Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Nhớ Xuân Xưa


Bao năm xa cách quê nhà.
Năm tàn, nghĩ lại lòng ta buồn buồn.
 
Nhớ lại thủa, trời tuôn mưa bụi.
Trời Lam Sơn, căm cụi ngoài đồng.
Lạnh tê, cày cấy, vun trồng.
Chiều ba mươi tết, lạnh lùng đón xuân.
 
Trời Hà Nội một lần đón tết.
Đẩy xe bò quên hết thời gian.
Yên Phụ mưa lạnh, lầm than.
Anh em chẻ củi sẻ san nhọc nhằn.
 
Ở Vũng Tàu, lăn tăng sóng đổ.
Ra Bãi Sau, nhiều chỗ có mai.
Đường đi dù có cát dài.
Chặt về đón tết trong ngoài ấm êm.
 
Về Sàigòn trời thêm nắng ấm.
Một lần tù như ngấm vào tim.
Đón xuân bao kẻ im lìm.
Chiến tranh, tang tóc nhận chìm vui tươi.
 
Khi ra trường tìm nơi dạy học.
Chợ Lách kia, sông dọc, kinh ngang.
Đón xuân nhưng dạ hoang mang.
Cầu yên tiếng súng, dân an cửa nhà.
 
Năm bẩy lăm, xuân đà yên ổn.
Theo bạn bè vào chốn tù đày.
Xuân ơi! sao chẳng vào đây?
Mà lại theo gió, theo mây phiêu đằng?
 
Về đón xuân Hải Đăng, Xóm Lưới.
Trên thuyền con, nghề mới nguy nan.
Chung quanh sóng vỗ bạt ngàn.
Chỉ mong con được khoai lang đỡ lòng.
 
Cho đến nay, đã xong vất vả.
Quay đầu nhìn, thấy chả được vui.
Cầu cho dân khỏi ngậm ngùi.
Đất nước thoát cảnh dập vùi xâm lăng.

                                VHKT- xuân 2014
                                   Best Regards,
                                  Hiep Vo
                                 Avibank Mfg., Inc.

 

Xuân Tự Trào



Uống rượu trả tiền đâu có lạ
Túi đây trống rổng vẫn khề khà
Rồng bay trên liễn ai ra bút
Giấy đỏ cua bò nét của ta
Thử thách suốt năm cùng nắng gió
Hụt hơi đến tết vẫn ba hoa
Thế gian lắm chuyện cười như mếu
An phận đi ông đợi tuổi già

                                 Quên Đi

Thơ Tranh : Tranh Câu Đối Tết 3



Câu Đối Quên Đi
Tranh câu Đối Hữu Đức


Tục Lệ Ngày Tết Phần Cuối


Hái Lộc Đầu Năm
Sau giờ phút cúng giao thừa trang nghiêm. Việc đầu tiên là đi hái Lộc. Lộc chỉ là một cành non ở đình chùa, ở chốn tôn nghiêm mang về nhà.

Tết cổ truyền của dân tộc ta có những phong tục độc đáo đặc biệt là tục hái lộc Xuân với hy vọng năm tới có nhiều tài, lộc đến với gia đình mình. Lộc ở đây là những cành lá, cành cây tươi tốt, xanh non được hái vào thời điểm sớm nhất của năm mới.

Hái lộc Xuân là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam, trong thời khắc giao hòa giữa đất trời thì việc hái lộc về nhà là điều mà nhiều người rất thích, đó là quan niệm mong muốn mang về những điều tốt đẹp với ý nghĩa ''Tống cựu, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới…Đầu năm mới, sau lễ cúng giao thừa, mọi người thường đến những nơi linh thiêng như đình, chùa, đền hay những nơi thanh tao để hái lộc Xuân. Vì thế, trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, mọi người đều đi lễ chùa và hái lộc Xuân mang về để ở những nơi trang trọng nhất là bàn thờ.
Tuy nhiên, ột số người dân hiểu sai phong tục hái lộc Xuân, dẫn đến tình trạng  hái theo kiểu ''Vặt trụi” rồi trèo lên cây bẻ những cành lộc thật to lớn, quan niệm hái được cành lộc càng to thì tài lộc đến càng nhiều…Vì vậy, những cây xanh tốt trong chốn thâm nghiêm đình, chùa đặc biệt là ở những thành phố, chỉ sau đêm giao thừa, cây cối đã trở nên xơ xác, tàn trụi và gẫy nát, thật không hay.

Mừng tuổi Ông Bà Cha Mẹ Và Tục Lì Xì
Người Việt Nam theo tục lệ từ xưa, hằng năm, cứ vào sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổị, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là tăng thêm một tuổi). Sau khi được con cháu mừng tuổi chúc thọ, các bậc trưởng bối lấy ra bao nhỏ màu đỏ, bên trong có tiền làm quà cho con cháu gọi là lì xì.
Tục mừng tuổi nay còn đó. Ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ lì xì lớp cháu, con. Khách tới nhà ai chúc Tết lì xì trẻ con của nhà đó. Hoặc chủ nhà đón khách tới chúc Tết lì xì trẻ em đi theo khách. Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà quan trọng là lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì nặng nhẹ nhiều ít (tiền) không phải là điều đáng để tâm lắm.

Tục “lì xì” là một phần đậm đà của phong vị Tết Việt Nam, đặc biệt đối với trẻ con, khiến trẻ nhớ tới Tết như một thời điểm mở đầu năm mới. "Lì xì" bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng một Tết, mà "liền tù tì" suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày "mùng" cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10.  người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn.


Theo cổ tích Trung Quốc thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.

Theo truyền thuyết:
Ngày xưa có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm Giao thừa khiến trẻ con giật mình khóc thét lên. Hôm sau đứa trẻ nhức đầu, sốt cao, làm cho bố mẹ không dám ngủ, phải thức canh phòng yêu quái. Có một cặp vợ chồng nọ mới sinh được một mụn con trai kháu khỉnh. Tết năm đó, có 8 vị tiên dạo qua, biết trước cậu bé sẽ gặp nạn liền hóa thành 8 đồng tiền ngày đêm túc trực bên cậu bé. Sau khi cậu bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại và đặt lên gối con rồi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện định làm hại đứa trẻ thì từ chiếc gối loé lên những tia vàng sáng rực, khiến nó khiếp vía bỏ

Một truyền thuyết khác cho rằng, tục tặng tiền mừng tuổi bắt nguồn từ đời nhà Đường (Trung Quốc). Năm đó, Dương Quý Phi hạ sinh một hoàng tử. Được tin mừng, vua Đường Huyền Tông đích thân đến thăm và ban cho Dương Quý Phi một số vàng bạc gói trong tấm giấy đỏ. Dương Quý Phi coi đó vừa là tiền mừng vừa là chiếc bùa hoàng đế ban tặng con trẻ để trừ tà. Việc này đồn đại ra ngoài dân gian, người ta bắt chước tặng tiền mừng và coi đây như món lộc trừ tai họa, mang lại nhiều may mắn cho trẻ con.

Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo - không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày tết. Bao lì xì thường có màu đỏ, với người Châu Á màu đỏ là một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội.
Phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc - người ta nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc...
Phong tục lì xì có ý nghĩa tốt đẹp như vậy, nên nó được người Việt giữ gìn và duy trì đến tận ngày nay.

Đi lễ chùa và xin xăm (miền Bắc gọi là xin thẻ):

Có người cả năm không đi lễ, nhưng đến Tết nhất thiết phải qua chùa thắp nén hương, dâng tiền giọt giầu hoặc tiền công đức cho chùa. Vào ngày đầu năm, tại chốn linh thiêng, người ta tin rằng điều cầu khấn của mình có nhiều khả năng thành hiện thực.
Không ai biết chắc chắn phong tục này có từ bao giờ và tại sao nhưng trong những ngày đầu năm âm lịch thì rất nhiều người thích đi lễ ở các lăng tẩm, đền chùa để cúng bái và xin xăm nhất là vào buổi sáng mồng một, phong tục này thường được tiến hành chung với tục lệ chọn hướng xuất hành và hái lộc.

Xin xăm là một hình thức tin vào các thẻ xăm có ghi lời sấm báo trước điềm lành hay dữ trong năm và thường cần có thầy bàn xăm. Ở miền Bắc có tục "bốc quẻ thẻ" giống như tục "xin xăm" ở phía Nam. Người xin thẻ dâng một lễ mọn rồi chọn lấy một quẻ thẻ bằng tre viết chữ Hán. Trên quẻ thẻ thường ghi một câu văn ngắn gọn rút từ điển tích Trung Hoa cổ. Căn cứ câu văn ấy, người xin thẻ có thể luận ra "tiền định" cuộc đời mình trong năm đó. Nếu không thông thạo Hán Văn, có thể thuê thầy đồ luận giải giúp. Ngày nay, người ta thường bỏ thẻ tre và thay vào đó bằng những tờ bướm in chữ quốc ngữ với lời giải được soạn sẵn.



Ba Ngày Mùng 1, Mùng 2 Và Mùng 3(theo Hồng Thuý Cẩm Nang Cưới Hỏi)
Trong những ngày đầu năm, Người Việt ta có Câu : Mùng Một tết Cha(bên Nội), Mùng hai tết Mẹ(bên Ngoại), Mùng Ba tết Thầy.

Theo tục xưa truyền lại thì sáng ngày mồng một vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ về bên nội để chúc thọ cha mẹ, ông bà và thắp hương cúng bái tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Theo thông lệ, người con cả, người anh cả, người cháu đích tôn vào trước, sau đó đến hàng em út vào sau, lần lượt nói lời chúc tụng ông bà, cha, mẹ sức khoẻ và những điều tốt lành. Ông bà, cha mẹ bên nội cũng chúc tết lại con cháu kèm theo những đồng tiền mới bọc trong giấy hồng điều gọi là cho lộc con cháu để con cháu lấy may.
Đến mồng hai Tết, vợ chồng con cái lại sang chúc tết bên nhà ngoại. Nghi lễ chúc tết cũng tương tự như bên nhà nội. Sau những nghi thức trang trọng, đầm ấm và thân tình như thế, ông bà cha mẹ con cháu thường quây quần, sum họp bên nhau cùn thưởng thức bữa cố tết đông vui. Nghi thức chúc và ăn tết ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm cho mọi người dân Việt, đặc biệt là tuổi thơ về hạnh phúc gia đình đầm ấm, có trên có dưới, đầy đủ, viên mãn. Nếp sống đẹp ngày Tết thể hiện sự tri ân của con cháu với ông bà cha mẹ hai bên nội ngoại - cái gốc sinh thành và giáo dưỡng mình nên người.
Sang ngày mồng ba, người Việt thường dành riêng đi lễ Tết thầy giáo. Với tinh thần tôn sư trọng đạo, người Việt quan niệm Nhất tự vi sư, bán tự vi sư nghĩa là dạy một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy - để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng trí thức, bằng chữ.

Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy là môt phong tục tốt đẹp của cha ông ta từ ngàn đời xưa. Đây là nét hằng xuyên văn hóa đã được bảo tồn và giữ gìn qua bao thế hệ. Việc giữ gìn, bảo tồn phong tục này trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt là việc làm cần thiết bởi cùng với sự phát triển của xã hội hiện nay, mỗi quan hệ tôn ti trật tự trong gia đình đã có nhiều thay đổi.  Nhiều người con vì mải mê làm việc kiếm tiến mà quên đi cha mẹ, không những vậy có những kẻ vì danh lợi mà đối xử tàn tệ với cha mẹ. Tết cha, tết mẹ phải ở cái tâm bởi không tâm thì dù quà cao cỗ đầy cũng không bằng một chén rượu nhạt hay miếng trầu thơm!
Ngoài ra còn có câu Mùng Một nhà Cha, Mùng hai nhà Vợ, Mùng Ba nhà Thầy. Để nhắc nhở những người có gia đình không quên cha mẹ vợ.
.
Hạ Nêu (theo Cao Huy Hoá)
Ngày 7 tháng Giêng triệt hạ, gọi là "hạ nêu"
Trong Ngự chế thi, vua Minh Mạng đã nhắc lại tục cổ: ngày 25 tháng chạp là ngày niêm ấn (không tiếp nhận văn thư), đó cũng là ngày dựng nêu; ngày 7 Tết là ngày khai ấn (tiếp nhận văn thư đầu năm mới, đóng dấu ấn), cũng là ngày hạ nêu. Có thể hiểu thời gian cây nêu ở giữa trời là thời gian nghỉ Tết; tuy nhiên triều đình không quy định như thế vì việc triều đình không ngưng nghỉ và chương sớ thì lúc nào cũng có; dầu vậy, vua Minh Mạng đã cho phép các Nha chọn ngày niêm ấn và khai ấn theo tục dân gian nói trên, và chỉ chọn một số ấn không cần thiết cho vào giỏ tre treo lên cây nêu, có tính cách tượng trưng để mừng xuân. Đến đời vua Tự Đức lại có đổi thay, năm Tự Đức thứ 29 (1876), có sớ tâu xin dựng nêu vào giờ Thân (15g-17g) ngày 30 tết, và hạ nêu vào giờ Thìn (7g-9g) ngày mồng 7 Tết. Sau đó có sắc chỉ lấy giờ Thìn ngày 30 và mồng 7 để cho dựng nêu và hạ nêu, lấy đó làm lệ không thay đổi nữa

    
Ngày nay tục trồng cây Nêu dần bị bỏ qua và quên lãng. Nhưng đó lại là một nét đẹp trong ngày tết của Việt Nam, nếu bị mai một thật là đáng tiếc

Huỳnh Hữu Đức
Biên Soạn

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Tìm Quên



Nhiều lúc buồn đời, muốn được say
Năm qua tháng lại chẳng hề thay
Bao điều trông thấy, lòng chua xót
Lắm chuyện nghe vào, dạ đắng cay
Tuổi trẻ trôi đi từ cái thuở....
Niềm tin tắt lịm đã bao ngày...
Rượu nồng tự chuốc, bình khô cạn
Nhìn lại, thiên hà vẫn cứ quay !
                            Phương Hà

Thơ Tranh : Khi Bạc Bài





Thơ Quên Đi 
( Hoạ Bài Thơ " Khi Bạc Bài " của Mai Lộc.

Thơ Tranh Hữu Đức

Xuân Dạ - Nguyễn Du




              Vì bận việc quan, đã nhiều năm không thể về thăm quê, khiến lòng hoài vọng cố hương mãi trong lòng tác giả mỗi khi xuân về

       春夜
              
阮攸   
黑夜韶光何處尋 
小窗開處柳陰陰 
江湖病到經時久 
風雨春隨一夜深 
羈旅多年燈下淚 
家鄉千里月中心 
南臺村外龍江水 
一片寒聲送古今 

       Xuân dạ 


Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm
Tiểu song khai xứ liễu âm âm
Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm
Kỳ lữ đa niên đăng hạ lệ
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm
Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy
Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim
                                   Nguyễn Du
 
Dịch nghĩa : Đêm xuân

Trong đêm tối đen,ánh sáng xuân tươi biết tìm nơi xứ nào
Mở cửa sổ nhỏ, bên ngoài chỉ có liễu âm u
Bệnh đến đã lâu khi đi lại các nơi sông hồ
Gió mưa xuân còn theo vào đêm thâu
Nhiều năm đi xa trước đèn nước mắt rơi
Quê nhà xa ngàn dậm nhưng lòng nầy vẫn gởi theo trăng
Bên ngoài thôn Nam Đài là dòng nước sông Lam (Long Giang)
Một tiếng vang lạnh lùng xưa nay trôi theo dòng


           Dịch thơ

Đêm đen xuân sắc ở nơi nao
Song cửa nhìn ra liễu đậm màu
Bệnh cũ sông hồ còn nặng gánh
Xuân về mưa gió suốt đêm thâu
Bao năm xa xứ bên đèn khóc
Ngàn dậm quê nhà bóng nguyệt đâu
Cạnh xóm Nam Đài sông vẫn chảy
Tiếng vang lạnh tiễn cổ kim sầu
                                        Quên Đi

Bóng Xuân Xưa


 

Hương xuân lan toả dáng mai gầy
Gió động bờ vai em có hay
Giọt nắng lung linh trên má thắm
Hồn xuân phơi phới ủ tình ai.

Hương sắc ngàn hoa có đáng chi
Môi xinh mộng nở lúc xuân kỳ
Hoa đào nhân diện khoe trong nắng
Lưu luyến chẳng đành trở gót đi.

Lòng lỡ buông theo giấc mộng tình
Hỡi người em gái dáng xinh xinh
Lời thơ ngỏ ý chờ câu đáp
Ngơ ngẩn tình anh chỉ một mình.

Nay gió xuân về gợi nhớ nhau
Mai đào rộ nở thắm năm nào
Vòng tay chưa khép còn mong đợi
Bóng cũ giờ đây biệt chốn nao?

                                       Quên Đi 

Thơ Tranh Xuân Tình



Thơ Quên Đi
Tranh Thơ Kim Oanh


Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Tục Lệ Ngày Tết Phần Đầu




Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dân tộc ta vẫn gìn giữ được sắc thái, nét đẹp của riêng mình trong ngày tết cổ truyền. Mỗi địa phương, tuy có những tạp tục khác nhau, nhưng tất cả đều vẫn giữ những phong tục truyền thống như Tảo Mộ, Đưa Ông Táo, Rước Ông Bà,Cúng Giao Thừa, ...
Các Tục Lệ Tết của dân tộc ta thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp và kết thúc vào ngày Mùng 7 tháng Giêng. Ngoại trừ việc Tảo Mộ.

Tảo Mộ
Thanh minh trong tiết tháng BaLễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Hai câu thơ trong Kiều của Nguyễn Du nói đến khoảng thời gian Tảo Mộ Tổ Tiên của Người Trung Hoa. 
Còn người Việt, việc Tảo Mộ Ông Bà thường thực hiện trước Tết. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang sơn phết các ngôi mộ của Ông Bà cho được đẹp, sạch sẽ, người ta mang theo dao, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, dọn hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ, cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Trẻ em cũng được theo người lớn đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của ông bà, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.

Câu đối
Nực cười thay: nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà tết!
Thôi cũng được: rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi!
                                                                              Trần Tế Xương
Người Việt cũng như người Hoa, trong những dịp lễ và nhất là Tết, thường tìm mua hay đặt viết câu đối về chưng dán ở nhà trong dịp xuân về, hoặc mua những chữ như Phước, Lộc, Thọ để dán lên các trái cây trên mâm Ngũ Quả, với mong muốn năm mới mọi sự đều tốt đẹp hơn. Cũng từ tục lệ này Vũ Đình Liên đã có một thơ ngũ ngôn Bất Hủ:

Mỗi năm Hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
bài mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua...


Đưa Ông Táo
Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu của gia chủ. Ông Táo được cúng vào trưa hoặc chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Lễ cúng gồm có nhang, nến, hoa quả, vàng mã và hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà kèm theo ba con cá chép. Theo sự tích ông Táo, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên Đình gặp Ngọc Hoàng
Trong lúc cúng Đưa Ông Táo, thường thêm mâm để cúng tiễn Tổ Tiên, Ông Bà hay những vị khuất mặt trong gia đình có thờ về Thiên Đình. Sau đó bàn thờ được dọn thật sạch sẽ, tất cả những chân nhang đều được đốt hết và cắm lại 3 cây nhang mới, chờ đến trưa ngày cuối năm, 29 hoặc 30 sẽ làm lễ rước Ông Bà.



Cây nêu
Một số gia đình ở nông thôn vẫn còn gìn giữ phong tục dựng cây nêu, trong khi ở thành phố, phong tục này đã bị lãng quên.
Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5–6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng địa phương)  được coi là để dọa ma quỷ như: tỏi, xương rồng, hình nộm, lá dứa, như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (để táo quân dùng làm phương tiện về trời), giải cờ vải điều (màu đỏ), đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tại thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai… Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…
Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không mạy. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Đến hết ngày mùng Bảy thì cây nêu được hạ xuống.

Tống cựu nghinh tân
Sau ngày 23 tháng chạp, nhà nhà đều được quét dọn, thật sạch sẽ, bỏ những thứ rác rưởi, cũ hư, từ trong ra ngoài, sơn phết nhà cửa cho mới, đẹp, bàn thờ Ông bà được bày biện thật trang trọng, bộ lư hương được đánh bóng sáng rực, bình hoa, nhang đèn thật mới thật tươi. nhất là mâm ngũ quả được chọn lựa và chưng bày thật bắt mắt. Mái tóc cũng được sữa sang gọn gàng, mua sắm quần áo mới để mặc những ngày Tết...Nói chung, những việc trên mang ý nghĩa mong muốn tống khứ đi những cái cũ không tốt, cái xui, rước về những điều hên, điều tốt trong năm mới.

Mâm ngũ quả


Mâm ngũ quả được chưng trên bàn thờ Ông Bà, là một mâm trái cây có năm thứ trái cây khác nhau thường có trong ngày Tết. Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi. Tết  các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Một mâm Ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc Việt Nam, gồm cam, quất bưởi, chuối và dứa. Chuối xanh cong lên ôm lấy bưởi mang ý nghĩa đùm bọc.
Mâm ngũ quả người miền Nam gồm dừa, đu đủ, mãng cầu, sung, xoài với ngụ ý cầu sung vừa đủ xài. Người miền Nam thường kiêng kỵ chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu (kể cả khi đọc trại) như chuối - chúi nhủi, cam - cam chịu, lê - lê lết, sầu riêng, bom (táo), Lựu - lựu đạn... và không chọn trái có vị đắng, cay.

Hoa tết
Mọi gia đình Việt Nam, không phân biệt sang hèn, từ Bắc chí Nam, Tết đến không nhà nào là không có hoa.
Miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà, theo quan niệm người Trung Quốc, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân.
Miền Trung và miền Nam lại hay dùng cành mai vàng hoặc cây mai vàng hơn, màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang, màu vàng còn tượng trưng cho vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, theo quan điểm người Việt, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển nòi giống. Đối với người miền Nam, nếu hoa Mai nở đúng vào lúc đón giao thừa hay nở vào sáng sớm ngày mùng một Tết thì điều đó có nghĩa là sự may mắn, thịnh vượng, và hạnh phúc sẽ đến với cả gia đình trong năm đó.
Ngoài hai loại hoa đặc trưng cho Tết là đào và mai, hầu như nhà nào cũng có thêm những loại hoa để thờ cúng và hoa trang trí. Hoa thờ cúng có thể như hoa vạn thọ, cúc, lay ơn, hoa huệ…; hoa để trang trí thì muôn màu sắc như hoa hồng, hoa thủy tiên, hoa lan, hoa thược dược, hoa violet…Còn cây quất (trong Nam gọi là Tắc)thường được trang trí tại phòng khách, cây quất với lộc xanh mơn mởn, hoa trắng lốm đốm, quả chín vàng ươm, tròn trịa, sum suê tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy, viên mãn kết quả.

Cúng rước Ông Bà
Thường vào trưa hay chiều ngày 30 tết, các gia đình sửa soạn bữa cơm cuối năm để mời ông Công (trong Nam gọi Ông Địa), ông Táo trở về trần thế tiếp tục cai quản việc bếp núc gia đình. Đây cũng là bữa cơm xum họp,đoàn tụ cả gia đình, để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình.
Trong quan niệm dân gian, mặc dù ông bà đã chết nhưng linh hồn vẫn còn sống về phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. nên những dịp lễ Tết, người ta hay mời ông bà về chung vui với mình. Bữa cơm chiều 30 Tết có nhiều ý nghĩa tâm linh, vì thế luôn có một cái gì đó hết sức thiêng liêng. Nó trở thành sợi dây vô hình nối giữa người còn sống và người đã chết. Đây đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở họ nhớ về những công đức của ông bà.
Ngoài ý nghĩa cúng rước Ông Bà, bữa cơm còn có ý tiễn biệt năm cũ. Đây là bữa cơm cuối cùng của năm để tiễn biệt năm cũ, ăn xong bỏ qua mọi muộn phiền. Nên mâm cơm chiều 30 thịnh soạn hơn hẳn ngày thường, tràn ngập không khí Tết và không thể thiếu bánh tét hay bánh chưng, một loại bánh truyền thống trong ngày tết của dân tộc Việt.



Tục Lệ Ngày Tết phần 2



Cúng Giao Thừa
Giao thừa là gì? Theo từ điển Hán Việt của Ðào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy.Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch.
 Trừ tịch thì trừ: bỏ đi, bớt ra, cuối năm; tịch: đêm. Trừ Tịch là đêm cuối cùng trong năm. Lễ trừ tịch còn là lễ để ” khu trừ ma quỷ”.
Thường khi cúng Giao Thừa, chủ nhà sẽ cúng hai mâm. Một trong nhà dành cho Tổ Tiên  và một ngoài trời để tiễn và rước các Thiên Binh thiên Tướng
Cúng Ngoài Trời
Theo tục lệ cổ truyền thì “giao thừa” được tổ chức nhằm đón các thiên binh.Mâm cỗ cúng Giao thừa ở ngoài trời có chiếc hương án với bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã.
Mâm lễ được sắp bày với lòng thành tiễn đưa vị Hành khiển (行遣) cũ đã cai quản mình trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống sẽ cai quản mình trong năm mới. Mỗi năm có một vị, sau 12 năm thì các vị Hành khiển sẽ luân phiên trở lại.
Các thiên tướng đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà.

Các quan mặc dầu phút bàn giao bận rộn khẩn trương nhưng vì là... người nhà trời nên có tài thấu hiểu ngay "Ruột gan" của gia chủ. Nếu có ý cầu lợi, mua chuộc, đút lót, các vị chỉ nhìn dấu hiệu ở khói hương, lửa đèn là biết ngay (do Thổ công đánh báo qua hương đèn), và lập tức các vị dông thẳng, không thèm ngó ngàng gì đến vật cúng giao thừa của các nhà cầu lợi ấy. Trái lại, những nhà chân chất, thật thà, sống bằng lao động, ăn ở tử tế thì có khi chỉ cần chén rượu, nén hương, các vị có chức trách biết ngay mà vui vẻ thưởng thức, dốc lòng phù hộ.


Cúng Trong Nhà
Lễ cúng giao thừa được cử hành đúng thời khắc giao thừa, kết thúc năm cũ, chuyển sang năm mới. Giao thừa giờ Tý đầu xuân, đón mừng nguyên đán. Cúng giao thừa là một nghi lễ thành kính và trang trọng, toàn thể con cháu trong gia đình đứng trước bàn thờ Tổ Tiên cầu khấn cho một năm mới được khoẻ mạnh, vạn sự may mắn tốt lành.

Mâm lễ bao gồm các món ăn mặn ngày Tết được chế biến tinh khiết, trang nghiêm, bao gồm:
Cỗ mặn:
Bánh chưng hay bánh tét; Giò - chả; ; Thịt gà; Xôi đậu xanh; Các món ăn mặn khác tùy theo  gia đình.
Cỗ ngọt và chay:
Hương, hoa, đèn nến; Bánh kẹo; Mứt Tết; Rượu, bia và các loại đồ uống khác.
Khi cúng Giao thừa trong nhà, tất cả các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ, khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong nhà mới, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt. Trước khi khấn Tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu hậu thế, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết.
Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Dịp này, người ta thường đốt pháo, bắn pháo hoa ở những địa điểm rộng rãi, thoáng mát.
Tóm lại, Cúng Giao Thừa (hay lễ Trừ tịch): là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.
Sau khi cúng xong, xem như Tết thực sự đã đến với gia đình.

Hết Phần Đầu

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn