Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Sự Tích Trầu, Cau, Vôi

Ngày xưa một nhà nọ có Tân và Lang là hai anh em ruột, đặc biệt dáng người và mặt mày giống nhau như đúc, đến nỗi chính người nhà cũng nhiều phen nhầm lẫn. Cha họ là một người cao to nhất trong vùng đã từng được vua Hùng triệu về Phong-châu ban thưởng và đặt tên là Cao. Từ đó gia đình lấy tiếng "Cao" làm tên họ.   Hai anh em lớn lên thì cha mẹ nối nhau qua đời. Cả anh lẫn em quyến luyến nhau không chịu rời nửa bước. Người cha trước khi mất có gửi gắm Tân cho một đạo sĩ họ Lưu. Nhưng khi Tân đến theo học thì Lang không chịu ở nhà một mình, chàng cũng cố xin cùng được học với anh một thể. Nhà họ Lưu có một cô con gái cũng cùng lứa tuổi với họ. Để tìm hiểu người nào là anh người nào là em, một hôm cô gái họ Lưu bày ra một mẹo nhỏ. Giữa lúc họ đang đói, nàng chỉ dọn cho họ một bát cháo với một đôi đũa. Đứng sau khe vách, nàng thấy người này nhường cháo cho người kia ăn. Nàng lẩm bẩm: - À, ra anh chàng vui tính kia là anh!".   Từ đó giữa Tân và cô gái có nhiều cuộc gặp gỡ. Tình yêu giữa hai người mỗi ngày một khăng khít. Thấy thế, đạo sĩ họ Lưu vui lòng gả con cho Tân. Sau khi cưới, hai vợ chồng đến ở một ngôi nhà mới, có Lang ở chung.   Từ ngày lấy vợ, Tân tuy vẫn chiều chuộng em nhưng không âu yếm em như trước nữa. Trước kia Lang thường được anh chăm sóc nhưng bây giờ thì chàng có nhiều ngày cô đơn. Lang nhận thấy nhiều khi Tân muốn lánh mình. - Phải rồi, anh ấy mê vợ quên ta". Trong lòng Lang đầy chán nản buồn bực.   Một hôm Lang và Tân cùng lên nương đến tối mịt mới về. Lang về trước. Chàng vừa bỏ chân lên ngưỡng cửa thì vợ Tân từ trong buồng  chạy ra ôm chầm lấy mình. Lang kêu lên. Cái nhầm của chị dâu làm cho cả hai người cùng ngượng nghịu xấu hổ. Giữa lúc đó thì Tân bước vào nhà. Từ đây Lang lại biết thêm một tính tình mới của anh. Tân ghen em. Cái ghen làm tăng thêm sự hững hờ của Tân đối với chàng[1]. Lang vừa giận vừa thẹn. Chàng muốn bỏ nhà ra đi cho bõ ghét. Một hôm trời mới mờ sáng, Lang quyết định khởi hành. Chàng cứ theo con đường mòn đi mãi, trong lòng đầy bực bội oán trách. Đi luôn mấy ngày dường, Lang tới bờ một con sông lớn. Thấy nước chảy xiết, chàng lấy làm ngại ngùng. Xung quanh không nghe qua một tiếng gà gáy chó sủa. Nhưng Lang quyết không chịu trở lại. Lang ngồi cúi gục trên bờ, ôm mặt khóc. Chàng khóc mãi, khóc mãi, đến nỗi những con chim đi kiếm ăn khuya vẫn còn nghe tiếng nức nở. Sáng hôm sau, Lang chỉ còn là một cái xác không hồn. Chàng đã hóa đá.   Tân thấy mất hút em thoạt đầu không để ý. Mãi sau vẫn không thấy em về, Tân bổ đi tìm các nhà quen nhưng cũng không thấy tăm dạng. Biết là em bỏ đi vì giận mình, chàng lấy làm hối hận. Hôm sau nữa, cũng không thấy về, Tân hoảng hốt để vợ lại nhà, cất bước đi tìm. Sau mấy ngày, chàng đã đến bờ một con sông rộng. Không có cách gì qua được Tân đi men dọc sông, cuối cùng thấy em đã hóa thành đá. Tân đứng bên cạnh hòn đá khóc mãi cho đến lúc chỉ còn có tiếng nước cuồn cuộn chảy dưới bờ mà thôi. Tân chết và hóa thành một cây thân mọc thẳng lên trời, bên cạnh hòn đá.   Vợ Tân chờ mãi không thấy chồng về, cũng bỏ nhà đi tìm. Nhưng cuối cùng con sông nọ cũng ngăn cản bước chân của nàng. Người đàn bà ấy ngồi lại bên cạnh cây, khóc cạn cả nước mắt. Và sau đó nàng chết hóa thành một cây dây quấn quanh lấy cây kia.   Đợi mãi không thấy ba người về, vợ chồng đạo sĩ nhờ mọi người chia nhau tìm kiếm. Trước hòn đá và hai cây lạ, họ chỉ còn biết dựng miếu thờ cả ba người trẻ tuổi ở ven sông. Nhân dân quanh vùng gọi là miếu "anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa"[2].   Về sau, một năm nọ trời làm hạn hán rất dữ. Mọi cây cỏ đều khô héo cả. Duy hai cây mọc bên cạnh hòn đá trước miếu là vẫn xanh mượt. Mọi người cho là linh dị. Vua Hùng một hôm ngự giá qua xứ đó. Khi đi qua trước miếu, vua hơi ngạc nhiên vì cảnh lạ cây lạ: -"Miếu này thờ vị thần nào? Mấy loại cây này ta chưa từng thấy bao giờ?". Để trả lời câu hỏi của vua, Lạc tướng cho gọi mấy cụ già ở quanh vùng đến hỏi.   Hùng Vương càng nghe, không ngăn được sự cảm động. Vua vạch lá trèo lên nhìn khắp mọi chỗ. Đoạn, vua sai một người trèo cây hái quả xuống nếm thử. Vị chát không có gì lạ. Nhưng khi nhai với lá cây dây thì một vị là lạ đến ở đầu lưỡi: nó vừa ngon ngọt, vừa thơm cay.   Tự nhiên có một viên quan hầu kêu lên: - "Trời ơi! Máu!" Mọi người giãn ra kinh ngạc. Thì ra những bãi nhai quả và lá của hai thứ cây đó một khi nhổ xuống đá bỗng đỏ ối ra như máu. Vua sai lấy cả ba thứ nhai lẫn với nhau thì bỗng người thấy nóng bừng như có hơi men, môi đỏ tươi sắc mặt hồng hào tươi đẹp. Vua bảo: - Thật là linh dị! Đúng là họ rồi! Tình yêu thương của họ thật là nồng nàn thắm đỏ. Từ đó vua Hùng ra lệnh cho mọi nơi phải gây giống cho nhiều hai loại cây ấy. Điều đáng chú ý là luật của nhà vua bắt buộc trai gái khi kết hôn thế nào cũng phải tìm cho được ba món: trầu, cau và vôi cho mọi người nhai nhai nhổ nhổ một tý để ghi nhớ tình yêu không bao giờ phai lạt. Vì thế từ đó dân Việt mới có tục ăn trầu[3].
 


KHẢO DỊ
 
1. Trong Lĩnh-nam chích quái cũng như trong một số sách chép truyện cổ khác không thấy nói đến kết quả của tình tiết "hai anh em giống nhau như đúc". Chúng tôi thấy đó có lẽ là một thiếu sót của người chép truyện, nên ở đây dựa vào quyển Tình sử Việt-nam. Cái ghen của Tân là nguyên nhân của việc Lang bỏ nhà ra đi và cũng là hậu quả của việc hai anh em giống nhau đến nỗi làm cho nhiều người nhầm lẫn. 2. Cũng theo Lĩnh-nam chích quái thì Lang chết hóa làm cây cau, Tân hóa làm hòn đá còn vợ Tân hóa làm cây trầu. Ở đây chúng tôi theo sách Sử Nam chí dị chép Lang hóa làm hòn đá. Tân hóa làm cây cau là những hình tượng có mối quan hệ hợp lý hơn (về điểm này chúng tôi đồng ý với ý kiến Trần Thanh Mại trong Tìm hiểu và phân tích truyện cổ tích Việt-nam). Riêng sách Mỹ Ấm tuỳ bút tuy cũng kể như Sử Nam chí dị, nhưng lại cho rằng phải đợi sau khi chôn cả ba rồi mới được trời cho hóa. Cũng sách này có kể một số tình tiết hơi khác, nhất là ở đoạn kết: Hai anh em Tân và Lang giống nhau như tạc, càng lớn càng giống và yêu mến nhau, đi đâu không rời nửa bước; việc đó làm cho người vợ của Tân - Lưu thị - mấy lần nhầm lẫn, rất xấu hổ. Lang sợ có điều không hay bèn xin anh ra ở riêng, nhưng anh không cho. Một hôm Lang bỏ nhà ra đi lên vùng núi, định sống lẩn lút ở đây, nhưng dầm phải sương gió nên chết ở cạnh rừng, được dân địa phương chôn cất thành mộ. Không thấy em về, Tân bỏ nhà đi tìm. Khi Tân đến đây, dân làng ban đầu sợ hãi tưởng người chết hiện ra, vì thấy giống người chết như tạc. Khi nghe nói người em đã chết Tân ngất đi và chết theo. Dân địa phương bèn chôn bên cạnh mộ người em. Lưu thị cũng bỏ nhà đi tìm, đến đây nghe nói chồng và em chồng đều chết, liền ôm lấy mồ khóc mãi, rồi cũng chết và cũng được chôn bên cạnh. Hành động của họ cảm động đến Trời. Trời cho em hóa đá (biểu thị sự trong trắng), anh hóa thành cây cau (ngay thẳng độc lập, mở dạ cho ai nấy thấy), Lưu thị hóa thành cây trầu (tiết hạnh thơm cay). Đoạn sau nói về vua Hùng cũng như trên đã kể[4]. 3. Cũng theo Trúc Khê, sách dã dẫn, thì ngôi đền thờ ba người hiện nay là đền Tam-khương ở làng Nam-hoa, huyện Nam-đàn (Nghệ-an) mà các triều đại phong kiến vẫn có sắc phong tặng. Đồng bào thiều số ở Nghệ-an cũng có Sự tích trầu, cau và vôi nội dung khác với các truyện trên: Một người có chín con gái cùng đi cuốc cỏ dâu. Trưa lại mệt, chị em nói đùa với nhau: "Giá có ai cuốc hộ thì sẽ lấy làm chồng". Nghe thấy vậy một con quỷ hiện ra nói: - "Phải thế thì hãy nhắm mắt lại, tôi cuốc cho". Quả nhiên khi mở mắt, mấy chị em đều thấy nương dâu đã cuốc sạch làu. Quỷ đưa chín cô về lần lượt ăn thịt đến cô thứ tám. Cô út là nàng Khăm Xuân sợ quá, bỏ trốn. Một đàn gà rừng bảo: - "Muốn sống thì chui xuống lỗ khoai mài". Cô xuống, gà bẻ lá phủ cho nên quỷ không tìm ra. Khi quỷ đi khỏi, gà bảo nàng trèo lên tiếp tục đi nữa, hễ gặp người nào thì hỏi đường, người ta sẽ chỉ cho. Một bà tiên hiện ra bảo cô cứ đi theo sợi dây song cho đến ngọn. Đến nơi, hóa ra đó là cõi âm; ở đây cũng có nhà của ruộng vườn. Một người đàn ông là Chàng Ngược lấy cô làm vợ. Hắn chuyên làm mưa ở trần gian, nhưng vì có vợ hắn quên cả chức trách, ba tháng không ra khỏi nhà, nên trần gian ruộng nương khô cạn, người kêu van khắp nơi. Sau đó, hắn phải từ biệt vợ ra đi làm mưa, dặn vợ cứ luôn luôn ở nhà, ai rủ đi đâu cũng đừng nghe. Ở nhà, hai người vợ cũ của Chàng Ngược đến rủ: - "Có muốn coi voi đánh nhau không?" - "Không" - "Có muốn coi gương lược đánh nhau không?" - "Không" - "Có muốn coi ông bà gia không?" - "Kể từ khi về nhà chồng đến nay tôi chưa biết mặt mũi ông bà gia, cho đi với". Đến nơi, Khăm Xuân chỉ thấy hai con rồng to lớn, sợ quá, chạy về, mắt luôn luôn nhắm lại. Khi chồng về biết chuyện, đành phải trả Khăm Xuân lên trần. Lên đến nơi vẫn thấy vợ nhắm hai mắt, chồng bảo: - "Thôi đến nơi rồi. Chúng ta chia tay ở đây. Lúc nào gặp hoạn nạn gọi tôi, tôi sẽ đến". Khăm Xuân đang đi dọc bờ sông thì gặp chàng Nước. Chàng Nước lại dỗ dành lấy nàng làm vợ. Cuộc tình duyên êm đẹp, chỉ có điều bố chồng không ưa nàng dâu. Một hôm bố chồng bảo con dâu đi bắt cá sông. Khăm Xuân không bắt được. Nàng đến bờ sông gọi tên chồng cũ. Chàng Ngược lên bảo: -"Muốn bắt cá sông thì sáng dậy ra mà bắt, nhưng phải dặn mọi người rằng nếu ai có thấy cây gỗ lạ thì cũng đừng đụng đến". Sáng ra, thấy có một cây gỗ lớn nằm ngang sông mà vực sông ở chỗ đó cạn, cá rất nhiều, Khăm Xuân và mọi người đua nhau đi bắt. Người bố chồng thấy sự lạ cũng ra xem, thấy cây gỗ lạ bèn lấy gậy sắt đâm vào. Không ngờ đó là Chàng Ngược. Bị thương, Chàng Ngược, tức cây gỗ, nổi lên, nước chảy ào ào vào vực, phần lớn người đi bắt cá đều bị chết đuối. Bố chồng đổ tội cho nàng dâu giết dân, Khăm Xuân ra bến ngồi khóc rồi lấy lửa đốt cây gỗ để sưởi. Đốt một lúc bỗng thấy trong đống lửa không phải gỗ mà là Chàng Ngược đã chết cháy. Khăm Xuân thương quá, nhảy vào lửa cháy luôn. Chàng Nước về thấy thế cũng nhảy vào lửa cháy nốt (tình tiết này giống với kết thúc truyện Sự tích ông Đầu rau. số 21). Bố chồng chôn cất mỗi người một mộ. Về sau cây gỗ hóa thành cây cau. Khăm Xuân hóa thành cây trầu leo lên cây cau. Chàng Nước hóa thành đá vôi. Bố chồng lấy cau ăn với trầu, nhổ nước vào đá thấy nước đỏ dẹp, bèn hái về ăn để giải phiền. Từ đấy có tục ăn trầu[5].  4. Đồng bào Ca-tu (ở phía Tây tỉnh Quảng-nam và Thừa-thiên) có một truyện nói về sự tích trầu, cau và vôi tuy khác truyện của ta nhưng hình ảnh đoạn kết lại có phần tương tự: Một bà già gả một trong mười cô con gái cho chàng Rắn để trả ơn.  Ở với Rắn, cô gái đẻ được một đứa con. Một hôm vì các chị xúi bẩy, cô bị răng rắn cắm vào người, chết ngay. Áo quan trôi theo dòng nước, lọt vào cái dó của ông Na, được ông này cứu cho sống lại. Ông Na lấy cô làm vợ, đẻ dược một con nhưng vẫn chưa làm lễ cưới. Ngày cưới, chàng Rắn đến dự. Một cuộc chiến tranh dữ dội diễn ra giữa Rắn và ông Na. Cô gái lấy gói thuốc trong rừng gói thành từng gói chuẩn bị ném cho cả hai bên để bôi cho lành vết thương. Ném cho Rắn, không ngờ Rắn hóa thành cây cau. Ném trúng ông Na, ông Na hóa thành hòn đá. Cô thương quá đứng trên hòn đá ôm lấy cây cau, thì lại hóa thành cây trầu, gốc mọc ở đá, ngọn leo lên cây cau. Truyện còn kể thêm hai đứa con của Rắn và ông Na đến nhặt gói thuốc thứ ba thì hóa thành cối chày giã trầu. Dân làng chạy đến xem cũng hóa thành những cây chay. Có một mụ cơ-rúa (đàn bà ngồi lê) đi xúc tép qua đó, thấy cây hay hay, bèn hái lá trầu ăn với quả cau rồi nhổ nước vào đá, đá đang trắng hóa đỏ. Mụ lấy trầu cau, vôi và chay ăn chung với nhau, tự nhiên thấy môi đỏ, người hóa đẹp ra. Nhà vua nghe tin, đòi mụ về triều, thấy mụ đẹp bèn phong làm hoàng hậu. Nghe lời mụ, vua sai lính đến đào các cây cau trầu đem về, nhưng đào đi bao nhiêu cau trầu vẫn mọc nhiều thêm, không bao giờ hết giống[6]. Người Thái cũng có truyện Tình nhân biến thành trầu cau nói đến ba người bạn học, trong đó có một cô gái giả trai cuối cùng hóa ra trầu cau và vôi. Truyện này có mô-típ hoàn toàn khác các truyện trên.
 

[1] Theo Trúc Khê. Tình sử Việt-nam. [2] Theo Sử Nam chí dị. [3] Theo Lĩnh-nam chích quái. [4] Trong Nông công thương (1939). [5] Theo Bản khai của tổng Thanh- xuyên. [6] Theo Truyện cổ Ca-tu.

( Theo http://maxreading.com/  )

Còn Chi Lưu Luyến


Cố giữ chi em cũng bằng thừa
Tình yêu thuở nhỏ đã quá xưa
Lưu luyến gì đây khi bóng xế
Cho dẫu tình yêu mãi không xưa
               Thôi đừng lưu luyến thuở đôi mươi
               Cái tuổi tình si đã xa vời
               Giờ ôm dĩ vãng càng thêm xót
               Chuyện tình bến đỗ chẳng còn nơi
Có duyên do nợ từ kiếp trước
Khối tình xin hẹn biết nói sao
Một nửa quãng đời đà lỡ nhịp
Thôi thì ngoảnh mặt chẳng nhìn nhau
                                         Quên Đi


Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Hữu Sở Cảm - Phạm Đình Hổ

     Phạm đình Hổ sinh năm Mậu Tý (1768) người huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương .Từ nhỏ 9 tuổi ông đã học Hán thư , nhưng chỉ đổ đến sinh đồ ( Tú Tài) vào cuối đời Lê chiêu Thống . Trong thời loạn lạc , vua LcTchạy sang cầu viện nhà Thanh , rồi Lê-Trịnh sụp đổ, Tây Sơn cầm quyền , PĐH sống cơ cực dạy học ở quê nhà. Năm 1821 Vua Minh Mạng ra Bắc, ông được triệu vào Huế làm Hành tẩu Viện Hàn Lâm, được ít lâu ông xin từ chức .. Năm Minh Mạng thứ 7 ( 1826 )vua lại triệu ông cho làm Thi giảng học sĩ .Năm 1832 ông về hưu luôn , mất năm 1839 , thọ 71 tuổi .
Trong thơ ông , bên cạnh những bài viết về cái nghèo khổ , cái bất đắc chí của mình ,cái tình cảm bạn bè cùng cảm quan lịch sử còn có một số bài viết về các thiếu nữ trẻ trung ngây thơ thật độc đáo .
Chúc tất cả an vui cuối tuần .
Thân kính
Mailoc 
       Hữu Sở Cảm
                  Nguyên tác: Phạm Đình Hổ
 

             Hữu Sở Cảm   
長安小兒女,Trường An tiểu nhi nữ;
纖手丱丫鬟。Tiêm thủ quán nha hoàn. 

深閨不知苦,Thâm khuê bất tri khổ
猶掃落花看。Do tảo lạc hoa khan. 
長安小兒女,Trường An tiểu nhi nữ;
眉黛月雙彎。Mi đại nguyệt song loan. 
為愛梅花潔,Vị ái mai hoa khiết
臨風不覺寒。Lâm phong bất giác hàn. 
長安小兒女,Trường An tiểu nhi nữ;

 花前獨倚欄   Hoa tiền độc ỷ lan.
只怕檀郎聽,Chỉ phạ đàn lang thính
橫琴笑不彈。Hoành cầm tiếu bất đàn

Dịch Thơ
                           Cảm Xúc 
           (1)

            Nơi Trường An một cô bé gái
           Tay thon thon hai mái bện dài .

             Phòng khuê nào biết u hoài ,

   Nhìn hoa rơi rụng sân ngoài quét chơi .
           Nơi Trường An một cô bé gái ,
      Đôi mày cong nguyệt hãy còn non .

           Vì yêu mai đẹp trắng trong ,
  Ngắm hoa quên lạnh gió đông rạc rào .
        Nơi Trường An một cô gái nhỏ
        Tựa lan can bên đóa mai vàng .

        Ngại ngần động đến tai chàng ,

Nhoẻn cười không gẩy ôm đàn lặng yên .
 

       (2)

Trường An một gái nhỏ ,
Ngón thon tóc bện dài  .

Phòng khuê nào biết khổ ,

Lặng nhìn quét hoa bay .

                  Trường An một cô bé ,
                  Trăng non mày cong cong .

                  Vì yêu nụ mai hé ,

                  Quên lạnh giữa gió đông .

Trường An cô gái nhỏ ,
Bên hoa tựa lan can .

Sợ chàng tai thính rõ ,

Không gẩy cười ôm đàn .

                                 Mai Lộc

                Giao Cảm
Cô gái Trường An nho nhỏ
Đôi tay nâng bím tóc xinh

Khuê phòng biết chi là khổ

Nhặt hoa rụng trước hiên thềm.

                   Cô gái Trường An nho nhỏ

                  Mày cong như cánh cung trăng

                  Bởi yêu cánh mai trong ngần

                  Ra gió trời đông, chẳng rét.

Cô gái Trường An nho nhỏ

Một mình tựa cửa ngắm hoa

Ôm ngang đàn cầm, không gảy

Sợ người yêu chợt đi qua !...

               Phương Hà phỏng dịch.
                      ( 20/10/2014 )

  Có Niềm Cảm Xúc
Trường An cô thiếu nữ,
Tay ngọc bới tóc cao.
Phòng khuê nào biết khổ,
Quét hoa dạ chẳng nao !

                  Trường An cô thiếu nữ,
                  Mày trăng mới cong sao !
                  Thương mai hoa tinh khiết
                  Gió bấc chẳng lạnh nào !

Trường An cô thiếu nữ,
Ngắm hoa tựa lan can.
Vì sợ chàng nghe ngóng,

Cười e ấp không đàn !
 
                Đỗ Chiêu Đức


       Xúc Cảm
Cô nhỏ xứ Trường An
Tay vấn tóc đôi hàng
Khuê phòng sao biết khổ
Quét hoa rụng ngẩn ngơ
               Cô nhỏ xứ Trường An
               Đôi mày cong vành trăng
               Yêu hoa mai trong trắng
               Gió về không thấy lạnh
Cô nhỏ xứ Trường An
Trước hoa đứng dựa giàn
Sợ tình lang nghe thấy
Ôm đàn cười chẳng khảy.
                      Quên Đi


        Cảm Xúc
Người con gái Trường An
Đôi hàng tóc búi cao
Phòng khuê khổ nào biết
Thong thả quét hoa rơi
                   Cô gái nơi Trường An
                   Mày ngài vòng nguyệt cong
                   Lòng yêu nụ mai trắng
                   Chẳng lạnh khi gió về
Cô gái quê Trường An
Tựa lan can cạnh hoa
Sợ tình lang nghe tiếng
Chẳng khảy ôm đàn cười
                      Kim Phượng


Thơ Tranh: Thơ Và Thi Nhân


Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Kim Oanh

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Xướng Hoạ : Cảm Thu - Bến Nhân Sinh

Bài Thơ Xướng                Thơ Hoạ

         Cảm Thu                                 Bến Nhân Sinh

Đường chiều nắng lưa thưa  ,       Dòng đời bóng tà thưa
Liễu rũ cành đong đưa .               Đò chiều nhộn nhịp đưa
Lào xào trong hoa lá ,                  Khách dồn chân bước vội
Vai gầy lá thu mưa  .                    Heo may lất phất mưa

Nắng thôi rồi cũng phai ,              Sắc hồng đã nhạt phai
Mây xám buồn bay bay .              Trong gió bụi mù bay
Thương nhớ ! ôi thương nhớ !      Chiếc lá vàng chao đảo
Một cánh chim lạc loài .               Đến điểm cuối muôn loài

Vắng cung đàn tiếc thương ,         Nơi bến đổ yêu thương
Bao dĩ vãng mờ sương .               Mờ dần giữa hơi sương
Tuổi vàng không trở lại ,              Biết bao người lỡ chuyến
Hiu hắt mộng thiên đường .          Nhân sinh mấy nẻo đường

Dòng đời theo tháng năm ,           Từng năm lại từng năm
Sỏi đá vết lăn trầm .                     Tiếp nối những thăng trầm
Lạnh lùng vầng trăng khuyết  ,      Kia lữ hành cô độc
Nước dưới cầu như băng .            Đời như một tảng băng

Lòng như mặt hồ thu ,                  Hồn tựa lá mùa thu
Gió đâu về vi vu  .                        Lòng tựa cõi hoang vu
Thì thầm sương trên lá ,                Bến nào nơi ẩn náu
Trong bóng đêm mịt mù !             Trong hư ảo mây mù
                          Mailoc                               Quên Đi
                  10-3-14


Mùa Thu Tháng Tám


Lá úa vàng vào mùa Thu tháng Tám
Như đầu xanh nhuốm bạc buổi hoàng hôn
Thu về chi cho đất trời ám đạm
Cho lòng người thêm trống trải cô đơn

Sen tàn tạ bên hồ Thu tháng Tám
Tiễn hè đi theo giọt nắng tàn phai
Mây mỏi cánh lững lơ đầu non thẳm
Nghe gió mưa than thở suốt đêm ngày

Bóng trăng lu trời mùa Thu tháng Tám
Dỗ giấc nồng bên bờ suối âm u
Nai ngơ ngác về núi đồi hoang vắng
Nhìn đường xưa lối cũ ngập sương mù

Nhớ người đi một chiều Thu tháng Tám
Lệ ta rơi theo lệ nến đêm tàn
Tiếng mưa khuya rì rào ngoài ngỏ vắng
Từng bước em đang giẫm lá khô vàng

Ôi tháng Tám mùa Thu buồn man mác
Âm thầm trôi theo nước chảy mây trôi
Mang tất cả mộng mơ thời xuân sắc
Vào điêu tàn theo chiếc lá Thu rơi.
                                  Quang Tuấn

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Trương Vĩnh Ký (1837-1898)

Pétrus Jean Baptiste Trương Vĩnh Ký



Tên thật của ông, là Trương Chánh Ký sau đổi thành Trương Vĩnh Ký, tên thánh là Jean Baptiste, tên chữ là Pétrus, tự Sĩ Tải. Vì vậy người ta thường viết tên ông là Pétrus Jean Baptiste Trương Vĩnh Ký, sanh ngày 6 tháng 12 năm 1837 tại làng Vĩnh Thành (tục danh Cái Mơn), tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long, sau nầy thuộc tỉnh Bến Tre.
Ông là con thứ ba của Lãnh binh Trương Chánh Thi và Nguyễn Thị Châu, năm 1842, được 5 tuổi, ông học chữ hán với ông giáo Học. Năm 1847, cha ông qua đời trong khi trấn nhậm ở một vùng gần Nam Vang (Phnom Penh), có lẽ sau đó, mẹ ông giao ông cho giáo sĩ Tám, với sự dìu dắt của vị giáo sĩ nầy, ông học chữ Quốc ngữ, sau đó giáo sĩ Tám mất, có nhà truyền giáo người Pháp tên Việt là linh mục Long, đem về nhà dòng chánh ở Cái Nhum (Bến Tre) cho học chữ La tinh.



Dưới triều vua Minh Mạng, năm 1835 hạ Chiếu cấm đạo, nên năm 1848, Linh mục Long đưa Trương Vĩnh Ký qua học tại Trung Học Pinhalu ở Campuchea, đây là trường đạo dành để dạy học trò người Việt, Miên, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Hoa , nhờ ở chung với học sinh các nước Đông Nam Á mà ông học nói và viết thông thạo các ngôn ngữ kể trên.
Năm 1851, Trương Vĩnh Ký theo Linh mục Long qua họctại Tổng Chủng Viện Viễn Đông Quốc Ngoại Truyền Giáo ở Poulo-Pénang (Hạ Châu). Trong 6 năm theo học ở Pénang, ông đã học về văn chương, khoa học, triết lý qua chữ La tinh, và ở tại đây, công có dịp học thêm các ngôn ngữ Pháp, Anh, Hy Lạp, Ấn Độ và Nhật.
Năm 1858, được tin mẹ mất, ông rời Poulo-Pénang trở về Cái Mơn, năm nầy ông được 21 tuổi. Hai năm sau, qua sự giới thiệu của Linh mục Lefèvre, Trương Vĩnh Ký ra làm thông ngôn cho Đại úy Jauréguiberry. Năm 1861, ông lập gia đình với bà Vương Thị Thọ rồi lập gia cư ở Chợ Quán (nay ở ngay tại góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng, quận 5 Sàigòn). Năm 1862, ông bị chuyển ra làm việc ở Huế.
Năm 1863, Trương Vĩnh Ký được Pháp phái theo sứ bộ Nam triều do Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, phái bộ sang triều kiến Pháp hoàng Napoléon III. Nhờ sứ trình nầy, ông có dịp viếng các nước Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ai Cập, Ý, La Mã. Tại La Mã, ông được Giáo hoàng Pio IX tiếp kiến, còn trong lúc ở Paris, ông kết thân với các nhà thông thái, danh vọng nước Pháp như Paul Bert, Duruy, Littré ... Ông được cử vào Hội viên của hội chuyên khảo về Nhân loại, và hội chuyên học tiếng Đông phương.
Từ năm 1886-1888, Trương Vĩnh Ký được bổ nhậm chức Giám đốc và dạy ngôn ngữ Đông Phương ở Trường Thông Ngôn ( Collège des Interprètes).
Ngày 16-9-1869, ông được Thống soái Nam Kỳ Ohier bổ nhiệm Chánh Tổng Tài tờ Gia Định Báo. Ông đã điều hành tờ báo nầy cho đến năm 1872, Năm nầy ông được thăng Tri Huyện và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Sư Phạm (Ecole Normal). Năm 1874, ông là giáo sư dạy chữ Quốc ngữ và chữ hán ở Trường Hậu Bổ (Collège des Stagiaires).
Từ 1866-1886, khoảng thời gian 20 năm nầy, ông chuyên về vấn đề văn hóa và giáo dục. Nhưng năm 1886, người bạn cũ của ông là Paul Bert sang làm Thống Đốc Nam Kỳ, vì tình bạn ông đã bước sang sân khấu chánh trị, một bước phù du mà cuối cùng cuộc đời ông nghèo nàn, danh vọng một thời đã mai một!
Trước tiên Paul Bert lấy tình thân hữu nhờ ông giúp cho vài việc liên lạc với triều đình Huế (1), sau sung Cơ Mật Viện và làm Giám quan, cố vấn cho vua Đồng Khánh.
Ngày 11-11-1887, Paul Bert mất, ông có dịp rời khỏi sân khấu chánh trị mà cả phía Pháp cũng như quan lại Nam triều, kẻ không tin cẩn, người lại không ưa ông. Trở về nhà, ông sáng tác và vui thú văn chương.
Trương Vĩnh Ký thiết tha với nền văn học Quốc ngữ, đọc Ý sách  Chuyện Đời Xưa  để thấy rõ hoài bão của ông:
Kêu rằng chuyện đời xưa, vì nó là những chuyện kẻ lớn trước ta bày ra để mà khen sự tốt, chê sự xấu cho người ta sửa cách ăn, nết ở cho tử tế.
Ta cũng có thêm một hai chuyện thiết tích mà có ý vị vui, dễ tức cười, cũng để cho người ta thấy khen mà bắt chước, thấy chê mà lánh.
Góp nhóp trộn trạo chuyện nọ chuyện kia, in ra để cho con nít tập đọc chữ quốc ngữ, cũng là có ý cho người ngoại quốc muốn học tiếng An Nam, coi mà tập hiểu cho quen.
Nay ta in sách nầy lại nữa: vì đã hết đi, cũng vì người ta dùng sách nầy mà học tiếng, thì lấy làm có ích. Vì trong sách ấy cách nói là chính tiếng An Nam ròng, có nhiều tiếng nhiều câu thường dùng lắm.
P.J.B. Trương Vĩnh Ký

Năm 1888, ông xuất bản một nguyệt san lấy tên là Thông Loại Khóa Trình ( Miscellanées ou lectures intructives pour les éleves des écoles primaires, communales et cantonales et les familes), nguyệt san nầy số 1 không có ghi ngày tháng xuất bản, chỉ có ghi năm 1888, từ số 3 trở đi có ghi thêm Juillet 1888 và các số sau ghi mỗi số một tháng kế tiếp. Như vậy số 1 có thể ra vào tháng 5 (Mai) 1888 và số sau cùng là số 18 năm 1889, in khổ 16cm X 24cm, mỗi số có 12 trang.
Sau đây trích trang 3 số 1. ( Có hàng chữ Hán : Thường Bả Nhất Tâm Hành Chánh Đạo)
(Đạo) (Chánh) (Hành) (Tâm) (Nhất) (Bả) (Thường) (2)


Chẳng những Trương Vĩnh Ký là một nhà văn tiền phong xứng danh của nền văn học chữ quốc ngữ mà ông còn là một học giả rất nổi tiếng, ông đã được các vinh dự:
1-10-1863: Lãnh huy chương Dõng sĩ cứu thế của Tòa thánh La Mã.
27-6-1886: Lãnh huy chương Isabelle la Catholique của Tây Ban Nha.
15-2-1876: Được cử làm hội viên Hội chuyên khảo về Văn hóa Á Châu.
07-7-1878: Được cử làm hội viên Hội chuyên học địa dư ở Paris.
17-5-1883: Lãnh huy chương Hàn Lâm Viện đệ nhị đẳng của nước Pháp.
17-5-1886: Lãnh Tứ đẳng Long Tinh, Ngọc Khánh, Long Khánh của Nam triều.
04-8-1886: Lãnh Bắc Đẩu Bội Tinh đệ ngũ đẳng của nước Pháp.
03-6-1887: Lãnh Hàn Lâm Viện đệ nhất đẳng của nước Pháp.
Ông cũng có lãnh Hàn Lâm Viện đệ nhất đẳng của Hoàng Gia Cam Bốt.
Vua Đồng Khánh ban cho ông chức Hàn Lâm Viện thị giảng học sĩ.
Vua Khải Định ban hàm Lễ Bộ Tham Tri.
Vua Bảo Đại ban hàm Lễ Bộ Thượng Thư.
Trong khoảng năm 1873-1874, ông được liệt vào hàng thế giới thập bát văn hào, xếp theo mẫu tự như sau :
Bác sĩ Allemand, Banadona d" Ambrum, Bonhomme (Honoré), Cazot (Jules), Đại tướng Chambron, Bá tước Chambord, Christophie (Albert), Conte (Casimir), Desmaze (Charles), Duprat (Pascal), Dupuy (Charles), Garnier-Pages, Guizot, Lafayette (Oscar de), Lefèvre-Pontalis (Amédée), Marcon, Pétrus Ký, Thống chế Saldonha Oliveirae Daun.
Cộng tác với Pháp, nhưng chắc chắn Trương Vĩnh Ký không thích con đường chính trị, ông lại thiết tha với nền văn học chữ quốc ngữ, ông có chủ đích quay về sự nghiệp văn chương của mình, khi Paul bert mất, ông không ngần ngại từ bỏ sân khấu chánh trị, trở lại nghề dạy học, viết sách dạy các thứ tiếnng Đông phương, về phương diện nầy, ông là nhà ngôn ngữ học quảng bác, vì ông có thể nói và viết 15 ngôn ngữ Tây phương và 11 ngôn ngữ Đông phương.
Viết sách dạy người Pháp học tiếng Việt và ngược lại, dịch bộ Tứ Thư (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử), cũng như một số sách chữ Hán ra chữ quốc ngữ, cốt để phổ biến ngôn ngữ và tư tưởng Đông phương, chính ở phương diện nầy chúng ta thấy ông là nhà văn hóa, ở sân khấu chánh trị ông mong tạo sự thông cảm giữa người Việt và người Pháp, giữa những xung đột lớn lao về chánh trị, kinh tế, văn hóa giữa hai nước. Tuy theo đạo Thiên chúa nhưng phải nhận ông vẫn giữ được phong hóa Đông phương, thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh, điểm nầy chúng ta xem lại bài di huấn của ông viết vào ngày 8-11-1870.
"" Người đời sanh ký tử quy, đàng đi nước bước vắn vỏi lắm. Nhưng ai cũng có phận nấy, hể nhập thế cuộc bất khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã, mới chun vô phòng được. Sự sống ở đời tạm nầy, đỏ như hoa nở một hồi sương sa; vạn sự đều chóng qua hết, tan đi như mây như khóị Nên phải liệu sức, tùy phận mà làm vai tuồng mình cho xong...""
Và sau đây là bài thơ ông sáng tác lúc gần ngày lâm chung : 

Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai,
 Xô đẩy người vô giữa cuộc đời.
 Học thức gửi tên con sách nát,
 Công danh rốt cuộc cái quan tài.
 Dạo hòn, lũ kiến men chân bước,
 Bò xối, con sùng chắt lưỡi hoài !
 Cuốn sổ bình sanh công với tội,
 Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.
Ông mất vào ngày 1 tháng 10 năm 1898, thọ 61 tuổi. Mộ của ông hiện ở góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng Sàigòn, trong khuôn viên nhà của ông ngày xưa ở Chợ quán. Thời Pháp, tưởng nhớ công nghiệp của ông, người ta đúc tượng ông, một người nho nhã mặc quốc phục, đầu bịt khăn đống, tay cầm quyển sách, tượng đặt trong khuôn viên trước Bộ Ngoại Giao và Dinh Độc Lập.
Tại Thủ đô Sàigòn, Bộ Giáo Dục dành một trường Trung Học Lớn mang tên ông, Trường Trương Vĩnh Ký nằm cạnh Trường Đại Học Khoa Học Sàigòn.
Kê ra những sách và bài của ông đã viết để thấy văn nghiệp của ông đồ sộ, phong phú và đa dạng (4):
1. Năm 1865 : Cours pratique de langue Annamite, à l"usage du college des interpretes.
2. Năm 1867 : Contes Annamite (Chuyện đời xưa)
3. "" : Abrégé de Grammaire Annamite
4. Năm 1872 : Grammaire Francaise (Mẹo Luật dạy tiếng Lang sa)
5. Năm 1875: Petit cours de Geographie de la Basse-Cochinchine
6. "" : Histoire Annamite en vers (Đại Nam quốc sử diễn ca)
7.  "" : Cour de Langue Annamite (autographié)
8. "" : Cour de Langue Mandarine ou de Caractes Chinois (autographié)
9. "" : Kim Vân Kiều-Poème transcrit pour la première fois en quốc ngữ avec des notess explicatives, précédé d"un résumé succinet du sujet en prose et suivi de quelques pièces de vers relatives à la même histoire.
10. Năm 1876: Manuel des Écoles Primaires-(Syllabaire quốc ngữ, Histoire Annamite, Histoire Chinoise (en ananmite)
11. "" : Quatre livres classiques en caractères Chinois et en annamite (autographié)
12. "" : Alphabet quốc ngữ
13. Năm 1877: Sơ học vấn tân Répertoire pour les nouveaux étudiants en caractères
14. Năm 1879: Cour d" Histoire Annamite, en 2 volumes
15. Năm 1881: Voyage au Tonkin en 1876 (Chuyến đi ra Bắc kỳ năm Ất hợi)
16. "" : Retraite et Apothésose de Trương Lương.
17. "" : Les convenances et les Civilités Annamites.
18. Năm 1882: Saigon d"autrefois.
19. "" : Saigon d"aujourd"hui.
20. "" : Passe-temp (Chuyện khôi hài)
21. "" : Apologie de Trương Lương (Trương Lương hầu phú)
22. "" : Événement de la vie (Kiếp phong trần, 3è edition)
23. "" : Fais ce que doit , advienne que pourra (Bất cượng)
24. "" : Devois des Filles et des Femmes.
25. "" : La Bru (Thơ dạy làm dâu)
26. "" : Défaut et Qualités des Filles et des Femmes.
27. Năm 1883: Guide de conversation Annamite Francaise (Sách tập nói tiếng An-nam Phangsa)
28. "" : École domestique ou un Père et à ses Enfants.
29. "" : Caprises de la Fortune (Thạnh suy bỉ thời phú)
30. "" : Procription des Corbeaux (Bài hịch con quạ)
31. "" : Un lettré pauvre (Hàn nho phong vị phú)
32. Năm 1884: Grammaire de la Langue Annamite (Sách mẹo tiếng Annam)
33. "" : Tam tự kinh.
34. "" : Sơ học vấn tân.
35. "" : La Digne (Mắc cúm từ)
36. "" : Jeux et Opium (Cờ bạc, nha phiến)
37. "" : La Bucheron et la Pêcheur (Ngư tiều trường điệu)
38. "" : Huấn mông ca Transcription et traduction en annamite et en francais.
39. Năm 1885: Alphabet Francais pour les Annamite.
40. Năm 1886: Conférence sur le Souvenir histoirique de Saigon et de ses environs.
41. "" : Cours de la Langue Annamite aux Européens-Phrasélogie-Thèmes versions.
42. "" : Cours d"Annamite aux Élèves Européens-Explication du Lục Vân Tiên
43. "" : Cours d"Annamite aux Élèves Annamites-Explication du Lục Vân Tiên
44. "" : Prosodie et Versification Annamite-Cour d"Annamite aux Élèves Annamite.
45. Năm 1886: Dispute de Mérite entre les six Animaux domestique (Lục súc tranh công)
46. "" : Maitre et Élève sur la Grammaire Francaise (Thầy trò về mẹo luật tiếng Phangsa).
47. "" : Kim Vân Kiều en prose-Converti et commenté en langue vulgaire pour les Élèves Annamite.
48. "" : Théâtre, Comédies, Chants, Chansons Annamite(Hát lý hò Annam) Cours aux Elèves Annamite.
49. Năm 1887: Cours de caractères Chinois, 2è année-Explication du Mencius, Thèmes, Versions et explication des pièces officielles.
50. "" : Vocabulaire des Mot usueles, Noms et termes Techniques, Scientifiques, et Administratifs.
51. "" : Livres Élémentaire de 3.000 caractères (Tam thiên tự giải nghĩa).
52. "" : Résumer de la Chronologie de l"Histoire et de la Production de l"Annam en Tableau Synoptiques (Ước lược sự tíchnước Nam)
53. "" : Précis de Géographie
54. "" : Les six Annimeaux domestiques (Lục súc)
55. Năm 1888: Đại Nam thập nhứt tỉnh thành đồ.
56. "" : Miscellanées ou Lectures instructives pour les Élèves des Écoles primaire, communales et cantonales et les Familles.
57. Năm 1889: Poème populaire (Lục Vân Tiên)
58. "" : Poème populaire (Phan Trần)
59. "" : Cours de Siamois
60. "" : Cours de Langue Malaise, professé et autographié jusqúà là 7è lecon.
61. "" : Đại Nam tam thập nhứt tỉnh địa đồ
62. "" : Quatres Livres classiques en Caractères Chinois et en Annamite-Grande Étude Invariable Milieu.
63. "" : Grand Dictionnaire Annamite Francaise-1er feuille comme spécimen
64. Năm 1890: Cours de Cambodgien (Ecriture et langue)
65. "" : Vocabulaire du Cours d"Annamite.
66. "" : Vocabulaire du cours de Caractères Chinois.
67. Năm 1891: Cours de Littérature Chinoise.
68. "" : Cours de Littérature Annamite.
69. "" : Programme Générale d"Études des les Écoles Annamites.
70. "" : Modèles des Pièces officielles et administratives en caractères.
71. "" : Généalogie de la Famille de P. Trương Vĩnh Ký.
72. "" : Sĩ viên thi thảo.
73. "" : Recueil de Brochures sur l"histoire de la littérature annamite, relié.
74. Năm 1894: Cours d"Annamite parlé (vulgaire)
75. "" : Grand Dictionnaire Francais-Annamite (invachevé)
76. ( 5 ) : Grammaire de la Langue Chinoise (Mẹo chữ Nhu)
77. "" : Grammaire Annamite en Annamite (Mẹo tiếng Annam)
78. "" : Langage de la Cour en Extrême-Orient
79. "" : Vocabulair Francais-Malais
80. "" : Guide de la Conversation Malaise-Francaise
81. "" : Vocabulair Francais-Cambodgien
82. "" : Guide de la Conversation Cambodgienne-Francaise
83. "" : Vocabulaire Francais-Siamois
84. "" : Vocabulaire Siamoise-Francaise
85. "" : Cours de la Langue Birmane
86. "" : Vocabulaire Birman-Francais
87. "" : Guide de la Conversation Birmane-Francaise
88. "" : Cours de Ciampois
89. "" : Vocabulaire Ciampois-Francais
90. "" : Guide de la Conversation Ciampoise-Francaise
91. "" : Cour de la Langue Laotienne
92. "" : Vocabulaire Laotien-Francais
93. "" : Guide de la Conversation Laotienne-Francaise
94. "" : Cours de la Langue Tamoule
95. "" : Vocabulaire Tamoul-Francais
96. "" : Guide de la Conversation Tamoule-Francaise
97. "" : Cours de la Langue Indoustane
98. "" : Vocabulaire Indoustan-Francais
99. "" : Guide de la Conversation Indoustane-Francaise
100. "" : Minh tâm-La précieux Miroir du Coeur (en 2 vol)
101. "" : Cours de la Géographie de l"Indochine avec carte générales et partiuculières en six parties: 1. La Cochinchine-francaise, 2. L"Annam central, 3. Le Tonkin, 4. Le Cambodge, 5. Le Siam, 6. La Birmanie.
102. "" : Cours d"Annamite écrit (Mandrin ou de caractères chinois)
103. "" : Mencius-(Quatre Livres) No 3
104. "" : Luận ngữ (Quatre Livres) No 4
105. "" : Dictionnaire Chinois-Francais-Annamite.
106. "" : Annam Politiqye et Social
107. "" : Dictionnaire biographie Annamite (ou De Viris illustribus regni Annamitici)
108. "" : Flore Annamite
109. "" : Produits de l"Annam
110. "" : Dictionnaire Géographie Annamite.
111. "" : Les Droits de l"Annam dans la Vallée du Mékong (Mémoire sur)
112. "" : Recueil de Chansons populaire Annamites
113. "" : Recueil d"Oraisons funèbres Annamites
114. "" : Recueil de pièces de théâtre Annamite
115. "" : Sujets Histoiriques des Poèmes Annamites
116. "" : Étude comparée sur les Langues, Écritures, Croyances, et Religions des Peuples de l"Indochine.
117. "" : Combinaisiondes systèmes d"écritures idéographique, hiérogkyphique, phonétique, alphabétique
118. "" : Étude comparée des Langues et des Écritures des trois branches linguistique.
119. Năm 1937: Petit Dictionnaire Francais-Annamite à l"usage des écoles et des bureaux.
Sau khi kê các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, chúng ta thấy khoảng thời gian 33 năm với 119 tác phẩm chúng ta được biết đến, có thể có những tác phẩm đã bị thất lạc nên không có trong danh sách nầy.
Văn nghiệp để lại đồ sộ, phong phú, đa dạng, gồm nhiều địa hạt như : Triết học, Văn học, Sử học, Địa lý... Riêng về ngành ngôn ngữ học, ông đã viết nhiều sách dạy tiếng Á Châu như : Trung Hoa, Lào, Kam pu chia, Thái Lan, Miến Điện, Mã lai, Ấn Độ chứng tỏ ông là nhà thông thái hiếm có, danh tiếng của ông chẳng những chỉ có ở trong nước mà còn có ở nước ngoài thời bấy giờ. 

 Theo http://vietsciences.free.fr