Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

Tây Ninh Phần 2


Tây Ninh Dưới Thời Pháp Thuộc:
Ngày 1 tháng 11 năm 1859, liên quân Pháp-Y Pha Nho từ Đà Nẳng kéo vào đánh thành Gia Định. Đến năm 1861, giặc Pháp hoàn toàn làm chủ tỉnh Gia Định, sau đó chúng tiến lên chiếm luôn các vùng Biên Hòa, Trảng Bàng và Tây Ninh. Sau hòa ước Nhâm Tuất 1862, triều đình Huế nhường đứt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ(9) cho Pháp. Năm năm sau, giặc Pháp chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây. Như vậy, sau ngày 23 tháng 6 năm 1867, Nam Kỳ hoàn toàn thuộc Pháp. Khi quân Pháp tiến chiếm phủ lỵ Tây Ninh, quan Tham Tán quân Vụ tên là Tường, đã quyết chống cự đến cùng, nhưng sau đó vì yếu thế, nên phải rút quân vào xóm An Cơ tiếp tục kháng chiến. Pháp quân phải nhờ viện binh ở Sài Gòn lên đánh, cuối cùng quan tham tán tử trận, nghĩa quân tan rã. Tuy nhiên, từ đó về sau, thỉnh thoảng nghĩa quân vẫn kéo về đánh phá các đồn binh Pháp.
Sau khi chiếm Tây Ninh, người Pháp vẫn lấy hai quận Tân Ninh và Quang Hóa để thành lập phủ Tây Ninh, trực thuộc Sài Gòn. Tại mỗi phủ, Pháp đặt ra một đoàn quân sự. Đến năm 1868, hai đoàn quân sự tại Tân Ninh và Quang Hóa bị bãi bỏ, và thay vào đó là hai ty hành chánh, một đặt tại Tây Ninh và một đặt tại Trảng Bàng. Đến ngày 5 tháng 6 năm 1871, Thống Đốc Nam Kỳ ký sắc lệnh thành lập tỉnh Tây Ninh, tỉnh lỵ đặt tại Tây Ninh, và quyết định bãi bỏ ty hành chánh Trảng Bàng(10). Năm 1890, nhân danh là chủ nhân ông của Nam kỳ, thực dân Pháp đã cắt phần đất dọc theo rạch Ngã Bát nhượng cho Cao Miên. Đây là phần đất rất quan trọng cho nền kinh tế của Tây Ninh. Thời bấy giờ, Tây Ninh gồm có hai thị trấn Tây Ninh và Gò Dầu Hạ, và hai quận Thái Bình(11) và Trảng Bàng(12). Năm 1942, quận Thái Bình được đổi tên làm quận Châu Thành. Ngày 12 tháng 8 năm 1948, quận Gò Dầu được thành lập, nhưng đến năm 1954 lại bị sáp nhập vào quận Trảng Bàng.

Tây Ninh Dưới Thời Việt Nam Cộng Hòa:

Năm 1948, chánh phủ lâm thời Việt Nam thành lập quận Gò Dầu Hạ, nhưng đến năm 1954, quận nầy bị bãi bỏ để sáp nhập vào quận Trảng Bàng. Ngày 9 tháng 3 năm 1955, do nghị định của Tòa Đại Biểu Chánh Phủ tại Việt Nam, quận Gò Dầu hạ được tái lập kể từ ngày 25 tháng 3 năm 1955. Như vậy, dưới đầu thời đệ nhứt Cộng Hòa, Tây Ninh có 3 quận là Châu Thành, Gò Dầu Hạ và Trảng Bàng. Năm 1956, ấp Phước Mỹ, thuộc xã Phước Chỉ trong quận Trảng Bàng bị cắt ra cho sáp nhập vào tỉnh Long An. Năm 1959, quận Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ được đổi tên là Phú Đức(13) và Hiếu Thiện(14). Ngày 23 tháng 7 năm 1961, hai quận Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ trước đây, nay được chia làm 3 quận: Phú Đức(15), Hiếu Thiện(16) và Khiêm Hanh(17). Đến năm 1963, xã Bến Củi của quận Khiêm Hanh được nhập vào tỉnh Bình Dương. Sau đó, vào ngày 15 tháng 10 năm 1963, quận Phú Đức trực thuộc tỉnh Hậu Nghĩa. Tây Ninh lúc nầy có 4 quận là Phú Khương(18), Phước Ninh(19), Hiếu Thiện(20) và Khiêm Hanh(21).
Về vị trí, tỉnh Tây Ninh Bắc giáp Cao Miên với đường biên giới dài trên 240 cây số, Đông Bắc giáp Bình Long, Đông Nam giáp Bình Dương, Tây giáp Cao Miên, và phía Nam giáp Sài Gòn và Long An. Tổng diện tích Tây Ninh khoảng 4.028 cây số vuông, và dân số trên 1.000.000 người, đa số là người Việt, một số ít là người Stiêng và người Khmer. Địa thế đất đai Tây Ninh tương đối cao so với các vùng khác ở miền Đông Nam Phần và phần lớn là đất đỏ và đất xám, tuy nhiên nhờ đất đai bằng phẳng và nhờ có ba con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và sông Sài Gòn chảy qua, rồi lưu lượng nước được trữ lại trong hồ Dầu Tiếng, nên đất đai Tây Ninh tương đối khá trù phú.
Về mặt cư dân, vào thời Pháp thuộc, khoảng đầu thế kỷ XX, dân số Tây Ninh thưa thớt, trong khắp tỉnh chỉ có khoảng chưa đầy 100.000 dân, đa số là người Việt, kế đến là người gốc Khmer, rồi đến người Việt gốc Hoa... Hiện tại, theo thống kê năm 2007, Tây Ninh có diện tích khoảng 4.028 cây số vuông và tổng dân số khoảng 967.900 người.
Về mặt tôn giáo, cũng như đa số dân chúng Nam kỳ, dân Tây Ninh tính tình thuần lương hiền hòa, đa số theo đạo Phật, một số khác theo Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài, và Hòa Hảo. Phật giáo đã có cơ sở vững chắc tại Tây Ninh, với một số ngôi chùa đã xây dựng trên 200 năm nay. Theo thống kê của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1960, thì lúc đó Tây Ninh có trên 60 phần trăm người theo đạo Phật và thờ ông bà, khoảng từ 2 đến 3 phần trăm theo đạo Thiên Chúa, 25 phần trăm theo đạo Cao Đài, và số còn lại theo các tôn giáo khác như Hồi giáo, Ấn giáo, và Phật giáo Hòa Hảo, vân vân.

Sự Quan Trọng Của Sông Ngòi Đối Với Nền Kinh Tế Của Tây Ninh:
Tây Ninh có 2 con sông lớn là sông Sài Gòn chảy theo biên giới Tây Ninh và Bình Dương, rồi chảy vào Tây Ninh qua ngã rạch Sanh Đôi. Sông Vàm Cỏ Đông, phát nguyên từ vùng biên giới Việt-Miên, chảy ngang qua Tây Ninh và có lưu lượng lớn hơn sông Sài Gòn, chảy vào Tây Ninh bằng ngã rạch Cái Bác, rạch Sóc Om, rạch Tây Ninh. Trước khi chảy vào địa phận quận Gò Dầu, sông Vàm Cỏ Đông chảy dọc theo các xã Thạnh Đức, Hiệp Thạnh, Phước Trạch, rồi chảy vào Gò Dầu Hạ, sau đó nó chảy qua vùng Thanh Phước rồi chảy vào rạch Trảng Bàng, mỗi ngày đều có thủy triều lên (nước lớn) và thủy triều xuống (nước ròng), rất thuận tiện cho việc giao thông đường thủy. Nhờ vậy mà đường thủy của Tây Ninh chiếm địa vị trọng yếu trong giao thông vận chuyển. Bên cạnh đó, sông Vàm Cỏ Đông đã đem đến cho cả vùng Tây Ninh một số lượng thủy sản đáng kể để nuôi dân chúng trong vùng. Tuy nhiên, về sau nầy thì số lượng cá tôm giảm dần, nên người ta phải nuôi cá tôm nước ngọt để thay thế cho nguồn thủy sản tự nhiên. Tây Ninh có khí hậu nóng và ẩm hơn các nơi khác ở Nam kỳ, tuy nhiên cũng có 2 mùa mưa nắng như các nơi khác (mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 4). Cũng như bao nhiêu vùng khác ở Nam kỳ trước đây đều thuộc vương quốc Phù Nam, sau khi vương quốc Phù Nam diệt vong thì Chân Lạp làm chủ.

Về kinh tế, Tây Ninh có nhiều sông ngòi khá lớn, như các sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn; bên cạnh đó, Tây Ninh còn có hồ Dầu Tiếng, vừa là một trong những công trình thủy lợi lớn trên toàn quốc, vừa có thể giúp dẫn thủy nhập điền cho trên 20.000 mẫu tây ruộng rẫy. Tuy nhiên, Tây Ninh là vùng đất cao, nối tiếp với vùng đất đỏ Biên Hòa nên không thuận lợi cho việc trồng lúa nước. Ngược lại, đất đai Tây Ninh rất thích hợp cho việc trồng cây cao su, cà phê, trà. Mãi đến ngày nay, rừng rậm Tây Ninh vẫn còn là quê hương của những loại danh mộc như cẩm lai, gõ, trắc... và những loại hoang thú như cọp, tê giác, voi và chim các loại. Tuy nhiên, những năm sau này vì bị người ta săn đuổi ráo riết nên hoang thú đã rút dần lên miền biên giới Miên Lào. Ngoài ra, với những rừng sinh thái và hồ thiên nhiên, Tây Ninh đã trở thành một trong những điểm du lịch hay nghỉ ngơi cuối tuần cho thị dân vùng Sài Gòn và Chợ Lớn sau những ngày làm việc mệt nhọc. Tuy là vùng đất cao, nhưng những vùng đất hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn cũng rất phì nhiêu màu mỡ, thích hợp cho việc trồng lúa nước. Hiện nay dân chúng Tây Ninh đang cố gắng phát triển nông nghiệp bằng cách làm 2 hoặc 3 mùa vụ trong một năm, và có thể thâu hoạch từ 4 đến 5 tấn lúa cho mỗi mẫu trong một vụ mùa. Bên cạnh đó, người dân Tây Ninh cũng khai thác triệt để ưu điểm của tỉnh mình bằng cách gia tăng trồng cây công nghiệp như các loại cây cao su, cà phê, mía, hồ tiêu, hạt điều, đậu phộng, và trà, vân vân. Từ trước đến nay đối với người miền Nam, hễ nghe nói đến Tây Ninh là họ liên tưởng ngay đến những vùng rừng núi với nhiều loại gỗ khác nhau như, sao, dầu, bằng lăng, gõ, liêm, trắc, vân vân, nên kỹ nghệ về ngành mộc của Tây Ninh rất phát triển. Bên cạnh rừng núi, Tây Ninh cũng có nhiều sông-kinh-rạch khắp nơi, lại thêm giao thông đường bộ rất hạn chế, nên đa số cư dân trong vùng đều sử dụng ghe xuồng làm phương tiện chính trong giao thông hằng ngày. Chính vì thế mà nghề đóng ghe xuồng ở Tây Ninh đã phát triển rất sớm. Khắp nơi từ Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Hòa Thành, xuống Gò Dầu, Bến Cầu và Trảng Bàng, đi đâu đến đâu người ta cũng thấy các cơ sở đóng ghe xuồng như tại Trảng Bàng có những xưởng lớn ở các xã An Hòa và Phước Chỉ, tại Gò Dầu có xưởng ở xã Cẩm Giang, và tại Hòa Thành có xưởng ở xã Long Thành Nam, vân vân. 


Những Nghề Truyền Thống Và Đặc Sản Tây Ninh:
Ngoài những nguồn lợi quan trọng từ những cây công nghệ như cây cao su, cà phê, mía, hồ tiêu, hạt điều, đậu phộng, và trà, vân vân, Tây Ninh còn có nhiều nghề truyền thống lâu đời cũng góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế trong toàn tỉnh Tây Ninh ngày nay như nghề đóng ghe xuồng, nghề chằm nón lá, và nghề bánh tráng phơi sương, vân vân. Từ lâu, Tây Ninh vẫn nổi tiếng với các loại ghe ô và ghe lê(22), ghe tam bản(23), ghe mũi chài(24), và ghe chài(25). Trong thời các chúa Nguyễn mới mở cõi về phương Nam, tức vào khoảng thế kỷ thứ XVII thì nguyên liệu để đóng ghe xuồng hãy còn dồi dào vì những khu rừng sao, dầu, vên vên, căm xe, cà chắc, trắc, vân vân, hãy còn rất nhiều. Ngày nay, nguồn rừng tại địa phương đã từ từ cạn kiệt nên các xưởng đóng ghe xuồng phải nhập cảng gỗ từ Campuchia hay Lào. Tuy giá thành ngày nay có mắc hơn ngày trước, nhưng nhờ phẩm chất tốt nên kỹ nghệ đóng xuồng Tây Ninh vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ghe xuồng Tây Ninh nổi tiếng từ bao đời nay nhờ tính chắc, bền, nhẹ, nổi trên nước và lâu hư.

Riêng tại vùng Trảng Bàng, dù nằm sát nách Sài Gòn, lại là địa phương nổi tiếng rừng rậm hoang vu trong thời chiến tranh, nhưng cũng sớm nổi tiếng với những món ăn dân giã từ thời xa xưa, như bánh canh Trảng Bàng, bánh ú lá tre, bánh tráng phơi sương cuốn rau với thịt luộc, vân vân. Huyện Trảng Bàng nằm trên quốc lộ 22, cách Sài Gòn chỉ khoảng 40 cây số. Đây là một trong những địa phương có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, đặc biệt nhất là tại ấp Lộc Du trong huyện Trảng Bàng có xóm bánh tráng chuyên làm nghề ‘Bánh tráng phơi sương’. Điểm đặc biệt là bột gạo làm bánh tráng chỉ làm từ một loại gạo duy nhất, đó là gạo “Nàng Miên”, một loại lúa chỉ trồng được ở vùng biên giới Miên-Việt mà thôi. Kỹ thuật tráng bánh cũng rất đặc biệt, sau khi tráng và phơi bánh xong, người ta đem nướng rồi phơi sương vào khoảng tờ mờ sáng hoặc vào lúc ban đêm. Những lúc có nhiều sương, người ta chỉ cần phơi ngoài sương khoảng từ 15 đến 20 phút, rồi đem bọc kín trong lá chuối tươi để giữ cho bánh vừa mềm vừa xốp. Theo các bô lão địa phương, sở dĩ bánh được đem phơi sương vì ông bà mình muốn tiếp thêm tinh lực của đất trời cho bánh tráng. Người ta thường dùng bánh tráng phơi sương để cuốn với thịt, tép, tôm, và đủ loại rau như rau cần nước, rau răm, rau dắp cá, tía tô, rau húng, hẹ, vân vân. Bên cạnh đó, người Trảng Bàng còn thêm vào bánh tráng cuốn một số rau mà chỉ ở Nam Kỳ mới có như rau cóc, lá lụa, lá săng máu, lá vừng, lá bứa, lá trâm ổi, lá mặt trăng, lá ô dước, lá quế, vân vân. Đây quả là một món ăn thật đặc sắc của vùng Trảng Bàng. Ngoài ra, phải nói bánh canh Trảng Bàng không còn bị co cụm trong phạm vi Tây Ninh nữa, mà tiếng tăm của nó đã lan đến Sài Gòn và khắp Nam Kỳ. Thường thì người ta dùng loại gạo ngon để xay bột làm bánh canh như gạo Nàng Thơm Chợ Đào hay gạo Nàng Hương, vân vân. Tinh bộ được đem hấp chín trước khi ép thành những lọn bánh canh. Ngày nay, bánh canh tươi đã được phân phối không chỉ trong phạm vi Trảng Bàng hay Tây Ninh, mà còn đến các quận huyện tại Sài Gòn nữa. Ngày nay, ai đến Trảng Bàng hầu như cũng đều nghe nhắc đến hai món ăn đặc thù là bánh canh giò heo và bánh tráng phơi sương cuốn rau với thịt luộc. Mà thật vậy, hai món ăn đặc thù nầy không những là niềm tự hào của người dân Trảng Bàng, mà chúng cũng góp phần không nhỏ cho ngân quỹ trong đời sống hằng ngày của cư dân tại đây.
Tỉnh Tây Ninh còn nổi tiếng với nghề chằm nón lá truyền thống đã có từ rất lâu đời. Tại những vùng An Phú và An Hòa trong huyện Trảng Bàng thì có các ‘Xóm Nón Lá’, và trong thị xã Tây Ninh có ‘Làng Nón Lá Ninh Sơn’, vân vân. Tại Tây Ninh không có lá buông và dây thao để làm nón là bài thơ như nón Huế, nhưng lại có rất nhiều lá ‘mật cật’ cũng tốt không kém lá buông. Dầu không đẹp như lá buông, nhưng lá ‘mật cật’ có đặc tính là khi gặp mưa lá vẫn thẳng chứ không bị dúm lại. Chính vì vậy mà nón lá ‘mật cật’ ở đây rất thông dụng cho những người lao động. Và mặc dầu người dân ở đây không thể làm giàu với nghề chằm nón lá, nhưng chính nghề nầy đã giúp ích không nhỏ cho cuộc sống của người dân Trảng Bàng từ bao đời nay. Bên cạnh những nghề thủ công truyền thống vừa kể, sau các mùa vụ người dân Tây Ninh còn làm nhiều ngành nghề khác như đan lát, mây, tre, nứa... cũng như ngành mộc chuyên đóng những loại tủ hàng, bàn, ghế, giường... để cung cấp cho địa phương cũng như các vùng lân cận. 

Về đặc sản, phải nói núi Bà Đen ở Tây Ninh là nơi có rất nhiều loại động vật quí hiếm, tuy nhiên, hai loại động vật chỉ sinh trưởng được ở vùng nầy là thằn lằn và ốc núi. Thường thì chỉ cần lên lưng chừng núi ở khoảng độ cao 100 mét là người ta có thể tìm thấy những con ốc núi, nhưng phải lên tới khoảng giữa triền núi người ta mới tìm được những con thằn lằn núi. Ngày trước thì người dân địa phương tự do lên núi để tìm bắt hai loại động vật nầy, nhưng bây giờ thì chánh phủ đã có lệnh cấm bắt vì chúng được xếp vào loại động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ốc núi thường ăn lá vông, lá nàng hai, lá mã tiền. Điểm đặc biệt là loại ốc núi nầy thường ăn nhiều để tích trữ đầy đủ chất dinh dưỡng vào cuối mùa mưa, để kịp đến mùa khô thì chúng rút sâu vào các hóc núi chứ không ra đi ăn bên ngoài. Theo các nhà chuyên môn về đông y, vì thực phẩm của ốc núi là những loại dược thảo tốt nên thịt ốc cũng cho chúng ta nhiều vị thuốc. Ngày nay, một số cư dân Tây Ninh cố gắng chăn nuôi tại nhà hai loại động vật nầy, nhưng kết quả không mấy khả quan. Bên cạnh đó, trên triền núi Bà Đen có rất nhiều mãng cầu (quả na) rất thơm và ngon. Người ta đã cố gắng đem những cây con về trồng tại vườn nhà và kết quả rất tốt. Hiện tại, mãng cầu núi Bà Đen chẳng những nổi tiếng tại Tây Ninh, Sài Gòn hay Nam Kỳ, mà nó còn được xuất khẩu sang các nước Âu Mỹ, và Trung quốc nữa. Nói đến Tây Ninh mà không nói đến muối ớt Tây Ninh quả là thiếu sót lớn, vì ngày nay loại muối ớt nầy chẳng những phổ biến ở Nam Kỳ mà hầu như nó cũng rất phổ biến với các cộng đồng người Việt ở hải ngoại nữa. Phổ biến nhất là hai loại muối ớt tôm và muối ớt chay. Để làm được muối ớt ngon, không phải chỉ pha muối với ớt và tôm là đủ, mà người ta phải lựa muối thật kỷ trước khi đem rang, và chỉ rang đến khi muối vừa độ chín chứ không bị biến thành bột, sau đó phải phơi sao cho đúng thời gian và đúng bao nhiêu nắng thì phải vô keo. Hiện nay tại tỉnh Tây Ninh đã có hàng trăm cơ sở sản xuất muối ớt, nhất là tại các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và Hòa Thành.

Giao Thông Thủy-Bộ Trong Tỉnh Tây Ninh:
 
 
Về đường bộ, nhờ thế đất cao ráo nên Tây Ninh có một hệ thống đường bộ phát triển ngay từ thời khai khẩn miền Nam của các chúa Nguyễn. Hiện nay, liên tỉnh lộ 22(26) đi ngang qua quốc lộ số 1 nối liền Tây Ninh-Sài Gòn dài 99 cây số. Liên tỉnh lộ này đi từ Sài Gòn lên Trảng Bàng, đến Gò Dầu, chia làm hai ngã, quốc lộ 22 A từ ngã ba Gò Dầu đi về hướng tây qua Bến cầu, đến biên giới Việt-Miên tại Mộc Bài(27); con đường này trở thành quốc lộ số 1 của Cao Miên, tiếp tục chạy lên Soài Riêng rồi sau đó qua phà Neak Luong để đi về Nam Vang. Trong khi quốc lộ 22B từ ngã ba Gò Dầu đi về phía Tây Bắc đến thị xã Tây Ninh, Tân Biên, và đến vùng biên giới Việt-Miên tại Xa Mát. Tại biên giới liên tỉnh lộ này cũng qua Soài Riêng rồi nối liền với quốc lộ 1 đi Nam Vang. Lộ 19 từ Trảng Bàng chạy vào ranh giới Gò Dầu Hạ tại cầu Cây Trường, đến ngã ba Bàu Đồn gặp lộ 26 chạy lên Truông Mít, Dương Minh Châu, và Dầu Tiếng. Sau năm 1975, chánh quyền mới xây dựng đường Xuyên Á(28), chạy đến cửa khẩu Mộc Bài, rồi qua đất Cao Miên. Tỉnh lộ nối liền Tây Ninh- Katum dài 36 cây số. Ngoài ra, Tây Ninh còn có tỉnh lộ 787, từ Trảng Bàng đi theo hướng đông bắc, sau khi qua khỏi Cầu Xe thì đổi hướng theo tây bắc, đến ấp 2 của Bến Củi sẽ gặp tỉnh lộ 790(29) đi Dầu Tiếng, rồi tiếp tục đi Thủ Dầu Một. Từ Trảng Bàng có tỉnh lộ 784 đi Tây Ninh (ngang qua Tòa Thánh Tây Ninh). Từ thị xã Tây Ninh có tỉnh lộ 785 đi Tân Châu, tỉnh lộ 788 đi Tua Hai đến tận biên giới Việt Miên, tỉnh lộ 781 đi Phước Tân, tỉnh lộ 786 đi Bến Cầu và biên giới Mộc Bài. Từ Tân Biên qua Tân Châu có tỉnh lộ 795, sau đó nhập vào tỉnh lộ 785 tại Tân Châu, đến Kà Tum lại có thêm tỉnh lộ 794, chạy theo hướng đông-nam đi Bố Túc, Suối Ngô, đến ấp 4 Tân Hòa, rồi chạy theo hướng tây-đông đi Bình Phước. Biên giới Tây Ninh là vùng đất mà 2 dân tộc Việt Miên hãy còn tranh chấp cho đến bây giờ. Trên quốc lộ 22B, giữa đường từ Tân Biên đi Xa Mát, khoảng Thiện Ngôn-Tân Thanh, có tỉnh lộ 783 chạy theo hướng tây-nam đi Lò Gò. Từ Lò Gò có tỉnh lộ 791, chạy dọc theo biên giới Việt-Miên đến tận vùng Tân Lập-Xa Mát. Từ Xa Mát có tỉnh lộ 792 chạy dọc theo biên giới hình chữ U ngược đi về vùng Tân Hà (huyện Tân Châu). Từ Lò Gò lại có tỉnh lộ 788, chạy theo hướng đông-nam, qua các xã Hòa Hiệp (Tân Biên), Phước Vinh, Hảo Đước, Thái Bình (huyện Châu Thành), gặp quốc lộ 22B tại Chòm Dừa. Từ thị xã Tây Ninh có tỉnh lộ 781 đi huyện Châu Thành, qua Bến Sỏi, đến tận biên giới Việt-Miên tại vùng Phước Tân. Tại Bến Sỏi có tỉnh lộ 786, chạy theo hướng đông-nam đi Long Giao và Bến Cầu, cắt quốc lộ 22A, rồi chạy theo hướng bắc-nam xuống Bình Hòa, Phước Đông, rồi cắt tỉnh lộ 822 bên Đức Huệ, thuộc tỉnh Long An.

Về giao thông đường thủy, nhờ hai con sông Sài Gòn và Vàm Cỏ cũng như rất nhiều rạch lớn trong tỉnh, nên sự lưu thông đường thủy trong địa phận cũng như từ Tây Ninh đến các tỉnh thành lân cận rất thuận tiện. Ngoài ra, từ năm 1958, nhờ công trình thủy lợi nên Tây Ninh còn có thêm những con kinh rất tiện cho việc dẫn thủy nhập điền và lưu thông như kinh số 1 dài 1,3 cây số; kinh số 2 dài 4,7 cây số; kinh số 3 dài 2,6 cây số; kinh số 4 dài 4,5 cây số; và kinh Séville. Hồ Dầu Tiếng của Tây Ninh ngoài việc cung cấp nước và thủy sản, còn là tuyến giao thông thủy quan trọng giữa các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, và Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương. Các nguồn nước chảy từ suối Nước Đục(30), và suối Krai(31), cả hai con suối nầy nhập vào sông Tha La, chảy theo hướng bắc-nam vào hồ Dầu Tiếng. Nguồn nước khác bắt đầu từ Suối Ngô chảy theo hướng bắc-nam đến Hang Đá rồi đổ vào hồ Dầu Tiếng. Một nguồn nước khác, đó là rạch Chàm (Tonlé Chàm), bắt nguồn từ biên giới Cao Miên, chảy dọc theo biên giới trong huyện Lộc Ninh, xuống An Lộc, rồi đổ vào hồ Dầu Tiếng. ngoài ra, còn rất nhiều sông rạch nhỏ khác cũng đổ vào hồ Dầu Tiếng từ phía Bình Long-Phước Long như sông Xa Cát và Suối Lấp, vân vân, và ngay cả sông Sài Gòn cũng bắt nguồn từ hồ Dầu Tiếng. Sông Vàm Cỏ Đông phát nguyên từ bên đất Cao Miên, khi vào Việt Nam nó chảy dọc theo biên giới huyện Tân Biên và Cao Miên khoảng 28 cây số, với các chi lưu như rạch Bến Đá được kết hợp bởi ba con rạch chảy từ đất Cao Miên, theo hướng bắc-nam qua Suối Cho, Suối Mây, gặp rạch Bến Đá tại Tân Biên, rồi đổ vào sông Vàm Cỏ Đông tại vùng Phước Lợi (huyện Châu Thành).

Mời Bạn Xem các phần 2 và 3 của Đất Phương Nam 1 ở cột bên phải.
 
***
 
 
 

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Mưa Chiều Miền Trung




Bài Xướng:
 

     Mưa Chiều Miền Trung
 
Tầm tã chiều nao cũng đổ mưa
Nước bao nhiêu trút vẫn không vừa
Mịt mù phố chợ đường im vắng
Lướt thướt hàng cây lá sũng thưa
Lầm lũi người qua, chân vội bước
Âm thầm kẻ đợi, mắt buồn đưa
Bầu trời xám đục màu sương khói
Như đã bao đời, tự thuở xưa... 

                               Phương Hà
***
Các Bài Họa:

        Mưa Chiều Nay

 

Chiều trời oi bức chợt sa mưa
Nắm cát đưa linh cũng mới vừa
Chái bếp tồi tàn cơm tẻ nhạt
Căn nhà xiêu vẹo khách lưa thưa
Rì rào giọt bắn cành khô rụng
Lặng lẽ nhang tàn khói nhẹ đưa
Thời tiết sang mùa mau biến đổi
Như đời bỗng chốc hóa người xưa! 

                          Cao Linh Tử
                             17/3/2019
***
       Đêm Mưa Ngoại Ô
 

Ngoại ô thức giấc giữa đêm mưa
Tí tách buồn tênh mãi chẳng vừa
Lá phất sau hè như nhún nhẩy
Giọt rơi đẩu chái tựa đong đưa
Ngọn đèn cạnh cửa nằm yên trước
Chiếc bóng bên đường đứng tự xưa
Rỉ rả tàn canh chưa ngủ được
Tiếng gà gọi sáng thoảng lưa thưa

                                   songquang
                                    3/16/2019
***
        Mưa Đổ Ngày Về
 

Vẫn bước nhưng trời lại đổ mưa
Hàng cây lẳng lặng chút cho vừa
Em về lối cũ hồn thương cảm
Nắng đỗ hiên buồn vệt trải thưa
Ảo não rèm buông bầy nhện quấn
Âu sầu cửa lọt gió ngàn đưa
Chìm trong sắc huyễn chiều se lạnh
Nỗi nhớ quay tròn kỷ niệm xưa 

                            Mai Thắng
                                190316
***
                Mưa!

Đã mấy ngày rồi liên tiếp mưa
Biển đâu để đủ chứa cho vừa ?
Lợn trôi đàng lợn băng bằng sạch
Cây đổ theo cây lổng chổng thưa
Kẻ khóc thôn này như đám táng
Người than xóm đó hệt đò đưa
Trông trời ngó đất mà ngao ngán,
Phục hoạt sao đây khung cảnh xưa? 

                               Thái Huy,
                               16/3/2019
***

        Xóm Nhỏ Chiều Mưa

Nhớ chiều tầm tả xóm nghèo mưa,
Mái lá tốc theo gió chẳng vừa.
Nước dột nhà trên tràn xuống dưới,
Cây rung cành lá rụng dần thưa.
Cầu dừa ngập úng thân trôi nổi,
Sông rạch nước tràn đò hết đưa.
Trơn trợt tối tăm đường xóm nhỏ...
Mưa buồn mưa gợi nhớ xa xưa !

                    Đỗ Chiêu Đức
        Mưa Mỹ 2019 nhớ mưa xưa
*** 

        Tiếng Mưa Đêm
 

Nhớ mãi quê nhà những tối mưa
Buồn lên cao ngất nói sao vừa.
Giọt rào trên mái nghe sầm sập
Gió rít bên hè vẳng nhẹ thưa.
Tre trúc cựa mình luôn cọt kẹt
Tàu dừa sũng nước mãi đong đưa.
Khàn khàn ếch nhái ao hồ ngập
Xao xuyến mơ về tiếng nhạc xưa!

                                Mailoc
                               3-17-19
         ( Nhớ về Cao Lãnh những đêm mưa)
***
          Mưa Ở Hội An

Đang nóng Hội An chợt đổ mưa
Không dù chạy vội núp nhanh vừa
Ngày còn đi bộ đường qua vắng
Chiều hết rong chơi phố lại thưa
Đất hẹp nhà buôn thân cận đón
Lầu cao quán xá kẻ xa đưa
Ban trưa nực nội chiều vân vũ
Lớp học thầy trò nhớ buổi xưa

                 Mai Xuân Thanh
                 Ngày 15/03/2019
***
     Ký Ức Chiều Mưa
 

Réo rắt qua lòng những giọt mưa
Nỗi buồn rưng rức nói sao vừa
Hắt hiu bóng phố làn mây tím
Trơn trượt con đường cánh lá thưa
Ánh mắt người trao tình nhớ gọi
Cung đàn ai thả tiếng sầu đưa
Bầu trời xám xịt ngùi xa cách
Ký ức u hoài thoảng dáng xưa

                         Trầm Vân
***
     Miền Trung Vọng Tiếng
 

Bóng người lầm lũi dưới màng mưa
Mong ấm dần lên tỏa sáng vừa
Góc phố đìu hiu đường vắng vẻ
Hàng cây trơ trụi lá lưa thưa
Chưa khô nước mắt đêm ly biệt
Vẫn nhớ nơi này buổi tiễn đưa
Mơ ánh trăng vàng khua sóng nước
Thèm nghe vọng tiếng những âm xưa

                                   Kim Phượng
***

          Lẽ Thường

Ầm ì sấm chớp đến trong mưa
Nước đổ liên tu thiệt chẳng vừa
Mòn mỏi chắn che phên vách mục

Chong chênh gắng gượng tấm rèm thưa
Cuộc đời khốn khổ luôn đeo đuổi

Cái kiếp cùng đinh cứ đẩy đưa
Thiên tai nhân họa đâu nguồn cội
Có lẽ luật đời tự thuở xưa.

Có lẽ luật đời tự thuở xưa
Cho nên cố tránh cũng bằng thừa
Làm sao đoán được bao giờ loạn

Để khéo lo toan tránh chạy bừa
Quyền lực con vua thay giữ lấy
Chổi rơm cháu sãi mãi truyền đưa
Có câu nào mãi giàu ba họ
Đất đổ trời nghiêng dạ mới vừa.


Đất đổ trời nghiêng dạ mới vừa.

Nhìn xem thế thái đổi thay chưa
Trắng đen rành rẽ dần khan hiếm

Đảo lộn thị phi vẫn cứ thừa
Bởi thế lòng người thêm ngán ngẫm

Khiến cho nhân nghĩa mãi đong đưa
Đường ngay nẻo chánh không hề tiệt

Góp sức chung tay cũng kịp vừa.
                                      Quên Đi

 ***

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

Từ Vùng Đất Romdum Ray Đến Tỉnh Tây Ninh : Địa Thế Vùng Đất Tây Ninh:


Địa Thế Vùng Đất Tây Ninh:

Về địa thế, đất đai vùng Tây Ninh khá cao, trung bình là 15 mét trên mặt nước biển. Tây Ninh là vùng đất với cả hai thềm phù sa cũ và mới. Bên dưới lớp phù sa mới của các sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và các nhánh sông nhỏ khác của miền Đông Nam Phần... là lớp phù sa cũ của sông Cửu Long trước khi nó đổi dòng về miền Tây, cách nay khoảng 10.000 năm. Vùng thềm nầy không giới hạn trong tỉnh Tây Ninh của Việt Nam, mà nó trải dài lên tỉnh Svey Riêng của Campuchia. Nói chung, ngoài một vài ngọn núi đơn lẻ, Tây Ninh nằm trong một vùng bình nguyên tương đối bằng phẳng, có bề mặt nghiêng về phía Nam do độ cao của thế đất giảm dần, từ 100 mét bên phía Campuchia, chỉ còn khoảng 15 mét ở vùng giáp với Bình Dương. Có lẽ vùng bằng phẳng nhất là vùng Tây Ninh, còn các vùng có độ cao nằm bên kia biên giới Cao Miên quanh vùng Bàu Có. Riêng vùng núi Bà Đen là điểm đặc sắc nhất trong vùng, vì nó là một khối đá hoa cương tương đối lớn nhất trong vùng, và cao đến 986 mét. Núi Bà Đen cũng còn được gọi là “Vân Sơn”, vì đỉnh núi lúc nào cũng được mây bao phủ. Và đây cũng là ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn. Các thung lũng quanh vùng chỉ là những thung lũng cạn, chỉ thấp hơn bề mặt bên trên chừng 10 mét. Những lớp đất sét mịn quanh vùng cho thấy dấu tích của những lòng sông cũ. Tuy nhiên, người ta chưa xác định được bề dày của lớp đất sét nầy. Riêng vùng Cà Tum, trên đường từ Tây Ninh đi biên giới, trên một phụ lưu của sông Rạch Sanh Đôi, thì lớp đất nầy chỉ dày khoảng từ 4 đến 5 mét mà thôi. Phía Bắc của thị xã Tây Ninh trở lên có nhiều rừng núi, nhưng phía Nam khá bằng phẳng, gần giống như vùng đồng bằng. Tây Ninh nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. Riêng sông Sài Gòn có hồ Dầu Tiếng, và công trình thủy lợi tại đây có thể cung cấp nước cho trên 17.000 mẫu tây ruộng đất. Thật ra, Tây Ninh là vùng tiếp giáp giữa dãy Trường Sơn và đồng bằng miền Nam. Hai tầng phù sa mới và cũ(1) rất thuận tiện cho việc trồng nhiều loại cây. Vùng đất đỏ thì thích hợp cho các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, mía, trà, vân vân; trong khi vùng đất xám lại thích hợp cho các loại cây ăn trái, hoa màu, và cây lúa. vân vân.
Không nói chi đến thời các chúa Nguyễn, hoặc dưới thời Pháp thuộc, mà mãi đến giữa thế kỷ thứ XX, phần lớn đất đai của tỉnh Tây Ninh vẫn còn chìm trong hoang vu, nhất là các vùng Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Gò Dầu Hạ và Trảng Bàng. Từ trên phi cơ nhìn xuống, hầu hết địa phận Tây Ninh là những khu rừng già mênh mông, xen kẽ những ‘trảng’ và ‘truông’, đầm lầy hoang vu với đầy dẫy thú dữ.
Theo những nghiên cứu khảo cổ học mới đây cho thấy trong suốt thời gian vùng đất nầy trực thuộc vương quốc Phù Nam, cũng ít thấy dấu vết của cư dân Phù Nam tại đây, mà chỉ có dấu vết của các bộ tộc bản địa lâu đời tại đây như Stiêng, Mạ, Chu Ru, Cơ Ho, vân vân. Đến khi người Khmer tiêu diệt vương quốc Phù Nam vào thế kỷ thứ VII, họ cũng làm ngơ trước sự hoang vu của cả vùng nầy trong suốt hơn 10 thế kỷ(2). Đến khi công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu cho xứ Chân Lạp vào năm 1620, từng đoàn người Việt Nam bắt đầu di cư đến đây khai hoang lập ấp. Sau đó, người Khmer, người Chăm, rồi người Minh Hương cũng kéo đến lập nghiệp. Người Việt đã sống cộng cư trong hòa bình với các dân tộc khác, tùy theo khả năng mà cùng nhau khai phá đất đai để sinh cơ lập nghiệp. Người Khmer thì phá rừng làm rẫy; người Việt và người Champa thì phá rừng để canh tác lúa nước; còn người Minh Hương thì buôn bán hàng tạp hóa và những nhu yếu phẩm cho dân cư trong vùng.

Lịch Sử Thành Lập Vùng Đất Tây Ninh:

Về phía Bắc của Nam Kỳ Lục Tỉnh là vùng mà bây giờ chúng ta gọi là tỉnh Tây Ninh, đã từng là một vùng rừng rậm hoang vu, trực thuộc vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7. Sau khi vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt, trên phương diện lịch sử, vùng đất nầy trực thuộc vương quốc Chân Lạp. Tuy nhiên, trên thực tế, vùng đất nầy bị bỏ hoang gần như vô chủ trong gần cả ngàn năm, từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVII, vì vương quốc Chân Lạp chưa từng đưa dân đến đây định cư, cũng chưa từng thành lập chánh quyền địa phương tại đây. Người Chân Lạp gọi vùng đất nầy là đất “Chuồng Voi”(3), có lẽ vì hồi đó khu nầy có rất nhiều voi từ Tây Nguyên xuống. Khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây, thì tại đây chỉ có lác đác một vài sóc hay phum của người Khmer. Tây Ninh cách Sài Gòn chừng 100 cây số, bắc giáp Kompong Cham (Cam Bốt), Nam giáp ba tỉnh Gia Định, Chợ Lớn và Tân An(4), đông giáp sông Sài Gòn (về sau này chính quyền VNCH cắt đất bờ tây sông Sài Gòn để thành lập 2 tỉnh Bình Dương và Bình Long), tây và tây bắc giáp 2 tỉnh Prey-Veng và Svay Riêng của Cam Bốt. Vì nằm giữa Sài Gòn và Nam Vang nên Tây Ninh là trục lộ quan trọng giữa hai nơi này. Từ Bình Long theo quốc lộ 13 đến Chơn Thành, rẽ phải theo lộ liên tỉnh 728 đi Tây Ninh, đến Hồ Dầu Tiếng, trước mặt là núi Bà Đen thật hùng vĩ soi bóng xuống mặt hồ. Trên đường từ Dầu Tiếng về Tây Ninh, là chợ Ngã Ba Bàu Năng, một ngôi chợ rộn rịp với những cây trái, khoai, củ, bí, cà và các loại rau quả trong vùng. Tại Tây Ninh có ngôi chợ Long Hoa là lớn nhất, nơi đây tất cả các bạn hàng từ các chợ quận lên bán những đặc sản địa phương và bổ hàng về bán lại. Tây Ninh có đường biên giới dài 240 cây số chung với Cao Miên. Tây Ninh cũng chính là nơi phát sinh ra đạo Cao Đài với số tín đồ hiện nay lên đến hơn hai triệu ở khắp miền Nam và miền Trung. Ngoài ra, Tây Ninh còn nổi tiếng với lễ hội Vía Bà trên núi Bà Đen. Từ trên núi Bà Đen nhìn xuống, Tây Ninh trông giống như một tấm thảm xanh bao la ngút ngàn. Vào thế kỷ thứ XVII, lưu dân Việt Nam từ các tỉnh miền Trung di cư vào Nam lập nghiệp và lập thành dinh Phiên Trấn (Gia Định), từ đó lưu dân tản lên các vùng mạn Bắc Phiên Trấn như Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, đến tận núi Bà Đen. Lúc đó họ chung đụng với người Miên. Khi Nguyễn Ánh bôn tẩu trốn quân Tây Sơn, có lần ông đã kéo đoàn tùy tùng vượt qua Trảng Bàng rồi lên đến Tây Ninh, nơi đây ông đã họp quần thần lại để mưu tính khôi phục Phiên Trấn nên dân địa phương gọi đó là “Sân Chầu,” địa danh mà người dân Tây Ninh vẫn còn nhắc đến. Thời Gia Long thì Tây Ninh là một phủ của Gia Định. Lúc bấy giờ tỉnh Gia Định rất rộng và bao gồm các tỉnh Tây Ninh, Gia Định, Tân An, Chợ Lớn, và Gò Công. Sau khi Pháp chiếm Nam kỳ họ thành lập tỉnh Tây Ninh để dễ bề kiểm soát với 2 thị trấn là Tây Ninh và Gò Dầu Hạ và 2 quận Thái Bình và Trảng Bàng. Dưới thời các chúa Nguyễn, Tây Ninh là một phủ của tỉnh Phiên An (Gia Định). Thời đó Phủ Tây Ninh có 2 huyện: Tân Ninh và Quang Hóa, do 2 viên tri huyện cai trị, một tại Tây Ninh và một tại Cẩm Giang.
Vào giữa thế kỷ thứ XVII, các tỉnh vùng Ngũ Quảng, Phú Yên, Bình Khương, và Bình Thuận, vân vân, của xứ Đàng Trong đang bị nạn thất mùa, nên dân chúng phải sơ tán đi tìm đất sống. Họ vào Nam bằng ghe bầu, đến cửa Cần Giờ, rồi đi lần lên vùng Prey Nokor, rồi từ đó họ đi lần lên Romdum Ray, khai khẩn các vùng Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, Núi Bà Đen. Đây là một trong những cuộc di dân lớn nhất của người Việt vào đất Thủy Chân Lạp. Ban đầu người Khmer và người Việt sống cộng cư, nhưng về sau nầy hễ người Việt đi đến đâu là người Khmer bỏ đi chỗ khác. Chính vì vậy mà chưa đầy một thế kỷ sau, tức là vào thế kỷ thứ XVIII, hầu như không còn người Khmer sống quanh vùng Prey Nokor nữa.
Từ năm 1776 đến năm 1779, nghĩa quân Tây Sơn chiếm thành Gia Định, nhưng đến năm 1780, sau khi đại quân Tây Sơn rút về Qui Nhơn, Nguyễn Ánh lại đem quân về chiếm lại Gia Định. Tây Sơn lại phải đem quân vào tái chiếm lại Gia Định, và cứ như thế, hai bên đánh nhau đến năm lần. Quân đội của Nguyễn Ánh và Tây Sơn tiếp tục đánh nhau trong thập niên 1770, nhiều lần Nguyễn Ánh và đám quần thần của ông đã phải chạy lên vùng Romdum Ray lẩn trốn sự truy đuổi của đại quân Tây Sơn. Khi Gia Định thất thủ, Nguyễn Ánh đã phải chạy trốn trên vùng Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ. Hiện tại ở Tây Ninh hãy còn một di tích lịch sử tên ‘Sân Chầu’, nơi Nguyễn Ánh và quần thần họp trong rừng để tìm cách đánh thành Gia Định. Năm 1789, trong khi Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ đang phải đối phó với giặc Thanh, thì Nguyễn Ánh nhờ viện trợ của Bá Đa Lộc và những người Pháp tình nguyện sang giúp đánh lấy thành Gia Định. Sau khi tái chiếm Gia Định, Nguyễn Ánh sắp đặt lại việc cai trị, củng cố Gia Định và các vùng phụ cận làm hậu cứ cho cuộc chiến tranh với Tây Sơn. Lúc nầy Tây Ninh là một phủ của trấn Phiên An, dưới quyền cai trị của một vị tri phủ. Tuy nói là một phủ, nhưng thời nầy Tây Ninh chỉ là những khu rừng trùng điệp, nhiều truông, nhiều trảng, dân cư rất thưa thớt, nên việc khai khẩn vùng đất mới nầy rất khó khăn. 
Sau năm 1802, khi Gia Long lên ngôi, nhà vua cho đổi phủ Gia Định ra làm trấn Gia Định. Đến năm 1808, nhà vua lại cho đổi trấn Gia Định ra làm Thành Gia Định. Lúc nầy Thành Gia Định cai quản tất cả các trấn Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Hồi nầy Cao Miên là phiên quốc của Việt Nam, nên các sứ thần đem phẩm vật từ Cao Miên qua triều cống cho Việt Nam đều qua ngã Tây Ninh bằng con đường cống sứ, về sau nầy con đường nầy được làm lại thành tỉnh lộ 13. Đến đời vua Minh Mạng, Tây Ninh vẫn là một phủ thuộc tỉnh Gia Định. Qua đời các vua Thiệu Trị và Tự Đức, nhiều lần quân Cao Miên đã xua quân tấn công vùng Tây Ninh tại vùng Trà Vông(5). Năm 1838, vua Minh Mạng đổi trấn Phiên An ra làm tỉnh Gia Định. Hồi nầy tỉnh Gia Định gồm 3 phủ, với 7 huyện: phủ Tân Bình có 3 huyện(6), phủ Tân An có 2 huyện(7), phủ Tây Ninh có 2 huyện(8). Năm 1846, quân Cao Miên tràn sang đánh chiếm phủ đường Tây Ninh, quan Tri phủ Huỳnh công Giản tuẫn tiết. Hiện còn ngôi đình thờ ngài tại Tây Ninh.

****

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Lo Chi


Lo nghĩ cái già bảy mươi
Tới lui lẩn quẩn thêm lười
Ở không sanh tật coi chừng đấy
Sức chẳng theo lòng há dể ngươi
Tháng lụn năm tàn nào vướng bận
Xướng đi họa đến đủ vui cười
Cổ hy sao bảo rằng hiu quạnh
Hãy điểm cho mình chút sắc tươi.
                                 Quên Đi
***

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

Thủ Đức Trước Năm 1975


Vùng đất Ngãi An chính là vùng Thủ Đức về sau nầy. Đây là một trong những vùng đất trù phú nhất của vùng đất Gia Định. Trước năm 1975, Thủ Đức có nhiều ruộng mía, và một số rất lớn mía làm đường được Thủ Đức cung cấp cho nhà máy đường Hiệp Hòa. Dưới thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An được chuyển sang cho tỉnh Gia Định. Trong suốt hai thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa (1954-1975), Thủ Đức vẫn tiếp tục là một quận của tỉnh Gia Định. Thủ Đức nằm về cực bắc của tỉnh Gia Định, là cửa ngõ đi vào Gia Định từ các tỉnh miền Trung và miền Đông Nam Phần như Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Phước Tuy, Vũng Tàu, Long Khánh, Bình Tuy, vân vân. Từ xưa đến nay, Thủ Đức vẫn luôn là một vùng dân cư đông đúc, chợ búa tấp nập, thương mãi phồn thịnh với nhiều khu công nghiệp và chế xuất vững chắc. Trước năm 1975, Thủ Đức là quận trù phú nhất của tỉnh Gia Định. Theo thống kê của bộ Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1970, quận Thủ Đức(9) có tổng diện tích khoảng 200 cây số vuông, với tổng dân số khoảng 184.989 người trong 15 xã. Thủ Đức nằm sát cạnh Sài Gòn, trước năm 1965, từ Sài Gòn lên Thủ Đức thường phải đi qua Cầu Bông tại Đa Kao, vào vùng Bà Chiểu, qua ngã tư Bình Hòa và ngã năm Bình Hòa, qua cầu Băng Ky, cầu Bình Lợi, cầu Gò Dưa, rối đến cầu Ngang trước khi vào chợ Thủ Đức. Theo con đường nầy thì từ Sài Gòn lên Thủ Đức khoảng 15 cây số, nơi đây có nhà ga xe lửa đi miền Trung. Sau năm 1965, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa xây dựng thêm xa lộ Biên Hòa, qua khỏi nhà máy xi măng Hà Tiên, đến khu làng Đại Học Thủ Đức, rồi rẽ trái tại ngã tư Xa Lộ để vào chợ Thủ Đức. Nếu quẹo phải là đi vào trường bộ binh Thủ Đức.
Về phương diện tôn giáo, ngay từ thời các chúa Nguyễn, vùng Gia Định, Sài Gòn và Thủ Đức đã từng là trung tâm tôn giáo cho toàn cõi Nam Kỳ. Ngay từ những thế kỷ XVII, XVIII và XIX, các nhà sư từ miền ngoài đã vào Nam xây dựng chùa chiềng. Hiện tại vùng Thủ Đức có rất nhiều chùa, như chùa Huê Nghiêm, chùa Huỳnh Võ, chùa Long Nhiễu, chùa Vạn Quang, chùa Pháp Trí, chùa Vô Ưu, chùa Thiên Phước, chùa Nhất Trụ, chùa Bửu Long, chùa Thanh Sơn, chùa Xá Lợi, chùa Kiều Đàm, chùa Pháp Bảo, và chùa Thiên Minh. Bên cạnh đó, Thủ Đức còn có một số nhà thờ Thiên chúa như nhà thờ Francisco, nhà thờ dòng Đa Minh, nhà thờ Tu Viện Khiết Tâm, nhà thờ họ đạo Thủ Đức, và Hội Thánh Tin Lành Hiệp Phú. Về phía Cao Đài Tam Kỳ Phổ Độ thì có Thánh Thất Liên Hoa Cửu Cung tại xã Linh Xuân. Về đình miễu, Thủ Đức còn có rất nhiều ngôi đình cổ như đình Phong Phú trong xã Tăng Nhơn Phú. Ngoài ra, Thủ Đức còn có nhiều kiến trúc đáng kể như Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Đức, trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, một trong những trường quân sự nổi tiếng nhất tại Đông Nam Á. Kế bên trường Bộ Binh Thủ Đức là trường Sĩ Quan Thiết Giáp. Bên cạnh đó còn có nhiều kiến trúc đáng kể khác như trường Đại Học Thủ Đức, làng Đại Học Thủ Đức, trường Dòng Lasan Thủ Đức, trường Quân Nhạc Việt Nam Cộng Hòa, và nhà thờ Cổ Vinh, vân vân.
Bên cạnh những kiến trúc tôn giáo vừa kể, hiện tại trong phạm vi quận Thủ Đức còn có khu lăng mộ của Phúc Quốc Công Hồ Văn Bôi, ngoại tổ của vua Thiệu Trị. Cụ Hồ Văn Bôi là cha của bà Hồ thị Hoa, phối thất của vua Minh Mạng, người đã sanh ra hoàng từ Nguyễn Phúc Miên Tông, tức vua Thiệu Trị sau nầy. Tại làng Phong Phú, thuộc tổng An Thủy, có ngôi đình cổ Phong Phú. Sau năm 1940, làng Phong Phú được đổi tên thành Tăng Nhơn Phú, nhưng ngôi đình vẫn giữ tên Phong Phú. Từ Sài Gòn theo xa lộ Biên Hòa, qua khỏi làng Đại Học Thủ Đức, rẻ phải tại ngả tư xa lộ, đi về hướng trường Bộ Binh Thủ Đức, khoảng hơn một cây số, chúng ta sẽ thấy bên tay phải là ngôi đình Phong Phú. Từ ngoài cổng đình đi vào bằng một con đường đá ong quanh co, hai bên là những khu vườn cây ăn trái, bên trái là chùa Linh Phong, xa hơn chút nữa là đình Phong Phú. Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất ở miền Nam. Theo các bậc kỳ lão địa phương thì ngôi đình nầy đã được xây dựng trên hai thế kỷ nay. Theo họ, sở dĩ đình không có tên của vị thành hoàng bổn cảnh cũng như không có sắc phong vì sau khi Nguyễn Ánh tái chiếm thành Gia Định, dân trong vùng xây dựng ngôi đình để thờ một vị tướng của Tây Sơn tên là Nguyên Hóa nên họ không dám nói tên và cũng chính vì vậy mà đình cũng không có sắc phong của các vua nhà Nguyễn. Năm 1948, trong thời chiến tranh Việt-Pháp, đình bị thiêu hủy hoàn toàn. Sau năm 1954, cư dân trong vùng xây dựng lại ngôi đình trên nền cũ, nhưng đến năm 1968, trong trận Tết Mậu Thân, đình lại bị thiêu rụi lần nữa. Năm 1969, cư dân trong vùng lại tái xây dựng theo như mô hình hiện nay.

Trước Năm 1975, Thủ Đức Đã Từng Là Mảnh Sân Sau Của Thành Phố Sài Gòn:

Sau năm 1955, mặc dầu Thủ Đức đã được phát triển rất mạnh về mọi phương diện, từ xây cất đến công thương nghiệp và kỹ nghệ thuộc loại lớn nhất thời VNCH, như nhà máy dệt Vimytex, nhà máy sửa hộp Foremost, nhà máy xi măng Hà Tiên, nhà máy nước Đồng Nai, nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, nhà máy kim khí Vikimco, nhà máy làm tôle Vinaton, vv..., và bên cạnh những khu rừng cao su, Thủ Đức vẫn còn có những ruộng lúa, những khu vườn cây ăn trái xanh mát ở nhiều nơi. Chính vì vậy mà cư dân thành phố Sài Gòn trước năm 1975 thường gọi Thủ Đức là mảnh sân sau của Sài Gòn, vì sau những ngày làm việc mệt nhọc họ có thể đi Thủ Đức nghỉ xả hơi. Có nhiều lý do khiến cư dân Sài Gòn trước năm 1975 chọn Thủ Đức làm nơi nghỉ xả hơi cuối tuần, vì thứ nhất Thủ Đức không xa Sài Gòn, thứ nhì trong thời chiến tranh Quốc Cộng, Thủ Đức là vùng tương đối có an ninh hơn các vùng phụ cận khác, thứ ba như trên đã nói Thủ Đức hãy còn những ruộng lúa và những khu vườn cây ăn trái xanh mát ở nhiều nơi, và thứ tư là vùng Thủ Đức có nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng như món nem nướng Thủ Đức đã nổi tiếng từ thời còn Pháp thuộc. Phải nói vào khoảng những thập niên 1920 đến 1950, nem Thủ Đức nổi tiếng vào bậc nhất của đất Nam Kỳ, nhưng sau năm 1955, nhiều nơi ở Lái Thiêu và Sài Gòn cũng mở nhà hàng chuyên bán nem nướng cũng rất ngon, không kém gì nem Thủ Đức, nên số lượng người đi Thủ Đức ăn nem cuối tuần đã giảm đi rất nhiều. Nói tóm lại, dưới thời VNCH (1955-1975) khi mà Thủ Đức chưa bị hoàn toàn đô thị hóa, mỗi cuối tuần đều có hàng ngàn thị dân nghèo và trung lưu của vùng Sài Gòn lên đây nghỉ xả hơi, và họ có nhiều nơi để lựa chọn, một là họ có thể lên Thủ Đức nghỉ xả hơi và thưởng thức món nem nướng “số dách” tại đây, hai là họ có thể lên Lái Thiêu hoặc Bình Dương ăn trái cây. Trong khi đó những người khá giả hơn có thể đi Long Hải hay Vũng Tàu tắm biển.

Thủ Đức Sau Năm 1975:
Đến Sau năm 1975, chánh quyền mới bãi bỏ và sáp nhập toàn thể lãnh thổ tỉnh Gia Định vào thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn), quận Thủ Đức đổi thành huyện Thủ Đức. Chánh quyền mới xây thêm một con lộ mới từ Sài Gòn đi Thủ Đức, từ đường Hồng Thập Tự(10), qua ngã tư Hàng Xanh, theo quốc lộ 13, qua cầu Bình Triệu, qua ngã tư Bình Triệu rẽ phải để đi về hướng Cầu Gò Dưa. Xe đò đi từ Thủ Đức xuống Gia Định thường qua hai ngã cầu Bình Lợi và ngã tư Hàng Xanh. Trước năm 1975, giữa Cầu Gò Dưa và chợ Thủ Đức hãy còn rất nhiều cánh đồng lúa, xen kẽ những khu vườn cây ăn trái, nhưng sau năm 1975 người ta cất nhà dầy đặc dọc theo con đường nầy, biến Thủ Đức hoàn toàn thành một quận nội thành(11), chứ không còn cảnh quang nửa quê nửa chợ như trước đây nữa. Đến năm 1997, chánh quyền mới lại chia huyện Thủ Đức ra làm 3 quận: quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Quận Thủ Đức mới(12) có diện tích khoảng 4.726 mẫu tây, với tổng dân số khoảng 151.818 dân, gồm 12 phường. Trong khi quận 2 có 6 xã(13). Quận 9 cũng có 6 xã(14).
Trước năm 1975, cảnh quang Thủ Đức hãy còn nửa quê nửa chợ, nhưng kể từ năm 1975 trở về sau nầy, Thủ Đức đã hoàn toàn bị đô thị hóa. Một trong những lý do chính khiến Thủ Đức không còn nửa tỉnh nửa quê do bởi hiện tại phạm vi của quận Thủ Đức thời trước đã trở thành những quận nôi thành: quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Riêng quận Thủ Đức mới về bắc giáp tỉnh Bình Dương, phía nam giáp sông Sài Gòn, phía đông giáp quận 2, và phía tây giáp quận 12, bao gồm các phường Linh Đông, Linh Trung, Tam Bình, Tam Phú, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh và thị trấn Thủ Đức, với diện tích khoảng 48 cây số vuông và dân số 175.165 người, theo thống kê năm 1997. Chính vì thế mà nhiều công trình hạ tầng cơ sở đã được xây dựng, đặc biệt là hệ thống giao thông và điện nước. Về diện tích canh tác, toàn quận Thủ Đức ngày nay chỉ còn khoảng 2.000 mẫu đất trồng trọt, nhưng trong một tương lai rất gần sắp tới, 2.000 mẫu đất ruộng vườn còn lại nầy cũng sẽ chịu chung số phận đô thị hóa. Tuy nhiên, về mặt công nghiệp, ngày nay Thủ Đức có rất nhiều nhà máy cũng như xí nghiệp của cả trong nước lẫn nước ngoài, như các công ty sơn ICI, công ty thuốc thú y BIOS Pharmachemie của Bayer, công ty Panasonic, công ty nước ngọt Cocacola, công ty nhớt Castrol, vân vân. Riêng tại phường Linh Trung có khu chế xuất Linh Trung với diện tích trên 150 mẫu đất, được xây dựng từ năm 1993. Khu chế xuất nầy quy tụ khoảng 32 công ty ngoại quốc với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 170 triệu Mỹ kim. Đến năm 1996, Thủ Đức có thêm khu công nghiệp Linh Trung-Linh Xuân, rộng trên 450 mẫu, và khu công nghiệp Bình Chiểu, rộng khoảng 200 mẫu. Về thương mãi, ngoài những ngôi chợ đã có từ trước như Bình Triệu, Linh Xuân, Phước Long, Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú, Tân Phú, vân vân, quận Thủ Đức còn có rất nhiều khu thương mại lớn tại các phường Hiệp Bình Chánh, Tam Bình, Bình Chiểu, và Linh Xuân. Về mặt du lịch, hiện tại quận 9(15) có khu du lịch Suối Mơ trong phường Long Bình, khu du lịch Suối Tiên trong phường Tân Phú, Sân Chim trong phường Long Thạnh Mỹ, đây là một cù lao của sông Đồng Nai. Công viên Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc có diện tích trên 400 mẫu đất, hiện đang được xây dựng trong phường Long Bình, thuộc quận 9. Công Viên Nước Sài Gòn, tọa lạc trong phường Linh Đông, và Thế Giới Nước tọa lạc trong phường Long Thạnh Mỹ, thuộc quận 9. Ngay từ trước năm 1975, Thủ Đức đã rất nổi tiếng là xứ nem, với đủ các loại nem từ nem chua đến nem nướng. Ngoài ra, Thủ Đức còn là quê hương của những loại hoa kiểng cung cấp cho các vùng Sài Gòn-Gia Định.
Không riêng gì các vùng Sài Gòn, Gia Định hay Thủ Đức, mà hình như bất cứ nơi nào của vùng một thời mang tên Nam Kỳ Lục Tỉnh đều bàng bạc những kỷ niệm về một thời mang gươm đi mở cõi của tiền nhân. Riêng về vùng đất “Sài Gòn, Gia Định và Thủ Đức” ngày trước là cái nôi phát triển văn hóa, chính trị và kinh tế chính yếu của dân tộc Việt Nam trên bước đường Nam Tiến. Ngày nay, khu nầy cũng chính là nơi có tiềm năng kinh tế rất lớn, nhờ có những ưu điểm thuận lợi về giao thông thủy bộ và đường sắt. Nói tóm lại, lúc nào vùng đất “Sài Gòn, Gia Định và Thủ Đức” cũng đi đầu trong công cuộc phát triển kinh tế, không riêng của miền Nam, mà còn cho cả nước nữa.

Chú Thích:


(1) Theo các di chỉ khảo cổ từ thời Pháp thuộc đã cho thấy trên các vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Phước Long, Bình Long, Tây Ninh, Biên Hòa, Thủ Đức, Gia Định, Sài Gòn, vân vân, đã có cư dân cư trú từ thời tiền sử. Văn hóa của những cư dân cổ nầy có liên hệ tới văn hóa đá cũ tại các vùng Xuân Lộc, Lộc Ninh và Định Quán, liên hệ tới văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn tại vùng Suối Chồn, liên hệ tới văn hóa đá mới tại vùng Cầu Sắt, liên hệ tới văn hóa đá mới và đồng tại các vùng Núi Gốm, Bến Đò, An Sơn, liên hệ tới văn hóa đồng-sắt tại các vùng Dốc Chùa, Suối Chồn và Rạch Núi, liên hệ tới văn hóa Sa Huỳnh tại các vùng Hàng Gòn, Thủ Đức, Phú Hòa, Giồng Phệt, và Giồng Cá Vồ, liên hệ tới văn hóa Đông Sơn tại các vùng Bình Phú, Vũng Tàu, Lộc Ninh, Lộc Khánh và Phú Chánh. Ngoài ra, toàn vùng, trong đó có Thủ Đức đều có những di chỉ liên hệ tới văn hóa Óc Eo và Hậu Óc Eo. Điều nầy cho chúng ta thấy trước khi vương quốc Phù Nam được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau tây lịch thì đa phần các bộ tộc cổ đã cùng nhau sống cộng cư chứ chưa có sự phân định cương vực và lãnh thổ một cách rõ ràng.
(2) Các cư dân cổ trong vùng nầy bao gồm người Mạ, Stiêng, Mnông, Cơho, Churu, vân vân, mà người Việt gọi họ là “Man” hay “Mọi”. Đặc biệt là người Mạ với địa bàn cư trú trải rộng từ Đồng Nai xuống tận đến Mỹ Tho. Theo B. Bourotte trong Essai d’histoire des populations montagnardes du Sud – Indochinois jusqu’à 1945, Saigon 1955, tr. 31, tuy phải triều cống Cao Miên, Mạ vẫn là một tiểu quốc tự do. Tiểu vương Chê Mạ cai trị khắp vùng Tây Nam trên lưu vực sông La Ngà và về phía Bắc trên cao nguyên Di Linh và Lâm Đồng ngày nay.
(3) Tệ nạn buôn bán nô lệ người Mạ của người Khmer chỉ chấm dứt khi người Việt đến đây thiết lập bộ máy hành chánh để trên vùng đất nầy. Tuy nhiên, lúc đầu những lưu dân Việt Nam cũng cần một số đông tôi tớ để phụ giúp trong chuyện khai hoang nên nạn mãi nô vẫn tiếp diễn. Theo Phủ Biên Tạp Lục: “Từ các cửa biển như Cần Giờ, Soài Rạp... đi vào toàn là những đám rừng hoang vu đầy cỏ rậm, mỗi đám rừng có thể rộng hơn ngàn dặm... Nhà Nguyễn cho dân được tự nhiên chiếm đất... Lại cho họ thâu nhận người Mọi từ trên đầu nguồn xuống để mua làm đầy tớ, đứa ở, sai khiến, hầu hạ...”
(4) Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, từ đời các tiên hoàng, tức thời các chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên, vùng Mô Xoài là nơi mà người Việt đã đến khai phá và định cư sớm nhất. Cũng theo Trịnh Hoài Đức, vùng Mô Xoài, tức Bà Rịa ngày nay là vùng địa đầu của Trấn Biên, tức là vùng mà những lưu dân người Việt đặt chân vào để khai phá mở mang vùng Nam Kỳ ngày nay.
(5) Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, trước khi người Việt đến khai khẩn vùng Đồng Nai thì nơi đây hãy còn là một vùng rừng rậm cả mấy ngàn dặm, nơi chỉ có một vài cộng đồng cư dân của các bộ tộc cổ cư trú mà thôi.
(6) Theo hồi ký của Christoforo Borri, một giáo sĩ người Ý, đã từng sống tại xứ Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1622: “Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị vũ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh Oudong thì dân chúng Khmer, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Hoa đã tụ hội đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh.”
(7) Theo số liệu của Bộ Thông Tin Văn Hóa VNCH năm 1970.
(8) Vì theo nghị định số 3 CP do Thủ Tướng CSVN Võ văn Kiệt ký ngày 6 tháng 3 năm 1997, quận Thủ Đức ngày trước được tách ra làm 3 quận: Thủ Đức, quận 2 và quận 9.
(9) Quận Thủ Đức gồm 15 xã: Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Phú Hữu, Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trưng, Linh Xuân, An Phú, Phước Long, Tam Bình, Linh Đông, Hiệp Bình, Long Trường, Long Phước, Tăng Nhơn Phú, và Phước Bình.
(10) Bây giờ là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
(11) Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam và Danh Mục Các Đơn Vị Hành Chánh Việt Nam của Tổng Cục Thống Kê, xuất bản vào năm 1993, huyện Thủ Đức trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh, gồm thị trấn Thủ Đức và 20 xã: Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Linh Xuân, Hiệp Bình Phước, Linh Xuân, Linh Trung, Tam Phú, Tam Bình, Phước Long, Phước Bình, Tân Phú, Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú, Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Long Phước, An Phú, Bình Trưng, Phú Hữu, Long Trường, và Thạnh Mỹ Lợi.
(12) Quận Thủ Đức mới có 12 phường: Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Linh Xuân, Linh Chiểu, Trường Thọ, Bình Chiểu, Linh Tây, Bình Thọ, Tam Bình, và Linh Trung.
(13) Quận 2 bao gồm các xã An Phú, Bình trưng, An Khánh, Thủ Thiêm, và Thạnh Mỹ Lợi.
(14) Quận 9 bao gồm các xã Phước Bình, Tăng Nhơn Phú, Long Trường, Phước Long, Tân Phú, và Hiệp Phú. 
(15) Thuộc phạm vi huyện Thủ Đức ngày trước.


***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:

***


Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

Thì Ra Thế



Tự nhiên thư đến quá lèo tèo
Cả tháng qua rồi vẫn vắng teo
Kiên nhẫn chờ tin nhưng cứ biệt
Phải chăng bị "Hắt" mới đi vèo
Nghĩ đi nghĩ lại không ra lẽ
Rà tới rà lui chắc máy bèo
Biểu cháu coi dùm thì chẳng phải
Hộp "Pam" chính nó nhốc "i meo"
                               Quên Đi



Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

Thủ Đức: Mảnh Sân Sau Của Thành Phố Sài Gòn P 1


Tổng Quan Về Vùng Thủ Đức:

Nói tới Sài Gòn mà không nói tới Thủ Đức quả là một thiếu sót lớn, vì Thủ Đức không đơn thuần chỉ là một vùng phụ cận của Sài Gòn, mà nó còn là lá phổi, là một mảnh sân sau của thành phố Sài Gòn. Thủ Đức chính là nơi mà người Sài Gòn thường lui tới vui chơi giải trí và nghỉ ngơi trong những ngày cuối tuần, những mong rũ bỏ những áp lực nặng nề trong công việc làm hằng ngày. Ngược dòng lịch sử, năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Lễ Thành Hầu Nguyễn hữu Cảnh làm Kinh Lược vùng đất Thủy Chân Lạp và chia đất Đông Phố ra làm dinh huyện để tiện việc cai trị. Ông lấy đất Đông Phú để lập ra huyện Phước Long, Biên Hòa lập ra dinh Trấn Biên, và đặt Sài Gòn là huyện Tân Bình. Sau đó đặt ra 2 dinh là Trấn Biên (Biên Hòa) và Trấn Phiên (Gia Định). Năm 1808, vua Gia Long đổi dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long được nâng lên thành phủ Phước Long, gồm 4 huyện là Bình An, Phước Chánh, Long Thành và Phước An. Đến năm 1832, sau khi Lê văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng bãi bỏ thành Gia Định và cho đổi sáu trấn ra làm 6 tỉnh. Từ đó Nam Kỳ có tên là Nam Kỳ Lục Tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Năm 1837, vua Minh Mạng lại cho lập thêm phủ Phước Tuy cùng 2 huyện Ngãi An và Long Khánh. Huyện Ngãi An gồm 4 tổng: An Thổ, An Thủy, An Di và An Bình. Đa phần lãnh thổ của vùng Thủ Đức ngày nay nằm trong địa phận bốn tổng của huyện Ngãi An thời Minh Mạng. Dưới các thời vua Thiệu Trị và Tự Đức, huyện Ngãi An vẫn trực thuộc tỉnh Biên Hòa. Đến thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An trực thuộc tỉnh Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, từ năm 1955 đến năm 1975, huyện Ngãi An được đổi thành quận Thủ Đức và vẫn thuộc tỉnh Gia Định. Sau năm 1975, quận Thủ Đức được đổi thành huyện Thủ Đức, trực thuộc thành phố HCM. Tuy nhiên, đến năm 1997, chánh quyền mới lại chia huyện Thủ Đức ra làm 3 quận: quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9, trực thuộc TPHCM.

Địa Danh Thủ Đức Do Đâu Mà Có?

Theo lịch sử thì tại đây có một đồn thu thuế, được các chúa Nguyễn xây dựng cách nay trên 300 năm. Năm 1995, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật được tại xã Linh Trung, thuộc quận Thủ Đức, một ngôi mộ cổ. Ngôi mộ nầy có 2 vòng tường bao bọc, bên trong có một tấm bia đá hoa cương, cao 42 phân, rộng 32 phân và dày khoảng 4 phân. Trên tấm bia có khắc 37 chữ Hán, có một hàng ngang và 3 hàng dọc. Nội dung của tấm bia với nguyên văn như sau: “Mộ ông Tạ Huy, hiệu Thủ Đức, tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông, nước Đại Nam. Ông chết ngày 16 tháng 6. Hương chức trong thôn lập mộ bia vào ngày lành tháng 2 năm 1890.” Hiện tại, tại thị trấn Thủ Đức vẫn còn nhà từ đường Tạ Dương Minh, theo các bô lão trong vùng thì ngôi nhà từ đường nầy đã được di dời tới đây từ 20 năm trước từ khu chợ Thủ Đức. Trong nhà từ đường có biển ghi khắc “Từ Đường Tạ Dương Minh, tiền hiền họ Tạ, hiệu Thủ Đức, chánh đản ngày 19 tháng 6.” Ông Tạ Dương Minh là bang trưởng của người Hoa trong Hội “Bài Thanh Phục Minh” bị nhà Thanh truy đuổi, nên chạy qua Việt Nam trong thời các chúa Nguyễn đang cho phép mộ dân lập ấp. Ông Tạ Dương Minh đã chiêu mộ rất nhiều người Hoa đến vùng Thủ Đức ngày nay để khai khẩn đất hoang lập nghiệp. Theo chân người Hoa đến Thủ Đức, còn có một số người Việt, người Khmer và người Chăm khác, họ cùng hòa nhập với nhau để khai khẩn đất hoang, mở rộng đất canh tác, xây dựng phố xá, nhà cửa... Chính nhờ công lao tạo dựng những khu phố chợ tại vùng Thủ Đức mà ông Tạ Dương Minh đã được cư dân trong vùng tôn xưng là tiền hiền khai khẩn. Và có lẽ cũng chính vì vậy mà người ta lấy hiệu “Thủ Đức” của ông để gọi chung cho cả vùng đất nầy.

Cư Dân Vùng Thủ Đức:

Ngay từ trước khi vương quốc Phù Nam thành hình, vùng đất Nông Nại nói chung và vùng Thủ Đức nói riêng, đã có nhiều cư dân cổ cư ngụ. Đó là những cư dân thuộc các bộ tộc Stiêng, Mạ, Chu Ru Cơ Ho, vân vân(1). Tuy họ chỉ sống cách vùng Sài Gòn khoảng trên dưới 100 cây số, nhưng hình như cho mãi đến ngày nay họ vẫn chưa thể hòa nhập với cộng đồng người Kinh. Rất nhiều người Việt Nam lầm tưởng những bộ tộc nầy là người Campuchia. Trên thực tế, tuy các chủng tộc Stiêng, Mạ, Chu Ru và Cơ Ho cũng có ngôn ngữ Môn-Khmer, nhưng họ hoàn toàn khác với người Khmer. Họ có tục cà răng căng tai, nên một số người Kinh còn gọi họ là “mọi cà răng căng tai”. Đặc biệt là người Mạ với địa bàn cư trú trải rộng từ Đồng Nai xuống tận đến Mỹ Tho(2). Mãi đến ngày nay người Mạ vẫn còn tập tục “cà răng căng tai”, họ rất giỏi nghề dệt vải với những hoa văn rất đặc sắc. Trước khi những lưu dân Việt Nam tới vùng đất nầy thì người Khmer thường đến đây bắt người Mạ đem đi các nơi khác buôn bán như những nô lệ thời trung cổ(3). Cũng như tại các vùng Tây Ninh, Bình Dương và Biên Hòa, người Stiêng tại vùng Thủ Đức để tóc dài có búi đằng sau, đeo bông tai băng cây hay ngà voi, xăm mặt và mình mẩy. Đàn bà Stiêng mặc váy trong khi đàn ông thì đóng khố. Tiếng nói của họ gần gũi với tiếng Mnông, Cơho và Mạ, thuộc nhóm Môn-Khmer. Hiện tại người Stiêng trong vùng còn khoảng 40 ngàn người, nhưng tại Thủ Đức thì còn rất ít người Stiêng, đa số họ đã tự đồng hóa với người Việt trong cuộc sống hôm nay. Riêng đới với người Khmer, tại các vùng Tây Ninh, Bình Dương, Thủ Đức và Biên Hòa, hầu như người Khmer rất ít nếu không muốn nói là không có. Ngày nay, khai các vùng Sài Gòn-Gia Định-Thủ Đức ngày càng đô thị hóa, thì các chủng tộc Stiêng, Mạ, Chu Ru và Cơ Ho ngày càng rút sâu vào vùng rừng núi tiếp giáp với Campuchia. Nếu họ quyết định ở lại đô thị thì nếp sống của họ cũng phải thay đổi cho phù hợp với cuộc sống tại đây. Một số lớn người Stiêng, Mạ, Chu Ru và Cơ Ho đã rút về hướng Bình Phước. Hiện tại, họ chiếm khoảng 17,9 phần trăm dân số trong tỉnh Bình Phước. 
 Riêng cư dân Việt Nam đã đến cư ngụ trong vùng Thủ Đức từ trước khi quan Lễ Thành Hầu Nguyễn hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử vào Nam làm Kinh Lược vùng đất Thủy Chân Lạp. Tuy nhiên, không có tài liệu đích xác nào ghi lại những tiến trình định cư của cư dân Việt Nam tại đây. Chỉ biết có một số ít người Việt đã đến đây khai phá ngay từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng vừa vào trấn thủ miền Thuận Hóa(4). Khi họ đến đây thì vùng Thủ Đức nói riêng và toàn vùng Đồng Nai nói chung hãy còn chìm ngập trong hoang vu(5). Những cư dân người Việt đầu tiên đến đây đa số là những lưu dân cùng khổ của các vùng Thuận Quảng, không sống nổi dưới chế độ phong kiến bất công nên bỏ xứ ra đi tìm đất sống. Sau khi quan Lễ Thành Hầu Nguyễn hữu Cảnh đã phân chia các vùng Phước Long và Tân Bình thành những phủ huyện với đầy đủ cơ quan hành chánh thì cũng có một số không nhỏ những lính tiền đồn nhà Nguyễn sau khi giải ngủ đã quyết định cùng gia quyến ở lại vùng đất nầy lập nghiệp. Đến khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái của mình là công nữ Ngọc Vạn cho vua Miên là Chey Chetta II vào năm 1620 thì lưu dân người Việt mới đổ xô theo chân công nữ vào đây lập nghiệp. Ngay chính phái đoàn đưa dâu công nữ Ngọc Vạn cũng đem hết gia quyến của mình vào sinh sống trong vùng đất nầy(6). Đến năm 1623, phải nói là lưu dân người Việt ở vùng Đồng Nai đã đông lắm rồi nên chúa Nguyễn mới cho sứ thần sang Cao Miên để xin mở hai đồn thâu thuế tại đây, và dĩ nhiên chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhận được ngay sự ưng thuận của người con rể Chey Chetta II. Và cũng kể từ đó cho đến năm 1757, người Việt liên tục đi vào khai phá những hoang địa vùng Nam Kỳ với những luật lệ thật dễ dãi của các chúa Nguyễn. Đến trước năm 1975, thì quận Thủ Đức đã có khoảng 184.989 người(7), nhưng đến sau năm 1975, do sự sắp xếp lại địa giới hành chánh nên vào năm 1997, quận Thủ Đức chỉ còn lại có 163.294 người(8).

****


Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
Đất Phương Nam Quyển 1

***





Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Vọng Giang Nam - Siêu Nhiên Đài Tác - Tô Thức


望江南-超然臺作    Vọng Giang Nam - Siêu Nhiên Đài Tác

春未老,                   Xuân vị lão
風細柳斜斜               Phong tế liễu tà tà
試上超然臺上看       Thí thượng Siêu Nhiên Đài thượng khán
半壕春水一城花       Bán hào xuân thuỷ nhất thành hoa,
煙雨暗千家               Yên vũ ám thiên gia 
寒食後                       Hàn thực hậu
酒醒卻咨嗟               Tửu tỉnh khước tư ta  
休對故人思故國       Hưu đối cố nhân tư cố quốc  
且將新火試新茶       Thả tương tân hoả thí tân trà 
詩酒趁年華。           Thi tửu sấn niên hoa.
                  蘇軾                                    Tô Thức

Dịch Nghĩa:

Trông Về Giang Nam - Viết Nơi Đài Siêu Nhiên

Mùa xuân đâu đãqua
Gió nhẹ thổi cành liễu phất phơ
Bước lên đài Siêu Nhiên đứng trên cao nhìn
Xuân còn đọng lại trong nửa hào nước mà thành vẫn đầy hoa
Khói mưa làm mờ hàng ngàn ngôi nhà
Sau ngày lễ dùng thức ăn nguội
Vừa tỉnh rượu lại thở dài
Gặp lại người cũ mà chi càng thêm nhớ nước xưa
Thôi thì nhúm lửa mới để nấu nước pha bình trà mới
Thời tươi trẻ đã theo vào thơ rượu.

Dịch Thơ

Xuân vẫn chưa qua
Gió nhẹ liễu la đà
Đài Siêu Nhiên từ cao nhìn xuống
Nửa hào xuân nước một thành hoa
Ngàn nhà mờ giữa khói mưa
Lễ Hàn Thực cũng mới vừa
Tỉnh rượu nghe buồn man mác
Gặp chi người cũ nhớ nước xưa
Thôi thì lửa mới pha trà mới
Tiếc chi thơ rượu cuốn thời trẻ trung
                                       Quên Đi
***
Xuân vẫn mãi còn đây / Gió thổi nhẹ / Cành liễu đong đưa / Bước lên đài Siêu Nhiên (?) từ trên cao nhìn xuống / Nửa hào nước xuân / Một thành hoa  / Khói mưa  phủ khắp nhà nhà  / Sau lễ Hàn Thực / Tỉnh rượu lại nhớ nhà  / Gặp lại người cũ  mà chi thêm buồn / Thôi thì một mình hãy gầy lửa mới pha ấm trà mới / Cho thơ cùng rượu đuổi tuối hoa tôi 

Phụ Chú : Tục lệ xưa, lễ Hàn Thực vào mồng 3 tháng 3 âm lịch, nhà nhà kiêng gầy lửa bếp, ăn thức ăn nguội, (như bánh trôi, bánh chay)  

Xuân Chưa Già
PKT - Mây Tần

Xuân mãi xanh
Gíó thoảng
Liễu đong đưa

Nhẹ bước lên đài cao nhìn khắp
Nửa vùng sông nước
Một trời hoa
Mưa khói ấm ngàn nhà 

Sau lễ hàn thực
Tỉnh rượu chi thêm buồn
Gặp cố nhân chi thêm tội
Thôi hãy gầy lửa mới pha trà 
Thơ rượu cho đời qua

***