Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Từ Vùng Đất Biên Đến Tỉnh Biên Hòa-Đồng Nai - P2 (Đất Phương Nam TT)

Từ Dinh Biên Trấn Đến Trấn Biên Hòa:


Dinh Biên Trấn là một trong hai vùng đất đầu tiên(15) mà cha anh chúng ta đã đặt chân đến khi tìm đường mở cõi về phương Nam. Biên Hòa là vùng địa đầu của Nam Kỳ Lục Tỉnh, trước thời Nam Kỳ Lục Tỉnh Biên Hòa có tên là Trấn Biên. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Trấn Biên dựa lưng vào núi, mặt ngó ra sông. Theo ranh giới cũ thì phía đông bắc giáp trấn Bình Thuận, lấy sông Ma Ly làm ranh giới. Phía Nam giáp trấn Phiên An (Gia Định), từ suối Thủy Vọt bên phía Tây Ninh, qua sông Thủ Đức, đến Nhà Bè và chạy dài ra đến tận biển Đông. Năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, thì ông chỉ khai sanh hai phủ Phước Long (Đồng Nai) và Tân Bình (Sài Gòn). Buổi đầu các chúa đặt là Dinh Trấn Biên, gồm 1 huyện, 4 tổng, lỵ sở đặt tại thôn Phước Lư, thuộc huyện Phước Long.
Năm Cảnh Thịnh thứ 8, tức năm Canh Thân 1800, nhà vua cho đổi phủ Gia Định ra làm Trấn Gia Định gồm 5 dinh: Phiên Trấn dinh, Trấn Biên dinh, Trấn Định dinh, Vĩnh Trấn dinh và Hà Tiên. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi vua Quang Trung băng hà, coi như vùng Gia Định thuộc toàn quyền của Nguyễn Ánh. Hơn nữa, vào năm đó, lực lượng của Nguyễn Ánh đã quá mạnh ở vùng Gia Định nên vua Cảnh Thịnh không đặt được quan lại cai trị trên những vùng đất nầy.


Đến năm Mậu Thìn 1808, vua Gia Long cho đổi Trấn Gia Định ra làm Thành Gia Định với 5 trấn: trấn Biên Hòa, trấn Phiên An, trấn Định Tường, trấn Vĩnh Long và trấn Hà Tiên. Hồi nầy huyện Phước Long được nâng lên làm phủ Phước Long gồm 4 huyện: Phước Chánh, Bình An, Long Thành và Phước An. Nghĩa là dinh Trấn Biên được đổi ra làm trấn Biên Hòa, nâng huyện lên làm phủ, nâng tổng lên làm huyện. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, thì huyện Phước Chánh, trước đây là tổng Tân Chánh, được đổi làm huyện, trước đây người địa phương lấy từ bãi Tân Chánh trở lên phía Bắc làm tổng Tân Chánh, trực thuộc huyện Tân Bình, dinh
Phiên Trấn, đến khi Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào lập bản đồ thì cho nhập vào dinh Trấn Biên, và hầu như các thôn trong huyện đều lấy chữ “Tân” làm đầu mà đặt tên cho dễ phân biệt.


Huyện Phước Chánh, trước đây là tổng Tân Chánh, được đổi làm huyện, trước đây trực thuộc Dinh Phiên Trấn, đến khi Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào lập bản đồ thì cho nhập vào dinh Trấn Biên. Huyện Phước Chánh gồm 2 tổng Phước Vinh và


Chánh Mỹ, với 85 xã, phía đông giáp bến đò Thị Nghĩa thuộc thôn Bình Dương (Dinh Phiên Trấn). Tổng Phước Vinh gồm 46 thôn phường(16). Phía đông giáp bến đò Thị


Nghĩa, thôn Bình Dương, tổng Long Vĩnh, huyện Long Thành; phía tây kéo dài đến đầu nguồn Ba Can và Thủ Sở Táo Mộc; nam giáp sông Đồng Nai (Phước Giang); và


bắc giáp với những khu rừng già thuộc đất Cao Miên. Tổng Chánh Mỹ gồm 39 thôn xã(17). Phía đông giáp sông Thị Lộ thuộc tổng Thành Tuy, huyện Long Thành; phía


tây giáp nguồn đầu của con Đường Sứ (từ Cao Miên qua); phía nam giáp huyện Bình An, từ núi Châu Thới chạy dài đến sông Thị Kiên ở Ba Đốc; phía bắc giáp sông Đồng Nai.


Huyện Bình An, nằm về phía Nam huyện Phước Chánh, gồm 2 tổng Bình Chánh(18) và An Thủy(19), với 119 xã, phía đông giáp huyện Long Thành, từ sông Thị

Lộ chạy đến Giồng Ông Tố, tây giáp sông Thủy Vọt, nam giáp sông Sài Gòn (thuộc


trấn Phiên An), bắc giáp núi Châu Thới (thuộc huyện Phước Chánh).


Huyện Long Thành, gồm 2 tổng Long Vĩnh(20) và Thành Tuy(21), với 63 xã, phía đông giáp tổng An Phú (huyện Phước An), phía tây giáp núi Vải Lượng thuộc huyện


Bình An, phía nam giáp sông Nhà Bè, bắc giáp xứ Ao Cá thuộc huyện Phước Chánh. Huyện Phước An, gồm 2 tổng An Phú(22) và Phước Hưng(23), với 43 xã, đông giáp


biển Đông, tây giáp núi Thị Vải, nam giáp sông Bình Phước (trấn Phiên An) và dọc theo bờ bắc của sông Cần Giờ, bắc giáp đường cái quan tổng Phước Hưng.


Từ Trấn Biên Hòa Đến Tỉnh Biên Hòa:


Phải nói ngay từ thời các chúa Nguyễn, thành Biên Hòa trên quy mô lớn đã được xây dựng trong địa hạt thôn Phước Chính, về sau dời về thôn Phước Lư. Năm Gia Long 15, nhà vua đã cho dời lỵ sở của trấn Biên Hòa về thôn Tân Lân thuộc huyện Phước Chánh. Năm Minh Mạng thứ 15, nhà vua cho đắp thêm đất trên bờ thành, đến năm Minh Mạng thứ 18 thì nhà vua cho xây thành bằng đá ong. Trước đây vùng này mang tên Cù Lao Phố, là một phố cảng phồn thịnh nhất của Việt Nam vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, với những phố sá, mái ngói, tường vôi, đường sá lót gạch đỏ... Sau cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh thì cù lao Phố bị tàn phá. Sau năm Minh Mạng thứ 13, 1832, nhà vua bãi bỏ Gia Định Thành và chia Nam Kỳ ra làm 6 tỉnh, từ đó về sau mới có tên Nam Kỳ Lục Tỉnh(24). Nhà vua bổ nhiệm quan tuần phủ làm chủ tỉnh dưới quyền tổng đốc An-Biên. Năm Minh Mạng thứ 14, Biên Hòa rơi vào tay của Lê văn Khôi, đến năm Minh Mạng thứ 18, nhà Nguyễn tái chiếm Biên Hòa, cho đặt thêm phủ Phước Tuy và 2 huyện Nghĩa An và Long Khánh. Năm Minh Mạng thứ 19, nhà vua cho đặt thêm huyện Phước Bình. Năm Minh Mạng thứ 21, nhà vua đặt thêm 4 phủ Tân Định, Tân Bình, Tân Lợi và Tân Thuận. Bắt đầu từ thời nầy, quan cai trị trong tỉnh là quan văn chứ không còn là quan võ như trước đây nữa. Năm 1836, vua Minh Mạng cho thực hiện công cuộc đo đạc đất đai trên toàn cõi Việt Nam để thành lập sổ địa bạ. Năm 1837, tỉnh Biên Hòa được đặt thêm phủ Phước Tuy với 2


huyện Ngãi An và Long Khánh. Đến năm 1838, đặt thêm huyện Phước Bình. Hồi nầy theo Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Biên Hòa(25) rất rộng, về phía bắc giáp với tỉnh Bình Thuận, về phía tây và tây nam giáp với tỉnh Gia Định, về phía đông giáp với Biển Đông. Đến thời Pháp thuộc, sau khi xâm chiếm toàn bộ Nam Kỳ, chúng chia

vùng này ra làm 20 tỉnh để dễ bề kiểm soát. Pháp chia Biên Hòa ra làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Biên Hòa(26), Bà Rịa (thuộc phủ Phước Tuy cũ), và Thủ Dầu Một(27).


Tiến Trình Di Dân Trên Vùng Đất Biên Hòa:


Vào thế kỷ thứ XVI, Biên Hòa-Đồng Nai hãy còn là một vùng đất hoang vu, chỉ có một số rất ít dân bản địa cùng sống du canh với những người Khmer phiêu lưu. Có lẽ đây là những bộ tộc đã từng cộng sinh với dân tộc Phù Nam trong vùng nầy ngay từ thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch. Họ gồm những bộ tộc Mạ, Stiêng, Chơ Ro, Cơ Ho, Mnông, vân vân. Đến cuối thế kỷ thứ XVI, đầu thế kỷ thứ XVII, sau cuộc hôn nhân giữa công nữ Ngọc Vạn và Miên vương Chei Chetta II, thì vùng đất nầy ngày càng trở nên sôi động hơn, nhất là sau lời kêu gọi khẩn hoang lập ấp của công nữ Ngọc Vạn, rất nhiều lưu dân người Việt từ các vùng Thuận Quảng đến đây khai khẩn đất hoang. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, có lẽ lưu dân Việt Nam đã đến đây trước khi công nữ Ngọc Vạn theo chồng về Oudong, nhưng trước năm 1698, con số là bao nhiêu thì chưa bao giờ được xứ Đàng Trong thống kê. Sau khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược theo lệnh của chúa Nguyễn, thì cư dân nghèo khổ miền Trung, nhất là vùng Thuận Quảng lại ồ ạt kéo vào đây lập nghiệp.


Một sự kiện vô cùng quan trọng đã chẳng những góp phần làm nhanh hơn tiến trình Nam Tiến của dân tộc Việt Nam, mà còn giúp cho dân số vùng Biên Hòa tăng lên một cách đáng kể. Đó là vào khoảng năm 1679, những cựu thần nhà Minh không thần phục Thanh Triều, nên họ đã đem hết quan quân dưới trướng và toàn bộ gia quyến dong buồm xuôi Nam xin tỵ nạn. Chúa Nguyễn đã cho phép đạo quân thủy lục ở Long Môn, dưới sự chỉ huy của Tướng Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến đi vào vùng Meso; trong khi quan quân của Tướng Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình, trên 3.000 người, lên khai phá vùng Đồng Nai. Đoàn quân của tướng Trần Thượng Xuyên đã đồn trú lại tại vùng Bàn Lân, trên một cù lao lớn giữa sông Đồng Nai. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, những người Minh Hương nầy đã biến vùng đất hoang vu Nông Nại thành ra Nông Nại Đại Phố. Họ đã khai hoang lập ấp, canh tác ruộng rẫy, lập phố chợ và giao thương với người Hoa, người Nhật, cũng như người Pháp và người Bồ Đào Nha, vân vân. Vào cuối thế kỷ thứ XVII, thì thương cảng Cù Lao Phố đã nghiễm nhiên trở thành một trung tâm giao dịch lớn nhất của xứ Đàng Trong. Và hồi nầy, tổng số dân trong vùng Biên Trấn kể cả vùng Cù Lao Phố đã lên đến hơn 30 ngàn. Chính nhờ Cù Lao Phố mà từ năm 1738 đến năm 1775, nền kinh tế xứ Đàng Trong đã phát triển nhanh chóng. Nhờ đó mà khi chúa Nguyễn lưu vong vào Gia Định, chúa đã được sự trợ giúp vô cùng đắc lực của những người Minh Hương vùng Cù Lao Phố. Tuy nhiên, từ năm 1775 đến năm 1779, hai bên Tây Sơn và Nguyễn Ánh đã có những cuộc giao tranh ác liệt tại vùng Cù Lao Phố nên phố thị đổ nát, đường sá bị đào xới... có trên một vạn người Minh Hương còn sống sót tại đây đã bỏ Cù Lao Phố mà chạy về vùng Prei Nokor để tái lập cuộc sống mới, nên lúc nầy toàn trấn Biên Hòa chỉ còn khoảng trên 10.000 dân mà thôi. Về sau nầy, vùng vùng Prei Nokor trở nên phồn thịnh và phát triển thành thành phố Chợ Lớn ngày nay. Đến thời Minh Mạng, nhà vua đã cho mở trường học ngay tại Biên Hòa cũng như ở các phủ Phước Long và Phước Tuy. Chính nhờ vậy mà cư dân ở các vùng giáp ranh với Bình Thuận và phía Nam cao nguyên Trung Phần đổ xô về Biên Hòa nhiều hơn. Trong thời còn Nam Kỳ Lục Tỉnh dưới thời Minh Mạng, người kinh và người Miên còn sống lẫn lộn với nhau. Người kinh còn chủ trương ăn học, chứ đa phần người Miên chỉ quanh quẩn với ruộng rẫy mà thôi. Thường thì họ ở nhà sàn, đốt rừng làm rẫy, đến ngày thu hoạch thì họ tụ họp nhau nhậu nhẹt, ăn uống, nhảy múa theo điệu chiêng trống một cách vui vẻ tự nhiên. Về sau này vì sự dị biệt về phong tục tập quán nên người Miên rút dần về các vùng biên giới phía bắc Tây Ninh, hay di chuyển về các vùng ở đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Hồi còn Nam Kỳ Lục Tỉnh thì Biên Hòa có những chợ rất sầm uất như chợ Phước Chính, chợ Bình An, chợ Nghĩa An và chợ Long Thành.

Như vậy chỉ riêng với người Việt, tiến trình di dân trên vùng đất phương Nam nói chung và vùng Biên Hòa nói riêng, có cả thảy bốn đợt di dân đáng kể: đợt đầu kể từ thời các chúa Nguyễn, là cuộc di dân của những người nghèo ở vùng Ngũ Quảng cũng như những tội phạm được ân xá để đi lập nghiệp. Đợt thứ nhì là đợt di dân của những phu đồn điền dưới thời Pháp thuộc. Theo La Cochinchine được chính quyền thuộc địa biên soạn năm 1890, dân số Biên Hòa là 132.000, đa số là người Việt, kế đến là người Hoa và người Khmer. Đợt thứ ba là dân di cư từ ngoài Bắc vào vào khoảng năm 1954, được chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa đưa lên làm dinh điền. Theo thống kê của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1965, toàn tỉnh Biên Hòa đã có khoảng trên 1.000.000 dân. Đợt mới đây nhất là cũng là đợt thứ tư, chánh quyền mới sau năm 1975 đã đưa dân từ các vùng thành thị đi kinh tế mới trên vùng Đồng Nai-Biên Hòa. Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam, thống kê mới nhất của chánh quyền Cộng Sản vào năm 2009, vùng Đồng Nai-Biên Hòa có 2.192.000 dân. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lưu ý là phạm vi lãnh thổ của vùng Biên Hòa từ thời Pháp thuộc, VNCH và ngày nay khác nhau rất xa.

***

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Ức Giang Liễu - Bạch Cư Dị



憶江柳                Ức Giang Liễu
         
白居易                 Bạch Cư Dị 


曾栽楊柳江南岸,      Tằng tài dương liễu Giang Nam ngạn,                       
一別江南兩度春。      Nhất biệt Giang Nam lưỡng độ xuân.                               
遙憶青青江岸上,     
Dao ức thanh thanh giang ngạn thượng,              
不知攀折是何人。     
Bất tri phan chiết thị hà nhân.
--Dịch nghĩa:-- 

Nhớ liễu bên sông 

Từng trồng dương liễu ở bờ sông Giang Nam, 
Từ khi cách biệt Giang Nam,đã hai lần xuân sang. 
Vẫn xa nhớ bờ sông xanh xanh, 
Chỉ không biết ai đã đến bẻ cành liễu. 


  Dịch Thơ :


        Nhớ Liễu Bên Sông

Bến Giang Nam từng trồng dương liễu
Xa Giang Nam lòng trĩu hai xuân.
Nhớ bờ liễu biếc xinh xinh,
Ai người lại nỡ tay vin bẻ cành?

                   Mailoc phỏng dịch
***
      Nhớ liễu bên sông

Ta trồng rặng liễu ở Giang Nam
Cách biệt hai năm chẳng ghé thăm
Vẫn nhớ bờ sông xanh ngút mắt
Biết ai đã đến, đã vin cành ?
             Phương Hà phỏng dịch
***
Nhớ Hàng Liễu ở Giang Nam

Từng trồng liễu ở bờ sông
Giang Nam hai lượt xuân đông chưa về
Màu xanh xanh biếc trên đê
Người từ đâu đến mân mê bẻ cành.
                                   Quên Đi
***

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Thú Cô Đầu


      Thú Cô Đầu

Cái thú cô đầu nghĩ cũng hay
Cùng nhau dan díu mấy đêm ngày
Năm canh to nhỏ tình dơi chuột
Sáu khắc mơ màng chuyện gió mây
Êm ái cung đàn chen tiếng hát
La đà kẻ tĩnh dắt người say
Thú vui chơi mãi mà không chán
Vô tận kho trời hết lại vay
                    Trần Tế Xương

Mượn Vận Tiền Nhân Hoạ:

      Thú Ăn Chơi

Xướng ca thuở trước chuyện trò hay
Tài tử ngày nay nhảy suốt ngày
Cờ bạc, ăn chơi mèo giởn chuột 
Rượu chè nhậu nhẹt kẻ lên mây
Ngày xưa dan díu đi coi hát
Hiện tại yêu đương lại uống say
Bắt bóng thả mồi không biết chán
Ngân hàng tín dụng thẻ cho vay
                Mai Xuân Thanh
         Ngày 15 tháng 06 năm 2017

             Thú Đi Vay

Nước đến trôn rồi cũng chẳng hay
Đua nhau tự sướng suốt đêm ngày
Năm năm o bế thằng cướp biển
Tháng tháng mơ màng kẻ gối mây
Vâng lệnh cúi đầu đều hảo lớ
Nghe truyền khom gối lại càng say
Vung tay ôm nợ mà không tởn
Sập tiệm can gì hết lại vay
                              C.D.M
      Tham Quan

Sập tiệm can gì hết lại vay
Sẵn tiền bá tánh cứ vui say
Dân đen đói khổ lo chi chúng
Tiền bạc quơ đầy sướng tận mây
Nếu có nguy cơ quan bay trước
Ngu sao đợi biến chết có ngày
Ve vét máu xương nên thủ kỹ
Hơi đâu thương nước có gì hay.
                           Quên Đi

     Vay Tiền Trả Đất 

Có trả ngay đâu ngại chẳng vay
Ăn tiêu mặc sức tận cung mây
Thuế thu đủ thứ, dân è gánh
Tiền vét mọi nguồn, quan nhậu say !
Cán bộ tham ô, công quỹ cạn
Thông tin mờ mịt, nội tình hay
" Rừng vàng biển bạc " đem cầm cố
Đất nước dần teo, mất có ngày !...
                               Phương Hà

     Nhớ một thời : Yêu

Nhớ một thời : yêu, nghĩ cũng hay !
Bên nhau quấn quit tháng, năm, ngày
Cuôc tình cháy bỏng mong hò hẹn
Thương nhớ nồng nàn ngóng gió mây
Hờn nắng vuốt ve làn tóc mượt
Thích mưa lất phất khiến mê say
Nợ duyên cột chặt đời đôi lứa 
Số phận an bày hết phải vay
                                songquang
***

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Từ Vùng Đất Biên Đến Tỉnh Biên Hòa-Đồng Nai - P1 (Đất Phương Nam TT)

                                             Ga Biên Hoà

Tổng Quan Về Vùng Biên Hòa Của Xứ Đàng Trong:

Năm 939, dưới thời nhà Ngô thì vùng biên trấn của Đại Việt là vùng Thanh Hóa. Đến năm 1069, vùng biên trấn xuống đến Quảng Bình và Quảng Trị. Năm 1307, sau khi nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm thì vùng địa đầu biên trấn của Việt Nam được thêm hai châu Ô-Lý, mở rộng đến Thừa Thiên. Năm 1425, đến Thuận Hóa. Năm 1471 đến Qui Nhơn. Năm 1611 đến Phú Yên(1). Năm 1653 đến Nha Trang. Vào năm 1658, dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, quốc vương Cao Miên là Nặc Ong Chân đem quân qua đóng tại Mô Xoài, tức vùng Bà Rịa sau nầy, nằm về phía Nam của vương quốc Champa thời đó, gần tới thành Khánh Hòa, Phú Yên. Từ thành Mô Xoài, quân của Ông Chân liên tục xâm phạm vùng biên trấn Phú Yên, chúa Hiền bèn sai Phó tướng quân Yến Vũ Hầu, Tham mưu Minh Lộc Hầu, Tiên phong Cai Đội Xuân Thắng Hầu đem 3.000 quân đi trong 2 tuần là đến thành Mô Xoài (Bà Rịa) của nước Cao Miên. Quân ta phá thành và bắt sống Nặc Ong Chân, giải về Quảng Bình. Tuy nhiên, chúa Hiền ra chỉ dụ xá tội cho Ong Chân, phong làm Cao Miên Quốc Vương, rồi cho quan quân đưa về Chân Lạp. Đến năm 1674, theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, vua nước Cao Miên là Nặc Ong Nộn bị Nặc Ong Đài đánh đuổi phải chạy sang lánh nạn ở xứ Đàng Trong. chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần bèn sai tướng Dương Lâm Hầu ở dinh Thái Khang, làm Thống suất và Tham mưu Diên Phái Hầu làm Hiệp lý biên vụ, đưa quân tiến đánh Chân Lạp. Vào mùa hè năm 1674, quân ta phá được 3 thành: Sài Côn, La Bích và Nam Vang. Nặc Ong Đài thua chạy vào rừng rồi chết ở đó. Nặc Ong Thu(2) xin hàng với xứ Đàng Trong. Tháng 6 năm 1674, chúa Hiền nghị sự với triều đình và phê chuẩn cho Nặc Thu làm Chính vương Cao Miên, vì là dòng đích. Nặc Thu đóng dinh tại thành Vũng Luông; trong khi Nặc Nộn được làm Phó vương, đóng dinh tại thành Sài Côn. Đến năm 1693 thì vùng địa đầu biên trấn của Việt Nam được mở rộng xuống đến Bình Thuận. Tuy nhiên, trước đó vào năm 1680, chúa Nguyễn đã ưng thuận cho các di thần nhà Minh đi khẩn hoang tại các vùng hoang địa của vùng Đồng Nai và Mỹ Tho.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì Biên Hòa có lẽ là nước Bà Lị ngày xưa, sau là Bà Rịa và Đồng Nai. Trong Đường Thi, nước Bà Lị nằm về phía nam của Chiêm Thành về sau bị Chân Lạp thôn tính. Trong lịch sử Nam Tiến, hai sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Nam Tiến vào thế kỷ thứ XVII(3) đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện của cả vùng đất phương Nam. Thứ nhất là công nữ ngọc Vạn về làm hoàng hậu xứ Chân Lạp vào năm 1620; và thứ nhì là quan Thống Suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược hai xứ Đồng Nai và Gia Định vào năm 1698. Sau hai biến cố lịch sử nầy, xứ Đàng Trong bắt đầu chính thức thiết lập bộ máy hành chánh trên vùng đất nầy. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, năm 1620 sau khi đoàn tùy tùng theo công nữ Ngọc Vạn về Oudong thì những lưu dân người Việt từ các tỉnh miền Trung cũng bắt đầu xuôi Nam lập nghiệp. Riêng sử Khmer đã ghi lại một cách không mấy thân thiện rằng sau khi lên ngôi vua Chey Chetta II đã cho xây cung điện nguy nga tại Oudong rồi cử hành lễ cưới long trọng với một nàng công nữ xinh đẹp của Việt Nam. Hoàng hậu Sam Đát, tên Khmer của công nữ Ngọc Vạn, người đã đem theo nhiều đồng hương sang Cao Miên. Trong số nầy có người làm quan trong triều, có người làm nghề thủ công, có người buôn bán, vân vân. Theo hồi ký của giáo sĩ người Ý tên Christofo Borri, đã từng sống tại Qui Nhơn từ năm 1618 đến năm 1622, chúa Nguyễn đã viện trợ cho vua Chân Lạp cả tàu thuyền và binh lính để chống lại quân Xiêm. Christofo Borri cũng chép lại cuộc tiễn đưa công nữ Ngọc Vạn sang Oudong như sau: “Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn bị vũ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh đô Oudong, thì dân chúng Khmer, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Trung Hoa đã tụ họp đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh.” Hai năm sau, tức vào năm 1623, vua Chey Chetta II chấp thuận cho xứ Đàng Trong thiết lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor và Kas Krobei(4). Đây chính là hai tụ điểm quan trọng trong việc khai sanh ra Biên Trấn Biên Hòa sau nầy. Khi những lưu dân Việt Nam phiêu lưu đến đây thì vùng nầy đã có những bộ tộc cổ cư trú tại đây, đông nhất là bộ tộc Stiêng, thuộc họ Nam Á, nhưng thuộc nhóm Môn-Khmer(5). Các bộ tộc Mạ, Cho Ro, M’Nông(6). Ngoài ra, còn có người Champa, Chu Ru và Raglai, thuộc họ Nam Đảo, sống rải rác từ cao nguyên Lâm Đồng qua Bình Phước. Để rồi đến năm 1698, đời vua Lê Hy Tông, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào làm Kinh Lược, lấy xứ Lộc Dã, tức Đồng Nai lập thành huyện Phúc Long (Phước Long), đặt dinh Trấn Biên, chiêu mộ lưu dân của các vùng Quảng Bình trở vào Nam vào lập thôn ấp. Đối với lịch sử Nam Tiến của Việt Nam, từ “Biên Trấn” có một ý nghĩa rất đặc biệt. “Biên Trấn” là vùng đất địa đầu nơi biên địa. Như vậy kể từ năm 1698, vùng đất Biên Hòa Nông Nại biến thành vùng địa đầu biên trấn của Đại Việt.

Cấu Tạo Địa Chất Vùng Đồng Nai-Biên Hòa:

Hồi đó xứ Đồng Nai hay huyện Phước Long hoặc dinh Trấn Biên là một vùng đất bao la bạt ngàn chạy dài từ Biển Đông, tức vùng Bà Rịa đến bên bờ tả ngạn sông Sài Gòn, tức sông Tân Bình ngày đó. Về phương diện địa chất học, vùng Đồng Nai-Biên Hòa được xếp vào các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vùng Đồng Nai-Biên Hòa là vùng đất tiếp giáp giữa miền Nam cao nguyên Trung Phần và Nam Phần. Đây là vùng tiếp giáp giữa các tỉnh cao nguyên đất đỏ như Lâm Đồng và Bảo Lộc. Đây là vùng đất chủ yếu của miền hạ lưu sông Đồng Nai và các phụ lưu của nó. Vì là vùng chuyển tiếp của cao nguyên Trung Phần nên vùng Đồng Nai-Biên Hòa có địa hình thấp dần từ Bắc đến Nam và các cửa sông ở vùng Tây Nam. Tuy vùng vùng Đồng Nai-Biên Hòa không phải là vùng hoàn toàn đất đỏ như các vùng Bình Long và Phước Long, nhưng nó cũng nằm trong vùng đất đỏ với một nét đặc sắc riêng biệt, vì đây là vùng chuyển tiếp từ vùng rừng núi của cao nguyên Nam Trung Phần sang vùng đồng bằng sông nước miền Nam. Trên mười ngàn năm nay, vùng này được bồi đắp bởi phù sa đất đỏ của sông Đồng Nai lên vùng nham thạch cổ của một vùng núi lửa đã ngưng hoạt động từ lâu. Đây tuy không phải là vùng bạt ngàn những rừng cao su và những núi đồi ngút ngàn, nhưng vùng nầy cũng có những dòng sông ngắn với đỏ ngầu phù sa, và đất đỏ bụi mù về mùa nắng, nhưng lầy lội về mùa mưa. Tuy có địa hình tương đối bằng phẳng nhưng về phía Bắc Đồng Nai hãy còn nhiều ngọn núi mồ côi(7) và có khuynh hướng thấp dần theo hướng Bắc Nam. Riêng các vùng đất nằm về phía Bắc như Phú Lý, Cát Tiên và Núi Tượng giữa các sông Mã Đà, Sà Mách, Đồng Nai và La Ngà... Ngoài núi Tượng, vùng nầy còn có những ngọn núi khác có độ cao từ 200 đến 800 mét. Đây là phần núi cuối cùng còn sót lại của dãy Trường Sơn, nằm rải rác giữa Lâm Đồng và Tân Phú, cũng như trong các vùng Định Quán và Xuân Lộc. Đây là vùng đất đỏ, một vùng đồi núi chạy dài từ biên giới Việt Miên đến Long Thành, Phước An và ra tận biển Đông, từ Phước Chánh qua Bình An(8), qua vùng Đồng Nai cho đến Bà Rịa và Vũng Tàu. Vùng này có các con sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai, và sông Bé, chảy qua miền đất đỏ mang nét đặc sắc riêng biệt là sự pha trộn chuyển tiếp từ miền núi đồi đất đỏ của cao nguyên Trung phần đến những cánh đồng bạt ngàn của miền Tây. Miền Đông với những rừng cao su bạt ngàn, những núi đồi chạy dài với những dòng sông đỏ ngầu đất phù sa. Đây còn là một vùng đất đầy sức sống của dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu Nam tiến. Bắt đầu từ Đồng Nai, mảnh đất có chiều dài lịch sử mới hơn 300 năm nhưng mang đầy vết chân kiêu hùng của những người đi mở nước. Toàn vùng phía Bắc và Đông Bắc của vùng Đồng Nai-Biên Hòa có loại đất đen và đất đỏ với độ màu mỡ cao, chiếm khoảng 39,1 phần trăm diện tích toàn vùng, rất thích hợp cho các loại cây công nghiệp như cao su, trà, cà phê và hạt tiêu... Càng về phía Nam, địa hình đất đai càng trở nên thấp dần với những đồi núi thấp với độ cao từ 20 đến 200 mét. Phần lớn đất đai của vùng nầy được bồi đắp bởi lớp phù sa cổ có màu đỏ vàng và xám. Dọc theo các bờ sông, địa hình đất đai chỉ có độ cao từ 5 đến 10 mét, hoặc có nơi chỉ cao từ 2 đến 5 mét mà thôi. Thế đất nầy trũng dần giữa các nhánh sông và tạo thành từng dãy đất hẹp có chiều rộng thay đổi từ vài chục mét đến vài cây số. Về phía Nam của vùng Biên Hòa như các vùng Long Thành và Nhơn Trạch... là vùng trũng nằm trên trầm tích đầm lầy của vùng biển cổ, có nơi thấp hơn cả mực nước biển trung bình. Đất ở đây có màu bùn đen(9). Đây là loại đất thích hợp cho việc trồng các loại cây như đậu, mè, và cây hạt điều... Riêng đất đai về phía Nam, dọc theo các bờ sông Mã Đà, Sà Mách, Đồng Nai và La Ngà thuộc vùng phù sa mới, đất cát... rất thích hợp cho việc trồng các loại cây lương thực, rau quả và các cây hoa màu khác. Nói chung, đa phần địa hình của vùng Đồng Nai-Biên Hòa có độ dốc khoảng 15 độ, chỉ có khoảng dưới 8 phần trăm có độ dốc trên 15 độ mà thôi. Vùng Đồng Nai-Biên Hòa có nhiều nhóm đất khác nhau, như đất xám chiếm khoảng 40 phần trăm diện tích toàn vùng; đất đen chiếm 22 phần trăm; đất đỏ chiếm 19 phần trăm. Ngoài ra, còn khoảng 5 phần trăm đất phù sa bùn dọc theo các bờ sông.

Những Người Minh Hương Tiên Phong Đi Khai Phá Vùng Nông Nại:

Tưởng cũng nên nhắc lại, đến năm 1693 thì vùng địa đầu biên trấn của Việt Nam được mở rộng xuống đến Bình Thuận. Tuy nhiên, trước đó vào năm 1679, chúa Nguyễn đã ưng thuận cho các di thần nhà Minh đi khẩn hoang tại các vùng hoang địa của vùng Đồng Nai và Mỹ Tho. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức: “Tháng 4 năm 1679, quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ ở Long Môn, thuộc hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông của nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến; quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, cùng Phó tướng là Trần An Bình, dẫn quân binh và gia nhân hơn 3.000 người cùng 50 chiến thuyền vào kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẳng(10). Sớ tâu lên rằng những người nầy tự xưng là người nhà Minh bỏ trốn đi, họ thề quyết tận trung với nước, nhưng nay đã thế cùng lực tận, vận nhà Minh đã dứt, họ không thể thần phục Thanh triều, nên chạy sang nước Nam, nguyện được làm dân mọn. Lúc ấy hư thực chưa rõ, vả lại, họ ở xa mới đến, y phục và ngôn ngữ bất đồng, nhất thời thật khó giải quyết. Nhưng họ đang cùng quẫn mà chạy sang, lại bày tỏ lòng trung thực, về nghĩa cũng không thể từ chối được. Vả lại, xứ Đông Phố đất đai màu mỡ có đến ngàn dặm, mà triều đình chưa rảnh rỗi để lo liệu, chi bằng tận dụng sức lực của họ, giao cho họ khai hoang đất đai để ở, ấy cũng là một cách làm mà được nhiều điều lợi. Nghĩ vậy, triều đình mới tổ chức khao đãi ân cần, rồi chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh cho tới Nông Nại(11) làm ăn, gắng sức khai thác đất đai. Mặt khác, triều đình còn hạ chỉ dụ cho quốc vương Cao Miên biết việc nầy để không xảy ra chuyện ngoài ý muốn.(12) Đến năm 1698, một biến cố lịch sử quan trọng đã xãy ra khi chúa Nguyễn sai quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh(13) làm quan kinh lược tại vùng Mô Xoài Bà Rịa. Nghĩa là năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh chính thức khai sanh vào sổ địa bạ của xứ Đàng Trong toàn thể vùng đất Gia Định xưa vốn thuộc vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI, rồi sau đó trực thuộc vương quốc Chân Lạp. Kỳ thật, trên thực tế đây là vùng đất đã bị bỏ hoang ngay từ khi vương quốc Phù Nam vừa bị tiêu diệt cho đến cuối thế kỷ thứ XVI, đầu thế kỷ thứ XVII, khi những lưu dân cùng khổ người Việt lác đác đến đây tìm lẽ sống, rồi sau đó là cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức: “Gia Định xưa nguyên là đất của Chân Lạp (Chenla)(14). Đây là vùng đất phì nhiêu màu mỡ, địa lợi có đủ ruộng đồng, đầm phá, sông biển; muối, lúa, đậu rất nhiều. Các tiên hoàng liệt thánh triều ta chưa rảnh để mưu tính việc xa nên tạm để đất nầy cho Cao Miên ở, đời đời xưng là Nam Phiên, lo việc triều cống không bao giờ dứt.” Đây cũng là lần đầu tiên xứ Đàng Trong thiết lập bộ máy hành chánh trên vùng đất nầy. Năm 1698 cũng là năm vùng đất Biên Hòa Nông Nại biến thành vùng địa đầu biên trấn của Đại Việt. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, năm 1620 sau khi đoàn tùy tùng theo công nữ Ngọc Vạn về Oudong thì những lưu dân người Việt từ các tỉnh miền Trung cũng bắt đầu xuôi Nam lập nghiệp. Riêng sử Khmer đã ghi lại một cách không mấy thân thiện rằng sau khi lên ngôi vua Chey Chetta II đã cho xây cung điện nguy nga tại Oudong rồi cử hành lễ cưới long trọng với một nàng công nữ xinh đẹp của Việt Nam. Hoàng hậu Sam Đát, tức công nữ Ngọc Vạn, đã đem theo nhiều đồng hương sang Cao Miên. Có người làm quan trong triều, có người làm nghề thủ công, có người buôn bán, vân vân. Theo hồi ký của giáo sĩ người Ý tên Christofo Borri, đã từng sống tại Qui Nhơn từ năm 1618 đến năm 1622, chúa Nguyễn đã viện trợ cho vua Chân Lạp cả tàu thuyền và binh lính để chống lại quân Xiêm. Christofo Borri cũng chép lại cuộc tiễn đưa công nữ Ngọc Vạn sang Oudong như sau: “Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị vũ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh đô Oudong, thì dân chúng Khmer, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Trung Hoa đã tụ họp đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh.” Hai năm sau, tức vào năm 1623, vua Chey Chetta II chấp thuận cho xứ Đàng Trong thiết lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor và Kas Krobei(4). Đây chính là hai tụ điểm quan trọng trong việc khai sanh ra Biên Trấn Biên Hòa sau nầy.

***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html
*** 

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Bịnh Hoài

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hổm rày sức khoẻ chẳng hề an
Thời tiết giờ đây thiệt khó bàn
Đêm đến mũi sao thường bị nghẹt
Còn ngày miệng cứ mãi ho khan
Ngủ nghê không được nên đành thức
Lăn lộn đủ bề lại tức ngang
Như thế có ai mà chả bực
Về già dễ bịnh đúng y chang.
                       Quên Đi
 
***

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Quả Cau Nho Nhỏ


Quả cau nho nhỏ miếng trầu ôi,
Này của Xuân Hương đã quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

Mỗi khi đọc bài thơ "Mời Trầu" của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tôi thường liên tưởng đến bài ca dao từng học  thuộc lòng từ năm Đệ Thất.

Quả cau nho nho cái vỏ vân vân,
Nay anh học gần, mai anh học xa
Lấy chồng từ thuở mười ba
Đến năm mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường thiếp hãy còn son
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.

Lúc đó, Thầy Cô không hề giải thích gì nhiều, chỉ đại khái " ngày xưa, con gái thường lấy chồng sớm". Chỉ thế thôi.
Nhưng khi lớn lên, những thắc mắc từ bốn câu trong bài:

Lấy chồng từ thuở mười ba
Đến năm mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường thiếp hãy còn son
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.

thường khiến tôi suy nghĩ: Tại sao lấy chồng sớm thế? Đâu là lý do khiến cho các cô gái ngày xưa thường lấy chồng sớm?
Có lẽ vì tục Tảo Hôn nên người ta cưới vợ gã chồng sớm cho con.

A/ Tục Tảo Hôn

Không biết xuất hiện vào lúc nào, hầu hết các nơi trên thế giới đều có tục Tảo Hôn  này, mãi đến ngày nay, các quốc gia ở Châu Phi, Trung Đông hay Nam Á vẫn còn xuất hiện tục Tảo Hôn. Riêng ở Việt Nam, ở vùng cao nơi các đồng bào dân tộc, đến nay vẫn còn giữ tục này.
Nguyên nhân nào nảy sinh ra tục này? Có thể từ những nguyên nhân sau đây:

1/ Tuổi thọ trước đây thấp

Theo thông kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, tuổi thọ bình quân của con người năm 2009-2010 là 71 tuổi. Nhưng vài trăm năm trở về trước, tuổi thọ của con người chỉ vào khoảng 45-50, chính vì thế vào thời đó, các gia đình giàu có hay quan lại thường làm tiệc mừng thọ tứ tuần , ngũ tuần...Còn tuổi thọ mà ngày nay gọi là trung bình, thì trước đây lại rất hiếm, điển hình là câu thơ nổi tiếng trong bài Khúc Giang Kỳ II của thi hào đời Đường bên Tàu là Đỗ Phủ:

Nhân Sinh thất thập cổ lai hy (con người sống đến tuổi 70 xưa nay hiếm có).

2/ Sớm có người nối dõi tông đường

Theo quan niệm xưa,  bất hiếu hữu tamvô hậu vi đại
(trong ba điều bất hiếu, không có người nối dõi là tội bất hiếu lớn nhất)
Trong khi tuổi thọ của con người ngắn, nên gia đình cho con cháu lập gia đình sớm để có người nối dõi.

3/  Có nhiều lao động, quan niệm con đàn cháu đống

Do sống bằng nghề nông, lao động chân tay là chính, nên gia đình cần nhiều người lo ruộng rẩy. Nhà càng có nhiều người, sẽ làm được nhiều việc hơn. Vì vậy nhà nào có con trai muốn con lập gia đình sớm, còn nhà có con gái muốn gả đi cho đỡ miệng ăn (trọng nam khinh nữ).

4/ Phát triển sinh lý sớm

"Nữ thập tam, nam thập lục" là  tuổi dậy thì của nữ là 13 và của nam là 16.
Khi con đến tuổi này là có thể dựng vợ gả chồng được rồi.

B/ Tư tưởng trong bài ca dao

Trên đây là quan niệm của xã hội thời bấy giờ. Thế nhưng còn tâm trạng người con gái trong bài ca dao thế nào? Họ có thật sự muốn lấy chồng sớm thế không ?
Một cái buồn sâu lắng toát ra từ các câu ca dao, một cô bé ăn chưa no lo chưa tới, đã về sống chung với những người xa lạ, thay đổi môi trường và hoàn cảnh sống khi hãy còn khờ dại, chưa đủ hiểu biết để thích nghi với vai trò mới. Chưa biết rõ làm vợ là thế nào, phải làm gì, thì đã đeo mang con cái.
Một sự mỉa mai thật tế nhị, khi mỗi năm cho ra đời một đứa bé. Mới 18 tuổi đã có 5 con, một nổi buồn, một sự thở than, trách móc cho phận làm thân con gái. Chưa được vui hết cái tuổi trẻ con đã gánh lấy vai trò làm mẹ. Còn gì cay đắng hơn, khi nhìn đàn con nheo nhóc rồi nhìn lại mình vừa mới độ chớm xuân.
Từ trong thâm tâm, có thể cô gái hoàn toàn không muốn lấy chồng sớm thế này, chỉ muốn được sống trọn vẹn với tuổi thơ của mình.
Bài ca dao thể hiện sự bất mãn với tục tảo hôn, một tục lệ đã cướp đi tuổi thơ ngây, cướp đi khoảng thời gian hồn nhiên trong sáng của các cô gái. Chính xác hơn, đây là một thông điệp mạnh mẽ đánh động đến mọi tầng lớp trong xã hội, để tất cả cùng bắt tay nhau dẹp bỏ tục lệ này, hầu mang lại nụ cười, mang lại nguồn vui cho các cô bé còn trong tuổi vô tư.

Huỳnh Hữu Đức

***