Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Xướng Hoạ: Gởi Bạn


Gởi Bạn

Đường mây vạn dặm bạn thơ ơi 
Muốn đến chung vui thấy khó rồi 
Lúc trước đi cày mệt đứt thở 
Bây giờ hưu trí rệu mong ngơi 
Làm thơ nhiều lúc câu vô nghĩa 
Xướng họa đôi khi bút nghẹn lời 
Vui với cháu con niềm hạnh phúc
Thời gian man mác cứ dần trôi 

Mailoc
( Chúc Vườn Thơ Thẩn tràn tiếng cười, hỉ hạ ," Vô, Vô!!" )
***
Cùng Bạn

Đừng ngại hay buồn nhé bạn ơi
Tuổi già biển rộng cách ngăn rồi
Về hưu đất khách huynh còn đỡ
Thất nghiệp quê nhà đệ phải ngơi
Bảy chữ tám câu chưa vẹn ý
Một vần năm luật chẳng vuông lời
Nhưng giờ ta vẫn còn vui thú
Con cháu bạn bè há thả trôi.

Quên Đi
***
Bạn Hiền

Ngàn trùng xa cách bạn hiền ơi!
Thơ thẩn Vườn ta " đại diện " rồi...
Tráng kiện buổi xưa vun cuộc sống,
Gầy nhom hiện tại nghỉ hưu ngơi!
Hồn thơ lai láng câu thi phú,
Nhạc điệu ngâm nga xúc động lời.
Hậu vận an nhiên lòng tự tại,
Tiền giang sóng nước lục bình trôi...

Mai Xuân Thanh

***

Hồi Âm Thơ Bạn


Lời thơ bạn gởi ...thiết thân ơi!
Suy nghĩ nhiều đêm,thức trắng rồi
Từ lúc,quê hương tàn cuộc chiến
Là khi ,tâm trí chẳng nào ngơi
Còn đây ngọn bút thay gươm súng
Vì vậy ,câu văn thế cho lời
Truyền lại cháu con bầu nhiệt huyết
Tổ tiên giữ nước chớ buông trôi!

Song Quang

***
VUI BẠN
 
Bạn gọi nghe liền lớn tiếng ơi
Nửa ly một xị cũng vui rồi
Đồng thanh tương ứng dù cao máu
Bình thủy tương phùng đâu thể ngơi
Vị ngọt Đinh lăng vừa thỏa dạ
Màu nâu Mít nghệ sắp thay lời
Cây nhà tự chế tình thêm đậm
Kỷ niệm dễ gì theo nước trôi.
 
Cao Linh Tử
12/8/2015

* Mít nghệ chín vàng ươm, lấy cơm phơi khô. nướng trên than hồng rồi ngâm với rượu hảo hạng Gò Đen, có vị ngọt và thơm lắm thầy.
***

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Những Nhân Vật 13/8/2015

Lần gặp gỡ của một số Hội Viên "Vườn Thơ Thẩn"
 Từ trái Sang Phải: Phương Hà, Chị Chiêu Đức, Chiêu Đức, Cao Linh Tử(Trước Lâm), Đắc Thắng, Quên Đi, Trương Phú.

   Những Nhân Vật 13/8/2015 (*)
Phương Hà đứng nhất khỉ cầm tinh
Anh Phú xếp hai thích chụp hình
Chiêu Đức hàng ba cười phúc hậu
Quên Đi thứ bốn  đứng làm thinh
Trước Lâm (**) kế tiếp người chân thật
Đắc Thắng cuối cùng dáng lại xinh
Nếu được có thêm nhiều bạn nữa
Niềm vui gấp bội với "Vườn" mình.
                                     Quên Đi

(*) Các Anh Chị dự buổi gặp gỡ của "Vườn Thơ Thẩn"
(**) Tên của Cao Linh Tử

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Trung Thu Nhắc Chuyện Đường Minh Hoàng

Khi nhắc đến vị vua lãng mạn đa tình Đường Minh Hoàng, mọi người đều không thể không nói đến Vũ Khúc Nghê Thường. Nhân mùa trung thu, chúng ta cùng tìm hiểu về vũ khúc này được trích từ "Điển Hay Tích Lạ" của Nguyễn Tử Quang.

                    Khúc Nghê Thường Vũ Y

Theo truyền thuyết (sách "Dị văn lục") thì khúc vũ này do Đường Minh Hoàng (*) du Nguyệt điện về chế ra cho những người cung nữ múa hát.
Nguyên một đêm Trung Thu, niên hiệu Khai Nguyên đời nhà Đường (713-741), vua Minh Hoàng thấy trăng sáng, mơ ước được đặt chân đến đấy xem chơi. Có đạo sĩ tên La Công Viễn (có sách chép là Diệp Pháp Thiện), người có phép tiên mới dùng giải lụa trắng, hóa thành một chiếc cầu đưa nhà vua đến Nguyệt điện.
Trong điện bấy giờ sáng rực. Tiếng nhạc du dương. Những nàng tiên trong những xiêm y xinh tươi, lộng lẫy, uyển chuyển múa hát như đàn bướm đủ màu tha thướt, bay lượn bên hoa.
Đường Minh Hoàng càng nhìn càng thấy say mê, quên cả trời gần sáng, nếu không có La Công Viễn nhắc thì quên trở về.
Nhờ ghi nhớ các điệu nên khi trở về triều, Đường Minh Hoàng chế thành khúc "Nghê Thường vũ y" để tập cung nữ múa hát. Rồi cứ đến đêm rằm tháng tám, Đường Minh Hoàng cùng với Dương Quý Phi uống rượu dưới trăng, ngắm đoàn cung nữ xiêm y rực rỡ, uyển chuyển múa khúc Nghê Thường để tưởng như sống trong cung Quảng Hàn, điện Nguyệt.
Truyền thuyết này có tính cách thần thoại.


"Đường thư" chép: Đường Minh Hoàng lên chơi Nguyệt điện, thấy các tiên nữ mặc áo cánh chim, xiêm y ngũ sắc, hát bài "Tây Thiên điệu khúc", đến khi trở về trần, còn nhớ mang máng. Nhằm lúc có Tiết độ sứ là Trương Kính Thuật từ Tây Lương, đem khúc hát Bà La Môn đến biếu, Minh Hoàng truyền đem san định lại và đổi tên là khúc "Nghê Thường vũ y".
Tài liệu này có phần thực tế.


"Nghê" là cầu vồng. Tiếng miền Nam gọi là cái mống, do ánh nắng xuyên qua hơi nước trong mây nên phân thành bảy màu. Sách Tàu ngày xưa chỉ nhận có năm màu.
"Thường" là xiêm, để che phần hạ thân của người. "Nghê Thường" có nghĩa là xiêm cắt bằng năm màu. "Vũ y" là áo dệt bằng lông chim. Hay có nghĩa là kiểu áo theo hình cách chim.
"Nghê Thường vũ y", ta có thể cho đó là những vũ nữ mặc áo theo hình cánh chim, còn quần thì bằng lụa phất phới ngũ sắc.
Những nhà sử học và khảo cổ học đã cho biết: đời Đường (và trước đời Đường), người Tàu đã có một khái niệm rõ rệt về địa dư vùng Tân Cương mà họ thường đến để mua bán và... chinh tây. Mặc dù người Tàu chưa từng chinh phục Ấn Độ nhưng sự bang giao về thương mại và chính trị đã có từ đời Hán (206-196 trước D.L.). Ấn Độ là nơi mà đạo Bà La Môn rất phồn thịnh. Lắm khi người Tàu và người Tân Cương lúc bấy giờ gọi phần đất Ấn Độ là Bà La Môn quốc. Bằng cớ là vào năm 629, lúc nhà sư Trần Huyền Trang (thường gọi là Đường Tam Tạng) đi thỉnh kinh ở Ấn Độ, ghé nước Cao Xương. Vua nước này có viết một bức thư cho vị Khả Hãn Tây Đột Quyết, yêu cầu Khả Hãn hết sức ủng hộ Huyền Trang đi dễ dàng đến "Bà La Môn quốc".
Vậy, ta có thể cho khúc "Nghê thường vũ y" là hình thức biến chuyển của khúc hát "Bà La Môn" đã có trước tiên ở phần đất Ấn Độ ngày xưa. Nó truyền sang Tàu ở đất Tây Lương do Tiết độ sứ Trương Kính Thuật đem dâng cho Đường Minh Hoàng.
Đất Tây Lương chính là huyện Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc ngày nay của nước Tàu. Trước đời nhà Đường, Đôn Hoàng đóng một vai trò quan trọng về phương diện văn hóa và thương mại.
Về mặt văn hóa, Đôn Hoàng chính là nơi các pháp sư Ấn Độ đến nghỉ ngơi, giảng đạo trước khi đi sâu vào đất Tàu. Về mặt thương mại, Đôn Hoàng là đầu cầu nối liền đường chở tơ lụa từ Tàu sang Ấn Độ, Ba Tư đến Địa Trung Hải. Ở đây là nơi tập trung các đoàn thương gia quốc tế chuyên chở hàng hóa trên lưng lạc đà tấp nập để trao đổi sản phẩm. Các nhà sử học gọi là "Đường tơ lụa" (Route de la soie). Con đường dài xa thẳm ấy phải trải qua nhiều nước nhỏ với những vùng nông nghiệp rải rác phì nhiêu. Những nước nhỏ này nay đã bị diệt vong. Nhưng từ đầu công nguyên, những nước này có một nền văn hóa khá cao, chịu ảnh hưởng Ba Tư, Ấn Độ và Trung Hoa. Nước đáng chú ý nhứt là nước Qui Tư. Nước này giỏi về âm nhạc và vũ khúc. Nhạc công đội khăn đen, mặc y phục bằng lụa đỏ, tay áo thêu. Bản nhạc của họ có nhiều tên thơi mộng "Trò chơi giấu kim thoa", "Người ngọc chuyền ly rượu", v.v... Khi hòa tấu, có bốn người biểu diễn ca vũ. Ở vùng núi nước Qui Tư có những ngọn suối đàn. Nước nhỏ xuống đá từng giọt phát âm bổng trầm. Mỗi năm một lần các nhạc sĩ đến lắng nghe để phổ thành nhạc. Phụ nữ nước Qui Tư rất đẹp. Gương mặt tròn, đều đặn. Y phục đặc biệt là nhiều kiểu, nhiều màu, thêu thùa khéo léo. Đàn ông mặc áo trắng viền xanh hoặc xanh viền trắng. Đàn bà mặc hai kiểu áo: tay rộng và tay chật. Áo trắng bâu xanh. Áo đen có thêu hình màu xanh trắng. Áo dài xanh viền vàng hoặc có sọc vàng. Phải chăng đó là những màu "nghê thường"?
Vậy, căn cứ vào khoa khảo cổ và sử học, ta có thể cho khúc "Nghê Thường vũ y" là một ca vũ khúc Ấn Độ truyền sang. Trên con đường phiêu lưu bằng "con đường tơ lụa" trước khi truyền sang Trung Hoa, khúc ca vũ này đã bị các sắc tộc dọc đường biến cải ít nhiều. Và khi đến Trung Hoa thì nó được chấn chỉnh lại cho hợp với dân tộc tính Trung Hoa do một nhà vua phong lưu tài tử, ăn chơi rất mực. Trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, có câu:
             Dẫu mà tay múa, miệng xang,
Thiên tiên cũng ngoảnh Nghê Thường trong trăng.
 

  Trong "Bích Câu kỳ ngộ" cũng có câu:
 

       Đong đưa khoe thắm, đưa vàng,

Vũ y thấp thoáng, Nghê Thường thiết tha.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

*****
(*)
Đường Huyền Tông (chữ Hán: 唐玄宗, bính âm: Tang Xuanzong, 8 tháng 9 năm 685 - 3 tháng 5 năm 762), hay thường gọi là Đường Minh Hoàng (唐明皇, bính âm: Tang Ming Huang), tên thật là Lý Long Cơ (chữ Hán: 李隆基, bính âm: Li Lung chi), thụy đầy đủ là Chí Đạo Đại Thánh Đại Minh Hiếu Hoàng đế (玄宗至道大聖大明孝皇帝), là vị hoàng đế thứ bảy hoặc thứ chín[5] của triều đại nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc.
Lý Long Cơ xuất thân là con trai thứ ba của Đường Duệ Tông, vị hoàng đế thứ năm (hay thứ bảy) của nhà Đường. Thời niên thiếu của ông chứng kiến những biến động to lớn của triều đại, từ việc nữ chúa hưng khởi cho đến Vi hậu mưu đoạt đế vị... Hoàng tử trẻ tuổi Lý Long Cơ trưởng thành từ hoàn cảnh đó, nên từ nhỏ đã nuôi chí chấn hưng xã tắc Đường triều. Năm 710, sau khi bác ruột là Đường Trung Tông bị mẹ con Vi hoàng hậuCông chúa An Lạc ám hại, ông liên kết với cô là Công chúa Thái Bình, tiến hành chánh biến Đường Long, phế truất họ Vi, tôn Duệ Tông Lý Đán trở lại ngôi vua. Sau đó, Lý Long Cơ được phong làm Bình vương rồi Hoàng Thái tử. Năm 712, Long Cơ được vua cha nhường ngôi, trở thành Đường Huyền Tông. Sau khi đăng cơ, Huyền Tông thanh trừng các phe cánh chống đối của Công chúa Thái Bình, chấm dứt gần 30 năm biến động của nhà Đường. Sau đó, ông bắt tay vào việc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trọng dụng nhân tài, ngăn chặn quan liêu lãng phí, mở ra thời kì Khai Nguyên thịnh trị kéo dài hơn 30 năm.
Tuy nhiên về cuối đời, Đường Huyền Tông sinh ra mê đắm trong tửu sắc, không chú ý đến nền chính trị ngày càng bại hoại suy vi, bên trong sủng ái Dương Quý Phi, bỏ bê việc nước, bên ngoài trọng dụng gian thần Lý Lâm Phủ, khiến cho nền thống trị ngày càng xuống dốc. Các phiên trấn do người Hồ cai quản được trọng dụng quá mức, trong đó có mạnh nhất là tặc thần An Lộc Sơn. Năm 755, An Lộc Sơn chính thức phát động loạn An Sử sau đó nhanh chóng tiến về kinh đô. Tình thế nhà Đường lâm vào bờ vực của sự diệt vong, Huyền Tông và triều đình phải bỏ chạy khỏi kinh thành Lạc Dương, đi đến Thành Đô. Cùng năm 756, con trai ông là thái tử Lý Hanh xưng đế, tức là Đường Túc Tông, Huyền Tông buộc phải thừa nhận ngôi vị của Túc Tông, lên làm Thái thượng hoàng.
Cuối năm 757, khi quân Đường giành lại được Trường An, Thái thượng hoàng Huyền Tông mới được đón về kinh đô nhưng không còn quyền lực và bị gian thần Lý Phụ Quốc ức hiếp. Những ngày cuối cùng của ông sống trong u uất và thất vọng cho đến lúc qua đời vào ngày 3 tháng 5 năm 762, ở tuổi 79.

Theo  vi.wikipedia.org


Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Khoan Dung



 Một buổi tối nọ khi đi thiền hành trở về, vị thiền sư thấy một tên trộm đang lục lọi túp lều tranh của mình nhưng không tìm được gì cả. Ngài bèn cởi chiếc áo ngài đang mặc trên người và đứng ngoài cửa đợi tên trộm.
Khi hắn vừa quay ra, vị thiền sư liền nói: 
- “Anh bạn! đường sá xa xôi vất vả lên núi thăm tôi, tôi không đành lòng để anh về tay không, đêm khuya rồi, khoác chiếc áo này mà về cho đỡ lạnh”.
 Nói xong ngài cầm chiếc áo khoác lên thân tên trộm. Tên trộm xấu hổ, cúi đầu rồi chạy thẳng xuống núi không dám nhìn lại.Thiền sư nhìn dáng tên trộm khuất dần trong núi rừng mờ mịt, không ngừng thương cảm nói: 
- “rất đáng thương, tôi muốn tặng cho anh cả vầng trăng để chiếu sáng con đường cho anh xuống núi”.

Vài hôm sau, khi thiền sư đang ngồi ngắm ánh bình minh xuất hiện, thì nhìn thấy chiếc áo mà ngài khoác lên thân tên trộm mấy hôm trước đó được xếp rất ngay ngắn đặt trước cổng, thiền sư vui vẻ nói : 
- “Cuối cùng thì ta cũng đã tặng anh ta cả vầng trăng sáng rồi”.

Theo email của dongminhnhan@gmail.com ngày  07- 7- 2015

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Xướng Hoạ Thu Phân

 Ngày Thu Phân ( 23-9) , mặt trời tù bắc chí tuyến trở về thẳng góc với đường xích đạo . Bắc bán cầu của chúng ta từ những ngày hè nóng bức , ánh sáng nghiêng dần , trời bắt đầu mát , Thu lại về  . Chỉ vào ngày thu phân và xuân phân ( 21-3 ) ngày đêm dài bàng nhau .; sau 23-9 dêm sẽ dài lê thê cho mãi tới 21-12 ( Đông Chí )
  Sáp đến ngày thu phân , xin được thả vài Con Cóc vào Vườn Thơ Thẩn để gọi mưa cho Cali bạn nhé .
Thân mến
Mailoc

         Xướng                                                         Hoạ   

          Thu Phân                                                                 Thu Phân                             
Hai mươi ba tháng chin ,                                              Xuân phân thu phân,
Xích đạo mặt trời về .                                                   Đêm ngày chia cân.
Thu phân ngày hôm ấy ,                                               Ngày như đêm ngắn,
Đêm bắt đầu lê thê .                                                     Đêm như ngày gần !
 
                  Vào Thu                                                             Vào Thu
Trong làn sương mỏng khói chưa tan ,             Giọt nắng ban đầu sương chửa tan,
Chiếc lá đong đưa lấm tấm vàng .                    Long lanh sương đượm lá hanh vàng.
Treo ngọc giọt mưa cành lá bám ,                     Heo may nhè nhẹ trong sương sớm,
Lòng tôi xao xuyến bóng thu sang.                   Sương lạnh thấm lòng thu đã sang !
 
                  Thu Về                                                               Thu Về
Lặng lẽ thu về chẳng có hay ,                           Âm thầm lặng lẽ chẳng ai hay,
Chén trà nghi ngút sáng heo may.                    Hiu hắt hơi thu heo hẻo may.
Nghe như nức nỡ lùa trong gió.                        Đâu đó hoa tàn tan tác rụng,
Từng cánh hoa tàn run rẩy bay !                      Nhẹ nhàng đầy đất vẫn còn bay !
 
               MƯA THU                                                          Mưa Thu
 
Mưa thu đẫm uớt mấy cành mai ,                    Nở sớm trên cành mấy đóa mai,
Ri rả sầu ai giọt ngắn dài .                               Mưa thu ướt cánh lệ tuôn dài.
Réo rắt phong linh trong gió sớm ,                  Phải chăng hoa khóc vì thương nhớ ?
Tuổi già một thoáng mắt ta cay .                     Hoa nhớ thay người, mắt cũng cay !
 
              Hình Như                                                Hình Như
Hình như trong tiếng gió ,                               Hình như sau hè vắng,
Lặng lẽ cánh hoa rơi .                                     Tiếng dế khóc hoa rơi.
Thì thầm trong bụi cỏ ,                                    Ri rỉ trong đêm lạnh,
Dế mẹ đang ru hời .                                         Buồn hơn tiếng ru hời !
 
              Đêm  Thu                                                   Đêm Thu
Đêm thu phòng hiu quạnh ,                    Đêm thu phòng vắng quạnh hiu,
Cửa kính mờ hơi sương .                   Mờ mờ cửa kính tiêu điều hơi sương 
Sách đèn cũng thắm lạnh ,                      Sách đèn lạnh ngắt đêm trường
Thẩn thờ chạnh cố hương .             Thẩn thờ chạnh nhớ cố hương nơi nào !?
    
  Tiếng Chó Đêm                                               Tiếng Chó Đêm 
Đêm nằm nghe tiếng chó ,                             Đêm Ca-Li nghe chó ?!
Rờn rợn lẫn bồi hồi .                                      Chợt cảm thấy...lạ đời !
Nhớ xưa thời ly loạn ,                                    Texas mà như thế...
Chết chóc về muôn nơi !                                 Sáng ... ở tù như chơi !!!
             Mailoc                                                      Đỗ Chiêu Đức
        Thu Cali 21-9-15                                      Thu Texas 21-9-2015.

Các Bài Thơ Hoạ

        Thu Phân
Tháng chín hai ba đến
Mặt trời xích đạo gần
Đêm ngày bằng chẳng lệch
Đây mới là Thu Phân.

              Vào Thu
Nắng đến sương mù đã vội tan
Vầng dương ló dạng sắc tươi vàng
Heo may nhẹ lướt xuyên cành lá
Quyến rũ tình thu tiết chuyển sang.

               Thu Về
Nhớ người thu đến chẳng hề hay
Kỷ niệm hằn trên mũi chỉ may
Đằng đẳng bao năm trời cách biệt
Tình như chiếc lá lỡ làng bay

            Mưa Thu
Từng giọt ngâu buồn trong sớm mai
Nghe như tiếng trách tháng năm dài
Chờ thu mòn mỏi đêm tao ngộ
Trên nhịp cầu ô mắt lệ cay.

       Hình Như
Thoảng nghe trong hơi gió
Hình như chiếc lá rơi
Lặng thầm trên đám cỏ
Chẳng một tiếng ơi hời

         Đêm Thu 
Đêm tàn trong cô quạnh
Lá buồn nhỏ lệ sương
Chơ vơ vầng trăng lạnh
Tình phai theo sắc hương

   Tiếng Chó đêm
Đêm vắng chó sủa vang
Dao động đến từng hồi
Ngỡ bước ai tìm đến
Chỉ sương về nơi nơi.

                     Quên Đi
***

         NGÀY THU
Vầng dương màu ớt chín
Nước nhỏ cá chưa   về
Gác mái ngư ông ngủ
Mưa tràn phố thảm thê
 
          TRUNG THU
Vẫn nước  đầy sông bóng nguyệt tan
Vẫn đường quê nhỏ rãi trăng vàng
Miệt mài  đục đẽo chừng quên bẵng
Dâu nhớ nửa mùa thu đã sang.
 
           MỪNG THU
Mỗi mùa Hội Yến nhắc chừng hay
Đại lễ về thăm được cũng may
Nghịch cảnh thăng trầm xa Thánh Địa
Cuối đường mệt mỏi cánh chim bay.
 
                   MAI THU
 Bỗng nở lưng chừng một đóa mai
Trung thu cô độc với đêm dài
Trái mùa  nhưng đẹp mà gan góc
Rạng rỡ cho dù bao đắng cay !
 
       MƯA THU
Mưa tạnh trời im gió
Sương thu tí tách rơi
Ễnh ương hòa tiết tấu
Như  giọng hát ơi hời.
 
           RỪNG THU
 Mạng căn tòng bá mộc
Đứng vững hứng phong sương
Mặc tiết thu mưa hạ
Trơ lì chẳng tõa hương
 
        TÌNH THU
Tím ngắt tình bao thuở
Người xa chẳng khứ hồi
Trở trăn duyên hay nợ ?
Thu cảm tình muôn nơi.
            Cao Linh Tử
              23/9/2015
***

  THU PHÂN Ở CALI
Thu phân mùa ớt chín,
Trưa nóng nực ta về.
Cơm chiều nghe mát rượi,
Tỉnh giấc đêm dài thê...

             TRĂNG TRÒN
Trăng tròn vành vạnh gió mây tan,
Lướt thướt rừng phong lá rụng vàng.
Đánh trống múa lân ông Địa quạt,
Lồng đèn bánh ú kéo quân sang...

                   HỘI YẾN 
Hội Yến trăng rằm tháng Tám hay,
Tưng bừng tổ chức tuổi thơ may.
Thanh niên phân phát lồng đèn đủ,
Thiếu nữ dang tay đuổi bướm bay...

           VƯỜN CÂY
Vườn cây sớm búp điểm hoa mai,
Mưa gió đêm đông tiếng thở dài.
Nơi khác lá vàng khô trắng đỏ,
Ở đây ớt Mễ khoái ăn cay...

         ẨM ƯỚT
Ẩm ướt trời im gió,
Mưa chiều nhẹ hạt rơi,
Ếch nhái kêu đâu đó,
Nhạc điệu như ơi hời...

       RỪNG PHONG
Rừng phong vàng lá rụng,
Sáng dậy kính đẫm sương.
Đêm thu dài thấy lạnh,
Chạnh lòng nhớ quê hương...

    VÙNG ĐẤT HỨA
Vẳng xa nghe chó sủa,
Chắc có kẻ qui hồi.
Xuất cảnh bằng mọi giá
Vùng đất hứa yên nơi ...

            Mai Xuân Thanh
     Ngày 23 tháng 09 năm 2015
***