Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023

Bánh Tết (Xướng Hoạ)



 

       Bài Thơ Xướng

Hình dáng dịu hiền của mẹ quê
Má tôi bận rộn mỗi xuân về
Rọc dây phơi lá không ngơi nghỉ
Đãi nếp làm nhưn vẫn mãi mê
Thịt chuối đậu bày trên bộ ván
Nồi niêu củi xếp cạnh bờ đê
Gói vừa xong bánh là đem nấu
Ánh lửa hồng soi sáng chái hè.
                                   Quên Đi

Bài Thơ Họa


             Hồn Quê

Món ngon truyền thống khắp miền quê
Mộc mạc phô duyên đón tết về
Nếp dẻo chuối tươi khơi ý thích
Đậu thơm mỡ béo gợi lòng quê
Thêm nồng dưa kiệu vang bờ ruộng
Tiếp ngọt rượu đào rộn liếp đê
Nồi bánh vơi dần thơ chẳng cạn
Hương xuân lan tỏa mãi sang hè
                                     Trần Thế Vĩnh

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

Điềm Tốt Đầu Năm

 
Điềm Tốt Đầu Năm


Năm nay Quý Mão, được mùa thơ,
Khác với năm qua, khá dật dờ!
Quan ác, quan tham đâu tránh khỏi …
Địa hào, địa chủ bỗng đâm khờ!
Non sông chừng hẳn bớt nghiêng ngửa?
Thế sự xem ra, hết mập mờ!
Điềm tốt đầu năm, ta chúc phúc:
Dịp may hiếm có, chớ buông ngơ.

Danh Hữu
21.02.2023
***
  
Bạn Vườn Thơ

Im vắng bao ngày vắng bóng Thơ
Hết "truân" rồi lại đến từ "dờ"
Không sao có xướng thì nên họa
Cứ mãi im ru ắt sẽ khờ
Đường Luật gây bao điều trắc trở
Tứ thi cũng lắm nghĩa mù mờ
Nếu như mắc phải điều sơ sót
Bạn hữu nhắc chừng giúp chẳng ngơ.

Quên Đi
***
Vui Xướng Họa
 
Hãy còn động não bởi vì thơ
Tìm chữ nhiều đêm mắt trắng dờ.
Ý tưởng móc moi đâm ngớ ngẩn
Nghĩa vần trốn biệt khiến lơ ngơ.
Thời gian vun vút lòng xao xuyến
Dĩ vãng miên man trí mịt mờ.
Lẹt đẹt chạy theo vui xướng họa
Mỗi năm một tuổi thấy thêm khờ!

Mailoc
02-21-23

 

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

Bài Hát Của Người Phương Nam

Năm 1919-1920 giới Thi Văn Việt từng rúng động với "Hạn Mạn Du Ký" bằng Hán Văn, trong đó có Nam Phương Ca Khúc và bản dịch ra chữ Quốc Ngữ là Hồ Trường, đăng trên Nam Phong Tạp Chí. Riêng Hồ Trường, đã có rất nhiều tranh luận về các từ ngữ trong bài dịch. Sự thật thế nào? Chúng Ta cùng nhau nhận định điều này qua các nguyên tác Hán Văn Nam Phương Ca Khúc và Hồ Trường.

1/ Nguyễn Bá Trác và Hồ Trường

Nguyên bản trích từ Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920. Trang 400 – 401 :

Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường;
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương     
Trời nam nghìn dặm thẳm, mây nước một mầu sương
Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
Rót về đông phương, nước bể đông chảy xiết sinh cuồng lan;
Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;
Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.

                                                                      Nguyễn Bá Trác
(có sửa các lỗi sai so với chính tả ngày nay và lỗi ấn loát. Huỳnh Hữu Đức)

Nguyễn Bá Trác (1881 – 1945) người làng Bảo An, nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông học chữ Nho ở quê nhà, đến năm 1906 thi đỗ cử nhân ở trường thi Huế. Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà ái quốc trong phong trào Đông Du, ông ra Hà Nội học tiếng Pháp, để tiếp nhận Tân học. Khi phong trào bị đàn áp, ông trốn vào Nam Bộ.
Năm 1908, ông sang Nhật du học, nhưng dưới sức ép của Pháp, chính phủ Nhật đã giải tán phong trào Đông Du. Ông đành sang Trung Hoa rồi trở về Hà Nội năm 1914, làm ở Phòng báo chí Phủ Toàn quyền Đông Dương và chủ bút phần bài chữ Hán tờ Cộng thị cho đến năm 1916.
Năm 1917, ông nhận làm chủ bút phần Hán văn của Nam Phong tạp chí. Năm 1919, sau khi rời Nam Phong tạp chí, ông vào Huế làm Tá lý Bộ Học và lần lượt trải qua các chức vụ: Tuần Vũ Quảng Ngãi, Thị lang Bộ Binh, Tổng đốc Thanh Hóa, Tổng đốc Bình Định.

Nguyễn Bá Trác để lại số lượng tác phẩm lớn, gồm cả chữ Hán và Quốc ngữ, Văn khảo cứu và Sáng tác, kể cả phần tự dịch tác phẩm chữ Hán sang chữ Quốc ngữ. Trong đó, được nhiều người biết đến hơn cả là tập Hạn Mạn Du Ký.
Thiên bút ký ghi lại cuộc hành trình kéo dài 6 năm, từ 1908 đến 1914 của ông qua các nước Thái Lan (ông gọi là Siam), Trung Hoa, Nhật Bản. Đó là một cuộc “xuất ngoại” vô cùng vất vả mà ông phải “nhập vai” để vượt qua nhiều tình huống éo le: lúc phải chui nhủi trong rừng rậm miền Trung, lúc phải giả làm tu sĩ Phật giáo ở Phú Yên, lúc phải nằm trong hầm tối chật hẹp dưới tàu thủy sang Thái Lan, lúc lang thang bị trinh thám Nhật theo dõi sát, lúc đối diện với cái sống cái chết trong chiến tranh ở đất nước Trung Hoa…
Tuy nhiên, ông cũng gặp không ít quý nhân tận tình giúp đỡ, yêu thương, như câu chuyện về một người Việt bị theo dõi tại Nhật Bản, được ông chép lại trong Hạn Mạn Du Ký đăng trên Nam Phong tạp chí số 38, năm 1920.
Hạn Mạn Du Ký gồm 14 chương, ghi lại hành trình gian khổ kéo dài 6 năm qua các nước Thái Lan, Trung Hoa, Nhật Bản, Hồng Kông. Trong thời gian lưu trú tại Nhật Bản, đã để lại cho tác giả nhiều ấn tượng sâu đậm. Tác phẩm khi được dịch ra chữ Quốc ngữ và đăng trên báo Nam Phong đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Bàn về tác phẩm này, Phạm Thế Ngũ từng viết:
"Câu Việt văn khá mạch lạc suông sẻ, đôi chỗ đăng đối du dương. Những tình tiết ly kỳ của cuộc phiêu lưu nơi đất lạ đã đem lại cho câu chuyện nhiều vẻ hấp dẫn. Nhất là đối với các Nho gia ta khi ấy từng ôm cái mộng Đông du; nếu không thì trí não cũng đầy kỷ niệm văn chương về danh nhân, danh lam thắng cảnh Trung Hoa, đọc Hạn Mạn Du Ký của Nguyễn Bá Trác thật là thú vị."

Khi bàn về Hồ trường, một bài thơ nằm trong tập Hạn Mạn Du Ký, Quách Tấn giải thích thêm:
"Bởi lòng có thể dối được với nhân thế mà không thể dối được với văn chương. Vì sao vậy, vì văn chương phản chiếu tâm sự. Trừ phi tấm gương phản phúc tức văn chương không thành văn chương, thì tâm sự mới bị lệch lạc. Mà bài Hồ trường văn chương chân thực, không có chút giả tạo, nên đáng tin rằng lòng của Nguyễn Bá Trác lúc còn ở Hải ngoại chưa bị bùn danh lợi làm vẩn nhơ. Ít ra lúc làm bài Hồ trường, lòng Nguyễn Bá Trác lắng hết bùn danh lợi xuống dưới đáy sâu, nên văn chương mới được thanh tao thế ấy..."

(Theo Võ Thị Thanh Tùng-Đặng Phan Quỳnh Dao (thanhdiavietnam hoc).- Đà Nẵng Online - Phạm Hoàng Quân Báo Tuổi Trẻ)

2/ Những Dị Biệt Trong Hồ Trường

Qua bài dịch Nam Phương Ca Khúc sang chữ Quốc Ngữ, Nguyễn Bá Trác đã làm chùng bút mọi người, khi ông dịch Thơ có tựa là "Hồ Trường". Đây là một tuyệt tác. Vâng chắc chắn là thế, sau này sẽ khó có bài dịch nào đạt như vậy.
Có người không ngớt lời ca tụng. Cũng có người ngầm biết rằng hay, nhưng mặt ngoài vẫn nêu lên những lý do để chê bai!
Khi nghe Tôn Nữ Lệ Ba ngâm bài "Hồ Trường", dựa theo bản mà nhiều người cho rằng của con gái Ông Nguyễn Bá Trác? Từ bài ngâm này, có nhiều vị cho rằng bản in trên Nam Phong Tạp Chí là sai.
Tôi thật sự nghi ngờ về điều này, vì Nguyễn Bá Trác chính là người đăng bài vào Nam Phong Tạp Chí chứ không phải con gái ông.
Nếu so bản do Tôn Nữ Lệ Ba ngâm và bản đăng của Nam Phong Tạp Chí, có đến gần 20 sự khác biệt. Chúng ta cùng lấy cả hai để đối chiếu với bản Hán Văn và bản Hán Việt đăng trong Nam Phong Tạp Chí (do chính Ông Nguyễn Bá Trác đăng), như thế sẽ rõ ràng.
Trong phần đối chiếu này tôi có sửa những chữ sai chính tả hay do ấn loát: sé gan => xé gan, dậm = dặm, thân thể => thân thế, chẩy => chảy, cuồng lạn => cuồng lan, sự ngiệp => sự Nghiệp.

Trong phần đối chiếu bên dưới, cụm Từ đứng trước là ở bản in Nam Phong Tạp Chí.

- "Xé gan bẻ cột" gốc là "phi gan chiết hạm (披 肝 折 槛)". Sở dĩ có người cho rằng "bẻ cật" là vì bản của con gái Nguyễn Bá Trác, cũng có người cho "cật (thận 肾)  mới hợp với chữ "gan". Theo tôi nghĩ, có thể chữ cột và cật trên bản in gần giống như nhau. Cho dù lý do gì, "cật " hoàn toàn sai.
- Luân lạc hay lưu lạc: Nguyên văn bản Hán Văn hay Hán Việt không có. Dựa vào Tiểu sử của Nguyễn Bá Trác nếu xét hành trình của Nguyễn Bá Trác. Ông đi vòng vòng Thái, Tàu, Nhật chứ không dừng chân mãi ở một quốc gia nào, nên dùng chữ "Luân" hợp lý hơn.
- Tha hương hay tha phương:  Nơi đất khách phải dùng "tha hương" mới đúng.
- Mây nước hay non nước: trong nguyên tác là "thiên vân 天 雲" có nghĩa "mây trời", như vậy có "mây" không hề có"non".
- "Học chưa thành" hay "chí chưa thành": nguyên tác"học bất cựu 學 不 就", có nghĩa học chưa hoàn tất, không có chữ "chí " nào ở đây cả.
- "danh chưa lập" hay "danh chưa đạt": nguyên tác "Lập công 立 功". Chữ "lập 立" là gầy dựng. Công danh chưa tạo, chưa gầy dựng thì làm sao đạt được?
- "bao lâu" hay "bao lăm" xét về nghĩa, "bao lâu" không xác định được thời gian, trong khi "bao lăm" thì thời gian bị giới hạn. Nguyên tác "hữu cơ thời  有 機 時" bao giờ có được thời cơ. Thời gian không xác định.
- "Vỗ tay" hay "Vỗ gươm": do 'Phủ Chưởng 拊 掌 có nghĩa là vỗ tay. Như thế không thể là vỗ gươm.
- Nghiêng đầu hay nghiêng bầu: trong nguyên tác không có, tuy nhiên cả hai đều cùng dấu Thanh, không cần phải thay đổi. Vả lại đang vỗ tay không thể nghiêng bầu.
- "Ai là tri kỷ" hay "ai người tri kỷ": do câu "an đắc tri nhất tri kỳ 安 得 知 一 知 " rất vừa lòng nếu biết có ai hiểu mình. Hai đại danh từ "ai và người" đứng kề nhau là thừa.
- Nước bể hay nước biển: đồng thanh và đồng nghĩa sao phải sửa ?!
-  Cuồng lạn hay cuồng loạn: như đã đề cập ở trên do lỗi ấn loát nên "cuồng lan" thành "cuồng lạn" vì "cuồng lạn" không có nghĩa. Còn cuồng loạn tuy có nghĩa, nhưng nằm trong câu " đông chi thủy vạn đội khởi cuồng lan 東 溟 之 水 萬 隊 起 狂 瀾" nên trở thành vô nghĩa.
- "Mưa tây sơn" hay "Mưa phương tây": từ câu :Tây sơn vũ tây sơn chi vũ 西 山 雨 西 山 之 雨" như thế sửa lại thành "phương tây, tây phương" là sai.
- "vì vụt hay vi vút": Vì vụt là tiếng gió thổi mạnh dưới thấp. Vi vút là tiếng gió thổi trên cao. Trong bài, cát đá dưới thấp bị di chuyển nên dùng chữ "vi vút" không đúng.
-"đá chạy cát dương" hay "cát chạy đá giương": giải nghĩa từ câu "bắc phong dương sa tẩu thạch 北 風 揚 砂 走 石" có nghĩa gió bắc làm cho cát phải bốc lên, bay lên và đá bị thổi lăn đi. Thế sao dịch là cát chạy đá giương  (giương có nghĩa là mở rộng ra, làm to ra)?!!!
- "Ta hay Ta Ta", "ở hồ thỉ" hay "ư hồ thỉ" : đây chỉ là cách diễn ngâm mà thôi.

Qua những phân tích trên, có 2 vấn đề chính:

1/ Ý nghĩa của những chữ trong nguyên bản "Hồ Trường" đăng trên Nam Phong Tạp Chí hoàn toàn đúng với nguyên tác Hán văn cũng như Hán Việt.
2/ Những chữ mà thế hệ sau sửa đổi hầu hết đều sai, có những chữ vô nghĩa, làm lệch lạc ý nghĩa của nguyên tác Hán Văn và Hán Việt.

Thế nguyên nhân từ đâu khiến nhiều người cố tình sửa thơ của Nguyễn Bá Trác?
- Nhiều người cho rằng khi diễn ngâm phải sửa để thích hợp trong lúc diễn tả. Điều này đúng là không hợp lý. Ví dụ: Cật và Cột, Bể và Biển, Luân và Lưu, Tay và Gươm...và còn nhiều nữa, tất cả đều cùng một Thanh không hề làm biến đổi khi ngâm. Một nghệ sĩ khi ngâm bài thơ, họ có cách xử lý độ bổng trầm tùy theo từ ngữ của bài thơ.
- Không quan tâm đến các bản Hán Văn và Hán Việt, từ đó không hiểu được ý nghĩa các chữ nên dẫn đến sự tùy tiện. Việc này có thể xem như một hành động thiếu tôn trọng tác giả.
-  Khi nhận xét  hay nhìn sự việc gì, điều quan trọng nhất là khách quan, phải dựa trên văn bản, phân tích kỹ lưỡng mới đi đến kết luận. Không thể nhìn sự việc qua cảm tính.
Có một câu nói của Tuân Tử đáng cho đời sau nghiền ngẫm:
"Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy".

3/ Dịch Nam Phương Ca Khúc

Nam Phương Ca Khúc và bản dịch Hồ Trường đã từng gây chấn động trong giới thi ca từ năm 1919 đến nay.Trước đây, tôi từng mong muốn tìm ra bản Hán Văn Nam Phương Ca Khúc để dịch thơ. Sau khi có được trong tay, bắt đầu tìm hiểu và so với bản dịch Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác, tôi lại chùng tay. Lý do rất đơn giản là bài dịch của Nguyễn Bá Trác thật là tuyệt, một bản dịch đã lột tả hết những ý tưởng của nguyên tác Hán Văn, chẳng những thế Hồ Trường còn bi hùng, phóng khoáng hơn.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng bài Hồ Trường hay hơn Nam Phương Ca khúc rất nhiều.
Nhưng vì quá yêu thích cũng như sức hấp dẫn từ Hồ Trường, nên tôi cố gắng dịch Nam Phương Ca khúc theo dạng Thơ.

         南 方 歌 曲  Nam Phương Ca Khúc

丈 夫 生 不 能 披 肝 折 槛  雖 世 扶 綱 常.   
逍 遙 四 海 胡 雖 乎 此 鄉    
回 頭 南 望 邈 無 極 兮 天 雲 一 色  蒼 蒼     
立 功 不 成 學 不 就 少 壯 有 機 時 兮 坐 視 百 年 身 世 軀 陰 陽 
拊 掌 狂 歌 問 斯 世 芒 芒 天 地 安 得 知 一 知 己 兮 試 來 對 酌 佑 予 觴
予 觴 擲 向 東 溟 水 東 溟 之 水 萬 隊 起 狂 瀾       
予 觴 擲 向 西 山 雨 西 山 之 雨 一 陣 何 汪 洋              
予 觴 擲 向 北 風 去 北 風 揚 砂 走 石 飛 殊 方       
予 觴 擲 向 南 天 霧 霧 中 有 人 開 口 一 飲 蘧 然 醉            
天 地 宇 宙 渾 相 忘 予 不 醉 矣 予 行 予 志               
男 兒 自 古 事 桑 弧 何 必 窮 愁 泣 枌 梓
                                                             Không Biết Tác Giả
(Huỳnh Hữu Đức biên soạn lại từ ảnh chụp của Phạm Hoàng Quân được đăng trên báo Tuổi Trẻ)

Phiên Âm Hán Việt

Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường
Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương
Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương
Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thời hề, tọa thị bách niên thân thế khu âm dương
Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối chước hữu dư thương.
Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan
Dư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương
Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương
Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy
Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử
                                                                                Nguyễn Bá Trác phiên âm Hán Việt
Dịch Nôm:
 
                      Khúc Hát Của Người Phương Nam

Là người đàn ông có tài, sống trên đời này, sao không dũng cảm dùng cả tấm lòng thành, để gìn giữ trật tự mối giềng xã hội.
Quê hương nơi đâu sao cứ mãi ngao du bốn biển.
Quay đầu ngóng về phương nam xa mịt mù, mây trời một màu xanh ngắt.
Công danh không tạo dựng, học chưa hoàn tất, trai trẻ cả cuộc đời có bao nhiêu dịp, sao mơ mãi đến địa vị trong cõi đất trời.
Vỗ tay ngạo nghễ hát, hỏi cuộc đời này, giữa trời đất mênh mông, biết có ai là tri kỷ biết về ta, đến đây cùng ta uống chén rượu này.
Hướng chén rượu về biển Đông, nước biển đông dâng lên muôn con sóng dữ.
Hướng chén rượu về mưa núi Tây, mưa núi tây khiến nước sông lan tràn như biển cả.
Hướng chén rượu về ngọn gió Bắc, gió bắc mạnh làm cho cát bốc lên cao và đá cũng lăn đi đến nơi khác.
Hướng chén rượu về trời Nam mịt mù, giữa nơi mịt mù có người uống rượu một mình mở miệng cười vui.
Trời đất bao la ta như quên hết, sao không cho ta say hử? Ta làm theo chí hướng của ta.
Thân trai trẻ, từ trước đã mang chí hướng bốn phương, thì có gì phải than khóc với quê cha đất tổ
                                                                                                                              Huỳnh Hữu Đức
Dịch Thơ:

Bài Hát Của Người Phương Nam

Đấng làm trai sao chẳng phơi gan bẻ cột,
Hiên ngang gìn mối đạo cho đời.  
Quê hương đâu?
Bốn biển kia sao còn mãi rong chơi.  
Ngóng về Nam, trời nam thăm thẳm,
Chỉ một màu mây xanh biếc biếc xanh   
Học chưa thành, danh như mộng,   
Cuộc trăm năm, thân này há để thẹn non sông.
Tay vỗ nhịp ca, cất lời ngạo mạn:
"Biết ai hiểu mình, giữa cõi mênh mông?
Men nồng đây hãy cùng nhau uống cạn!"...
Chén rượu này ta biết gởi phương nao?
Gởi về biển đông,
Nước bể đông cuồn cuộn lắm ba đào.
Gởi về núi tây,
Mưa tây sơn từng trận mông mênh nước. 
Gởi về bắc phương,       
Gió bắc vùn vụt khiến đá lăn cát dậy .   
Gởi về trời nam, trời nam mù mịt sương lan,
Trong chốn mịt mùng, có người đang say khướt:
Trời đất bao la làm sao nhớ được,  
Rượu nào chẳng say,
Đường ta ta đi,
Chí ta đã định,
Thân trai xưa tự bốn phương hồ thỉ,
Hà cớ gì khóc thẹn với quê hương.
                          Huỳnh Hữu Đức

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Thế Nào Là Một Thi Sĩ


Trong một lần họp mặt, có người bạn cũ, đã từng học chung thời Đệ Nhị Cấp Ban B, thấy tôi làm khá nhiều thơ nên hỏi:
- Muốn trở thành Thi Sĩ, phải hội đủ những điều kiện nào, Ông bạn Thi Sĩ của tôi?
Không để bạn chờ lâu, tôi trả lời theo giọng điệu của thuở còn đi học:
- Mầy cho Tao xin hai chữ Thi Sĩ đi, chỉ với dăm câu thì làm sao được gọi là Thi Sĩ. Mầy không nghe người ta nói: "Thi Nhân đầu bạc sớm hơn ai", Tao đã quá 70, thế mà tóc hãy còn đen, thì sao được gọi là thi nhân. Vả lại, điều kiện ắt có và đủ để trở thành Thi Sĩ là...Mầy cho Tao suy nghĩ 5 phút...
- Câu hỏi bình thường thế mà Mầy cũng phải suy nghĩ sao?
- Đúng là câu hỏi bình thường, nhưng không hề đơn giản chút nào.
- Sao lại không đơn giản?
- Mầy nghĩ coi, câu hỏi tuy chỉ một, nhưng lại liên quan rất nhiều, muốn giải thích phải viện dẫn đủ thứ. Đã là Thi Sĩ, phải biết thơ là gì, phải nắm vững quy luật thơ một cách chính xác, phải hiểu biết rõ ý nghĩa ngôn từ để sử dụng, đồng thời phải yêu thích hay nói đúng hơn là đam mê thơ ...và...
- Vậy Bạn Mình giải thích những yếu tố chính thôi, còn những vụn vặt thì khỏi.
- Thú thật, Tao không tự tin khi trả lời câu hỏi của Mầy. Chỉ có thể nêu lên những ý kiến đã từng đọc trong sách cùng ý kiến cá nhân. Nhưng Tao nói trước, vì không phải là Học giả hay Nhà nghiên cứu nên không bàn đến đúng sai, mà chỉ nhận xét điều Tao nói có hợp lý hay không mà thôi.
       Thế là tôi cố tìm trong trí nhớ, những gì trong sách mình đã từng đọc.

1 - Thơ Là Gì?
Nếu ta đặt câu hỏi này cho các Nhà Thơ, chắc chắn sẽ được những câu đáp khác nhau nhưng đều có lý cả. Vì sao? Vì Thơ bao gồm tất cả những câu trả lời đó.
Điều này khiến tôi chợt nhớ đến chuyện khá  thú vị của các ngài Viện Sĩ Hàn Lâm  Pháp. Các Vị đã lấy làm hối hận khi nêu lên câu hỏi ngớ ngẩn "Thơ là gì?". Một câu hỏi mà các vị cho rằng không thể trả lời được.
Thơ không thể làm cho mọi người no cơm ấm áo, nhưng Thơ có thể làm người vui hơn, hăng hái hơn. Thơ có thể khiến cho người ta quên đi những phiền toái trong cuộc sống hằng ngày, Thơ có thể làm cho ta yêu đời hơn. Ngoài ra, thơ còn là nơi thố lộ những gì chưa dám nói...

2 - Nghệ Thuật
Làm Thơ bao gồm cách sử dụng ngôn từ, đúng chỗ và đúng lúc. Chúng ta phải có trí thức, phải thành thạo hết các quy luật của từng thể loại Thơ. Ngoài ra, cần hiểu biết sâu sắc về từ ngữ dùng trong câu thơ. Nói rõ hơn, làm thế nào để câu thơ có âm điệu bổng trầm, diễn tả được hết ý mình muốn truyền đạt. Đấy chính là một nghệ thuật.
Muốn được thế, phải học hỏi, luyện tập thường xuyên, cho nhuần nhuyễn đến mức không cần nhớ đến cách làm thơ, không còn quan tâm đến số chữ, câu, vần. Khi đó coi như ta đã đạt đến lằn ranh của nghệ thuật làm thơ, cũng giống trong truyện kiếm hiệp, luyện kiếm đến khi hữu chiêu hóa thành vô chiêu như Độc Cô Cửu Kiếm theo truyện của Kim Dung...
Khi đạt đến nghệ thuật làm thơ được gọi là Thi Sĩ chưa? Thưa rằng chưa. Nghệ thuật chỉ cho ta những câu thơ chải chuốt óng mượt, chỉ thêu hoa dệt gấm, chỉ là vẻ hào nhoáng bên ngoài, ví như hoa có chỉ có nét đẹp.
 
3 - Hồn Thơ
Một bông hoa, có sắc mà thiếu hương thì làm sao quyến rũ được bướm ong. Thơ cũng thế, nếu chỉ làm những bài có vẻ hào nhoáng, ngôn từ thật kêu, câu thơ được trau chuốt bóng bẩy, thì cũng chỉ là Thợ Thơ mà thôi. Nhà Thơ phải có sự say mê, yêu thích thơ, sáng tác bằng cả trái tim. buông cả lòng mình vào câu chữ. Qua câu chữ, Nhà thơ sẽ dẫn dắt người đọc đi dần vào nội tâm, khiến tim họ phải  rung động, mường tượng được những gì trong thơ, nhìn thấy tâm sự tác giả như đang hiện ra trước mắt,  khác nào bướm tìm thấy hương hoa. Muốn có một bài thơ như thế, trước hết nhà thơ phải có tâm hồn.

Muốn trở thành thi sĩ quả không hề đơn giản. Không chỉ câu thơ mượt mà êm ái, hay oai phong, còn phải sâu sắc nữa.
Tóm lại, Thi sĩ là nhà thơ có cả Nghệ Thuật và Tâm hồn. Thi sĩ chính là một đóa hoa có đầy đủ  hương và sắc.  

Huỳnh Hữu Đức

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2023

Vỗ Cánh Bằng!

 


Bài Xướng:

Vỗ Cánh Bằng!


Quý Mão, năm nay, thơ thấy hăng!
Đầu năm, góp mặt, số thơ tăng!
Người người lên tiếng, thật bay bổng
Kẻ kẻ đưa duyên, hết nhập nhẳng
Nhớ lại năm rồi, sao thấy ớn!
Tưởng như ngày cũ, vẫn còn căng.
Qua rồi Đại Dịch, ta vui vẻ:
Thơ thẩn từ nay, vỗ cánh bằng.

Danh Hữu
Paris, 10.02.2023
***
Các Bài Họa:

Ngại Gì


Tuy già nhưng máu vẫn còn hăng
Năm mới thơ Đường sáng tác tăng
Xướng họa câu vần thêm thoải mái
Đổi trao chữ nghĩa chẳng nhì nhằng
Con đường trước mắt không hề hẹp
Thi Luật bao đời vốn đã căng
Khi thích lo chi Bằng Vận Đối
Trải lòng nối điệu với thân bằng.

Quên Đi
***
Kính Họa Đôi Hàng

Cánh én mừng vui lượn rất hăng
Đếm vòng năm tháng có hơi tăng
Niềm thương âm điệu quên trầm bổng
Nỗi khổ niêm vần thấy rối nhăng
Xin hoạ đôi hàng chào Tết mới
Kính thăm Thi Sĩ đón Xuân căng
Vườn Thơ Thẩn vạn hoa khoe sắc
Chữ nghĩa tha hương dấu trắc bằng ...

Hawthorne 11 - 2 - 2023
Cao Mỵ Nhân
***
Cánh Chim Bằng

“Đường Thi” xướng hoạ mấy ai hăng…?
Độc giả Vườn Thơ…thấy đã tăng…!
Rậm đám ngồi xem không láu táu
Đông vui viết lách chẳng lằng nhằng
Thương về mấy thuở “đi” mà ớn
Nhớ lại một thời “trốn” cũng căng
Thơ Thẩn Vườn ta luôn ngẫu hứng…
Thầy cô, bạn hữu, cánh chim bằng!

Mai Xuân Thanh
Feb. 11, 2023
***
Mèo Hăng?

Đoán trúng không đây bảo Mão hăng?
Chắc y Cọp vậy chỉ lằng nhằng
Miếng cơm đã thiếu phần càng giảm
Xăng nhớt thời khan giá lại tăng
Phải giữ cho ngay khâu chỉ đạo
Phải cần thể hiện sự công bằng
Để không thiệt hại người mô cả
Cuộc sống nhân gian mới bớt căng.

Thái Huy
Feb/12/23
***
Vươn Cao

Năm nay sau tết nhóm thơ hăng
Kiểm điểm lượng bài thấy quá tăng
Anh chị xướng nhanh lời tuyệt diệu
Nữ nam họa gấp chẳng nhùng nhằng
Giang hồ nhiều nhóm tâm nghi ngại
Thân hữu diễn dàn dạ bớt căng
Quý Mão mèo vàng thân thủ lẹ
Vươn cao như thể cánh chim bằng!

Lộc Bắc
Fev2023