Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Hè Về

Sinh viên tốt nghiệp đã ra trường,
Báo hiệu Hè về thấy vấn vương...
Nắng Hạ chia tay từng lớp học,
Mùa Hè tạm biệt bạn muôn phương.
Quê nhà nhảy nhót vui bơi lội,
Phố thị rong chơi kỷ niệm thường...
Nhớ mái trường xưa ngày họp mặt,
Thầy yêu bạn quý với tình thương

Mai Xuân Thanh
Ngày 10 tháng 06 năm 2015
* * *
Các bài Họa:Nhớ Hè Xưa

Ba tháng ve kêu lúc bãi trường,
Mấy mười năm cũ mãi còn vương.
Thị thành trốn nắng về quê ngoại,
Quê ngoại ra thành đi bốn phương.
Lưu bút ngậm ngùi thêm quyến luyến,
Phượng hồng đỏ thắm gợi vô thường.
Hè về mỗi độ lòng xao xuyến,
Mấy chục năm rồi vẫn luyến thương!

Đỗ Chiêu Đức
* * *
Vấn Vương Kỷ Niệm

Cũng đã từ lâu biệt mái trường
Mà bao kỷ niệm mãi còn vương
Quên sao lớp học từng niên khóa
Nhớ quá bạn bè khắp bốn phương
Gốc phượng tán xòe không biến đổi
Bồn hoa nụ thắm vẫn như thường
Mỗi năm hè đến lòng xao xuyến
Đầy ắp tâm tư nỗi luyến thương.

Phương Hà
* * *

Hè Với Áo Trắng

Hè về,phượng nở đỏ sân trường
Kỷ niệm vui buồn mãi vấn vương
Nét bút ngày xanh ,dòng mực tím
Đôi tên ghi khắc dấu trên tường
Bạn bè tản mác người muôn hướng
Phấn bảng nằm im dáng dị thường
Nhớ lắm ! năm xưa thời áo trắng
Nay già,nắc lại vẫn còn thương


Song Quang
* * *

Hoài Niệm

Kỷ niệm bao năm dưới mái trường
Nhớ mùa hè cuối dạ thêm vương
Thương nhau hai đứa về hai ngã
Thân thích mấy thằng biệt mấy phương
Lưu bút trao nhau còn giữ vẹn?
Tình yêu gởi gắm vẫn bình thường?
Thời gian xa cách làm sao biết?
Người đó ta dây có nhớ thương?

Quên Đi
* * *

Hè Về

Nhìn sắc phượng vàng luôn vấn vương
Ngây thơ chạy giỡn dưới sân trường 
Mười hai niên học vui đèn sách
Mấy chục năm đời mộng bốn phương
Binh biến đọa đày thời tuổi trẻ
Nhân sinh tan hợp lẽ vô thường
Mỗi mùa hè đến lòng xao xuyến
Nhớ thuở mài quần bao luyến thương.

Nguyễn Đắc Thắng 
20150621
* * *
Bài Cảm Tác:

Áo Trắng Tình Thơ

Hè về lưu luyến nhớ trường
Một thời áo trắng tơ vương phương hồng
Nhặt hoa ép gửi thơ lòng
Lưu bút mực tím tình nồng lén trao
Ba tháng dù cách xa nhau
Sao quên cái thuở ban đầu nhớ nhung
Dù nay ly tán ngàn trùng
Vẫn thầm mơ phút tương phùng ngày xưa.

Kim Oanh
* * *

Hoạ bài "Áo Trắng Tình Thơ" của Kim Oanh

Tình Thời Áo Trắng

Bao năm xa biệt mái trường
Hè về gợi nhớ vấn vương cánh hồng
Tình thời áo trắng nặng lòng
Yêu người mới ngỏ men nồng mới trao
Thế rồi mình phải lìa nhau
Sao quên kỷ niệm mộng đầu gấm nhung
Giờ ta dẫu cách ngàn trùng
Lòng anh vẫn nhớ tao phùng thuở xưa

Quên Đi
* * *
Bài Cảm tác: 
Vần Thơ Tím

Ngày xưa bỗng thích làm thơ
Vương tình hoa nắng ngẩn ngơ lạc hồn
Vô ưu những tiếng cười giòn
Bâng khuâng tuổi ngọc mộng còn thơm hương

Hạ sang phượng đỏ sân trường
Ẩn trong cành lá ve buồn thở than
Phố trưa rơi nắng hanh vàng
Hiên thưa cánh gió, chiều tàn mưa bay...

Hỏi người năm cũ có hay
Hành lang lối hẹp mãi hoài bóng xưa
Tháng ngày lặng lẽ thoi đưa
Tình tơ mực tím vẫn chưa phai màu
Ai đưa vạt nắng về đâu
Nhốt hương gió hạ héo sầu cỏ hoa
Để cho huyễn mộng nhạt nhòa
Vần thơ thương nhớ vỡ òa trong đêm!

Yên Dạ Thảo
18/06/2015
* * *
Hình Bóng Cũ

Những cánh phượng hồng lay trong gió
Trơ gốc già hoa vẫn ngậm hương


Người giữ hộ tôi cánh Phượng hồng
Giữ lòng xao động giữ hoài mong
Biển đời xuôi ngược như con nước
Hãy giữ cho nhau một tấm lòng
Ve sầu ra rả buổi ban trưa
Nhớ ai quay quắt mấy cho vừa
Bâng khuâng thầm bảo …
Mai hò hẹn!
Nhưng…
Trên cành cánh phượng đã dần thưa
Phượng tàn niên học mới lại sang
Cặp sách trên tay bỗng ngỡ ngàng
Áo trắng ngày xưa không trở lại
Lụa hồng đã khoác bước sang ngang
Thời gian phủ lấp điểm tuyết sương
Sân trường vắng bóng…
Bóng người thương

Kim Phượng

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Hồi Hương Ngẫu Thư 1&2 - Hạ Tri Chương (659 - 744)


Từ nhỏ,xa nhà,nay trở lại 
Giọng quê không đổi ,mặt già thôi 
Trẻ con chào đón ,tưởng người lạ
Cười hỏi cụ ở đâu đến chơi 

Bỏ làng , bỏ nước từ ngày ấy 

Dâu bể đổi thay đã mấy mùa 
Trước ngõ, hồ gương thời tuổi dại 
Gió xuân vẫn gợn sóng năm xưa 

Nhìn trước, người xưa đâu mất cả 
Ngó sau , không một bóng người qua 
Trời dài ,đất rộng vô cùng tận 
Lặng lẽ mình ai mắt lệ nhoà

Chú Thích : Ngày Trở Về , Ông Giáo Già , Và Nỗi Cô Đơn được cảm tác từ bài Hồi Hương Ngẫu Thư của Hạ Tri Chương và bài Đăng U Châu Đài Ca của Trần Tử Ngang .

Hồi Hương Ngẫu Thư Hạ Tri Chương (659 - 744)

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tùng hà xứ lai

Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa
Cận lai nhân sự bán tiêu ma
Duy hữu môn tiền kính hồ thuỷ
Xuân phong bất cải cựu thờI ba

Hạ Tri Chương (659 - 744)

* * *
Dịch Xuôi:
  


Xa nhà từ lúc còn nhỏ cho đến già lão, nay mới trở về
Giọng quê không đổi , chỉ có râu tóc bạc thôi
Con trẻ gặp mặt nhưng không nhận ra được
Cười hỏi ông khách từ đâu lại

Bỏ nhà bỏ nước mà đi đã bao năm tháng
Cho đến nay ,cảnh và người cũng đã thay đổi nhiều rồi
Duy chỉ có mặt nước hồ gương trước ngõ
Gió xuân nay vẫn không thay đổi được những làn sóng gợn xưa

Phạm Khắc Trí

* * *
Bài Họa:Trở Lại Trường Xưa

Ta muốn thời gian quay lại
Chỉ trong mùa hè này thôi
Một sáng trở về trường cũ
Dạo quanh lớp học, sân chơi

Này đây cột cờ năm ấy
Rưng rưng cánh phượng đầu mùa
Những đôi mắt tròn non dại
Học trò yêu quý ngày xưa

Người cũ chẳng còn ai cả
Bao nhiêu năm tháng đã qua
Đất trời mênh mông vô tận
Tìm đâu ? - Mắt đã hoen nhòa!...

Phương Hà

* * *
Về Quê Ngẫu Hứng Viết Kỳ 1


Rời nhà thuở nhỏ lão về đây
Vẫn giọng nói quê tóc đã phai
Các bé gặp qua nhưng chẳng biết
Chỉ cười hỏi khách lạ tìm ai

Về Quê Ngẫu Hứng Viết Kỳ 2

Quê nhà xa cách bao năm tháng
Giờ ít người quen lẫn bạn thân
Chỉ nước Kính Hồ còn trước cửa
Gió xuân khó đổi sóng triều dâng
Quên Đi
* * *
Các Bài Cảm Tác:

Về Thăm Lại Quê Xưa

Lâu ngày ghé lại chốn quê cha,
Giọng nói vẫn nguyên quán đậm đà.
Chớ ngỡ ngay lưng lầm tưởng trẻ,
Ngờ đâu nét mặt nếp nhăn già !
Thăm người bạn cũ tìm không thấy,
Kẻ lạ đồng hương chẳng nhớ ra.
Trước ngõ hồ gương soi phẵng lặng,
Tìm ai tri kỷ chén quan hà!

Mai Xuân Thanh  
Ngày 04 tháng 06 năm 2015

Trở Vế Quê Hương

Tha hương nay trở lại nhà,
Nói năng giữ giọng chỉ già mặt thôi!
Trẻ con kẻ đứng người ngồi,
Tưởng người xa lạ đến rồi hỏi thăm.
Ai hay làng nước mấy năm,
Tang thương thoáng chốc dâu tằm đổi thay.
Người xưa đâu tá hôm nay ?
Chẳng còn quen biết suốt ngày lặng thinh.
Trời cao đất thấp đinh ninh,
Tình quê lưu lạc mắt mình lệ rơi!
Cảm thương thân phận rã rời,
Đường xa quê quán đến nơi lặng buồn!
Người xưa bỏ xứ đi luôn,
Chân trời góc bể cội nguồn nhớ chăng?

Mai Xuân Thanh  
Ngày 03 tháng 06 năm 2015

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Ngày Lễ Cha

Kính thưa Quý Thầy Cô và Anh Chị Em,
Mỗi khi nói về Cha, Quên Đi không thể quên :
...
Nước mắt ba từng chảy
Trong ê chề nhẫn nhục
Cho cả nhà hạnh phúc...
Máu ba bao lần đổ
Đổi lấy sự an lành
Trong loạn lạc chiến tranh...
...và chúng con đã lớn.
...( trích "Nặng Gánh Đời Ba của Quên Đi)

Kính Chúc Quý Thầy Cô, Anh Chị Em hồi tưởng, tận hưởng niềm hạnh phúc trong tình thương bao la của người Cha
                                 Quên Đi 21-6-2015
***
      NHỚ NGƯỜI !
 
Bài thơ huấn tử nhắc đêm ngày
Giữ đạo lưu truyền mãi đến nay
Nhựa sống rừng tre dù sắp cạn
Tàn cây lá hiếu vẫn chưa đầy
Đơn sơ bữa rượu thường cha dạy
Khổ nhọc đời con nặng túi đay
Tưởng nhớ canh trường nghe thổn thức
Thương người mạc vận cũng hơn thầy.
 
Cao Linh Tử
22/6/2015

***
              NGÀY LỄ 
                       Nhân ngày lễ cha

Mỗi ngày trong tôi mỗi ngày lễ
Tưởng nhớ ơn sâu tựa biển trời
Dằng dặc trăm năm khôn trả nổi
Thẹn lòng con trẻ quá người ơi

Năm nay tám chục mong trẻ lại
Như được Lão Lai múa trước sân
Mà bóng xuân huyên rày xa vắng
Đếm hoài chín chữ lại bâng khuâng

Quê cũ giờ đâu hình bóng cũ
Nơi này thay đổi lạnh thân già
Cúi đầu mường tượng bên hiên vắng
Tiếng gọi ấm lòng xa rất xa

                                C.D.M.
***

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Đậm Tình


Thầy bạn thăm tôi mừng trong bỡ ngỡ
Vì mình đây chưa gặp gỡ lần nào
Sao lòng nghe cảm giác nao nao
Chừng như đã vốn là cố cựu
Internet giao tình thi hữu
Nơi vườn thơ kết nghĩa văn chương
Chúng ta tuy mỗi kẻ ở một phương
Chưa biết mặt sao chẳng hề xa lạ
Lại quan tâm như thâm tình giục giã
Giờ cám ơn và mơ tương ngộ có ngày
Lòng xin ghi khắc nghĩa này

Quên Đi



* * *

Thấy Rồi: Anh Hữu Đức, Đắc Thắng,Linh Tử

Hình như đen đá ngó ly chè,
Đãi khách bạn bè giải khát nghe.
Đắc Tháng trẻ măng màu tóc bạc,
Cao Linh Tử khỏe "đẹp trai" ghê.
Ba anh tri ngộ tình bằng hữu,
Một Nhóm "Vườn Thơ Thẩn" trọn bề.
Nhìn kỹ anh Huỳnh tươi, mắt sáng,
Làm tôi xúc động nhớ về quê...

Mai Xuân Thanh

Ngày 20 tháng 05 năm 2015

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Gương nhẫn nhục đi vào Huyền thoại: Tư Mã Thiên


Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Thăm Bạn - Tình Bạn


Bài Xướng: Thăm Bạn

Cao Lãnh, Vĩnh Long mắy chặng đường 
Xót xa thi hữu ngập tình thương 
Quên Đi thống khổ, ôi vận nước!
Thơ Thẩn vườn nhà gió bốn phương 
Mailoc
***
Bài Họa: Tình Bạn

Người nơi cố quận kẻ tha phương
Quý mến dù xa vạn dặm đường
Nan bắc đông tây nào cách biệt
Vườn nhà thơ thẩn một trời thương
Quên Đi
* * *
Bài họa Tình Bạn


Chung Vườn Thơ Thẩn một trời thương
Há cách gian lao mấy chặng đường
Chỉ ngại trời mây không với được
Tấc lòng trải rộng chốn ngàn phương!
Nguyễn Đắc Thắng

***
Bài Hoạ

  Vài Lời Thăm Bạn
(Thân tặng 2 bệnh nhân QĐ và KO và chúc mau bình phục)

Vài lời thăm hỏi chút thân thương
Mỹ - Á xa nhau vạn dặm đường
Dù có muộn màng xin mến chúc
Mail nầy gởi net dẫu xa phương
Song Quang

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Ông Giáo Già, Và Nỗi Quê Nơi Đất Khách



Sông dài buồn ứ đọng
Muôn dặm nhớ về nhà
Chiều lộng gió ngàn thổi
Lá rơi vàng núi xa

Chim bay trắng sóng lặng

Hoa rộ đỏ non xa
Xuân lại qua rồi đó
Năm nao trở lại nhà

Sông ơi ra biển cả

Có chảy ngang quê ta
Xin gửi theo dòng lệ
Cho vưòn xưa nở hoa

Đầu giường ánh nguyệt chiếu

Ngỡ đất trời buông sương
Vời vợi vầng trăng bạc
Nao nao tình cố hương

Chú Thích: Mấy Vần Thơ Xưa, Ông Giáo Già, Và Nỗi Quê Nơi Đất Khách được cảm tác trong xúc động từ các bài tứ tuyệt xưa của các Thi Nhân Đời Đường : Tư Quy của Vương Bột , Tuyệt Cú của Đỗ Phủ, Kiến Vị Thuỷ Tư Tần Xuyên của Sầm Than , và Tĩnh Dạ Tư của Lý Bạch
* * *
Tư Quy - Vương Bột (648 - 675)

Trường Giang bi dĩ trệ
Vạn lý niệm tương quy
Huống phục cao phong vãn
Sơn sơn hoàng diệp phi

Tạm Dịch : Trường Giang buồn ứ đọng / Muôn dặm nhớ về nhà / Lại thêm gió ngàn thổi lồng lộng / Lá vàng bay khắp núi non
* * *
Tuyệt Cú - Đỗ Phủ (717 - 770)

Giang bích điểu du bạch
Sơn thanh hoa dục nhiên
Kim xuân khán hựu quá
Hà nhật thị quy niên

Phạm Khắc Trí Tạm Dịch: Chim trắng bay qua sông biếc trông càng thêm trắng / Hoa đỏ nở rộ núi xanh trông càng thêm đỏ /
Xuân này lại đang qua rồi đó / Ngày nào năm nao trở về nhà

* * *
Kiến Vị Thuỷ Tư Tần Xuyên - Sầm Than 9715 - 770)

Vị Thuỷ đông lưu khứ
Hà thời đáo Ung châu
Bằng thiềm lưỡng hàng lệ
Ký hướng cố viên lưu

Phạm Khắc Trí Tạm Dịch: Sông Vị chảy ra biển đông / Khi nào tới Ung Châu / Xin trôi theo đôi dòng lệ / Gửi về vườn xưa dùm nhau

* * *
Tĩnh Dạ Tư - Lý Bạch ( 701 - 762)

Sàng tiền khán nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Phạm Khắc Trí Tạm Dịch:  Trước giường ngắm ánh trăng / Ngỡ là đất bốc sương / Ngẩng đầu nhìn trăng sáng / Cúi đầu nhớ quê xưa

Phạm Khắc Trí
* * *
Những  Bài Dịch của Mailoc:



Tư Quy (Vương Bột)

Man mác Trường Giang nước lạnh lùng
Ngày về quê cũ nỗi hoài mong
Phương chi gió lộng hoàng hôn xuống
Tan tác vàng bay núi chập chùng 
Mailoc 
* * *
Tuyệt Cú ( Đỗ Phủ )
Sông xanh chim trắng rợp khung trời
Hoa nở non xanh rợp khắp nơi
Có biết chúa Xuân rồi mất hút?
Ngày về xa lắc nhớ tơi bời!
Mailoc 
* * *
Kiến Vị Thuỷ Tư Tần Xuyên (Sầm Tham)

Dòng sông Vị xuôi đông chảy mãi

Nước bao giờ tới bãi Châu Ung?
Cho ta gởi lệ nhớ nhung
Về nơi quê cũ vô cùng luyến thương! 
Mailoc 
* * *
Tĩnh Dạ Tư. ( Lý Bạch )

Trong vắt như gương nguyệt trước giường

Lờ mờ mặt đất ngỡ hơi sương
Ngước trông thăm thẳm trăng vằng vặc
Buồn rượi gục đầu chạnh cố hương 
Mailoc 
Cali 6-8 15
* * *
Những Bài Dịch của Quên Đi:




Tư Quy (Vương Bột)


Sông dài sầu lắng đọng

Vạn dậm muốn quay về
Gió cuối mùa đang đến
Lá vàng núi ủ ê.
Quên Đi
* * *
Tuyệt Cú 2 (Đỗ Phù)

Sông xanh chim trắng lượn

Núi biếc hoa thêm hồng
Lần lựa xuân qua nữa
Ngày về mòn mỏi trông
Quên Đi
* * *
Kiến Vị Thuỷ Tư Tần Xuyên(Sầm Tham)

Sông Vị chảy về đông

Ung xứ ngày về mong
Cho gởi đôi dòng lệ
Nhớ quê cũ chạnh lòng.

Quên Đi
* * *
Tĩnh Dạ Tứ(Lý Bạch)

Trước giường trăng chiếu rọi
Ngỡ đất phủ đầy sương
Ngẩng mặt nhìn trăng sáng
Gục đầu nhớ cố hương

Quên Đi
***
Những Bài Dịch của Kim Phượng:


Tư Quy ( Vương Bột)

Sông dài lắng đọng nỗi bi ai
Canh cánh quê xa lụy cảm hoài
Xào xạc tiếng thu mùa gió lộng
Núi non cùng khắp lá vàng bay

Kim Phượng
***
Tuyệt Cú ( Đỗ Phủ)


Sông biếc chim kia điểm trắng trời
Núi xanh hoa thắm rộ nơi nơi
Xuân này lần lựa qua rồi đấy
Mong mỏi ngày về dạ chẳng vơi

Kim Phượng***
Kiến Vị Thủy Tư Tần Xuyên ( Sầm Tham)


Vị thủy xuôi đông chảy một dòng
Ung Châu bến đợi mãi chờ mong
Nước ơi mang hộ ta dư lệ
Gửi đến vườn xưa một tấc lòng

Kim Phượng
***
Tĩnh Dạ Tứ ( Lý Bạch)


Đầu giường lơ lững ánh trăng trong
Cứ ngỡ sương giăng khắp cả phòng
Dõi mắt trông lên vầng sáng bạc
Gục đầu quê cũ dạ hằng mong

Kim Phượng

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Chút Tình Tri Ngộ

 Anh Hữu Đức,  Anh Đắc Thắng, Anh Cao Linh Tử, Anh Trương Văn Phú
Nghe tin bạo bệnh thấy nôn nao
Dù ảo cùng chung gặm một tàu
Thơ Thẩn từ lâu tình mến mộ
Kim bằng đã đậm nghĩa thương trao
Đường xa chẳng quản ngày mưa nắng
Sông rộng không ngăn bước Thắng Cao
Khách chủ sẻ chia niềm cảm kích
Bao lần anh cố nén cơn đau!

                           Cao Linh Tử
                             19/5/2015
Hình Ảnh: Trương Văn Phú

* * *
Bài Họa: Mừng Bạn Đến Thăm

Anh đến thăm mình dạ thấy nao
Quen qua thơ phú một con tàu
Vượt đường Cao Lãnh người tìm đến
Thăm kẻ Vĩnh Long nghĩa gởi trao
Tận mặt nhìn ra đây bạn Đức
Trong tay mới biết đấy thầy Cao
Niềm vui đầy ấp lần tương ngộ
Cười nói huyên thuyên chẳng nhớ đau.

Quên Đi

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Hoàng Hạc Lâu - Thôi Hiệu

Nói đến nỗi quê nơi đất khách , không thể không nhắc đến bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, một danh tác đời Đường . Bài này, tôi không còn nhớ là đã chuyển dịch bao nhiêu lần rồi kể từ lúc nghỉ hưu từ năm 2000 , mười mấy năm trước . Sáng nay , chép lại bài thơ , những mong chia xẻ được phần nào với mọi người thân quí ,cái đẹp của chữ nghĩa để thấy đời vẫn còn vui . Thế thôi . 

Hoàng Hạc Lâu -Thôi Hiệu ( ? - 756)




Tạm Dịch : Lầu Hạc Vàng

Người xưa đã cỡi hạc vàng bay đi mất / Nơi này chỉ còn trơ lại một ngôi lầu trống / Hạc vàng một lần bay đi là không trở lại / Mây trắng vẫn còn bồng bềnh thiên cổ nổi trôi / Dưới bến Hán Dương, bờ cây lung linh soi nước trong trời quang mây tạnh / Ngoài xa, trên cồn Anh Vũ, cỏ hương một thảm rậm rạp ngút ngàn / Trời chiếu sắp tối, quê nhà nơi đâu / Khói sóng vật vờ trên sông khôn ngăn được nỗi ngậm ngùi. 

Phạm Khắc Trí
9/6/2015

Bài Dịch: Hoàng Hạc Lâu


Xưa hạc chở tiên đi mất rồi 
Lầu thơ còn đó gió rong chơi 
Hạc vàng một thuở đâu quay lại 
Mây trắng ngàn năm vẫn nổi trôi 
Nắng bến Hán Dương vàng đáy nước 
Cỏ cồn Anh Vũ tím chân trời 
Chiều sa, quê cũ nơi nào nhỉ 
Khói sóng trên sông não dạ người 

Phạm Khắc Trí

* * *
Các Bài dịch:
Dịch thơ 1 

Hạc vàng Người cỡi về đâu 

Còn trơ lầu đứng dãi dầu nắng mưa 
Hạc vàng theo bóng người xưa 
Ngàn năm mây trắng vẫn chưa bến về 
Trời trong cây Hán sông mê 
Cỏ tươi Anh Vũ chẳng hề đổi thay                
Chiều buông dần khuất quê ai 
Trên sông khói toả lòng đầy nhớ nhung.

Quên Đi


Dịch thơ 2 


Hạc vàng người cỡi mất từ lâu
Trơ trọi giờ đây một bóng lầu
Hạc đã một đi không trở lại
Ngàn năm mây trắng biết về đâu
Trời trong sông Hán cây soi bóng
Anh Vũ bãi xanh cỏ đậm màu
Ngày hết quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng dạ thêm sầu

Quên Đi
* * *
Lầu Hoàng Hạc 

Người xưa cỡi hạc đã xa vời 
Lầu Hạc bơ vơ đứng giữa trời 
Heo hút hạc vàng không trở lại 
Lang thang mây trắng vẫn ngàn đời 
Hán Dương sông tạnh cây lồng bóng 
Anh Vũ bãi xanh cỏ rạng ngời 
Chiều xuống mơ hồ, quê chẳng thấy 
Trên sông khói sóng, nỗi sầu khơi!
Mailoc

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Thăm Quên Đi

Anh Hữu Đức, Anh Trương Văn Phú, Anh Cao Linh Tử, Anh Đắc Thắng
Tin bạn bệnh nhiều vội đến thăm
Một lần gặp mặt mới an tâm
Bắt tay lắc lắc nghe còn mạnh
Ngóng cổ đơ đơ ngỡ fết-sần(*)
Vui mừng hí hố tình thân thích
Say kể bông lung thuở nhọc nhằn
Xin cám ơn trời đùa tí chút
Mảnh Vườn Thơ Thẩn vẫn đầy trăng.

Nguyễn Đắc Thắng

20150520
(*) Fashion=thời trang
Hình Ảnh: Trương Văn Phú

* * *

Bài Họa: Đáp Lời Đắc Thắng

Mừng thay Đắc Thắng ghé qua thăm
Cố nén cơn đau bạn vững tâm
Gặp mặt lần đầu sao khoái khoái
Miệng cười chẳng ngớt hết sần sần
Thi phú mang ra cùng rổn rảng
Nghĩa tình đầy đặng khỏi cằn nhằn
Vui nầy có được nhờ trang mạng
Cảm tạ Vườn Thơ sáng mãi trăng

Quên Đi

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Chùa Giác Hoa và Nhánh Họ Huỳnh ( Nhánh Họ Công Tử Bạc Liêu.)

Từ những năm giữa thế kỷ 20 đến nay, chúng ta thường được nghe kể trên báo chí hoặc truyền khẩu về một nhân vật ở Miền Tây được đi vào huyền thoại, đó là công tử Bạc Liêu. Sự thật thế nào?


Dưới đây là lời kể của người trong gia đình. Người ghi chép lại là  cháu nuôi gọi công tử Bạc liêu (tên thực là Huỳnh Như Phước,  Tham Biện tỉnh Bạc Liêu).bằng ông nội.



***
         +
Chùa tọa lạc bên bờ kênh cầu Cái Dầy, cách tỉnh Bạc Liêu khoảng 6 Km về phía bắc (Hướng Cần Thơ – Sóc Trăng)
Tên dân gian gọi chùa Giác Hoa là chùa cô Hai Ngó “ 1885 – 1951 “


Chùa Gíác Hoa ngày xưa thuở thiếu vắng trụ trì 
  

LIÊN HỆ GIA TỘC


Ông Huỳnh giang Hiệp cùng vợ là bà Nguyễn thị Kiểu, sinh được bốn người con
- Bà Huỳnh thị Ngó cùng chồng là Ông Thái Kim Chiêu
- Ông Huỳnh như Gia “ Dù Kia “
- Ông Huỳnh như Phước “ Dù Hột “
- Bà Huỳnh thị Mùi

Nhân duyên tạo chùa
Ông Thái kim Chiêu là chồng bà Hai Ngó, ông bị đám cướp xông vào nhà khi đêm đã khuya, một mình chống trả, ông bị thương rất nặng và qua đời ngay trong đêm, tang chồng chưa nguôi ngoai, khoảng 6 tháng sau, đứa con trai duy nhất của gia đình lâm bệnh nặng rồi cũng rời bà mà đi. Tang chồng tang con liền trong năm, bà suy sụp nặng tưởng chừng khộng chịu đựng nổi. Bà tìm nguôi ngoai trong Phật Pháp, thấy cái khổ của dân tình chung quanh bà phát tâm trợ giúp, tài cũng như vật. gần cũng như xa.

Năm 1915 Bà quy-y với Hòa Thượng Chí Thành – Pháp danh là DIỆU NGỌC.
Khi vùng Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, bị lũ lụt, dân tình khốn khổ, đích thân bà chở hàng chục tấn gạo trợ giúp dân những vùng trên.
Tháng 03 năm 1919 Bà xin phép cất chùa
Vào ngày 10 tháng 3 năm 1919 chính quyền phê chuẩn cho phép bà cất chùa.
Bà tiến hành xây cất với kiến trúc Đông Tây phối hợp hài hòa, vừa cổ kính vừa hiện đại vào thời bấy giờ
Khoảng tháng 10 năm 1920 chùa hoàn thành sau 18 tháng thi công cật lực với tên CHÙA GIÁC HOA. Trong thời gian này,nhân thấy địa phương con em thất học nhiều, bà xây trường học, rồi rước thầy về dạy khuyến khích các bậc cha mẹ đưa con đến trường.
Trong khuôn viên chùa bà xây nhà chứa quan tài giúp người nghèo trong tang khó.
Hai ngôi chùa CHÂU VIÊN và CHÂU LONG cũng được bà thành lập ở hai địa phương là ấp Công Điền và ấp Bà Chăng thuộc xã Châu Thới.
Vào lệ rằm tháng bảy là lễ Vu Lan, bà phát gạo cho dân nghèo địa phương cùng các nơi khác, nơi nào mắc nạn bão lụt bà đều đến trợ giúp.

Năm 1929, bà mời Hòa thượng Chí Thành cùng Hòa thượng Khánh Anh chủ trì lễ mở khóa An Cư Kiết Hạ cho 100 vị tăng ni vân tập tại chùa Giác Hoa.
Cũng chính năm này Ni Bộ miền nam đầu tiên ra đời phát xuất từ chùa Giác Hoa do bà vận động thành lập và lưu truyền mở rộng đến nay.
Ngày 29 tháng 5 năm 1951 Sư Bà DIỆU NGỌC viên tịch, sư cô Hồng Dung thừa kế trụ trì.
Năm 1957 sư cô Hồng Dung giao lại cho Hòa Thượng THIỆN QUẢNG.
Năm 1959 Đại Đức HỒNG MINH
Năm 1967 Đại Đức viên tịch, chùa không ai trông coi.
Năm 1969 ông Lê văn Bông “ Chín Bông “ về giữ chùa.
Năm 1970 ông Chín Bông nhận lể xuất gia cùng Hòa Thương TRÍ ĐẠT, Pháp danh MINH KHAI.
Khoảng thời gian 2001, Thượng Tọa MINH KHAI tuổi cao, sức yếu, đi đứng hết sức khó khăn nên mời Sư Cô NGHIÊM THÀNH về phụ lo Phật sự. Tuy chưa là trụ trì song sư cô nhận thấy chùa xuống cấp nặng nên phát tâm vận động trùng tu ngôi tam bảo
Ông Huỳnh văn Bá, con cô tư Kim Sáu cũng là cháu của Bà cô Hai là Sư Bà DIỆU NGỌC, xuất hơn trăm triệu tu bổ chùa vào khoảng năm 2002-2003.
Năm 2005 Sư Cô NGHIÊM THÀNH chánh thức trụ trì chùa GIÁC HOA.
Năm 2006 xây dựng xong giãng đường và khai giảng lớp trung cấp Ni.
Từ tháng 11 năm 2006 chùa xây thêm Ni xá, dành cho ni sinh với khoảng hơn 60 vị
Cuối năm 2007 xây dựng xong Nhà Trù và Trai Đường, khoảng đất trống sau chùa dành làm nơi trồng rau cải, phụ sinh hoạt cho chùa, trong khuôn viên chùa tổ chức rất quy củ, nhiều phòng với chức năng hành chánh, có cả phòng vi tính…Ni chúng trong chùa hơn 50 vị và quy y hơn 500 tục gia đệ tử.
Ngày 29 tháng 11 năm 2010, lễ trùng tu chùa
Đầu năm 2013 chùa làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi chánh điện, vào thời gian này chùa được khoảng trăm Ni chúng và đang phát triển thêm…
22-05-2014 lễ giổ sư bà Diệu Ngọc cùng lễ mừng hoàn thành trùng tu ngôi chánh điện do Ni sư Nghiêm Thành chủ trì, chúng ta có thể kết luận, kể từ năm 2001 đến 2014 sư cô Nghiêm Thành đã tôn tạo lại từ một ngôi chùa xuống cấp nặng về vật chất nay trở thành ngôi tam bảo uy nghi, điều đặc biệt là vẫn giữ nguyên nét kiến trúc xưa, với lượng ni chúng tăng trưởng cùng Phật sự theo thời gian, chứng tỏ rằng giới luật và Phật Pháp được Ni Trưởng dẫn đắt nghiêm mật nên ni đoàn ngày càng vững chắc rạng danh chùa Giác Hoa.

Trong phần sau thuộc gia đình gánh ông Nội Huỳnh Như Phước ( Dù Hột)
Ông bà cố Huỳnh Giang Hiệp và Nguyễn thị Kiểu sanh được bốn người con đủ hai gái hai trai gồm :
· Con gái trưởng : Bà cô Huỳnh thị Ngó cùng chồng là Ông dượng Thái kim Chiêu, sanh được con trai duy nhất, ông dượng cùng con trai nhỏ mất, bà cô Hai xin con trai của người em thứ ba là Huỳnh Như Phước nhận làm con nuôi tên là Huỳnh Kim Lý ( Chú ba Kim Lý )
- *Con trai thứ nhì là Ông Huỳnh Như Gia ( Dù Kia )- Gia đình cư ngụ tại vùng Ông Kho ở Bạc Liêu , hiện nay không ai biết gánh ông bác này vì các cháu thế hệ này cũng trên 70 và không được liên lạc cùng nhau đã lâu.
- *Con trai thứ ba Huỳnh Như Phước ( Dù Hột ) , những tư liệu còn sót lại như một truyện kể do ông Huỳnh thượng Toàn nói những khi rỗi rảnh thuở còn sinh tiền, những dịp trò chuyện trong đám giổ ba cùng anh hai Emin, anh ba Etien và các em trong nhà..
- *Con gái thứ tư Bà Huỳnh thị Mùi , trước cư ngụ ở Bạc Liêu, khoảng năm 1973 bà cùng gia đình sang Pháp rồi mất luôn bên đó
· Ông Huỳnh như Phước ( ông nội theo thời xưa từng giữ chức vụ Tham Biện tại Bạc Liêu, người dân Bạc Liêu xưa goi là Công Tử Bạc Liêu ), thế hệ con gồm :
Huỳnh thượng Đức, Huỳnh kim Lý, cô tư Kim Sáu,, Huỳnh thượng Toàn ( Adouard Xant ), cô hai Marcell, cô tư Alice, cô năm Jeannette

Kể từ bài viết này ( 2014 ) các vị cao niên thuộc thế hệ thứ ba đã qua đời từ lâu, gồm :
Huỳnh thượng Đức, Huỳnh kim Lý, Cô tư Kim Sáu, Huỳnh thượng Toàn, cô hai Marcell, cô tư Alice, cô năm Jeannette. Cũng trong năm này, hài cốt của bà Sáu tu ở Cái Răng Cần Thơ, em dâu của ông nội, được mang về chùa đặt cùng nơi tộc họ ( Theo dự định của vị ni trưởng trong chùa Giác Hoa, tin anh ba etienne )
Anh Huỳnh văn Bá con cô Tư Kim Sáu, người xuất công của tu bổ chùa cũng đã qua đời
Vào thuở thím ba Kim Lý còn sống có lên nhà nói chuyện cùng ba má tại Mỹ Thuận có nói – Ngày xưa bà cô Hai có cho Việt Minh mượn 2.000 giạ lúa, nay thấy chùa xuống cấp nặng, thím ba có xin chánh quyền Bạc Liêu xin lại bằng tiền tương đương 2.000 giạ lúa để tu bổ chùa, song chánh quyền muốn giao lại cho chùa tu sửa chứ không giao trực tiếp cho thím ba, việc này tôi nghe mà không biết kết quả, bởi sau đó thím Ba lâm bệnh nên không ghé thăm ba má ở Mỹ Thuận nữa.

CHUYỆN KỂ THÊM

Thuở sinh tiền ba có kể đôi chuyện về ông nội Dù Hột, giờ kể lại cũng không được rõ ràng như ba nói trong lúc vui miệng. Chuyện như sau :
Ba kể thuở ông nội chưa lập gia đình, bà cố là Huỳnh thị Kiểu hướng dẫn ông nội là Dù Hột đi xem mặt dâu tương lai, bà cố đi một ghe hầu, ông nội ngồi riêng một ghe, không rõ lập vập sao đó, ông nội ra lệnh cho bạn chèo trong ghe quay trở lại, bạn ghe chịu lệnh hai phía, bà cố và ông nội, phân vân, vì lệnh nào cũng bự cả, ông nội dõng dạc bảo.
- Tụi bây quay lại ngay, đứa nào không nghe tao quơ chèo rớt sông ráng chịu.
Bạn ghe theo lệnh ông nội quay lui, bà cố hối bạn ghe bên bà ráng rượt the Cập được ghe ông nội
- Tao nói mầy không nghe lời, tao ăn nói sao với người ta đây, mầy quyết quay về thì mầy lấy dao cắt cổ tao đi. ( Ba kể đến đây, rồi thôi, tôi không dám hỏi thêm}
Cũng nói cho rõ lại là ông nội có phần thích đá gà, cho nên rất khoái có gà dáng phải đẹp, cựa vảy phải hay, xem như con gà phải hoàn chỉnh dáng và tướng, cho nên ông nội biết vùng bên cạnh có cặp gà rất danh tiếng đang đẻ trứng, ông đem con trâu cổ đổi lấy cặp trứng cho gà nhà ấp, ba kể lại mà không biết cặp gà con nở ra có như ý ông nội không nữa.
Chuyện kể tiếp về ông nội thì nhiều lắm, tôi nhớ, lại không nhiều. Ông nội đăng phòng năm của khách sạn ( Trả tiền trước nguyên năm ) để khi lên Sài Gòn có nơi ở vừa ý, vì ông lên thường xuyên nên đám xe kéo ở bến xe Lục Tỉnh biết mặt ông. Một lần ông vừa xuống xe, cả ba, bốn chiếc xe kéo bu lại mời, vì không muốn phụ lòng người mời, cũng muốn cho bạn kéo có tiền, ông đặt lên mỗi xe theo thứ tự những vật dụng mà ông đang dùng, như nón, gậy, cặp, giầy, xe kéo thành hàng dài đến khách sạn, vụ việc này trở thành giai thoại mà theo thời gian lại được thêm thắc ít nhiều.

Đến câu chuyện ăn uống trong nhà hàng thuở xưa ở Sài Gòn, dưòngnhư khoảng những thập niên 20 đến 30 của thế kỷ 20 như sau. Trong nhà hàng thuộc khu vực khách sạn vào đêm, ngày xưa quán ăn đốt đèn Manchon ( loại đèn dầu lửa, bơm tay áp suất ép dầu thành hơi, đốt sáng bao manchon treo phía trên, được cột vào đầu bec phun sương ) Ông cùng vài người bạn ngồi vừa chuyện vãn, vừa thưởng thức món ăn, một người trong bàn làm rớt vật gì đó và đang mò mẫm tìm, ông nội thấy rút tờ tiền, bật quẹt đốt đưa xuống phía dưới bàn, chuyện chỉ có vậy mà thời gian sau lại dài thêm ra… Kế sau chuyện ở Sài Gòn là chuyện nơi quê hương của ông, chuyện cưới xin ngày xưa, với những kiên kỵ, tranh hơn thua giữa đàng trai và đàng gái, đó là chưa nói đến trong họ hàng có những công khai bắt lỗi nhau để chứng tỏ người quan trọng, tệ hơn nữa là tự chứng tỏ mình là người hiểu biết lễ lộc nhất. Hai thông gia, người làm mai đều thông cảm, nhân vật không liên quan nhiều lại xeo nại bắt bẻ khiến, nhẹ thì dở khóc, dở cười, nặng hơn là chưa tới đã lui. chuyện đã xãy ra như sau.

Người bạn cũng hội đồng mời ông làm trưởng tộc rước dâu, cũng thuộc vùng Bạc Liêu.
Đàng gái thuộc hạng giàu có nổi tiếng, đàng trai phải chèo ghe từ buổi khuya nên đến hơi sớm hơn giờ làm lễ rước dâu, đoàn cập bến cũng hơi trưa nên nắng có phần gay gắt. Ngồi bó gối trong ghe hầu, cả hai ông người cưới dâu, kẻ làm trưởng tộc đều mệt mỏi bơ phờ, họ nhà gái không cho lên bờ vì chưa đến giờ rước dâu. Đàng trai bực tức định quay về, đàng gái sợ đàng trai bỏ về nên nhờ người bà con đang tiếp đám có nhà bên kia sông mời lên nhà tạm đở chân, trước xả giận cho đàng trai, sau chờ đúng giờ mới cho lên bờ rước dâu.
Vậy là cả bầu đoàn lủ khủ theo chân hai lảnh đạo vào sân nhà. Gia chủ nhà này là bà con với đàng gái đang chờ rước dâu, mời khách lên nghĩ chân ở nhà mình, vội kêu con cháu đang tiếp đám về phụ tiếp khách, đồ sính lễ được tạm để hết một bên bộ ngựa, đoàn rước dâu ngồi bên bộ ngựa đối diện, hai ộng ngồi bàn giữa, trong nhà lên lửa nấu nước đãi trà giải khát chờ đến giờ lành. Cô con gái chủ nhà rót trà khoanh tay mời khách, không biết dung mạo ra sao. Ông nội khều ông hội đồng.
- Con nhỏ này cũng vừa lứa với con nhỏ bên kia, trông cũng xinh, cũng phải phép, tụi bên kia lối quá, theo lẽ mời mình lên bờ ngồi tạm đâu đó chờ, nó ỷ giàu làm phách bắt tui với anh ngồi ngóng, nực nội mõi mê rêm mình mẩy, hay là sẳn lễ vật mình xin rước dâu đám này đi anh
Cùng là giàu có ngang nhau, ông hội đồng cũng đang tức khí, đồng ý cái rụp. Mời vợ chồng chủ nhà diện kiến cho đủ đôi rồi xin phép được làm thông gia, ông chủ nhà chết đứng không biết xử sự ra sao, vì bên kia là bà con. Ông nội nói ( - Trách nhiệm do đàng tôi chịu hết, lể vật rước dâu lỡ mang vào nhà ông rồi, nếu ông từ chối con gái ông lỡ thời luôn…), và rồi lễ vật được đặt lên bàn thờ, hành lễ xong rước dâu liền tay.

Khi đoàn trai rời bến mang theo cô dâu bất ngờ, đàn gái bên kia sông túa ra xem, chỉ trỏ. Đoàn ghe đi một đoạn, ông hội đồng vừa có dâu cảm thấy không an tâm bèn thắc mắc cùng ông nội.
- Nè anh, bên kia họ thưa mình rồi làm sao đây.
- Anh Quên tôi là Tham Biện à, họ thưa thì anh nói, tôi cưới chứ không bỏ nhưng phài làm thiếp chớ không được làm vợ chánh.
Ba kể đến đây là ngưng, thành thử tôi không biết hậu truyện, vì đâu dám hỏi.
Trong kỳ giỗ ba, đâu vào năm 2011, anh hai Eminne cùng tôi ngồi trước nhà chờ tàn nhang, anh hai kể
- Ổng ( ông nội ) đem cầm nhà máy xay lúa của bà cô hai, bà đâu có hay, chừng chà và đến đòi nợ mới tá hỏa, bà cô bả chưởi một hồi rồi cũng lấy tiền chuộc lại nhà máy .
Phần bên trên là chuyện về ông nội Dù Hột, kế sau là chuyện của ba Huỳnh thượng Toàn những câu chuyện của ngày xưa, nghe sao kể vậy vì lịch sử câu chuyện có đó, mà thời gian thì không thể nhớ theo thứ tự trước sau.
Những năm tháng tôi ở Rạch Giá, tình cờ được gặp ông Mười Chơn, người Bạc Liêu sau về ở khu nhà thờ Rạch Giá, có hai người rễ cũng ở nơi này. – Một- là ông Hiển – hai- tên là Rớt ở cùng chung với tôi. Ông mười nhắn Rớt gặp tôi kể lại chuyện xưa gọi là cho tôi biết chút đỉnh về ba Toàn, ông Mười kể:
- Hồi ở Bạc Liêu tao là tá điền cho ba mầy, ruộng tao hai ngàn công ở chính giữa, ruộng ba mầy bao xung quanh, thằng chả ( ba tôi ) ai cũng ngán thằng chả, chớ tao đâu ngán, thằng chả nhào vô tao, tao chẹn ngay háng thằng chả, chịu thua tao thôi. Ba mầy mạng cũng lớn, ruộng của ổng bị một cây da to ba bốn người ôm không giáp, vì tàn cây quá lớn, nên lúa thất một vạt lớn, dưới cây da là một cái miễu, ổng kêu tá điền đốn, có hai người khi hươi búa được vài búa ngã ra hộc máu, ổng nghe báo tự ổng mang búa theo kêu thêm bốn năm người tá điền. Đến gốc da ổng nói lớn – Tao đốn cây đây, có bắt thì bắt tao chớ đừng bắt tá điền tao tội nghiệp người ta, hể tao đốn trước thì tụi bây theo tao đốn nghe chưa. Ổng đốn vài búa, không có gì các tá điền xúm nhau đốn ..
Tôi vội hỏi ông Mười – Rồi có ai có sao không ông Mười
- Đâu có gì đâu mậy, bởi vậy tao mới nói thằng chả mạng lớn lắm.
Hồi ở nhà, ba có nói ở Rạch Giá có hai dòng họ, họ Đỗ giàu về thương mãi, - họ Huỳnh thiện giàu về đất, tôi có nói cùng ông già.
- Chổ con làm con có người bạn tên Huỳnh thiện Biểu, trước làm thông dịch viên, sau về ở chung cùng con, con cũng nghe nói nhà ông bà nó đất nhiều lắm, hiện nó có gia đình ngụ tại Rạch Sỏi
- Chắc là con của anh Huỳnh thiện…( lâu quá quên tên ba nói rồi )
Nhân chuyện tôi sinh sống thời gian khá dài ở Rạch Giá, ba có hỏi tôi.
- Ở Rạch Giá mầy có biết Tri Tôn, Hòn Đất không?
- Dạ biết ba, dọc hai bên đường ở Tri Tôn, người dân họ làm nồi, ơ bằng đất nung non đỏ tươi bày đầy từ trước nhà ra mép lộ.
Ba vừa kể vừa như nhớ lại chuyện xưa với đôi mắt hơi nhíu lại sau cập kính lão rồi kể lại,
- Tao nhớ đâu khoảng năm mươi mấy, tao cùng người bạn lên Tri Tôn. hòn Đất. ( vùng Long Xuyên cũng có một địa danh Tri Tôn ), tao cùng anh bạn chơi giởn rượt đuổi nhau chạy vào vùng đang bày ơ nồi, cái nào bể mà còn lại miệng nồi, lấy trồng lên cổ nhau như đeo kiềng cùng chay giởn vui. Chủ nhà mếu máo - Mấy thầy giởn bể nồi hết rồi làm sao mà bán được tội nghiệp mấy thầy ôi !
Bạn của ba hỏi - Vậy chớ đám nồi này mấy chú bán được bao nhiêu.
Sau khi nói giá ông bạn ba trả tiền nguyên đám nồi. vụ này ông chủ nhà lời to nên mừng ra mặt vì bể chỉ trên đường chạy mà được tiền nguyên khu vực phơi.
Ba hỏi tôi tiếp, - Mầy có vô Hòn đất không ?
- Con đâu có vô đó làm chi. ở ngoài ngó vô núi trọc trắng vì không còn cây cối do đang chiến tranh ba à.

Ba kể tiếp. Thuở trung niên, tao cùng người bạn vô hòn đất săn bắn. Thuở đó rừng cây dầy đặc mọc sát chân hòn, trên các ngọn cây cao là dây rừng đan nhau khích rịch, tao cùng người bạn leo theo thân cây rồi vạch thành một lổ trên ngọn cây, chui lên, ngồi trên đám dây leo, hai chân thòng xuống, gió thổi như đưa võng. Bạn tao ngồi đầu này tao ngồi đầu kia, lưng về phía núi. Nơi này khỉ rất nhiều, dưới đất vài người địa phương được mượn giúp hè nhau la lớn rung cây, khỉ sợ leo tuốt lên ngọn. tao cùng người bạn bắn, lũ khỉ hoảng hồn chui xuống, phía dưới la, lại trồi lên. tao cùng người bạn bắn hết đạn, lũ khỉ a thần phù chạy hoảng phóng thẳng vào mình, tao cùng anh bạn quýnh quơ súng đập đại. Ba kể đến đây rồi thôi. Riêng tôi nghĩ bụng, chắc là không bắn được con nào vì lũ khỉ rất tinh mắt nhanh lẹ, mấy ổng xem đi săn là thể thao không cố ý bắn dùng làm thực phẩm hay bán buôn, bởi vậy tôi không nghe được kết quả có con khỉ nào được mang về làm bằng cho buổi thể thao này.

Chuyện ngày còn tuổi thơ của ba được biết chỉ đôi chuyện ngắn, mà nếu không kể ra có lẽ theo thời gian phai dần rồi quên hẳn đi.
Thuở ba còn nhỏ lắm, bà nội cho ba theo bạn ghe tập thu lúa ruộng, thu xong về nhà, tá điền thưa trình với bà nội về công việc xong, rồi nói thêm với bà nội.
-Thưa bà, tội nghiệp cậu ba lắm, ghe sương sáu chèo rao bán cậu ba nhìn theo dáng thèm lắm mà không dám kêu lại ăn vì không có tiền.
Bà nội cười ngất nói – Sao con dại quá vậy sau nầy con đi, muốn ăn dọc đường thì lấy lúa đổi mà ăn
Ba mới nói thêm.- Chưa có lịnh, tao đâu dám lấy lúa đổi, về đong lại thiếu thì sợ bị rầy.
Về chuyện muỗi mòng ngày xưa, dân cư ít, cây cỏ rậm mịch, tôi được nghe
Ba kể về ngày xưa, vùng đất phương nam với câu nói ( muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh ) tôi quên tên vùng ở Bạc Liêu giáp đất Cà mau, thì tiếng muỗi thuở ba theo ghe thu lúa không lãnh lót như sáo thổi, mà theo lời ba nói đang đi ba nghe tiếng hì..hì.. rền vang ngày một lớn, ba hỏi bạn ghe. – Tiếng gì nghe dử vậy chú.
- muỗi đó cậu ba ơi, mình sắp đến lung muỗi rồi.

Vào tháng 09-1990 ông Huỳnh thượng Toàn mất, ông là người ra đi cuối cùng của thế hệ thứ ba và những chuyện kể của ông mà tôi được nghe,do chính ông kể, cũng như câu chuyện của ông do người thân kể lại. Tôi thuật lại như một sử liệu nho nhỏ, trong một giai đoạn của một tộc họ ở Bạc Liêu.
Cảm ơn các bạn đã xem qua, nếu có sai sót là do sở đoản của tôi, còn nếu các bạn thấy hứng thú là do lòng mến thích với những câu chuyện ngày xưa của các bạn.
Viết theo nhiều nguồn tư liệu và lời kể những người thân trong gia đình. Xong vào trung tuần tháng 09 năm 2014 hoàn tất 13 tháng 05 năm 2015.

Trương Văn Phú


Xem tiếp vài hình ảnh của Chùa Giác Hoa


               Chùa Gíác Hoa được ni sư Nghiêm Thành chủ trì tu bổ lại ngôi chánh điện. Hoàn tất khánh thành cùng lể giỗ sư bà Diệu Ngọc tục gọi cô Hai Ngó (2014)
Di ảnh bà cô Hai cùng tượng ông dượng Hai Thái Kim Chiêu, bà cô Hai cũng có một tượng bằng đồng bán thân nhưng đã thất lạc từ lâu.
  Tượng bằng đồng, được làm từ tiền xu ngày xưa, thợ đúc tượng được rước từ bên Tàu sang. Ảnh tượng ông Huỳnh Như Phước (Dù Hột)

  Lược sử bà cô Hai Ngó, đặt đối diện với cửa chùa, phía bên ngoài.
6 Cố Thượng Tọa Minh Khai tiếp gia tộc họ Huỳnh viếng chùa ( ảnh phim trước đây được chụp lại năm 2013)
 Chánh điện năm 2015,