Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Luật Thơ : Thơ Mới - Thơ Tự Do



Lời mở đầu:
      Trong chúng ta, đôi lúc có máu thơ thẩn, thích làm thơ để trải lòng, nhưng lại không dám thực hiện. Vì sao?
      Chúng tôi xin phép được suy bụng ta ra bụng người, để trả lời. Chúng ta ngần ngại vì bởi không biết rõ luật thơ, luôn e sợ lỡ sai luật.
      Chính vì lý do đó, ngoài sự hiểu biết, đến việc cố công sưu tầm và tổng hợp một số bài viết từ
Internet
      Với chủ ý cùng nhau trao đổi, chúng tôi đã chọn lọc một số bài
của Thân Hữu. Những Cây Viết Nghiệp Dư này đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thi phẩm để mang ra thí dụ, hầu dẫn chứng về Luật  của các Thể Thơ.
      Với khả năng hạn chế, kính mong quý độc giả góp ý và bổ sung để chúng ta có được một bài viết đầy đủ hơn.
 
A - THƠ MỚI
"...khi nói lối Thơ Mới chỉ là nói cho tiện, chứ thực ra thơ mới cũng nhiều lối. Bởi không nhận rõ điều ấy, nên có đôi người tưởng Thơ Mới tức là thơ Tự Do..." (theo Thi Nhân Nhân Việt Nam trang 54).

1 - Phan Khôi và bài thơ Tình Già.

     Trên báo " Phụ Nữ Tân Văn " số 12 trang 15 -16 ra ngày 10 -3 -1930, Phan Khôi đã viết bài báo trình làng đánh dấu sự ra đời của thơ mới.
     Trích đoạn:
     "Lâu nay, mỗi khi có hứng, tôi toan giở ra ngâm vịnh, thì cái hồn thơ của tôi như nó lúng túng, chẳng khác nào cái thân của tôi làm lúng túng. Thơ chữ Hán ư? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư? Thì cụ Tiên Điền, bà Huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi, làm cho tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại, nghe như họ đã nói rồi. Cái ý nào họ chưa nói,ốn nói ra, thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh quanh lẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài, thật là dễ tức!
     Bởi vậy tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới. Vì nó chưa thành thục nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được,  song có thể cử cái đại ý của lối thơ mới này ra, là đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết. Ấy là như:

Tình Già

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
"Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!"
"Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung? "
……………………………………………………….
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi.


     Đó là bài thơ tôi làm trước đây vài tháng, mà tôi kêu là một lối thơ mới đó. Chẳng phải là tôi hiếu sự, nhưng vì tôi hết chỗ ở trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi phải đi kiếm đất mới; mà miếng đất tôi kiếm được đó chẳng biết có ở được không, nên tôi mới đem ra mà trình chánh giữa làng thơ.”

     Điều đáng chú ý là cụ Phan Khôi (1887-1959) - cháu ngoại của cụ Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu - vốn xuất thân là nhà cựu học, đã từng đỗ tú tài chữ Hán năm 18 tuổi, nhưng lại đề xuất, cổ vũ cho phong trào thơ mới.
Sau Khi Phan Khôi trình làng bài thơ Tình Già, ông bị chê bai và chỉ trích dữ dội, tưởng chừng ông phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, Lưu Trọng Lư gởi lời ủng hộ, từ đó,trên Thi đàn xuất hiện hai khuynh hướng :
     - Nhóm bảo thủ, chống đối đả phá, đại diện cho nhóm này có Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Duy Từ, Nguyễn văn Hanh...
     - Nhóm ủng hộ có Lưu Trọng Lư với bài Trên Đường Đời, Vũ Đình Liên với Ông Đồ...
     Dần dần nhóm thơ mới thắng thế và xuất hiện hàng loạt những nhà thơ như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử…

2 - Cách gieo vần trong thơ Mới.

     Trong Thơ Mới, không qui định số chữ trong câu và không giới hạn số câu trong một bài thơ. Cách gieo vần của Thơ Mới là sự tổng hợp của Thơ Tây phương, Thơ Đường, Thơ Việt Nam.
     Sau đây là những cách gieo vần trong thơ mới :

a - Vần Tiếp:

Chữ cuối câu trên gieo vần với chữ cuối câu dưới và cứ tiếp tục như thế.

Thí dụ:
Phiếm Lá Tình


Dáng thu e ấp gió lùa ngần ngại
Tình bủa giăng trong áo chớm thu lay
Lòng thật khẽ ngập ngừng khơi bước nhẹ
Nắng hoa vàng hôn vai ủ lá che

........
                               (Kim Oanh)
 b - Vần Ôm:

- Hai câu kề gieo vần với nhau.

Thí dụ:
  Dung Nhan Lớp    


Trở về trường xoáy rơi vào cơn lốc
Trên vôi tường rêu mốc bám xanh xao
Hàng phượng xưa đang rỉ máu hận trào
Rơi vung vãi trên vai người năm cũ

                                  
(Kim Oanh)


- Gieo vần cách hai câu.

Thí dụ:
        trích Thu Vẩy Chết


Lá vẫy chết...tình say khép ngủ
Mùa đau... ủ rũ cố nhân xưa
Mưa thổn thức đong đưa phiền muộn
Hư hao đời nhuộm sắc ... biệt thu
                                   Kim Oanh


-Cả hai cách gieo vần trên:

Thí dụ:
    Trích Mưa...Vẫn Chờ
.......
Mưa vẫn rơi rơi đều trên phiến
Mưa vẫn buồn buồn đá cứ mãi trơ
Mưa vẫn rơi rơi sâu vào nỗi nhớ
Mưa vẫn buồn buồn xót cuộc
tình xa
........
                                   Quên Đi

c - Vần Tréo: Gieo vần cách một câu.

Thí dụ:
    Trích Cảm Thu
 ...... 

Dòng đời như nước chảy
Sầu lắng đọng trên vai
Tuổi vàng trôi lặng lẽ
Xơ xác mái đầu ai
.......
              
Mai Lộc

d - Vần Ba Chữ: Gieo vần chữ cuối các câu 1, 2, 4.

Thí dụ :
Gót Chân Son 


Chân trần nhẹ lướt cỏ xanh non
Lạnh hạt sương đêm đọng giọt còn
Mơn trớn da ngà làn gió sớm
Vo tròn tuổi mộng gót chân son

                             (Kim Phượng)

e - Vần Lưng (Yêu vận): Chữ cuối câu trên gieo vần với chữ ở giữa của câu dưới.

 Thí dụ:
Lắng Sâu 


Đêm buồn về nghe bước chân xa lạ
Từng con đường bóng tối ngã màu trăng
Tàn hương hoa lòng trăng già gầy guộc
Trông mong gì khi chẳng thuộc về nhau

                                        (
Kim Phượng)


f - Vần Cùng Một Câu: Thường sử dụng cho câu có ít nhất là 6 chữ

(Điển hình là Bài thơ Tình Già bên trên của Phan Khôi)

                
Tâm Nguyện


Biết nói sao ngôn ngữ nào tả xiết
Đợt sóng lòng từng đợt dâng cao
Nơi sâu thẳm trong tâm hồn ông giáo trẻ
.......................................................
Cùng tiến bước đi lên phía trước
Tuy thênh thang đường tri thức lắm gian nan
                                                    
(Quên Đi)

Ngoài ra, chúng ta vẫn có thể sử dụng các cách gieo vần đã thí dụ bên trên cho cùng một bài thơ.




B- THƠ TỰ DO

      1 - Sự khác biệt với Thơ Mới

     Nói đến phát súng mở đầu của Thơ Mới, mọi người đều nhắc đến Phan Khôi.
     Khi đề cập đến Thơ Tự Do, phải nói đến Thanh Tâm Tuyền. Ông chính là người mở đường cho thơ Tự Do.
     Trong khi Thơ Mới không còn lệ thuộc vào số chữ trong câu, nhưng vẫn còn lệ thuộc vào Gieo Vần, thì thơ Tự do thoát khỏi cả gieo vần. Thơ Tự Do thỉnh thoảng cũng có gieo vần, nhưng không nhất thiết và không hề theo một qui luật nào cả.
     Dựa vào âm điệu trầm bổng của tiếng Việt, Thanh Tâm Tuyền không cần sử dụng vần như các thể loại khác, chỉ cần âm điệu bài thơ nghe sao cho du dương như tiếng nhạc, toát lên được cái hồn, cái ý thơ. Ông có nhiều bài Thơ Tự Do không vần với những ý tưởng mới lạ.
     Tiếp sau Thanh Tâm Tuyền còn có Thái Can, Nguyên Sa... Nhưng thơ Tự Do của Nguyên Sa nặng về tình cảm, lại chưa tạo ý tưởng mới lạ như Thanh Tâm Tuyền.


     Thơ Tự do rất phóng khoáng về số chữ trong câu. Có câu chỉ một chữ duy nhất. Cũng có câu dài như một đoạn văn xuôi.
     Những người bênh vực Thơ Tự Do thì cho rằng: Thơ quan trọng ở tiết tấu, giai điệu, phải có ý tưởng, có chiều sâu, nên không cần có vần. Nếu không có những điều này thì không thể gọi là thơ. Có những bài sử dụng chữ rất hoa mỹ, câu rất bóng bẩy nhưng lại thiếu hẳn ý. Đó chỉ là những bài Văn vần không thể gọi là thơ.
     Còn phái đả phá thì cho rằng Thơ phải có Vần là chính, nếu không có Vần thì chẳng khác nào một Bài Văn Xuôi ngắt khúc từng câu sắp xếp lại cho giống hình thức một bài thơ.
     Ai đúng ai sai? Điều này tuỳ thuộc vào nhận thức " Thơ Là Gì " của mỗi người và lời giải đáp đúng nhất chính là thời gian.
     Ngày nay, cũng có khá nhiều người làm thơ Tự Do, nhưng chưa thấy ai được như Thanh Tâm Tuyền. Nguyên Sa...
    
 2 - Những bài thơ thí dụ

  Trích Hạ Ca:

Em vén tóc cho cao
Trưa nay trời nồng nực
Đầu cành xa hoa đỏ trổ ngời
Óng ánh nắng mật
Ngửng trông giếng khơi tuyệt ngấn mây
Đáy biếc tỏa
Tháng tư chói lọi vây .

                         (Thanh Tâm Tuyền)

Trích Khúc Tháng Chạp

Cớ sao chim tinh khôn, chim chẳng hay mùa đông chụp tới? Mùa đông, người thiếu phụ điêu ngoa vẻ u tình, người thiếu phụ hỗn hào nhẫn tâm quật thúc mê man. Người thiếu phụ không biết hổ ngươi. Mỗi ngày soi tấm gương hoen âm bầu trời đục dữ dằn, soi mắt mình trong mắt mình. Leo ngược dốc đứng, dốc trơn trùi nhọn hoắt. Rơi lăn lóc như bụi sạn.

Ôi — Chim hiếm hoi, chim lạ kỳ, chim bé bỏng. Vụt bay nỗi sầu bi, cánh hân hoan xơ xác. Hiểu không sự lênh đênh cùng thẳm? Hiểu không ngọn lao đao tuyệt tích? Hiểu không con bấc mù mất dấu trên đồng bưng mặt ngất? Hiểu không? ... Hiểu không. Những thoáng chốc vi vu nứt nẻ?
...
                                                                                                                     Thanh Tâm Tuyền

Trích  Bài Ngợi Ca Tình Yêu


Tôi chờ đợi
lớn lên cùng giông bão
hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai
tìm cánh tay nước biển
con ngựa buồn
lửa trốn con ngươi

Đất nước có một lần
tôi ghì đau đớn trong thân thể
những dòng sông những đường cầy núi nhọn
những biệt ly rạn nức lòng đường
hút chặt mười ngón tay ngón chân da thịt
như người yêu từ chối vùng vằng ...
                          Thanh Tâm Tuyền


Tầm Dương


Lung linh mờ ảo trong đêm lạnh
Heo hút như từ cõi xa xăm
Bóng chiều mờ nhạt màn sương mỏng
Nhắn nhủ trăng về với bến xưa
Đêm đêm đàn nguyệt so cung lẻ
Cất tiếng tang tình giọng nỉ non
Tầm Dương nhớ bạn sầu cô quạnh
Tri kỷ tri âm có nhớ tìm
                                     (Quên Đi)

 
     Chúng ta thấy rất rõ, chỉ hoàn toàn dựa vào âm thanh bổng trầm, sự thay đổi cung bậc của Bằng Trắc tạo nên nét du dương. Thơ không cần thiết phải gieo vần, hoặc nếu có chỉ thỉnh thoảng chứ không như Thơ Mới.


Huỳnh Hữu Đức

1 nhận xét:

  1. Cám ơn người viết, bài đánh giá đã giúp mình nhận biết rất nhiều về thơ mới và cũng giải đáp thắc mắc của mình về sự khác biệt giữa thơ tự do và thơ mới

    Trả lờiXóa