Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Họp Mặt lần 20- 2016 Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Vĩnh Long Lớp 6-Khoá 8 Phần 1

Theo định kỳ, mỗi chủ nhật cuối tháng 11 hằng năm, chúng tôi, Cựu Giáo Sinh Lớp 6 Khoá 8 trường Sư Phạm Vĩnh Long đều có họp mặt. Lần họp mặt thứ 20 này được tổ chức vào ngày 27-11-2016 tại khu du lịch sinh thái Phú An Khang Bến Tre.

Từ trái sang phải: Điệp Lê, Khiếm, Bá Hồng, Hưởng, Cúc, Chí Thanh.

Lượm, Tài (Sài Gòn), Xuân, Xiềm, Tài (Bến Tre), anh Tư (chồng chị Bá Hồng).


Khai, Hưng, Chánh, Vinh.

Sương, Thơ, Anh, Hạnh, cháu của Hạnh.


Mời xem tiếp phần 2

(Hình ảnh Huỳnh Hữu Đức)

Họp Mặt Lần 20 Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Vĩnh Long Lớp 6-Khoá 8 phần 2

Người đứng riêng lẻ ở gốc trái : Chánh.
hàng ngồi; Vinh, Đức, Cúc, Chí Thanh, Anh, Điệp Lê.
hàng đứng: Tài (Bến Tre). Sương, Sanh, Hưởng, Thơ, Khiếm, Bá Hồng 

Minh Thành, Chí Thanh, Duyên, Trung cháu của Duyên, tài xế xe.

Sanh,Con Khai, Sương, Thơ, Anh...


Khải, Huệ, Khai

Lượm, Xuân, Xiềm, Anh Tư (chồng chị Bá Hồng), Phúc (con của Chị Bá Hồng), Điệp Lê, 
người đứng: Tài (Bến Tre) đang giúp vui với Bài hát Nhớ Trúc Giang nhạc của Châu Kỳ, Lời thơ của không nhớ

Lượm,Vinh, Bá Hồng, anh Tư, Xiềm, Đức.

Buổi Họp Mặt kết thúc lúc 13 giờ cùng ngày. Mọi người chia tay trong lưu luyến, hẹn gặp lại năm sau lần thứ 21 tại Vĩnh Long.

Hình ảnh : Huỳnh Hữu Đức

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Đất Phương Nam I - Tiến Trình Nam Tiến Phần 1


3. Tiến Trình Nam Tiến 



Nguyên Nhân Của Những Cuộc Thiên Di Về Phương Nam Của Dân Tộc Việt Nam:
Theo các thư tịch cổ của Trung Hoa, từ nhiều ngàn năm trước đây, về phía Nam của nước Trung Hoa có nhiều bộ tộc thuộc giống ‘Bách Việt’ sinh sống như Mân Việt, Quì Việt, Âu Việt, Lạc Việt, Ô Việt, Dương Việt, Sơn Việt, Nam Việt, Tây Âu Việt, Đan Việt, Đằng Việt, Cứu Việt, vân vân. Những bộ tộc thuộc nhóm Bách Việt đã một thời làm chủ cả một vùng đất rộng lớn từ phía Nam sông Dương Tử trở xuống phía Nam, gọi là nước Xích Quỷ(1).
Thế rồi cách nay khoảng gần năm ngàn năm trước, các bộ tộc du mục hiếu chiến thuộc nhóm Hán tộc phương Bắc tràn xuống, đánh chiếm, tiêu diệt và đồng hóa dần những bộ tộc thuộc nhóm Bách Việt nầy. Sau biến cố đó, nhóm Bách Việt ngày càng giảm dần, cho đến giai đoạn cách đây hơn hai ngàn năm trước, Bách Việt chỉ còn lại có năm nhóm lớn, sống co cụm thành những quốc gia rõ rệt, đó là nhóm Đông-Âu Việt ở Ôn Châu, nhóm Mân Việt ở Phúc Châu, nhóm Nam Việt ở Quảng Châu, và nhóm Tây Âu Việt và Lạc Việt ở phía nam Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam ngày nay. Trong năm nhóm nầy, nhóm duy nhất không bị Hán hóa, và vẫn còn giữ nguyên được bản sắc Việt Tộc nguyên thủy, đó là nhóm Lạc Việt, tổ tiên của dân tộc Việt Nam ngày nay.
Trong suốt quá trình lịch sử tồn tại nòi giống của nhóm Lạc Việt, họ đã phải hết sức chống cự với sức tấn công vũ bão của quân nhà Tần. Tưởng cũng nên nhắc lại bắt đầu từ năm 214 đến năm 211 trước Tây lịch, quân nhà Tần tiến đánh như vũ bão vào những phần đất của nhóm Bách Việt, đặc biệt là nhóm Lạc Việt(2). Sau đó, khi Hán Vũ Đế tiêu diệt nhà Triệu vào năm 111 trước Tây lịch, Việt Nam đã phải nội thuộc vào trung Hoa trong suốt gần 1.000 năm, nhóm Lạc Việt đã bao phen vùng lên giành độc lập, kể từ thời Trưng, Triệu, Lý Nam Đến, đến thời Mai Hắc Đế, Phùng Hưng... Rồi cuối cùng là Ngô Quyền đã đưa dân tộc đến chỗ độc lập. Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam gần như thấm nhuần văn hóa của Hán tộc, nhưng không bị Hán tộc đồng hóa. Trước sức ép thường xuyên của Hán tộc, để tự tồn, dân tộc Việt Nam không có con đường nào khác hơn là phải tìm đường tiến về phương Nam của bán đảo Đông Dương. Trong thời cổ đại và ngay cả đến thời hiện đại, nếu so với các vương quốc nằm về phía Nam như Champa, Phù Nam, và Chân Lạp... thì Việt tộc đã phải giữ nước trong những điều kiện và hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều, vì về phía Bắc Việt tộc phải đương đầu với Hán tộc, và về phía Tây, Việt tộc phải đương đầu với Thái tộc mà tiêu biểu là các vương quốc Đại Lý và Nam Chiếu từ phía Vân Nam(3).

Mặc dầu họ cũng đã từng là một trong những hệ tộc khác nhau của các bộ tộc Bách Việt, nhưng trải qua một khoảng thời gian quá dài bị nội thuộc người Tàu, họ cũng muốn tiêu diệt các bộ tộc lân cận để được sinh tồn. Chính vì vậy mà họ đã tìm đủ mọi cách nua chuộc các thổ hào của Lạc Việt trong miền núi giáp ranh với Nam Chiếu về phía tây bắc Việt Nam ngày nay. Vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ 10, Ngô Quyền đã đứng lên giành độc lập vào năm 939, Việt Nam hoàn toàn độc lập với người Hán ở phương Bắc, dầu từ đó về sau nầy Hán tộc vẫn luôn tìm đủ mọi cách đánh chiếm và đồng hóa Việt tộc.
Trong lúc nền độc lập của dân tộc Việt Nam vào thời đó chưa được ổn định thì từ phía Vân Nam, các vương quốc thuộc Thái tộc như Nam Chiếu và Đại Lý đã liên kết với các bộ tộc miền cao của Đại Việt như Mường, Mán trong vùng Sơn Động và họ đã cát cứ vùng thượng du Bắc Việt trong hàng chục năm trời. Đến khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan được 12 sứ quân và thống nhất Đại Việt thì con cháu nhà Ngô vẫn muốn khôi phục lại vương quyền cho dòng họ mình, chính vì vậy mà một trong những hậu duệ của ngô Quyền là Ngô Nhật Khánh đã chạy về phía Nam cầu cứu với Champa. Cuối năm 979, thủy quân Champa đưa hơn một ngàn chiến thuyền ra đánh Đại Việt, nhưng vừa đến cửa biển Đại Ác, ngày nay là cửa biển Đại An và cửa Tiểu Khang(4), chiến thuyền Champa bị bão đánh chìm gần hết và Ngô Nhật Khánh cũng chết trong trận bão nầy. Khi Lê Đại Hành lên ngôi và khai mở nên nhà Tiền Lê, nhà vua đã cho sứ sang giao hảo với Champa, nhưng vua Champa đã bắt nhốt hết sứ đoàn. Sau khi đánh thắng quân Tống ở phương Bắc, vua Lê Đại Hành đã mở cuộc Nam chinh, tiến đánh thủ đô của Champa(5). Tuy nhiên, nhà vua chỉ muốn bình định phương Nam chứ không muốn chiếm đất của vương quốc Champa, nên sau khi thắng trận vua Lê đã quyết định cho rút toàn bộ quân đội về nước. Đến đời nhà Lý, lão tướng Lý Thường Kiệt, một danh tướng oai hùng với chiến công phạt Tống bình Chiêm(6).



Mùa hè năm 1043, quân Champa sang quấy phá vùng biên thùy và vùng biển giáp với Đại Việt, nên đầu năm 1044, vua Lý Thái Tông quyết định Nam chinh, đến tháng 7 năm 1044, quân Đại Việt tiến vào kinh đô giết chết vua Champa là Sạ Đẩu cùng 3 vạn quân Champa, đồng thời bắt sống 30 thớt voi với 5 ngàn tù binh. Từ đó, về cả hai mặt bắc và nam của Đại Việt mới được yên ổn. Tuy nhiên, đến năm 1069, vương quốc Champa lại đưa quân sang quấy phá Đại Việt, vua Lý Thánh Tông đã cử lão tướng Lý Thường Kiệt làm Đại tướng quân, đi tiên phong vào đánh dẹp Champa. Trong trận Nam chinh nầy, quân Đại Việt đã đánh tan quân Champa và bắt được vua Champa là Chế Củ. Chế Củ bèn dâng các châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội.
Năm 1075, vua Lý Nhân Tông sai lão tướng lý Thường Kiệt vào vẽ lại bản đồ các châu đã được Chế Củ dâng vào năm 1069, rồi cho đổi Địa Lý thành Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh, và Bố Chính thành Quảng Bình. Đến năm 1103, quân Champa tiến chiếm lại ba châu đã mất, nhưng lại bị lão tướng Lý Thường Kiệt đánh cho một trận tan tác. Thế là từ đó đến mãi về sau nầy các vùng đất ấy vĩnh viễn thuộc về Đại Việt. Dưới thời nhà Trần, vua Champa lại cho sứ sang xin lại những vùng đất đã mất nhưng thất bại. Đến năm 1252, quân Champa lại tràn qua vùng biên thùy Đại Việt đánh phá và cướp bóc, nhưng bị quan quân Đại Việt đánh tan.

Đến năm 1301, vua Trần Nhân Tông quyết định gả con gái là công chúa Huyền Trân cho vua Champa là Chế Mân, đổi lại Chế Mân đã dâng hai châu Ô và Lý để làm sính lễ, được vua nhà Trần cho đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu. Tuy nhiên, ít lâu sau đó, Chế Mân băng hà, Đại Việt đã tìm cách đưa công chúa Huyền Trân về nước, đồng thời Đại Việt lại bắt giữ người kế vị Chế Mân là Chế Chi, nên từ đó mối hận thù giữa hai dân tộc Champa-Việt ngày càng tăng. Từ năm 1367, dưới thời Trần Dụ Tông, nhà Trần bắt đầu suy vong, nên vua Champa là Chế Bồng Nga đã nhiều lần mang quân sang đánh Đại Việt.

Năm 1377, vua Trần Dụ Tông quyết định cất quân Nam chinh, nhưng đã tử trận trong chuyến nầy. Năm 1378, quân Champa cất quân đánh chiếm Thăng Long, cướp hết châu báu rồi rút lui. Năm 1380, quân Champa lại tiếp tục cất quân ra đánh các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, nhưng bị quân của Hồ Quý Ly đánh đuổi. Tuy nhiên, sau đó quân Champa vẫn tiếp tục kéo sang quấy phá Đại Việt. Mãi đến năm 1384, khi Chế Bồng Nga bị quân ta phục kích giết chết trên vùng biển Hưng Yên, từ đó quân Champa mới đình chỉ việc mang quân sang quấy phá Đại Việt. Dầu chỉ tồn tại vỏn vẹn có 7 năm, từ năm 1400 đến năm 1407, nhà Hồ đã có công mở cõi một vùng đất bao la về phía Nam(7), đó là các vùng Chiêm Động và Cổ Lũy, ngày nay là Quảng Nam và Quảng Ngãi. Như vậy, tính từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ XV, từ năm 1069 đến năm 1400, Đại Việt đã tiến sâu về phương Nam và tuần tự làm chủ các vùng đất bao la của Champa từ Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, Ô Châu, Lý Châu, Chiêm Động và Cổ Lũy. Mặc dầu trên lý thuyết thì những vùng đất nầy đã trực thuộc Đại Việt, nhưng trên thực tế thì Đại Việt vẫn chưa cử quan quân đi kinh lý như đất đai của mình, xét ra thì các vương triều Đại Việt thời đó chưa hẳn đã chủ trương xâm lăng Champa, mà chỉ chiếm đất vì tự vệ và giữ gìn an ninh trật tự cho thần dân mà thôi. Trải qua bao cuộc bể dâu, chúng ta thấy rõ nhờ vào tinh thần bất khuất không chịu để cho Hán tộc đồng hóa, và nhờ có vị trí địa lý thuận tiện, nên Lạc Việt đã phải tìm cách chạy xa Hán tộc bằng cách mở đường tiến về phương Nam, dọc theo bờ biển và dãy Trường Sơn. Đây cũng là nguyên nhân chính góp phần cho sự sinh tồn của bộ tộc Lạc Việt. Nhờ đó mà kể từ thế kỷ thứ X đến nay, trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn... các vua chúa Lạc Việt đã cùng toàn dân đã đổ ra không biết bao nhiêu là xương máu để đem lại cho dân tộc Việt Nam một dãy giang sơn gấm vóc hình chữ S giàu đẹp như ngày hôm nay.

Qua những diễn tiến vừa kể trên, chúng ta thấy rõ tiến trình Nam Tiến của Đại Việt không đơn thuần là một quá trình diễn ra theo đường thẳng như người ta thường nghĩ như Li Tana đã viết trong quyển “Xứ Đàng Trong”(8) như sau: “Một loạt những sự kiện khác nhau nhằm đáp ứng những hoàn cảnh hay cơ hội riêng biệt, đôi khi do các tình cờ ít nhiều có tính cách quân sự quyết định. Trong khi các hình thức sau nầy của cuộc Nam Tiến có mục đích là chiếm đất, các biến cố được coi như là những bước đầu của cuộc Nam Tiến lại nhằm vào việc bắt người và lấy của, một hình thức tiêu biểu của chiến tranh tại Đông Nam Á. Chẳng hạn, vào năm 982, khi Lê Hoàn mở cuộc tấn công Champa, ông đã bắt giữ 100 cung phi Chăm và kho tàng của nhà vua Champa.
Chẳng hạn, sử Việt Nam ghi lại về việc thả 360 tù binh người Chăm bị giam giữ ở Thăng Long vào năm 992, sử nầy cũng ghi nhận những cuộc ruồng bố tương tự của người Việt đã xãy ra ở vùng biên giới Trung-Việt vào năm 995, bắt giữ tù nhân Trung Hoa. Tất cả những cuộc ruồng bố và viễn chinh nầy không khác bao nhiêu với hình thức chiến tranh chung của vùng Đông Nam Á thời đó và về sau nầy, và có thể được hiểu một cách đúng đắn trong bối cảnh của chiến tranh chung thường diễn ra giữa các nước Đông Nam Á hơn là những bước đầu của phong trào Nam Tiến của Việt Nam.” Lịch sử Nam Tiến và sự thành lập các vùng đất tại Nam Kỳ đã được tiến hành một cách thuận lợi bởi những nguyên nhân chủ quan và khách quan như những cuộc chiến tranh giữa các thế lực phong kiến Lê và Mạc tại miền Bắc từ những năm 1539 đến năm 1600, đã khiến cho hàng vạn người từ các vùng Thanh Hóa, nghệ An và Hà Tĩnh phải bỏ xứ ra đi tìm lẽ sống. Sau đó là những cuộc chiến tranh triền miên giữa quân đội Đàng Ngoài của chúa Trịnh và quân đội Đàng Trong của chúa Nguyễn vào thế kỷ thứ XVII, đã khiến cho nhân dân vùng địa đầu phân cách hai miền, đó là miền Thuận Quảng, phải điêu linh đồ thán. Và cũng chính vì vậy mà ngoài những cuộc nổi dậy, hàng chục vạn người dân trong vùng Thuận Quảng đã phải bỏ xứ chạy vào miền Nam để tìm cuộc sống mới, dầu có phải vất vả gian nan, nhưng sẽ tương đối dễ chịu hơn.

Ban đầu chỉ là những cuộc di dân tự phát bởi từng người, từng gia đình, hay từng nhóm, nhưng về sau nầy triều đình xứ Đàng Trong đã tổ chức nhiều cuộc di dân qui mô, với những kế hoạch khẩn hoang lập ấp và qui chế rất rõ ràng. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức thì các chúa Nguyễn đã ra sắc chỉ chiêu mộ dân đi khai hoang từ các vùng Bố Chánh trở vào. Chúa Nguyễn cũng cho phép những nhà giàu có đủ vật lực chiêu mộ người vào Nam khai hoang lập ấp với những quyền lợi rộng rãi.
Theo sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú, chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) đã ra sắc chỉ chiêu mộ những người có tiền của trong các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi và Qui Nhơn di cư vào Nam lập nghiệp. Như vậy, phần lớn gốc gác của cư dân Nam Bộ đều xuất phát từ những nông dân nghèo khổ từ miền Trung Việt Nam, nhất là các vùng Thuận Quảng, bao gồm các vùng Thuận Hóa, Quảng Nam, và Quảng Ngãi. Bên cạnh những lưu dân cùng khổ nầy còn có rất nhiều tù phạm được triều đình xứ Đàng Trong cho phép vào đây khai hoang lập ấp để làm lại cuộc đời. Ngoài ra những tay giang hồ tứ chiếng cũng tháp tùng theo đoàn người đi khai hoang, và những binh lính mãn hạn đồn trú tại các vùng trong Nam không chịu về xứ (miền Trung), mà quyết định ở lại miền Nam lập nghiệp. Chính nhờ vậy mà công cuộc khẩn hoang lập ấp tại miền Nam đã tiến triển rất nhanh chóng. Thường thì các đô thị hay thành phố của miền Nam Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ XVII đến nay đều được xây dựng do nhu cầu của lưu dân trong vùng.

Trước tiên lưu dân qui tụ đến một nơi nào đó khai hoang lập ấp, sau đó chánh quyền mới đến để thiết lập bộ máy chánh quyền cấp hạ tầng cơ sở, rồi các thôn xã và đô thị mới bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, vào thế cuối thế kỷ thứ XVII, các di thần nhà Minh đã tạo nên hai trường hợp ngoại lệ: họ đến cù lao Phố và Đại Phố Mỹ Tho để khai hoang và xây dựng phố xá rồi sau đó lưu dân Việt Nam mới rủ nhau kéo đến lập nghiệp. Như vậy, bên cạnh người Việt là nhân tố chính trong cuộc Nam Tiến, người Hoa (Minh Hương) và người Khmer cũng góp phần không nhỏ trong tiến trình Nam Tiến nầy. Thường thì người Hoa sống hòa quyện với người Việt và người Khmer, họ thường trú ngụ tại các đầu xóm và làm nghề thương mãi buôn bán, trong khi người Việt thường làm ruộng và người Khmer thường làm rẫy trên các giồng đất cao. 



Thời Kỳ Tiền Bắc Thuộc Và Thời Kỳ Bắc Thuộc: 



Nước Việt Nam ngày nay với non sông liền một dãy từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà tiền nhân chúng ta đã gây dựng nên bằng cái giá phải trả quá đắc với chiều dài lịch sử hết sức thương đau của dân tộc. Trước thời Bắc thuộc lần thứ nhất, các bộ tộc Bách Việt sống rải rác từ phía Nam sông Dương Tử đến quận Cửu Chân(9), nghĩa là lãnh thổ của Bách Việt bao gồm các quận Quế Lâm(10), Nam Hải(11), và Tượng Quận(12). Ngay từ thời Tần Thủy Hoàng, tức là khoảng trên 2 thế kỷ trước Tây lịch, các vị hoàng đế Trung Hoa đã không ngừng xâm lăng và đô hộ Việt Nam. Vào năm 221 trước Tây lịch, tức là năm Thủy Hoàng thứ 26, nhà vua đã chia Trung Hoa ra làm 36 quận, mà quận cực Nam của Trung Hoa chỉ đến vùng Mân Trung(13), còn các vùng Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam ngày nay vẫn còn nằm bên ngoài lãnh thổ của nước Trung Hoa thời đó. Năm 214 trước Tây Lịch, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư và Sử Lộc sang chiếm đất đai của Bách Việt, rồi chia đất nầy ra làm 3 quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để cai trị(14). Hơn 1.150 năm sau, các bộ tộc Bách Việt gần như bị người Tàu đồng hóa, chỉ còn lại có bộ tộc Lạc Việt là vẫn giữ được bản sắc dân tộc của riêng mình. Theo các nhà viết sử trước đây thì quận Nam Hải là tỉnh Quảng Đông ngày nay; còn Tượng Quận bao gồm các miền Bắc và các tỉnh phía Bắc miền Trung. Theo các nhà viết sử cận đại, Tượng Quận đời nhà Tần là các vùng Quảng Tây và Quí Châu. Tuy nhiên, đến khi nhà Tần bị diệt, Triệu Đà đánh chiếm vùng Nam Hải và thôn tính luôn cả Quế Lâm và Tượng Quân. Sau đó, lại chia Tượng Quận ra làm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Giao Chỉ là vùng Bắc Phần và Cửu Chân là vùng Bắc Trung Phần ngày nay.
Đến đời vua Hán Võ Đế, vào năm 111 sau Tây lịch, lấy đất Tượng Quận của Triệu Đà trước đây để lập thành 3 quận: Giao Chỉ với 10 huyện, Cửu Chân với 7 huyện, và Nhật Nam. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, và Nhật Nam là đất Bắc Việt và Trung Việt ngày nay. Quận Nhật Nam là đất nằm về cực nam của Giao Chỉ, gồm các vùng Lư Dung, Tị Cảnh, Châu Ngô, Tây Quyển và Tượng Lâm, quận lỵ đóng tại Tây Quyển. Cũng theo Đại Nam Nhất Thống Chí, Tây Quyển có lẽ là vùng Quảng Bình và Tị Cảnh có lẽ là vùng Quảng Trị, Châu Ngô có lẽ là vùng Thừa Thiên và phủ Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam, Lư Dung có lẽ là vùng Thăng Bình của Quảng Nam chạy dài đến tỉnh Quảng Ngãi, và Tượng Lâm có lẽ là vùng Bình Định và Phú Yên. Thời Kỳ Độc Lập: 



Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn bị áp lực từ phương Bắc, nên muốn sinh tồn Việt Nam không có con đường nào khác hơn là mở đất về phương Nam. Thế nên từ khi nhà Ngô giành lại độc lập năm 939(15), đất nước ta bắt đầu mở ra một kỷ nguyên độc lập với các triều đại nối tiếp về sau này như Đinh, Lê, Lý, Trần... Lúc đó tổ tiên chúng ta còn ở quanh vùng Bắc Việt, có lẽ từ vùng Thanh Hóa trở ra phía Bắc. Cho đến nay ngoài việc ghi lại những biến cố về việc Ngô Quyền cởi bỏ ách Bắc Thuộc cho dân tộc Việt Nam mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn... về sau nầy, vẫn chưa có sử liệu nào xác định đích xác lãnh thổ nước Việt Nam dưới thời nhà Ngô.
Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào địa bàn hoạt động của 12 sứ quân sau thời Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn để thấy rằng vào thời kỳ này, trung tâm sinh hoạt của dân tộc Việt Nam ở vùng châu thổ sông Hồng. Sau khi Ngô Quyền giành lại độc lập thì lãnh thổ của chúng ta thời đó chỉ còn giới hạn trong Tượng Quận, mà người Tàu đã đổi ra làm 2 quận là Giao Chỉ, tức vùng châu thổ sông Hồng, và Cửu Chân, tức vùng châu thổ sông Mã. Nghĩa là vào thế kỷ thứ X, diện tích nước Việt Nam chúng ta chỉ vào khoảng 150.000 cây số vuông, trong số đó chỉ có khoảng 22.000 cây số vuông đồng bằng. Chính vì lý do đó mà cha ông chúng ta phải tìm phương mở cõi để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng dân số của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh lý do kinh tế nầy, còn hai lý do nữa là sự nhượng đất của Champa và lý do an ninh lãnh thổ, vì như trên đã nói, phía bắc Đại Việt luôn bị áp lực nặng nề của Trung Hoa, mà nước nầy lại quá lớn nên Đại Việt không thể nào mở cõi về phương Bắc.

Hơn nữa, trong suốt quá trình lập quốc Trung Hoa đã tỏ ra cực kỳ hiếu chiến và luôn dồn nén dân tộc Việt Nam về phía Nam. Trong khi phía nam thì Champa đã được độc lập từ thế kỷ thứ II và lại luôn mang quân sang đánh phá Đại Việt, và vì lực lượng của Champa có phần ngang ngữa với Đại Việt, nên dân tộc Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác hơn là tiến về phương Nam(16). Dân tộc Việt Nam luôn phải đối đầu với một dân tộc lớn và hiếu chiến từ phương Bắc. Chính vì thế mà Bách Việt, trong đó có Lạc Việt phải liên tục bị lấn ép phải chạy về phương Nam. Tuy nhiên, dầu hiếu chiến thế mấy, dầu lúc nào cũng muốn thôn tính Việt Nam, người Tàu cũng không thể làm gì được trước sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Từ lưu vực sông Dương Tử người Việt Nam bị dồn ép phải chạy về phương Nam, chiếm cứ các vùng bình nguyên tại vùng Bắc Phần ngày nay ngay từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Tại đây họ đã thành lập một xã hội có quy củ hẳn hòi và sau đó họ tiếp tục đi về phương Nam. Đến thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch, dân Việt Nam đã tiến đến lưu vực sông Mã và sông Cả (Bắc Trung Phần). Vào năm 939, Lạc Việt đã giành lại độc lập chỉ với một phần đất của Tượng Quận ngày trước với một dân số trên 3.000.000 người(17). Tuy có bị khựng lại vì sức đề kháng của người Chiêm, nhưng rồi sức mạnh Nam tiến của người Việt Nam cứ như sức nước âm ỉ xoáy vào con đê Chiêm Thành để rồi cuối cùng Việt hóa cả Chiêm bang lẫn Thủy Chân Lạp một cách êm thấm. 
Mời xem tiếp Phần 2
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:

***

 

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Khúc Đắng

Bài xướng

          Khúc Đắng

Sương buồn nhuốm lạnh mấy cung tơ
Hiu hắt cành khô đẫm lệ mờ
Cung Quế vắng tênh tìm mộng cũ
Hằng Nga chiếc bóng tủi ngày thơ
Chương Đài khóc hận đời chia cách
Mòn mỏi Tiêu Tương kiếp đợi chờ
Én bắc nhạn nam tình viễn xứ
Canh tàn quạnh quẽ bóng trăng trơ
                              Quên Đi

Các Bài Thơ Hoạ

        Thu Buồn

Lành lạnh thu buồn kén nhả tơ,
Vầng trăng tròn khuyết móc sương mờ.
Thương người chiếc bóng cao niên kỷ,
Tiếc bạn đơn thân luống tuổi thơ.
Số phận hẩm hiu không kẻ đợi,
Duyên tình lận đận chẳng ai chờ.
Trời Tây, đất Việt, còn xa xứ,
Thui thủi mình ta mắt cứ trơ.
             Mai Xuân Thanh
***
       Đàn Trong Đêm

Một làn tóc mượt xõa như tơ
Một dáng thanh thanh dưới nguyệt mờ
Một khúc đàn tranh vang thánh thót
Một tà áo mỏng khoác nên thơ
Một bờ môi mọng run tha thiết
Một nét mi cong khép ngóng chờ
Một thoáng nhìn nghiêng đầy mộng ảo
Một đêm huyền hoặc ánh sao trơ.

                            Phương Hà
***
       Khúc Yêu

Yêu em tóc xỏa mịn như tơ
Yêu cả vừng trăng lúc tỏ,mờ
Yêu đến ngất ngây vì cảnh đẹp
Yêu càng tha thiết bởi tình thơ.
Yêu mong nhớ lại ngày dan díu
Yêu muốn quên đi thuở đợi chờ
Yêu đã do yêu rồi bỏ cuộc
Yêu nay ngó lại mảnh đời trơ…
                            Thái Huy
***
      Đoản Khúc Chờ


Nhớ tiếng đàn em nhả khúc tơ
Nhớ ngày hai đứa chung trường lớp

Nhớ khi xoã tóc dưới trăng mờ
Nhớ ngày hai đứa chung trường lớp
Nhớ tối chụm đầu góp ý thơ
Nhớ Liễu Chương Đài ôm gối mộng
Nhớ Trai Chí Dị  lúc mong chờ
Nhớ tình thơ ảo vui trên mạng
Gọi mãi tên người...cứ lặng trơ
                     Song Quang
***
   Công Viên & Điệu Nhớ

Ráng lụn đèn vàng nhả áng tơ
Công viên ảnh nhạt lối quen mờ
Hàng cây lặng lẽ buồn năm tháng
Ghế đá âm thầm tủi bóng thơ
Gói mộng cô đơn nơi bến đợi
Chìm thương héo hắt mảnh sân chờ
Lòng đau lá úa sầu cô lẻ
Lịm giấc mơ tàn ánh điện trơ!

           Nguyễn Đắc Thắng
***

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Một Luật Niêm Thú Vị


       Độc Tiểu Thanh ký

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư, 
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư. 
Chi phấn hữu thần liên tử hậu, 
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư. 

Cổ kim hận sự thiên nan vấn, 
Phong vận kỳ oan ngã tự cư. 

Bất tri tam bách dư niên hậu, 
Thiên hạ hà nhân khấp tố như?
                        Nguyễn Du


Đây là bài thơ Đường Luật của Nguyễn Du được hậu thế biết nhiều nhất sau Truyện Kiều. Nhưng cũng là bài thơ gây tranh cải nhiều nhất.

Trước đây khá lâu, một trưởng bối là Linh Đàn còn đề nghị Bộ Giáo Dục đổi vị trí câu 1 và 2; cũng như cặp Thực và cặp Luận trong sách giáo khoa:

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ...

Như thế mới đúng niêm luật của thơ Đường Luật (theo Newvietart.com)

Nguyễn Cảm Xuyên trong bài Tiểu Luận đăng trên Kiến Thức Ngày nay số 896 ngày 20/72015 có trích đoạn bài viết của GS Nguyễn Khắc: 
“...Bài thơ bị thất niêm do chữ thứ nhì của câu đầu là chữ “hồ” (vần bằng) không niêm với chữ thứ nhì câu 8 là chữ “hạ”(vần trắc); chữ thứ nhì câu 6 là chữ “vận” (vần trắc) không niêm với  chữ thứ nhì của câu 7 là “tri” (vần bằng) . Ngoài thất niêm, bài thơ lại thất luật: 6 câu đầu thuộc luật bằng, 2 câu cuối thuộc luật trắc(1). Việc thất niêm  thất luật này xảy ra với bài thơ chỉ do 2 câu cuối. Xem kĩ thì đây cũng không thuộc trường hợp do tác giả cố ý phá cách để tạo nét độc đáo trong nội dung..." 
Về việc này, Học giả Nguyễn Quảng Tuân viết: “...Có phải Nguyễn Du muốn “phá cách” chăng? Chúng tôi không cho là như vậy, vì các bài thơ “phá cách” đều được phá ngay từ câu mở đầu, chứ không có trường hợp nào sáu câu đầu làm theo luật bằng và hai câu cuối lại làm theo luật trắc.

Ý kiến được nhiều người ủng hộ nhất, là do chính Tác giả phá cách.
Riêng cá nhân tôi, không cùng quan điểm với bất cứ ý kiến nào bên trên, kể cả ý kiến cho rằng bài thơ do chính Tác giả phá cách.

Chúng ta cùng điểm lại các bài thơ Đường Luật của Ta cũng như Tàu có trước Nguyễn Du.
Ở Việt Nam, cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ  Nhân Tình Thế Thái thứ 21 có tên Dĩ Hoà Vi Quý :

     Dĩ Hoà Vi Quý
Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Ðấy cậy đấy khôn, đây chẳng nhịn
Ðây rằng đây phải, đấy không thua 
Duật nọ hãy còn đua với bạng
Lươn kia hầu dễ kém chi cò 
Chữ rằng nhân dĩ hoà vi quý 
Vô sự thì hơn kẻo phải lo
               Nguyễn Bỉnh Khiêm

Không như Nguyễn Du ở hai câu cuối, Trạng Trình nhà Ta không theo Niêm ở hai câu Thực.
Bây giờ chúng ta nhìn sang Tàu, ngược dòng thời gian, tìm đến những nhà thơ nổi tiếng thời Đường:

- "Thành Tây Pha Phiếm Chu" của Đỗ Phủ  :
  Ở bài thơ này
 giống như bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thanh nga hạo xỉ tại lâu thuyền
Hoành địch đoản tiêu bi viễn phương
Xuân phong tự tín nha tường động
Trì nhật từ khan cẩm lãm khiên
Ngư xuy tế lãng dao ca phiến
Yến xúc phi hoa lạc vũ diên
Bất hữu tiểu chu năng đãng tương

Bách hồ na tống tửu như tuyền


- "Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài" của Lý Bạch :
Bài thơ này cũng như bài trên

Phượng hoàng đài thượng phượng hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật

Trường an bất kiến sử nhân sầu

- "Chước Tửu Dữ Bùi Địch" của Vương Duy :
Riêng bài thơ này thì xem như toàn bài.

Chước tửu dữ quân quân tự khoan
Nhân tình phiên túc tự ba lan
Bạch thủ tương tri do án kiếm
Chu môn tiên đạt tiếu đàn quan
Thảo sắc toàn kinh tế vũ thấp
Hoa chi dục động xuân phong hàn
Thế sự phù vân hà túc vấn
Bất như cao ngọa thả gia san.
    


Qua 5 bài thơ của các thi nhân: Thi Hào Nguyễn Du, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thi Thánh Đỗ Phủ, Thi Tiên Lý Bạch và Thi Phật Vương Duy, 5 nhà thơ có thể nói nổi tiếng vào bậc nhất trong nền thi ca của Việt và Tàu, gợi cho chúng ta điều gì?
Chẳng lẽ cả 5 người đều thất niêm hay phá cách giống như nhau?
Hay còn một nguyên nhân nào khác, khiến các câu thơ không như Luật Niêm mọi người thường dùng ? 
Điều này thể hiện rõ nhất ở bài "Chước Tửu Dữ Bùi Địch" của Vương Duy.
Các câu 1; 3; 5; 7 có cùng Bằng Trắc hay nói chính xác hơn là Niêm với nhau.
Tương tự, các câu 2; 4; 6; 8 Niêm với nhau.
Qua nhận xét trên, chúng ta thấy các câu lẻ Niêm với lẻ. Các câu chẵn Niêm với chẵn.
Điều này hoàn toàn trái ngược với luật Niêm mà mọi người đều biết và sử dụng: 
- 1; 4; 5; 8 Niêm với nhau.  2; 3; 6 ;7 Niêm với nhau.

Riêng cá nhân tôi, thỉnh thoảng cũng có làm những bài thơ Đường Luật theo dạng này. Thí dụ như bài "Quê Xưa":

            Quê Xưa
Đây con đường đất mảnh vườn xưa
Thấp thoáng xa xa mấy rặng dừa
Quê nghèo mái lá đìu hiu vắng
Xóm nhỏ lều tranh rải rác thưa
Cây rơm chỗ đó đêm trăng giỡn
Bến nước nơi này nghịch nắng trưa
Cảnh cũ còn vương trong ký ức
Tình quê thắm thiết nói sao vừa
                                  Quên Đi

Kết Luận

Từ phân tích những bài Thơ Đường Luật ở trên, đã dẫn chúng ta đến một kết luận:
"Trong thơ Đường Luật trước đây đã tồn tại một luật Niêm thứ hai, nhưng ít được giới làm thơ ngày nay sử dụng (tương tự như thơ Đường Luật gieo vần Trắc), cũng như ít thấy tài liệu nào nói đến.
- Luật Niêm thứ nhất : 1 - 4 ; 2 - 3 ; 5 - 8 ; 6 - 7 . Luật Niêm thông dụng.
- Luật Niêm thứ hai   : 1 - 3 ; 2 - 4 ; 5 - 7 ; 6 - 8 .
 Luật Niêm ngày nay ít thấy sử dụng
- Hoặc sự pha trộn giữa hai luật niêm trên.


Vì thế, tôi cho rằng bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký không hề sai luật cũng như không hề phá cách. Tác Giả đã sử dụng cả hai luật Niêm khi sáng tác bài thơ này. 

Bi đát hơn các bài thơ Đường Luật gieo vần Trắc, dạng luật Niêm này không được người làm thơ dùng, nên đã biến mất. Có lẽ thi hào Nguyễn Du là người cuối cùng sử dụng dạng này khi "Độc Tiểu Thanh Ký" được ghi chép và lưu lại cho hậu thế.

    Huỳnh Hữu  Đức
---------