Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Kẻ Ở Người Đi

Cùng Bạn ,
Mấy ngày nay tình cờ lật lại mấy trang Giáo Khoa Thư ngày xưa mà lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động . Từng bài viết ngắn gọn , từng bức vẻ 
đơn sơ nhưng vô cùng sống động gợi lại bao kỷ niệm trong tôi .Bài nào nội dung cũng hay cũng thâm thúy , dạy đứa trẻ đủ điều để làm người , dạy luân lý , lễ nghĩa, dạy mô tả , dạy lịch sử  , dạy khôn ngoan , dạy luật pháp v..vv .. Tôi còn nhớ mới năm nào còn là cậu bé ê a học đánh vần , học đồ , học viết , học đọc những trang vỡ lòng trong cuốn sách Giáo khoa Thư lớp đồng ấu .Lớp học ở ngay trong ngôi miễu , tôi còn hình dung được hình ảnh của ông thầy tôi, thầy Sử, ngày xưa với vâng trán cao , người mảnh khảnh , tôi còn giử cái cảm giác nồng ấm của bàn tay thầy khi kềm , khi nắn tay tôi trong giờ  tập đồ từng chữ ,tôi cũng còn nghe văng vẳng tiếng gõ thước nhịp nhàng của thầy để cả lớp đọc chung từng câu , từng đoạn bài . Nói về kỷ niệm tuổi thơ , chắc các bạn cũng như tôi không bút mực nào kể siết !
Trong các bài tập đọc , có lẽ bài Kẻ Ở NGƯỜI ĐI dưới đây làm tôi cảm khái nhất , ngoài ra bức tranh đơn sơ nhưng diễn tả hết cái cảnh biệt ly nơi bến đò , thật tài tình , thật sống động .
Xin mời bạn đọc lại bài nầy cùng bài cảm tác của tôi để vơi đi phần nào nỗi u buồn đau lòng cho đất nước .
Thân mến 
Mailoc

         Kẻ Ở Người Đi .

Cơm nước xong rồi ,thầy mẹ tôi , anh em , chị em tôi , cả đến kẻ ăn người ở trong nhà ,đều tiễn tôi ra tận bờ sông , chỗ thuyền đậu Vừa ra khỏi nhà , thì lòng tôi tự nhiên sinh ra buồn rầu vô cùng . Từ thuở bé đến giờ, chỉ quen vui thú ở nhà , nay tôi mới biết cái cảnh biệt ly là một !. Chân bước đi , mặt còn ngoảnh lại : từ cái mái nhà , cái thềm nhà , cái lối đi , cho đến bụi cây ,đám cỏ ,cái gì cũng làm tôi quyến luyến khác thường .
  Thuyền nhổ sào , ai cũng chúc tôi thuận buồm xuôi gió , bình yên khỏe mạnh .Thuyền đi đã xa mà tôi còn đứng nhìn trở lại , nhìn mãi cho đến lúc không trông thấy nhà nữa mới thôi. Ôi ! cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy !. 

Tuổi già buồn vô hạn ,
Dệt mấy vần cùng bạn để sầu vơi .
Giáo Khoa Thư “ thấm thía cả một thời ,
Từng trang sách dật dờ trong biển nhớ  .
                            Mailoc

     KẺ  Ở  NGƯỜI  ĐI 

Nghe nghèn nghẹn bửa cơm chiều lặng lẽ ,
Mặt rầu rầu một kẻ sắp đi xa  .
Lần đầu tiên rời mái ấm mẹ cha ,
Buồn rười rượi , xót xa lòng trăm mối . 
Vừa cất bước đã nghe đôi chân mỏi ,
Mặt ngoảnh nhìn mái ngói cũ thân yêu .
Nước thời gian tắm gội , ngói rong rêu ,
Một tổ ấm ấp yêu từ tắm bé . 
Trong khóm trúc vẫn nô đùa đàn sẻ ,
Gió rì rào , nhè nhẹ khúc nhạc êm .
Cái thềm nhà bàng bạc lúc trăng lên ,
Võng kẽo kẹt êm đềm trưa nắng đổ . 
Lối đi nhỏ , sè sè từng bụi cỏ ,
Cái hàng rào , cái ngỏ vắng cuối thôn .
Bầu trời thân mây xám lúc hoàng hôn ,
Ôi ! tấc cả làm hồn tôi xao xuyến . 
Thuyền chực sẵn bến sông chiều đưa tiễn ,
Những tia nhìn quyến luyến lệ lưng tròng .
Mẹ cha , anh chị , cả bé còn bồng , 
Ai cũng chúc tôi thuận buồm xuôi gió . 
Sào đã nhổ phút chia tay đã rõ ,
Buồm lạnh lùng lộng gió sóng nhấp nhô .
Xa thật rồi quê cũ một thời thơ ,
Bờ mờ mịt , bơ vơ tôi đứng ngó . 
Thuyền rẽ sóng , mái nhà xưa lấp ló ,
Rồi khuất dần sau khóm lá tre già .
Những bóng mờ tay vẫy tự đằng xa ,
Ôi ! cảnh biệt ly sao mà buồn vậy  !!
                           Mailoc  
                     Cali 5 - 19-14

Bạc Mộ - Đỗ Phủ



Giữa cảnh mây núi chập chùng, khi bóng chiều dần tắt, không gian thật yên tĩnh thanh bình, khiến tác giả liên tưởng đến vận nước đang đảo điên, mà bùi ngùi cảm xúc. Biết đến bao giờ nhìn thấy được quê hương của ngày xưa.

薄暮                         Bạc Mộ
江水長流地     Giang thuỷ trường lưu địa
山雲薄暮時。 Sơn vân bạc mộ thì
寒花隱亂草     Hàn hoa ẩn loạn thảo
宿鳥擇深枝。 Túc điểu trạch lâm chi
舊國見何日     Cựu quốc kiến hà nhật
高秋心苦悲。 Cao thu tâm khổ bi
人生不再好     Nhân sinh bất tái hảo
鬢發白成絲。 Mấn phát tự thành ty
                                       ĐỖ PHỦ

Dịch NghĩaChiều Tàn

Vùng đất này nước sông vẫn chảy mãi
Lúc này ánh chiều mỏng manh về trên mây núi
Cánh hoa bị lạnh lẩn vào trong đám cỏ lộn xộn
Chim tìm chỗ ngủ đêm chọn những cành rậm rạp
Biết đến ngày nào mới thấy lại đất nước cũ
Trời thu vòi vọi càng khiến lòng thêm buồn
Đời người không thể nào gặp lại dịp tốt
Mái tóc giờ đã trở nên những sợi tơ bạc
 
Dịch Thơ:
                    1
Nơi đây sông chảy dài
Chiều xuống phủ non mây
Hoa lạnh nép vào cỏ
Chim yên trong lá dày
Quê hương nay đã mất
Thu hỡi xót lòng này
Cơ hội bao giờ có
Bạc đầu đến chẳng hay

                   

Nước sông vẫn chảy mãi nơi này
Ánh ráng chiều hôm phủ núi mây
Lạnh giá hoa nương nhờ cỏ loạn
Đêm về chim ngủ giữa rừng cây
Quê hương thuở trước bao giờ thấy
Một cõi thu buồn dạ não thay
Dịp tốt biết bao giờ trở lại
Sầu tuôn mấy chốc bạc đầu phai
                                        Quên Đi

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Thơ Tranh Bến Chiều


Thơ Quên Đi
Tranh Thơ Hữu Đức


Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Tết Đoan Ngọ Mùng 5 Tháng 5 Âm Lịch



Ý Nghĩa Và Nguồn Gốc
Truyền thuyết tại Việt Nam

Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân chúng đang ăn mừng trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản gồm có bánh gio, trái cây sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau đó sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượt. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Ý Nghĩa
Với người Việt, Tết Đoan Ngọ là thời điểm giữa năm, thời tiết chuyển mùa nên dễ sinh bệnh dịch, do đó có các nghi thức trừ tà, tránh bệnh như tắm nước lá mùi, treo cây ngải cứu trừ ma quỷ, đeo "bùa tui bùa túi", nhuộm móng tay, móng chân rồi uống các nước giải độc (nấu từ lá ích mẫu, vối, cối xay, gừng…), uống rượu xương bồ, ăn rượu nếp và các loại quả có vị chua, chát để cho bệnh tật tiêu trừ, trùng độc, sâu bọ sẽ chết… Cho nên tết này còn gọi là Tết giết sâu bọ, là một nghi thức nhằm cân bằng âm dương.

Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng Năm là một trong những ngày lễ tưởng nhớ tới tổ tiên do đó trong số các vật phẩm dâng cúng không thể thiếu bánh tổ (tổ tiên). Đặc biệt, đây còn là ngày lễ thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam, đó là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ.

Ăn rượu nếp và các loại quả có vị chua, chát để cho bệnh tật tiêu trừ, trùng độc, sâu bọ sẽ chết…
Nếu như mồng 7 tháng Giêng là ngày tế mẫu với câu ca:

“Mồng Bảy trong tiết tháng Giêng
Dân hiền tế lễ trống chiêng vang trời
Anh em Bách Việt ta ơi
Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường
Ấy ngày hội tế Mẫu Vương
Người sinh nòi giống Nam phương đó mà”

thì cứ đến gần ngày mồng 5 tháng 5 dân gian lại nhắc nhau bằng câu ca dao:


“Tháng Năm nhớ Tết Đoan Dương
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”.


Tết Đoan Ngọ còn là ngày lễ thể hiện tính nhân văn giữa người với người, sự biết ơn của con cháu với ông bà, cha mẹ, người bệnh với thày thuốc, học trò với thày giáo nên có tục học trò đi tết thày, con rể đi tết bố mẹ vợ… Trong dân gian có câu ca dao rằng:

“Mồng 5 ngày Tết không đáo đến cửa nhà thờ
Còn hiếu trung chi nữa mà chờ rể, con”.


Dân gian còn cho rằng vào ngày này, các loài rắn đều lẩn trốn đi hết nên mới có câu thành ngữ “len lét như rắn mồng 5”.

Vì sao Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết giết sâu bọ?


Một số nghi thức trong Tết Đoan Ngọ của người Việt cũng mang dấu ấn của văn hóa nông nghiệp, có thể thấy qua một số tục lệ như tục khảo cây lấy quả được tiến hành đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa). Một người leo lên cây, một người đứng dưới gốc cầm dao tra hỏi tại sao cây ra ít quả (hoặc không ra quả), nếu cứ như vậy sẽ bị chặt hạ. Người trên cây giả giọng van xin, hứa trong mùa tới sẽ ra thật nhiều quả. Sau đó người ở dưới hỏi số lượng quả mà cây sẽ sinh trưởng, người phía trên đại diện cho cây trả lời nhiều hay ít tùy theo loại cây và ước vọng của người trồng…

Đoan Ngọ là tết Ta hay Trung Quốc?

Ngay người Trung Quốc đến nay vẫn chưa thống nhất trong việc giải thích nguồn gốc của ngày tết này, có người cho rằng một số lễ tết của Trung Quốc như mồng 2/2 âm lịch (Lễ Đầu Rồng), mồng 5/5 (Tết Đoan Ngọ)… liên quan đến sự sùng bái thiên văn thời nguyên thủy. Cụ thể là chòm sao Thương long, vào ngày hạ chí mọc ở chính nam (thuộc dương vị) nên có tục tế Thương long, đây là phát khởi của Tết Đoan Ngọ.

Theo sách Các ngày lễ tết và sự bắt nguồn của các ngày lễ tết ở Trung Quốc cho biết, trước thời Tần, Hán thì ngày Tết Đoan Ngọ không cố định vào ngày mồng 5/5 mà vào ngày hạ chí, ngày dương khí cực thịnh nên còn được gọi là Tết Đoan Dương…

Thực ra Tết Đoan Ngọ có từ trước khi xảy ra câu chuyện của Khuất Nguyên, và xuất phát từ văn hóa của cộng đồng người Bách Việt cổ mà người Lạc Việt, tổ tiên của chúng ta là một bộ phận cấu thành của cộng đồng đó.

Chúng ta có thể thấy được điều này từ chính tên gọi của Tết Đoan Ngọ. “Đoan” nghĩa là “nhất”, “Ngọ” được hiểu giữa trưa vì thế Tết Đoan Ngọ thường được cử hành vào giữa trưa. Nếu theo thuyết âm dương ngũ hành thì nước ta nằm ở phương Nam, vùng đất nóng nên “Ngọ” được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa và trong một ngày thì dương khí cao nhất là giờ Ngọ (thời điểm giữa ngày); trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng).

Trong một năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng giữa năm, tức tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ, đây chính là thời điểm giữa năm vì thế trong dân gian nó còn được gọi là Tết giữa năm.

Điều thú vị là nếu xét theo âm lịch mà Việt Nam, Trung Quốc… vẫn đang sử dụng như hiện nay thì giữa năm phải là một ngày của tháng 6 âm lịch chứ không thể ngày là ngày mồng 5 tháng 5 được. Vì vậy nguồn gốc của ngày giữa năm mồng 5 tháng Năm chính là theo một loại lịch cổ của người Bách Việt được xây dựng trên cơ sở văn hóa nông nghiệp.

Một sự tích theo Người Hoa:
Thời Chiến quốc ở Trung quốc, Khuất Nguyên (*) là bầy tôi trung thành thờ Vua nước Sở. Gặp phải ông vua ngu tối, hay yêu kẻ gian nịnh mà ghét người trung nghĩa. Khuất Nguyên sợ nhà Vua cứ như thế mãi thì nước sẽ loạn, tìm lời can gián nhưng Vua không nghe lại còn bị đày ra làm quan ở biên ải. Khuất Nguyên làm bài phú Ly Tao, dâng lên hy vọng Vua sẽ nghĩ lại nhưng Vua cũng chẳng sửa chữa. Tức mình, ngày 5 tháng 5 Khuất Nguyên buộc đá vào người nhảy xuống sông Mịch La tử tiết. Đời bây giờ ai cũng thương cho Khuất Nguyên là trung thần mà phải chết, nên từ đó, hễ đến ngày 5 tháng 5 người ta lại chở đò đem bánh thả xuống sông để cúng Khuất Nguyên.

Cho đến nay nhiều người vẫn nhầm lẫn Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Trung Quốc và xuất phát từ việc tưởng nhớ đến cái chết của Khuất Nguyên - một vị quan của nước Sở cách đây hơn 2.000 năm. Chính vì thế mà nhà thơ trào phúng Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ) từng viết rằng: “Cái cụ Khuất bên Tàu/ Chết từ hồi tam tổ/ Có quan hệ gì ta/ Mà sao phải ăn giỗ/ Mồng 5 khỏe ăn càn/ Mồng 6 ốm nhăn nhó/ Có lỡ chết bỏ đời/ Thì lại cho tại số”.

Ở Việt Nam, ít người biết chuyện Khuất Nguyên, mà chỉ coi mùng 5 tháng 5 là "Tết giết sâu bọ" - vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Người ta quan niệm, trong ngày này, các loài sâu bọ đều hoảng hốt, trốn chạy vì nhà ai cũng có bữa cỗ "giết sâu bọ" vào sáng sớm, với hoa quả đầu mùa. Đào mịn lông tơ, mận đủ mùi chua ngọt, chuối ta mập mạp, dưa hấu bổ dọc thành những chiếc thuyền rồng sơn son mịn cát lóng lánh như lân tinh, dứa còn nguyên cái mũ miện xanh rờn óng bạc, nhưng cái lòng nó vàng tươi khêu gợi. Và đương nhiên không thể thiếu món rượu nếp.

Thành lệ, cứ đến sáng sớm ngày mồng 5, người ta cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, kê, bánh đa, mận, muỗm, dưa hấu, uống nước dừa... bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Người lớn thì uống rượu hòa ít tam thần đơn hoặc bôi phẩm hồng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để trừ trùng.

Trẻ em giết sâu bọ xong khi còn ngồi trên giường, rồi rửa mặt mũi, chân tay xong bắt đầu nhuộm móng tay móng chân, đeo chỉ ngũ sắc. Em gái đến độ tuổi xâu lỗ tai cũng chọn ngày này mà xâu.

Nhiều người mua bùa chỉ đeo cho trẻ con. Bùa kết bằng chỉ ngũ sắc, kết theo hình hoa sen, quả đào, quả ớt... Lại may áo lụa mang đến các cửa chùa, cửa tĩnh in dấu vẽ bùa rồi mặc cho trẻ, có ý trừ ma tà cho khỏi quấy.

Giữa trưa hôm ấy thì làm cỗ cúng gia tiên, rồi đi hái lá mồng năm. Tục hái thuốc mồng 5 cũng bắt đầu từ giờ Ngọ, đó là giờ có Dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư. Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể, nhất là lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi... đem về ủ rồi phơi khô, để sau đem nấu uống cho rằng uống thế thì lành.

Lại có nhiều người đi lấy lá ngải cứu, năm nào thì kết hình con thú nǎm ấy như năm Tý thì kết con chuột, năm Sửu kết con trâu, năm Dần kết con hổ... treo ở giữa cửa, để trừ ma quỷ và về sau ai có bệnh đau bụng thì dùng làm thuốc sắc uống.

Trong những tục lễ của ngày Tết Đoan Ngọ, có lẽ tục người ta chú ý nhất là tục lễ sêu - một tục lệ mang đầy tính nhân văn giữa người với người, con cháu với ông bà, cha mẹ, người bệnh với thày thuốc, học trò với thày giáo. Những chàng trai đã dạm vợ hoặc hỏi vợ nhưng chưa cưới thường đi sêu bố mẹ vợ nhân ngày Tết Đoan Ngọ.

Lễ sêu trong dịp này bao giờ cũng có đậu xanh mới hái vào tháng Tư, gạo nếp của vụ chiêm. Ngoài ra tháng Năm cũng là mùa ngỗng và mùa chim ngói, cùng với gạo nếp, đậu xanh, bao giờ cũng có một đôi ngỗng và một, hai chục chim ngói. Kèm thêm là cân đường cát, trái dưa hấu, nghĩa là toàn những sản phẩm trong mùa.

Chỉ những chàng rể chưa cưới vợ mới đi lễ sêu, còn những chàng rể đã cưới vợ rồi thì hết lễ sêu, nhưng trong dịp tết Đoan Ngọ, các chàng rể dù nghèo vẫn cố chạy món quà nhỏ để biếu bố, mẹ vợ. Lễ biếu này nhiều, ít tuỳ tâm và không quan trọng bằng lễ sêu.

Các ông đồ xưa dạy học thường không lấy học phí. Hàng năm vào dịp mồng 5 tháng 5, các học trò đều có đồ lễ tết thầy. Thúng gạo, đôi ngỗng, phong chè, gói bánh hoặc túi hoa quả, tùy tâm bố mẹ học trò. Những gia đình giàu có thường phong bao một số tiền. Học trò cũ đã làm nên danh vọng cũng không quên thǎm thầy vào dịp này.

Các con bệnh được các ông lang chữa khỏi bệnh, mặc dù đã trả tiền thuốc, nhưng cũng không quên ơn cứu mệnh cho mình, nên trong dịp tết Đoan Ngọ (còn gọi là tết hái thuốc) cũng mang quà tết thầy lang. Đồ lễ cũng gồm: đậu xanh, gạo nếp, ngỗng, chim ngói... như đồ lễ học trò tết thầy học.

Dẫu qua bao biến đổi về thời cuộc, song tết Đoan Ngọ vẫn tồn tại trong lòng người dân đất Việt như một phong tục đẹp, với ý nghĩa thiêng liêng về đạo lý làm người.

Nét Văn Hoá Ẩm Thực Tết Đoan Ngọ của Người Việt

Nửa năm tròn trịa
Xuất phát từ ý nghĩa trọn vẹn, đoàn viên, trải qua nửa năm tròn trịa, trong ngày mùng 5 tháng 5 dân Việt có món cơm rượu và chè trôi nước để dâng cúng ông bà. Theo quan niệm xưa, ăn cơm rượu để diệt sâu bọ (giun sán) trong đường ruột. Ở hai miền Nam – Bắc cơm rượu cũng khác nhau. Cơm rượu miền Bắc làm bằng nếp lức có màu nâu đất, dạng tơi và hạt cơm rượu vẫn còn đủ cứng để khi ăn có thể nhấm nháp từng hột cơm thấm đẫm vị rượu. Còn cơm rượu miền Nam được làm bằng nếp dẻo, sắc trắng đẹp được rắc men rồi vò viên tròn. Riêng cơm rượu Gò Công thì được nắn theo dạng khối vuông hoặc hình chữ nhật, mang ý nghĩa vuông tròn. Cơm rượu thường ăn kèm với xôi vò. Ở Sài Gòn, muốn ăn món gì ra chợ mua là có. Nhưng, với những người lớn tuổi thường tự tay làm cơm rượu ở nhà để tạo không khí gia đình và cũng để con cháu gìn giữ truyền thống.
Món chè trôi nước miền Nam được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh trộn dừa nạo, thêm chút hành lá và mỡ heo. Trẻ con thì lại thích nhất là những viên nhỏ xíu, tròn vo. Ngày xưa, ông bà nấu chè trôi nước bằng đường thẻ, chè có màu vàng mượt mà. Ngày nay, chè trôi nước nấu bằng đường cát trắng nên chè có màu trắng tươi cũng khá hấp dẫn. Một số người muốn giống vị xưa thì nấu bằng đường thốt nốt. Chè trôi nước ăn với ít mè rang, giới trẻ thích béo thì chan thêm nước cốt dừa.

Dân dã hồn quê
Tết Đoan Ngọ người Hoa hay người Việt đều có món bánh ú lá tre. Nhưng, bánh ú lá tre của người Hoa có nhân thịt, hột vịt muối, lạp xưởng… không có hương vị chân chất, thấm đẫm hồn quê như bánh ú nước tro của người Việt.
Bánh ú nước tro của người Việt nho nhỏ, gói bằng vài chiếc lá tre đơn sơ bên ngoài. Nếp gói bánh được ngâm với nước tro, khi nấu chín, hạt nếp hoà thành bột, tạo thành khối vàng nâu trong suốt. Bánh có hai loại, loại nhân đậu và loại không nhân chấm với đường. Kiểu ăn bánh ú không nhân chấm với đường thể hiện rõ nét văn hoá ẩm thực dân dã của người Việt. Những người lớn tuổi kể rằng, ngày xưa tay cầm miếng bánh ú cắn một miếng, tay kia cầm miếng đường thẻ nhấp một chút, vị bánh hoà với đường, ngon sao lạ kỳ. Ngày nay, thời đại của công nghệ, người ta ăn bánh ú chấm đường cát trắng.

Cứ đến tháng 5 âm lịch là rộ mùa ốc gạo. Có lẽ vì vậy mà ốc gạo cũng trở thành món ăn truyền thống trong ngày diệt sâu bọ. Hai nơi có ốc gạo nổi tiếng ngon là cồn Phú Đa (Bến Tre) và cồn Tân Phong (Tiền Giang). Con ốc ở hai nơi này vào đúng mùa độ béo, giòn hơn hẳn các nơi khác. Ở cồn Phú Đa, không hổ danh xứ dừa, chỉ với một loại nguyên liệu là ốc gạo mà người dân nơi đây chế biến ra không biết bao nhiêu là món. Đầu tiên là món gỏi cuốn ốc gạo. Thịt ốc gạo, rau thơm, bún tươi, dừa vừa nám vỏ nạo sợi, cuốn bánh tráng chấm tương xay, thiệt đơn sơ mà ngon lạ lùng. Để món ăn có hương thơm vị béo của dừa hơn nữa, người ta còn cho thêm nước cốt dừa vào tương chấm. Kế đến là ốc gạo um nước dừa, ốc xào củ hũ dừa, bánh xèo nhân ốc gạo củ hũ dừa... mang đậm sắc thái đặc trưng vùng Phú Đa.
Còn người dân Tân Phong lại có món ốc gạo luộc đơn sơ, ăn hoài không ngán. Bởi con ốc gạo vùng này vốn đã ngon sẵn rồi, chỉ cần luộc vài phút, thêm vài cọng sả, canh cho con ốc vừa chín tới là đã có món ốc gạo thơm ngát. Ăn kiểu thôn quê thì ra vườn tuốt vài cọng lá dừa hoặc bẻ gai bưởi làm kim lể ốc, chấm nước mắm gừng, nhai chầm chậm để tận hưởng vị giòn ngọt, đậm đà của thịt ốc.

Ngoài ra, dân miệt trái cây Tiền Giang còn có món ốc gạo trộn gỏi đu đủ hoặc món cháo ốc gạo hành nóng hổi, thơm phức. Thành thị hơn có món ốc gạo chấy tỏi, ốc gạo tiềm thuốc Bắc… thiệt thèm!

***
(*) Khuất Nguyên (chữ Hán: 屈原; bính âm: qū yúan), tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN - 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là người trong hoàng tộc nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Ông học rộng, nhớ dai, giỏi về chính trị, lại có tài văn chương. Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại. Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông. Ông âu sầu, ưu tư viết thiên Ly Tao để tả nỗi buồn bị vua bỏ.

Ngoài tập Ly Tao là tập thơ bất hủ của ông để lại, ông còn có nhiều sáng tác thơ khác như Sở từ, Thiên Vấn (Hỏi trời).v.v.

Đến cuối đời ông bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú "Hoài Sa" rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.

Ông cũng chính là nhân vật trong sự tích tết Đoan Ngọ (Đoan Dương). Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng năm tháng năm là ngày tết Đoan Dương ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á.

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm và Biên Soạn
Theo : vietgle.vn - chudu24.com - vn.answers.yahoo.com - kenh7.vn

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Cảm Tác Thiên Thai


Lá đào vẫn đó nẻo còn đây
Róc rách nhẹ đưa suối lượn dài
Thấp thoáng non mơ phơi ánh nguyệt
Mịt mờ lối mộng đến thiên thai
Nửa năm tiên cảnh xa vời vợi
Một bước dương trần đã đổi thay
Lưu Nguyễn ngàn năm mơ cánh hạc
Duyên tình tiên tục chẳng chờ ai.
                                    Quên Đi


Phạm Ngũ Lão


Thuở còn cấp sách đến trường, khi học về lịch sử, chúng ta không thể quên tựa đề một bài học:

"Ngồi Đan Sọt Mà Lo Việc Nước, Phạm Ngũ Lão"


Phạm Ngũ Lão ( 范五老; 1255-1320) là tướng Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam . Ông là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào ,Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên . Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm, ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời Nhà Đinh .
Đến đời Phạm Ngũ Lão gia cảnh sa sút cha mất sớm, mẹ già yếu, Phạm Ngũ Lão phải kiếm sống bằng nghề đan sọt. Nhưng ông phụng dưỡng mẹ chu đáo, hiếu thảo. Ông nổi tiếng thông minh, ham đọc sách và chịu luyện rèn nên đã tinh thông võ nghệ.

Chuyện kể rằng, một hôm đoàn quân của Đức ông Trần Hưng Đạo kéo ngang qua, dân chúng hết thảy đều dẹp sang 2 bên, nhường đường, riêng Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi xếp bằng tròn, điềm nhiên đan sọt bên vệ đường còn mãi suy nghĩ "việc nước" vô ý không đứng dậy, mặc cho quân lính quát, thét thế nào cũng không nghe, đâm giáo vào đùi đến máu chảy đầm đìa cũng không biết. Thấy sự lạ, Hưng Đạo Vương xuống voi, cúi nhìn chàng thanh niên đang đan sọt mà như vô hồn, vô cảm. Ông hỏi:
- Nhà ngươi quê ở đâu, bị giáo đâm như thế không biết đau sao mà vẫn ngồi như vậy? Bấy giờ, Phạm mới giật mình, sực tỉnh, kính cẩn nhìn người hỏi, vội thưa:
- Bẩm Đức Ông, tôi họ Phạm... tôi mãi nghĩ mấy câu trong binh thư, không biết có quân của Đức Ông trẩy qua, làm trở ngại việc quân, xin Đức Ông xá tội cho.
- Hẳn tráng sĩ biết quân Mông Nguyên đã chinh phục hàng chục nước ở Đông - Tây, nhà Tống cũng bị đẩy xuống phía Nam... nay chúng đang gấp rút xâm lược nước ta một lần nữa.
- Bẩm Đức Ông, kẻ thứ dân này, tuy ở nơi thôn dã, song cũng biết được giặc Mông Nguyên đã động binh, rắp tâm xâm lược nước ta.
- Tráng sĩ đã tỏ ra là người thao lược, ta rất quý trọng. Ta muốn đưa về trang Ấp Vạn Kiếp giúp ta huấn luyện quân sĩ, mong tráng sĩ vui lòng (Bách khoa trí thức phổ thông, trang 233).
... Hưng Đạo Vương rất hài lòng về chí khí, hoài bão, sự hiểu biết của chàng nông dân khôi ngô, tuấn tú, có dáng người chắc khỏe, mới chừng ngoài 20 tuổi này. Nhờ có đức độ hơn người lại có tài võ nghệ, Phạm Ngũ Lão được Trần Hưng Đạo vừa trọng dụng vừa thương như con. Ông được Trần Hưng Đạo gả con gái (giả làm con gái nuôi của Trần Hưng Đạo vì nhà Trần có quy định chỉ gả con gái trong dòng tộc) là quận chúa Anh Nguyên, đồng thời đem tiến cử cho vua Trần coi quân cấm vệ, bảo vệ vua và Cấm thành. Vua Trần phong ông đến chức Điện suý thượng tướng quân, cho lập phủ đệ ngay trong vương cau của triều đình tại kinh thành.

“Ngũ Lão xuất thân trong hàng quân ngũ nhưng rất thích đọc sách, sống phóng khoáng, có chí lớn, thích ngâm thơ, xem qua có vẻ như không để ý đến việc võ bị nhưng quân do ông chỉ huy thực là đội quân trên dưới như cha con, hể đánh là thắng". (Đại Việt sử ký toàn thư)

Thuật hoài 

Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu(*).
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu(**).
                                   Phạm Ngũ Lão

Dịch nghĩa : Tỏ lòng

Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng át cả sao Ngưu
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.

 Dịch Thơ : Tỏ Lòng

Bao năm múa giáo giữ quê nhà
Hùng phủ sao Ngưu chiến sĩ ta 

Nam tử nợ danh chưa trả đủ 
Thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu Gia
 

 Tự Hoạ
 

Vung giáo bao thu giữ nước nhà 
Khí trùm Ngưu Đẩu thế quân ta
Nam nhi nợ nước còn chưa đáp 

Ắt thẹn khi bàn tích Vũ Gia 
                              Quên Đi

Đây quả là bài thơ có hàm ý sâu sắc, thể hiện cái uy dũng của một đấng Nam Nhi


Lê Quý Đôn từng nói: "Phạm Ngũ Lão là người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như kẻ sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn dưới đất".

(*) Hán Ngữ có thành ngữ Khí thôn Ngưu Đẩu 氣吞牛斗 - hùng khí có thể át cả sao Khiên Ngưu và sao Bắc Đẩu
(**) Vũ Hầu Gia Cát Lượng tức Khổng Minh quân sư của Lưu Bị thời Tam Quốc.
                                            Hết

(Theo "Hùng Ca Sử Việt Phần Cuối" )


Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Xướng Hoạ : Nỗi Niềm


Xướng

              Nỗi Niềm 

Nỗi buồn ray rứt chẳng buông tha 
Chén đắng mềm môi, giọt lệ hòa 
Một thuở êm đềm vui gắn bó 
Bao ngày tủi hận khóc chia xa 
Phượng tàn, máu thấm trang tình cũ 
Mây khuất, sương hoen bóng nguyệt tà 
Biết chẳng bao giờ còn gặp lại 
Mà không quên được chuyện đôi ta. 
                                Phương Hà

Các Bài Hoạ 

          Tâm Sự 
Ai cũng khuyên lời hãy thứ tha
Nhưng sao mây xám mãi chan hòa
Sai lầm một bước vừa hàn gắn
Sao nỡ trăm lần lại muốn xa
Mấy thuở nôn nao chờ chuyến muộn
Bây giờ bạc bẽo bỏ trăng tà
Vô hồn xác tục gần vô vị
Im lặng qua ngày ta với ta. 
                           Cao Linh Tử 

     Tâm Tư Chợt Đến 

Tâm sự vơi đầy vẫn thiết tha 
Đắng môi vì lệ đã chan hòa 
Nhớ ngày tình mới vừa nhen nhúm 
Thương thuở duyên đầu phải cách xa 
Nắng Hạ hong nồng hương tóc ấm 
Mây Thu che khuất bóng trăng tà 
Người đi chắc chẳng mong quay lại ! 
Tím cả cỏi lòng hai đứa ta .
                                 Song Quang  

               Cô Đơn 

Nguyệt lạnh ngoài thềm liễu thướt tha , 
Gác cao ai đứng lệ chan hoà . 
Gió xuân man mác hồn ngơ ngẩn , 
Cánh nhạn rã rời , dạ xót xa . 
Tan tác hoa rơi trong gió sớm , 
Nỉ non dế khóc dưới trăng tà . 
Dật dờ năm tháng đêm dằng dặc , 
Khuya vắng bên đèn một bóng ta . 
                                       Mailoc 
                                 Cali 4-25-14

                NỔI NIỀM

Quê hương còn mãi trong tâm thức
Suốt một đời day dứt khó nguôi
Gợi nhớ làng Cha, lòng quặn thắt
Niềm thương đất Mẹ dạ bùi ngùi
Ruộng đồng thắm máu tình dân tộc
Rừng núi đượm màu nắng gió phơi
Góc biển chân trời thân lữ thứ
Bây giờ xa cách,hận muôn đời

                            SONG QUANG

Thơ Tranh : Vịnh Trần Hưng Đạo


Thơ Quên Đi
Tranh Thơ Hữu Đức


Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Điển Hay Tích Lạ Phần 20

Tựa Cửa Tựa Cổng
"Tựa cửa", "tựa cổng" do chữ "Ỷ môn", "Ỷ tư".Nhạc Nghị là tướng nước Yên đời Chiến Quốc đem quân đánh Tề, hạ được 72 thành. Tề chỉ còn 2 thành là Cử Châu và Tức Mặc. Tề Mẫn vương thua chạy ra Cử Châu, có quan đại phu là Vương Tôn Giả hộ giá.Vương Tôn Giả mới 12 tuổi, chỉ còn mẹ già, Mân vương thương cho làm quan. Tôn Giả theo phò Mân vương đến nước Vệ thì cả hai lạc nhau. Giả chẳng biết Mân vương ở đâu, bèn lẻn về nhà. Bà mẹ trông thấy hỏi vua Tề ở đâu, Giả nói:- Con theo vua đến nước Vệ, nửa đêm vua tôi cùng bỏ trốn, rồi không biết vua đi ngả nào.Bà mẹ giận, nói:- Mày sớm đi chiều về thì ta đứng tựa cửa mà mong; mày chiều đi mà không về thì ta đứng tựa cổng mà mong. Vua mong bề tôi có khác gì mẹ mong con. Mày làm tôi vua Tề, vua ban đêm chạy trốn, mày không biết vua đi đâu, sao lại bỏ về?Giả thẹn quá, lại từ biệt mẹ già đi tìm vua Tề, nghe vua ở Cử Châu, đến ngay để tìm. Nhưng khi đến đó mới biết vua Tề bị Tướng quốc Tề là Trác Xỉ mưu phản, tư thông với Nhạc Nghị giết chết vua Tề. Giả bèn trần tay áo bên tả ra hô hào ở ngoài chợ:- Trác Xỉ làm tướng Tề mà giết vua, thế là làm tôi bất trung. Nếu ai bằng lòng giết kẻ có tội ấy thì theo ta cùng trần tay áo bên tả.Người trong chợ cùng bảo nhau: "Người ấy ít tuổi mà có lòng trung nghĩa, chúng ta ai là người hiếu nghĩa, tưởng đều nên theo". Chỉ trong một chốc có đến hơn bốn trăm người cùng trần tay áo bên tả.Trác Xỉ, trước vốn tướng nước Sở. Khi Tề bại trận có sai sứ sang cầu viện vua Sở tiếp cứu, hứa cắt dâng cả đất Hoài Bắc cho Sở để đền ơn. Vua Sở sai đại tướng Trác Xỉ mang 20 vạn quân lấy cớ đi cứu Tề, sang Tề nhận đất, nhưng lại mưu mẹo dặn Xỉ cứ liệu chừng mà thi hành, hễ có lợi cho Sở thì làm ngay. Xỉ được Tề Mân vương lập làm tướng quốc. Quyền hành đều về tay Xỉ.Xỉ thấy quân Yên thế mạnh, sợ cứu Tề vô công, bèn mật sai sứ tư thông với Nhạc Nghị, định giết Mân vương rồi cùng Yên chia đất Tề, và yêu cầu Yên để cho mình làm vua. Tướng Yên là Nhạc Nghị ưng chịu.Trác Xỉ mừng quá, bèn dàn quân ở Cổ Lý, mời Mân vương đến duyệt binh, đoạn bắt Mân vương rút gân treo lên nóc nhà. Sau ba ngày, Mân vương mới tắt hơi. Xỉ liền về Cử Châu, muốn tìm thế tử vua Tề mà giết nốt nhưng tìm không được. Xỉ liền làm biểu tâu với vua Yên kể công mình, nhờ Nhạc Nghị chuyển đệ cho.Giữa lúc ở Cử Châu, Trác Xỉ vào cung vua Tề uống rượu say sưa, truyền mỹ nữ tấu nhạc làm vui. Quân Sở đông nhưng đều đóng ở ngoài thành, chỉ có vài trăm quân dàn hầu ở cửa cung. Vương Tôn Giả đem 400 người xông vào cướp khí giới của quân lính, tiến vào cung bắt được Trác Xỉ. Xỉ bị xả thây, bằm nát thành nước thịt. Quân Sở không có chủ tướng, một nửa bỏ trốn, một nửa đầu hàng nước Yên.Vương Tôn Giả truyền đóng chặt cửa thành, cố giữ.Lời nói của bà mẹ Vương Tôn Giả: "Mày sớm đi chiều về thì ta đứng tựa cửa mà mong; mày chiều đi mà không về thì ta đứng tựa cổng mà mong...", nguyên văn: "Nhữ triêu xuất nhi vãn lai, tắc ngô ỷ môn nhi vọng; mộ xuất nhi bất hoàn, tắc ngô ỷ lư nhi vọng". Do đó, nên sau trong văn chương, người ta thường dùng chữ "ỷ môn, ỷ lư" (tựa cửa, tựa cổng) để chỉ sự cha mẹ trông con.Trong tác phẩm "Chinh phụ ngâm", bản dịch nôm của bà Đoàn Thị Điểm, đoạn nói về tình gia thất của khách chinh phu, có câu:
 Lòng lão thân buồn khi tựa cửa, 
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm. 
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, lúc Kiều ở lầu Ngưng Bích của mụ Tú Bà, nàng nhớ quê hương, nhớ tình nhân, nhớ cha mẹ, cũng có câu:
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
"Tựa cửa" là do điển tích trên.Riêng có chữ "hôm mai" đi theo chữ "tựa cửa" là vì trong chữ sách, mẹ của Vương Tôn Giả có nói đến việc con đi buổi mai và buổi chiều (triêu xuất, mộ xuất).
Tứ Thư
 Tứ Thư và Ngũ Kinh là những bộ sách làm nền tảng cho Nho giáo. Sách này vừa là kinh điển của các môn đồ đạo Nho, vừa là những tác phẩm văn chương tối cổ của nước Tàu.Tứ Thư (bốn sách) gồm có Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử.1/ Đại học là sách của bực "đại học" cốt dạy cái đạo của người quân tử. Sách chia làm hai phần:a/ Phần đầu gọi là Kinh, chép lời đức Khổng Tử có 1 chương.b/ Phần cuối gọi là Truyện, lời giảng giải của Tăng Tử là môn đệ của Khổng Tử có 10 chương.Mục đích bực đại học hay tôn chỉ của người quân tử, đã tóm tắt ở câu đầu sách là: "Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện". Nghĩa là: "Cái đạo của người theo bực đại học là cốt làm sáng cái đức sáng (đức tốt) của mình, cốt làm mới (ý nói cải hóa) người dân, cốt dừng lại ở cõi chí thiện". Vậy người quân tử trước phải sửa sang đức mình cho hay, rồi lo dạy người khác nên hay, và lấy sự chí thiện làm cứu cánh.Mục đích đã vậy, phương pháp phải thế nào? Con người phải sửa mình trước (tu thân), rồi mới chỉnh đốn việc nhà (tề gia), cai trị việc nước (bình thiên hạ). Phương pháp này phải tuần tự tiến hành là tự mình đến người ngoài, mà điều cốt yếu nhứt là việc sửa mình. Vì vậy trong Đại Học có câu: "Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhứt thị giai dĩ tu thân vi bản". (Từ vua đến thường dân, ai ai cũng đều lấy việc sửa mình làm gốc). Vy muốn sửa mình phải thực hành cách nào? Trước hết phải cách vật (thấu lẽ mọi sự vật), rồi phải trí tri (biết cho đến cùng), thành ý (phải thành thực), chánh tâm (lòng phải ngay thẳng). Thực hành bốn điều này thì sẽ tu được thân, rồi tề được nhà, trị được nước và bình được thiên hạ, mà làm tròn được cái đạo của người quân tử.2/ Trung Dung là sách gồm những lời tâm pháp của đức Khổng Tử do học trò ngài truyền lại, rồi sau thầy Tử Tư là cháu của ngài chép thành sách, gồm có 33 chương.Thầy Tử Tư dẫn những lời nói của Khổng Phu Tử đã giảng về đạo trung dung, có cho rằng: Trung hòa là tính tình tự nhiên của trời đất mà trung dung là đức hạnh của con người. Trung là giữa, không lệch về bên nào; dung là thường, nghĩa là dùng đạo trung làm đạo thường. Muốn theo đạo này cốt phải có cái đạo đức: trí, nhân và dũng. Trí để biết rõ các sự lý, nhân để hiểu điều lành mà làm, dũng là có cái khí cường kiện mà thực hành theo điều lành đến cùng.Đạo người là phải cố gắng để đạt đến bực chí thánh. Phải học cho rộng, xét hỏi cho kỹ, nghĩ ngợi cho sâu, biện biệt điều phải trái cho rõ và dốc lòng làm điều thiện cho đến cùng. Nếu ai làm được như thế thì ngu thành sáng, yếu thành mạnh, tức là dần lên đến bực chí thánh. Trong thiên hạ chỉ có bực chí thánh mới hiểu rõ cái tính của Trời. Biết rõ cái tính của Trời thì biết được cái tính của người. Biết rõ cái tính của người thì biết được cái tính của vạn vật. Biết rõ cái tính của vạn vật thì khả dĩ giúp được sự hóa dục của trời đất và có công ngang với trời đất vậy.Sách Trung Dung nói về đạo của thánh hiền vốn căn bản của Trời, rồi giải diễn ra hết mọi lẽ, khiến cho con người phải giữ mình cho kính cẩn trong khi hành động và khi im lặng một mình.Tóm lại, Trung Dung thuộc về loại sách triết lý rất cao.3/ Luận Ngữ là quyển sách chép những lời nói của đức Khổng Tử khuyên dạy học trò, hoặc những câu chuyện của ngài nói với những người đương thời về nhiều vấn đề (luân lý, triết lý, chính trị, học thuật) do các môn đệ của ngài sưu tập lại.Sách chia làm hai quyển (thượng, hạ) gồm có 20 thiên (mỗi thiên lấy 2 chữ đầu đặt tên). Các chương không có liên lạc, hệ thống gì nhau.Sách Luận Ngữ có thể cho là quyển sách dạy đạo người quân tử một cách thực tiễn và mô tả tính tình, cử chỉ, đức độ của đức Khổng Tử, như phác họa một mẫu mực hoạt động cho người đời sau noi theo.Sách này cho ta biết được nhiều câu cách ngôn xác đáng về đạo người quân tử. Còn cho ta nhận thấy phẩm cách cao thượng (hồn hậu, thành thực, khiêm cung, khoái hoạt) của đức Khổng Tử biểu lộ qua những chuyện ngài nói với học trò. Sách này chẳng những cho ta thấy được cảm tình phong phú và lòng ái mỹ mà còn là khoa sư phạm của Khổng Tử. Trong những lời khuyên dạy chuyện trò với học trò, ngài tỏ ra là một ông thầy hiểu thấu tâm lý học trò và khéo làm cho lời dạy bảo của mình thích hợp với trình độ, cảnh ngộ của mỗi người. Có khi cùng là một câu hỏi mà ngài trả lời khác, tùy theo tư chất và chí hướng của từng người.4/ Mạnh Tử là tên bộ sách do Mạnh Tử viết. Sách gồm có 7 thiên. Các chương trong mỗi thiên thường có liên lạc với nhau và cùng bàn một vấn đề.Sách này cho ta nhận thức được tư tưởng của Mạnh Tử về các vấn đề:Về luân lý, ông xướng lên thuyết tính thiện để đánh đổ cái thuyết của người đương thời (như Cáo Tử) cho rằng tính người không thiện không ác. Theo ý ông, thiên tính con người vốn thiện, ví như tính nước vốn chảy xuống chỗ thấp; sỡ dĩ thành ác là vì làm trái thiên tánh, ví như ngăn nước cho nó chảy lên chỗ cao.Tính người vốn thiện nhưng vì tập quán, vì hoàn cảnh, vì vật dục làm sai lạc đi, hư hỏng đi, vậy cần phải có giáo dục để nuôi lấy lòng thiện, giữ lấy bản tính. Những điều cốt yếu trong việc giáo dục là: dưỡng tính (giữ lấy thiện tính), tồn tâm (giữ lấy lòng thành), trì chí (giữ chí hướng cho vững). Và, ông thường nói đến phẩm cách của người quân tử mà gọi là đại trượng phu hoặc đại nhân. Bực này phải có bốn điều là: nhân, nghĩa, lễ và trí.Về chính trị, ông cho rằng bực làm vua trị dân phải trọng nhân nghĩa chớ đừng trọng tài lợi thì mới tránh được sự biến loạn và chiến tranh. Ông cũng lưu tâm đến vấn đề kinh tế. Ông cho rằng người có hằng sản rồi mới có hằng tâm, nghĩa là người ta có của cải đủ sống một cách sung túc thì mới sinh ra có lòng tốt muốn làm điều thiện, và có phương tiện để thực hiện điều thiện ấy. Vậy bổn phận kẻ bề trên là phải trù tính sao cho tài sản của dân được phong phú, rồi mới nghĩ đến điều dạy dân và bắt dân làm điều hay được. Ông lại chỉ cho các vua chúa những phương lược để làm cho việc canh nông, mục súc, công nghệ của dân được phát đạt.Mạnh Tử không những là một nhà tư tưởng lỗi lạc mà còn là một văn gia đại tài. Văn của ông rất hùng hồn và khúc chiết. Ông biện luận điều gì cũng rạch ròi, sắc cạnh. Ông hay nói thí dụ. Muốn cho ai hiểu điều gì, muốn bắt ai chịu phục lẽ gì, ông thường dẫn những thí dụ mượn ở sự vật cho người ta dễ nhận xét. Ông lại thường dùng thể ngụ ngôn hoặc kể những câu chuyện ngắn để diễn đạt tư tưởng cho người nghe vui thích và dễ nhận cái hàm ý của ông.Tóm lại, bộ Tứ Thư là bộ sách gồm những điều cốt yếu của Nho giáo. Ai muốn hiểu rõ đạo giáo ấy tất phải nghiên cứu.
 Ngũ Kinh
Ngũ Kinh (năm quyển sách) cũng như Tứ Thư là những sách làm nền tảng của Nho giáo. Nguyên trước có sáu kinh nhưng vì sự đốt sách của Tần Thủy Hoàng (246-209 trước D.L.), một kinh là kinh Nhạc (âm nhạc) bị mất đi. Kinh này chỉ còn lại một thiên, sau đem vào sách Lễ ký (kinh Lễ), đặt là thiên Nhạc ký.Ngũ Kinh là: 
1/ Thi (thơ), do đức Khổng Tử sưu tập và lựa chọn. Kinh này vốn là những bài ca dao ở nơi thôn quê và nhạc chương nơi triều miếu của nước Tàu về thời thượng cổ.Nguyên trước có đến ba ngàn thiên. Sau, đức Khổng Tử san định lại hơn ba trăm chương và theo ý nghĩa các thiên, sắp đặt thành bốn phần. Đến đời Tần Thủy Hoàng, kinh Thi cũng như các kinh khác, bị đốt nhưng có nhiều nhà nho còn nhớ. Đến thế kỷ thứ hai trước Dương lịch, về đời nhà Hán có bản kinh Thi xuất hiện, đại thể giống nhau, duy chữ viết có khác. Truyền lại đến nay là bản của Mao Công (tức Mao Trường).Kinh Thi có bốn phần gồm 305 thiên (bài thơ). Trong đó có 6 thiên chỉ truyền lại đề mục mà không còn bài. Mỗi thiên lấy vài chữ chính trong thiên làm đề mục và chia làm nhiều chương. Bốn phần trong kinh Thi là: Quốc phong, Tiểu nhã, Đại nhã và Tụng.Quốc phong là những bài ca dao của dân các nước chư hầu đã được nhạc quan của nhà vua sưu tập lại: Quốc là nước (đây là các nước chư hầu về đời nhà Chu); phong nghĩa đen là gió, ý nói các bài hát có thể gợi cảm con người như gió làm rung động các vật.Quốc phong gồm có Chính phong và Biến phong. Chính phong phân làm 2 quyển Chu Nam và Thiệu Nam, gồm những bài hát từ trong cung điện nhà vua truyền ra khắp dân quân. Biến phong gồm những bài hát của 13 nước chư hầu khác.Tiểu nhã gồm những bài hát dùng ở nơi triều đình, nhưng chỉ dùng trong những trường hợp thường như khi có yến tiệc.Đại nhã chỉ những bài hát dùng trong những trường hợp quan trọng như thiên tử họp các vua chư hầu hoặc tế ở miếu đường.Tụng nghĩa là khen, gồm những bài ngợi khen các vua đời trước và dùng để hát ở nơi miếu đường.Các bài trong Kinh Thi thường viết theo thể thơ 4 chữ (thỉnh thoảng có câu 3 chữ hoặc 5 chữ). Cách kết cấu các bài làm theo ba thể: phú, tỉ, hứng.Đọc Kinh Thi, ta biết được tính tình, phong tục của người dân và chính trị các đời vua cùng các nước chư hầu ở nước Tàu về đời thượng cổ. Đọc Mân phong, ta biết được tính đức cần kiệm người dân đất Mân. Đọc Vệ phong, ta biết được thói dâm bôn của người dân nước Vệ. Đọc Tần phong, ta biết được sự hối quá của người dân nước Tần. Đọc Đại nhã, Tiểu nhã, ta biết được chính trị của nhà Chu thịnh suy thế nào.Kinh Thi là một nguồn thi hứng: các thi sĩ thường mượn đề mục. Kinh Thi còn là một kho điển tích. Các nhà làm văn thường lấy điển hoặc lấy chữ ở đây. Cũng như ca dao của Việt Nam, Kinh Thi là nền tảng thơ tối cổ của Trung Hoa. Trong đó có nhiều bài mô tả tính tình, phong tục dân Tàu một cách chất phác, hồn nhiên. 
2/ Thư (nghĩa đen là ghi chép), do đức Khổng Tử sưu tập. Kinh này chép những điển (phép tắc), mô (mưu mẹo, kế sách), huấn (lời dạy dỗ), cáo (lời truyền bảo), thệ (lời răn bảo tướng sĩ), mệnh (mạng lịnh) của các vua tôi bên Trung Hoa từ đời Nghiêu, Thuấn đến đời Đông Chu (từ năm 2357 đến năm 771 trước D.L.) 
3/ Dịch (nghĩa đen là thay đổi) là bộ sách tượng số dùng về việc bói toán và sách lý học cốt giải thích lẽ biến hóa của trời đất và sự hành động của muôn vật. Nguyên vua Phục Hi (4480-4365 trước D.L.) đặt ra bát quái (tám quẻ, tức là 8 hình vẽ); tám quẻ ấy lại đặt lần lượt chồng lên nhau thành ra 64 trùng quái (quẻ kép). Mỗi trùng quái có 6 nét vạch (hoặc vạch liền biểu thị lẽ "dương", hoặc vạch đứt biểu thị lẽ "âm") gọi là hào, thành ra 384 hào. Đức Khổng Tử nhân đó mà giải nghĩa các quái, các trùng quái và các hào. 
4/ Lễ Ký (chép về lễ) là sách chép các nghi lễ trong gia đình, hương đảng và triều đình. Hiện Kinh Lễ (Lễ Ký) còn truyền lại đến giờ phần nhiều là văn của Hán nho, chớ chính văn do đức Khổng Tử san định về đời Xuân Thu không còn mấy. 
5/ Xuân Thu (mùa xuân và mùa thu) nguyên là sử ký nước Lỗ, do đức Khổng Tử san định lại, chép công việc theo lối biên niên từ năm đầu đời Lỗ Ẩn công đến năm thứ 15 đời Lỗ Ai công (từ năm 722 đến năm 481 trước D.L.). Kinh Xuân Thu cũng gọi là Kinh Lân, vì đức Khổng Tử chép lúc nước Lỗ săn được con lân què thì ngài dừng bút. (Loan rằng: "Sử Mã kinh Lân" - cụ Nguyễn Đình Chiểu).
 Lợn Người
"Lợn người" do chữ "nhân trệ" của Lữ hậu, vợ vua Hán Cao Tổ Lưu Bang đời Tây Hán.
Lữ hậu tên Lữ Trĩ lấy Lưu Bang lúc còn hàn vi. Lưu Bang dựng nghiệp nhà Hán phong Lữ Trĩ làm hoàng hậu. Nhà vua có người hậu phi tên Thích Cơ trẻ đẹp nên rất sủng ái. Một hôm, vua vào cung Thích Cơ bày yến tiệc. Uống say, vua nằm trên vế Thích Cơ ngủ vùi. Lữ hậu cho người dọ biết nên lên kiệu đi thẳng lại cung Thích Cơ. Kẻ tả hữu chạy vào phi báo, nhưng vì nhà vua nằm trên vế ngủ, nên Thích Cơ chẳng dám động, đành phải ngồi yên.Lữ hậu bước vào thấy thế máu ghen càng sôi lên:
 - Loài tiện tỳ thường vô lễ, nay ta vào cung của mi, sao mi dám ngồi trên cao, không đứng dậy là đạo lý chi vậy?Thích Cơ sợ sệt thưa:
 - Tôi thấy nương nương đến, há chẳng tiếp nghinh. Vì chúa thượng ngủ đương ngon giấc, tôi chẳng dám động nên mới thất lễ, xin nương nương tha tội.Lữ hậu nghiến răng, mắng:
 - Loài tiện tỳ, cứ lấy vua làm nể, chừng người có muôn tuổi rồi, ta sẽ nghiền mi nát ra tro cho mi coi. 
Đoạn Lữ hậu quày quả bỏ đi.Sau khi Hán Cao Tổ chết, Thích Cơ không người bảo bọc, ủng hộ nên Lữ hậu thừa dịp trả thù. Lữ truyền bắt Thích Cơ cùng một số cung nhân trước kia theo Thích Cơ, được nhà vua sủng ái đem ra hành hình một cách bi thảm rùng rợn. Lữ bắt họ phải uống thuốc câm, rồi chặt tay chân, khoét mắt, cắt tai, giam vào chuồng xí dơ bẩn. Họ đau đớn quá nhưng bị câm, không thốt ra tiếng người được nữa, chỉ tru lên những tiếng ú ớ u ơ rất thê thảm. Lữ hậu lại bắt mọi người gọi những nạn nhân ấy là lũ "nhân trệ" (lợn người).
Đời Tam Quốc, Lưu phu nhân là vợ của Viên Thiệu chúa chư hầu đất Hà Bắc... thấy 5 nàng hầu diễm lệ được chồng sủng ái thì phát ghen. Sau khi Thiệu chết, Lưu bắt 5 nàng ra giết chết cả. Lại sợ âm hồn các nàng về chín suối được tái ngộ với chồng, mụ còn sai người cạo tóc, vạt mặt, khoét mắt và băm vằm năm cái thây ma ấy ra như tương. Con mụ là Viên Thượng sợ có kẻ oán mà mưu hại, bèn sai bắt hết thân nhân gia thuộc của năm nàng này đem giết hết.Sư tử Hà Đông trả thù thật khiếp.Máu ghen lạ đời và tàn ác đến thế là cùng.
Đọc "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, diễn tả Hoạn Thư tuy ghen mà còn khá. Nàng Hoạn Thư ghen sâu sắc tế nhị chớ không tàn bạo như Lữ hậu, Lưu... hay những mụ tạt át xít vào mặt tình địch như thời nguyên tử.
Tây Thi, Trịnh Đán
 Tây Thi là một giai nhân tuyệt sắc ở nước Việt đời Chiến Quốc, có tiếng là "Lạc nhạn" trong "tứ đại mỹ nhân" ở cổ Trung Hoa.Nàng xuất thân một gia đình nghèo, cha đốn củi, nàng dệt vải ở Trữ La Sơn. Trữ La có hai thôn: Đông thôn và Tây thôn, phần nhiều là họ Thi. Vì nàng ở về Tây thôn nên gọi là Tây Thi. Ở đây lại có nàng Trịnh Đán, bạn láng giềng Tây Thi, cũng là một mỹ nữ sắc nước hương trời. Nhà ở gần sông, ngày nào hai nàng cũng cùng nhau ra đập sợi ở ven sông. Má hồng nước biếc, hai bóng lộn nhau, trông hai đóa phù dung của buổi bình minh tươi đẹp.Vua nước Việt là Câu Tiễn bại trận, phải cùng vợ sang làm người tù chăn ngựa cho vua nước Ngộ Sau khi được thả về, lòng uất ức căm hờn mong rửa được nhục thù. Đại phu Văn Chủng hiến 7 kế phá Ngộ Một trong 7 kế là đem mỹ nữ sang dâng để làm mê hoặc vua Ngô. Câu Tiễn liền thực hành ngay. Trong vòng nửa năm, tuyển được hai ngàn mỹ nữ, lại chọn hai người đẹp nhứt là Tây Thi và Trịnh Đán. Câu Tiễn sai Tướng quốc Phạm Lãi đem 100 nén vàng đến thôn Trữ La rước hai nàng về, trang sức lộng lẫy, cho ngồi trong xe có màn phủ.Người trong nước nghe tiếng mỹ nữ, ai cũng muốn xem mặt, tranh nhau ra ngoài cõi đón. Đường xá chật ních những người. Phạm Lãi liền để hai nàng ở nhà quán xá rồi truyền dụ rằng: "Ai muốn xem mặt mỹ nhân phải nộp một đồng tiền". Chỉ trong một lúc mà tiền thu đầy quỹ. Hai nàng lên lầu, đứng tựa bao lơn, khác nào như tiên nga giáng hạ. Hai nàng lưu ở ngoài cõi ba ngày, tiền thu không xiết kể. Câu Tiễn cho hai nàng ở riêng tại Thổ Thành, rồi sai một lão nhạc sư đến dạy múa hát.Ba năm qua, Tây Thi và Trịnh Đán cùng số mỹ nữ học múa hát đã được tinh xảo, Câu Tiễn liền truyền Phạm Lãi đem sang cống cho vua Ngô là Phù Sai. Phạm Lãi vào yết kiến, sụp lạy vua Ngô, tâu rằng:- Đông hải tiện thần là Câu Tiễn cảm ơn đại vương, không thể đem thê thiếp đến hầu hạ ở bên cạnh được, vậy cố tìm khắp trong nước được hai mỹ nhân khéo nghề múa hát nên sai chúng tôi đem nộp vương cung để giữ việc quét rửa.Phù Sai trông thấy hai nàng, cho là thần tiên mới giáng hạ, hồn phách mê mẩn, mắt nhìn đăm đăm một cách say sưa. Phù Sai rất lấy làm hài lòng nhận lấy mỹ nữ. Tây Thi và Trịnh Đán được Phù Sai yêu mến. Nhưng riêng Tây Thi vì có sắc đẹp lộng lẫy lại khéo chiều chuộng, có nghệ thuật làm người say đắm nên Ngô vương sủng ái hơn. Tây Thi được ở Cô Tô đài với Phù Sai. Nàng đi dạo nơi đâu cũng dùng đồ nghi vệ theo địa vị phi hậu. Trịnh Đán ở Ngô cung, ghen với Tây Thi uất ức không nói ra, được hơn một năm đau chết. Phù Sai thương lắm, đem chôn ở Hoàng Mao sơn và lập đền thờ cúng.Phù Sai rất yêu Tây Thi, lập Quán Khuê cung ở Linh Nham sơn, trang trí toàn bằng châu ngọc để làm chỗ cho Tây Thi ra dạo, ngắm cảnh. Lại xây cất Hưởng Điệp lan, Ngoạn Hoa trì, xây giếng Ngô vương tỉnh... để cho Tây Thi đến ngắm hoa, thưởng trăng và soi bóng mình dưới làn nước trong. Phù Sai lại lập cầm đài để Tây Thi ngồi đàn để Phù Sai thưởng thức những cung đàn tuyệt diệu của nàng. Phù Sai lại cho đào một con sông con ở trong thành, từ nam sang bắc rồi làm một chiếc buồm gấm để nàng Tây Thi dong thuyền, gọi là Cẩm phàm hình. Và, còn rất nhiều nơi nữa, cứ mỗi lần nàng ngự đến là trở nên một di tích "lịch sử" mà Phù Sai sắp đặt kiến trúc cho.Phù Sai từ khi được Tây Thi cứ ở luôn trên Cô Tô đài, bốn mùa vui chơi, rượu chè đàn địch, chẳng thiết đến việc gì cả. Tây Thi, con người kiều diễm ấy, tuy có một thân hình mảnh mai như cành liễu yếu nhưng tiềm tàng một sức mạnh phi thường là quyết lật đổ cả một triều Ngô để đem lại sự chiến thắng vinh quang cho triều Việt. Hai bàn tay ngà ngọc xinh xắn của nàng, xưa kia là để quay tơ giặt lụa nhưng nay lại để bóp nát dần cả một nước Ngô có binh hùng tướng mạnh cho đến ngày tàn. Mắt nàng cau một cái là một cái đầu của viên thượng tướng bị rơi. Môi nàng cười một nét là kho nhà Ngô vơi đi bạc vàng, châu báu... Ngũ Viên, một vị Tướng quốc kiên trung, đa mưu, túc trí, đầy tài dũng lược của triều Ngô vì nàng mà chết dưới thanh kiếm Trúc Lâu của Ngô vương.Nước Ngô ngày càng suy yếu. Nước Việt thừa thế tấn công. Ngô bại trận. Ngô vương Phù Sai tự tử.Tây Thi làm tròn sứ mạng của một người nhi nữ quần vận yếm đối với tổ quốc, nàng mong được trở lại quê nhà thăm cha ở Trữ La thôn, nhưng vương phi Câu Tiễn sợ rằng chồng sẽ say đắm sắc đẹp của nàng, nên mật sai người bắt Tây Thi neo đá quăng xuống dòng nước Tam Giang. Thật là mụ đàn bà ghen đanh ác.Cái chết của Tây Thi nói trên là theo chính sử.Có truyện chép: Phạm Lãi yêu nàng Tây Thi nhưng thấy Việt vương Câu Tiễn muốn lấy Tây Thi, nên ghen mới bày mẹo cho mụ vợ Câu Tiễn giết thác nàng. Có truyện lại chép: Phạm Lãi trước đã cùng Tây Thi yêu nhau, nên trong trận tấn công nước Ngô, đốt phá Cô Tô đài, Phạm Lãi đón rước Tây Thi xuống thuyền, rồi cả hai bỏ nước đi du Ngũ hồ cho trọn tình chung thủy. Truyện sau này thấy chép trong "Tình sử". Có lẽ những nhà tiểu thuyết diễm tình giàu cảm, giàu tưởng tượng và cũng giàu lòng nhân đạo, thấy đôi trai tài gái sắc, nhứt là đối với Tây Thi, một bực sắc nước hương trời lại có công to với nước mà bị chết một cánh oan uổng, bi thảm như thế nên quá xúc cảm, viết thành câu chuyện kia để an ủi oan hồn của người đẹp chăng?
  
Nữ Trượng Phu
Đời Tam Quốc, em trai của Ngô chúa Tôn Quyền là Tôn Dực làm Thái thú quận Đan Dương. Dực vốn tính cương cường, nóng nảy lại hay rượu. Viên đốc tướng Đan Dương là Qui Lãm cùng viên quận thừa là Đái Viên thường có ý mưu sát Dực. Hai tên mới kết thông với kẻ tùy tùng của Dực là Biên Hồng. Thế là cả ba mưu giết Dực.Một hôm, các tướng cùng các vị huyện lịnh về hội họp đông đủ tại Đan Dương. Tôn Dực cho bày yến tiệc thiết đãi. Vợ của Dực là Từ thị có sắc đẹp lại thông minh, rất giỏi khoa bói Dịch. Bấy giờ nàng bói thử một quẻ thấy "tượng" rất xấu, mới khuyên chồng chớ ra tiếp khách. Nhưng Dực không nghe, cứ cùng các quan ra công đường, chủ tọa buổi tiệc. Đến chiều tiệc tan, Biên Hồng ngầm giấu dao trong mình, theo chân Dực ra cửa, rồi bất thình lình rút dao đâm Dực chết ngay. Qui Lãm và Đái Viên bèn đổ tội cho Biên Hồng, lôi ra giữa chợ chém đầu. Rồi hai tên thừa thế đoạt lấy của cải và thị thiếp của Dực. Qui Lãm thấy Từ thị nhan sắc diễm lệ, động lòng dục vọng, bèn bảo nàng:- Ta đã báo thù cho chồng nàng, vậy nàng hãy về ở với ta. Nếu không nghe thì có toàn mạng.Từ thị nói:- Chồng thiếp vừa mới chết, chưa tiện theo tướng quân ngay. Xin đợi đến tối 30 này, thiếp cúng "trừ phục" xong, rồi chúng ta thành thân cũng chẳng muộn.Qui Lãm nghe nói, sung sướng ưng lời lui ra chờ đợi. Từ thị bèn bí mật triệu hai viên tướng tâm phúc của Dực là Tôn Cao và Phó Anh vào phủ, khóc và nói:- Khi tiên phu còn sống, vẫn thường khen hai ông trung nghĩa. Nay hai tên giặc Đái, Qui mưu sát chủ, rồi đổ tội cho một mình Biên Hồng và đem hết gia tư, tôi tớ nhà tôi ra chia nhau. Qui Lãm lại cưỡng bức, đòi hại cả đời tôi nữa. Tôi phải giả tảng ưng lời cho yên lòng nó. Nay hai tướng quân nên sai người đi gấp về báo Ngô hầu. Một mặt hãy bày mật kế trừ hai tên giặc ấy để rửa thù nhục này, thì người chết được ngậm cười mà kẻ sống đội ơn muôn phần.Đoạn, nàng cúi xuống lạy hai lạy. Tôn Cao, Phó Anh cũng khóc, nói:- Hai chúng tôi đã đội ơn tri ngộ của Phủ quân nay Phủ quân bị hại, mà chúng chưa thể chết theo là còn muốn lập kế báo thù cho chủ. Giờ phu nhân sai khiến, chúng tôi há dám không hết sức?Đến đêm 30, Từ thị bí mật cho hai tướng Tôn, Phó vào phục sẵn trong màn the nơi phòng kín. Đoạn bày lễ cúng tế ngoài nhà thờ. Tế chồng xong, nàng trút bỏ hết đồ tang phục, tắm gội nước hương, trang điểm thật lộng lẫy, cười nói tươi vui. Qui Lãm nghe tin, sung sướng như mở cờ trong bụng. Đến đêm, Từ thị cho con hầu ra mời Lãm vào phủ, bày tiệc giữa nhà, chuốc rượu. Người đẹp, rượu ngon, những lời chuốc mời ngọt dịu, những cái liếc hữu tình, những nụ cười tươi tắn say đắm làm cho Lãm ngây người tưởng mình đã lạc vào bồng lai ... nên mặc sức cứ uống.Khi Lãm đã say, nàng mới mời vào buồng the. Lãm sung sướng mê mẩn. Chắc hẳn phen này bên cạnh giai nhân mặc đi mây về gió, cảm thấy đời sắp lên hương, nên Lãm chuếnh choáng theo vào. Bỗng Từ thị kêu lên:- Tôn, Phó, hai tướng quân đâu?Tức thì hai tướng từ sau màn cầm dao nhảy ra. Lãm trở tay không kịp, bị Phó Anh chém một đao lăn ngã xuống. Tôn Cao bồi thêm một đao nữa, chết không kịp la. Đoạn, Từ thị lại mời Đái Viên đến dự tiệc. Viên không nghi ngại, lòng lại thấy hớn hở, biết đâu mình may phúc được mắt xanh để ý. Nhưng khi vừa hăng hái bước vào phủ, óc còn đương toan tính những lời nói sao cho có duyên dáng và mơ tưởng những chuyện lông bông thì Tôn, Phó xông ra mỗi người phạt cho một đao, chết không kịp dãy.Hạ được chúng, Tôn Cao và Phó Anh sai quân đi bắt cả gia thuộc già trẻ cùng dư đảng của hai tên Lãm, Viên rồi giết chết cả.Thù chồng đã trả, Từ thị lại mặc đồ tang phục, đem thủ cấp Đái Viên, Qui Lãm đặt trước bàn thờ Tôn Dực mà tế.Khắp Giang Đông, ai cũng khen tài đức tiết liệt của Từ thị. Người sau có làm bài thơ khen:
Tài đức gồm hai tuyết giá trong,
Tru di nghịch tặc rửa hờn chồng.
Tôi hèn bó gối, tôi trung chết,
Thua hẳn Đông Ngô một má hồng.
                   (Bản dịch của Tử Vi Lang)
Nguyên văn:
Tài tiết song toàn thế sở vô,
Gian hồi nhất đán thụ thôi từ.
Dung thần tòng tặc, trung thần tử
Bất cập Đông Ngô nữ trượng phu!
Hết Phần 20