Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Nhớ Thằng Bạn

                Từ trái qua: Khuyên, Đức


Còn có mình tôi giữa phố đông 
Tiễn đưa bạn cũ xót xa lòng 
Cái thằng tháng trước vừa đi mãi(*) 
Em gái xứ ngoài hết đợi trông (**) 
Mới đó bên nhau cùng đấu láo 
Mà nay cách biệt khỏi chờ mong 
Vòng quay sinh tử nào ai thoát 
Ra biển về xuôi nước một dòng 
                          Quên Đi 

(*) Kỷ Khuyên - (**) Thuỷ em Khuyên ở Mỹ.

***

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Trời Sài Gòn Tháng Ba - Chưa Tìm Thấy Nhau...


Có phải là duyên? Đã đưa Kim Phấn đến với trang Blog của tôi. 
Qua bài thơ "Tao Với Mầy" (http://huynhhuuduc.blogspot.com/2015/05/tao-voi-may.html), tôi đã nhận được comment của Đinh Thị Kim Phấn, một người bạn cũ của Nguyễn Kỷ Khuyên. Sau khi tiếp chuyện trên Fb, Kim Phấn đã gởi đến cho tôi hai bài thơ tình thật hay, thật đẹp và thật buồn. Hai bài thơ đã khiến tôi phải thẩn thờ mỗi khi đọc. 
Huỳnh Hữu Đức
***

Bài của Khuyên viết còn dang dở nhưng tôi vẫn còn in trong kí ức.. hơn 40 năm qua.
Kim Phấn 
 
***
Trời Sài Gòn Tháng Ba

Trời Sài Gòn tháng ba 
Em tiễn anh ra xe
Anh đi về một mình
Em đi về một mình ….
Trời Sài Gòn tháng ba 

Tay em trong tay ta
Nằm ngoan như cánh lá
Ôi lá ngập hồn ta …
Trời Sài Gòn tháng ba
Anh đi rồi quay về
Em đi rồi quên lãng
Trời Sài Gòn tháng ba...
Trời Sài Gòn tháng ba
Mỗi người đi mỗi ngã 

Lòng vu vơ nỗi buồn 
Lòng vu vơ nỗi buồn…
               Nguyễn Kỷ Khuyên
                 ( tháng 3 – 1974 )


CHƯA TÌM THẤY NHAU...

Có yêu người mùa cũ
Đợi chờ ta cứ chia
Thành nhiều ngăn mưa lũ 

Tình càng lúc về khuya .. 
Sầu ai, ta khắc khoải
Xuôi ngược dòng u mê 

Đời đời là ngang trái 
Chưa gửi trao câu thề .. 
Nên tình xa như núi
Cơn bụi gió buồn tênh 

Cũng tuôn theo dòng suối 
Về một chốn trời quên .. 
Ta còn đây, kẻ lạ
Vàng một chút nỗi đau 

Tưởng quên hồn băng giá 
Mà thấy tim mòn hao .. 
Đời đời còn thất lạc 
Người mù khơi phương nào
Hai ta thành kẻ khác 

Dễ gì tìm thấy nhau ..
Dễ gì tìm thấy nhau
Đắng cay mòn hạnh phúc 

Hạnh phúc giữa tim đau 
Bởi ta người trần tục .. 
Người đi xa, có biết?
Ta nguyện tình yêu thương
Người đi xa, biền biệt
Ta yêu người, khói sương..
 

                  Đinh Thị Tưởng Hạ 1974
        Bài thơ tôi viết cho Khuyên ngày xưa

Riêng bài "Chưa tìm thấy nhau" đã đăng trong tuần báo Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh năm 1974
Kim Phấn


Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Về Miền Tây (tt) - Bài 3



                                                                      Cầu Bến Lức

Đặc biệt khi Pháp mới xâm chiếm miền Nam, Cần Giuộc và Cần Đước là những vùng đất ngập mặn âm u với rừng đước, sú, vẹt, rất ít dân cư, nên nghĩa quân đã dùng những nơi này làm căn cứ địa đánh Pháp và gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Dân Nam Kỳ lục tỉnh không ai là không biết Tân An vì tỉnh lỵ Tân An nằm ngay trên trục lộ từ Sài Gòn về miền Tây. Từ Sài Gòn về miền Tây phải qua Phú Lâm, Bình Chánh, Bến Lức, và đi ngang qua Tân An bằng cầu Tân An... rồi mới đến ngã ba Trung Lương, Cai Lậy, Cái Bè, Cổ Cò, Mỹ Thuận... Ngày trước khi quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) hãy còn là một con đường nhỏ chưa được tráng đá hay tráng nhựa thì những nhánh sông Tân An và Bến Lức là hai thủy lộ quan trọng cho giới thương hồ từ miền Tây về Sài Gòn. Tân An là giao điểm giữa hai vùng Đông và Tây Nam Bộ nên dù được phù sa bồi đắp, Tân An cũng có những gò đất khá cao như các vùng Biên Hòa và Đồng Nai, chẳng hạn như các vùng Thủ Thừa, Khánh Hậu. Tuy nhiên, đồng ruộng Tân An không phì nhiêu như đồng ruộng miền Tây. Vùng Cần Giuộc nằm sát biển Đông thì nước mặn gần như quanh năm, trong khi vùng Thủ Thừa ở phía Tây thì luôn bị ủng phèn. Thời các chúa Nguyễn thì sông Vàm Cỏ Đông được gọi là sông Thuận An, chảy từ biên giới Việt Miên qua tỉnh Tây Ninh, xuống Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Lức, tuy nhiên dân địa phương quen gọi khu vực này là sông Bến Lức, còn người Pháp thì gọi là Vaico Oriental. Còn sông Vàm Cỏ Tây cũng phát xuất từ Miên nhưng chảy qua vùng Đồng Tháp Mười, Tuyên Bình, Mộc Hóa, đến Thủ Thừa, rồi chảy về phía Đông qua Tân An (khi đi từ Sài Gòn về miền Tây, đến cầu Tân An là cây cầu bắt ngang qua sông Vàm Cỏ Tây), người Pháp gọi sông Vàm Cỏ Tây là Vaico Occidental. Cả hai sông Vàm Cỏ gặp nhau ở phía Đông quận Tân Trụ, rồi dòng sông mở rộng ra để chảy vào Nhà Bè và đổ ra cửa Xoài Rạp. Nước sông Vàm Cỏ hai mùa trong đục, về mùa nắng ráo thì nước trong đến nỗi người ta có thể nhìn thấy thấu tận đáy, đến mùa mưa thì nước sông đục ngầu. Ban đầu tỉnh lỵ Tân An được đặt tại Châu Phê, nằm về hướng Bắc sông Bảo Định (Châu Phê là vùng đất mà Chúa Nguyễn đã cấp cho Vân trường Hầu Nguyễn Cửu Vân vì ông này có công khai khẩn đất quanh vùng Mỹ Tho). Sau đó tỉnh lỵ Tân An dời về Nhựt Thạnh, bên tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây. Năm 1868, sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì chúng cho dời tỉnh lỵ về vị trí Châu Thành Tân An ngày nay. Đối với dân thương hồ từ miền Tây đi Sài Gòn lúc nào họ cũng phải đi ngang qua châu thành Tân An, hoặc từ sông Tiền qua Bảo Định, hoặc vàm Kỳ Hôn qua Chợ Gạo để vào sông Vàm Cỏ, rồi qua sông Bao Ngược để đến Cần Giuộc... hay từ Tân An lên Thủ Thừa rồi qua sông Bến Lức, nghĩa là phải đi ngang qua Tân An tại xã Bình Lập (xưa gọi là Vũng Gù). Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, họ cho đào kinh Chợ Gạo nối liền các tỉnh phía Tây với Sài Gòn, nên Tân An không còn giữ vị trí trọng yếu nữa. Đến thời đệ nhất Cộng Hòa thì một phần của tỉnh Tân An được cắt ra để thành lập tỉnh Hậu Nghĩa. Trước năm 1975, Mộc Hóa là tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Tường, và hai quận Đức Hòa và Đức Huệ trực thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, nhưng sau năm 1975 chính quyền Cộng Sản chia cắt lại nên diện tích tỉnh Long An lên tới 4.492 cây số vuông, gồm các quận Bến Lức, Cần Đước, Châu Thành, Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng, với tổng dân số là 1.363.600 người, đa số là người Việt, một số nhỏ người Khmer sống bằng nghề làm rẫy trong vùng Mộc Hóa, và một số nhỏ người Hoa sống bằng nghề thương mại tại các thị trấn lớn. Sau năm 1975, chính quyền sáp nhập tỉnh Mộc Hóa và Hậu Nghĩa vào Tân An, nên hiện tại về vị trí Long An, Bắc giáp Tây Ninh và Cao Miên, Đông giáp Sài Gòn, Tây giáp Đồng Tháp (vùng Cao Lãnh cũ), và Nam giáp Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Về đường bộ, Tân An có đường trải đá đi từ Tân An đi Sài Gòn (khoảng 50 cây số), Tân An đi Gò Công, Tân An đi Mỹ Tho, Tân An đi Thủ Thừa (khoảng 7 cây số), Tân An đi Tầm Vu (khoảng 12 cây số), Tân An đi Bình Phước (khoảng 15 cây số), Tân An đi Bình Quới (khoảng 6 cây số), và Tân An đi Nhật Tảo, vân vân. Sau khi chiếm trọn miền Nam thì chính quyền Cộng Sản cho sáp nhập tỉnh Mộc Hóa vào Tân An. Tuy nhiên, từ Tân An không có đường bộ đi Mộc Hóa, nên phải đi theo quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1), qua ngã ba Trung Lương, đến Cai Lậy, rồi từ Cai Lậy mới đi đường 49 vào Ấp Bắc rồi lên Mộc Hóa. Bây giờ thì con lộ 62 chạy dọc theo bờ kinh đi từ Tân An vô Mộc Hóa đã được thông thương, nên việc đi lại giữa Tân An và các nơi trong vùng Đồng Tháp Mười cũng dễ dàng hơn. Cho đến hôm nay thì vùng Đồng Tháp thuộc Tân An vẫn còn là một vùng mênh mông bạt ngàn rừng tràm, mùa khô thì đất ủng phèn và trở thành hoang mạc, chỉ còn lại những ốc đảo “tràm” là xanh mát. Còn về mùa nước lũ thì toàn vùng biến thành một biển nước bao la. Cư dân trong vùng đã quen sống với lũ lụt từ gần bốn trăm năm nay, nên họ đã xây đắp những con đê bao quanh những thị trấn trong Đồng Tháp, vừa ngăn lũ vừa làm nơi trú ngụ trong mùa nước nổi như đê Tân Hưng và Vĩnh Hưng. Thật ra, Long An không hẳn là vùng đất bồi của đồng bằng sông Cửu Long, mà chỉ là một cánh đồng nhỏ được bồi đắp bởi hai sông Vàm Cỏ nằm giữa hai hệ thống đồng bằng sông Đồng Nai và Cửu Long. Bên cạnh đó, đất đai Long An luôn được nước mưa tưới tẩm quanh năm với một số nước mưa lượng khá lớn hàng năm gần 1.700 mm. Nhờ lượng nước mưa cao, sông rạch chằng chịt và tựa lưng vào biển Đông nên nhiệt độ trung bình của Long An là 26 độ C, rất lý tưởng cho vùng khí hậu nhiệt đới. Ngoại trừ một số đồi gò và những vùng trũng thấp thuộc Đồng Tháp Mười ở phía Bắc, còn thì đa số đất đai của tỉnh Long An đều bằng phẳng với kinh rạch chằng chịt, chia cắt tỉnh này ra làm nhiều vùng. Tân An còn là xứ của cá tôm nước ngọt, gà vịt, rắn rùa. Về trồng trọt, ngoài hai vụ lúa mỗi năm, dân Tân An còn trồng rất nhiều dưa hấu, dưa hấu Tân An chẳng những nổi tiếng trong tỉnh, mà còn biết tiếng ở Sài Gòn và các vùng phụ cận nữa. Những năm sau này, nhứt là khoảng 10 năm trở lại đây, dân Tân An bắt đầu trồng thanh long để xuất cảng ra ngoại quốc. Từ Sài Gòn, theo quốc lộ 1A đi Thủ Thừa, một thị trấn nhỏ nằm trong cửa ngỏ đồng tháp ra Sài Gòn. Đặc biệt tại Thủ Thừa vẫn còn một chiếc “Cầu Treo” một nhịp giữa sông, được treo bởi những sợi dây cáp lớn, cầu được xây từ thời Pháp thuộc, nhưng đến nay vẫn còn tốt. Từ Sài Gòn về miền Tây, trước khi đến Tân An, đến Gò Đen lúc nào chúng ta cũng nghe một mùi men rượu phảng phất. Đây là vùng sản xuất rượu nổi tiếng của tỉnh Tân An. Sau đó chúng ta phải đi qua cầu Bến Lức rồi đến Tân An. Vừa qua cầu Bến Lức, nếu rẽ phải thì chúng ta sẽ đi đến thị trấn Đức Hòa. Hai quận Đức Hòa và Đức Huệ, trong thời VNCH trực thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, nhưng sau năm 1975, nó được sáp nhập vào Tân An. Cũng như các vùng khác ở miền Nam, Long An nằm trong khu văn hóa Óc Eo, nền văn hóa mang máng hình ảnh văn hóa Ấn Độ, đã chiếm ngự toàn vùng trong suốt sáu thế kỷ từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ sáu sau Tây lịch. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại Long An trên 20 di tích tiền sử và trên 100 di tích thời Óc Eo tại các gò như Gò Xoài, Gò Đồn và Gò Năm Tước nằm trong vùng ấp Bình Tả, thuộc quận Đức Hòa. Các nhà khảo cổ phải đào sâu gần 2 mét mới phát giác ra những di tích này. Người ta cho rằng đây là một trong những địa điểm hành lễ của dân Phù Nam. Ngoài ra, trong bộ sư tập 26 hiện vật bằng vàng ở Gò Xoài có một bản bằng chữ Phạn cổ được khắc trên một lá vàng mỏng ghi lại câu kinh Phật giáo. Bên cạnh đó, cũng có các tượng thần Siva, thần giữ đền, thần Vinu, các linh vật Linga, Yoni, và rất nhiều mảnh gốm mịn, hay mảnh kim loại, đá quý, sa thạch thuộc nền văn minh Óc Eo, cũng như rất nhiều di chỉ xung quanh ngôi đền Gò Xoài có liên quan đến con người từ thời tiền sử. Các di tích về ngôi đền thờ thần Siva ở Bình Tả cho thấy người Phù Nam thuộc tôn giáo Bà La Môn, một tôn giáo đã có lâu đời tại Ấn Độ và được truyền bá qua phía Nam bán đảo Đông Dương như Chiêm Thành và Phù Nam vào những thế kỷ đầu Tây lịch. Những di tích khảo cổ cho thấy vùng Đồng Tháp Mười khi xưa đã từng một thời là một trung tâm chính trị văn hóa của dân tộc Phù Nam. Ngày nay tại xã Khánh Hậu, cách thị xã Tân An chừng 4 cây số có lăng miếu thờ ông Nguyễn Huỳnh Đức, một công thần thời nhà Nguyễn. Lăng mộ, đền thờ và nền nhà cũ của quan Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức hãy còn tương đối nguyên vẹn, vì được dân địa phương và con cháu của ngài bảo quản rất chu đáo. Cách châu thành Tân An khoảng 5 cây số có mộ Ông Hống, nằm ngay bên bờ Kinh Ông Hống. Ngoài ra, tại xã Long Hựu Đông, quận Cần Đước, cách thị xã Tân An khoảng 50 cây số, vẫn còn ngôi nhà Trăm Cột, làm bằng cẩm lai, được khởi công xây từ năm 1898 đến 1903, với lối kiến trúc thật độc đáo do những tay thợ chạm trổ từ Huế vào xây dựng. Ngôi nhà có 68 cột tròn, 12 cột vuông và 40 cột làm bằng gạch ở ngoài hiên. Mãi cho đến ngày nay hãy còn rất nhiều người tới đây để nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc cũng như chạm trổ những hoa văn tại đây. Ngoài ra, về di tích lịch sử, tại Tân An hiện còn ba ngôi chùa cổ, một là chùa Tôn Thạnh ở ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, quận Cần Giuộc. Đây là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An, được xây vào năm 1808, chùa do Hòa Thượng Viên Ngộ khai sáng với tên là Lan Nhã. Hiện trong chùa hãy còn rất nhiều pho tượng cổ theo nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ 18, đặc biệt pho tượng Bồ Tát Địa Tạng được đút tại chùa. Chùa Tôn Thạnh còn là nơi mà nhà thơ nổi tiếng Nguyễn đình Chiểu đã sống và sáng tác những áng thơ tuyệt tác. Ngôi chùa thứ hai là chùa Linh Sơn, nằm trong vùng Rạch Núi. Chùa do Hòa Thượng Minh Nghĩa khai sáng vào giữa thế kỷ thứ 19. Trong chùa hiện còn trên 100 bức tượng cổ làm bằng gỗ quý. Ngôi chùa thứ ba là chùa Kim Cang, tọa lạc trong xã Bình Thạnh, quận Thủ Thừa. Chúa được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 19. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Tân An của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp:

                                                            Nhà Khách tỉnh Tân An
 

Về phía Tây Bắc Tân An là Mộc Hóa. Vùng Mộc Hóa nằm trọn trong vùng Đồng Tháp Mười bao la bát ngát. Sở dĩ gọi là Đồng Tháp Mười vì giữa cánh đồng bao la có một ngôi tháp cổ mười tầng (ngôi tháp này nằm giữa khoảng Long An và Cái Bè). Xưa kia Mộc Hóa là một quận lỵ nhỏ của tỉnh Tân An, nằm ở thượng lưu sông Vàm Cỏ Tây, giữa Đồng Tháp Mười. Hai bên bờ sông Vàm Cỏ quanh vùng Mộc Hóa toàn là dừa nước. Mộc Hóa là một vùng bao la với những rừng tràm, năng, lát, được thiên nhiên ưu đãi với vô số cá tôm, rùa, rắn, cua đinh... đây cũng là những đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười. Tân An là một tỉnh nông nghiệp, đất đai màu mỡ và phong phú trải dài theo hai con sông lớn là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Từ Mộc Hóa qua Cao Lãnh và ra Tân An hãy còn rất nhiều cụm rừng tràm, xa xa mới có một vài căn chòi xuất hiện. Cây cối quanh nhà còi cọc chứ không xanh tươi um tùm như những vùng khác ở miền Nam. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Mộc Hóa là tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Tường. Mộc Hóa nằm giữa Đồng Tháp Mười, bên bờ sông Vàm Cỏ Tây. Sau năm 1975, Mộc Hóa bị chính quyền Cộng Sản sáp nhập vào tỉnh Long An. Giữa cánh đồng năng lát bạt ngàn, chen lẫn những khu rừng tràm ủng nước, Mộc Hóa thuở ban sơ chỉ là một xóm nhà dùng làm nơi dừng chân cho giới lang bạt giang hồ từ Việt Nam tìm đường lên Cao Miên lập nghiệp, hay giới buôn lậu những món hàng được chuyên chở từ Miên về. Vào mùa khô thì cả vùng này là vùng đồng khô cỏ cháy, nhưng đến mùa nước nổi thì vùng này biến thành một biển nước không cạn không sâu, nhưng rất thuận tiện cho bọn buôn lậu vận tải hàng hóa từ Miên về Việt Nam hay từ Việt Nam lên Miên. Trước thời Pháp thuộc thì đa số dân vùng Đồng Tháp và Mộc Hóa là người Miên, nhưng về sau này người Kinh và người Hoa từ các vùng khác đổ xô đến đây khai hoang lập nghiệp. Khoảng năm 1973 hay 1974, dù chánh quyền VNCH đã cố gắng bảo vệ và phát triển tỉnh Mộc Hóa, nhưng ngay tại tỉnh lỵ cũng chỉ có một vài khu phố lèo tèo, có căn lợp ngói, có căn lợp tôle fibro ciment, có căn hãy còn lợp lá. Về buôn bán thì chỉ có một vài tiệm tạp hóa của người Hoa. Hồi này dân chúng còn chăn nuôi thả rong heo, trâu, bò, gà, vịt... rồi bán cho bạn hàng từ Tân An lên. Bây giờ thì không biết đã có đường tráng nhựa từ Tân An lên Mộc Hóa hay chưa, chứ mãi đến gần năm 1975 thì phương tiện duy nhất vẫn là tàu đò, còn con lộ từ Cai Lậy vô Ấp Bắc đi Mộc Hóa thì bị tàn phá gần hết, không còn lưu thông được nữa. 


                                                                 Sông Vàm Cỏ Tây

Về phía Bắc Đông Bắc của Sa Đéc là tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh). Năm 1956, Tổng Thống VNCH thành lập tỉnh Kiến Phong vì nhu cầu an ninh lãnh thổ. Về vị trí, Bắc giáp Cao Miên, Nam giáp Sa Đéc, Đông giáp Kiến Tường (Mộc Hóa) và Mỹ Tho, Tây giáp Long Xuyên và Châu Đốc. Thị xã Cao Lãnh nằm bên bờ sông Cao Lãnh, một nhánh nhỏ của sông Tiền Giang, cách quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) khoảng 40 cây số, và cách Sài Gòn khoảng 160 cây số. Ngay từ thời Pháp thuộc, Cao Lãnh là một đô thị sầm uất và là trung tâm kinh tế của khu Đồng Tháp Mười. Kiến Phong là một tỉnh nông nghiệp, tuy đất đai có vùng hãy còn ủng phèn, nhưng đa phần là đất màu mỡ do phù sa sông Cửu Long bồi đắp. Những vùng dọc theo bờ sông Tiền Giang bốn mùa cây cối xanh tươi. Cũng như các tỉnh dọc theo biên giới Việt Miên như Châu Đốc và Kiến Tường, Kiến Phong nằm trong vùng lũ lụt hằng năm, nên thiên nhiên đã ưu đãi cho Kiến Phong một loại lúa nước nổi, là một loại lúa mọc tự nhiên từ tháng 4 hay tháng 5 và đến tháng 10 thì thu hoạch mà không cần phải chăm bón hay phân phướn gì cả. Tuy nhiên, về sau này khi Kiến Phong được mở mang và phát triển thì chính phủ thời VNCH đã cho nghiên cứu và trồng thử nghiệm nhiều loại lúa Thần Nông ngắn ngày, và kết quả rất khả quan. Hiện nay thì Kiến Phong là một trong những vựa lúa lớn trên toàn quốc. Ngoài ra, trong hai thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa, trừ những vùng nào quá mất an ninh thì thôi, còn những vùng ven thị xã Cao Lãnh và ven bờ sông Tiền Giang thì chính phủ thời VNCH còn khuyến khích nhân dân trồng những loại cây công nghiệp ngắn ngày khác như mía, bông, thuốc lá, các loại đậu, đặc biệt là đậu nành để làm tàu hủ và tương hột. Kiến Phong còn là quê hương của những loài cây ăn trái nổi tiếng như xoài Cao Lãnh, quít Lai Vung, mận, nhãn Châu Thành, ổi và bưởi Phong Hòa, còn chôm chôm, vú sữa, và mãng cầu thì có hầu như quanh năm... Kiến Phong là một dãy đất gò tương đối cao nằm trong vùng Đồng Tháp Mười. Hiện nay muốn đi đến ngôi tháp cổ trong Đồng Tháp Mười, người ta có thể đi từ ngã Sa Đéc qua Cao Lãnh, hay từ ngã Cái Bè vào, hoặc từ Châu Đốc qua Tân Châu đến chợ Hồng Ngự, qua Tam Nông, đến Mỹ An, gò “tháp cổ” cách chợ Mỹ An chừng 8 hay 9 cây số (nghĩa là cách chợ Cao Lãnh chừng 43 cây số). Gò Tháp Mười là một khoảng đất cao với diện tích khoảng 100.000 thước vuông, chiều dài nhất khoảng nửa cây số. Vào mùa nước nổi thì xung quanh đều chìm vào biển nước, duy chỉ có gò tháp mười là không bị ngập. Hiện tại trên Gò Tháp có Tháp Mười, Tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ Đốc Binh Kiều, Gò Minh Sư và Miếu Bà Chúa Xứ. Theo các bô lão trong vùng kể lại thì ngôi Tháp Cổ Tự cách Tháp Mười chừng 100 mét đã có từ thời vua Thiệu Trị, và được xây ngay trên nền Tháp Cổ của người Phù Nam. Tuy nhiên, cho tới nay chưa ai biết rõ lai lịch của ngôi tháp cổ này, nhưng có nhiều giả thuyết, thứ nhất là ngôi tháp cổ mười tầng là do Thiên Hộ Dương xây để cho nghĩa quân làm trạm canh cho chiến khu Đồng Tháp, giả thuyết này không đứng vững, vì theo dân trong vùng ngôi tháp đã có từ lâu đời lắm rồi, chứ không phải sau thời Pháp chiếm miền Nam. Giả thuyết thứ nhì cho rằng đây là một trong những ngôi cổ mộ của các vì vua chúa của vương quốc Phù Nam, và giả thuyết thứ ba cho rằng đây là một trong những phế tích của một thành phố cổ thuộc vương quốc Phù Nam xưa kia. Hai giả thuyết sau này có phần có lý hơn giả thuyết thứ nhất, vì đất Nam Kỳ xưa kia thuộc vương quốc Phù Nam, và những gạch ngói cổ và một vài khối đá có hoa văn chạm trổ có tính nghệ thuật cao mà thỉnh thoảng dân trong vùng tìm thấy trong những cánh rừng tràm, có khi người ta cũng tìm thấy vàng bạc trên những gò đất cao... cho chúng ta thấy có lẽ vùng Tháp Mười xưa kia cũng phồn thịnh, nhưng vì thế đất thấp nên chịu nhiều trận lũ từ miệt đồng bằng sông Cửu Long tràn qua, nên mới lâm vào cảnh “thương hải tang điền” này. Còn một giả thuyết nữa mà nhà khảo cổ học người Pháp tên Parmentier đã tìm thấy một bia đá có ghi chép lại rằng ngôi tháp cổ được xây vào thời vua Javavarman (1181-1281). Nhà vua bị bệnh phong cùi nên ông rất thương cảm với nhân dân nghèo trong xứ, ông đã cho xây nhiều tháp tương tự như vậy để làm những trạm tế bần. Ngôi tháp ở Đồng Tháp là ngôi tháp thứ mười nên được gọi là “Tháp Mười.” Dù đã có bia đá ghi lại như thế nhưng đâu có chứng cứ nào xác thực nào chứng nhận ngôi tháp thứ mười ấy là ngôi phế tháp hiện tại, nên theo tôi giả thuyết thứ hai và thứ ba vẫn còn đứng vững. Vào thời Pháp mới xâm chiếm Việt Nam thì Đồng Tháp Mười là căn cứ kháng Pháp của các anh hùng Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương), Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân), Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều). Nhờ những đạo quân “Trời” (nắng, vắt, đỉa, rừng rậm và đầm lầy) làm bức chắn, nên nghĩa quân dù thế yếu vẫn được Tháp Mười che chở và nuôi dưỡng để tấn công quấy phá địch. Năm 1957, chính quyền VNCH cho xây lại tháp (có lẽ dùng để làm một đài quan sát toàn vùng), nhưng tháp ấy cũng bị chiến tranh tàn phá gần hết. Không biết sau chiến tranh người ta có trùng tu lại ngôi tháp hay không? Hiện tại tại gò Tháp Mười có đền thờ Đốc Binh Kiều và Miếu Bà Chúa Xứ, hằng năm dân chúng trong vùng vẫn tổ chức lễ vía bà vào ngày 16 tháng 3 âm lịch và lễ giỗ ngài Đốc Binh vào ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch. Về giao thông đường thủy, người ta có thể đi Cao Lãnh bằng cách đi theo tỉnh lộ từ Giáo Đức (Mỹ Thuận) đi lên, hay từ Sa Đéc qua bắc Cao Lãnh. Kiến Phong có một hệ thống sông ngòi và kinh rạch chằng chịt, bên cạnh đó còn có những ao, hồ và đầm rộng mênh mông. Sông chính chảy qua Kiến Phong là sông Tiền Giang, một nhánh của sông Cửu Long, chảy qua địa phận tỉnh Kiến Phong trên một thủy lộ dài 132 cây số. Dọc theo hai bên bờ sông là hệ thống kinh rạch xẻ dọc xẻ ngang, tạo cho việc đi lại trong tỉnh bằng đường thủy rất thuận tiện. Trước năm 1975, vì chiến tranh nên đường sá chưa được tái thiết hay mở mang thì sự đi lại chính trong tỉnh Kiến Phong là những chiếc đò nhỏ mà dân trong vùng gọi là “Tắc Rán”. Riêng vào mùa nước nổi thì không có phương tiện nào có thể đi lại trong tỉnh được ngoài những chiếc “Tắc Rán” này. Chính vì vậy mà có lẽ không nơi nào có nhiều những “bến đò” bằng tỉnh Kiến Phong, xa xa một đỗi trên dòng sông Tiền là có một bến đò, đò đi An Long, đò đi Hồng Ngự, đò đi Đồng Tiến...
 

Hết Phần 3 (Trang 8 - 13)
 
Để tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Qúi Vị mở Link bên dưới:


Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Đêm Gác Lạnh


Gác nhỏ đêm về lạnh khắp gian
Mái thưa rơi rớt giọt trăng vàng
Đầm đìa sương phủ hồn thêm tái
Ray rức duyên hờ kiếp nặng mang
Gợi nhớ thuyền xưa mơ bến mộng
Hoài mong chốn cũ xót cung đàn
Gió đùa kẽ lá nghe nhung nhớ
Tiếng vạc than buồn canh đã sang.
                               Quên Đi
***

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Lối Thoát


Lối Thoát ...

Vượt thoát nghìn cân sợi tóc treo,
Chân run gối mỏi cố leo trèo.
Xuyên rừng lao thác luôn lo lắng,
Vượt núi lên đồi vẫn đói meo.
Bỉ cực qua truông còn sợ hãi,
Thái lai xuống dốc hết buồn teo.
Tưởng rằng hải ngoại không ai giúp,
Vả lại cưu mang sống chẳng nghèo !
                         Mai Xuân Thanh
                Ngày 19 tháng 03 năm 2017 

Các Bài Hoạ 

       Bít Lối

Đao kia chẳng biết kẻ nào treo
Muốn mở lây quây chẳng dám trèo
Tháng lại ngày qua chờ đến mốc
Năm tàn câu hứa đã lên meo
Làm sao tháo bỏ thông đường sáng
Cứ để như vầy chắc ruột teo
Lối bít còn mong chi tiến được
Ù lì một chỗ chỉ ôm nghèo
                                Quên Đi 
***
         Phận Nghèo

Nồi cơm lót bụng lửng lơ treo
Đói rã cho nên phải cố trèo
Chót vót leo dừa tay chặt bám
Chênh chao vượt suối dạ run teo
Lên nương xuống ruộng chân trầy xước
Đội nắng dầm mưa da mốc meo
Vất vả lo toan vì cuộc sống
Một đời khổ nhọc vẫn luôn nghèo
                            Phương Hà
***
                Y Đề

Thất nghiệp như là bản án treo
Gối rơm biết phận dám đâu trèo
Khéo tay ế khách nghề ba trợn
Rỗng túi giàu tình cái khỉ meo !
Ăn chực cơm chùa lo bụng lớn
Làm thuê ông Phật khỏi thần teo
Tìm đâu lối thoát chi cho mệt
"Tròi trọi mình không" để thật nghèo !
                       Cao Linh Tử
***

Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

Vui Cười 72



Nghĩa của từ 'HÔN"
Hôn nhau trên cầu là cầu hôn. Hôn mà chẳng rời nhau là đính hôn. Hôn liền tù tì bảy phát là thất hôn. Hôn người nào đó gọi là hôn nhân. Hôn con vật nào đó gọi là hôn thú. Hôn vợ gọi là hôn thê. Hôn chồng gọi là hôn phu. Mơ hôn được người nào đó gọi là hôn ước. Mới hôn xong gọi là tân hôn. Hôn thêm cái nữa gọi là tái hôn. Hôn hai cái một lượt gọi là song hôn. Đang hôn nửa chừng bị xô ra gọi là ly hôn.
Có đủ dụng cụ thích ứng …. 
Vợ mới cưới của một ngư dân thấy chồng đang ngủ say trên salon. Cô buồn nên tự xuống tàu lái chạy chung quanh hồ để xem cảnh. Đến một chỗ vắng, cô thả neo rồi lấy sách ra đọc. Sau đó không lâu, lúc cô đang đọc say mê thì một chiếc tàu tuần cảnh xuất hiện rồi cặp sát vào tàu của cô.
- Chào cô, cô đang làm gì đó?
Cô giật mình vội trả lời:
- Chào ông, như ông thấy, tôi đang đọc sách.
Người tuần cảnh cho biết:
- Chỗ này là vùng cấm bắt cá.
- Xin lỗi ông, tôi không có bắt cá. Tôi đang đọc sách mà !!
- Đúng rồi. Nhưng cô có thể bắt cá bất cứ lúc nào, vì cô có đầy đủ các dụng cụ thích ứng!! Cô phải theo tôi về đồn để tôi lập phiếu vi phạm.
- Được rồi. Nếu ông lập phiếu vi phạm thì tôi cũng xin khiếu nại về việc bị xâm phạm tình dục.
Người tuần cảnh ngạc nhiên hỏi lại:
- Nhưng tôi đâu có đụng vào người của cô …..
Cô ta giải thích:
- Đúng vậy !! Nhưng ông có thể xâm phạm bất cứ lúc nào ….. vì ông có đầy đủ các dụng cụ thích ứng !!!!

Nguyễn Thế Bình
(Sưu tầm)

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Phóng Sự



          Cái người đầu tiên viết phóng sự thành công là ai ? Người đầu tiên xứng đáng đeo Mề Đay để vinh danh phóng viên là ai ? Hẳn nhiên là Ngô Tất Tố rồi ! Nhưng cái danh hiệu Phóng Viên Tài Ba , Phóng Viên Chân Chính là do nhân dân phong tặng chứ không phải người Pháp (!) . Dĩ nhiên các chính quyền sau này cũng không đủ chính danh để tôn vinh cụ (?) .

    Chả hiểu cụ vào cửa Khổng sân Trình tới đâu ? Cụ Lều Chõng ra sao ? Nhưng ai cũng phải công nhận cụ chữ nghĩa đầy mình . Cụ có cổ học nhưng lại khoái chữ Tây và văn minh Tây (!) mặc dù các quan cai trị Đông Dương thì … khá là Đểu !!!

    Cụ viết khá nhiều , nhưng tôi đọc cuốn phóng sự “ Việc Làng “ thì rất giựt mắt , chạm nọc và … thấm thía vì … tôi sanh tại thôn quê ! làng tôi rất là thơ mộng … cho đến khi tôi đọc Việc Làng của cụ ! Tôi cũng đã từng đọc : Đồ Phồn , Vũ Trọng Phụng , Nam Cao , Tú Mỡ , Hoàng Đạo … nhưng … chưa đã !  Tới khi cụ Ngô cho những quan làng và những dân làng thèm thuồng , ngấm nghé miếng thịt giữa làng thì … tôi hết chịu nổi !!!

    Lúc đó ông Phạm Quỳnh hô hào Cải Lương Hương Chính . Rồi những ông làm báo Minh Tân , Thanh Nghị , Tao Đàn … muốn tiến nhanh …” đi tắt đón đầu “ người Pháp ,

Dĩ nhiên là dân quê đọc … hiểu … chết liền  !  Trong số những người như Phan Kế Bính , Phạm Duy Tốn , Nguyễn Bá Học … muốn bàn giao cổ học cho những người tân học (!) thì Ngô Tất Tố sừng sững như  một cây cổ thụ … một người Khổng Lồ !

    Đọc văn của cụ ai mà không xốn xang , bàng hoàng , tủi hận … và suy nghĩ hoài : Làm sao bây giờ ! Ôi cái phong tục , cái truyền thống nơi làng xã mà hàng ngàn người ca tụng … nó hay ho như vậy sao ???

    Làm thế nào bây giờ ! Làm thế nào để không ca tụng những ông tù trưởng ở trần đóng khố Nghiêu Thuấn ! Làm thế nào để đẩy mấy ông Tống Nho đi chỗ khác chơi … Hãy vứt béng cái trò Lý Học của Tống Nho vào sọt rác ! Làm thế nào để tư tưởng ta vượt khỏi lũy tre xanh . Làm thế nào để ta đêm nằm không phải kéo chiếu chăn lên xuống để ấm đầu , ấm chân … trong khi nghe những tiếng sáo diều rên rỉ … buồn thúi ruột !!!

    Làm thế nào bây giờ ? Nếu ở trong nhà mà nói chuyện cải lương … thì ông già cho mấy cái bạt tai ! Ở làng mà nói chuyện cải lương thì các kỳ hào sẽ nói : A ! Thằng này gây sự ! Ở trong nước mà nói chuyện cải lương thì các ông lớn chụp ngay cho cái nón phản động !!! Ôi ! Truyền thống là cái gì mà sao nó nặng gấp ngàn lần xiềng xích !

    Miếng thịt giữa làng có ý nghĩa gì mà người ta ăn một miếng sẽ … hãnh diện ba đời ! Các quan lớn ngày nay … ra ngoại quốc ăn ngon thì … nó lại là chuyện khác !

    Ôi ! Cái sĩ diện hão nó đã ăn sâu vào xương tủy dân ta rồi . Người ta viết gia phả nói ông cha mình là vĩ nhân , anh hùng , được ăn miếng thịt giữa làng , giữa nước , giữa … Liên Hiệp quốc !!!

    Người ta viết ( tôn lên hoài ) những Danh Nhân , Cao Tăng , Anh Hùng … để dính máu ăn phần một cách rất hoành tráng , và xin ấn , xin lộc các ngài sao cho … ba đời ăn không hết !!!

    Cái phong tục truyền thống này còn lưu lại trong “ĐÁM MỔ BÒ “ của Phạm Lưu Vũ chăng ? Cái nét đẹp bền vững , đậm đà bản sắc dân tộc này của làng xã ( hạt nhân của đất nước này ) nên bảo tồn chăng ?

    Ôi ! Cái tư duy làng xã này … có lẽ … nó theo ta mấy thế kỷ nữa … khi các nước văn minh đã lên cung trăng … và sao hỏa !!!

    Tôi nghĩ : Có lẽ ta không nên phát những tờ giấy “ gia đình văn hóa “ cho một số gia đình … mà ta nên phát cho mỗi người một cái gương soi (!) để người ta nhìn vào cái bản mặt mình nó có một chút truyền thống nào không ?
Chân Diện Mục

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Ngọc Em Gặp Gỡ Các Bạn Lần thứ 3 trong chuyến về VN

Gặp và trò chuyện cùng các bạn học thời đi học, là niềm vui của những Bạn xa xứ. Ngọc Em không ngoại lệ. Tuy đã gặp gỡ Bạn bè hai lần rồi, có lẽ chưa đủ, nên Ngọc Em đã mời Các Bạn đến chơi nhân ngày giỗ của thân sinh 30-3-2017 (Nhằm mùng 03/3).


Từ trái sang phải: Khải (Hoàng), Dũng, Ngọc Em, Khải (Dương), Dậu, Xuân, Khánh.

 Duyên, Điệp Lê, Sanh, Thơ.

 Phụng (Lưu), Đen, Khải (Hoàng), Dũng.

 Khải (Dương), Dậu, Xuân, Khánh.

 Khánh, Dũng, Ngọc Em, Khải (Dương).

Đen, Khải (Hoàng), Đức, Dậu, Phụng.

Hình Ảnh: Huỳnh Hữu Đức
***

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Hoa Dại


Hoa dại vàng tươi lấm tấm màu,
Bên đường rực rỡ gió lao xao
Ai kia dừng bước tâng tiu ngắm
Hoa khép mỉm cười hẹn kiếp sau .
                            Mailoc
                 (Mùa xuân Cali 2011)
***
Các Bài Cảm Tác:
Từ Hoa Dại Của Mailoc

Hoa dại vàng tươi lấm tấm màu,
Bên đường rực rỡ gió lao xao.
Ai kia không ngắm mầu hoang dại,
Hoa khép buồn lòng đợi kiếp sau.
                          Danh Hữu 2011
***
Hoa dại vàng tươi lấm tấm màu
Bên đường rực rỡ gió lao xao
Ai kia không cảm đời hoang dại
Hoa khép cánh buồn đợi kiếp sau.
                     Quang Tuấn 2011
***
              Hoa Dại

Hoa cỏ xuân tươi đủ sắc màu
Từng đàn bươm bướm lượn xôn xao
Bên đường nói chuyện quên nhìn ngắm
Tủi phận bông tàn hẹn kiếp sau
                    Mai Xuân Thanh
            Ngày 14 tháng 03 năm 2017
***
          Hoa Dại

Hoa dại xinh xinh lấm tấm màu
Bên đường e ấp, gió lao xao
Người qua lơ đãng không buồn ngắm
Hoa tủi, rưng rưng khép cánh sầu
               Phương Hà chế tác 
***
               Hoa Dại

Bên đường hoa dại cánh hồng tươi
Đón gió ban mai hé nụ cười
Nhan sắc hoang sơ không vẩn đục
Gợi lòng nhớ lại thuở đôi mươi
                             Quên Đi
***
               Hoa Dại

Hoa dại bên đường điểm lắm màu
Gió lùa lả ngọn cứ lao xao
Bao người dừng bước cùng nhau ngắm
Em nhoẻn nụ cười, hẹn gặp sau
                             Song Quang
***
        Đừng Vin Hoa Dại

Đưa người đưa tận mãi đầu thôn,
Hoa dại bên đường rưc sắc hương.
E ấp đôi lời xin nhắn nhủ,
Đừng vin hoa dại mọc bên đường!
                        Đỗ Chiêu Đức
***
             Hoa Dại

Hoa dại vàng tươi lấm tấm màu
Ngày lên rực rỡ nắng xôn xao
Bâng khuâng lữ khách hồn như lạc
Hoa mỉm cười duyên nhóm mộng đầu
                           Kim Phượng
***

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Về Miền Tây (tt) - Bài 2





Đến thời Pháp thuộc, sau khi xâm chiếm toàn bộ Nam Kỳ, chúng chia vùng này ra làm 20 tỉnh để dễ bề kiểm soát. Pháp chia Biên Hòa ra làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Biên Hòa (một phần của phủ Phước Long cũ), Bà Rịa (phủ Phước Tuy cũ), và Thủ Dầu Một (một phần của phủ Phước Long cũ); chia Gia Định làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Tây Ninh (phủ Tây Ninh cũ), Chợ Lớn (một phần của phủ Tân Bình cũ), và Gia Định (một phần của phủ Tân Bình cũ); chia Định Tường ra làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Mỹ Tho (huyện Kiến Hưng cũ), Gò Công (huyện Kiến Hòa cũ), và Sa Đéc (huyện Kiến Đăng cũ); chia tỉnh Vĩnh Long cũ ra làm ba (04) tỉnh gồm Vĩnh Long (phủ Định Viễn cũ), Bến Tre (phủ Hoằng Trị và phủ Hoằng An cũ), Trà Vinh (phủ Lạc Hóa cũ), và tỉnh Tam Cần (một phần vùng Trà Ôn thuộc phủ Lạc Hóa và một phần vùng Cần Thơ thuộc Trấn Giang); chia tỉnh An Giang ra làm ba (02) tỉnh gồm Long Xuyên và Châu Đốc; chia tỉnh Hà Tiên cũ ra làm bốn (04) tỉnh gồm Long Xuyên (phần đất Cà Mau thuộc huyện Long Xuyên cũ), Hà Tiên (huyện Hà Châu cũ), Rạch Giá (huyện Kiến Giang cũ), và Bạc Liêu (một phần đất của huyện Long Xuyên cũ).

Về sau vì nhu cầu trị an, Pháp lại cắt một phần của tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên ra để sáp nhập vào hai tỉnh An Giang (tỉnh Long Xuyên bây giờ) và tỉnh Châu Đốc. Sau đó ít lâu thì tỉnh Tam Cần bị xóa tên và sáp nhập vào tỉnh mới thàngh lập là Cần Thơ (gồm quận Trà Ôn và một phần Trấn Giang cũ). Cũng trong thời gian này Pháp cho thành lập tỉnh Sóc Trăng (lấy từ một phần đất của Bạc Liêu). Năm 1944, khi Nhật đã chiếm đóng toàn bộ Việt Nam, vì lý do an ninh, họ bắt người Pháp thành lập thêm tỉnh Tân Bình ở vùng Gia Định, lấy một phần đất của Gia Định, Thủ Thiêm và Nhà Bè để thành lập, và tỉnh lỵ đặt tại Tân Bình, tuy nhiên, sau khi Nhật thất trận, năm 1946 thì tỉnh Tân Bình lại bị xóa tên.

Trong thời Đệ nhứt Cộng Hòa, tỉnh Hà Tiên trở thành quận và sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá. Năm 1956, vì nhu cầu trị an và hành chánh, Tổng Thống Ngô Đình Diệm lại cắt tỉnh Biên Hòa ra để lập thêm 3 tỉnh mới nữa là Long Khánh (phần đất của quận Xuân Lộc), Phước Long (quận Bà Rá) và Bình Long (quận Hớn Quản). Cùng năm ấy, Hà Tiên và Phú Quốc bị sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang). Năm 1959, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cắt quận Tân Uyên, Hiếu Liêm và Phú Giáo của tỉnh Bình Dương để thành lập tỉnh Phước Thành. Cũng năm đó, Bà Rịa được nhập vào Vũng Tàu để thành tỉnh Phước Tuy. Cùng năm ấy, tỉnh Sa Đéc bị tách phần tả ngạn sông Tiền Giang ra để thành lập tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh), sau đó chính quyền lại lấy một phần của Tân An và một phần của Kiến Phong để thành lập tỉnh Kiến Tường (Mộc Hóa). Năm 1963 (ngày 15 tháng 10) chánh quyền cho thành lập hai tỉnh Chương Thiện và Hậu Nghĩa. Tỉnh Hậu Nghĩa gồm các quận Đức Huệ, Đức Hòa (tách ra từ tỉnh Long An), Củ Chi (tách ra từ tỉnh Bình Dương) và Trảng Bàng (tách ra từ tỉnh Tây Ninh). Tỉnh Chương Thiện gồm các quận Đức Long (khu trù mật Vị Thanh cũ), Long Mỹ, Kiên Hưng (Gò Quao), Kiên Long và Kiến Thiện. Có lẽ ngày đó người Pháp muốn dễ dàng kiểm soát tàu bè đi lại trên sông rạch miền Nam nên chúng đã đặt số cho từng tỉnh một và bắt ghe tàu phải sơn chữ tắt và số của tỉnh, như Gia Định mang số một (01) và ghe tàu phải sơn chữ GĐ-01, Châu Đốc (CĐ-02), Hà Tiên (HT-03), Rạch Giá (RG-04), Trà Vinh (TV-05), Sa Đéc (SĐ-06), Bến Tre (BT-07), Long Xuyên (LX-08),Tân An (TA-09), Sóc Trăng (ST-10), Thủ Dầu Một (TDM-11), Tây Ninh (TN-12), Biên Hòa (BH-13), Mỹ Tho (MT-14), Bà Rịa (BR-15), Chợ Lớn (CL-16), Vĩnh Long (VL-17), Gò Công (GC-18), Cần Thơ (CT-19), và Bạc Liêu (BL-20). Sau này, khi chánh quyền VNCH cho thành lập thêm 9 tỉnh nữa là Long Khánh, Phước Long, Bình Long, Phước Thành, Phước Tuy, Kiến Phong, Kiến Tường, Chương Thiện và Hậu Nghĩa nữa không biết ghe tàu ở năm tỉnh này có phải mang số 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 hay không?





Nói về địa danh của các vùng thuộc Nam Kỳ Lục Tỉnh và Nam Kỳ thời cận đại với 29 tỉnh có nhiều sự thay đi đổi lại như thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho lấy lại các tên cũ đã từng được gọi trong Đại Nam Nhất Thống Chí như quận Núi Sập lấy lại tên Huệ Đức (An Giang), Quận Cái Nhum lấy lại tên Minh Đức (Vĩnh Long), quận Bãi Xàu thành Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), quận Mộc Hóa thành Kiến Tường (tỉnh Kiến Tường), quận Cái bè thành Sùng Hiếu (Mỹ Tho), quận Cai Lậy thành Khiêm Ích (Mỹ Tho), quận An Hữu thành Giáo Đức (Mỹ Tho), tỉnh Bà Rịa thành Phước Tuy, tỉnh Sóc Trăng thành Ba Xuyên, tỉnh Cà Mau thành An Xuyên, vân vân. Nói chung, đất Nam Kỳ đến năm 1945, đa phần đã thành đất thuộc và có cư dân từ lâu đời, chứ không còn hoang vu như thời các Chúa Nguyễn cho lưu dân và quan quân vào định cư hồi những thế kỷ thứ 17, 18 và 19 nữa. Tuy về sau này, dưới thời VNCH, chính quyền có phân định lại ranh giới và đặt thêm những tỉnh mới, nhưng đó chỉ vì lý do hành chánh và trị an mà thôi, chứ không vì lý do dân số hay khai hoang nữa. Khi quân Pháp lấn chiếm Nam Kỳ thì toàn bộ dân số vùng này là 1.850.034 người (1.732.316 người Việt và Hoa, và 117.718 người Khmer). Đến năm 2.000 thì dân số trong vùng đã lên đến hơn 31.000.000. Như vậy trong vòng chưa đầy một thế kỷ rưởi dân số Nam Kỳ tăng gấp 28 lần.

Một đặc điểm của miền Tây Nam Việt, đặc biệt là vùng sông Tiền và sông Hậu, vì đây là một vùng sông nước bao la, kinh rạch chằng chịt, nên thời ông cha ta mới đi khai khẩn đất hoang, chưa có đường giao thông trên bộ, phương tiện duy nhất của mọi người thời ấy là chiếc xuồng hay chiếc ghe. Trong buổi hồng hoang đi mở nước, hầu như nhà nào cũng có một trong hai thứ ấy, thậm chí có những gia đình chỉ sống trên chiếc ghe và tự do rong ruổi đó đây. Chính vì thế mà đa phần chợ búa đều được xây dựng ngay bên bờ sông, gần đầu cầu, hoặc bên này hoặc bên kia đầu cầu. Rất nhiều nơi người ta họp chợ ngay trên sông, gọi là “Chợ Nổi”. Từng đoàn ghe thương hồ neo lại tại bờ sông, ghe nào cũng dựng lên một cây sào cao khoảng sáu bảy thước, trên ngọn sào treo tất cả những sản phẩm mà người ta muốn bán, như rau cải, bắp cải, củ cải, khoai lang, cà rốt, cà tím, bí rợ, bí đao, bầu, mướp, cá kho, vân vân. Truyền thống “chợ nổi” được tiếp nối cho mãi đến hôm nay tại miền Tây Nam Việt, như ở Cái Bè (Mỹ Tho) có chợ nổi Tân Phong, ở Vĩnh Long có chợ nổi Bình Minh (Cái Dồn) và Trà Ôn, ở Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, Phong Điền và Phụng Hiệp, và ở Cà Mau có chợ nổi Cà Mau. Trong suốt chiều dài lịch sử khai khẩn miền Nam, phù sa sông Cửu Long đã hun đúc và tạo ra biết bao nhiêu lớp người của đồng bằng miền Nam trải qua hơn ba thế kỷ nay, từng lớp người đã được sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, đã đổ mồ hôi nước mắt và đem công sức mình ra trộn với phù sa của hai vùng Đồng Nai và Cửu Long, chẳng những biến vùng đất này thành một vùng trù phú thịnh vượng, mà còn là một vựa lúa cho toàn thể đất nước.
Trong tiến trình Nam tiến, các chúa nhà Nguyễn đã dùng phương cách thứ nhất là đưa lưu dân Việt Nam đến các vùng có người Chân Lạp cư ngụ để làm “tằm ăn dâu,” và thứ hai là lợi dụng vào sự suy yếu của các triều vua Chân Lạp thời bấy giờ. Sở dĩ các chúa chấm dứt cuộc Nam tiến ở đây, không phải vì các chúa không muốn tiếp tục xâm lấn thêm những vùng còn lại của Chân Lạp, mà vì vùng Thủy Chân Lạp quá bao la, các chúa cần một thời gian để khai khẩn và ổn định để biến vùng này trở thành đất thuộc của Việt Nam. Vì có lúc các chúa đã chiếm cứ hết các vùng Kompong Som và Kampot, nhưng không giữ nổi vì không đủ người đến khai khẩn, nên cuối cùng những vùng này lại trở về với Chân Lạp. Đến khi đất Nam Kỳ đã ổn định, có lúc Việt Nam đã đô hộ và biến toàn bộ Lục Chân Lạp thành Trấn Tây Thành. Tuy nhiên, lúc đó vương triều nhà Nguyễn đã suy yếu, dù nhiều lần đã chinh phục nốt phần đất còn lại của Chân Lạp, nhưng rốt rồi cũng không giữ được. Kịp đến liên quân Pháp và I pha Nho xâm chiếm Việt Nam, thì hầu như các vua chúa nhà Nguyễn không còn sức chống cự nữa, mà chỉ biết buông giáo buông mác để đầu hàng. Nói gì thì nói, không ai phủ nhận được công lao của các chúa Nguyễn với công cuộc Nam tiến và mở mang bờ cõi về phương Nam. Tuy nhiên, đất nước này nào phải của riêng ai! Nếu Nguyễn Phúc Ánh nhận thức được như vậy mà không rước Xiêm, rước Tàu rồi rước Tây về dày xéo đất nước, làm cho chẳng những quân đội của ấu chúa Tây Sơn suy yếu và cuối cùng sụp đổ và dân tình đồ thán thì có lẽ giờ này đất nước Việt Nam chúng ta đã có một bộ mặt khác hơn bây giờ nhiều lắm. Trong suốt thời gian 26 năm cố giành giựt lại giang san trong tay nhà Tây Sơn, rồi ấu chúa Tây Sơn, từ năm 1777 đến 1802, Nguyễn Ánh đã gây ra không biết bao nhiêu là cảnh núi xương sông máu cho nhân dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, khói lửa chiến tranh của một dòng họ đã vùi dập không biết là bao nhiêu xương máu của nhân dân miền Nam, tham vọng “bá đồ vương” của một con người ích kỷ hẹp hòi đã gây ra vô vàn tang tóc đau thương cho dân chúng miền Nam với những trận đánh đẫm máu, nhứt là dân chúng các vùng Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ và Cà Mau. Nói chung ở miền Nam, hễ nơi nào có dấu vết của Nguyễn Ánh là nơi đó có xảy ra những cuộc chiến đẫm máu với Tây Sơn. Nguyễn Ánh đã không từ bỏ bất cứ một phương cách nào trong việc giành giựt lại giang sơn trong tay nhà Tây Sơn, kể cả việc rước voi về dày mả tổ hay cõng rắn cắn gà nhà. Chính vì thế mà hết rước Xiêm rồi rước Tây, thậm chí có lần Nguyễn Ánh đã ăn “ké” với sự cầu viện của Lê Chiêu Thống, bằng cách gửi 500 xe lương cho quan quân xâm lược nhà Thanh khi họ tiến vào Thăng Long. Có người đã ngụy biện nhằm khỏa lấp những tội lỗi của Nguyễn Ánh, họ cho rằng Nguyễn Ánh là người có công thống nhất đất nước. Thật sự ngoài cái công giành giựt lại toàn bộ giang san cho dòng họ mình từ trong tay ấu chúa Tây Sơn, Nguyễn Ánh chả có công cán gì khác cho quốc gia dân tộc. Những kẻ ngụy biện ấy quên rằng chính vị anh hùng áo vải đất Tây Sơn mới là người đánh lộng thần Trương Phúc Loan cũng như giặc Xiêm và lũ cõng rắn Xiêm ở phương Nam tại trận Rạch Gầm Xoài Mút, rồi sau đó phải kéo quân về Bắc để một lần nữa dẹp tan lộng chúa Trịnh và Mạc và giặc Thanh do Lê Chiêu Thống cõng về, để gom toàn bộ giang san về một mối. Họ lại còn hàm hồ cho rằng sự phân chia quyền hành cai quản đất nước cho hai người anh em khác của Nguyễn Huệ là Nguyễn Nhạc ở vùng Qui Nhơn và Nguyễn Lữ ở vùng Gia Định là sự phân chia Việt Nam ra làm ba nước, quả là một nhận định hàm hồ và thiên lệch có dụng ý làm lợi cho ý đồ giành giựt lại giang sơn của Nguyễn Ánh (nếu nói như họ thì hóa ra ngày trước VNCH có bốn vùng chiến thuật do bốn ông tướng cai quản là bốn nước khác nhau à?). Thôi thì lịch sử đã sang trang, việc đó hãy để cho lịch sử suy xét, bây giờ chúng ta hãy nói về miền Tây thân yêu của chúng ta.
Về phía Nam Đông Nam Sài Gòn Gia Định khoảng 50 cây số là vùng Tân An. Tân An là cửa ngỏ của đồng bằng sông Cửu Long, đi về miền Tây trù phú, với những cánh đồng ngút ngàn. Tân An nằm giữa lưu vực hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nối liền với Đồng Tháp Mười. Dưới thời các chúa Nguyễn thì Tân An trực thuộc châu Định Viễn của dinh Long Hồ và dân số trong vùng chưa đầy 5.000 người. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây vào năm 2.000, thì dân số toàn tỉnh Tân An đã lên tới 1.306.202 người. Dưới thời Tự Đức, Tân An trở thành phủ thuộc tỉnh Gia Định với hai huyện Cửu An và Phước Lộc. Tân An nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, với phần lớn đất đai của Đồng Tháp Mười. Về vị trí thì phía Bắc Tân An giáp Cao Miên (vào thời Pháp thuộc, họ tách một phần phía Bắc của tỉnh Tân An để thành lập tỉnh Chợ Lớn), Nam giáp Mỹ Tho (Tiền Giang), Đông giáp Sài Gòn và Tây giáp Cao Lãnh và Sa Đéc (bây giờ là tỉnh Đồng Tháp). Thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ, khi họ mới bắt đầu chia miền Nam ra làm 20 tỉnh, thì diện tích toàn tỉnh Tân An là 380.000 mẫu Tây, nhưng chỉ có 80.000 mẫu Tây ruộng đất ở phía Nam của tỉnh có đất đai phì nhiêu, còn lại đa phần là những vùng trũng thấp, ủng nước trong nhiều năm, với những đầm lầy đầy cỏ lác, cỏ năng, hoặc những loại sen mọc hoang dại. Đồng bằng sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây) nằm giữa hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Cửu Long, nên đất đai của Tân An rất mầu mở, phong phú và được thiên nhiên ưu đãi về mọi mặt. Ngay khi giặc Pháp chiếm Nam Kỳ, nhất là sau vụ anh hùng Nguyễn Trung Trực tấn công tàu Espérance trên sông Vàm Cỏ, Pháp bèn chia tỉnh Định Tường ra làm ba tỉnh Mỹ Tho, Tân An và Gò Công. Pháp cắt các vùng Bến Lức, Bình Phước, Thủ Thừa, và Mộc Hóa (cả 4 vùng ấy có cả thảy 10 tổng và 64 xã) để thành lập tỉnh Tân An, để có đủ cấp số quân đội, hầu dễ dàng kiểm soát vùng đất mà chúng cho là có nhiều quân phiến loạn (quân kháng chiến chống Pháp) hoạt động.  

Hết Phần 2 (trang 5-7) 

Để tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Qúi Vị mở Link bên dưới: