Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Tục Tảo Mộ Cuối Năm Của Người Việt



Hàng năm, cứ vào khoảng ngày 24, 25 tháng Chạp (*) nhiều gia đình người Việt bắt đầu đi tảo mộ. Họ đến thắp nhang thăm viếng, nhổ cỏ, chặt cây cối xung quanh, sửa sang, tu bổ mộ phần của những người quá cố trong gia đình, dòng họ và cả những phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước đó.

Đối với dân tộc Việt, tảo mộ ngày Tết mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, ai ai cũng hướng về cội nguồn. Dù đang làm ăn ở phương trời nào, ai cũng muốn quay về nhà ngày Tết, thăm lại mồ mả ông bà, cha mẹ. Nếu vì một lẽ nào đó, do cuộc sống tha hương cầu thực, con cháu cũng tìm cách gởi gắm người thân chăm lo cho phần mộ ông bà, cha mẹ. Có như thế họ mới yên lòng. Tục tảo mộ cuối năm, không chỉ là phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước, mà còn là một nét rất riêng của dân tộc Việt. Bởi lẽ, việc tảo mộ đầu năm bên cạnh chăm sóc mộ phần của dòng họ còn mang tính cộng đồng rõ nét. Tục lệ ấy ngày nay trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc và dù có tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, nhưng hàng năm cứ đến ngày tảo mộ thì tất cả con cháu vẫn luôn hướng về tổ tiên nguồn cội với lòng thành kính nhất

Để tưởng nhớ người đã khuất, những người còn sống mỗi năm đều cúng giỗ. Và vào mỗi dịp năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, người ta còn lo sửa sang, thăm viếng mồ mả, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên, người thân của mình.

Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân.

Tục ngữ Việt Nam có câu “cao nấm ấm mồ”. Vì vậy, sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, và các bậc tổ tiên đã khuất.

Tục tảo mộ cuối năm, ngoài là một phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước, còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét.

Đặc biệt, những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiện, cũng để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết đồng thời cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Về quê tảo mộ mỗi dịp xuân về đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đó cũng là thể hiện của tình cảm hướng về với nguồn cội. Người ta ví: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” là vậy. Ca dao xưa cũng có câu:

           “Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”

Đối với cư dân thành thị, những người đã khuất được mai táng trong các nghĩa trang ở thành phố, do vậy thường khó duy trì việc những người trong gia đình, dòng họ khi khuất núi được chôn cất gần gũi, đầm ấm với nhau như ở thôn quê.

Nhưng cứ mỗi dịp cuối năm, khi sắp đến Tết Nguyên đán, người thành thị cũng luôn sắp xếp thời gian để đi thăm viếng, chăm sóc phần mộ ông bà, cha mẹ, người thân của mình để tỏ lòng hiếu thuận.

Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình.

Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ; cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình.

Do đó, theo sau phong tục này ta có tục rước ông bà vào trưa ngày 30 âm lịch, và đưa ông bà, thường là vào trưa mùng 3 hoặc mùng 4, tùy theo tập quán ở mỗi địa phương, và nếp sống của mỗi gia đình.

Thường thì ngày tiễn đưa ông bà cũng là ngày cuối cùng của những ngày nghỉ ngơi vui Tết, mọi người trong gia đình lại quay trở về với cuộc sống thường nhật, với những công việc phải làm, cùng với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày tiếp sau đó.


* Theo quan niệm của người xưa, ngôi mộ là ngôi nhà của người đã khuất. Vì thế, sau ngày đưa Ông Bà và Táo về trời, lúc đó mới tảo mộ, như thế sẽ không làm phiền Ông Bà nghĩ ngơi. Nhưng ngày nay, do điều kiên sinh kế nên từ mùng 10 tháng Chạp, nhiều gia đình đã đi tảo mộ sớm.
 
Huỳnh Hữu Đức Tổng Hợp


Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

Thích Vui Hơn Buồn

 


    Thích Vui Hơn Buồn
 
Ta vốn ưa vui, nên vẫn luôn :
Gồng mình, để lệ khỏi sầu tuôn.
Đời là thử thách, ta không né ;
Cảnh dẫu gian truân, tớ chẳng chuồn.
Bình đẳng, không ưa dồn rập nếp ;
Tự do, đâu khứng, xếp theo khuôn. 
Nơi nào “sống tốt” ta tìm đến :
Há phải than van, há phải buồn.
                                 Danh Hữu
            Paris, một sáng thứ năm 20.07.23 

Các Bài Thơ Họa

          Mãi Tự Tin

Đời người biến đổi vẫn luôn luôn 
Mạnh dạn đương đầu chẳng lệ tuôn  
Gặp biến bình tâm không hoảng loạn       
Lâm nguy vững chí chớ lo chuồn
Tang điền thương hải đâu chờ bạn  
Bỉ cực thái lai chẳng rập khuôn 
Tất cả coi như đang thử thách 
Đừng vì trở ngại phải sinh buồn.  
                                  Quên Đi     
***
               An Nhiên

Hãy giữ cho lòng thanh thản luôn
Hơi đâu bi lụy lệ mờ tuôn
Khó khăn trở ngại không sờn tránh
Gian khổ chông gai chẳng né chuồn
Chối bỏ hư danh theo lệ nếp
Khước từ ảo vọng rập nề khuôn
An nhiên tự tại vô tư sống
Đời có gì đâu phải não buồn ?!
                          Phương Hà
                       ( 21/07/2023 )
***
          Lão Giả An Chi 

Thơ Đường niêm luật thích luôn luôn 
Xướng Họa trắc bằng vận cứ tuôn 
Thử thách khả năng ai tránh né 
Gian lao tâm lý kẻ nào chuồn 
Cao niên cân nhắc luôn nề nếp 
Tuổi trẻ so đo vẫn rập khuôn 
Nhập định an nhiên mà tự tại 
Tham thiền thư giãn cớ sao buồn…!
                    Mai Xuân Thanh 
          San Francisco, July 23, 2023




Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

Thơ Và Tôi



Ta buồn thơ lại đến cùng ta     
Tình nghĩa ôi chao quá đậm đà   
Có lúc ngỡ như hình với bóng 
Đôi khi tưởng đấy bướm và hoa 
Có hương thêm sắc hồn tiên nữ    
Kết chữ nên câu chuỗi ngọc ngà  
Bởi thế làm sao rời bỏ được  
Thì thôi giữ kỹ thú đây mà...
                               Quên Đi

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Tình Tan Tứ Tuyệt

Nỉ non tiếng dế khóc đêm trường  
Ánh nguyệt buồn tan giữa khói sương   
Bến cũ thuyền xưa vào dĩ vãng
Chữ duyên chữ phận hết chung đường.
                oOo 
Đêm vắng đàn ngân lạnh phím tơ
Ngoài hiên tiếng gió gọi sương mờ
Trăng còn lủi thủi tìm sông bạc       
Người vẫn mỏi mòn đợi bến mơ

                               Quên Đi

 

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2024


Ba còn mãi chốn xa
Một bóng Má quê nhà
Tin nhạn bao giờ đến
Mòn mỏi tháng ngày qua.

                    Quên Đi

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Cảm Hoài


Cố lý xa vời vợi
Ngày ngày dõi mắt trông
Cung đàn tôi thổn thức
Khắc khoải tiếng tơ lòng
Năm mới kề bên ngõ
Mai già đã nụ bông
Thân còn nơi đất khách
Bạn cũ có chờ mong.?
                   Quên Đi