Danh Lam Thắng Cảnh Bình Thuận:
Bình Thuận là tỉnh nằm giữa hai miền Trung và Nam Việt Nam, là một trong những tỉnh với đầy đủ núi đồi, sông ngòi, đồng bằng rừng rậm và biển cả. Vì là miền cuối của dãy Trường Sơn nên trong suốt chiều dài bờ biển của Bình Thuận chạy từ ga Cà Ná(11) xuống tận sông Đu Đủ(12) có nhiều nhánh núi thọc ra biển, tạo nên những mũi có cảnh sắc rất ngoạn mục, đồng thời chính những mũi đá nầy cũng là nơi che chắn gió bảo cho thuyền ghe của ngư dân như Mũi Né, mũi Rơm, mũi Đá, mũi La Gàn, và mũi Kê Gà (Khe Gà), vân vân. Dọc theo bờ biển là những đồi cát và những khu rừng phi lao lúc nào cũng vì vèo tiếng reo của những hàng phi lao trong gió. Ngay cạnh bờ biển là những vùng biển cát trắng với ngư trường dồi dào và rất phong phú tài nguyên biển. Bình Thuận còn có những khu rừng, không hẳn là nguyên sinh, nhưng cũng rất dồi dào về động thực vật của vùng nhiệt đới. Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng có những cánh đồng lúa, tuy không bao la bạt ngàn như miền Tây Nam Phần, và những khu vườn cây ăn trái với đầy đủ các loại hoa quả của vùng nhiệt đới. Đặc biệt, Bình Thuận rất nổi tiếng với những vườn cây thanh long, với hương vị thơm ngon tuyệt hảo. Chính vì thế mà tỉnh Bình Thuận có nhiều danh lam thắng cảnh. Và cũng chính vì thế mà từ năm 1998, tỉnh Bình Thuận đã đứng đầu toàn quốc về số lượng khách du lịch đến tỉnh nầy. Về thiên nhiên, Bình Thuận có nhiều ưu thế như núi rừng, bờ biển, đồi cát, sông hồ, rừng núi tuyệt đẹp. Thêm vào đó, tuy nằm trong vùng nhiệt đới, nhưng ít chịu ảnh hưởng gió mùa đông bắc, nên khí hậu Bình Thuận nóng và khô, tuy nhiên cũng không nóng lắm mà cũng không lạnh lắm, nhiệt độ trung bình khoảng 26 độ C nên rất thích hợp cho việc nghỉ mát. Về giao thông, thành phố Phan Thiết chỉ cách Sài Gòn khoảng 200 cây số và vì có quốc lộ 1A và đường rầy xe lửa chạy ngang qua tỉnh, cũng như các ga xe lửa Mường Mán, Sông Dinh, Sông Phan, Suối Vân, Ma Lâm và Long Thạnh... nên việc đi lại từ Sài Gòn ra Phan Thiết rất thuận tiện. Nhờ đó mà số du khách đến viếng các danh lam thắng cảnh tại vùng Bình Thuận ngày càng gia tăng.
Tại núi Tà Cú, có chùa Linh Sơn Trường Thọ, người dân địa phương thường gọi là chùa Núi Tà Cú. Chùa tọa lạc trên núi Tà Cú, ở độ cao khoảng 460 mét, thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, nằm cạnh quốc lộ 1A, cách Phan Thiết khoảng 28 cây số. Chùa được nhà sư Trần Hữu Đức khai sơn vào cuối thế kỷ thứ XIX. Đây là một trong những thắng tích độc đáo với lối kiến trúc cổ. Cách chùa Linh Sơn Trường Thọ không xa, chỉ khoảng một đoạn dốc và một rừng cây bằng lăng, là chùa Long Đoàn, còn gọi là chùa Dưới. Phía sau chùa Dưới là tượng Đức Phật nhập Niết Bàn.
Đây là pho tượng lớn nhất Việt Nam, được dựng lên vào năm 1963. Cách thành phố Phan Thiết khoảng 65 cây số về phía đông bắc, trong huyện Bắc Bình có một bàu nước lớn tên là ‘Bàu Trắng’, nằm giữa vùng đồi cát mênh mông chen lẫn với những rừng cây thấp. Bàu Trắng tọa lạc trong thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Trong bàu có rất nhiều bông sen nên dân chúng địa phương còn gọi là ‘Bàu Sen’, lại có người gọi là ‘Bàu Ông-Bàu Bà’, vì bàu bị một ngọn đồi nhỏ chia làm hai phần. Dầu nằm giữa vùng đồi cát và biển, nhưng nước trong bàu rất trong và tinh khiết nên được người dân ở đây sử dụng như nguồn nước quí hiếm, nuôi sống họ trong những ngày nắng hạn. Riêng dân chúng xã Hòa Thắng thì coi Bàu Trắng như một bầu sữa nuôi hết mọi người trong vùng. Quanh Bàu Trắng có nhiều thôn làng của người Champa, về phía nam người Champa đã dựng lên ngôi đền để thờ nữ thần Pô Nagar(13). Chính nhờ lượng nước trong Bàu Trắng đã giúp làm dịu mát không khí và cát quanh hồ không bị gió cuốn tung bay như nhiều nơi khác ở Bình Thuận.
Cách thành phố Phan Thiết khoảng 22 cây số về phía đông bắc, trên đường 706, là một dãy những cồn cát tuyệt đẹp của bờ biển Bình Thuận. Du khách có thể đến Mũi Né bằng quốc lộ 706, rồi đi xuyên qua một khu vườn dừa râm mát, cảnh trí gần giống như những khu rừng dừa Hạ Uy Di (Hawaii). Mũi Né là một dãy đồi cát mịn, uốn lượn theo những cơn gió(14). Mùa hè và mùa thu tại Mũi Né có những cây lá màu vàng và màu hồng, có phong cảnh rất giống Âu châu vào mùa thu. Đây là một trong những khu du lịch thu hút nhiều khách vãng lai nhất của vùng biển Bình Thuận. Vùng nầy thu hút du khách không kém bất cứ khu du lịch nào trong nước. Bãi biển vùng Mũi Né tương đối hãy còn nhiều đặc tánh thiên nhiên, sạch sẽ, cát trắng, chạy dài hàng chục cây số, với cảnh sắc thật nên thơ. Nhiều bãi cát hãy còn hoang sơ, như chưa từng có dấu chân người. Đây là nơi lý tưởng để tắm biển cũng như những sinh hoạt thể thao khác. Ngoài ra, chung quanh Mũi Né còn các khu vực du lịch khác như Hòn Rơm, Suối Tiên, khu Lầu Ông Hoàng, và khu Tháp Chàm Pô Shanư. Cách tỉnh lỵ Phan Thiết khoảng 70 cây số theo quốc lộ số 1 đi Phan Rang là thị trấn Phan Rí (ngày nay thuộc huyện Bắc Bình). Cách thị trấn Phan Rí chừng 3 cây số về phía Đông và phía Nam là khu đồi cát Phan Rí. Khu đồi cát ở Phan Rí rộng và cao hơn khu đồi cát Mũi Né. Tuy nhiên, khu Phan Rí có vẻ hoang vu vắng vẻ hơn khu Mũi Né nhiều. Tại đây, những đồi cát cao, sườn cong thoai thoải nối liền đến những đồi cát thấp chung quanh. Rất nhiều đồi cát có hình xoáy trôn ốc trông rất lạ mắt. Có lẽ chỉ duy nhất tại vùng Bình Thuận nầy mới có những đồi cát thật độc đáo, có lẽ vì những trận gió luôn đổi hướng, nên những đồi cát tại đây không bao giờ giữ nguyên hình dạng, mà chúng luôn thay đổi biến hóa thành ra muôn hình vạn trạng. Có khi chúng ta đến đây chỉ cách vài ngày mà hình trạng của những đồi cát đã hoàn toàn thay đổi, không lưu lại bất cứ một dấu vết gì của mấy hôm trước đây. Những sắc thái dị biệt của cả hai khu đồi cát Mũi Né và Phan Rí luôn thu hút những nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Việt Nam. Tại Sài Gòn, thỉnh thoảng người ta thấy các nhiếp ảnh gia đã cho trưng bày rất nhiều hình ảnh về những đồi cát, như những bức tranh thủy mạc tuyệt đẹp, có thể nói còn đẹp hơn cả những bức tranh thủy mạc của các danh họa Trung Hoa nữa là khác(15).
Hiện tại, cách thành phố Phan Thiết khoảng 7 cây số về phía đông bắc, gần một ngọn đồi có tên là Lầu Ông Hoàng, chùa Bửu Sơn(16), và núi Cố nơi có mộ của đốc học Nguyễn Thông. Bên cạnh đó còn có nhóm tháp Pô-Sha-Nư, còn gọi là tháp Phú Hài, nằm trong phường Thanh Hải, thuộc thành phố Phan Thiết. Trong tháp thờ các tiên nữ, con gái của thần mẹ Pô-Nagar. Đây là một trong những tuyệt tác kiến trúc và mỹ thuật của dân tộc Champa có phong cách nghệ thuật Hòa Lai. Nhóm tháp nầy gồm 3 tháp và nhiều phế tháp khác, nay chỉ còn trơ lại phế tích và nền móng mà thôi. Ba ngôi tháp hiện còn đều là những ngôi tháp vuông(17), hướng mặt về biển Đông, tất cả đều có niên đại vào thế kỷ thứ 8. Đến thế kỷ thứ XV, người Champa xây thêm tháp thờ công chúa Pô Sha Nư (con gái của vua Para Chanh), người mà dân Champa rất sùng kính vì nhân đức và phong cách yêu mến và lễ độ mà bà đã dành cho nhân dân Champa. Ngày nay, 3 ngôi tháp này có nhiều chỗ bị thời gian và thời tiết làm hư hoại khá nhiều. Tuy nhiên, từ hơn 100 năm nay(18), chính quyền và nhân dân địa phương đã liên tục phục chế và trùng tu ba ngôi tháp nầy. Vào thời đệ nhất cộng hòa, chánh quyền cũng đã cho trùng tu lại vào khoảng năm 1958. Vào những năm từ 1992 đến 1995, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được nhiều nền móng của những ngôi đền đã bị sụp đổ và vùi lấp hàng mấy thế kỷ qua. Trong lòng các phế tháp bị vùi lấp nầy người ta cũng phát hiện rất nhiều gạch ngói và hiện vật có niên đại từ thế kỷ thứ 15. Ngày nay, hàng năm vào tháng giêng âm lịch, người Chăm cử hành các lễ hội Rija Nưga và Poh Mbăng Yang rất long trọng dưới chân tháp để cầu mưa cũng như những điều tốt lành nhất. Các ngư dân trong vùng, kể cả người Champa lẫn người Việt trong các vùng lân cận thường đến tháp Po Sha Nư cầu nguyện trước khi họ xuất hành đi biển. Bên cạnh khu tháp và các di tích là núi Cố, nơi có mộ của đốc học Nguyễn Thông.
Ngoài ra, cách thành phố Phan Thiết khoảng 60 cây số về phía bắc, tại xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, còn có nhà lưu giữ những bảo vật của Champa. Ngôi nhà bảo tàng nầy do bà Nguyễn thị Thềm, một hậu duệ của dòng vua cuối cùng của vương quốc Champa, đã dựng lên để lưu giữ những bảo vật của vương quốc Champa. Bộ sưu tập bảo vật nầy gồm đa số những báu vật của vua Pôklông-Mnai và một số ít những báu vật của các vị vua Champa từ nhiều thế kỷ trước. Đáng chú ý nhất là những di vật bằng vàng, gốm vương miện, bông đeo tai và xuyến...Ngoài ra, còn có áo long bào, giày của vua Pôklông-Mnai và hoàng hậu Popia Som. Bộ sưu tập chẳng những nhằm lưu lại những báu vật của các vương triều Champa, mà nó còn phản ảnh nghệ thuật điêu khắc mỹ nghệ của người dân Champa trải qua các triều đại. Cũng tại huyện Bắc Bình, gần quốc lộ 1A, còn có ngôi đền vua Pôklông-Mnai, vị vua cuối cùng vào đầu thế kỷ thứ XVII của vương quốc Champa. Trong đền hiện nay còn 3 pho tượng, một của vua Pôklông-Mnai, và 2 tượng kia là của hai vị hoàng hậu của nhà vua nầy.
Trước năm 1975, mặc dầu đất nước vẫn còn trong tình trạng chiến tranh, các nhà đầu tư vẫn khai thác nước suối Vĩnh Hảo, vì nước suối nầy có tác dụng chữa những bệnh đường ruột rất cao. Vĩnh Hảo là một con suối nằm trong huyện Tuy Phong, giáp với vùng Ninh Thuận. Theo truyền thuyết, ngày xưa người Champa rất trân quí nước suối Vĩnh Hảo, họ chỉ dùng nước nầy để chế thành một loại nước thơm, chỉ dành riêng trong việc tẩy rửa các tượng thánh mà thôi. Trên bờ biển dài khoảng 50 cây số của vùng Tuy Phong, ngoài khu nghỉ mát Vĩnh Hảo, còn có nhiều khu di tích khác như hòn Lao Câu, khu Gành Sơn, khu Cổ Thạch Tự và tháp Podam.
Giữa hai huyện Đức Linh và Tánh Linh có hồ Biển Lạc. Hồ nầy còn giáp với hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Hồ tọa lạc giữa một khu rừng, có diện tích khoảng trên 1.000 mẫu tây, tuy nhiên, về mùa mưa, mặt hồ rộng trên 3.000 mẫu tây. Quả thật Hồ Biển Lạc là một hồ nước rộng lớn như một cái biển. Chung quanh hồ là rừng núi thanh u, về phía đông là núi Cà Tong, cao khoảng 506 mét, ngọn núi cao sừng sững như đang tự kiêu với mặt hồ thấp thoáng bên dưới. Những khu rừng quanh hồ có hãy còn nguyên sinh với nhiều loại danh mộc như sến, trắc, cẩm lai, giáng hương, vân vân. Trong rừng có vô số chim chóc quí hiếm như trĩ, công... Điểm đặc biệt của vùng Hồ Biển Lạc là đi đâu người ta cũng vô số hoa phong lan với nhiều loại và nhiều màu sắc khác nhau. Vì mặt hồ khá rộng, nên trữ lượng tôm cá cũng như các loài thủy sản khác trong hồ rất dồi dào và phong phú về chủng loại. Về mùa nước nổi, người ta có thể ngồi thuyền lênh đênh trên mặt hồ mênh mông đến độ khiến cho mình có cảm giác như mình đang đi du thuyền trên hồ Thanh Hải bên Trung Hoa hay hồ Possom Kingdom Lake của tiểu bang Texas vậy.
Ngay trong thành phố Phan Thiết hiện nay còn có Vạn Thủy Tú, một trong những ‘vạn’(19) cổ xưa nhất của ngư dân Bình Thuận. Ngày nay, đền thờ “Nam Hải Đại Tướng Quân” trong vạn Thủy Tú tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, được ngư dân địa phương xây dựng lên từ năm 1762, mặt của chánh điện hướng ra biển Đông. Theo truyền thuyết thì lúc mới xây, vạn nằm sát bờ biển, nhưng hiện nay nó nằm cách bờ biển khoảng 100 mét. Từ ngày được xây dựng đến nay, vạn Thủy Tú là nơi lưu trữ nhiều bộ cá Ông nhất trên cả nước. Hiện tại, có trên 100 bộ xương với nhiều bộ trên 200 năm tuổi. Tất cả đều được ngư dân ở đây trân trọng thờ phụng rất trang nghiêm. Bên trong khuôn viên có một voi đất lớn, được dùng để mai táng xác ‘Ông’ theo phong tục và truyền thống của ngư dân biển. Sau khi mai táng 3 năm, người ta mới bắt đầu lấy cốt lên để thờ phụng mà từ địa phương gọi là ‘thương cốt nhập tẩm’. Theo tục lệ địa phương ở đây, hễ ai thấy Ông trước nhất, thì người đó được phép làm trưởng tử của Ông. Người nầy phải lo làm đám tang chu đáo và phải để tang Ông ba năm. Hiện trong Vạn Thủy Tú hãy còn nhiều di sản văn hóa Hán Nôm liên quan đến nghề đi biển qua các câu liễn đối, hoành phi, cũng như những bài văn khắc ở đại hồng chung. Dưới thời nhà Nguyễn, các vua đã ban rất nhiều sắc phong cho Ông trong Vạn Thủy Tú nầy. Hiện tại, vạn Thủy Tú còn lưu giữ 24 sắc phong triều Nguyễn, kể từ các vua Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định, vân vân
Chỉ riêng vua Thiệu Trị, chỉ trị vì từ năm 1840 đến 1847 đã ban cho Vạn Thủy Tú 10 sắc phong thần cho các vị Nam Hải
Nằm sát trung tâm thành phố Phan Thiết là khu những đụn cát Novotel. Sau năm 1975, người ta giải tỏa khu xóm chài nghèo nàn Novotel để biến nó thanh một khu nghỉ mát lớn nhất Phan Thiết, gồm một sân golf rộng trên 60 mẫu tây đất, và một khách sạn cỡ lớn. Ngoài ra, ven vùng thành phố Phan Thiết còn có một suối nước mang tên ‘Suối Tiên’, cách trung tâm thành phố khoảng 18 cây số về hướng đông bắc. Đây chỉ là một con suối nhỏ, chảy quanh sườn đồi vùng Hàm Tiến, băng qua khu vườn dừa xanh mát, rồi vượt qua vùng đồi cát khô trước khi trút nước xuống đất. Lòng suối là những lớp đất sét pha cát với nhiều màu trắng, vàng, đỏ lẫn lộn rất đẹp.
Ngoài ra, vùng Bình Thuận còn một mũi đá rất nổi tiếng, đó là Mũi Khe Gà, mà dân chúng địa phương gọi trại là Mũi Kê Gà(20). Mũi Khe Gà nằm trong huyện Hàm Thuận Nam. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi về mũi Khe Gà như sau: “Ở phía Tây huyện Tuy Lý, cách 52 dặm sát với biển có những hòn đá lớn ngang ra biển. Ở ngoài có hòn đảo tên ‘Kê Dữ’.” Cách bờ biển khoảng 500 mét có một hòn đảo nhỏ, mà vào những ngày nước ròng, người ta có thể lội ra đảo rất dễ dàng; tuy nhiên, lúc hải triều lên, nhất là lúc có sóng gió thì việc ra đảo rất khó khăn. Khu vực bãi biển mũi Khe Gà rất hiểm yếu, ngày trước thuyền bè qua lại hay bị chìm do không xác định được vị trí, và bị sóng gió tạt vào đá ngầm. Tương truyền, ngày xưa dân đi biển ngang qua vùng nầy đều phải dâng lễ vật cúng vái với ‘Bà Há’, mà người ta tin là một vị Thần Biển, để xin cho qua lại được dễ dàng. Vào cuối thế kỷ thứ 19, người Pháp đã xây trên đảo một ngọn hải đăng(21). Về phía Nam mũi Khe Gà chừng 2 cây số có hòn Bà(22). Theo truyền thuyết, sở dĩ người ta gọi là hòn Bà vì từ nhiều thế kỷ trước, người Champa ở đây đa số làm nghề đánh bắt cá ngoài biển, và vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, họ đã xây trên hòn một ngôi đền thờ nữ thần Pô Nagar để xin ‘Mẹ Xứ’ phù trợ cho những người sinh sống tại vùng nầy cũng như những người phải ra khơi đánh cá luôn được bình yên, phong hòa vũ thuận. Tuy nhiên, với dòng thời gian, ngôi đền cũ đã đổ nát thành phế tích và những pho tượng trong đền đã bị kẻ gian đánh cắp. Đến năm 1969, ngư dân Hàm Tân đã đóng góp để xây dựng lại ngôi đền trên nền cũ, nhưng lại gọi là đền ‘Thiên Y A Na Thánh Mẫu’ và vía Bà theo phong tục và truyền thống Việt Nam hàng năm vào ngày 23 tháng 3 âm lịch; tuy nhiên, vào dịp vía Bà cũng có nhiều người Champa từ các nơi ra đây dự lễ.
Cách thành phố Phan Thiết khoảng 210 cây số về hướng đông là quần đảo Phú Quí, một huyện đảo của tỉnh Bình Thuận. Quần đảo Phú Quí gồm các đảo Phú Quí, Long Hải, cù lao Thu, đảo Tam Thanh, đảo Ngũ Phụng... nằm sát cạnh nhau. Năm 1923, cách phía nam đảo Phú Quí khoảng 22 hải lý, đảo hòn Tro và một hòn đảo thấp nhỏ hơn đột nhiên trồi lên khỏi mặt biển. Hòn tro cao tới 30 mét, trong khi hòn nhỏ chỉ cao khỏi mặt nước biển chưa đầy 5 tấc. Trong vòng vài ba tháng sau, cả hai đều biến mất. Sở dĩ có tên hòn Tro vì đảo được tạo lập bởi tro bụi và dung nham của một núi lửa ngầm phun lên. Sau đó đảo bị sóng gió soi mòn và dòng nước cuốn trôi không còn lại dấu tích(23). Các nhà địa chất học cho rằng từ bờ biển Việt Nam ra tới các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn còn những dãy núi lửa đang hoạt động ngầm dưới đáy biển. Tuy là một đảo nhỏ, chỉ vào khoảng 16,4 cây số vuông, nhưng dân số trên toàn đảo lên tới 22.600 người, với mật độ trung bình khoảng 1.378 người trên một cây số vuông. Trên đảo có một làng chài rất nổi tiếng tên là ‘Vạn An Thạnh’, hiện còn một bộ xương cá voi rất lớn được dân chúng thờ trong đình Thần Nam Hải. Theo sách sử triều Nguyễn thì lưu dân người Việt đã đến sinh cơ lập nghiệp trên đảo Phú Quí ngay từ những thế kỷ thứ XVI và XVII. Vạn An Thạnh được thành lập vào năm Tân Sửu 1781 tại bờ biển xã Tam Thanh, nằm về phía Nam đảo Phú Quí. Đến năm Tân Sửu 1841, một con cá Ông khổng lồ trôi dạt vào bờ biển nầy, được ngư dân vớt lên và mai táng rất trọng thể. Đây là con cá Ông lớn nhất và đầu tiên phải ‘lụy’(24) trên bờ biển của đảo nên được ngư dân lấy ngày Ông lụy làm ngày vía Ông, vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Dưới thời nhà Nguyễn, nhất là thời Gia Long, vì trong thời bôn tẩu, vị vua nầy đã nhiều lần được cá Ông phù trợ, nên khi lên ngôi, vua Gia Long đã phong cho loài cá nầy làm ‘Nam Hải Đại Tướng Quân’ với sắc phong chính thức của triều đình. Tính đến ngày nay, Vạn An Thạnh đã được thành hình hơn 200 năm và có tới 10 sắc chỉ vua ban với danh hiệu ‘Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân’, tức là những vị tướng ở biển Nam đã giúp cho Nguyễn Ánh thoát nạn trên đảo khi bị quân Tây Sơn truy đuổi. Đến năm 1960, một cá Ông lớn khác, dài trên 25 mét, trôi dạt vào bờ, được ngư dân mai táng rất long trọng, và sau đó họ phát lên rất nhanh nên sự tin tưởng nơi ‘Ông’ càng mãnh liệt hơn. Hiện tại, trên đảo Phú Quí vẫn còn lưu giữ 70 bộ xương cốt của cá ‘Ông’ đủ cỡ lớn nhỏ, lúc nào cũng được ngư dân thờ phụng rất trang nghiêm. Ngoài khơi huyện Tuy Phong, cách vùng bờ biển Liên Hương khoảng 9 cây số, có một cù lao với diện tích khoảng 10.000 mét vuông, đó là cù lao Cau(25). Ngày trước, muốn ra cù lao Cau chỉ có con đường duy nhất là phải ra bãi Cà Ná; ngày nay người ta có thể dùng thuyền máy từ các bến Cà Ná, Vĩnh Hảo, Bình Thuận, hay Phước Thể; tùy theo nơi xuất phát mà thời gian đến có mau hay chậm, tuy nhiên, thời gian trung bình khoảng 40 phút là có thể đến cù lao. Trên cù lao có hàng chục ngàn khối đá nhẵn với hình dạng và màu sắc khác nhau, mà từ ngoài biển ngó vào trông giống như những đàn chim cánh cụt(26) vậy. Theo cư dân vùng Phước Thể, thì xưa kia dân Champa đã xây dựng trên cù lao một ngôi đền thờ nữ thần Pô Nagar để xin ‘Mẹ Xứ’ phù trợ cho những người sinh sống tại vùng nầy cũng như những người phải ra khơi đánh cá. Tuy nhiên, qua dòng thời gian, hiện nay không còn dấu tích nào của ngôi đền thờ nầy trên cù lao. Đến khi người Việt đặt chân lên sinh sống trên đảo, người ta đã xây trên đảo ngôi đền thờ ‘Nam Hải Đại Tướng Quân’ và lễ vía Ông diễn ra rất trang nghiêm vào những ngày 15 và 16 tháng 4 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những vùng giàu hải sản nhất của tỉnh Bình Thuận, trong đó có những loài hải sinh vật quí hiếm. Chính vì vậy mà cù lao Cau được chọn làm địa điểm bảo tồn sinh vật biển của tỉnh Bình Thuận. Trên cù lao có một cái giếng nhỏ tên là ‘Giếng Tiên’, do nước từ khe đá liên tục rỉ ra; tuy số lượng không lớn, nhưng cũng đủ giúp cho ngư dân trên cù lao dùng làm nước trong sinh hoạt hàng ngày.
Điểm đặc biệt là quốc lộ 1 chạy qua 5 huyện duyên hải của tỉnh Bình Thuận(27), khiến cho việc giao thông đi lại giữa Bình Thuận và các miền khác rất thuận tiện. Chính nhờ vậy mà vùng Bình Thuận được xem như là một trong những điểm dừng chân nghỉ ngơi lý tưởng trên tuyến đường dài từ Nam ra Bắc. Thêm vào đó, trên tuyến đường sắt Bắc-Nam có nhiều ga quan trọng nằm trong địa phận tỉnh Bình Thuận, như ga Mường Mán, ga Sông Dinh, ga Sông Phan, ga Suối Vân, ga Ma Lanh, và ga Long Thạnh, vân vân. Những ưu điểm vừa kể có thể là những điểm thuận lợi nhất cho việc phát triển kỹ nghệ du lịch tại tỉnh Bình Thuận nếu chúng ta khéo biết xây dựng và khai thác những lợi điểm nầy.