Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Cà Phê Chốn Cũ

    Bài Thơ Xướng

Cuối đời tìm về chốn cũ
Cà phê quán cóc vỉa hè
Vợ chồng trăm năm nghĩa cả
Xá gì một cuộc tỉnh mê!
                  Tri Khac Pham

Các bài Thơ Họa
        Vợ Chồng Già

Nắm tay đi trên lối cũ
Dưới vòm phượng đỏ trưa hè
Ve sầu râm ran gợi nhớ
Những ngày tình chớm đam mê
                            Phương Hà
***
            Hoài Cảm

Chốn này năm nao gợi nhớ
Trường xưa phượng nở vào hè
Ra rả tiếng ve vang vọng
Một thời chốn mộng đam mê.
                                 Quên Đi
***
     Lắng Lòng Về Chốn Cũ

Phượng mang nỗi buồn viễn xứ
Lắng ve giục giã gọi hè
Thả bè mơ về chốn cũ
Náo động thời tuổi đam mê
                    Kim Phượng
 

***

    Cảm Tác

        Đường Xưa


Cũng đường xưa lối cũ
Cũng phượng đỏ ngày hè
Cũng cà phê quán nhỏ
Hồn quê thoáng say mê
                    songquang
***


Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Ảnh Hưởng Xấu Từ Vở Tuồng "Thái Hậu Dương Vân Nga"



Đinh Bộ Lĩnh Cờ Lau Tập Trận

Theo Lịch sử, vợ của Đinh Tiên Hoàng là Dương Thị, không hề có tên Dương Vân Nga. Đó là cái tên xuất phát từ vở Chèo của Trúc Đường và được biên soạn lại thành hai vở Cải Lương một của Soạn giả Huy Cường, Thanh Nga thủ vai Thái Hậu Dương Vân Nga. Một của Hoa Phượng, Bạch Tuyết thủ vai Dương Vân Nga và còn rất nhiều Nữ nghệ sĩ tên tuổi diễn vai này.
      Các vở này đều xuất hiện sau năm 1975. Nhiều người cho rằng vở tuồng “Thái hậu Dương Vân Nga” ra đời, mục đích để nhằm  tuyên truyền chính trị: Thứ nhất nhắm vào Trung Hoa khi  Việt nam và Trung Quốc xung đột từ sau 1975, và thứ hai: ca ngợi Dương thái hậu một nữ nhân đã dám vì đất nước mà hy sinh sự nghiệp của chồng là Đinh Tiên Hoàng và ngôi báu của  con là Đinh Toàn.???
      Các vở diễn được trình diễn liên tục từ những năm cuối thập niên 70 và cả Thập niên 80 của thế kỷ 20, trên đất nước Việt và cả hải ngoại. Do được quảng bá rộng rãi, mọi người đã biết đến một thái hậu Dương Vân Nga đáng kính phục vì biết đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên quyền lợi gia đình và cá nhân. Thái hậu Dương Vân Nga trở thành một nhân vật huyền thoại thật đẹp trong lòng mọi người!!!

      Chúng ta cùng tìm hiểu qua những nhận định trong sử sách có đúng như nội dung của các vở diễn hay các soạn giả đã đã cố tình bóp méo lịch sử.
      Theo truyền thuyết khi bà mới được sinh thường hay khóc nhè . Một hôm có người đạo sĩ đi qua, ông đọc hai câu thơ khiến cô 
bé nín bặt:
"Nín đi thôi, nín đi thôi! 
Một vai gánh vác cả đôi sơn hà"
      Lời tiên tri của ông đạo sĩ ứng nghiệm vào việc bà lấy Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.Nhưng đời sau có thể đoán rằng, câu sấm này là do người ta đặt ra sau khi sự việc đã diễn ra. Như vậy, khi sự việc đã diễn ra, sau khi Dương Vân Nga  đã mất (năm 1000), bà đã chỉ lấy 2 vua, Đinh và Lê, nên người đời mới đặt ra câu sấm, mượn lời ông đạo sĩ, để bà gánh vác "đôi sơn hà Đinh , Tiền Lê ) mà không gánh vác "ba sơn hà Ngô, Đinh,Tiền Lê " .
      Theo các truyền thuyết dân gian, sinh thời Dương Vân Nga rất xinh đẹp. Bà có khuôn mặt bầu bĩnh rất phúc hậu song vẫn có nét thanh tú, cao sang. Nước da của bà hoàng hậu họ Dương trắng hồng và cặp mắt phượng, mày ngài lúc nào cũng long lanh đầy tình tứ. Nhan sắc bà được mô tả trong cuốn "Hoàn Vương ca tích" (tìm thấy ở Hà Nam). Bà không chỉ đẹp mà còn tràn đầy sinh lực của một phụ nữ đang ở thời xuân sắc nhất ..

“Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn
Mắt kia sao mọc cờn cờ
Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân”.

      Vẻ đẹp của bà quyến rũ đến nỗi mỗi bước đi cũng làm cả vùng thiên nhiên, cây cỏ xao động, bừng sáng:

“Ðồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng
Suối trong tựa ánh nguyệt tràn
Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây
Chim kề mỏ, bướm xỏ mày
Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm...”.

      Chắc hẳn chính vẻ đẹp thanh tú, mỹ miều và uyển chuyển của bà đã khiến cho cả vị chúa động Hoa Lư Đinh Bộ Lĩnh và sau này Thập đạo tướng quân Lê Hoàn mê đắm. Đó là lý do bà được làm chính cung ở cả hai triều đại nhà Đinh và nhà Tiền Lê.
      Dương Vân Nga được thờ phụng cùng với Lê Hoàn tại đền Vua Lê Đại Hành ở khu di tích cố đô Hoa Lư. Bà cũng được phối thờ cùng Lê Hoàn tại 4 nơi khác ở Ninh Bình như ở đền Đồng Bến, thành phố Ninh Bình. Tương truyền là nơi bà đón Vua Lê đánh thắng giặc Tống trở về; tại đền vua Lê, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn; tại chùa Trung Trữ, Ninh Giang, huyện Hoa Lư, bà cũng được phối thờ cùng hai vua. Cuối đời Dương Vân Nga tu hành tại động Am Tiên ở phía đông kinh thành Hoa Lư, tại đây còn lưu bài thơ về cuộc đời và sự nghiệp của bà.
 Lê Hoàn và Dương Thái Hậu

      1- Trong lịch sử ,vai trò của Dương Vân Nga rất mờ nhạt ,bà chỉ nổi bật lên một chút trong vai trò Thái Hậu khi trao long bào cho Lê Hoàn lên làm vua với những lý do mà lịch sử giải thích hãy còn rất mơ hồ: vì tình riêng hay sự nghiệp chung của non sông ? . Thực ra, từ khi Đinh Tiên Hoàng mất, bên ngoài thì Thái Hậu Dương Vân Nga thay vua Đinh Toàn ( 6 tuổi ) trị vì đất nước nhưng thực tế bên trong là do người tình của bà là Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn nhiếp chính  chỉ đạo điều hành đất nước. Bà chỉ là một Thái Hậu tượng trưng cho Vương Quyền mà thôi . Điều nầy chứng minh rằng nếu như không có tư thông từ trước khi Đinh Tiên Hoàng còn sống, thì không thể nào Lê Đại Hành vội lập Dương Vân Nga làm Hoàng Hậu khi mới lên ngôi và còn trong thời kỳ tang chế chồng là Đinh Bộ Lỉnh .

      2- Một vở tuồng cải lương gần đây tưa là THÁI HẬU DƯƠNG VÂN NGA (  sau năm 1975) đã hư cấu Thái Hậu Dương Vân Nga như là một người tài giỏi điều hành đất nước ,vì lợi ích chung của xã tắc, vì lòng yêu nước nên mới hy sinh sự nghiệp nhà Đinh để chuyển quyền lực sang nhà Lê mà bỏ phần Lê Hoàn đã lập Dương Vân Nga làm Hoàng Hậu và sự tư thông của hai người trước khi Đinh Tiên Hoàng mất.Tôi thiết nghĩ, dù là hư cấu trong văn học nghệ thuật , nhưng cần phải trung thực kết cấu của lịch sử, không được phiến diện ,thì tính thuyết phục, giáo dục văn học  mới cao được.   
 
  
      3- Hiển nhiên, và chắc chắn là Dương Vân Nga đã tư thông với Lê Hoàn từ khi tiên đế ( chồng mình ) là Đinh Tiên Hoàng còn sống , Đinh tiên Hoàng đã qua hơn nửa đời nam chinh, bắc chiến, từng dẹp loạn thập Nhị Sứ Quân, biết bao chiến công hiển hách được tôn vinh là Vạn Thắng Vương. Khi lên làm vua thì Đinh Tiên Hoàng đã luống tuổi, sức khoẻ cũng không còn cường tráng như thời " chăn trâu cờ lau tập trận" tại Hoa Lư. Khi lên làm vua, ông không những lấy một  Dương Vân Nga mà còn bốn bà Hoàng Hậu khác nên sức khoẻ về phương diện  gối chăn chắc chắn ông cũng không còn là một " Vạn Thắng Vương" như trên chiến trường  nửa. Thời điểm đó Lê Hoàn và Dương vân Nga cùng trang lứa tuổi, còn trẻ, trai tài gái sắc đang độ tuổi thanh xuân thường gặp nhau trong triều nên nảy sinh những tình cảm  "loạn luân " tình vua tôi, phạm đạo nghĩa luân lý quân thần. Nhưng vì Đinh tiên Hoàng còn sống nên họ không dám ra mặt công khai. Có một giả thuyết lịch sử cho rằng Đổ Thích tên hoạn quan cận thần  ám sát Đinh bộ Lỉnh không phải chỉ vì nằm mơ thấy một ngôi sao rơi vào miệng, nghĩ mình sẽ lên làm vua nên ra tay tàn độc phản chủ giết vua mà do sự sắp xếp của Lê Hoàn và Dương Vân Nga .Đổ Thích chỉ là con cờ thí chốt , là lá chắn  của Lê Hoàn và Dương Vân Nga. Dù sao đi nửa, lịch sử bao giờ cũng có những thâm cung bí sử, mà kẻ hâu sinh như tôi cũng không biết đâu là thật đâu là giả .
      4 - Nhưng, một hiển nhiên mà lịch sử không chối cải, và ai cũng công nhận là Lê Hoàn khi lên ngôi đã lấy Dương Vân Nga làm vợ và  phong chức Hoàng Hậu công khai. Lê đại Hành đã lấy vợ goá của một người mà mình đã từng cúc cung phục vụ tận tụy khi còn sống. Cũng không ngoài khả năng Lê Hoàn cũng đã từng quỳ lạy, tung hô Dương Vân Nga khi bà còn là Hoàng Hậu nhà Đinh. Trong tình nghĩa vua tôi, theo tôi đây là một việc làm rất đáng trách, và còn đáng trách hơn là khi Đinh tiên Hoàng còn  sống họ đã lén lúc tư thông với nhau phạm nghĩa quân thần  như một đôi gian phu dâm phụ. Đối với Dương Vân Nga, một bậc mẫu nghi thiên hạ, đúng ra phải " tại gia tòng phụ, xuất già tòng phu, phu tử tòng tử " làm gương cho nhân dân, đằng nầy, bà đã làm những điều trái nghịch đạo lý như thế thử hỏi bà có xứng được lưu danh thiên cổ không ? .Tôi rất đồng ý với hai  học giả Ngô sĩ Liên, Ngô thì Sĩ khi họ viết : " ..đạo vợ chồng là đầu của nhân luân , Đại Hành thông dâm cùng vợ vua, nghiễm nhiên lập làm Hoàng Hậu  mất cả lòng hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau con cái bắt chước mà dâm dật há cũng phải là mở dầu cái họa đời sau "         

       5- Lê Hoàn là một Thập Đạo Tướng Quân  ( chỉ huy 10 đạo quân ) giữ quyền nhiếp chính, được sự tin dùng của Đinh Tiên Hoàng, đúng ra ông phải vẹn nghĩa chữ trung để giữ đạo quân thần , đằng nầy ông đã để mình  rơi vào  những chữ " anh hùng không qua khỏi ải mỹ nhân " bị sắc đẹp của của Dương Vân Nga mê hoặc mà làm những việc đáng chê trách .. nếu Lê Đại Hành không có một chiến công hiển hách đánh tan tác bọn xâm lăng phương Bắc nhà Tống  ra khỏi bờ cỏi, bảo vệ chủ quyền độc lập của nước ta  thì sẽ không có một ông vua Lê Đại Hành trong lịch sử Việt Nam, 
      Khi Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Liễn bị ám sát, lúc đó Đinh Toàn mới 6 tuổi, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là nhiếp chính tự phong làm Phó Vương. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp thấy quyền lực rơi vào tay Lê Hoàn, lại nghi Dương Vân Nga cùng Lê Hoàn tư thông nên cử binh đến đánh. Lê Hoàn dẹp tan, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp đều bị giết. Phò mã nhà Đinh là Ngô Nhật Khánh bỏ trốn vào nam, cùng vua Chăm với hơn nghìn chiến thuyền định đến đánh tái chiếm kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão dìm chết.
      Năm 980, quân Tống chuẩn bị sang đánh, Dương Vân Nga cùng triều thân tôn Lê Hoàn lên làm vua, tức vua Lê Đại Hành. Lê Hoàn sau khi chiến thắng quân Tống lập nên nhà Tiền Lê. Dương Vân Nga trở thành một trong năm Hoàng hậu của Lê Đại Hành ,bà mất năm 1000.

      Về việc sau khi lên ngôi , Lê Hoàn lấy Dương Vân Nga phong chức Hoàng hậu , các sử gia phong kiến đặc biệt chỉ trích Lê Hoàn và Dương Vân Nga. 
 
       -  Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên viết: 
 Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sau ?

       - 
 Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục ghi:

Nhà vua nối ngôi, mới lên sáu tuổi. Bọn Nguyễn Bặc đều là đại thần phụ chính; còn Lê Hoàn trong tay giữ cả binh quyền, tự do ra vào nơi cung cấm. Thái hậu phải lòng Hoàn, rồi cùng nhau tư thông, cho Hoàn quyền tạm làm công việc thay vua như Chu Công khi trước. Lê Hoàn cậy có Thái hậu cưng yêu, không kiêng sợ chi cả.
Nhâm Ngọ, năm thứ 3 (982). (Tống, năm Thái Bình hưng quốc thứ 7).
      Lập Đinh Thái Hậu là Dương thị làm Đại thắng minh hoàng hậu.
Dương thị, trước kia lấy Đinh Tiên Hoàng, sinh ra Vệ vương Toàn. Toàn nối ngôi, hãy còn nhỏ tuổi. Thái hậu tư thông với nhà vua, mưu việc chuyển dời ngôi nhà Đinh. Đến đây lập Dương thị làm Đại thắng minh hoàng hậu. Lại lập Phụng Kiền chí lý hoàng hậu, Thuận Thánh minh đạo hoàng hậu, Trịnh quốc hoàng hậu và Phạm hoàng hậu, cộng năm Hoàng hậu.
      - Việt Nam Sử Lược:
      Vệ-vương Đinh Toàn mới có 6 tuổi lên làm vua, quyền-chính ở cả Thập-đạo tướng-quân là Lê Hoàn 黎 桓. Lê Hoàn lại cùng với Dương Thái-hậu 楊 太 后 tư thông.

      Còn trong dân gian, ở Ninh Bình hiện nay có truyền nhau cuốn truyện bằng văn vần có tựa là Hoa Lư Tự Sự, mô tả sự việc như sau:

Dương thị Vân phản bội chồng
Từ lâu vốn đã tư thông Lê Hoàn
Đặt mưu hiểm lập chước gian
Đầu độc giết chết Tiên Hoàng Cha Con 
Đỗ Thích chi nội hậu quan
Đi tuần về thấy tâm can hãi hùng
Nhảy ngay lên mái điện rồng
Bụng đói miệng khát long đong ba ngày
Trời mưa hứng nước giơ tay
Triều thần hô hoán lôi ngay xuống đình
Đỗ tội cho thị Đình Đình
Để Lê gia xuất thánh minh trị vì...

       Qua những dẫn chứng trên, chúng ta thấy các soạn giả đã đảo lộn lịch sử.Cái sai thành đúng. Đem cái sai đi phổ biến rộng rãi khắp nơi làm cho mọi người hiểu sai về Lịch sử.  Để biện bộ cho việc sai trái này đưa lý do khích lệ tinh thần yêu nước của người dân. Thế tại sao không lấy câu chuyện của Ỷ Lan Nguyên Phi ?
Trong Sử Việt vua Lý Nhân Tông lên ngôi mới 7 tuổi, nhưng Thái Phi Ỷ Lan vẫn làm tròn trọng trách đánh Tống bảo vệ giang san, ngai vàng cho họ Lý.
       Trong xã hội, thời nào cũng thế, nếu một điều sai được phổ biến khắp nơi qua hình thức văn học, nghệ thuật rất dễ gây nhầm lẫn cho mọi người. Từ đó điều sai trở thành đúng và trắng sẽ bị biến thành đen.

Huỳnh Hữu Đức 
(Trích theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Việt Nam Sử Lược, blog.yahoo.com
)

 

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

Gửi Một Nỗi Đau



Bài Xướng:
         Gửi Một Nỗi Đau

Hãy cất giùm tôi một nỗi đau
Khi làn môi nhạt lệ tuôn trào
Vơi đi bể khổ luôn dằn vặt
Tìm lại mộng vàng mãi khát khao
Của thuở ban đầu môi bỡ ngỡ
Như thời thơ dại tuổi xôn xao
Có thương giữ hộ bao phiền muộn
Hồn mộng bay đừng hỏi tại sao
                            Kim Phượng
Các Bài Họa:

     XIN GIỮ GIÙM TÔI

Giữ giùm tôi trọn nỗi niềm đau
Để mắt còn tươi lệ hết trào
Nỗi khổ suốt đời luôn níu kéo
Niềm thương trọn kiếp chẳng ban khao 
Yêu đương thắm thiết thời say đắm
Mơ mộng dạt dào thuở xuyến xao
Nếu vẫn còn thương xin khép lại
Chớ đừng thắc mắc hỏi vì sao !
                           songquang 
                            20220526
***
   THƠ ĐAU TÌNH MỘNG.
 
Tháng năm giữ mãi khối tình đau
Khiến lệ sầu tư ướt mắt trào
Thầm hỏi khi mô thì mộng ấm
Đành thưa lúc đó mới thơ khao
Chợ đời mấy thủa vui ngây ngất
Bến giác một thời nghĩ xốn xao
Chắc phải thiền hành xa khổ luỵ
Để không đếm mãi những ngôi sao...
                  Hawthorne  26 - 5 - 2022
                         CAO MỴ NHÂN
***
 Sẵn Lòng Chia Sẻ Một Niềm Đau...!

Sẵn lòng chia sẻ một niềm đau
Giúp bạn vơi đi bớt lệ trào...
Sảng khoái mời nhau ly nước lạnh
Vui mừng đãi khách bữa cơm khao
May duyên gác mái thuyền nan đậu
Rũi phận nghiêng xuồng lớp sóng xao
Đồng ý cất giùm bao nỗi khổ
Trông trời đêm tối vắng trăng sao...!
                          Mai Xuân Thanh
                             May 26, 2022
***
       Tựa Ánh Sao Băng

Cuộc  sống ai mà thoát khổ đau
Bao phen nén lệ chực dâng trào
Đợi chờ... kết quả không vừa ý !
Mong ước... hoài mơ chẳng khít khao !
Bất lực nhìn ngày qua vội vã
Ngậm ngùi trông tóc rụng lao xao
Chỉ xin phút cuối rời nhân thế
Sẽ được rơi vèo như ánh sao
                               Phương Hà
                             ( 27/05/2022 )
***
        Vật Đổi Sao Dời

Đôi dòng chất chứa lắm niềm đau  
Xót phận bao năm giấu lệ trào   
Hữu hạnh vì đâu không kẻ nhớ  
Vô tài lại có lắm người khao
Dường như thế thái dần thay đổi 
Nên khiến nhân tình cũng lãng xao 
Tiền bạc uy quyền trên tất cả  
Tang điền thương hải biết làm sao!
                                       Quên Đi
***
         Sẻ Chia Đòi Đoạn

Cùng người chia sẻ nỗi thương đau
Đã khiến lệ xuân cứ ứa trào
Giăng mắc đêm trường thao thức nhớ
Trở trăn giấp điệp xót lao xao
Từ hình bóng cũ-mơ cùng mộng
Với những thân yêu-khát đến khao
Rõ nét còn kia tràn ký ức
Canh khuya lấp lánh giữa muôn sao.
                               Thái Huy
***
           Bởi Vì Sao?

Đời người là bể khổ thương đau,
Đa cảm tránh sao lệ chẳng trào !?
Tim nhỏ mơ nhiều mê lại đắm,
Tình sầu mộng lắm khát cùng khao.
Bóng chàng chiến tuyến xa thăm thẳm...
Mình thiếp cô phòng dạ xuyến xao !...
Xa tít tháng ngày xưa đắm đuối,
Má nhăn môi nhạt bởi vì sao ?!...
                             Đỗ Chiêu Đức
                               05-31-2022

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

Thơ Cứ Làm


Thơ Xướng

         Thơ Cứ Làm

Mặc ai thi sĩ với thi nhân
Hay dở mình đây cũng chả cần
Hữu ý hữu tình đem thố lộ
Dụng câu dụng chữ chớ phân vân
Phải gìn luật định cho nghiêm chỉnh
Cứ thả lòng ra chẳng ngại ngần
Đừng sợ người chê thơ cóc nhái
Đa năng ắt sẽ tiến lên dần.
                         Quên Đi

Thơ Họa


         CHỮ NỞ HOA.

Xin thưa mặc khách đón tao nhân
Hội ngộ tri âm tha thiết cần
Ngôn ngữ văn chương thường lộng gió
Tài danh thi phú vốn phù vân
Vườn thơ tằm nhả tơ êm ái
Biển chữ lời dâng sóng sáng ngần
Tình nghĩa chất đầy khoang mộ điệu
Muôn câu hoa gấm ngát hương dần ...
                        CAO MỴ NHÂN
***
            LÀM TRAI

Làm trai thích khoát áo chinh nhân
Địa vị ,công danh tớ cóc cần
Súng đạn giao tình không quản ngại
Ba lô kết bạn chẳng ngừ ngần
Xem thời chinh chiến như sương khói
Nghĩ thuở đao binh tựa cẩu vân
Há sợ quân thù ngoài mặt trận
Huy chương cứ thế …sẽ leo dần
                              songquang

***
             Duyên Thơ

Thơ thẩn Vườn thơ ngộ cố nhân
Dang tay dìu dắt thật ân cần
Dăm câu đề xướng tình con chữ
Đáp họa đôi dòng ý áng vân
Niêm luật khắt khe càng sắc sảo
Hồn thơ thuần khiết đến trong ngần
Khổ công tôi luyện qua ngòi bút
Ngày một ngày hai ắt tiến dần

                                   Kim Phượng

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

Đêm Nhớ Vườn Thơ Thẩn


Đêm Nhớ “Vườn Thơ Thẩn”

Vườn Thơ Thẩn Bạn Thơ vui xướng họa
Mình nằm đây ôn lại tháng ngày qua
Dịch Hán Thi lộ bao ý thâm trầm
Nghe xao xuyến bồi hồi trong tấc dạ
Đây Đường Luật và kia vầng Thơ Mới
Thêm dịu dàng câu Sáu Tám thân thương
Ôi ngôn từ ôi chữ nghĩa vấn vương
Đã từng khiến hồn tôi trong ngây ngất
Niềm hạnh ngộ khiến lòng luôn thổn thức
Khi lạc vào vườn dị thảo kỳ hoa
Để giờ nghe rung động giữa canh tà
Sao nhớ quá biết lời nào cạn tỏ.
                                         Quên Đi

 

Vườn Thơ Thơ Thẩn 2

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Chút Gì Đọng lại


Bài Thơ Xướng
         Chút Gì Đọng Lại


Nhìn đóa hoa xinh nghĩ đến người
Rạng ngời trước gió một màu tươi
Đôi khi nhớ lại ngày xuân đẹp
Những lúc trao nhau ánh mắt cười
Cứ ngỡ cuộc tình như ước nguyện
Đâu ngờ hoàn cảnh khéo trêu ngươi
Thôi đành phải nói lời ly biệt
Trái ngọt yêu đương khó vẹn mười.
                                    Quên Đi

Bài Thơ Họa

 
       Chút Gì Để Nhớ

Lao đao cuộc sống của con người
Bầm dập thời nhiều ít thắm tươi
Vẫn cảm an vui khi nắng sớm
Càng khơi phấn chấn lúc hoa cười
Thanh xuân đã chẳng ai qua mặt
Già cả cũng không kẻ dể ngươi
Xin tạ ơn trời đà giúp sức
Giữ luôn biết đủ,sánh kia mười…
                            Thái Huy
***
      Vội Vàng Chi Lắm

Gia phong lễ giáo phải xa người
Một cánh hoa đời kém nét tươi
Ủ rũ gương trăng che lệ đổ
Dung nhan héo úa gượng môi cười
Trăm năm giai ngẫu bền mơ ước
Một chữ tình chung há dễ ngươi
Đã vội vàng chi tình ấm lạnh
Khéo đem cau sáu bổ làm mười
                              Kim Phượng

***
             Vết Tình

Dấu vết còn in rõ nét người
Cuộc tình như một đóa hoa tươi
Thương qua khoé miệng xinh hàm tiếu
Nhớ quá làn môi đẹp nụ cười
Mộng cũ mơ màng nơi ánh mắt
Hương xưa phản phất ở tròng ngươi
Thế mà còn tạo đành chia rẽ
Chẳng để yêu đương được vẹn mười
                                songquang
                                 20220514

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2022

Gửi Người Yêu Dấu



Gửi Người Yêu Dấu
           Mây Tần - PKT 04/30/2022

Cuối đời năm tháng chơi vơi
Nổi chìm thân phận ven trời buồn vui
Trường Giang lớp lớp sóng vùi
Tầm Dương đất trích ngậm ngùi vong thân
Bể dâu mấy độ bao lần
Ngẩn ngơ con Tạo xoay vần về đâu
Nhớ nhau gìn giữ cho nhau
Tình xưa nghĩa cũ nguyên màu ban sơ
Sông Tương một dải bơ thờ
                                  Tri Khac Pham

Các Bài Thơ Họa

Trăng Nước Tầm Dương

Dấn thân hoạn lộ đầy vơi
Giang Châu nhậm chức góc trời kém vui
Cửu Giang sông nước dập vùi
Tỳ bà chợt vẳng bùi ngùi than thân
Bọt bèo trôi nổi lắm lần
Cuối đời kỷ nữ chuyển vần nơi đâu
Tầm Dương bến nước gặp nhau
Ánh trăng vẫn đẹp sắc màu nguyên sơ
Đàn ngưng dạ mãi thẩn thờ...
                                                                 Quên Đi                               
***
Độc Hành Trống Vắng Thẩn Thờ

Biển trần khổ đắng vơi vơi
Ba chìm bảy nổi một đời kém vui
Sông dài Tư Mã dập vùi
Khúc Tầm Dương khóc bùi ngùi tấm thân
Ngàn dâu xanh ngắt mấy lần ?
Thiên cơ bất lậu xoay vần nơi đâu ?
Yêu ai xin trọn lòng nhau
Ánh trăng vàng sáng một màu nguyên sơ...
Độc hành trống vắng thẩn thờ...!
                                Mai Xuân Thanh
                                  May 01, 2022
***
Các Bài Thơ Cảm Tác 

Gửi Người Yêu Dấu

Đoc thơ buồn quá thầy ơi !
Nổi trôi thân phận ven trời phong sương
Sông Tương mấy khúc đoạn trường
Trường giang mấy vịnh, Tầm Dương ngậm ngùi.
Tiền đường bao lớp sóng vùi
Người xưa trò cũ vẫn gùi nghĩa nhân.
Chúc thầy sức khỏe an thân
Mặc cho con tạo xoay dần về đâu
Nhớ nhau gìn giữ cho nhau…
                         Dương hồng Thủy
                                02/05/2022
*** 

Nhớ Bạn

Ngậm ngùi nỗi nhớ cứ đầy vơi
Ngắm ánh sao băng ở cuối trời
Tâm trạng lạc loài thân xứ khách
Nỗi niềm khắc khoải chốn quê người
Bể dâu mấy độ lòng ngơ ngẩn
Mưa gió nhiều phen dạ rối bời
Tình bạn may là còn mãi đẹp
Bao nhiêu kỷ niệm dễ nào vơi
                          Phương Hà
                       ( 04/05/2022 )

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

Bố Cục Trong Thơ Đường Luật



Trong 5 qui tắc bắt buộc của Thơ Đường Luật, có một qui tắc thường được diễn giảng khá mơ hồ, khiến người học làm thơ Đường Luật khó thể thấu đáo. Đó là Bố Cục.
Chúng ta cùng vào Internet xem các trang Thơ Đường nói gì về Bố Cục.

Theo thoduongluat.com 

BỐ CỤC: Một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú có 4 phần:

 

1- Mạo: là mào đầu (vào bài) còn gọi là Ðề, gồm:

- Phá đề (câu 1) nghĩa là mở ra, giới thiệu tựa đề.

- Thừa đề (câu 2) nghĩa là chuyển xuống.

2- Thực hay Trạng: gồm câu 3 + 4: giải thích, khai triển tựa đề.

3- Luận: gồm câu 5+6: bàn luận ý nghĩa của bài.

4- Kết: gồm câu 7+8: tóm tắt ý nghĩa, bày tỏ tình cảm, thái độ.

 
***
Theo hoavien.forumvi.com

Cách bố cục một bài thơ:

Một bài thơ bát cú giống như bức tranh. Trong cái khung nhất định 8 câu 56 chữ, làm sao vẽ thành một bức tranh hoàn toàn, hình dung được ngoại cảnh của tạo vật hay nội cảnh của tâm giới. Bởi vậy phải sắp đặt các bộ phận cho khéo. Có bốn bộ phận là: Đề, thực, luận và kết.

1- Đề thì có phá đề (câu 1) là câu mở bài nói lung động cả ý nghĩa trong bài và thừa đề (câu 2) là câu nối với câu phá mà nói đến đầu bài.

2- Thực hoặc trạng (câu 3-4): là giải thích đầu bài cho rõ ràng. Nếu là thơ tả cảnh thì chọn các cảnh sắc xinh đẹp đặc biệt mà mô tả ra, nếu là thơ tả tình thì đem các tình tự giãi bày ra; nếu là thơ vịnh sử thì lấy công trạng của người mình muốn vịnh mà kể ra.

3- Luận (câu 5-6): là bàn bạc. Như tả cảnh thì nói cảnh ấy xinh đẹp như thế nào; vịnh sử thì hoặc khen hoặc chê, hoặc so sánh người ấy, việc ấy với người khác việc khác.

4- Kết (câu 7-8) là tóm ý nghĩa cả bài mà thắt lại cho mạnh mẽ rắn rỏi.   

***
 Nhà thơ Phí Minh Tâm, viết trên trang acvite.com, những điều nói về Bố Cục tương đối giống các trang khác:

 2.2.1a Đề: Đề ấn định bối cảnh cho câu chuyện sẽ được kể ra và gồm có hai phần:  Phá đề gồm câu 1 mở đầu hoặc giới thiệu câu chuyện.  Thừa đề gồm câu 2 nối tiếp ý cho biết thời điểm, nơi chốn...

2.2.1b Thực: Thực hoặc trạng gồm câu 3 và câu 4 nói lên ý định, nội dung bài thơ.

2.2.1c Luận: Luận gồm câu 5 và câu 6 bàn luận rộng thêm về nội dung, tả cảnh hoặc tình cảm.

2.2.1d Kết: Kết gồm câu 7 và câu 8 chuyển ý và tóm tắt, hoặc có ý mới gây xúc cảm hay tạo suy nghĩ thêm.

Nhưng nhà thơ Phí Minh Tâm cũng có nêu lên điều mà các trang khác chưa nói đến:

 2.1, một bài TNBC, gồm 56 chữ chia làm 8 câu mỗi câu 7 chữ, phải nói lên trọn vẹn một câu chuyện với một cấu trúc và đối xứng nhất định.

***
Nhìn chung, hầu hết các Trang trên Internet đều giải thích như nhau, chỉ nói chung chung, không hề nêu ra hoặc giải thích ý nghĩa quan trọng của Bố Cục một cách rõ ràng.
Cũng giống như các bài Luận Văn mà chúng ta từng học ở trường, gồm Nhập đề, Thân Bài và Kết Luận, Bố Cục một bài thơ nói chung và thơ Đường Luật Ngũ Ngôn hay Thất Ngôn nói riêng, cũng có ba phần như thế,  được sắp xếp thật rõ ràng, thứ tự về nội dung quanh một chủ đề nào đó, sao cho ý tưởng được gắn kết, từ mở đầu đến kết thúc, không đi lệch ra ngoài chủ đề. Được thế, ý thơ sẽ như một dòng nước chảy liên tục, và mạch lạc, không bị ngắt giữa chừng, người đọc sẽ hiểu ý tác giả trong bài thơ một cách rõ ràng.
Tóm lại, Bố Cục là cách diễn tả ý tưởng tuần tự dựa theo chủ đề duy nhất.Đây là điều rất quan trọng trong thơ Đường Luật, mục đích tránh cho bài thơ mỗi câu mỗi ý, đầu Ngô mình Sở, khiến độc giả trở nên mơ hồ, không biết tác giả muốn nói lên điều gì. 
Khi làm một bài thơ Đường Luật, có lẽ do quá chú tâm đến các luật Đối, luật Thanh, luật Niêm...mà người làm thơ như chúng ta, hơi lơ là về tầm quan trọng của Bố Cục, nên ít tìm hiểu kỹ về qui định này, từ đó đôi khi tạo nên những sơ xuất không đáng có, khiến bài thơ làm ra có nội dung rời rạc, không được chặc chẽ, ý thơ mất đi sự liên kết nhịp nhàng và bài thơ trở nên rỗng tuếch, vô vị.
 
Huỳnh Hữu Đức