Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Liêu Trai


              Nửa đêm rượu cạn, ánh trăng mờ
              Mòn mỏi gục đầu bên án thơ
              Thoang thoảng làn hương theo gió quyện
              Mơ hồ hình bóng lẫn sương đưa
              Hồng nhan tri kỷ, duyên kỳ ngộ
              Thi hữu tri âm, bạn bất ngờ
              Đối ẩm ca ngâm say túy lúy
              Sáng ra còn thấy chiếc hài xưa....
                                          Phương Hà

sinh nhat Hoang Thi Tho

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Cổ Học Tinh Hoa Tập 9

177. Thằng điên
 Các anh có trông thấy người phải bệnh điên bao giờ không?
Đương lúc hôn mê rồ dại, người điên lăn xuống nước dẫm lên lửa, đâm vào chông gai, mặt hớn hở miệng nghêu ngao, vẫn tự tin cho mình là phải.

Đến khi gặp thầy thuốc hay, hết cách chạy chữa, người điên khỏi dần và tỉnh lại.Bà con kể lại chuyện người ấy lắm lúc đang có bệnh điên, thì người ấy rùng mình lấy làm khổ. Bà con kể lại chuyện người ấy lúc uống thuốc tỉnh dần, thì người ấy vui vẻ lấy làm mừng và ân hận gặp thầy, gặp thuốc muộn quá.

Ấy người phải bệnh điên vừa còn chữa được thì như thế. Chớ nếu là người phải bệnh điên nặng không thể chữa được, thì người ấy không những không chịu phục thuốc lại còn mắng thầy thuốc làm cho mất tính thường của mình nữa.

Dương Minh Tử

Lời bàn: Bệnh điên nói trong bài đây tức là lòng tự dục nó làm cho con người mê lú như điên cuồng không còn biết phải trái là gì nữa. Nếu người mắc bệnh tư dục còn nhẹ, may nhờ có người dạy bảo cho, thì còn có thể hối ngộ sửa nết lại mà sửa dần tính xấu đi được. Nhưng nếu là người mắc bệnh tư dục nặng quá hoặc có ai muốn giáo hóa cho, thì người ấy chẳng những không hối ngộ sửa nết lại được mà lại còn trách oán cả người giáo hóa, bảo người ấy là làm mình mất cả tính thường đi. Ôi! Đáng sợ lắm thay! Lương tâm mất đi một vài phần, thì còn có thể cứu được, chớ lương tâm mà đã táng tận, thì còn gì là người mong hóa đi được nữa. Cho nên ta phải cố giữ lấy lương tâm. Chớ bảo một cái lỗi nhỏ có phạm vào cũng không can chi. Cái nết đã quen đi rồi, thì khác nào như xuống dốc chỉ có phần lăn xuống, thụt sa lầy, chỉ có phần thụt xuống, chớ không tài nào lăn trở lại hay ngoi lên được nữa.

178. Người xuất tục
 Tiếng sấm, tiếng sét không làm thế nào cho nhỏ được tiếng để hòa với tiếng chuông tiếng khánh. Mặt trời, mặt trăng không làm thế nào cho cong được ánh sáng để thấu đến ngõ hẻm, hang cùng. Sông to không làm thế nào mà thu bờ hẹp lại để vừa ý kẻ muốn lội qua. Núi cao không làm thế nào mà rút được ngọn thấp xuống để chiều lòng kẻ muốn trèo chơi.

Cho nên, cũng như cái xe to không thể thu nhỏ bánh để tạm đi qua đường hẹp, người cao sĩ không chịu khuất khúc để hòa đồng với thế lực.

Bão Phúc Tử

Giải nghĩa: Bão Phác Tử: tức ông Cát Hồng, người đời nhà Tấn, có làm pho sách nhan là Bão Phác Tử, vừa nói về thần tiên vừa nói về chính trị.

Lời bàn: Chính ý bài này cốt tỏ rõ thế nào là một người cao sĩ xuất tục. Nhưng tác giả không định nghĩa người xuất tục là gì, tác giả tìm mấy sự ở ngoài mà ví vào người, khiến cho ta đọc hiểu rõ ngay, tục với xuất tục đại để khác nhau như thế nào. Tiếng sấm vời tiếng chuông, ánh sáng mặt trời với ngõ hẻm, sông to với người muốn lội, núi cao với người muốn trèo, xe bánh rộng với đường hẹp, khác nhau xa làm sao, không đon được nhau thế nào, thì người xuất tục khác người tục và không hòa đồng với người tục cũng như thế.


179. Vợ thầy kiện

Có một người thầy kiện rất giỏi. Mỗi khi thảo đơn kiện cho ai, định buộc tội gạt lỗi cho nhiều người mà ý nghĩ chưa được sâu sắc, lời nói chưa được chặt chẽ, thì cứ ngồi yên một chỗ để cấu tứ. Những lúc ấy, thường dặn người nhà, có khách hỏi, không được cho vào, cả đến vợ cũng phải lánh xa ở một buồng khác.

Vợ người thầy kiện trước kia vẫn đã cùng người láng giềng đầu mày cuối mắt chỉ vì không dịp, không chỗ cho nên dòm dỏ đã hơn một năm, mà chưa được thân cận với nhau. Bây giờ biết thế, mỗi khi gặp người thầy kiện cấu tứ thì người vợ bèn lại chuyện trò quấy rối để phải mắng, phải đuổi tránh đi chỗ khác.

Thành vì thế mà người vợ với người láng giềng được bao nhiêu cơ hội đi lại với nhau luôn, kể hàng bao nhiêu năm mà không ai biết.
Sau người thầy kiện vì cấu tứ mãi mà chết. Người vợ chửa hoang phải nhà chồng kiện.

Quan sát xét căn do việc đi lại với ai. Người vợ thầy kiện phải thú thực.
Quan vỗ bàn, thở dài nói:
Ngòi bút của người thầy kiện đã khéo, ai ngờ cơ trời còn khéo hơn!

Duyệt Vi

Lời bàn: Thầy kiện tức là luật sư. Luật sư là người hơn ai hết, hiểu thấu các tinh túy của luật pháp, nếu rõ nỗi u ẩn của nhân dân. Chính phủ nhờ có luật sư mà thêm sáng việc, quần chúng nhờ có luật sư mà đỡ hàm oan. Vậy làm thầy kiện mà gỡ tội cho kẻ oan, đáng trọng biết bao nhiêu, thì buộc tội cho người ngay hay bênh vực kẻ gian ác, đáng khinh bấy nhiêu. Người thầy kiện nói trong bài này là một tay giảo hoạt chắc đã nhiều lần, lấy lý mà thắt người ngay vào tội ghê gớm lắm. Bởi vậy tác giả mới thuật lại chuyện này, nói người thầy kiện vừa tự hại mình, lại để cho vợ phản mình, có ý dạy người tuy khôn khéo đến đâu, cũng không lọt được vành Tạo vật. Tạo vật thường vẫn ghét người xảo, bao giờ cũng bắt sẵn cái cân để cân lại cho công bằng. Nhiều khi muốn hại người, người chẳng thấy đâu, lại chỉ thấy cái hại nó quay ngay vào chính mình trước.

180. Ác ngầm
 Vua Ngụy đem một người con gái đẹp dâng vua Kinh. Vua Kinh lấy làm thích và yêu lắm.

Phu nhân là Trịnh Tụ biết thế, chính mình cũng yêu mến người con gái, có khi lại yêu mến hơn vua. Người con gái ấy muốn ăn mặc, chơi bời gì, phu nhân cũng đều sắm sửa cho đủ cả.

Vua khen:
Phu nhân biết ta yêu mến tân nhân, mà đem lòng yêu mến tân nhân quá ta thật có khác nào như người con có hiếu thờ cha mẹ, người bầy tôi trung thờ vua vậy.

Phu nhân đã chắc bụng vua không ngờ mình là người ghen, nhân dịp mới bảo tân nhân rằng:
Vua yêu mến nhà ngươi lắm, nhưng ghét cái mũi ngươi. Giá từ nay, hễ ngươi trông thầy vua, ngươi cứ che lấy cái mũi đi, thì vua yêu mến được mãi đấy.

Tân nhân theo lời, từ đó mỗi khi trông thấy vua, là che mũi lại.
Vua thấy thế, bảo phu nhân rằng:
Tân nhân trông thấy ta mà cứ che mũi là ý làm sao?

Phu nhân trước thưa:
Tôi không được rõ.

Đợi vua cưỡng hỏi nữa, mới thưa rằng:
Tôi nghe đâu như tân nhân có nói hơi vua khí nặng lấy làm khó chịu.

Vua phát giận bảo:
À nếu thế thì xẻo mũi nó đi.

Vua nói đoạn, thì một viên quân hầu cầm dao ra xẻo ngay mũi tân nhân. Vì phu nhân đã dặn trước, hễ thầy vua phán gì, là làm ngay lập tức.

Hàn Phi Tử

Giải nghĩa:
-Ngụy: tên một nước về thời Chiến Quốc ở về phía bắc tỉnh Hà Nam và phía tây nam tỉnh Sơn Tây ngày nay.

-Kinh: tức là nước Sở thời Chiến Quốc ở về Hồ Nam, Hồ Bắc ngày nay.

Lời bàn:
Phàm người đời cái gì đáng ghét mà lại yêu, cái gì muốn tranh mà lại nhường, làm trái hẳn thường tình, đều là những người dụng tâm một cách nham hiểm cả. Sự yêu ấy chính là cái giết ngầm, sự nhường ấy chính là cái cướp sạch. Đáng thương cho những kẻ ngu mê nông nổi dạ thật tin người để đến nỗi mắc vào lưới cạm mà không biết.

Trong chuyện này người con gái thì khở dại, vua Kinh thì quá tin. Hai người có hai cái tật như thế, thì tránh sao cho khỏi sự dụng tâm độc ác của phu nhân. Than ôi! Người đang xinh đẹp mà bị cắt mất mũi, bụng đang yêu mến mà để hỏng mất của yêu, ghê gớm thay cho cái lòng nham hiểm, cái mưu thâm độc của Trịnh Tụ.

181. Bảy cô vợ lẽ 

Ông Phật Ấn là bạn thân của ông Tô Đông Pha, khi trò chuyện hai ông thường đùa bỡn cợt nhả.

Đông Pha có bảy người thiếp.
Một hôm, Phật Ấn đùa bảo Đông Pha rằng:
Sao mà bác lấy nhiều thiếp thế? Bác có chịu bằng lòng tặng tôi được cô thiếp thứ bảy không?

Đông Pha cười nói:
Sao lại không được?

Rồi Đông Pha về nhà đem chuyện nói vời người thiếp.
Người thiếp thưa:
Đó là chuyện nói đùa nhau chứ gì.

Đông Pha nói:
Ta đã hứa rằng cho, thì không nên sai lời. Bây giờ nàng cứ xem ra thế nào.
Chập tối. Tô Đông Pha cho xe người thiếp đến.

Phật Ấn đón người thiếp cho vào nắm trong buồng, rổi bỏ màn xuống. Trước buồng đã đặt sẵn bảy cái hỏa lò cái nào cũng đầy than đỏ rực. Ông bước qua từng cái một, bước qua hết một lượt, rồi lại bước lại cứ thế suốt đêm. Đến sáng ông cho xe người thiếp về trả.

Người thiếp về kể lại đầu đuôi câu chuyện. Đông Pha chợi nghĩ ra, nói rằng:
Bảy cái hỏa lò là chỉ vào bảy người thiếp của ta, giống như bảy cái hang lửa. Ông làm ra như thế, là ông có ý bảo ông đã vượt ra được ngoài sắc dục còn ta thì lại sa ngã đắm đuối vào đấy. Ông này ý muốn làm cho ta tỉnh ngộ chăng.

Dục Hải Từ Hàng.

Giải nghĩa:
Phật Ấn: tên một vị cao tăng có tài hùng biện đời nhà Tống.
Tô Đông Pha: tức là Tô Thức, người đời nhà Tống có tiếng giỏi về văn chương, thi, họa.

Lời bàn: Đông Pha là một bậc tài học phong lưu, Phật Ấn là một nhà tu hành đắc đạo. Người phong lưu thì chỉ cốt đời người cho sung sướng là thỏa lòng, nhà tu hành thì chỉ cốt trí tuệ cho cao minh là mãn nguyện. Cứ bình tĩnh mà nói, thì ai là người chẳng thích phong lưu. Nhưng có biết đâu, " Phong lưu là cạm ở đời, hồng nhan là bả con người tài hoa". Bao nhiêu thị dục thường hại cho người ta hết cả. Xưa nay kể sao cho xiết được những kẻ vì thị dục, mà mất hết cả tính thiêng liêng mầu nhiệm, mà hỏng hết cả phẩm giá, thanh danh. Trong các món thị dục, thì sắc dục có phần tệ nhất. Dâm là cái tội ở đầu muôn tội. Muỗn tránh tội ác, cần phải giới dâm.

Phật Ấn đây thật có ý thương có lòng yêu Đông Pha lắm. Chơi với anh em mà bày trò ra như thế để khuyên anh em. Cũng là một cách thuyết pháp thực tế mà cảm hóa được người ta sâu xa vậy.

182. GÕ NHỊP MÀ HÁT

Vợ Trang Tử chết.
Huệ Tử đến viếng, thấy Trang Tử đang ngồi duỗi xoạc hai chân, tay gõ nhịp vào bồn nước mà hát.

Huệ Tử bảo: Mình đã ăn ở với người ta, có con với người ta. Bây giờ người ta già, người ta chết, mình đã không khóc thì cũng là đủ, lại còn ngồi gõ bồn mà hát, chẳng là quá lắm ư!

Trang Tử nói: Không phải thế. Lúc vợ tôi mới chết tôi cũng lấy làm thương tiếc lắm. Nhưng xét cho cùng thì vốn là không có gì cả, chẳng những không có gì mà vốn lại không có hình, chẳng những không có hình mà vốn lại không có khí, cái người ấy chẳng qua là tạp chất biến mà hóa ra có khí, khí biến mà hóa ra có hình, hình biến mà hóa ra có sinh, có sinh lại biến ra có tử, có khác nào như xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa cứ tuần hoàn đi lại không? Vả lại người ta chết là trở về với tạo hóa, cũng như người ra ngoài mà về nhà, thế mà ta cứ còn theo đuổi nghêu ngao khóc lóc, thì chính ta chẳng hóa ra không biết mệnh trời ư? Cho nên ta không khóc mà lại còn hát nữa.

Trang Tử

GIẢI NGHĨA

Trang Tử: tên là Chu, người thời Chiến Quốc, học rộng và cao, theo tôn chỉ Lão Tử, có làm sách, phần nhiều là ngụ ngôn.

Huệ Tử: tức là Huệ Thi người thời Chiến Quốc, có tài khéo nói, là bạn thân của Trang Tử

Bồn: chậu nước rửa xác cho người chết

LỜI BÀN

Vợ chết đáng là một nỗi đau đớn to, chồng nào mà cầm lòng không thương, không xót, không tiếc, không sụt sùi giọt ngắn giọt dài cho đậu. Thường tình như thế. Nên Huệ Tử trách Trang Tử chỉ vì lẽ thường tình.

Trang Tử đáp thế lại là lấy một cái lẽ cao xa, siêu việt hẳn ra ngoài cái thường tình. Ta không rõ cái thuyết của Trang Tử vốn tự cho người ta từ chỗ không, do khí do hình mà sinh ra để đợi lại trở về chỗ không có đúng với khoa học hay không. Nhưng rất giống thuyết nhà Phật. Ta chỉ lấy thường tình mà suy nghĩ thì có lẽ Trang Tử quá thương tiếc vợ nên đem cái đạt quan nói với Huệ Tử để vừa tự giải, vừa tự an ủi cho đỡ đau khổ chăng?

183. LIÊM, SỈ
 Liêm, sỉ là tính rất hay của loài người, vì người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm. Người mà đến thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật. Nhất là những bậc đứng chủ trương việc nhà, việc nước mà vô liêm, vô sỉ thì nhà phải suy bại, nước phải suy vong.

Nghĩ cho kĩ thì sỉ cần hơn liêm; người không liêm làm những việc bất nghĩa, căn nguyên cũng ở vô sỉ mà ra.

Đức Khổng nói: "Hành kỷ hữu sĩ" nghĩa là giữ mình biết làm xằng là xấu hổ. Thầy Mạnh nói: "Nhân bất khả vô sỉ" nghĩa là người ta không biết xấu hổ thì không được.

Than ôi! Thế mà ngày nay, nhân tình phản trắc, phong tục suy đồi, người ta quên cả liêm, sỉ, không kể chi người thường, thậm chí đến bọn sĩ phu cũng chan chan như thế cả. Ôi! Nếu cho là sự xấu hổ chung cho cả nước cũng không phải là nói ngoa.

Tuy vậy, mùa đông rét mướt, tùng bách vẫn xanh; mưa gió tối tăm, gà trống vẫn gáy. Đời tuy hôn mê vẫn có người tỉnh.

Ông Nhan Chi Thôi làm sách "gia huấn" có thuật câu chuyện rằng:
"Một viên quan nói với ông: Tôi có đứa con 17 tuổi học đã thông. Tôi cho nó học tiếng nước Tiên Ti, học gảy đàn tỳ bà, lớn lên theo hầu đám công khanh, thì thế nào rồi cũng được sung sướng.

Nhan Chi Thôi nghe nói nín lặng không trả lời. Sau về nhà bảo con cháu rằng:
- Người này dạy con lạ thay. Như ta, nếu học cách ấy, thì dù cho được phú quý đến đâu, ta cũng không mong cho các con vậy".

GIẢI NGHĨA

Nhan Chi Thôi: nhà văn tự giỏi có tiếng thời Nam Bắc triều

Tiên Ti: tên một nước cũ, tức một bộ phận Nội Mông Cổ bây giờ, Tiên Ti vào chiếm nước Tàu, đặt tên nước Ngụy, tức là Bắc triều.

LỜI BÀN

Bài này thực đã là một tiếng than cho đời mà ngán cho người. Than ôi! Người đời bấy giờ có phải đa số là người "vô liêm sỉ", "bất trí sĩ" không? Nếu quả vậy thì người ta than thở là rất phải. Vì "liêm", "sỉ" là nền tảng của đạo làm người. Ở đời còn có sỉ thì hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm còn được, chớ liêm sỉ đã mất, nhất là sỉ thì còn gì là luân thường đạo lý, và mong trông cậy vào đâu nữa. Con người mà đã đến vô sỉ thì tuy mặc áo, đội mũ mà như con chim, con muông, còn cái gì là kiêng nể mà không dám làm!

184. TIỄN NGƯỜI ĐI LÀM QUAN
 Tiết Tôn Nghĩa, người Hà Đông sắp đi làm quan.

Ông Liễu Tôn Nguyên làm tiệc tiễn hành ở bờ sông, rót chén rượu mời Tôn Nghĩa mà nói rằng:

- Phàm ra làm quan ở hạt nào, phải biết chức phận của mình là người làm việc cho dân, chớ không phải sai dân làm việc cho mình. Dân ở trong hạt đã chịu nộp thuế để lấy tiền thuê quan giữ sự công bình cho dân, mà nay, ngán thay, thiên hạ ra làm quan, tiền thuế của dân thì biết lấy cả, còn công việc của dân thì trễ biếng, thường khi lại dụng tâm ăn cắp của dân nữa.

Giả sử ta đây thuê một người làm việc trong nhà, nó đã lấy tiền thuê mà lười không làm việc, lại còn ăn cắp đồ thập vật trong nhà, thì tất ta phải giận mà trách phạt và đuổi nó đi. Bây giờ làm quan như thế nhiều mà dân không dám nổi giận và trách phạt là tại làm sao? Chỉ tại thế lực khác không làm được thôi. Nhưng thế lực dù khác mà lý vẫn là một. Nên người làm quan nếu còn biết công lý thì ai mà không chịu giữ gìn, cố làm thế nào cho đáng đồng tiền thuê của dân.

Này Tôn Nghĩa, ngươi trước làm quan huyện ở Linh Lăng hai năm, ngày ngày dậy sớm, đêm đêm thức khuya, chính sự siêng năng, xử kiện công bằng, thu thuế phải chăng, già trẻ không ai đem lòng thù ghét, ngươi thật là biết lo và giữ gìn lắm, cho nên ngươi lấy tiền thuê của dân rất là đáng vậy.

Ta đây chức nhỏ không được dự vào việc bàn bạc xét công cho ngươi đi làm quan, để thăng thưởng hay trách giáng. Ta chỉ biết ngươi đi làm quan, nên thưởng tiệc rượu này lấy lời trân trọng để tiễn hành.

Liễu Tôn Nguyên

GIẢI NGHĨA

Hà Đông: khu đất ở về phía đông sông Hoàng Hà trong tỉnh Sơn Tây bên Tàu.

Liễu Tôn Nguyên: người Hà Đông, đời nhà Đường, lanh lợi tài giỏi, đỗ Tiến sĩ, làm chức Thứ sử, văn thơ có tiếng ở nước Tàu.

Linh Lăng: tức là phủ Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam ngày nay

Trách giáng: quở phạt và hạ chức xuống

LỜI BÀN

Bài của Liễu Tôn Nguyên đây thực là hợp với cái ý tưởng tối tân ngày nay. Quan nay không phải là cha mẹ dân, chỉ là kẻ làm công, lấy tiền thuê của dân mà thôi! Ôi! Từ cái bực làm cha mẹ người ta đến cái bực làm kẻ thuê mướn của người ta xa cách nhau đến chừng nào! Tuy vậy, bình tĩnh mà nói, bỏ giọng quá khích, tôi tưởng người cầm vận mệnh dân chúng một địa phương mà thiếu tư cách, chỉ biết làm thuê, không nhận chân coi việc nước như việc nhà, coi dân chúng như con em. Hỏi việc làm có chu đáo và dân có được nhờ không? Cả quyết không. Nhất định người làm quan phải làm thế nào cho dân coi như phụ mẫu mới đáng là làm quan. Vì buổi mạt tục này, người làm quan phần nhiều quên cả thiên chức, tham ô tàn ác, cho nên người ta mới dùng hai chữ "công bộc" để cảnh tỉnh họ và cố đưa họ đến chỗ hiểu chức vụ. Vậy chính người làm quan nên vui lòng tự nhận là công bộc mà cố gắng sao cho dân chúng coi như cha mẹ, nha lại sợ như thần minh thì mới thật là làm quan vì dân vì nước vậy.

185. VIẾNG NGƯỜI ĐI LÀM QUAN

Tôn Thúc Ngao được làm lệnh doãn nước Sở.

Cả nước quan, dân đều mừng.

Sau cùng có một ông lão già mặc áo vải, đội mũ trắng đến viếng.

Tôn Thúc Ngao thấy thế ăn mặc chỉnh tề ra tiếp kiến, thưa với ông lão rằng:
- Vua chúng tôi khôn biết tôi là người bất tài, quá tin mà cho làm quan để tôi làm lụy cho lại, cho dân. Ai ai cũng đến mừng, một mình lão đến viếng chắc là có ý kiến gì đây chăng.

Ông lão nói:
- Có. Thân đã sang mà khinh người dân thì không chuộng; chức đã cao mà chuyên quyền thì vua sinh ghét; lộc đã hậu mà không tri túc thì gặp phải tai vạ.

Tôn Thúc Ngao vừa vái, vừa nói: Xin kính vâng lời. Và nài ông lão dạy thêm cho mấy câu nữa.

Ông lão bảo:
- Chức đã cao ý càng phải nghiêm cung; quan đã to làm càng phải tế nhị; lộc đã hậu việc càng phải cẩn thận, chớ có lấy càn, làm bậy. Ông giữ được ba điều ấy là đủ trị dân.

Thuyết Uyển

GIẢI NGHĨA

Tôn Thúc Ngao: quan tướng giỏi nước Sở thời Xuân Thu, ông là nhà cai trị, rất có giá, nước Sở nhờ ông mà được bình trị.

Lệnh roãn: chức quan cầm quyền chính trong nước

LỜI BÀN

Đầy mà không để ràn rụa, bố thí luôn mãi là cách giữ được giàu bền. Cao mà không dám ngông cuồng, tự nhiên như không giữ được sang mãi.

Ở đời nhiều người bần tiện biết tri đức mà được giàu sang; ít người giàu sang biết tri đức để được lâu dài hưởng thụ. Sao vậy? Vì xử cảnh giàu sang dễ sinh ra kiêu sa, phóng đãng mà đã kiêu sa phóng đãng là cái hoạn nạn tai vạ nằm sẵn ở đấy rồi. Cho nên lời ông lão dặn Tôn Thúc Ngao đây thực là có giá lắm. Chả những người làm quan nên tuân theo, ai nay mà được xử vào cảnh thịnh vượng cũng nên nhớ câu khuyên răn này mà phục thiện như Tôn Thúc Ngao đây, thì mới mong trường cửu được.

186. ĐỨC UỐNG RƯỢU
 Có một tiên sinh đại nhân lấy trời đất làm một buổi, lấy muôn năm làm một chốc, lấy mặt trời mặt trăng làm cửa làm ngõ, lấy cả thiên hạ làm sân làm đường, đi không thấy vết xe. Ở không có nhà cửa, trời tức là màn, đất tức là chiếu, ý muốn thế nào thì thế. Lúc ở thì nâng chén cầm bầu, lúc đi thì vác chai xách nậm, lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè, không còn biết đến việc gì nữa.

Có một vị công tử và một vị quan sang nghe tiếng tiên sinh như thế, bèn đến tận nơi xắn tay vén áo, người thì trừng phạt nghiến răng, người thì trần lễ thuyết pháp, những giọng thị phi đâu bấy giờ ầm ĩ xôn xao như đàn ong vậy.

Lúc đó tiên sinh mới ôm vò rượu, ghé vào thùng rượu, tợp cả chén rượu, phùng mồm những rượu, vểnh bộ râu lên, ngồi dạng hai chân, gối đầu vào men, lăn lưng vào bã, không nghĩ, không lo, hớn hở vui thú, ngất ngưởng say sưa, thoáng rồi lại tỉnh. Lắng tai cũng không nghe thấy tiếng sấm sét; nhìn kỹ cũng không trông thấy hình Thái Sơn; nực rét thiết đến thân cũng không biết; lợi dục cảm đến tình, cũng không hay; cuối xuống trông vạn vật rối rít trước mắt khác nào như bèo nổi bồng bềnh trên sông Giang, sông Hán.

Hai vị kia đứng cạnh, tiên sinh bấy giờ xem cũng như con tò vò, con sâu róm mà thôi.

Lưu Linh

GIẢI NGHĨA

Tiên sinh đại nhân: nghĩa thẳng là ông thầy bực kẻ cả. Đây Lưu Linh dùng bốn chữ ấy để chỉ chính mình.

Thái Sơn: núi to vào cao nhất ở tỉnh Sơn Đông bên Tàu

Thiết: thấu đến

Lợi dục: tiền của và lòng ham muốn

Vạn vật: muôn vật ở trong trời đất

Sông Giang: con sông rất to ở bên Tàu, hạ lưu tức tức là con sông Dương Tử Giang.

Sông hán: tức là sông Hán Thủy, phát nguyên ở Thiểm Tây và chảy vào sông Giang

Lưu Linh: tên tự là Bá Luân, là người phóng đạt làm quan đời nhà Tần đến chức Kiến uy tường quân.

LỜI BÀN

Nói đến say rượu thì ai cũng phải nhắc Lưu Linh mà Lưu Linh sở dĩ còn lưu danh lại cho ta biết là nhờ bài "Tửu đức tụng" ta dịch trên này.

Uống rượu say được như tiên sinh thực là hiếm có. Say mà đến lấy trời làm màn, đất làm chiếu, trút sạch được hết lợi, dục, quên bỏ được hết việc đời, kẻ sang giàu người quyền thế trông chỉ còn như con sâu róm, con tò vò, thì quả là một cái say thú vị, làng say vị tất đã mấy ai hưởng được. Nên tưởng những kẻ chưa tới được cảnh say, chưa biết cái thú say như thế là gì, cũng chẳng nên nghị luận cái say, cười người say chưa thấy đâu, lại phải người say cười lại. Còn những hạng người say mà nói nhảm làm càn, phạm vào những điều thương luân, bại lý mà vin Lưu Linh thì lại là tội nhân của Lưu Linh chớ không phải đồ đệ của Lưu Linh. Nói rộng ra: Giới tửu mà không uống rượu theo đúng như Phật dạy cố nhiên là đáng trọng, nhưng uống rượu mà vui tươi tao nhã như thần tiên, thì cũng không thể coi khinh được.

187. LÀNG SAY
 Ngày trước, ta thường đến một làng kia, vừa bước chân vào thì chuếnh choáng, nghiêng ngả, mờ mịt, lu bù, trông trời như thấp, trông đất như cao, mặt trời mặt trăng như không có ánh sáng. Mắt ta mờ, tai ta ù, tâm thần ta mê hoặc, thân thể ta mệt nhọc. Ta mới hỏi người rằng: Đây là làng gì? Người nói: Đây là nơi vui say, sẵn của ngon bùi, tha hồ ăn uống, phóng phiếm. Tục truyền là "Làng say".

Than ôi! Đây gọi là làng say? Cổ nhân nói dối ta thật. Ta thường than cho lũ Lưu Linh, Nguyễn Tịch, đương lúc trong nước lục trầm, bốn phương rối loạn mà những tay giỏi giang sinh ra chán đời, dông dài liều lĩnh, thất thểu rủ nhau vào làng say. Cứ như ý riêng ta thì trong làng say không có gì là vui cả...

Hoặc có kẻ nói: Đến đây cho nguôi những sự lo nghĩ. Ôi! Cái lo nghĩ mà còn có cách nguôi được thì không phải là lo nghĩ. Nếu quả nhiên có điều gì đáng lo, thì bất tất phải tìm cách giải. Huống chi làng say này không thể giải được lo. Vậy thì người vào làng say đều là người vô lo vô lự cả.

Than ôi! Tự đời Lưu Linh, Nguyễn Tịch đến bây giờ, khắp cả thiên hạ đâu cũng có làng say. Làng say càng đông thì thiên hạ càng vắng. Mờ mịt, say sưa, ẻo lả, yếu đuối, ai đã vào làng say, không biết lối mà ra, gián hoặc có người vào làng say mà không mê, thì lại phải những kẻ đã mê hoặc bại loạn, chê bai, nói cười mai mỉa, thế mới thật là lũ say ở làng say.

Đái Danh Tế

GIẢI NGHĨA

Lưu Linh, Nguyễn Tịch: hai người đời nhà Tấn, tính phóng đại hay rượu mà không thiết gì đến việc đời.

Đái Danh Thế: người đời Khang Hi nhà Thanh đỗ Tiến sĩ, tài danh nổi tiếng, chuyên riêng về sử học, về sau bị nhà Thanh làm tội, vì ông làm sử có ý tôn nhà Minh.

LỜI BÀN

Làng say tức là chỉ tụi người say rượu. Mà phàm ai đã bước chan vào làng say cũng cho là gặp nơi vui thú cả. Thường lại viện những lẽ này lẽ khác, tưởng như chính đáng nhất là cái lẽ đỡ lo đỡ nghĩ. Ôi! Những đã gọi là việc đáng lo, đáng nghĩ, thì tưởng càng phải nên tỉnh để mà lo nghĩ chi phân minh sáng suốt, chớ say thì lo nghĩ sao được. Cái say chính là cái làm cho bại hoại hết công việc. Việc to tày trời đến lúc say cũng còn bỏ, huống còn mong sao cho làm nên việc thường hàng ngày nữa.

188. Treo kiếm bên mộ

Duyên Lăng Quý Tử sang sứ nước Tấn có đeo thanh bảo kiếm qua chơi với vua nước Từ.

Vua nước Từ ngắm thanh kiếm ra dáng thích muốn xin mà không nói ra.
Duyên Lăng Quý Tử, vì còn phải đi sứ thượng quốc, tuy chưa dâng vua Từ được thanh kiếm ấy, nhưng trong tâm đã định cho.

Khi sang sứ Tấn xong, về qua Từ, thì vua Từ không may đã mất, đành tháo thanh kiếm đưa cho Tự quân. Các người theo hầu ngăn lại, nói:
Thanh kiếm ấy là của báu của nước Ngô, không phải là thứ để tặng được.

Duyên Lăng Quý Tử nói:
Không phải là ta tặng. Độ trước ta lại đây, vua Từ xem kiếm của ta, tuy chẳng nói ra, mà như dáng muốn lấy. Ta vì còn phải đi sứ thượng quốc, chưa dâng được. Tuy vậy đã định cho. Nay vua Từ chết mà ta chẳng hiến thanh kiếm, thì ta tự dối tâm ta. Tiếc kiếm mà dối tâm, người liêm không chịu làm.

Nói xong bèn tháo kiếm đưa cho Tự quân.
Tự quân nói:
Tiên quân tôi không có dặn lại việc ấy, tôi không dám nhận kiếm.

Quý Tử bèn treo thanh kiếm vào cái cây ở mộ vua Từ, rồi đi.
Người nước Từ ai cũng khen Duyên Lăng Quý Tử không quên người thân cố, đem thanh gươm báu treo vào cây bên mộ.

Tân Tự

Giải nghĩa:
Tấn: nước lớn thời Xuân Thu ở vào địa phận tỉnh Sơn Tây ngày nay.

Từ: tức quận Đông Hải ngày nay.

Thượng quốc: tiếng gọi tên một nước to mạnh hơn mà mình phụ thuộc vào.

Tự quân: vua mới lên ngôi.

Tiên quân: tiếng để gọi vua cha đã mất.

Thân cố: thân bằng cố cựu.

Lời bàn: Lúc vua Từ có ý lấy thanh kiếm, thì Quý Tử không tự ý đưa được, vì công việc phải làm còn chưa xong. Đến lúc Quý Tử có thể tặng thanh kiếm được, thì vua Từ không sao nhận được nữa, vì đã thác mất rồi. Giá phải người tầm thường, xử vào cái địa vị Quý Tử thì tuy trong bụng có điều hối hận, nhưng cũng tiếc thanh kiếm mà đem về nước. Nhưng Quý Tử vốn là người trong tâm đã nghĩ làm sao thì phải làm cho kì được như thế mới nghe, cứ đem thanh kiếm treo tại mộ vua Từ. Người ta tuy khuất, nhưng tâm mình vẫn còn, mà mình không muốn dối tâm mình thực là liêm lắm vậy. Chẳng bù với những kẻ đã tự dối mình lại đi dối cả thiên hạ, nhất là đối với người đã khuất tuy có hẳn lời hứa đinh ninh mà rồi nuốt ngay lời đi được.

189. Chết vì lễ nghĩa hay vì tình
 Ngũ Tử Tư gặp phải nạn vua Sở giết cha, giết anh chạy trốn sang nước Ngô, định tìm cách báo thù. Giữa đường bị ốm và hết lương, phải ăn mày mà ăn. Tình cờ gặp một cô con gái đang đập sợi ở bờ sông Lại Thủy, bên cạnh có giỏ cơm.
Tử Tư đến gần nói:
Thưa cô, cô sẵn cơm đây, cô có làm phúc cho tôi được một bữa không?

Cô con gái đáp:
Tôi ở một mình với mẹ, năm nay ba muơi tuổi, chưa có chồng. Ông đứng lui ra, cơm tôi, tôi ăn không thể cho được.

Tử Tư nói:
Thưa cô, cô nhủ lòng thương cho kẻ cùng đồ này ít cơm, thì có ngại gì tai tiếng.

Cô con gái biết Tử Tư không phải người thường, bèn mở giỏ cơm cho với cả tương, dưa nữa. Tử Tư ăn no, cô con gái bảo:
Quân tử đi xa, sao không ăn thêm cho rõ no nữa?

Tử Tư ăn xong lúc đứng lên đi, bảo cô con gái rằng:
Cô che đậy giỏ cơm, bầu nước này đi, chớ đẻ cho lộ chuyện.

Cô con gái thở dài, nói rằng:
Than ôi! Thiếp một mình ở với mẹ năm nay ba mươi tuổi, một lòng trinh bạch, không tai tiếng gì. Nay đưa cơm cho trượng phu ăn, qua vượt cả lễ nghĩa, thiếp lấy làm khổ tâm lắm.

Tử Tư đi được mấy bước, ngoảnh lại trông thì cô con gái đã đâm đầu xuống sông rồi.

Giải nghĩa:
Ngũ Tử Tư: tên là Viên, người nước Sở thời Xuân Thu vì cha, anh báo thù mà giết được vua Sở.

Lại Thủy: tên sông ở vào huyện Lật Dương, tỉnh Giang Tô ngày nay.

Lời bàn:
Một người cùng đồ đang đói mà gặp một người có cơm cho ăn mà người ấy lại là một cô con gái nhan sắc, một cô con gái đã đứng tuổi, chưa chồng, mà cứu được một người dạng bộ trông rõ ra một đấng trượng phu không phải kẻ tầm thường, cái cảnh ngộ của đôi bên tuy là tình cờ gặp gỡ, nhưng biết đâu mà trai anh hùng gái thuyền quyên lại không bỗng dưng sinh ra lòng quyến luyến, yêu thương nhau. Mối tình nó thường khiến ra như thế. Nhưng chàng ăn xong chàng đi , thiếp ở lại còn một mình, chàng lại dặn thiếp đừng để lộ chuyện, chắc chàng đang tính đại sự, thiếp đâu lại dám để hại chàng. Vả chăng thiếp là con gái mà đã trò chuyện với trai, lại cho trai ăn cơm của mình, vượt qua cả lễ nghĩa quá nghiêm đời bấy giờ, đường kia nỗi nọ thật là là khó tính. Chi cho bằng thiếp liều mình thiếp, vừa trọn tình với chàng, bền chí cho chàng lại vừa giữ được nghĩa với đời chẳng là đôi đường vẹn đôi ư! Ôi! Tình như thế cũng là tình, một cái tình để thơm muôn thưở ai mà chẳng phải kính phục.

190. Vì nghĩa nên tình

Một người thiếu nữ họ Trương ở nhà chồng tại Tô Thành về thăm cha mẹ đẻ. Có tiên thị tỳ, mang hộp đồ nữ trang theo hầu, chẳng may giữa đường đánh rơi, lâu lâu mới biết, trở lại tìm, thì thấy có người ăn mày đang ngồi giữ hộp ấy. Tên thị tỳ hoảng hốt nói, thì người ăn mày liền trao trả và nói rằng:
Ta đã cùng khổ đến thế này mà lại còn cuỗm thêm những của vô cớ, thì mong khá sao được.

Tê thị tỳ mừng lắm, lấy một chiếc thoa ra tạ. Người ăn mày cười nói:
Bao nhiêu của chẳng lấy, lại lấy một chiếct thoa ư!

Tên thị tỳ nói:
Tôi mà đánh mất cái hộp đồ nữ trang này thì đến chết mất. May mà người được, người trả lại cho, thế là người cho tôi của, lại cứu tôi sống vậy. Dù người không màng báo, tôi cũng không dám quên ơn. Nhà tôi ở ngõ... từ nay về sau, sớm trưa tôi xin đợi người đến cửa, xẻ phần cơm của tôi để người ăn.

Nhưng cô ở trong nhà, tôi làm thế nào mà thấy được?

Trước của nhà tôi, có cây trúc cao, người cứ rung cây, là tôi khác biết
Người ăn mày sau cứ làm như lời.
Tên thị tỳ cũng cứ cho ăn mãi.

Lâu người nhà biết, mách chủ. Chủ ngờ có ngoại tình đem ra tra hỏi, tên thị tỳ phải thú thật.

Người chủ nhà thấy vậy, bèn gọi người ăn mày đến nhà nuôi, rồi gả tên thị tỳ cho.
Sau hai người thành một đôi vợ chồng khá.

Tình Sử

Lời bàn: Của không đáng lấy thì một mảy cũng không lấy, anh ăn mày này liêm thật, cái số không giàu thì con mắt tráo trừng cũng vô ích, anh ăn mày này đật thật. Hoài! Hạng ăn mày mà có duyên may, mà gặp dịp tốt, thì thật là con người có ích cho xã hội lắm.

Giả sử anh ăn mày này mà lại có cái bụng "ăn mày" như những hạng người đời nay quá xu hướng về vật chất, thì biết đâu vợ chồng nhà kia không vì hộp nữ trang mà đến bỏ nhau, tớ thầy nhà kia, không vì hộp nữ trang mà đế có mạng, cả chính anh ăn mày kia không vì được hộp nữ trang mà đeo thêm muôn nghìn tội ác vào thân.

Cùng khổ mà thích làm lành, tôi tớ mà biết trả nghĩa, sau thành vợ chồng, tuy là tình duyên, nhưng cũng là tự mình tạo nên vận mệnh cho mình vậy, đáng khen đáng quý lắm thay!

191.Nghĩa công nặng hơn tình riêng


Quân nước Tề sang đánh nước Lỗ.

Khi đến chỗ giáp giới, trông thấy một người đàn bà một tay bồng một đứa bé, một tay dắt đứa nữa. Người đàn bà thấy quân kéo tới, vội vàng bỏ đứa đang bồng trên tay xuống mà bồng đứa bé đang dắt, rồi chạy trốn vào trong núi. Đứa bé kia chạy theo khóc, người đàn bà cứ chạy không ngoảnh lại.

Một viên tướng nước Tề cho bắt đến, hỏi:
Đứa bé nàng bế chạy là con ai? Còn đứa trẻ nàng bỏ liều là con ai?

Người đàn bà thưa:
Đứa tôi bế là con anh cả tôi, đứa tôi bỏ lại là con tôi. Tôi thấy quân lính kéo đến, sức tôi không thể bảo toàn được cả hai đứa, cho nên tôi đành phải bỏ còn tôi lại.

Viên tướng nước Tề nói:
Con với mẹ kể tình thân yêu thì đau xót lắm. Nay bỏ con mình lại mà chạy lấy con anh là cớ làm sao?

Người đàn bà nói:
Con tôi là " tình riêng" con anh tôi là "nghĩa công". Con đẻ tuy đau xót thật, nhưng đối với việc nghĩa thì tính làm sao. Cho nên tôi đành bỏ liều con tôi mà làm việc "nghĩa". Tôi không thể nào chịu tiếng "vô nghĩa" mà vác mặt sống ở nước tôi được.

Viên tướng nước Tề dừng quân lại, sai người tâu với vua Tề rằng:
Nước Lỗ chưa thể đánh được. Quân ta mới đến chỗ cương giới, đã thấy con mụ đàn bà xó rừng còn biết làm điều "nghĩa" chẳng chịu đem "tình riêng" mà hại "nghĩa công" huống chi là những bậc quan lại, sĩ phu ở trong nước. Xin kéo quân về.

Vua Tề cho là phải.
Sau vua Lỗ biết chuyện này, thưởng người đàn bà một trăm tấm lụa và phong cho hai chữ " Nghĩa có".

Lưu Hương Liệt Nữ Truyện

Giải nghĩa:
-Tề: một nước thời Xuân Thu ở vào toàn hạt tỉnh Sơn Đông ngày nay.
-Lỗ: tên một nước thời Xuân Thu ở vào tự phủ Duyên Châu cho đến Bi Tứ tỉnh Sơn Đông.

Lời bàn: Tình với nghĩa cũng là quý, không quyết hẳn được bên nào nặng hơn bên nào. Cho nên ta phải cân nhắc cho cẩn thận, tình nặng hơn nghĩa, thì ta giữ tình, nghĩa nặng hơn tình, thì ta trọng nghĩa.
Như người đàn bà nói trong chuyện đây so cái "tình riêng" đối với " nghĩa công" thì không còn phải do dự gì nữa. Thế nào là tình riêng? là cái lòng yêu riêng của một mình mình. Thế nào là nghĩa công? Là cái việc phải đối với nhà, với nước, với thiên hạ. Tình riêng cứ kể cũng là nặng, nhưng so với nghĩa công thì nghĩa công còn nặng gấp mấy muơi. Nghĩa công đã nặng , thì đến cái thân là yêu nhất của mình ở đời mình, còn có thể hi sinh để mà giữ nghĩa huống chi là những thứ ngoài thân. Nguời đàn bà đây hiểu thấu lẽ ấy nên mới đành đem nghĩa để đoạn tình, chẳng vì tình mà hại nghĩa để giữ lấy nòi giống ông cha nhà chồng. Ngờ đâu cái ảnh hưởng của việc nghĩa ấy còn làm quân ngoại xâm ( Tề) phải kéo nhau về, vì chúng nghĩ: "nước người có thể cườp bóc được, về mới cao, sống chung sao được". Thế mới hay, làm dân một nước mà không biết trọng " nghĩa" là người dân tai hại cho tổ quốc vậy.

192. Mẹ khôn con giỏi
 Vương Lăng, người đất Bái là người hào trưởng trong huyện.

Cao Tổ nhà Hán, lúc còn hàn vi, quý Vương Lăng như anh. Khi Cao Tổ khởi binh, đánh dẹp, Vương Lăng có vài nghìn quân, đem đi phụ theo Cao Tổ.
Hạng Vũ thấy thế, bắt mẹ Vương Lăng giam ở trong quận. Sứ giả của Vương Lăng đến, Hạng Vũ bách mẹ Lăng phải dụ Lăng về với mình.

Bà mẹ Lăng, tiễn sứ giả ra một mình, khóc mà bảo rằng:
Người nên vì thiếp già này nhắn bảo hộ Lăng một câu: Cứ hết lòng mà theo thờ Hán Vương chớ vì có thiếp già đây mà sinh ra nhị tâm nhé

Nói đoạn, bà cầm gươm tự đâm chết, cốt ý để khuyến khích Vương Lăng giữ cho bền lòng.

Hán Sử

Giải nghĩa:
-Cao Tổ: tức là Bái Công vua đầu nhà Tây Hán, phá nhà Tần, diệt nhà Sở mà có thiên hạ.

-Hạng Vũ: tức là Hạng Tịch khỏe mạnh và tài khá hơn người, tranh thiên hạ với Bái Công sau thua chết ở Cai Hạ.

Lời bàn: Đang lúc thiên hạ loạn lạc, quần hùng nổi lên, dù người có mắt tinh đời cũng chưa dễ đoán được sau này ai là vua, ai là giặc.

Như Bái Công và Hạng Vũ đây, đôi bên bây giờ đang tranh đâu. Bái Công thua luôn, Hạng Vũ được luôn, lại càng khó biết sự thống nhất về tay ai hơn nữa. Thế mà khen thay, bà mẹ Vương Lăng biết con quy phục Bái Công là phải. Một khi bà đã hiểu rõ ai là người có chính nghĩa, trước bà liều thân để khuyên con, sau là thí thân để vững lòng con, thực là một bậc đàn bà, không ngoan sáng suốt hiếm có vậy. Cho nên người đời trước có câu khen rằng: "Mẫu hề hà trí, tử hề hà trung, nhất môn mẫu tử, vạn cổ anh phong" nghĩa là " mẹ sao mà khôn như thế, con sao mà trung như thế, một nhà mẹ con tiếng thơm muôn đời", thật là phải lắm.

193. Tu tại gia


Dương Phủ, lúc nhỏ nhà nghèo nhưng hết sức cày cấy đẻ phụng dưỡng song thân.

Một hôm, ông nghe bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ, ông bèn nói với song thân xin từ biệt ít lâu để đến hầu bực Vô Tế.

Đi được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng bảo ông rằng:
Được gặp bực Vô Tế chẳng bằng được gặp Phật.

Ông hỏi:
Phật ở đâu?

Lão tăng nói:
Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này, thì chính là Phật đấy.

Dương Phủ nghe lời quay về, đi đường chẳng gặp ai như thế cả. Khi ông tới nhà, đêm khuya, trời tối, ông gọi cửa, mẹ ông nghe tiếng mừng quá, tức thì vội khoác chăn đi dép ngược ra mở cửa cho ông. Bây giờ ông trông ra, thì hình dáng Phật, mà lão tăng đã nói chuyện cho nghe.

Từ đấy, ông biết cha mẹ trong nhà tức là Phật, chẳng phải cầu kỳ đi mộ Phật đâu xa nữa.

Lý Nguyên Dương.

Giải nghĩa:
-Dương Phủ: người đời nhà Minh đỗ Tiến sĩ làm ngự sử có tiếng là một ông quan thanh liêm.
-Thục: tên đất ở tỉnh Tứ Xuyên bây giờ
-Vô Tế đại sĩ: một nhà tu hành đắc đạo vô cùng.

Lời bàn: Bài này cốt dạy ta về chữ "Hiếu" vì cha mẹ như Phật, con phải phụng thờ cha mẹ như phụng thờ Phật vậy. Phật là một vì tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, thiên hạ thành kính thờ phụng rất phải. Nhưng cha mẹ là người sinh thành ra thân mình, thì há mình lại không nên thờ phụng thành kính hay sao! Phật xa, cha mẹ gần, con cái hãy nên một niềm thành kính mà thờ phụng lấy mẹ cha trước.
Thứ nhất thì tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.
Tu đâu bằng tu tại gia,
Thờ cha, kính mẹ mới là chân tu.

Nghĩa những câu cổ ấy thực là đúng với nghĩa trong bài này. Vả lại, hiếu là đầu cả trăm nét tốt.

Hết Phần 9

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm