Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Chúc Mừng Năm Mới.


Mừng Năm Mới, Kính Chúc Quý Độc Giả, Thân Hữu xa gần một năm An Bình và Hạnh Phúc.

Quên Đi Huỳnh Hữu Đức

 

 

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

Quê Tôi


Tiếng gà vẳng đón ánh triêu đương
Hoa cỏ vui mừng tỏa sắc hương
Khói tỏa nhà ai hâm bếp sáng
Khua chèo ngư phủ ẩn màn sương
Khoan thai ông lão trà nâng nhấp
Vội vã thầy cô rảo đến trường
Cuộc sống quê tôi bình dị lắm
Là bình hay loạn vẫn yêu thương
                              Quên Đi

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

Lời Mỗi Sáng



"Rua" bạn mến thay lời chào buổi sáng
Như nụ hồng nhận đón ánh bình minh
Nhận nơi đây lời chân thật lòng mình
Thật sảng khoái có gì vui hơn nữa.    

Chào buổi sáng lạ sơ quen khắp chốn
Gởi lời chào kết chặt mối tình thân
Đông bắc tây nam chẳng kể xa gần
Cùng vui vẻ với câu chào buổi sáng

Hôn vợ yêu thay lời chào buổi sáng
Nụ đầu tiên thương gởi tặng trong ngày
Để biết rằng tình anh mãi chẳng thay
Luôn tươi đẹp trong tình yêu chân chính

Này cháu thương như lời chào buổi sáng
Rạng ngời lên rực rỡ tựa vầng dương
Đem ánh sáng tràn lan mọi nẻo đường
Đền đáp lại bao tình thân cháu nhận.

                                               Quên Đi

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2023

Cho


 

Cho cả cuộc đời lại chẳng thâu
Cho nhiều như thế chuốc thêm sầu
Cho tình đấy vẫn còn suy nghĩ
Cho bạc ừ đây ắt nhận mau
Cho hết thiết gì thân ốm đói
Cho thêm nào kể trọc trơ đầu
Cho hoài có thấy vui trong dạ?
Cứ mãi thế nầy sẽ thế nao??
                             Quên Đi

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

Chờ

 




Ai đó có chờ mong
Sang đông gió lạnh về
Chiếu chăn sao đủ ấm
Xoa dịu mới tình câm

Ai đó có chờ mong
Khô héo cả cõi lòng
Người đi theo mây khói
Hai hàng lệ rơi rơi

Ai đó vẫn chờ mong
Lệ ướt đẫm khăn hồng
Thôi đi niềm nhung nhớ
Ai kia đã thờ ơ

Còn chi nữa chớ mong
Đàn sếu đã sang sông (*)
Biết bao giờ trở lại
Tình thôi đã xa bay.
                     Quên Đi

(*) Thơ Lưu Trọng Lư

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Đối Ẩm


Đêm về nơi gác vắng
Mình ta với chị Hằng
Nghe gió dường than thở
Rượu sẵn thiếu hồn thơ
 
Thôi thì cùng trăng vậy
Kẻo bóng ngã về tây
Chén này thêm chén nữa
Chị Hằng đã say chưa?
              Quên Đi

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

Nếu Như


 

Nếu như trái đất ngược chiều xoay
Những cuộc tình xưa quay trở lại
Em nghĩ sao khi chúng lần lượt hiện về
Sẽ say mê?
Sẽ hững hờ?
Hay lại phải mộng mơ?
Hay dồn dập như con tim yêu vội?

Nếu như trái đất dừng xoay
Em sẽ nghĩ gì
Khi tất cả đều đứng lại
Sẽ hồi hộp?
Sẽ đắng cay?
Hay em đang rung động?
Khi hồn xuân ở mãi trong tầm tay

Tận đáy tim
Ai cũng có nhiều mơ ước
Này em ạ!
Nếu như em có được
Những ước mơ thầm kín của riêng mình
Xin chia bớt chút tình xuân cho anh nhé!
                                                Quên Đi
***

Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

Cảm Khái "Tết Thầy"


Thời binh lửa nhưng tình sâu đậm
Không "Tết Thầy" mà nghĩa vẫn xanh
Trên bục giảng lời lời chậm thoáng
Dưới bàn nghe khắc khắc trôi nhanh
Bao đời Giáo sống trong thanh bạc
Suốt nghiệp Thầy nào kể lợi danh.
Khi đến buổi màu mè nở rộ
Tiếng "Lương Sư" ảo quá ai giành.
                             Quên Đi
 

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

Thương về Đất Vĩnh



Vì phải theo con cháu lên sống đất Sài Gòn, nhưng lòng luôn nhớ về quê cũ, cảm xúc mấy câu thơ:

        Nhớ Vĩnh Long 1

Khắc khoải trời tây biệt tháng ngày
Mơ về sông Cửu giấc buồn lay
Ai xuôi đất Vĩnh cho tôi nhắn
Tấc dạ hồn quê chẳng đổi thay.


      Nhớ Vĩnh Long 2


Đất Vĩnh mờ xa buồn điệp điệp
Trời Tây thăm thẳm nhớ thương thương
Thời gian xa cách lòng xao xuyến
Tháng tháng mong về lại cố hương.
                                 Quên Đi


Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Lá Thu


Thu đã ươm vàng ánh thái dương     
Về đâu chiếc lá nép bên đường    
Mơ tàn ủ giấc than đêm vắng  
Nguyệt lạnh co mình ướt đẫm sương
Sắc úa vào thu dầy tiếc nhớ   
Tơ sầu giăng lối nhạt màu hương
Tương tư kết khối Trương Chi hận
Lá luyến cành xưa thế sự dường...
                                Quên Đi


Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

Thu Tự Sự

 



Thay hạ thu về tiết đổi sang
Ngẩn ngơ cành lá chuyển hanh vàng
Tuổi già xế bóng đang kề cận
Xuân sắc ngày xưa đã biệt ngàn
Sắp hết kiếp phần nên tính sổ
Cả đời quá nửa chẳng danh vang
Không gì để lại cùng con cháu
Chỉ tội vợ nhà nặng gánh mang.
                               Quên Đi


Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

Bão Số 5 (1997)


Tình cờ thấy lại bài thơ mình viết khi cơn bão số 5 (Linda 31.10.1997) tàn phà các tỉnh Miền Tây.

             Bão Số 5

Mờ mịt Tây Nam xám một màu
Cơn giông tàn phá gợi niềm đau
Nước tung trắng xoá trời nghiêng ngửa
Nhà của tan hoang xót lệ trào.
                                 Quên Đi  


Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Quan Niêm Về Nước của Lão Tử


Khi Khổng Tử đến bờ sông Hoàng Hà, thấy nước sông cuồn cuộn, sóng cuộn đục ngầu, khí thế như vạn ngựa đang phi, âm thanh như hổ gầm sấm động.
Khổng Tử đứng trên bờ rất lâu, bất giác nói thương cảm: “Cái đã qua là như thế này đây, ngày đêm không ngừng! Nước sông Hoàng Hà cuộn chảy không ngừng, tháng năm của con người qua đi chẳng dừng, nước sông chẳng biết chảy đi đâu, đời người chẳng biết đi về đâu?”.
Nghe thấy Khổng Tử nói mấy câu này, Lão Tử nói: “Con người sống ở giữa trời đất, nên cùng với trời đất là một thể. Trời đất vạn vật là tự nhiên vậy. Con người cũng là thuận theo tự nhiên. Người có thay đổi từ trẻ em, thiếu niên, tráng niên, và già, cũng giống như trời đất có xuân, hạ, thu, đông đổi thay, có gì buồn đâu? Sinh ra trong tự nhiên, chết trong tự nhiên, cứ để nó tự nhiên, thì bản tính không loạn. Không để nó theo tự nhiên, tất bật trong nhân nghĩa, thì bản tính bị trói buộc. Công danh còn trong tâm, thì cái tình lo nghĩ nảy sinh. Lợi dục giữ trong tâm, thì cái tình phiền não càng tăng thêm”.
Khổng Tử giải thích rằng: “Học trò lo đại Đạo không được thực hiện, nhân nghĩa không được thực thi, thì chiến loạn không ngừng, quốc loạn không yên, ví như cuộc đời ngắn ngủi, chẳng có công lao gì cho đời, không thể giúp gì cho dân, vậy thì tiếc lắm thay”.
Một lúc sau Lão Tử chỉ con sông Hoàng Hà mênh mông, nói với Khổng Tử: “Ông sao không học đức của nước?”
Khổng Tử nói: “Nước có đức gì?”.
Lão Tử nói: “Cái thiện cao nhất như nước vậy: Nước thiện, có lợi cho vạn vật mà không tranh, ở nơi mà mọi người đều ghét, đó là đức khiêm nhường vậy. Sông biển sở dĩ có thể làm vua của trăm suối khe, là do nó giỏi ở chỗ thấp. Thiên hạ không có gì mềm mại yếu đuối hơn nước, mà những cái rắn chắc mạnh mẽ lại không cái nào có thể thắng được nước, đó là đức nhu vậy. Do đó nhu thắng cương (mềm thắng cứng), nhược thắng cường (yếu thắng mạnh). Vì nước không có hình thái cố định, nên có thể vào mà không bị ngăn cách, do vậy có thể thấy vô ngôn chi giáo (giáo hóa không cần nói), vô vi chi ích (lợi ích mà không cần phải làm)”. 

(Theo Đại Việt Tàng Thư)

"Thuỷ trầm hoả vọng" là nguyên lý bất di bất dịch của thiên nhiên. Nước luôn từ trên cao đi xuống chỗ thấp, Theo Lão Tử, con người cần phải theo tự nhiện, không nên can thiệp, mà phải dựa vào các quy luật của thiên nhiên mà sinh tồn.
Xã hội càng văn minh, sự can thiệp vào thiên nhiên ngày càng sâu, càng nhiều, với mục đích mang lại sự thịnh vượng và nâng cao mức sống. Tuy nhiên điều gì cũng phải có giới hạn, nếu lợi dụng quá sẽ sinh ra những tai hoạ, mà sức người không thể ngăn cản hay chống lại. Thực tế chứng minh những thảm trạng từ nước thật kinh hoàng mà loài người đã đang và sẽ hứng chịu. .
Đến bao giờ chúng ta mới học được những tư tưởng cao xa của Lão Tử??!!!

Huỳnh Hữu Đức

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

Đông Lạnh


Gió bấc hiu hiu
Cánh chim ủ rủ
Trơ trọi cây buồn
Còn đâu mùa thu
         Trời rét căm căm
         Mưa phùn lất phất
         Mây xám phủ che
         Bao trùm vạn vật
Dáng ai mờ mờ
Thổn thức rèm thưa
Bên song nhung nhớ
Hình ảnh năm xưa
         Dạ rối bời bời
         Đông về nào biết
         Trống trải cô đơn
         Sao người biền biệt
Hơi lạnh giăng giăng
Đêm trường một bóng
Giờ chỉ có mơ
Tìm người trong mộng.
                 Quên Đi


Thứ Tư, 18 tháng 10, 2023

Cảm Tác Từ Thơ Của Tiền Nhân



Cảm Tác "Trường Tương Tư"

Hồn khắc khoải biết làm sao vào mộng
Để cùng nhau ta sưởi ấm đêm đông
Hai lối rẽ canh dài mơ giấc ảo
Ôi tơ tình ôi nỗi nhớ mênh mông.
                                Quên Đi


Câu Tuyết
(cảm tác từ Giang Tuyết)

Lạnh lùng trong gió tuyết
Cô độc chiếc thuyền câu
Danh lợi còn chi nữa
Ưu tư bạc mái đầu.
                     Quên Đi


Cảm Tác Phượng Cầu Hoàng

(từ Phượng Cầu Hoàng)

Phượng hót ngoài xa vọng đến nàng
Tiếng đàn Tư Mã trổi vang vang
Tim lòng thổn thức rung rung động
Trác tiểu thơ ơi khúc Phượng Hoàng.
                                  Quên Đi


Giang Châu Kỹ Nữ
(Cảm Tác từ Tỳ Bà Hành)

Đàn ai thổn thức
Giọt sầu man man
Nguyệt lặn canh tàn
Đêm sương một bóng
Giang Châu Tư Mã
Cảm khái đời hoa
Thương cho phận bạc
Xót kiếp cầm ca
"Ôi đời kỹ nữ"
                   Quên Đi


Thứ Tư, 11 tháng 10, 2023

Ta Và Em


Ta và Em hai cuộc đời hai lối rẽ
Gặp lại nhau không khỏi ngại ngùng
Biết nói sao
Khi đã muôn trùng xa cách
Giờ gặp nhau
Lại cảm thấy rất thân quen
- Như đã hẹn ?
- Vâng, dường như thế đấy
- Nói chi đây ?
- Không, không cần phải nói gì
- Tri âm chăng ? hay hai ta là tri kỷ ?
- Ta chẳng biết chỉ có điều tâm ý tương thông,
và chắc chắn, hai tấm lòng cùng chung một hướng.
                                                     Quên Đi


Thứ Năm, 5 tháng 10, 2023

Mong


Mong đừng giá lạnh những ngày đông
Mong nắng xuân luôn sáng đẹp đồng
Mong muốn Việt Nam luôn thẳng tiến
Mong sao quan lại chớ đi vòng
Mong tình đôi lứa luôn êm ấm
Mong nghĩa phu thê mãi mặn nồng
Mong ước đến bao giờ mãn nguyện
Mong nhiều biết có được hay không?

                                       Quên Đi

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Trăng Thu

Sương thu nhè nhẹ toả sân nhà
Trăng thu dìu dịu ánh lung lay
Gió thu đùa cợt bao cành lá
Hương thu ngây ngất dật dờ say    

Chiếc bánh trung thu mừng trăng sáng
Bao đàn em nhỏ hát ca vang
Trà thơm từng ngụm hương ngào ngạt
Ánh nguyệt ôi sao quá dịu dàng    

Có lẽ nàng trăng quá hữu duyên
Bao người say đắm giấc mơ huyền
Thi nhân sờ sửng chờ đan vận
Nét đẹp đêm rằm tựa cảnh tiên  

Thả lỏng hồn mơ đến ả Hằng
Ta người nhân thế luỵ tình trăng
Ghe phen những muốn xuôi vào mộng
Biết chốn Quảng Hàn có nhận chăng...
                                        Quên Đi

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Thu

Xướng:

Xin đừng ủ rũ nữa thu ơi
Hãy gắng vui lên tạo dáng đời
Lộc sẽ thay dần bao sắc úa
Kìa sao Mai rực sáng chân trời.            
                         Quên Đi
Họa:

Là đấy hồn thu mặc khách ơi
Thi nhân nặng nợ đến muôn đời
Tình thu day dứt hoài e ấp
Ngây ngất hương thu ngợp đất trời
                         Kim Phượng


Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

Hương Xưa

 

Mây trời còn lơ lững
Thuyền vẫn lướt theo dòng
Ta vì ai đờ đẫn
Tình lạc chốn mênh mông.
Đêm nhìn vầng trăng cũ
Nhớ nhung bóng dáng ai
Sương buồn từng giọt lạnh
Nghe buốt suốt canh dài
                         Quên Đi

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2023

Khái Quát Tống Nho

 

Lão Tử và Khổng Tử, hai bậc Thánh nhân trong lịch sử Triết Học Đông Phương đã có lần tương ngộ. Và cuộc đàm đạo của các ngài đã để lại giai thoại ngàn năm.
 
...Lão Tử thấy Khổng Tử xa xôi ngàn dặm đến, vô cùng vui mừng.
Lão Tử hỏi Khổng Tử: “Ông đã đắc Đạo rồi chứ?”.
Khổng Tử nói: “Học trò cầu Đạo đã 27 năm, vẫn chưa đắc được”.
Lão Tử nói: “Nếu Đạo là vật hữu hình, có thể lấy đem dâng cho người, thế thì mọi người tranh nhau lấy dâng cho quân vương. Nếu Đạo có thể tặng cho người, mọi người sẽ đem tặng cho người thân. Nếu Đạo có thể thuyết giảng rõ ràng, mọi người đều sẽ thuyết giảng cho anh em. Nếu Đạo có thể truyền cho người khác, thế thì mọi người đều sẽ tranh nhau truyền lại cho con cái. Nhưng những điều nói trên đều không thể được, nguyên nhân rất đơn giản, đó là khi cái tâm con người không nhận thức đúng đắn về Đạo, thì Đạo sẽ không bao giờ vào đến tâm người ấy”...
Sau khi bái kiến Lão Tử trở về, Khổng Tử trầm mặc suốt 3 ngày không nói.
(Theo Đại Việt Tàng Thư)

Trên đây chỉ là một trong nhiều tư tưởng từ các buổi đàm thoại của hai nhà triết học Trung Hoa.
Đạo theo Lão Tử không phải là con đường, chỉ dạy (huấn đạo), hay mở lối (khai đạo), mà là một cái gì đó thật bao la không thể giải thích. Bàn về Đạo không cần thiết phải giải thích nhiều lời «Nhất ngôn khả dĩ đại ngộ, 一 言 可 以 大 悟  (một lời cũng đủ biết tất cả), vì Đạo rất cao sâu, thật bao la không thể giải thích bằng lời mà phải hiểu bằng tâm. Đơn giản vì Đạo có trong tất cả. 
Trước Lão Tử, các nhà tư tưởng trong “Bách gia Chư tử” quan niệm: Đạo chỉ là nhân đạo, đạo lý làm người. Đối với Lão Tử, Đạo được hiểu theo nghĩa rộng nhất của khái niệm Triết học, thông qua Đạo có thể hiểu được quá trình hình thành và phát triển của vũ trụ. Đạo là Qui luật hình thành vạn vật.
Quan điểm của Lão và Khổng Tử hoàn toàn khác nhau. Trong khi Lão Tử mọi sự việc hãy để phát triển tự nhiên không thể gò ép, thì Khổng Tử lại muốn đưa vào khuôn phép.
Sau 3 ngày hội ngộ cùng Lão Tử, Khổng Tử đã thấy được nhiều điều khác lạ trong tư tưởng Đạo Giáo, nhưng Ông không thể rút ra được gì để bổ sung cho quan điểm của mình. Có phải Ông quá cố chấp hay không đủ khả năng?
Kinh Dịch là bộ sách trong Ngũ Kinh, được xem là khởi nguồn hệ thống triết lý của Trung Hoa.
Kinh Dịch tương truyền do vua Phục Hy tạo nên từ những hình đồ trên lưng con Long Mã. Khởi đầu Kinh Dịch dùng để bói toán, dần về sau Nho giáo và Lão giáo đã dựa vào làm căn bản và xây dựng nên hệ thống triết thuyết.
 
Theo sử, Nho Giáo khởi đầu từ đời nhà Chu. Chu Công giải thích sự biến hóa của Thái Cực.
Thái Cực huyền bí vô cùng, không thể biết rõ được, nhưng khi xem xét sự biến hóa của vạn vật thì ta có thể đoán biết được cái động và tịnh của Thái Cực. Động là Dương, tịnh là Âm. Dương lên đến cực độ lại biến ra Âm; Âm lên đến cực độ lại biến ra Dương. Hai cái Âm Dương ấy cứ xoay chuyển tương đối, điều hòa nhau mà biến hóa sanh ra Vũ trụ và vạn vật. Đó là điểm cốt yếu của Kinh Dịch, bởi vì Dịch là biến đổi. Trong Trời Đất, không có cái gì là không biến đổi, không có cái gì là nhứt định. Tất cả đều biến đổi, xoay chuyển, lưu hành khắp nơi, nhưng đều phát sinh từ một Lý duy nhứt là Thái Cực. Chỉ có Thái Cực là tuyệt đối, còn tất cả đều là tương đối. 
Về sau, dựa vào lý giải trên, Đức Khổng Tử lấy chủ nghĩa “ Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể “ làm căn bản cho học thuyết của Nho giáo. Tin tưởng đấng tối cao là Trời, là thiên mệnh. Tất cả vạn vật đều do Trời tạo nên.
 
Vào Thời Hán, Hàn Dũ đời Đường, có những ý tưởng mới về Nho Giáo. Tuy nhiên mãi đến đời Tống, hậu bối của Khổng Giáo là Chu Đôn Di, được coi là người khai sáng Tân Nho Giáo dựa vào Kinh dịch giải thích lại học Thuyết Nho giáo. Sau đó Trình Hạo và Trình Di bổ sung thêm một số tư tưởng mới có khuynh hướng giống Lão Tử. Về sau, Chu Hy (được gọi là Chu Tử) diễn giải tường tận thêm, Tân Nho Giáo đã mang một sắc thái mới, dung hòa giữa Nho với Lão giáo và Phật Giáo, lấy Thái Cực làm nguồn gốc vạn vật gọi là "Lý" tương tự Đạo của Lão Giáo, bỏ qua khái niệm Trời sinh ra Vạn Vật theo Thuyết của Khổng Tử. Học Thuyết mới được gọi là Tống Nho.  
Học Thuyết này ảnh hưởng lớn đến các nhà Nho Học Việt Nam chúng Ta, thể hiện rõ nhất là bài "Kẻ Sĩ" của Nguyễn Công Trứ.
 
Huỳnh Hữu Đức

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2023

Ba Và Má


Ba Còn mãi chốn xa
Một bóng Má quê nhà
Tin nhạn bao giờ đến
Mòn mỏi tháng ngày qua,
                 Quên Đi

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2023

Ưu Tư

 


Kìa dòng sao cản đường ngăn lối  
Tình yêu kia có lỗi gì đâu  
Xót cho số phận cơ cầu  
Chúc Ngưu ôm mãi mối sầu sông Ngân (*) 
Biết bao lệ đổ xuống trần  
Động lòng Ô Thước liều thân nối bờ
Hai người vui thỏa mong chờ  
Một năm mòn mỏi đến giờ gặp nhau  
Ngọc Hoàng Vương Mẫu nỡ nào
Để đêm Song Thất nỗi đau tuôn tràn
Giọt Ngâu ướt đẫm thế gian   
Khiến tình nhân thế xốn xang tấc lòng 
                                       Quên Đi
 
(*) Ngân Hà là một vệt sáng trắng đục do tập trung nhiều ngôi sao, nằm vắt ngang bầu trời, trải dài từ hướng Bắc xuống hướng Nam. Sao Ngưu ở dưới bờ Nam và sao Chức ở trên bờ Bắc của dãy Ngân Hà. 
Lương Ý Nương đã ví tình cảnh của mình như Chức Nữ ở trên  phía Bắc dòng sông và Lý Sinh là Ngưu Lang ở dưới phía Nam dòng sộng, qua 2 câu trong bài thơ Trường Tương Tư: "Ngã tại Tương Giang đầu 我在湘江頭 (Em ở đầu sông Tương), Quân tại Tương Giang vỹ 君在湘江尾 (anh ở cuối sông Tương)"
 

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

Hương Thu


Hình Như

Thoảng nghe trong hơi gió
Hình như chiếc lá rơi
Lặng thầm trên đám cỏ
Chẳng một tiếng ơi hời

Đêm Thu

Đêm tàn trong cô quạnh
Lá buồn nhỏ lệ sương
Chơ vơ vầng trăng lạnh
Tình phai theo sắc hương

Tiếng Chó đêm

Đêm vắng chó sủa vang
Dao động đến từng hồi
Ngỡ bước ai tìm đến
Chỉ sương về nơi nơi.
                  Quên Đi

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

Buồn Dài Dài


Bao năm hổng được gặp thân bằng 
Rầu rĩ thấy mồ chả nói năng 
Rậm rạp râu ria không thèm cạo  
Mình dơ quên tắm bởi buồn giăng.
                                Quên Đi

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2023

Mưa Hạ





Năm tháng qua rồi vẫn mãi trông
Mỗi lần mưa hạ xót xa lòng
Đã từng thắm thiết vui âu yếm
Sao nỡ quên đi để lấy chồng.

Mưa hạ làm rơi rụng cánh hồng
Phượng buồn lả tả rớt ven sông
Sao ta cứ giữ tình yêu cũ
Nhung nhớ tràn dâng ngập cả lòng

Em đã quên rồi ta vẫn đây
Mỗi năm mưa hạ phủ giăng đầy
Nhìn mây xám nhớ tình nhân phụ
Quấn quýt bao mùa lại đổi thay

                           Quên Đi

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

Tám Mươi Ba Phải Tự Trào



Thấm thoát lại sắp đến Sinh Nhật 90 (10/10/2023) , nhớ lại một bài thơ cũ 10 năm trước, gửi mọi người đọc lại cho vui với nhà giáo tôi ̣ PKT 07/19/2023


Tám Mươi Ba Phải Tự Trào

PKT - (10/10/2013)

Đã tám mươi rồi thực vậy ư
Nhân, chia, trừ, cộng một đời hư!
Vướng thân nhà giáo còn vương vấn
Cam phận cỏ bồng đã ngất ngư
Mây trắng đẩy đưa đời lữ thứ
Áo xanh ràng buộc nếp thi thư
Thị phi phải quấy như đen trắng
Sao đúng, sao sai, sao cũng ừ? --
                            Tri Khac Pham

Các Bài Thơ Họa

      Ba Trợn Tự Trào

Ối chà !đã tám mốt rồi ư !?
Trọn kiếp nhân sinh quá ảo hư!
Theo lệnh điều nghiên tìm chiến thuật
Làm quan chịu khó đọc binh thư
Họ Tô đợi thế làm già mục
Khương Tử chờ thời giả lão ngư 
Lịch sử ngàn sau rồi phán xét
Thì thôi , sai đúng cũng xin ừ !
                        songquang
                         20230722
***

      Ba Phải Tự Trào     

Bác Tri chín chục tuổi rồi ư?
Nhưng thấy đâu nào có vết hư?
Đứng bục hăng say vì lớp trẻ
Về nhà bận rộn với đàn ngư
Không quên góp sức cùng bà xã
Rồi chẳng rời tay khỏi án thư
Thơ Thẩn vẻ vui cùng bạn hữu
Rượu dùng khỏi hứng khỏi chê- Ừ!
                      Thái Huy 7/21/23
***
       Gìn Vàng Giữ Ngọc

Giật mình cũng sắp tám mươi ư
Gẫm kiếp phù sinh thực lẫn hư
Cửa Khổng những mong đề bảng hổ
Vũ môn há để thẹn thân ngư
Một đời giữ lấy dòng khoa cử
Trọn kiếp nào quên nghiệp giáo thư
Bóng xế bể dâu bền chặt dạ
Trải bao cám dỗ vẫn chưa ừ.
                               Quên Đi