Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

Tiếng Nguyệt Cầm

 

Xướng

Tiếng Nguyệt Cầm

Kỹ nữ thời xuân đã chẳng còn  
Tỳ bà hận tủi khóc trăng non
Gió đùa cành lá cây xao xuyến   
Sóng vỗ bờ đê đất mỏi mòn  
Khoan nhặt đàn ai mơ chốn cũ   
Đợi chờ năm tháng héo tình son 
Lời ca ai oán gieo thương xót  
Ước nguyện hồi kinh biết có tròn
                            Quên Đi

Họa :

 Vọng Tiếng Nguyệt Cầm

Hương sắc hồng nhan cũ có còn 
Xuân già tủi phận với vừng non
Trời mưa lác đác người khao khát 
Gió thổi vi vu đất xói mòn 
Nhớ bạn tình xưa mơ cố thổ
Thương em đồng điệu mộng lòng son
Đàn ca hoài niệm quê hương xót 
Hy vọng lai kinh ước vẹn tròn…!
                     Mai Xuân Thanh 
          Silicone Valley, Sept. 24/2024

 

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

"Gút Mắt" trong Phép Đối: Tĩnh và Động Từ

 

 
Trong 5 quy định của thơ Đường luật:
- 1) Vần   
- 2) Đối   
- 3) Luật
- 4) Niêm 
- 5) Cách bố cục. 
Duy chỉ có Đối là khiến nhiều người yêu mến Thơ Đường Luật quan tâm nhất. Đúng vậy, dù trên trang mạng cộng đồng, có rất nhiều hướng dẫn, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều nghi vấn. 

Theo Thầy Dương Quảng Hàm: "Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau.
1/ Đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
2/ Đối chữ thì vừa phải đối thanh tức là bằng đối với trắc, trắc đối với bằng; vừa phải đối loại của chữ, nghĩa là phải đặt hai chữ cùng một tự loại để đối với nhau (như danh từ đối với danh từ, hoặc động từ đối với động từ v.v. )"
Có một vấn đề rất nhiều người làm thơ thắc mắc là: Chúng ta có thể dùng Động Từ đối với Tĩnh Từ hoặc ngược lại được chăng? Đúng hay sai? Tại Sao.
Để giải đáp vấn đề này, trước hết, chúng ta cần xác định rõ một điều là trước đây, tiếng Việt ta chỉ theo lối học chữ Nho không có lối phân tự loại Tĩnh từ, Động từ như ngày nay.
Khi chữ Quốc ngữ xuất hiện, vấn đề phân chia Tự Loại cũng xuất hiện. Chữ Quốc Ngữ được hình thành và hoàn chỉnh do các Giáo sĩ Tây Phương. Nên việc phân Tự Loại cũng xuất xứ từ cú pháp của Phương Tây.

Thơ của các bậc Tiền Bối tuy có phân biệt Thực Hư, Chân Giả, nhưng không cứng nhắc như: trên phải đối với dưới, trời đối với đất, xanh đối với đỏ... các Vị vẫn dùng chữ hiện thực đối với chữ trừu tượng, hữu hình đối với vô hình. 

Chúng ta cùng xem lại vài Bài Thơ của của các bậc Khoa Bảng Nho Gia

Hiện thực đối với Trừu tượng:

Niềm xưa trung ái thề chẳng phụ,
Cảnh cũ điền viên thú đã quen.
        (trích Điền Viên Thú 3 - Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Trung Ái: từ trừu tượng. Điền Viên : từ hiện thực.

Sáo dìu dặt nổi rừng dương liễu
Hương chập chờn bay khóm trúc đào.
        (trích Gió Khuya - Quách Tấn)
Sáo: từ hiện thực, Hương: từ trừu tượng.

Động từ đối với Tĩnh Từ:

Tĩnh Từ là tiếng chỉ cái Thể của chủ Từ (Danh Từ) Bông Hoa Đẹp.
Động từ là tiếng chỉ cái dụng của Chủ Từ (Danh Từ) Bông Hoa Nở

Vun thông tưới cúc ba thằng nhỏ,
Ðỏ lửa trà hâm một mụ hầu.
      (trích An Phận của Nguyễn Bỉnh Khiêm)  
Vun: Động từ, Đỏ: Tĩnh từ

Mái tóc chòm xanh chòm lốm đốm,
Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay.
       (trích Cảnh Già - Nguyễn Khuyến)
Xanh: Tĩnh Từ, Rụng: Động Từ

Kết Luận  

Qua các Thí dụ trên, chúng ta thấy trong phép đối, không phải chỉ là Cân Đối hay Sóng Đối mà còn Phản Đối. Chúng ta có thể dùng các từ chỉ sự vật hiện hữu  đối với vô hình, di động đối với bất động, ồn ào đối với yên lặng. nói chung là Tĩnh đối vối Động. Như vậy, có thể khẳng định Tĩnh từ vẫn có thể sử dụng đối với Động Từ, trong hai cặp Thực và Luận trong Phép Đối ở thơ Đường Luật.

Huỳnh Hữu Đức

 

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

Miếng Bánh Năm Xưa

 

Trung thu nay lại đến    
Thật khác với năm nào   
Cảnh vật dường như thiếu   
Bóng hình của thuở nao.   

Nâng niu từng chiếc bánh  
Phần Má chia thật đều   
Tuy chẳng có bao nhiêu   
Đủ vui đàn con nhỏ.       

Ba phương trời vất vả    
Quê nhà Má khác chi  
Chăm lo con từng tí    
Thật xứng đấng Mẹ Hiền.    

Giờ ngồi quanh mâm bánh   
Với con cháu cười vui    
Giữa ánh trăng mờ ảo. 
Lòng chợt thấy bùi ngùi    

Cầm miếng bánh trên tay   
Bên ly trà ngút khói    
Làm sao có thể nói    
Tâm trạng của con đây.      

Mấy mươi năm chẳng được 
Miếng bánh Má chia phần    
Con mơ về trăng cũ    
Hình dung dáng mẫu thân...
                      Quên Đi

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Cuối Đông

 

  

Xướng:

Cuối Đông


Đông sắp tàn rồi buốt chẳng vơi
Vườn xua hoang vắng thuở xa người
Nhớ nhung giăng kín gian phòng nhỏ
Khắc khoải hoài mong một góc trời
Giọt tủi giọt tuôn sầu mấy kiếp
Lệ sa lệ xót lạnh ngàn đời
Hạ người ấm áp đầy hương nắng
Có thấu hoa lòng lặng lẽ rơi

Kim Oanh
Melbourne cuối đông 2024
***
Các Bài Họa:

Thao Thức


Nơi này tâm sự mãi đầy vơi
Thu đến càng khơi nhắc nhớ người
Cánh én đảo chao tìm bến đỗ
Đàn chiên nao nức mộng quê trời
Dẫu còn chửa trọn niềm mơ ước
Và cũng đâu xong gánh nợ đời
Khấn nguyện Cao Xanh hằng tưởng đoái
Nhân trần siêu thoát cảnh sầu rơi.

Thái Huy 
8/29/24
***
Hạ Tàn

Hạ tàn hơi nóng vẫn chưa vơi
Đợi gió heo may thổi mát người
Khắc khoải niềm mong luôn ngấm dạ
Bâng khuâng nỗi nhớ mãi ghi đời
Quê người ngao ngán mơ đầu gió
Đất khách vời trông mộng cuối trời
Cứ ngóng sương mờ buông trước ngõ
Chiều vàng lắng đọng lá thu rơi

songquang
20240829
(Theo thời tiết báo ,hôm nay là bắt đầu vào Thu)
***
Thu Cảm


Mùa thu lặng lẽ nóng dần vơi
Cái lạnh heo may thấy nhớ người
Gió đã lang thang từng góc phố
Mây còn mơ mộng cuối chân trời
Tình ngăn tình cách đìu hiu bóng
Chữ đợi chữ mong thấm thía đời
Chiếc lá trên cành đang héo úa
Phượng hồng bao cánh lặng thầm rơi.

Quên Đi
***
Cánh Hoa Rơi

Ẩn tình chôn kín khóc cho vơi
Mơ bóng trong tim bóng một người
Sực tỉnh thì ra cơn mộng ảo
Mong chi buộc mãi cánh chim trời
Lời oanh liễu vút theo làn gió
Một áng hương tan dậy bão đời
Mây nước vô tình đưa đẩy mãi
Mong chờ mỏi đợi kiếp hoa rơi


Kim Phượng
***
Cuối Hạ

Cái nóng cháy da vẫn chửa vơi,
Vườn sau héo úa huống chi người.
Trưa hanh lửa hạ cây vàng đất,
Chiều xuống nắng nung ráng đỏ trời.
Gió lặng đóm còn khoe chớp sáng,
Đêm về ve vẫn khóc thương đời.
Muôn người mong mỏi heo may đến,
Đợi vợ chồng Ngâu lệ nhỏ rơi!

Đỗ Chiêu Đức
08-29-2024
***
Tiếng Oanh Hót Ở Vườn Thơ

Lời thơ đẹp quá, ý đầy vơi
Đọc mãi, tưởng chưa thấm nỗi người
Đông trắng phương xa vừa dứt điểm
Hạ vàng cõi tạm vẫn tươi trời
Tiếng oanh thả tiếng còn nguyên giọng
Hoa phượng mừng hoa mãi thắm đời
Tha thiết tìm người mùa đổi tiết
Xuân về nắng chiếu rỡ ràng rơi ...

Rancho Palos Verdes 30 - 8 - 2024
Cao Mỵ Nhân
***
Nắng Cali…!

Giữa đàng gãy gánh, tớ chơi vơi…!
Ngơ ngác mình ta, nhớ một người…
Nỗi khổ ăn năn mà ngủ đất
Niềm đau hối hận mới than trời
Châu sa ấm lạnh buồn muôn kiếp
Lệ đỗ hàn vi khóc mãn đời
Hiểu thấu tình ai sầu viễn xứ…
Hè đi… Tháng Tám Nắng Chiều rơi…!


Mai Xuân Thanh
Silicone Valley, August 31, 2024


Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

Nhớ thương

 
Ta lại bên nhau sau mùa cô-vít  
Như bướm si tình khắng khít bên hoa   
Nụ tình trao bù những lúc chia xa   
Em vẫn thế khiến hồn ta ngây ngất.  

Tay trong tay lắng nghe tim thôi thúc  
Điệu nhạc tình dồn dập khúc xuân ca  
Đêm đen hỡi xem chừng mi vội vã  
Ghét ghen gì vừa họp hoá chia ly      

Để giờ đây hai đứa ở hai nơi   
Đan giấc mộng hai mảnh đời hai lối. 
                                       Quên Đi

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

Xướng Hoạ Ngày Mới

Ngày Mới

Ngày Mới

Đêm tàn bóng tối cũng dần xa   
Ánh sáng ban mai toả mọi nhà   
Vọng tưởng vườn xưa thay đổi sắc   
Mơ nhìn bướm cũ ghé tầm hoa    
Một thời chữ nghĩa buồn hiu hắt  
Cái thuở tình thơ hết mặn mà    
Cũng bởi sân si kia chẳng thấu
Nên gây vướng mắc ở lòng ta.

                            Quên Đi

Bài Thơ Hoạ 

                Học Đòi

Ngủ say giấc điệp mộng còn xa 
Tia nắng bình minh rọi xó nhà 
“Thơ Thẩn Vườn” xưa lai vãng cảnh 
Chạnh niềm cố cựu ghé xem hoa 
Nhớ thời chữ nghĩa người vui vẻ 
Thương thuở thầy cô bục giảng mà 
Xướng họa nhiều thơ hay thể hiện 
Bên cây cổ thụ nặng tình ta…!
                      Mai Xuân Thanh 
               Silicone Valley, 7/21/2024