuôi 
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba 
Khắp miền truyền mãi câu ca 
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm
 
Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 là giỗ vị vua nào?

Đây là bài ca dao có từ lâu, không biết xuất hiện từ bao giờ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: "Bài ca dao này có sau thời vua Khải Định.
 
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch trở thành ngày quốc lễ, và cứ đến đầu tháng 3, người dân các xứ lại nô nức hành hương về Đền Hùng (Phú Thọ) để dâng lễ, tưởng nhớ công lao dựng nước của vua Hùng.

Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc, mùng 10 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ của vị vua Hùng thứ mấy?

Có rất nhiều tài liệu hướng đến giải đáp về vấn đề này, tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định được tài liệu nào là chính xác nhất vì “các đời vua Hùng chỉ là ước đoán chứ không có dấu tích nào rõ ràng”.

Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra 100 người con trai, sau đó 50 con theo mẹ lên núi, người con cả làm vua, gọi là Hùng Vương. Triều đại này được cho là trải qua 18 đời, vị vua đầu tiên chính là con trai Lạc Long Quân. Tuy nhiên, một số tài liệu lại tính Kinh Dương Vương là đời vua Hùng thứ nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, giỗ Tổ Hùng Vương chính là giỗ tổ phụ Kinh Dương Vương.

Tương truyền, ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã có từ cách đây 2.000 năm. Thời Thục Phán - An Dương Vương, trên núi Nghĩa Lĩnh đã có cột đá đề với nội dung: “Nguyện có đất trời chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.

Do vậy, các đời vua sau này ghi nhớ công ơn của các đời vua Hùng dựng nước và giữ nước. Giỗ Tổ vua Hùng được coi là dịp lễ để tưởng nhớ các đời vua Hùng nói chung.

Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần rồi đến Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền, ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của Đấng Thánh Tổ xưa. Ngày giỗ Hùng Vương đã được các triều đại phong kiến công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam.
Đinh Bộ Lĩnh còn chọn ngày giỗ tổ Hùng Vương để lên ngôi Hoàng đế. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.

Trước đây, người dân không có tục đi lễ vào ngày 10/3, họ thường chọn ngày tốt theo bản mệnh của mình và đến bái các vua Hùng. Những dịp mà người dân đi lễ nhiều thường vào đầu năm hoặc cuối năm. Như vậy, thời gian lễ bái sẽ kéo dài suốt trong năm chứ không cố định một ngày nào cả, vừa tốn kém lại không tập hợp được lòng dân.

Lễ cúng Tổ ở địa phương được cử hành vào ngày 12/3 âm lịch kết hợp với thờ Thổ kỳ. Nhận thấy điều này, vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25 tháng 7
năm 1917 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch thì cử hành "quốc tế" hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế. 
Từ đó về sau, cứ vào ngày 10/3, nhân dân cả nước lại hướng về vùng đất cội nguồn - xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ với lòng tri ân.

Sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25 tháng 7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch thì cử hành "quốc tế" hàng năm, tức là bắt các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.  Ngày 10 tháng Ba từ đó được dùng cho toàn quốc. Sau khi nền cộng hòa thành lập, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh, xem ngày 10 tháng Ba là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia, các công chức được nghỉ lễ có hường lương. Cũng trong ngày này, thừa ủy quyền Chủ tịch Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, đã dâng 1 tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và 1 thanh gươm quý nhằm tế cáo với Tổ tiên về đất nước đang bị Pháp xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. 
Việt Nam Cộng hòa tại Miền Nam Việt Nam cũng đã ghi nhận ngày 10 tháng Ba là ngày nghỉ lễ chính thức[5] cho đến năm 1975.

Huỳnh Hữu Đức
(theo VTC New, Wikiperia.org)

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Ngu Mỹ Nhân - Lý Dục

Lý Dục (李煜), thường gọi Lý Hậu Chủ (李後主), là vị vua cuối cùng nước Nam Đường thời Ngũ Đại Thập Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 961 đến năm 976. Năm 975, Tống Thái Tổ Chu Nguyên Chương đánh vào kinh đô Nam Đường là Kim Lăng, Lý Dục đầu hàng, Nam Đường diệt vong. Năm 978, Từ Huyền phụng mệnh Tống Thái Tông đến thăm dò Lý Dục, Lý Dục than với Từ Huyền rằng: “Năm xưa ta đã sai, giết nhầm Phan Hựu, Lý Bình, hối hận đã không kịp nữa rồi”. Sau đó ông có viết bài từ “Ngu Mỹ Nhân” trước khi bị đầu độc chết.

"Ngu Mỹ Nhân" là một khúc hát của phường hát thời Đường, khúc hát về Ngu Cơ – mỹ nhân của Hạng Võ. Sau này cũng là tên một loại từ khúc, nhiều văn nhân lấy cảm hứng sáng tác theo vần điệu khúc ca này.Trong đó “Ngu Mỹ Nhân: Xuân hoa thu nguyệt” của Hậu chủ Lý Dục nước Nam Đường thời Ngũ Đại là bài xuất sắc, được nhiều người yêu thích nhất (theo dkn.tv)

Có lẽ bài Từ của Lý Hậu Chủ, đã bộc lộ hết những chán chường, hối hận, luyến tiếc những chuyện Người đã trải qua. Sự thê thảm của một vị vua không lo việc triều chính, chỉ biết tiệc tùng, hát xướng,vui chơi với mỹ nhân. Có thể chính vì thế mà bài từ của Ông được coi là bài Từ hay nhất trong các bài Từ Ngu Mỹ Nhân.
       虞美人                                       Ngu mỹ nhân
               李煜                                                   Lý Dục

春花秋月何時了               Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu
往事知多少                       Vãng sự tri đa thiểu
小樓昨夜又東風               Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong
故國不堪回首月明中。   Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung.
雕欄玉砌應猶在               Điêu lan ngọc khám ưng do tại
只有朱顏改                       Chỉ hữu chu nhan cải
問君能有幾多愁               Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu
恰似一江春水向東流。   Cáp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.

Dịch Nghĩa: Bài Từ Người Đẹp Họ Ngu  

1/ 春花秋月何時了               Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu
Đến bao giờ mới hết cảnh hoa xuân trăng thu. (Những cảnh tiệc tùng múa hát ăn chơi trên thế gian này biết đến bao giờ đến bao giờ mới dứt).
2/ 往事知多少                       Vãng sự tri đa thiểu
Cũng biết được ít nhiều những chuyện đã qua (những chuyện đó đã từng trải qua nên biết được ít nhiều)
3/ 小樓昨夜又東風               Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong
Đêm rồi nơi gác nhỏ lại có gió mùa xuân (Nơi gác nhỏ tù đày này, đêm qua lại có gió xuân)
4/ 故國不堪回首月明中。   Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung
Trong đêm trăng sáng, lại nhớ đất nước trước đây, cảm thấy hối hận vô cùng
5/ 雕欄玉砌應猶在               Điêu lan ngọc khám ưng do tại 
Lan can chạm trổ sắc xảo và thềm dát ngọc vẫn còn đó
6/ 只有朱顏改                       Chỉ hữu chu nhan cải
Chỉ có dung nhan tươi thắm là đổi thay
7/ 問君能有幾多愁               Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu
Hỏi người có bao nhiêu mối sầu đây
8/ 恰似一江春水向東流。   Cáp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.
Các mối sầu ấy nhiều như nước một dòng sông xuân chảy về đông.( Mối sầu ấy ví như dòng nước mang theo tất cả những gì tươi đẹp nhất trong đời đổ ra biển).





Dịch Thơ: Ngu Mỹ Nhân

1/
Trăng hoa cảnh nọ bao giờ tiệt
Chuyện cũ vẫn còn biết
Đêm qua gác vắng có hơi xuân
Dưới ánh trăng nhớ nước cũ dạ bâng khuâng
Lan can thềm ngọc còn nguyên đó
Nhan sắc không còn đỏ
Hỏi rằng sầu lắng đọng bao nhiêu
Ví tựa nước dòng xuân về hướng đông nhiều.

2/
         Bao giờ hết cảnh trăng hoa
   Ít nhiều lắm chuyện xót xa nơi lòng
           Đêm rồi gác có gió đông 
Dưới trăng nước cũ khó mong phai mờ
        Hiên vàng thềm ngọc còn trơ
  Môi hồng má phấn đến giờ phôi pha
         Bao nhiêu sầu lắng trong ta
     Tựa sông xuân nước từ xa tràn về.
                                         Quên Đi
***
Tình Cố Thổ...

1)
Xuân hoa thu nguyệt bao giờ tận ?
Chuyện cũ ít nhiều cũng đã qua
Lầu nhỏ đêm xuân còn phảng phất...
Lòng đau cố thổ vấn vương mà...
Cung vàng điện ngọc nay nguyên đó
Nhan sắc thời gian cũng khác xa
Hỏi kẻ nào hay sầu chất chứa ?
Như dòng xuân lạnh chảy về đông

2)
Nguyệt hoa có tận bao giờ ?
Xót xa lắm chuyện ngẩn ngơ bồi hồi...
Đêm xuân gác nhỏ hỡi ơi...!
Ánh trăng cố thổ nhớ nơi chạnh lòng
Hiên vàng, điện ngọc thôi mong
Má hồng nhan sắc còn trông nỗi gì...!
Sầu đong chất chứa lụy bi ?
Như sông xuân chảy lỡ thì về đông...
                          Mai Xuân Thanh
                            April 08, 2021
***
        Ngu Mỹ Nhân 

Nơi trần thế thú vui còn đó
Trải sự đời đã tỏ
Gác nhỏ đêm qua lạnh gió lùa
Cũng trăng này đau mất nước đời được thua
Vẫn lan can chạm thềm dát ngọc
Má hồng tàn phai vóc
Hỏi ai vương vấn bấy nhiêu sầu
Sánh sông đầy xuôi bể cả bởi vì đâu
                              Kim Phượng
***

        Người Đẹp Họ Ngu

 

Thế gian cảnh đẹp hết khi nào

Những chuyện ít nhiều biết được bao

Gác nhỏ đêm qua xuân thoảng gió

Nhìn trăng nhớ nước dạ nao nao

 

Thềm xưa dát ngọc vẫn còn đây

Chỉ có dung nhan phai sắc đấy

Rằng hỏi sầu lòng bao lắng đọng

Tựa sông xuân nước hướng về đông.

                                       Kim Oanh


Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

Chơi Vơi


Tình hỡi xa vời xa rất xa
Đem lòng tâm sự với trăng già
Bao nhiêu kỷ niệm chờ phai nhạt
Biết đến bao giờ em với ta.
                                 Quên Đi

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Ngày Mới

 Sao Mai xuất hiện góc trời đông và ngày mới bắt đầu




Ngày vui mới, niềm hy vọng mới.

Hình Ảnh Huỳnh Hữu Đức

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

Lỗi Hẹn

Bài Thơ Xướng 

                Lỗi Hẹn

Xuân quá hai mùa chẳng thấy nhau
Nghe chừng nhung nhớ chẳng phai màu
Đêm trôi ngày đến hồn se thắt
Tháng lại năm qua dạ nhói đau
Có phải thuyền yêu sai bến mộng
Cho nên trầu thắm lỡ tình cau
Nhìn hoa đang độ tìm hơi bướm
Nửa mảnh trăng thề hẹn kiếp sau.
                                  Quên Đi
***

Các Bài Thơ Họa
                  Y Hẹn

Mười năm đúng hẹn lại tìm nhau,
Sắc liễu Đài Chương chẳng nhạt màu.
Gương vỡ lại lành thêm lạc thú,
Trăng tròn sau khuyết hết sầu đau.
Thần tiên khó sánh phơi cùng phới...
Mặt mũi đâu còn nhíu lại cau...
Hoa bướm say tình liên cánh mộng,
Kiếp nầy đã thỏa há chờ sau !
                          Đỗ Chiêu Đức
                             02-21-2021
***
Tiền Duyên Định Phận Đến Ngày Sau

Tình thơ xướng họa mới quen nhau...
Gặp lại người xưa tóc bạc màu
Góp gạo làm cơm niềm cảm mến
Kề vai sát cánh nỡ nào đau ...
Mối mai nải chuối nồi xôi gấc
Nguyệt lão cơi trầu mấy trái cau
Đôi bạn tóc tơ từ kiếp trước
Tiền duyên định phận đến ngày sau
                            Mai Xuân Thanh
                             Ngày 21/02/2021
***
            NGƯỜI VỀ

Trên cành chim chóc líu lo nhau
Núi thẫm sông Xuân biếc một màu.
Dưới bến thuyền ghe vờn sóng nước
Trên bờ gió sáng thoảng hương cau.
Tình quê lai láng bao năm trước
Cảnh vật ngỡ ngàng mấy lúc sau.
Tất cả đổi thay lòng hụt hẫng
Người về xa lạ lắng niềm đau!
                  Mailoc 02-21-2021
***
        BẶT TIN NHAU

Từ mùa xuân trước, bặt tin nhau
Mai lạt, đào phai, xoá hết màu
Lối trắng thềm hoa hoang vắng hẹn
Vườn xanh luống cỏ dại khờ đau
Dung nhan héo hắt, nên mày nhíu
Sắc diện buồn so, khiến mặt cau
Có lẽ không vui thành biệt tích
Thôi đành tái ngộ ở đời sau ...
                   Utah 20 - 2 - 2021
                   CAO MỴ NHÂN
***
              LỖI HẸN

Những ngày thân thiết có bên nhau
Như nắng ban mai thật đượm màu
Thời đó sum vầy tăng nét dẹp
Hiện giờ xa cách ngập niềm đau
Đôi bên Tết đền chờ xem mặt
Hai họ sang xuân sẽ bổ cau
Không hiểu vì sao nông nỗi tới
Để rồi chẳng biết có mai sau?
                  Thái Huy 21/2/21
***

        THÔI ĐÀNH...!

Thôi đành chấp nhận giã từ nhau
Khi lửa tình yêu đã nhạt màu
Người quyết quay lưng không tiếc nuối
Ta vờ ngoảnh mặt giấu buồn đau
Cố quên lối mộng êm đềm cũ
Để bước quãng đường ảm đạm sau
Vôi chẳng còn nồng cho thắm đỏ
Lá trầu hòa quyện với nhân cau
                        Phương Hà
                      ( 21/02/2021 )
***
           Lỡ Nhịp

Đâu thời hoa mộng lúc bên nhau
Cho thoáng trong mơ đượm sắc màu
Tiếng hẹn suốt đời sao vẫn nhớ
Lời yêu trọn kiếp mãi còn đau
Môi hồng mắt biếc tàn hương sắc
Vôi trắng trầu xanh phụ nghĩa cau
Ngày đến đang mong hoài chẳng đến
Đàn lòng lỡ nhịp hận ngàn sau
                                      Kim Phượng