Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Tán gẫu 2+3=11


Ông Bà ta có câu nói: học 1 biết 10.
Căn bản khi ta đã biết 1 học thêm 1 sẽ có vốn hiểu biết là 2. Nhưng nếu vừa học, vừa mài mò, phân tích suy luận, sẽ biết thêm những cái mới, phạm vi hiểu biết thay vì 1 sẽ mở rộng ra thành 10... nếu diễn tả ý này theo đẳng thức trong phép toán học, chúng ta có thể viết:             1+1=11.
Đó chỉ là gán ghép cho vui, tuy nhiên trên thực tế đã có đẳng thức tương tự:
        2+3=10 ; 2+3=11

Vào ngày 16 tháng 1 năm 2019, sau thời gian áp dụng giảng dạy thử nghiệm ở nhiều nơi, sách Tiếng Việt Lớp 1 công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại bị hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại từ vòng đầu tiên. Sách Tiếng Việt 1 Công Nghệ Giáo Dục bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại “không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, mà phần lớn bị đánh giá là “vượt chương trình” hay “quá khó với học sinh lớp 1”. (theo Wikiperia.org)
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, một giáo sư tên tuổi và cấp tiến ở Việt Nam. Ông có nhiều ý tưởng hay, cũng như lạ kỳ. Nhưng ở đây, mình chỉ đề cặp về phát biểu của Ông trước Hội Đồng Thẩm Định Sách Giáo Khoa (link bên dưới)
Trong đoạn phát biểu này, G.s Đại cho rằng đối với học trò Lớp 1 của ông có thể nói:
                 2+3 = 10 hay 2+3 = 11
Tại sao G.s Đại phát biểu như thế? Không có gì lạ lẫm, chẳng qua Ông nói về các hệ cơ số tứ phân và ngũ phân, trong khi các hệ cơ số chỉ được dạy ở ban Toán bậc Đại học (trước 1975, còn hiện tại thì mình không biết).

Thế Hệ Cơ Số là gì? Hệ Cơ Số chỉ là một tập hợp các ký hiệu dùng để đếm, các ký hiệu này được gọi là con số. Có thể do nhu cầu về tổng hợp số lượng trong đời sống hằng ngày, nên cách đếm đã xuất hiện từ thuở rất xa xưa cho đến ngày nay.
Như:
- Hệ thập phân gồm có 10 ký hiệu: 0.1.2.3.4.5.6.7.8.9. Đây là hệ cơ số xuất hiện đầu tiên. Khi loài người bắt đầu cuộc sống hợp quần, để có sự ước lượng một cách chính xác, con người đã dùng hai bàn tay để đếm số lượng của đồ vật. Trong cách đếm lúc ban đầu, chưa có khái niệm về số 0. Mãi đến thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, khái niệm về số 0 xuất hiện trong các bó que dùng để làm phép tính của người Trung Hoa.
- Hệ Nhị Phân gồm 2 ký hiệu 0.1. Theo các nhà nghiên cứu, hệ Nhị Phân xuất hiện vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Trải qua nghiên cứu và phát triển trong nhiều thế kỷ, đến thập niên 30 của thế kỷ 20, hệ Nhị Phân được ứng dụng vào sáng chế các máy thông tin từ máy Điện Báo cho đến máy tính hiện đại.
Ngoài 2 hệ cơ số thông dụng Thập Phận và Nhị Phân, còn có hệ cơ số sử dụng trong phát triển máy vi tính nhưng ít được biết đến như hệ Bát Phân (hệ cơ số 8) và hệ Thập Lục Phân (hệ cơ số 16).
Hệ cơ số Bát Phân gồm 8 con số từ 0 đến 7. Hệ cơ số Thập Lục Phân là hệ cơ số được áp dụng trong khoa học điện toán gồm 10 con số từ 0 đến 9 và 6 mẫu tự từ A đến F, do công ty IBM giới thiệu vào năm 1963. Cả hai hệ cơ số này thường được sử dụng cho máy vi tính và các nhà phát triển phần mềm.
Trở lại vấn đề, G.s Đại nói:
       2+3 = 10
Đó chính là hệ cơ số 5. Trong hệ cơ số này có 5 ký hiệu: 0.1.2.3.4. Trong cách đếm này, khi đạt đến con số cuối cùng là 4, thì phải quay trở lại số đầu tiên là 0 và bên trái số này sẽ tăng 1 thêm 1 giá trị,  2+3 sẽ được ký hiệu là 1 và 0. Tương tự như hệ thập phân 1+ 9 được hiển thị là 1 và 0 tức là 10
       2+3 = 11 đây là hệ cơ số 4 được hiển thị là  10 và 1.
Nếu đem khái niệm về hệ cơ số này xuống dạy cho học sinh Lớp 1, thì quả thật thiếu thực tế, và không cần thiết, đôi khi tạo sự lẫn lộn, đưa trẻ đến mơ hồ. Quyết định của hội đồng Giám Định Sách Khoa bác bỏ không có gì là sai.
Ở đất nước ta có nhiều vị Giáo sư, Tiến sĩ có tâm huyết, muốn cải cách giáo dục nước nhà, muốn truyền đạt những điều mới lạ đến cho giới trẻ,  như Giáo sư Hồ Ngọc Đại, phó Giáo sư Bùi Hiền... nhưng đều bị phản bác. Có thể ý tưởng của các vị đã đi trước chúng ta quá xa chăng?! nên không thể thích nghi trong hiện tại.
 
Huỳnh Hữu Đức



Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Cảm Xúc Ngày Gặp Bạn Thơ

Không có mô tả ảnh. 

Ảnh từ Phải sang Trái:
Đắc Thắng, Hữu Đức, Cảnh, Diễm Thy (con gái của Đắc Thắng), Yên Da Thảo, Tuyết Hoa, Thảo, Dung, Phương Hà, Hồng Thủy, Tòng (Cựu Học Sinh Phan Thanh Giản Đoàn Thị Điểm & Tống Phước Hiệp).
 
       Nơi Đất Khách Viết
(Dịch Khách Trung Tác của Lý Bạch)
 
Lan Lăng rượu tốt ngạt ngào hương
Chén ngọc đầy men đậm sắc hường
Nếu chủ khéo làm say quý hữu
Thì đâu còn nghĩ cảnh tha hương.
                                Quên Đi
 
   Cảm Xúc Ngày Gặp Bạn Thơ

Trước Lâm (*) vò Mít Nghệ
Hữu Đức ché Đinh Lăng
Bao nhiêu mỹ tửu khó sánh bằng
Đây hương vị quê ta
Chiêu đãi khách xa nhà
Cùng nâng cốc Bạn ơi vui tình nghĩa
Tửu phùng tri kỷ
Thi ngộ tao nhân
Chúng mình đây dù vạn dậm cũng gần
Ngàn chén uống vẫn chưa say
Bao vần gieo chưa đủ thoả
Cũng đành thôi đã đến lúc chia tay
Mỗi người mỗi nơi
Giây phút đẹp trên đời sao ngắn ngủi...
                                   Quên Đi
(*) Tên Cố nhà thơ Cao Linh Tử
 

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

Ca Dao Cạo 8


         Ta về ta tắm ao ta
Ao nhà có đục cũng là cái ao.

     Trâu già thường khoái cỏ non
Gặp Cô 19 (*) lão còn khoái không?
 (*) Covid-19

     Trăng non cũng giống trăng già
Tuy nàng quá "date" thế mà vẫn son
      Mười lăm mười sáu trăng tròn
 Qua tuy hàng bảy hãy còn xuân xanh
         Cô -Vi lảng vảng bên mành
 Nhớ em đứt ruột cũng đành chịu thôi.

                                         Quên Đi

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

Thập Ngũ Dạ Vọng Nguyệt Ký Đỗ Lang Trung - Vương Kiến



十五夜望月寄        Thập Ngũ Dạ Vọng Nguyệt
        寄杜郎中                      Ký Đỗ Lang Trung

中庭地白樹棲鴉                Trung đình địa bạch thụ thê nha
冷露無聲濕桂花                 Lãnh lộ vô thanh thấp quế hoa
今夜月明人盡望                 Kim dạ nguyệt minh nhân tẫn vọng
不知秋思落誰家                 Bất tri thu tứ lạc thuỳ gia
                    王建                                    Vương Kiến

Dịch nghĩa: Đêm Trung Thu Nhìn Trăng Gởi Quan Lang Trung Họ Đỗ

Trên cành cây ở bên trong sân đất sáng trắng quạ đậu nghỉ ngơi
Sương lạnh lặng lẽ làm ướt đóa hoa quế
Đêm nay trăng sáng mọi người đều ra ngắm
Chẳng biết ý thu có rơi xuống nhà ai không? ( Có thể hiểu: Đêm Rằm Trung thu trăng sáng đẹp, biết có ai thấy hứng thú để làm thơ chăng?)

Dịch Thơ

       Cây trong sân trắng quạ nằm
Hạt sương lạnh buốt ướt đầm quế hoa
        Đêm nay đón ánh trăng ngà
    Ý thu chẳng biết ghé nhà ai đây?
                                  Quên Đi
***
Đêm Trung Thu Nhìn Trăng Gởi Quan Lang Trung Họ Đỗ

Sân sáng trên cây quạ đậu đầy
Quế hoa sương lạnh buốt bao vây
Đêm nay trăng tỏ người người ngắm
Chẳng biết ý thu ghé chốn nầy? 

                                      Kim Oanh
                              Trung Thu Melb. 2021
***
  ĐÊM RẰM NGẮM TRĂNG

Giữa sân trắng toát, qụạ lùm cây ;
Sương lạnh thầm gieo hoa Quế đầy.
Trăng sáng đêm nay, người tận ngắm :
Ý thu biết ghé … « nhà ai đây ? »
                                  Danh Hữu
***
Trong sân sáng trắng quạ nương cây,
Lặng lẽ sương sa hoa quế lay.
Trăng sáng đêm nay ai chẳng ngắm,
"Ý thu" ai biết ... lạc nhà ai ?!
                            Đỗ Chiêu Đức
                               09-17-2021
***
Đêm Trung Thu Nhìn Trăng Gởi Quan Lang Trung Họ Đỗ

Cành cây quạ đậu trong sân sáng
Đêm lạnh sương đầy đẫm quế hoa
Trăng tỏ nơi nơi người thưởng ngoạn
Nhà ai thu ý động lan xa
                                   Kim Phượng
***

1) Trăng Đêm Trung Thu

Sáng trắng trong sân quạ ngủ cây
Sương rơi thấm lạnh quế hoa đầy
Đêm nay vằng vặc trăng người ngắm
Chẳng biết Thu về có ghé đây !

2) Ý Thu

       Quạ nằm sân sáng trên cây
Lạnh sương lặng lẽ giọt đầy quế hoa
      Đêm nay vằng vặc trăng ngà
 Chẳng hay thu ý ghé nhà mô đây...!
                        Mai Xuân Thanh
                            Sept. 17, 2021

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

Oai Quyền Chúa Trịnh

Trong lịch sử Việt Nam, có một khoảng thời gian từ thế kỷ 17 đến nửa thế kỷ 18, dài 148 năm, xuất hiện chiến tranh của 2 dòng họ. Đó là thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, thực tế chiến tranh chỉ xảy ra khoảng 50 năm, thời gian còn lại hai Chúa lo ổn định việc cai trị. Do ngoài Bắc có Vua Lê, nên ở đây chỉ đề cập đến chúa Trịnh.
Người mở đầu sự nghiệp của họ Trịnh là Trịnh Kiểm con rể của Thái sư Nguyễn Kim. Sau khi Nguyễn Kim mất, mọi quyền hành vào tay Trịnh Kiểm. Khi nắm quyền trong triều đình nhà Lê, trước hết Trịnh Kiểm lo đối phó với các con của Nguyễn Kim để củng cố quyền lực. Năm 1556, vua Lê Trung Tông mất sớm không có con nối, Trịnh Kiểm định giành ngôi nhà Lê, nhưng còn ngại dư luận, bèn sai người tìm đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bấy giờ đang ẩn dật. Nghe theo lời khuyên của Trạng Trình "giữ chùa thờ Phật thì ăn oản", Trịnh Kiểm bèn đi tìm được người trong tôn thất nhà Lê là Lê Duy Bang, cháu 6 đời của Lê Trừ (anh Lê Thái Tổ), lập làm vua, tức là Lê Anh Tông. Từ đó họ Trịnh nối tiếp nắm giữ quyền điều hành đất nước, nhưng danh nghĩa vẫn tôn phò, làm bề tôi cho nhà Lê, nhà Lê cần có họ Trịnh để bảo vệ và chống Mạc, còn họ Trịnh cần có nhà Lê để việc nắm quyền được danh chính ngôn thuận. Bởi vậy người đời truyền lại câu: "Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong."
Trịnh Kiểm mất, Vua Lê Anh Tông ủng hộ ngôi con trưởng của Trịnh Cối, cùng mưu với Lê Cập Đệ định giết Trịnh Tùng, nhưng việc bị lộ. Vua Anh Tông mang 4 người con lánh đi nơi khác. Trịnh Tùng lập người con út của vua là Đàm lên ngôi, tức là Lê Thế Tông. Sau đó, Trịnh Tùng lùng bắt được cha con vua Anh Tông mang về lập mưu giám sát, rồi bức chết. Từ đó vua Lê hoàn toàn nép trong cung, Trịnh Tùng tự mình xử trí mọi việc trong triều. Các vua Lê sau có ý định chống lại đều bị bức tử và thay thế bằng một hoàng đế nhỏ tuổi hoặc dễ bảo hơn.
Sau khi tiêu diệt nhà Mạc, Trịnh Tùng rước vua Lê Thế Tông trở lại Thăng Long năm 1593. Họ Trịnh đánh dấu quyền lực bằng cách tiến hành xây Phủ chúa Trịnh ở Thăng Long. Các chúa Trịnh cai trị khá tốt, luôn giữ danh nghĩa cho vua nhà Lê. Tuy nhiên họ là người lựa chọn ra vua, họ thay thế vua và họ cũng có quyền cha truyền con nối để chỉ định nhiều quan chức hàng đầu trong triều đình.
Các quan đại thần từ nhỏ đến lớn, đều phải đến phủ Chúa chầu. Sự chuyên quyền của chúa Trịnh, được sử sách ghi lại khá đầy đủ, cũng như những mẫu chuyện tương truyền trong dân gian. Nhưng vẫn có những chuyện nói về sự chuyên quyền của chúa Trinh không có ghi trong sử mà lại xuất hiện trong văn chương.

Tương truyền chúa Trịnh Sâm tính thích văn chương, thời bấy giờ có vị quan đại thần là Nguyễn Khản thường được Chúa rủ đi câu những khi rảnh việc triều đình. Một lần Chúa cho vời ông Nguyễn, nhưng vì đau ốm hay vì nguyên nhân nào đó, ông xin cáo không vô hầu. Chúa liền cho người đưa lại một bài thơ rằng:
          Đã phạt năm đồng bỏ buổi chầu
          Lại phạt năm đồng bỏ buổi câu
          Nhắn bảo ông bây về nghĩ đấy
          Hãy còn phạt nữa chả thôi đâu.
Ông Khản liền họa nguyên vận gởi lại dâng chúa:
          Váng vất cho nên phải cáo chầu
          Phiên chầu còn cáo nữa phiên câu
          Trông ơn phạt đến là thương đến
          Ấy của nhà vua chớ của đâu.
Chúa xem xong khen là phải bèn tha phạt, chúng ta thấy oai quyền của chúa Trịnh lớn thật:
- Các quan dù là đại thần, cũng phải đến chầu tại phủ Chúa,
- Quan nào không đến chầu sẽ bị phạt tiền.
- Đi câu với Chúa cũng quan trọng như một buổi Chầu.

Qua 2 bài thơ này, chúng ta thấy nếu trái ý Chúa là bị phạt dù là quan đại thần. Và đây cũng là một tài liệu quý cho các nhà làm quốc sử vậy.
Huỳnh Hữu Đức

(Theo Thi Thoại-Vân Hạc)

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

HOÀNG CHÂU ĐỊNH TUỆ VIỆN NGỤ CƯ TÁC - Tô Thức



Bốc Toán Tử 卜算子 :

          HOÀNG CHÂU ĐỊNH TUỆ VIỆN NGỤ CƯ TÁC. 
                       黄州定慧院寓居作
                                           蘇軾 (東坡)
                                    Tô Thức (Đông Pha) 
                                                                                              
* XUẤT XỨ :
       Người ta hay nói : "Đường Thi, Tống Từ". Tô Đông Pha người đời Tống, nên bài Bốc Toán Tử của ông làm là một bài Từ vì có câu dài ngắn khác nhau. Sang đời Tống, có thể vì bị qúa gò bó trói buộc bởi Luật của thơ Đường, nên thi nhân mới buông thả cho câu thơ dài ngắn khác nhau, vừa dễ diễn ý, diễn tình, vừa dễ dùng từ, vừa dễ phổ nhạc cho du dương trầm bổng... Nên thể TỪ xuất hiện,(giống như phong trào THƠ MỚI của ta hồi thời Tiền Chiến vậy!).
         Đây là bài Từ được Tô Đông Pha làm vào tháng 12 năm Nguyên Phong thứ 5, để gởi gắm tâm sự khi bị biếm đến Hoàng Châu ngụ ở Định Tuệ Viện sau vụ án Ô Đài Thi.
         Bốc Toán Tử 卜算子 chỉ là tên của một Thể loại Từ. Loại từ nầy gồm có 44 chữ chia làm hai vế, vế trên 22 chữ, vế dưới cũng 22 chữ, với bố cục 5-5-7-5 và gieo hai vần trắc ở cuối câu 2 và cuối câu 4. Bài Bốc Toán Tử nầy có tựa chính thức là :

黃州定慧院寓居作 HOÀNG CHÂU ĐỊNH TUỆ VIỆN NGỤ CƯ TÁC

 缺月挂疏桐,        Khuyết nguyệt quải sơ đồng, 
   漏斷人初靜。         Lậu đoạn nhân sơ tịnh.
   時見幽人獨往來, Thời kiến u nhân độc vãng lai,
   縹緲孤鴻影。         Phiếu diễu cô hồng ảnh. 
   驚起卻回頭,         Kinh khởi khước hồi đầu,
   有恨無人省。         Hữu hận vô nhân tỉnh.
   揀盡寒枝不肯棲, Giản tận hàn chi bất khẳng thê,
   楓落吳江冷。         Phong lạc Ngô giang lãnh .
                蘇軾 (東坡)                          Tô Thức (Đông Pha).

* CHÚ THÍCH :
   - Sơ Đồng 疏桐 : SƠ 疏 nầy là Thưa thớt, hời hợt; nên SƠ ĐỒNG là Cây ngô đồng đã xơ xác lá vì trời đã ở buổi cuối đông.
   - Sơ Tịnh 初靜 : SƠ 初 nầy là Bắt đầu, là vừa mới. "Nhân chi Sơ, tính bản thiện" là chữ SƠ nầy, nên SƠ TỊNH là mới bắt đầu yên lặng.
   - U Nhân 幽人 : chỉ con người lặng lẽ thâm trầm như có tâm sự gì đó.
   - Phiếu Diễu 縹緲 : Xa xôi ẩn hiện, chập chờn như có như không.
   - Kinh Khởi 驚起 : Chợt giật mình, chợt kinh ngạc...
   - Tỉnh 省 : Xem xét, Khuyên lơn, VÔ NHÂN TỈNH 無人省 : Không có người nào để chia xẻ, tâm sự, an ủi nhau.
   - Giản 揀 : là Chọn lựa, chắc lọc.
   - Thê 棲 : là Đậu lại, là Nương tựa.

* NGHĨA BÀI THƠ:
                    Sáng tác khi cư ngụ ở Định Tuệ Viện
                                        xứ Hoàng Châu
      Vầng trăng khuyết treo trên cây ngô đồng xơ xác lá, canh đã tàn tiếng người cũng mới vừa yên. Nhưng lại có một người  u nhã còn luôn đi lại một mình, như bóng chim hồng nhạn cô độc đang chấp chới bên trời, bỗng  giật mình quay đầu lại. Ôm mối hận trong lòng mà không ai người biết đến hỏi han. Đã chọn gần hết những cành cây lạnh mà vẫn chưa chịu đậu vào cành nào, đành chịu như chiếc lá phong rơi rụng xuống dòng Ngô Giang lạnh lẽo mà thôi !
          Mượn hình tượng của con chim nhạn cô độc giữa đêm trăng mà gởi gắm tâm sự của mình, cao ngạo như cánh hồng cô độc trên cao mà xem thường miệt thị những thói tục tầm thường thấp kém ! 
         Bài từ nầy còn có một dị bản nữa với câu cuối cùng là :
 
                寂寞沙洲冷.      Tịch mịch sa châu lãnh.
Có nghĩa :
           Những cồn cát giữa sông (sa châu) lạnh lẽo vắng tanh !                
 
* DIỄN NÔM :
                         Trăng khuyết ngô đồng thưa,
                         Canh tàn người đà vắng.
                         Thơ thẩn kìa ai vẫn vãng lai,
                         Cánh hồng hun hút bóng.

                         Giật mình chợt quay đầu,
                         Hận này ai người thấu ?
                         Cành lạnh khắp cùng khó tìm nơi,
                         Bãi vắng không nơi đậu !
       Lục bát :
                             Cành thưa trăng khuyết ngô đồng,
                         Canh tàn lặng tiếng người không ồn ào.
                                  Một mình ngơ ngẩn ra vào,
                         Như cánh hồng vút trời cao một mình.

                               Quay đầu ngơ ngác làm thinh,
                         Hận không người tỏ biết tìm ai đây ?
                             Vòng quanh cành lạnh ngàn cây,
                         Vắng tanh cồn cát lạnh đầy ven sông !
                                                                         杜紹德
                                                Đỗ Chiêu Đức
***   
     BỐC TOÁN TỬ

Trăng khuyết lửng ngô đồng
Lậu tàn người lặng lẽ
Tới lui thơ thẩn vẻ u sầu
Cô hồng trời quạnh quẽ

 Kinh hãi chợt quay đầu,
Hận sầu không ai chạnh
Chọn mãi cành chẳng yên
Im lìm cồn cát lạnh!
             Mailoc phỏng dịch
***      
Theo Quên Đi:
 漏斷  Lậu đoạn có nghĩa là Đồng hồ nước đã ngừng nhỏ giọt.

Bốc Toán Tử
黃州定慧院寓居作 HOÀNG CHÂU ĐỊNH TUỆ VIỆN NGỤ CƯ TÁC

缺月挂疏             Khuyết nguyệt quải sơ đồng, 
漏斷人初靜             Lậu đoạn nhân sơ tịnh.
時見幽人獨往來     Thời kiến u nhân độc vãng lai,
縹緲孤鴻影             Phiếu diễu cô hồng ảnh. 
驚起卻回頭             Kinh khởi khước hồi đầu,
有恨無人省             Hữu hận vô nhân tỉnh.
揀盡寒枝不肯棲     Giản tận hàn chi bất khẳng thê,
楓落吳江冷。         Phong lạc Ngô giang lãnh .
                  蘇軾                                  Tô Thức

Dịch Nghĩa:
Viết khi ở viện Định Tuệ Hoàng Châu

Vầng trăng khuyết đeo trên nhánh ngô đồng
Đồng hồ nước đã ngừng nhỏ giọt và người cũng bắt đầu yên nghỉ.
Ai có thấy một người đang buồn rầu đi tới đi lui
Như bóng chim hồng cô đơn ẩn hiện
Quay đầu nhìn lại chợt thấy hoảng sợ
Mang nổi ấm ức mà không ai xem xét
Đã chọn hết chỉ thấy những cành lạnh buốt nên không thể đậu
Đành như lá phong rơi rụng xuống dòng Ngô Giang lạnh lẽo. 

Dịch Thơ: Cánh Nhạn lẻ Loi

1/
Trăng khuyết dựa ngô đồng    
Đêm trôi người lặng lẻ   
U uất giờ đây chỉ riêng mình 
Bóng nhạn về khe khẻ  
Chợt sợ quay đầu nhìn  
Hận này ai chia sẻ
Nhìn quanh cành lạnh khó nương thân   
Lá rơi sông vắng vẻ.  

2/
            Ngô đồng vắt vẻo trăng già  
   Đồng hồ ngưng giọt người đà ngủ yên   
             Có ai thấu hiểu niềm riêng
Một thân một bóng truân chuyên nhạn hồng   
               Nỗi lo chợt đến nơi lòng
         Hận này ai biết mà hòng sẻ san  
         Cành cây buốt giá hoang mang 
Lá phong rụng xuống Ngô Giang lạnh lùng
                                                   Quên Đi

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

Tưởng Nhớ Cụ Nguyễn Đình Chiểu


Vân tiên, vân tiển, vân tiên
Cho tôi một tiền, tôi kể Vân tiên
(Ca dao)

Đáp lời anh Hữu Lộc, đề nghị tôi dẫn khởi bài thơ cảm hứng về cụ Nguyễn Đình Chiểu, nhân dịp cụ được UNESCO và danh sĩ 4 nước châu Á: Nhật Bản, Đại Hàn, Ấn Độ và Thái Lan vinh danh và kỹ niệm 200 năm ngày sinh của cụ: 1.7.2022 tại quê hương cụ ở Bến Tre.

            Ngậm Ngùi

Số phận sao rơi xuống một người?
Rõ là định mệnh khéo trêu ngươi!
Tài năng chưa kịp, đời thi thố
Ý chí không sờn, dạ tốt tươi.
Mắt dẫu mù lòa, lòng vẫn sáng
Tay tuy quờ quạng, óc khôn lười.
Thi ca, để lại, dành con cháu:
Ngẩng mặt nhân gian, góp tiếng cười!
                             Danh Hữu

Vài nét về cụ Nguyễn Đình Chiểu:

Cụ xuất thân gia đình nhà nho hiếu học, ông nổi tiếng thông minh từ bé. Năm 12 tuổi, vì thời thế loạn lạc ông được cha gửi ra Huế để học tập và sinh sống. Đến năm 19 tuổi Nguyễn Đình Chiểu quay lại Gia Định và tiếp tục sự nghiệp học tập của mình, ba năm sau đó (1843) ông thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định.

Năm 1847, ông trở lại Huế để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Chưa kịp thi thì ông nhận được tin mẹ mất nên quyết định bỏ thi để về quê chịu tang mẹ. Trên đường đi, vì quá đau buồn nên ông đã khóc rất nhiều, thêm nữa là vì đường xá xa xôi, thời tiết thất thường ông đã bị ốm nặng rồi bị mù cả hai mắt. Mặc dù đã được một vị danh y hết sức cứu chữa nhưng vẫn không khỏi được. Trong thời gian chữa bệnh, ông cũng đã được vị danh y này truyền dạy nghề thuốc.

Sau khi về quê chịu tang mẹ một thời gian, năm 1851, dù đôi mắt đã mù nhưng Nguyễn Đình Chiểu vẫn mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Tài năng và đức độ của ông đã vang khắp lục tỉnh Nam Kỳ.

Sau khi một số tỉnh Nam Kỳ bị Pháp chiếm đóng đô hộ, dù không trực tiếp cầm gươm ra trận nhưng bằng ngòi bút của mình đã tham gia vào phong trào yêu nước, bàn mưu tính kế chống giặc. Ông sáng tác những bài thơ, bài hịch phục vụ cho kháng chiến, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân ta.

Giặc Pháp chiếm đóng toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ, Nguyễn Đình Chiểu chạy về quê vợ ở Cần Giuộc, sau đó lại đến Ba Tri. Tại đây ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc và sáng thơ văn yêu nước cho đến ngày qua đời (1888).

Các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mang nhiều giá trị nhân văn, chuyển tải thông điệp nhân nghĩa, đạo đức làm người, khơi dậy lòng yêu nước thương dân, ca ngợi tinh thần anh dũng vì nước vì dân và sự hy dũng liệt của các nghĩa sĩ Nam Bộ đương thời.

Hầu hết các tác phẩm chính của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đều được sáng tác bằng chữ Nôm. Tập thơ đầu tiên và cũng là tập thơ nổi tiếng nhất của ông là Lục Vân Tiên .Đây là tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Ngoài ra ông còn sáng tác một số tác phẩm phản ánh chân thực về thời kỳ đau thương của đất nước và tố cáo tội ác của xâm lược như Chạy giặc, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Mười hai bài thơ và bài văn tế Trương Định (1864),Mười bài thơ điếu Phan Tòng (1868),Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh (1874),Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây…
***
Các Bài Họa:

Ông Già Ba Tri - Một Bậc Kỳ Nhân

Miền Nam "kẻ Sĩ" biết bao người...
Danh tiếng văn thơ há dễ ngươi...!
Nhân kiệt địa linh đồng lúa tốt
Cụ Đồ Đình Chiểu cuộc đời tươi
Tuy mù, chữ hiếu, lòng lo lắng...
Vẫn sáng, từ tâm, dạ ngại lười...!
Tác phẩm để đời đem giảng dạy
" Vân Tiên, Bùi Kiệm " học vui cười...?
                     Mai Xuân Thanh
                       August 07, 2021
***
          Gương Trong

Số mệnh sao mà ác nghiệt ngươi!
Cụ Đồ Chiểu hỡi! Khóc thương người!
Mù loà cuộc sống hiên ngang bước
Khổ cực nhà thơ ngạo nghễ cười.
Văn tế nghĩa quân bài hịch vợi
Vân Tiên tác phẩm đóa hồng tươi.
Trung trinh hiếu đạo lòng son giữ
Lịch sử gương trong gửi kẻ lười
                                Mailoc
                                 8-7-21
***
Đồ Chiểu Mãi Nhớ Người

Văn hoá Việt Nam mãi nhớ người
Cụ Đồ Đình Chiểu đóa hoa tươi
Mặc dù khiếm thị lòng luôn mở
Dẫu bị gian nan dạ vẫn cười
Ý chí kiên cường không bất khuất
Tài năng vượt trội chẳng chây lười
Gái trai học lấy lời vàng ngọc *
Xử thế cho đời…..kẻo hổ ngươi!
                            songquang
                             20210808
***
         Lời vàng Ngọc

“ Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trao mình”

Gương Sáng Cụ Đồ Chiểu

Đồ Chiểu, dân Nam nhớ mãi người
Tấm gương trung nghĩa vạn đời tươi
Dẫu thân khiếm thị, ung dung sống
Mặc cảnh gian truân, nhẹ nhõm cười
Dùng bút dạy răn điều chính trực
Dưỡng tâm bài bác thói trây lười
Nêu cao đạo lý, lòng yêu nước
Khiến kẻ ươn hèn phải hổ ngươi
                            Phương Hà
                           (08/08/2021)
***
        Mạnh Trạch (*)

Tương lai như đã hé môi cười
Số mệnh trêu đùa khéo dể ngươi
Mẹ mất công danh đành bỏ dở
Mắt mù ý chí chẳng chai lười
Mở trường đứng lớp đây Đồ Chiểu
Dạy nghĩa gieo nhân dạ sáng tươi
Mạnh Trạch tiếng thơm lưu sử sách
Cả đời trung hiếu rạng gương Người
                                       Quên Đi
(*) Tên Tự của cụ Đồ Chiểu
***
Nguyễn Đình Chiểu Người Là Ai!?

Nguyễn Đình Chiểu cụ chính là người
Chẳng thể xem thường chớ dể ngươi
Số phận an bài lời khẳng khái
Cây đời tồn tại cội xanh tươi
Nhuốm phong sương ngại gì tăm tối
Trải dặm trường đâu dễ nhác lười
Thi phẩm còn đây truyền hậu thế
Ngàn năm con cháu rạng môi cười
                           Kim Phượng
***
      Nhớ Nguyễn Đình Chiểu 

Trêu ngươi số phận kiếp con người,
Bóng quáng nhưng lòng chẳng hổ ngươi.
"Vấn đáp Ngư Tiều" truyền y thuật,
"Dương Từ-Hà Mậu" khuyến vui tươi.
"Lục Vân Tiên" đó rao nhân nghĩa,
"Kiều Nguyệt Nga" đây ghét biếng lười.
Văn tế "Trận Vong" cùng "Nghĩa Sĩ"...
Tấm lòng yêu nước khổ luôn... cười!
                              Đỗ Chiêu Đức
                                 08-10-2021
***
             Ngậm Ngùi

Muôn sau thế hệ nhớ ơn người
Lỗi lạc đức tài há dể ngươi
Từ Lục Vân Tiên-luôn rực sáng
Tới Hồn Tử Sĩ(*) mãi khoe tươi
Chẳng là đại sĩ-rồi khoe mẽ
Không phải tham quan-bị nhiếc lười
Nhưng chỉ một lòng yêu đất nước
Hưu non bệnh tât vẫn vui cười.

(*) Xin hiểu tạm ý của bài văn tế.
                            Thái Huy 
                              10/8/21