Chưa lúc nào Đường Luật Thi nở rộ như hiện nay.
Từ hơn nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, những người học về Thơ Đường Luật, đều được truyền từ các Nhà Nho, các nhà khoa bảng, các nhà trí thức có truyền thống Nho Học, theo phương pháp dạy trực tiếp hoặc thông qua sách do Các Vị biên soạn.
Còn ngày nay, với sự phát triển của Internet, nhiều Thi Đàn Thơ Đường xuất hiện, thật trái ngược với những năm 30 - 40 của thế kỷ trước. Cũng dễ hiểu, vì hiện tại, người làm thơ Đường Luật rất đông, nhờ vào những bài hướng dẫn cách làm thơ, nhan nhản trên các trang Web. Đây là một điều tốt.
Nhưng bất cứ điều gì cũng có mặt trái của nó. Có những Trang rất nghiêm túc, cũng vẫn có những Trang rất sơ suất trong việc phổ biến các bài về Đường Luật, đăng những bài copy từ Trang khác, trong đó có rất nhiều bài tự đặt thêm luật lệ, quy tắc, hoặc những bài viết không rõ nguồn gốc, mà chẳng hề kiểm chứng đúng sai. Vì vậy, sự hiểu biết của một số khá lớn người học Đường Luật trên trang mạng thừa mà lại thiếu. Thừa những cái sai và thiếu những cái đúng.
Ở đây, tôi xin được đề cập riêng về Phép Đối trong Đường Luật Thi.
Nhiều người cho rằng Đường Luật Thi quá cứng nhắc, như phép đối chẳng hạn, chữ dưới đối chữ trên, đối chan chát thật là khô khan ( Chỉnh Đối).
Sự thật có phải thế chăng?
Quan niệm này đúng mà sai, người làm thơ Đường Luật ngày nay, hầu hết đều làm theo phép Chỉnh Đối, dần dà quên đi các phép đối khác. Từ nguyên nhân này, một số người đã ngộ nhận trong Thơ Đường Luật chỉ có một phép đối duy nhất. Vì thế, khi gặp một bài thơ áp dụng những phép đối khác, đã vội cho rằng Thất Luật, hoặc giả cho rằng Phá Cách, kể cả thơ của Tiền Nhân.
Thí dụ như bài "Cò Mổ Trai" của Nguyễn Khuyến:
Trai sao chẳng biết tính con cò
Mày hở hang chi nó mổ cho
Trai cậy dày mu không khép kín
Cò khoe dài mỏ chực ăn to
Thôi về bãi bể cho êm ái
Để mặc bên sông nó gật gù
Cò trắng dẫu khôn đành gác mỏ
Trai già chờ lúc lại phơi mu.
Khi đọc bài thơ này có nhiều người cho rằng cặp Luận: Chữ không đối với Chữ, cũng không đối Tự Loại, như vậy là Thất Đối.
Những nhận xét trên có đúng không? Dưới đây là một số phép đối trong thơ Đường Luật, ít thấy người làm thơ ngày nay sử dụng:
1- Phép Tá Tự Đối
Đây là phép: ý nghĩa không đối, nhưng lại đối chữ.
Hà Nam, danh giá nhất ông cò
Trông thấy ai ai chẳng dám ho
Hai mái trống toang đành chịu dột
Tám giờ chuông đánh phải nằm co
Người quên mất thẻ âu trời cãi
Chó chạy ra đường có chủ lo
Ngớ ngẩn đi xia, may vớ được
Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to!
("Ông Cò" Trần Tế Xương)
Trong cặp Thực, chúng ta thấy nghĩa của "trống toang " và "chuông đánh" không hề đối. Nhưng nếu tách ra xét về tự (chữ) "trống" và "chuông" lại đối nhau.
2- Phép Đối Lưu Thủy
Trai sao chẳng biết tính con cò
Mày hở hang chi nó mổ cho
Trai cậy dày mu không khép kín
Cò khoe dài mỏ chực ăn to
Thôi về bãi bể cho êm ái
Để mặc bên sông nó gật gù
Cò trắng dẫu khôn đành gác mỏ
Trai già chờ lúc lại phơi mu.
"Cò Mổ Trai" Nguyễn Khuyến
Chúng ta thấy cặp Luận này xét Tự Loại hay Chữ không hề đối. Nhưng ý được nối tiếp với nhau như dòng nước chảy liên tục. (Trai hãy trở về biển cứ bỏ mặc Cò ở lại sông)
3- Cú Trung Đối
Còn gọi Đối Trung Chi Đối hay Tiểu Đối. Tự đối nhau trong từng câu. Câu trên tự đối, câu dưới cũng tự đối. Tự Đối dùng để đối với Tự Đối.
Cái giống yêu hoa lạ lạ đời
Mắt xanh chưa lọt đã mê tơi
Chim trời cá nước duyên ai đó
Vía dại hồn khôn chết dễ chơi
Xa cách ngoại trăm nghìn dặm đất
Ước ao trong sáu bảy năm giời
Cái mê vô ích mà mê dại
Mê dại mê mê mãi chẳng thôi.
("Cái Giống Yêu hoa" Tản Đà)
Chim trời đối với cá nước, vía dại đối với hồn khôn. Hai câu đều tự đối. Tự đối đối với tự đối.
4- Bất Đối Chi Đối
Không đối Tự Loại, không đối Chữ, nhưng đối Ý. Cách đối này Tiền nhân sử dụng theo quan điểm "Ý" trọng hơn "Lời".
Vàng tung cánh hạc bay bay mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
("Bài Dịch Hoàng Hạc Lâu" Vũ Hoàng Chương)
Hạc vàng mãi không còn quay lại chốn này, mây trắng mãi không có bến dừng. Ý của hai câu này đối nhau thật chặt chẻ.
5- Câu Thơ Đối Với Câu Thơ
Đây là phép mượn thơ của Tiền Nhân để đối nhau:
Tương truyền hôm làm rạp để tế, khi trang hoàng xong mới thấy hai bên cột chưa có câu đối, nhân lúc có đông đủ các mặt đại thần, Tiền quân Thành (*) liền yêu cầu cử tọa nghĩ tại tịch một câu để viết và dán ngay cho kịp.
Các vị bàn tán hồi lâu, nghĩ được mấy câu, cử một người đứng ra đọc cho tiền quân chấm, xem câu nào hơn thì sẽ viết.
Tiền quân Thành nghe xong còn đương tần ngần lựa chọn vì chưa có câu nào vừa ý, bỗng nhiên thấy
phía ngoài, gần cửa có một thanh niên nhìn vào phía mình, miệng cười nhạt, mặt khinh khỉnh.
Ông thấy lạ cho gọi vào trách:
- Đây là chỗ đại thần nghị việc, anh từ đâu tới, dám có cử chỉ vô lễ như vậy?
Người này thưa:
- Vì câu đối nghe không được, nên bất giác có thái độ làm phật ý quan tổng trấn, dám xin ngài thứ tội.
- Ở đây toàn bậc danh nho trong nước, mà anh nghe không được, thì hỗn thật! Nay cho thử làm xem sao, nếu cũng lại không nghe được thì đừng có trách.
- Chúng tôi là thiếu niên thư sinh, đâu dám so tài với bậc tôn trưởng, chắc rằng có nghĩ ra câu nào cũng không thể nào bằng các vị đại khoa được, vậy nếu quan tổng trấn cho phép, chúng tôi xin lấy văn cổ ra ghép thành câu để trình chuộc tội.
- Kim hay cổ không sao, miễn nghe được như lời vừa nói.
- Chúng tôi xin giấy bút.
Người này cầm bút viết hai dòng trình lên:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị (Ngày hết quê nhà đâu chẳng thấy)
Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi (Xưa nay chinh chiến mấy ai về)
Lương Châu Từ của Vương Hàn
Tiền quân đọc lên cho các quan nghe mà không ngớt lời khen ngợi: tướng sĩ trận vong đều ở Nam, Trung ra Bắc thì hương quan xứ thị thật là hợp tình. Chinh chiến kỷ nhân hồi là một lời thật thấm thía! Hay, hay thật! (theo Wikiperia.org)
Tóm lại, có thể do chúng ta bảo thủ, hay sợ người nói bài thơ của mình bị thất đối, nên chỉ quen dùng phép Chỉnh Đối, khiến cho bài thơ càng thêm khô khan, mất đi sự thông thoáng. Nếu quả như thế, sao chúng ta không thể tự cởi bỏ cho mình những e ngại, rào cản, mạnh dạn sử dụng những phép đối khác, khi làm thơ Đường Luật.
Dù ai nói đông, nói tây
Lòng ta vẫn vững như cây giữa rừng
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Ca Dao
Thỉnh thoảng tôi cũng có làm một số bài theo các cách đối trên:
* Mơ Nguyệt (Tá Tự Đối)
Vườn bên nguyệt quế tỏa hương lan
Ao ước đêm nay viếng Quảng hàn
Để ngắm ả Hằng xuân có đổi
Hay là cô bóng sắc dần tan
Minh Hoàng hữu hạnh du cung quế
Tục sĩ vô phương thỏa mộng vàng
Tròn khuyết nguyệt kia hư lẫn thực
Mơ trăng ảo giấc vẫn còn đang.
* Sinh Nhật (Đối Lưu Thủy)
Cúng căn lúc nhỏ nhớ đi mà
Lễ lục bát..tuần kính mẹ cha
Con cháu họ hàng mừng tuổi thọ
Anh em bạn hữu xúm đàn ca
Tiệc tùng chủ yếu cầu vui khoẻ
Nào phải kinh doanh để nhận quà
Tây với Ta dù hơi khác biệt
Nhưng thêm sinh nhật có chi là...
* Cảm Hứng (Tiểu Đối)
Thi đàn rực rỡ với ngàn hoa
Đắm sắc tao nhân thả nét ngà
Kết chữ gieo vần sao khéo chọn
Đề thơ khởi bút ngát hương xa
Mơ màng bao cảnh xuân tươi thắm
Nắn nót đôi câu ý đậm đà
Hà cớ đường thi hay lục bát
Cùng nhau cảm xúc mở lòng ra.
Huỳnh Hữu Đức
(*) Nguyễn Văn Thành Tổng Trấn Bắc Thành, vị quan có công rất lớn của vua Gia Long.