Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Họp Mặt lớp 6 khóa 8 Sư Phạm Vĩnh Long Lần 21

Năm nay, lớp 6 khóa 8 Sư Phạm chúng tôi về họp mặt ở Vĩnh Long nơi nhà hàng Đức Phát Hoàng Gia. Do nhiều lý do,  nên năm nay số lượng các Bạn về tham dự ít hơn mọi năm, trong số đó có tôi, thật là tiếc và buồn. 
Buổi họp mặt bắt đầu từ 10 giờ ngày 26 tháng 12 năm 2017. Tuy không thể tham dự, nhưng sau buổi họp mặt, các bạn đã kể lại cho tôi nghe những vui buồn sau một năm mới gặp lại. 
Thơ và Duyên đã chuyển đến một số hình ảnh. Mời các Bạn cùng xem:

Hàng Nam: Khai, Chánh Huệ Lượm, Vinh, Xiềm, Tài (Sài Gòn), Anh Hồng bị che)
Hàng Nữ đứng: Điệp (Lê) Cúc, Sương, Hưởng, Lài, Thành. Duyên.
Hàng Nữ ngồi: Bá Hồng, Hạnh (Huỳnh) Phỉ, Thơ, Chí Thanh.





Lượm, Xiềm và  Hồng.
 
Luôn, Chánh, Vinh.

Lài, Hưởng.
Đứng : Tài (Sài Gòn), Con chị Bá Hồng, Xiềm, Chánh, Vinh, Huệ. 
Ngồi : anh Hồng, Phỉ, Bá Hồng.

Lượm và bộ ba Châu Đốc: Cúc, Lài, Hưởng.

Buổi họp mặt kết thúc vào lúc 13 giờ cùng ngày. Lần họp mặt lần 22 sang năm sẽ được tổ chức ở Châu Đốc.

Hình Ảnh : Vương Thị Kim Duyên, Hoàng Thị Thơ.

***

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Hoang Mang


Xướng: Hoang Mang
 

Ta đã say rồi hay đất say
Bỗng dưng vạn vật thảy đều quay
Dưới trên đảo lộn không phân biệt
Phải trái xoay vòng chẳng đứng ngay
Thật giả khôn lường, đâu kẻ đúng
Trắng đen khó nhận, biết ai sai
Bao nhiêu chuẩn mực do người đặt
Thoáng chốc mơ hồ tựa khói bay.
                          Phương Hà
 
***
Các Bài họa

               Tuổi Già


Ban ngày ngơ ngẩn giống người say,
Trằn trọc đêm dài cứ trở quay.
Trệu trạo nướu hàm nhai khó nhuyễn ,
Liều xiều gậy trúc đứng không ngay.
Tên người lập lại, quên mau chóng,
Chuyện cũ nhắc hoài, nhớ chẳng sai.
Sinh lão vô thường là định luật,
Tuổi già tan tác lá vàng bay!
                               Mailoc
                      Thu Cali 9-13-17
***
              Rượu Ngon

Rượu ngon cạn chén tưởng chưa say
Uống quắt cần câu trời đất quay
Chân đá chân xiêu đi chẳng vững
Tay quơ tay vịn đứng chưa ngay
Hoang mang chao đảo nghi mình đúng
Thắc mắc lá lay nghĩ họ sai
Phiền giận chi đâu men túy lúy
Thương thân trách phận gió mây bay !
                       Mai Xuân Thanh
              Ngày 14 tháng 09 năm 2017
***
           Hoang Mang
 

Tình đâu phải rượu--thế mà say! 
Cõi nhớ vô hình --nhớ quắt quay 
Người đến rồi đi -- người có biết! 
Tôi đành ôm hận -- tôi hiểu ngay 
Có yêu chẳng nợ --chắc gì đúng 
Lắm bạc nhiều tiền --ắc cũng sai 
Chỉ có chân thành và thật dạ 
Bằng không như nước chảy chim bay! 
                        Song Quang 
***
         Niềm Tin


Sao mà cứ xỉn xỉn say say
Trái đất bọn mình vẫn mãi quay
Vũ trụ có bao giờ đứng lại
Lòng người rồi cũng chẳng êm ngay
 
Tương lai tươi sáng đang chào đón
Lịch sử công bằng luận đúng sai
Hãy dẹp một bên men rượu đắng
Để cùng dân tộc cất cao bay.
                           Quên Đi
 ***
        Hoang Mang

 

Tỉnh mà ngỡ tớ vẫn đang say
Nếu khỏe thời sao cứ quắt quay
Như bị đau chân đi chẳng vững
Hệt thành lóa mắt ngó không ngay
Trông gà hóa cuốc còn cho đúng
Lộn chỗ quên tên chối nhận sai
Nghĩ biết giải sao cau hỏi nhỉ,
Để cùng ban rượu hưởng thu bay...?
                         Thái Huy
                          9-15-17 

***
             Ngớ Ngẩn
 

Vì sao ngơ ngác tựa người say, 
Trời bỗng quay cuồng đất cũng quay. 
Trật tự tôn ti chừng đã loạn, 
Cương thường đạo lý chẳng còn ngay. 
Vợ chồng trai gái nam mà nữ, 
Thật giả thị phi đúng lại sai. 
Thiện ác khôn phân đời đão lộn, 
Nghìn năm phong hóa tựa mây bay! 
                      Đỗ Chiêu Đức 
 ***
             Hoang Mang
 

Ta thèm ướm thử một lần say  
Thực chứng ra rằng đất vẫn quay 
Để cảm băn khoăn lòng tự hối  
Mà ngâm thất vọng mảng trung ngay 
Đường chân hiện rõ trò gian trá  
Lẽ thiện trưng bày lộ ác sai  
Dáng mỹ quay cuồng cơn gió lạ  
Mơ màng đạo nghĩa khói chiều bay 

                          Mai Thắng 
                             170915  
***
           Hoang Mang

 

Rượu nồng chưa nhấp thế mà say
Dạ khúc tình yêu ngất ngưỡng quay
Nhịp bước êm êm sao đứng lại
Vòng tay âu yếm cớ lơi ngay
Hoang mang hội ngộ đang chờ đón
Trắc trở tương phùng biết đúng sai
Thà phút khổ đau vui chén đắng
Còn hơn hạnh phúc vội vàng bay
                           Kim Oanh


***

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Ngoại Thư

                   
      
          Các cụ thời xưa chỉ đọc Kinh , Sử , Tử ,Tập ! Còn các sách khác thì các cụ gọi là Ngoại Thư !!!  Nhưng các tác giả nổi tiếng , được độc giả mến mộ lại là những người đọc rất nhiều Ngoại Thư !  Nguyển Du viết truyện Kiều là dựa theo cốt truyện của một ngoại thư hạng bét !!! Ngu Sơ Tân Chí là truyện hạng bét !!! Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân , nói của đáng tội , cũng chỉ là ngoại thư hạng gần bét !!!
    Nguyễn Du , một con người nhìn suốt sáu cõi ! Một Đại Thi Hào của dân tộc ! Nhưng dưới mắt của các nhà nho Hương Nguyện thì truyện Kiều chỉ là một Ngoại Thư ! Các cụ đặt thơ chê bai :
                                            Đàn ông chớ kể Phan Trần
                                      Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều
… và người bình thường đã ngâm đọc câu này như là ca dao (?)
    Một tiến sĩ cuối mùa như cụ Ngô Đức Kế , có cả tân học của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu , đã hết lời chê bai , mạt sát Nguyễn Du và truyện Kiều : Một đôi nam nữ hẹn hò đêm thanh cảnh vắng … trèo tường trổ ngõ … đáng làm gương cho ai (?)
    Ôi ! “ Ngoại Thư Truyện Kiều “ đã vượt thời gian và không gian , lừng lững , sang chói !!!
    Không đọc ngoại thư thì lấy gì để viết ! Viết về Kinh Sử thì đã có Chu Hy , Trình Hiệu rồi ! Còn gì để viết nữa ! !
    Ngày nay , tìm lại ngôn từ xưa , tôi tha thiết mong độc giả nghĩ đến ngoại thư . Chúng ta có nhiều học giả đầy bụng ngoại thư ! Đáng hãnh diện lắm chứ !!!
    Ôi ! Mời qui vị đọc Trinh Thử , Trê Cóc , và thú vị hơn : Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ , Truyền Kỳ Tân Phả của Đoàn Thị Điểm , Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ , Các tác phẩm của Lê Quí Đôn , Cao Bá Quát , Nguyễn văn Siêu , Nguyễn Du , Trịnh Hoài Đức , Nguyễn Thông  …  Ôi ! Cả một gia tài đồ sộ về Ngoại Thư ! ( và cả tới ngày nay thì thiếu gì … chuyện Tang Thương Ngẫu Lục … )
    Ôi ! Những chuyện tầm thường về những con người tầm thường của một xã hội tầm thường ở nông thôn hay thành thị … không đáng để chúng ta Suy Gẫm hay sao ? Đâu cần những gương sáng của những người Hiền để chúng ta Noi Theo .
    Vậy xin đừng coi những đề tài tầm thường là Ngoại Thư … Nói về những con người tầm thường là Ngoại Thư … !  Nói về những chuyện Tham Nhũng , Bạc Ác  … chuyện Hỗn Loạn , chuyện Đảo Diên … là Ngoại Thư !!!  Nó thâm nhập vàm tim ta , đánh động lương tâm ta… làm cho ta suy nghĩ , căm hận , chán ghét , muốn đập bàn  , hét lên , chửi cho … đã ! … thì nó là nội chứ sao lại là ngoại !!! Nó là chuyện Nội của Việt Nam !
    Vậy tôi xin phép gọi nó là Chính Thư chứ không phải Ngoại Thư !!!

                                                                                                    C.D.M.
 

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Thầy Nguyễn Hữu Lộc (Mai Lộc) và Anh Mai Xuân Thanh (Thanh Mai)


Thư Pháp Đỗ Chiêu Đức


 Thầy Nguyễn Hữu Lộc (Mai Lộc) đội nón và Anh Mai Xuân Thanh (Thanh Mai).



Người mặc áo đỏ là cô Mai Lộc - người đội nón đen là anh của Thầy Mai Lộc.

Hình Ảnh : Mai Xuân Thanh.

***

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Cảm Xúc 20/11 Nơi Vườn Thơ Thẩn.


Kính gửi Vườn Thơ Thẩn
Kính Quý Thầy và Anh Chị Em


Ngày mai 20/11/2017. Ở VN gọi là Ngày Nhà Giáo với ý nghĩa là ngày thể hiện lòng tri ân của học sinh đối với những Thầy Cô là những người đã từng có thời gian làm nghề dạy học. 
Thắng cũng mượn ngày này để làm ngày tri ân vị Thầy kính yêu của mình là Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Lộc bút danh Mailoc.

Đồng thời Thắng cũng nói lên lòng tri ân đến Quý Thầy và Anh Chị Em trong Vườn Thơ Thẩn đã  hành nghề giáo một thời qua mà Thắng được biết như Thầy Phạm Khắc Trí, Thầy Trầm Vân, Sư huynh Đỗ Chiêu Đức, Sư huynh Quên Đi, Sư tỉ Phương Hà, Sư tỉ Kim Phượng .... 
Chúc Quý Thầy giáo, Cô giáo trong Vườn Thơ Thẩn một ngày vui trọn vẹn 

Mai Thắng

20.11.2017

 

Bài Xướng: 

Một Thời Tươi Đẹp

Đêm nay khó ngủ thức bên đèn
Nhớ lại một thời với bảng đen
Nhiều bạn lo toan tìm bước tiến
Còn mình lặng lẽ chẳng bôn chen
Ngôi trường nho nhỏ bao tình nghĩa
Đám trẻ xinh xinh những búp sen
Cửa Khổng sân Trình vui với nghiệp
Còn đâu tính toán chuyện sang hèn.

Quên Đi 
Viết về nghiệp giáo ngày xưa.
***
Lương Tâm Nhà Giáo

Thức soạn bài khuya dưới ánh đèn
Một mình cặm cụi giữa đêm đen
Nội dung truyền đạt cần phong phú
Hình thức trình bày chẳng gạch chen
Thương trẻ cuộc đời như giấy trắng
Giữ mình tư cách tựa hoa sen
Bao năm tận tụy đưa thuyền chữ
Thắp sáng tương lai thoát đói hèn.
 


Phương Hà 
***   
Ông Giáo


Ông giáo đêm đêm dưới ngọn đèn
Soạn bài bóp trán giữa màn đen.
Mái trường con trẻ hằng thương mến,
Chức tước quyền hành chẳng dám chen.
An phận mái nghèo vui chữ nghĩa
Không màng ruộng cả mặc ao sen.
Oai hùng lịch sử ngàn năm dạy
Mất nước vì đâu cũng bởi hèn.
 


Mailoc 
*** 
Cửa Khổng Sân Trình - (Tôn Sư Trọng Đạo) 

Thầy hay trò giỏi lớp chong đèn 
Mưa gió ngoài trời thấy tối đen 
Sư Phạm đương nhiên theo nghiệp dĩ 
Học sinh tất yếu phải chân chen 
Trai tài chăm chỉ xuân mai trúc 
Gái sắc siêng năng hạ cánh sen 
Cửa Khổng ba ngàn môn đệ giỏi 
Sân Trình thông thái chẳng ai hèn 

Mai Xuân Thanh 
  Ngày 19 Tháng 11 Năm 2017

*** 
Quyết Theo Nghề 

Nghề giáo luôn theo dưới ánh đèn,
Moi tim vắt óc suốt đêm đen.
Yên thân hít bụi phấn không nản,
An phận gỏ đầu trẻ chẳng chen.
Ta dại ta vui cùng phấn bảng,
Ai khôn ai ghét chốn bùn sen ?
Giữ lề giấy rách tiên là lễ,
Dứt cháo tháo giầy quyết chẳng hèn !

 
Đỗ Chiêu Đức

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Một Thời Tươi Đẹp

Đêm nay khó ngủ thức bên đèn
Nhớ lại một thời với bảng đen
Nhiều bạn lo toan tìm bước tiến
Còn mình lặng lẽ chẳng bôn chen
Ngôi trường nho nhỏ bao tình nghĩa
Đám trẻ xinh xinh những búp sen
Cửa Khổng sân Trình vui với nghiệp
Còn đâu tính toán chuyện sang hèn.
                                   Quên Đi


Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Về Miền Tây - Bài 17


Nói đến Rạch Giá Hà Tiên mà không nói đến Phú Quốc và những quần đảo nhỏ quanh vùng quả là một thiếu sót lớn. Phú Quốc là một đảo lớn với diện tích khoảng 573 cây số vuông (khoảng diện tích quốc đảo Tân Gia Ba), nằm trong vịnh Thái Lan. Thị trấn Dương Đông nằm ở phía Tây của trung tâm đảo, cách thị xã Rạch Giá khoảng 120 cây số, nhưng cách Hà Tiên chỉ vào khoảng 45 cây số. Dương Đông vừa là thủ phủ của Phú Quốc, mà cũng là cảng cá lớn nhất trên đảo. Tại đây có phi trường Phú Quốc, có thể nối liền với các phi trường Rạch Giá, Sài Gòn, Tân Gia Ba, Nam Vang... Tại Dương Đông có thắng cảnh Dinh Cậu, vì đa số dân Phú Quốc đều làm nghề hạ bạc nên vào khoảng năm 1937 họ đã dựng lên một đền thờ để mong được sự che chở của Thần Sóng mỗi khi họ gặp phải sóng to gió lớn. Dinh Cậu hiện vẫn còn giữ được những nét kiến trúc cổ trông rất uy nghiêm hùng vĩ. Quần đảo Phú Quốc gồm 22 đảo lớn nhỏ, trong đó Phú Quốc là lớn nhất với diện tích khoảng 573 cây số vuông (gần bằng diện tích đảo quốc Singapore), chiều dài từ Bắc chí Nam của đảo khoảng 50 cây số, chiều rộng nhất ở Bắc đảo rộng khoảng 25 cây số. Trên đảo là một quần thể bao gồm 99 ngọn núi lớn nhỏ. Dân cư khoảng 50.000 người. Về phía Đông Bắc đảo có suối Tranh, dài khoảng 16 cây số. Đây là dòng suối nước ngọt, bắt nguồn từ Hàm Ninh với nhiều dòng suối nhỏ, chảy từ các khe núi, len lỏi qua các thảm cỏ xanh rì, sau đó nhập vào một dòng chính để thành con suối lớn, suối chảy hiền hòa bên cạnh những phiến đá nối tiếp nhau đến mút tầm mắt. Về phía Nam của trung tâm đảo là dòng suối Đá Bàn, tuy không dài như suối Tranh, nhưng phong cảnh Đá Bàn thơ mộng với nước chảy róc rách quanh năm, phong cảnh hữu tình thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ suối là những tảng đá phẳng lì, với cây cối và nước chảy len lỏi trong các khe đá. Lòng suối Đá Bàn khá sâu nên về mùa hè người ta có thể đến cắm trại, bơi lội và vui chơi hội hè tại đây. Bên trên bờ suối là vô số những cây sâm và rất nhiều loại lan rừng. Về phía Nam đảo còn có những bãi biển rất đẹp như bãi Sao, bãi Khem và bãi Trường. Bãi Khem cách An Thới khoảng 5 cây số và cách Dương Đông khoảng 25 cây số. Đây là một bãi cát vừa trắng vừa mịn, tuy nhiên, chen lẫn những bãi cát là những ghềnh đà nhấp nhô. Ven bãi Khem là những bãi cỏ xanh mượt, xa xa phía trên là những khu rừng già nguyên sinh. Ngoài ra, một bờ biển dài trên 20 cây số chạy dài từ Dinh Cậu xuống Tàu Rũ, gần An Thới với toàn cát vàng, nằm thoai thoải dọc theo bờ biển là nước biển xanh rờn và nhiều loại rong biển đủ màu đủ sắc. Ngoài vùng núi đồi, Phú Quốc còn được thiên nhiên ưu đãi với trên 37.000 mẫu rừng chưa khai khẩn với nhiều gỗ quý và muông thú. Bờ biển và vùng biển quanh đảo, không cần đi đâu xa, cũng đủ cung ứng cho dân trong vùng một nguồn hải sản vô tận. Chính những ngư phủ Thái Lan mà còn phải thèm thuồng về số lượng cá tôm vô tận trong vùng quần đảo Phú Quốc, nên họ đã nhiều lần xâm nhập để đánh bắt lén cá ở vùng này. Khỏi phải nói nhiều, nước mắm Phú Quốc đã nổi tiếng từ lâu lắm rồi, với độ đạm trên 40% và số lượng sản xuất trên 6 triệu lít mỗi năm. Hiện tại Phú Quốc có trên 2000 tàu đánh cá với sản lượng đánh bắt gần 40.000 tấn mỗi năm. Về phía Nam đảo là cảng An Thới, cảng Hòn Thơm, là nơi cập bến thuận tiện của tàu bè trong nước và ngoại quốc đến để mua bán hàng hóa. Quần đảo An Thới có tổng cộng 15 đảo lớn nhỏ, như hòn Dân, hòn Dừa, hòn Rọi, hòn Thơm, hòn Vang, hòn Móng Tay, hòn Gầm Ghì, hòn Mây Rút, hòn Chân Quy, vân vân, nằm dọc theo hướng Nam của Phú Quốc. Biển ở đây sâu, có nơi sâu trên 30 mét, nên nước biển trong xanh. 

***
Để tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Quí Vị mở Link bên dưới:


Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Ba Chiếc Rìu


Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày. Cạnh bìa rừng có một con sông nước chảy rất xiết, ai đó lỡ trượt chân rơi xuống sông thì rất khó bơi vào bờ.

Một hôm, như thường ngày chàng tiều phu vác rìu vào rừng để đốn củi, trong lúc đang chặt củi cạnh bờ sông thì chẳng may chiếc rìu của chàng bị gãy cán và lưỡi rìu văng xuống sông. Vì dòng sông nước chảy quá xiết nên mặc dù biết bơi nhưng anh chàng vẫn không thể xuống sông để tìm lưỡi rìu. Thất vọng anh chàng tiều phu ngồi khóc than thở.

Bỗng từ đâu đó có một ông cụ tóc trắng bạc phơ, râu dài, đôi mắt rất hiền từ xuất hiện trước mặt chàng, ông cụ nhìn chàng tiêu phu và hỏi:

-Này con, con đang có chuyện gì mà ta thấy con khóc và buồn bã như vậy?

Anh chàng tiều phu trả lời ông cụ:

-Thưa cụ, bố mẹ cháu mất sớm, cháu phải sống mồ côi từ nhỏ, gia cảnh nhà cháu rất nghèo, tài sản duy nhất của cháu là chiếc rìu sắt mà bố mẹ cháu trước lúc qua đời để lại. Có chiếc rìu đó cháu còn vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày, giờ đây nó đã bị rơi xuống sông, cháu không biết lấy gì để kiếm sống qua ngày nữa. Vì vậy cháu buồn lắm cụ ạ!

Ông cụ đáp lời chàng tiều phu:

-Ta tưởng chuyện gì lớn, cháu đừng khóc nữa, để ta lặn xuống sông lấy hộ cháu chiếc rìu lên.

Dứt lời, ông cụ lao mình xuống dòng sông đang chảy rất xiết. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm một chiếc rìu bằng bạc sáng loáng và hỏi anh chàng tiều phu nghèo:

– Đây có phải lưỡi rìu mà con đã làm rơi xuống không ?

Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng bạc thấy không phải của mình nên anh lắc đầu và bảo ông cụ:

– Không phải lưỡi rìu của cháu cụ ạ, lưỡi rìu của cháu bằng sắt cơ.

Lần thứ hai, ông cụ lại lao mình xuống dòng sông chảy xiết để tìm chiếc rìu cho chàng tiều phu. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm chiếc rìu bằng vàng và hỏi chàng tiều phu:

-Đây có phải là lưỡi rìu mà con đã sơ ý làm rơi xuống sông không?

Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng vàng sáng chói, anh lại lắc đầu và bảo:

-Không phải là lưỡi rìu của con cụ ạ

Lần thứ ba, ông cụ lại lao mình xuống sông và lần này khi lên ông cụ cầm trên tay là chiếc rìu bằng sắt của anh chàng tiều phu đánh rơi. Ông cụ lại hỏi:

-Vậy đây có phải là lưỡi rìu của con không!

Thấy đúng là lưỡi rìu của mình rồi, anh chàng tiều phu reo lên sung sướng:

-Vâng cụ, đây đúng là lưỡi rìu của con, con cảm ơn cụ đã tìm hộ con lưỡi rìu để con có cái đốn củi kiếm sống qua ngày.

Ông cụ đưa cho anh chàng tiều phu lưỡi rìu bằng sắt của anh và khen:

-Con quả là người thật thà và trung thực, không hề ham tiền bạc và lợi lộc. Nay ta tặng thêm cho con hai lưỡi rìu bằng vàng và bạc này. Đây là quà ta tặng con, con cứ vui vẻ nhận.

Anh chàng tiều phu vui vẻ đỡ lấy hai lưỡi rìu mà ông cụ tặng và cảm tạ. Ông cụ hóa phép và biến mất. Lúc đó anh chàng tiều phu mới biết rằng mình vừa được bụt giúp đỡ.


Nguồn: Truyện cổ tích tổng hợp.


Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Gánh Hàng Rong


XƯỚNG : Gánh Hàng Rong

Bên hè ngã vật buổi ban trưa
Giấc ngủ say mê chẳng thiếu thừa 
Gót ngọc phơi hàng rong nghỉ sức
Thân ngà úp mặt nón che mưa
Cưu mang lắm hẻm năm dài bám
Lặn lội bao đường tháng lụn đưa
Xã hội thiên đàng vơ vẩn mãi
Oằn vai mấy nữa bảo đang vừa
                   Mai Thắng. - 170920

Các Bài Thơ Họa

Họa với anh Thắng: ( hồi ức một thời)

       Gánh Hàng Rong

Tàu hủ oằn vai mỗi sớm trưa
Tiếng rao lảnh lót mến thương thừa
Mảnh mai nhịp gánh trên đường phố
Nhằn nhọc len mình dưới nắng mưa
Vị ngọt vui lòng bao khách gọi
Hương thầm quen mắt mấy thu đưa
Từ lâu người cũ không còn thấy
Ký ức hồi nao chợt mới vừa…
                            Cao Linh Tử
                               30/9/2017
***
       Chân Cứng Đá Mềm

Cô bán hàng rong suốt buổi trưa
Thức khuya dậy sớm vốn không thừa
Lo buôn hàng chạy nhanh theo gió
Bận bán quà đi lẹ dưới mưa
Cái hẻm nằm sâu quen thuộc đón
Con đường hun hút lạ xa đưa
Thiên đàng cuối nẻo sao chưa thấy
Ngớ ngẩn đâu đây mấy cũng vừa...
                         Mai Xuân Thanh
                 Ngày 29 tháng 09 năm 2017
***
        Gánh Hàng Rong

Đổ lửa quê mình nắng giấc trưa
Liên tu quạt mấy cũng như thừa
Đứng nhìn chị tám gồng phơi nắng
Ngồi ngó bà năm gắng đội mưa
Hụt hững lời rao-khi được gọi
Vụng về ai réo-lúc tay đưa
Cám ơn rối rít rồi nhanh nhảu
Lo bữa cho con kịp vận vừa…
                  Thái Huy,9-29-17
 ***
        Gánh Hàng Rong

Vất vả thân già giữa phố trưa
Sướng thời đang thiếu khổ đang thừa
Đôi vai chở cả vòng sinh kế
Một gánh trải đều cảnh nắng mưa
Tất bật đường đời bao trắc trở
Xót xa phận số mãi đong đưa
Kiếp tằm tơ đã dường như cạn
Cái nợ áo cơm thật khó vừa.

                              Quên Đi
***

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

Thông Báo Họp Mặt CHS Tống Phước Hiệp NK 62 - 69 Lần 9






Thưa Anh Chị Em Cựu Học Sinh Trung Học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long cùng Khóa và Thân Hữu, 
Năm nay, lần Họp Mặt thứ 9 của khối lớp chúng ta vẫn sẽ được tổ chức tại Thành Phố Vĩnh Long.

Địa Điểm: Nhà hàng Thiên Tân, đường Phạm Thái Bường Phường 4 

Thời Gian: lúc 10 giờ, chủ nhật 17 tháng 12 năm 2017.

Trân trọng Kính mời Anh Chị Em và Thân Hữu đến tham dự đông đủ. 
Sự hiện diện của Các Anh Chị sẽ làm tăng thêm phần long trọng và thân mật cho buổi Họp Mặt, đồng thời là niềm khích lệ lớn lao với Ban Tổ Chức chúng tôi.

Thân Mến Kính Chào
Thay Mặt Ban Tổ Chức

Huỳnh Hữu Đức

Mọi thắc mắc xin liên lạc: 

- Võ Thị Tuyết Nga - Điện thoại: 0938444255
- Hoàng Thị Thơ - Điện thoại:  01244662424
- Lê Ngọc Điệp - Điện thoại:  0918066445
-Hoàng Xuân Khải - Điện thoại: 01247589015
- Huỳnh Hữu Đức - Điện thoại:  0942332776

* Kính nhờ Các Anh Chị giúp phổ biến và Chia Sẻ Thông Báo này đến Các Bạn Cùng Khóa trên Facebook, Zolo... Xin Cám Ơn.

* Thông Báo này Thay Thư Mời.
***

Kitaro - Matsuri Bản Hòa Tấu Giao Ca Của Trời Đất

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

Về Miền Tây - Bài 16


Vừa chiếm xong Nam Kỳ, Pháp cắt 4 quận của tỉnh Hà Tiên là Long Mỹ, Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Hưng) và Kiên Giang (Châu Thành) để thành lập tỉnh Rạch Giá, tỉnh lỵ đặt tại quận Châu Thành (xã Vĩnh Thanh Vân). Tỉnh Rạch Giá nằm cách Sài Gòn khoảng 250 cây số về phía Tây Nam. Tuy mới thành lập từ thời Pháp thuộc, Rạch Giá đã vươn mình lớn mạnh về mọi mặt, với một bờ biển dài chạy từ biên giới Việt Miên đến vùng Thới Bình của tỉnh Cà Mau. Về địa thế, Rạch Giá nằm trong vùng cực Tây Nam của Nam Kỳ, chạy dài theo vịnh Thái Lan. Về vị trí thời đó thì phía Bắc Rạch Giá giáp Hà Tiên, Nam giáp Bạc Liêu, Đông giáp Sóc Trăng, Cần Thơ, Long Xuyên và Châu Đốc, phía Tây giáp vịnh Thái Lan. Thuở ấy Rạch giá đất rộng người thưa, năm 1880 toàn tỉnh Rạch Giá chỉ có khoảng 235.000 người, đa số là người Việt, kế đến là người Khmer và người Hoa. So với Hà Tiên thì Rạch Giá sanh sau đẻ muộn. Lúc Hà Tiên đã trở thành nơi đô hội với phố thị sầm uất thì Rạch Giá hãy còn là một làng chày nghèo nàn ven biển không ai ngó ngàng gì tới. Tuy nhiên, Rạch Giá được thiên nhiên ưu đãi về mọi khía cạnh. Rạch Giá có một bờ biển dài, ngoài khơi lại có thêm đảo Phú Quốc và một số hòn đảo khác trong vịnh Thái Lan nên Rạch Giá rất mạnh về mặt hải sản, nổi tiếng nhất là khô, cá, mắm, tôm và tép...

Ngoài ra, đất đai phía Đông và phía Nam của Rạch Giá, tuy chưa được dẫn thủy nhập điền đúng mức, vẫn là những cánh đồng lúa bạt ngàn và hàng năm sản xuất lúa gạo dư dùng trong tỉnh mà còn xuất cảng lên Sài Gòn và các vùng phụ cận nữa. Trước và trong thời Pháp thuộc, rừng rậm Rạch Giá hãy còn hoang vu, với khu rừng sác chạy dài từ vàm sông Cái Lớn đến Thới Bình, một vùng toàn là những cây mắm, giá, cóc, và những loại cây tạp mọc chen lẫn với rừng tràm không có giá trị công nghệ cao. Thậm chí có nhiều vùng ở miệt sông Cái Lớn và Tân Bằng Cán Gáo hãy còn rất nhiều cọp và voi. Sau khi kinh Cán Gáo được đào vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19 thì voi vùng này không còn đất dung thân nên phải di tản về miệt Phụng Hiệp và Sóc Trăng. Hồi còn Nam Kỳ Lục Tỉnh thì việc di chuyển bằng đường bộ từ Gia Định về Rạch Giá Hà Tiên phải mất trên một ngày một đêm (hơn 24 giờ), tuy nhiên, năm 1920, người Pháp cho sửa sang con đường đất đỏ từ Long Xuyên đi Rạch Giá, và cho bắt chiếc cầu Quay ngang sông Cái Lớn nên sự đi lại thuận tiện và dễ dàng hơn trước nhiều. Ngay khi thành lập tỉnh lỵ tại xã Vĩnh Thanh Vân, người Pháp cho xây dựng thị xã Rạch Giá theo kiến trúc Tây phương. Năm 1922, họ cho sửa sang lại cảng Rạch Giá, tuy rộng rãi và không có sóng gió, nhưng lại nhiều bùn và mau bồi lấp, nên cảng cũng không mấy thuận tiện cho tàu bè lớn. Các tàu buôn từ Hương Cảng và Tân Gia Ba thường ghé lại cảng Rạch Giá để bán những hàng vải tơ lụa, máy móc, và mua lại cá khô, tôm khô và gạo đem về. Mãi đến năm 1954, có thể nói đất đai Rạch Giá hãy còn là một khu rừng tràm mênh mông, đất trũng và ủng đầy phèn, cách xa bờ biển vài chục cây số vẫn còn là những rừng tràm trầm thủy, đặc biệt là vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Vùng U Minh Thượng nằm bên tả ngạn sông Cái Lớn là những khu rừng chồi, không rậm rạp lắm. Trong khi vùng U Minh Hạ nằm bên hữu ngạn sông Cái Lớn, vùng ven biển chạy dài tới Cà Mau, là những khu dày đặc với rừng tràm. Có thể nói toàn miền Tây Nam phần không có gỗ quý nên dân chúng trong vùng tận dụng tài nguyên sẵn có, họ dùng những cây tràm, đước, cóc, vẹt... cho tất cả mọi nhu cầu của họ, cây nhỏ thì làm củi, cây vừa vừa làm than, còn cây lớn thì làm cột cất nhà. Rạch Giá có hai con sông lớn là sông Cái Lớn và sông Cái Bé, chảy từ vùng đất thấp phía Đông đổ ra vịnh Thái Lan, sau đó hợp lưu trước khi đổ ra biển tại vàm Rạch Giá. Ngọn sông Cái Lớn trước khi chảy qua Sóc Trăng nó chia làm những nhánh nhỏ và cạn chảy về hướng Cà Mau, đến mùa khô ghe thuyền không thể đi lại được nữa. Trong khi ngọn sông Cái Bé ăn qua rạch Cần Thơ rồi chảy qua Hậu Giang với những nhánh nhỏ. Hồi đó người Miên sống biệt lập trên những giồng đất cao nằm giữa hai dòng sông Cái Lớn và Cái Bé, như những ốc đảo hoang vu, chung quanh là rừng rậm che kín với đầy dẫy những muỗi mòng, rắn rít và thú dữ. Trước thời Nguyễn Ánh, dân vùng Rạch Giá sống co cụm trên các gò cao dọc bờ sông Cái Bé, trong đó có chợ Rạch Giá sau này (thuộc tổng Kiên Định), bên bờ sông Cái Lớn thì lập tổng Thanh Giang. Ngay từ thời Mạc Cửu mới đến khai khẩn vùng này, vì cảng Hà Tiên quá cạn nên cảng Rạch Giá luôn luôn tấp nập với các tàu buôn Tân Gia Ba, Hương Cảng, và Hải Nam...Thời đó Rạch Giá bao gồm một vùng rộng lớn chạy dài đến mũi Cà Mau (Long Xuyên là tên cũ của Cà Mau). Trước thời Pháp thuộc, Rạch Giá không có đường bộ, mà dân chúng chỉ vận chuyển hàng hóa hay nông phẩm qua những kinh rạch chằng chịt mà cạn, về mùa nắng ghe thuyền không đi được nên người ta phài dùng trâu kéo cộ trên những đường mòn chạy dọc theo những đường nước này. Lúc Mạc Cửu đến khai khẩn đất hoang tại vùng này, có nhiều người Triều Châu và Phước Kiến đi theo, họ định cư ở những vùng đất giồng, chuyên môn làm rẫy, họ trồng rau cải, còn số khác thì làm ruộng. Trước khi có những kinh đào thì đa số dân chúng trong tỉnh phải hứng nước mưa dự trữ cả năm, hoặc đào giếng trên các giồng cao rồi gánh về xài. Hồi lưu dân Việt Nam mới tới vùng này khai khẩn đất hoang họ phải ra ngoài hòn Tre để lấy nước suối về xài. Đến khi Thoại Ngọc Hầu đào kinh Thoại Hà từ Long Xuyên qua Rạch Giá, nước ngọt từ Hậu Giang bắt đầu chảy tới Rạch Giá, nên vấn đề nước ngọt không còn là vấn đề nan giải nữa. Trước khi được dẫn thủy nhập điền với những kinh đào ngang dọc, thì nguồn lợi chính yếu của Rạch Giá là mật ong (lúc đó chính phủ phân ra từng lô rừng để đấu giá mật ong). Nguồn lợi kế đó là các sân chim mênh mông của Rạch Giá. Năm 1889, vì thấy Rạch Giá không mang lại nguồn lợi nào đáng kể nên chính phủ thuộc địa Pháp cho sáp nhập tỉnh Rạch Giá vào Long Xuyên cho đỡ tốn kém ngân sách. Nhưng đến khi Rạch Giá được dẫn thủy nhập điền đúng mức nó mang về một nguồn lợi rất lớn về sản xuất lúa gạo, Rạch Giá lại được tách trở ra làm tỉnh. Lúc đó chánh phủ thuộc địa lại cho vét con kinh Thoại Hà nên dân các vùng Vĩnh Long, Cần Thơ và Long Xuyên không còn đất hoang để khẩn nữa nên họ đổ xô về Rạch Giá khẩn đất. Mặt khác chính phủ thuộc địa cũng cho lót đá xanh dọc theo bờ biển để giữ không cho đất lở. Sau khi vét lại con kinh Thoại Hà thì phương tiện giao thông đường thủy từ Rạch Giá về các tỉnh miền Tây tiện lợi hơn nhiều, cứ hai ngày là có tàu Lục Tỉnh từ Sài Gòn về Rạch Giá. Vào khoảng năm 1920 thì Rạch Giá đã phát triển lớn mạnh hơn trước nhiều, hàng hóa từ Xiêm (của Anh và của Xiêm) như vải sồ được đưa vào Việt Nam qua cảng Rạch Giá, rồi mua về hồ tiêu và cá khô, còn tàu từ Hải Nam thì chở đến đồ sành sứ, vải vóc, thuốc Bắc, trái cây khô, chăn mền, và họ mua về gạo, nước mắm, cá khô, mắm ruốc, mật, sáp ong... Về sau này những nhà máy xay lúa ở Sài Gòn Chợ Lón được dựng lên, họ xay lúa bằng máy và xuất cảnh thẳng qua Hải Nam và Hương Cảng bằng những thương thuyền lớn nên rẻ hơn gạo Rạch Giá, vì vậy mà sinh hoạt cảng Rạch Giá từ từ giảm sút. 
 
Năm 1907, người Pháp bắt dân làm xâu để đắp đá ong và đất hầm con đường từ Rạch Giá đi Hòn Đất, nhưng sau đó thấy con lộ không mang lại lợi ích về kinh tế nên không phát triển thêm. Cùng năm đó họ cho đắp con đường Rạch Giá đi Minh Lương (khoảng 15 cây số) cũng trải bằng đá ong và đất hầm, tiếp theo là lộ đá ong từ Minh Lương đi Kiên Hưng (Gò Quao), qua Long Mỹ (sau này thuộc tỉnh Chương Thiện) và cùng năm đó thì quận Long Mỹ được thành lập. Long Mỹ nằm trên ngọn sông Cái Lớn, giáp ranh với vùng Cần Thơ và Phụng Hiệp, tiếp theo là quận Gò Quao (nằm bên bờ sông Cái Lớn) được thành lập. Và liên tiếp những năm sau đó là quận Giồng Riềng nằm bên bờ sông Cái Bé cũng được thành lập. Năm 1908 thì người Pháp bắt đầu làm con đường từ Rạch Giá đi Hà Tiên. Đến năm 1914 người Pháp khởi công xây lộ Rạch Giá Cần Thơ (lộ đá tráng nhựa). Tính đến năm 1945 thì Rạch Giá đã nghiễm nhiên trở thành một trong những tỉnh trù phú nhất miền Tây với số lúa gạo sản xuất vượt xa mấy tỉnh khác. Ngoài ra, Rạch Giá còn những đặc sản khác mà những tỉnh lân cận không có như mật ong, sáp, tôm khô, cá khô, đặc biệt là sáp, một nguồn lợi không nhỏ đã làm cho Rạch Giá nổi tiếng. Tuy nhiên, đến năm 1904, sau trận bão năm Thìn, đa số rừng tràm ở Rạch Giá bị ngã sập, ong không còn chỗ dung thân nên di chuyển qua các vùng Đồng Tháp và Cà Mau, vì thế mà nghề lấy mật và sáp ong từ từ biến mất trong vùng rạch Giá. Cũng như các vùng khác ở đồng bằng sông Cửu Long, toàn vùng Rạch Giá từ Hà Tiên xuống tận Thới Bình, vào mùa mưa thì nước ngập tràn rừng tràn đồng, cá cũng theo đó mà đi lên rừng hay lên đồng, nhưng khi nước vừa rút là chúng cũng tìm cách rút theo ra các sông rạch, nên vào mùa gió chướng các kinh rạch trong vùng U Minh Thượng và U Minh hạ tràn ngập cá tôm đủ loại, nên ngoài nghề chính của dân trong tỉnh là làm ruộng, với những luồng cá rất lớn với nhiều loại cá ngon, dân Rạch Giá còn sản xuất đủ thứ cá tôm nước ngọt và nước mặn như cá chép, cá he, cá lóc, cá trê, cá thu, cá chim, cá bạc má, cá thiều, vân vân. Nước mắm Phú Quốc chẳng những nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng tại nhiều nước khác trong vùng. Vào thời Pháp thuộc, dĩ nhiên là họ ưu tiên cho người Pháp được tự do khai khẩn đất hoang, nên đã xảy ra rất nhiều vụ cướp đất đã khẩn từ trước của những người lương dân chỉ một đời lam lũ, chất phát, không biết nhiều về luật lệ, hễ thấy chỗ nào có đất hoang là đến khẩn, chứ không dè bọn Tây và bọn cường hào ác bá đã có giấy khẩn trong tay, chúng đợi cho người ta khẩn xong, có huê lợi là chúng nhào vô cướp giựt đất của lương dân, bên cạnh đó lại thêm nạn làm cố công của tá điền, nào là sưu cao thuế nặng, nào là cướp công bóc lột, một khi đã là tá điền rồi thì phải cha truyền con nối làm tá điền mà cũng không đủ trả nợ cho chủ, thật là một thời nô lệ với không biết bao nhiêu là ức hiếp bất công. Bắt đầu từ thời đệ nhất Cộng Hòa, chính quyền cho xây dựng nhà máy xi măng Hà Tiên với phẩm chất không thua gì xi măng Đài Loan hay Nhật Bản. Ngoài ra, chánh quyền còn nâng đỡ nông dân trong việc canh tác, và ngư dân trong việc đánh bắt cá, nên Rạch Giá đã vươn lên phát triển rất mạnh. Hiện nay Rạch Giá là một trong những tỉnh phồn thịnh nhất của Nam Kỳ. Sau năm 1975, chánh quyền Cộng Sản phân chia lại địa phận nên Rạch Giá hiện nay với diện tích trên 6.269 cây số vuông và dân số 1.565.900 người, khoảng 85% là người Việt, người Khmer chiếm khoảng 12%, người Hoa chỉ 3% nhưng họ nắm hầu hết những then chốt kinh tế trong tỉnh. Tỉnh Rạch Giá hiện nay bao gồm các quân Kiên Lương, Hòn Đất, Tam Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Hưng), An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Phú Quốc (quần đảo Phú Quốc), Kiên Hải (gồm quần đảo Lại Sơn, An Sơn, Hòn Tre và Hòn Nghệ), thị xã Hà Tiên và thị xã Rạch Giá. Ngoại trừ đảo Phú Quốc, ngoài khơi Rạch Giá có trên 100 đảo nhỏ và hòn khác. Vùng biên giới Hà Tiên-Cao Miên dài khoảng 54 cây số, trước kia thì dòng kinh Vĩnh Tế là biên giới giữa hai nước, nhưng hiện nay biên giới đã chạy sâu vào nội địa Miên khá xa. Rạch Giá có nhiều địa danh nổi tiếng ngay thời đầu cuộc Nam tiến, khi Mạc Cửu và quyến thuộc của ông đến khai phá đất Hà Tiên, như U Minh Thượng, U Minh Hạ, Hòn Đất, Phú Quốc, Hà Tiên, vân vân. Thiên nhiên chẳng những ưu đãi Rạch Giá về mặt kinh tế, mà còn ưu đãi về danh lam thắng cảnh nữa như non nước hữu tình của vùng Hà Tiên, biển trời mênh mông của vùng Phú Quốc. Ngoài ra, Rạch Giá còn rất nhiều đền chùa và các di tích lịch sử khác. Ngay tại phường Vĩnh Thanh trong thị xã Rạch Giá, có đền thờ vị anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực. Ông nổi tiếng trong trận phóng hỏa tàu Espérance trên sông Nhật Tảo năm 1861, và đánh thành Kiên Giang năm 1868, khi bị Pháp bắt ông đã dõng dạc tuyên bố một câu bất hủ “Chừng nào nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây.” Hiện tượng đài của ông được lên ngay giữa trung tâm thị xã Rạch Giá.

 
***
Để tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Quí Vị mở Link bên dưới: