Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Giang Lâm Mộ Tuyết - Phạm Đình Hổ

   江林暮雪                        Giang Lâm Mộ Tuyết
 
漁舟反棹正黃昏                Ngư chu phản trạo chính hoàng hôn,
撒絮堆鹽塑景繁                Tán nhứ đôi diêm tố ảnh phồn.
倒蘸晚霞金世界                Đảo trám vãn hà kim thế giới,
尋梅有客自前村。            Tầm mai hữu khách tự tiền thôn.
           範廷琥                                Phạm Đình Hổ

Dch nghĩa

Thuyền chài trở mái chèo đúng lúc chiều buông
Tuyết rơi như bông gieo muối chất ánh trắng lấp loáng
Ráng chiều hắt ngược lại, thế giới như bằng vàng
Có người khách tìm mai, từ thôn trước đến

 Nguồn: Tuyển tập thơ văn Phạm Đình Hổ, NXB Khoa học xã hội, 1998

Dịch Thơ :
 
       Tuyết Chiều Trên Sông
 
Chiều đã buông, thuyền chèo trở mái,
Trên mặt sông tuyết giải trắng ngần.
Ráng chiều phản chiếu vàng sông,
Trước thôn có khách một lòng tìm Mai
          Mailoc phỏng dịch
***
       Tuyết Chiều Trên Sông

Thuyền chài trở mái lúc chiều buông
Tuyết xuống mênh mông trắng ngập sông
Vàng óng ráng chiều soi phản chiếu
Khách tìm mai đến tự bên thôn.
            Phương Hà phỏng dịch
***
       Tuyết Chìm Trên Sông

Thuyền chài gác mái chèo buông
Nhìn bông tuyết đỗ trên sông trắng ngần
Ráng vàng phản chiếu mặt sông
Trước thôn khách đến dốc lòng tìm Mai
                                    Song Quang                
***
Tuyết Chiều Phủ Cây Rừng Bên Sông

Ngư ông trở mái lúc chiều rơi
Bông tuyết phủ giăng lánh sáng ngời
Sắc ráng tỏa ra vàng khắp nẻo
Yêu mai có khách ghé tìm chơi.
                                 Quên Đi
***
Tuyết Phủ Ngập Đầy Rừng, Sông

Hoàng hôn trở mái chiếc ghe chài
Lấp loáng tuyết rơi phủ trắng dài
Lộng lẫy dát vàng sông sắc ráng
Có người thôn trước tới tìm mai
                   Mai Xuân Thanh
***
Rừng Bên Sông Trong Chiều Tuyết Phủ 
Chầm chậm chiều buông trở mái chèo
Trắng ngần bông tuyết nhẹ rơi theo
Tỏa vàng khắp lối kia màu ráng
Tìm mai khách viếng chốn cheo leo
 
                         Kim Phượng
***

Chiều Tuyết Xuống Ở Cánh Rừng Ven Sông.

Thuyền câu trở mái lúc hoàng hôn,
Muối rắc hoa bay tuyết đổ dồn.
Phản chiếu nắng chiều vàng rực rỡ,
Tìm mai có khách đến đầu thôn.

 

Lục bát :
 

       Hoàng hôn trở mái thuyền câu,
Tuyết như hoa muối rắc đâu lưng trời.
       Ráng chiều vàng rực khắp nơi,
  Đầu thôn có khách ngỏ lời tìm mai !

                               Đỗ Chiêu Đức 
*** 

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Nhân Tâm Vốn Quý


Bài Xướng 


Nhân Tâm Vốn Quý

Trần ai cõi tạm tối nằm queo
Đất khách bình an khó nhổ neo
Đứng mũi chịu sào mong mát mái
Đi thuyền vững lái tránh leo đèo
Nhìn đi thế giới bao nhiêu cáo ?
Ngó lại quê cha có lắm mèo
Tuổi hạc càng cao chân gối mỏi
Người mình hiếu khách bản thân nghèo !

                      Mai Xuân Thanh 


 Các Bài Họa


    Mạng Nào Cũng Thế


Càng nghĩ càng buồn dạ héo queo
Rồi đây mạng đổi một thân neo
Gu Gồ Phây Bút dần dần bỏ
Trung Quốc Mạng Ta thay thế đèo
Hay quá rồi đây mình múa khỉ
Ra sao cho dẫu cọp thành mèo
Nói cong nói thẳng y như Cuội
Chuyện lớn lo chi cái phận nghèo.

                          Quên Đi 

***
    Mạng kiếp – Mạng số  

Mạng kiếp đời ta gánh phận nghèo 
Năm dài lạc hậu bắt nằm queo 
Bươi quào sục sạo như thân chó 
Biếng nhác co ro tựa đám mèo 
Thuật số tương lai thời khoá miệng 
Tầm nhìn độc tố cứ gườm neo 
Đường leo dốc hẹp hoài run rét 
Đạt chút cao hơn lại rớt đèo. 
                       Mai Thắng 
***

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Từ Tổng Bình An Đến Tỉnh Bình Dương Phần 1


Địa Danh Bình Dương Có Từ Bao Giờ?
Trong tiến trình Nam Tiến có ba sự kiện lịch sử rất quan trọng trong thế kỷ thứ XVII: thứ nhất là năm 1620 khi công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu cho xứ Chùa Tháp, thứ nhì là vào năm 1623 khi chúa Nguyễn cho lập hai đồn thu thuế ở vùng Sài Côn, nay là Sài Gòn, và thứ ba là năm 1698 khi chúa Nguyễn sai quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam thiết lập bộ máy hành chánh tại hai vùng Phước Long và Tân Bình. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí(1), thời đó lấy huyện Phước Long dựng nên dinh Biên Trấn với 4 tổng và lấy huyện Tân Bình dựng nên dinh Phiên Trấn. Đến năm Canh Tuất 1790, chúa Nguyễn Ánh bắt đầu đắp thành Bát Quái ở trên gò thôn Tân Khai, tổng Bình Dương, gọi là kinh Gia Định. Trong phần nói về huyện Bình Dương, Đại Nam Nhất Thống Chí viết tiếp là khi đầu đặt làm tổng Bình Dương, đến năm Gia Long thứ 7 mới thăng làm huyện Bình Dương. Thật vậy, năm 1808, huyện Phước Long được nâng lên làm phủ với 4 huyện Bình An, Phước Chánh, Long Thành và Phước An. Cùng lúc đó huyện Tân Bình cũng được nâng lên làm phủ với 4 huyện Bình Dương, Tân Long, Thuận An và Phước Lộc. Như vậy, có thể tên Bình Dương đã xuất hiện trên sổ bộ hành chánh của xứ Đàng Trong từ thời quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh dựng dinh Phiên Trấn vào năm 1698, hoặc trễ lắm là khi Nguyễn Ánh xây thành Bát Quái vào năm 1790. Và qua sự kiện thứ ba chúng ta thấy rõ ràng là xứ Đàng Trong muốn xác lập chủ quyền của mình trên những phần đất có cư dân Việt Nam ở Nam Kỳ. Hồi nầy đất rộng người thưa nên các chúa Nguyễn ra những qui chế rất dễ dàng cho những người đi khẩn đất. Hồi còn hai huyện Phước Long và Tân Bình thì cư dân hai huyện có thể di chuyển đến cư trú và khai phá bất cứ nơi nào họ thích. Vì vậy mà những người bên huyện Tân Bình qua Phước Long có thành lập một tổng mà trong đó toàn là cư dân từ Tân Bình qua, đó là tổng Bình An. Cũng vậy, bên huyện Tân Bình cũng có một tổng gồm toàn người bên Phước Long qua, đó là tổng Phước Lộc. Như vậy, sau năm 1808, trên địa bàn hai phủ Tân Bình và Phước Long đã có hai huyện hoàn toàn khác nhau nhưng cả hai đều có liên hệ tới vùng Bình Dương-Thủ Dầu Một sau nầy, đó là huyện Bình Dương và Bình An. Cả hai huyện Bình An và Bình Dương đều cùng nằm trên bờ sông Sài Gòn, tên xưa là sông Tân Bình. Đến năm 1832, sau khi Tả Quân Lê văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng cho bãi bỏ Gia Định Thành và chia Nam Bộ ra làm 6 tỉnh. Từ đó miền Nam có tên là Nam Kỳ Lục Tỉnh(9). Năm 1837, huyện Bình An lại được tách ra làm đôi đó là huyện Bình An, nay là vùng Thủ Dầu Một; và huyện Ngãi An, nay là vùng Thủ Đức. Đến năm 1841, huyện Bình Dương được cắt ra làm đôi thành 2 huyện Bình Dương, vùng thuộc bắc Sài Gòn ngày nay; và huyện Bình Long, những vùng Hóc Môn và Củ Chi ngày nay. Sau khi cưỡng chiếm toàn bộ miền Nam, người Pháp chia vùng Biên Hòa và Gia định ra làm nhiều hạt nhỏ để dễ bề cai trị. Lúc đó hai bên bờ sông Sài Gòn là 2 tỉnh Thủ Dầu Một ở về mạn đông bắc (tả ngạn) và Gia Định ở về mạn tây nam (hữu ngạn). Tỉnh Gia Định bao gồm thêm quận Thủ Đức, trước đây là huyện Ngãi An của tỉnh Biên Hòa. Tỉnh Thủ Dầu Một bao gồm toàn thể địa phận huyện Bình An với vùng Dầu Tiếng, tức là tổng Dương Hòa Hạ, trước đây thuộc Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Như vậy từ giữa thế kỷ thứ XIX, hai huyện Bình Dương của phủ Tân Bình và Bình An của phủ Phước Long đã có nhiều liên hệ với nhau về mặt phân chia địa giới. Đến năm 1956, chánh phủ VNCH thành lập tỉnh Bình Dương, tỉnh lỵ được đặt tại Phú Cường, tức thị xã Thủ Dầu Một ngày nay. Từ năm 1975 đến năm 1996, chánh quyền mới sáp nhập ba tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long để thành lập tỉnh Sông Bé. Tuy nhiên, đến năm 1996, họ lại tách đôi tỉnh Sông Bé để thành lập hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Tóm lại, địa danh mang tên Bình Dương đã xuất hiện trong sổ bộ hành chánh của xứ Đàng Trong từ 300 năm nay, hoặc trễ lắm cũng từ trên 200 năm nay. Thật vậy, theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức(2), huyện Bình Dương xưa là tổng, nay đổi làm huyện. Như vậy, trễ nhất là từ trước năm 1790, đã có một tổng mang tên Bình Dương, thuộc huyện Tân Bình; và sớm nhất có thể là ngay từ năm 1698 khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam thiết lập bộ máy hành chánh ở 2 huyện Phước Long và Tân Bình. Trải qua bao sáp nhập và chia cắt thì ngày nay hẳn hòi trên bản đồ hành chánh Việt Nam đã có một tỉnh mang tên Bình Dương. 

Cấu Trúc Địa Chất Vùng Đất Bình Dương:
Đất Bình Dương xưa nằm trên hữu ngạn sông Sài Gòn, thuộc vùng đất Gia Định; tuy nhiên, phần lớn địa phận của tỉnh Bình Dương trước năm 1975 và tỉnh Bình Dương được thành lập năm 1997 đều nằm trên tả ngạn sông Sài Gòn, trong địa phận tổng Bình An của vùng Biên Trấn ngày trước. Về cấu trúc địa chất, cũng như các vùng khác trong đồng bằng miền Đông, vùng đất thuộc tỉnh Bình Dương ngày nay nằm ở phía Nam và là cái đuôi của dãy Trường Sơn. Theo các nhà địa chất học, cách nay trên 200 triệu năm, Bình Dương và cả đồng bằng miền Đông đã từng chịu ảnh hưởng của của sự kiến tạo mới của vỏ trái đất để thành hình vùng đất trẻ Đông Nam Á và dãy Trường Sơn trên bán đảo Đông Dương ngày nay. Cũng theo các nhà địa chất học thì cách đây trên 100 triệu năm, vùng đất mà bây giờ là Việt Nam không có bờ biển bao quanh, từ Việt Nam qua Phi Luật Tân, Nam Dương, và Mã Lai Á là một vùng đất liền, nhưng 10 triệu năm sau đó, một phần phía bắc và phía nam của Phi Luật Tân bị chìm xuống biển, khiến cho nước từ biển Thái Bình Dương tràn vào, tạo thành một biển cạn, nước biển tiếp tục lan ra đến Borneo, Nam Dương, Mã Lai Á, và vùng Ấn Độ Dương ngày nay. Kể từ đó, vùng đất mà bây giờ là Việt Nam mới bắt đầu có bờ biển bao quanh, nhưng bờ biển ấy liên tục thay đổi với những hiện tượng biển tiến và biển lùi về sau nầy. Và sau các vận động kiến tạo nầy, quần đảo Phi Luật Tân mới xuất hiện để tạo thành bờ bên kia của Biển Đông như ngày nay. Đồng thời với thời kỳ kiến tạo vỏ trái đất trong vùng Đông Nam Á lại có các hoạt động của núi lửa, phun trào lên các dung nham bazan ở miền Trung bán đảo Đông Dương tràn xuống phía Nam kết hợp với các vật liệu rửa trôi theo tạo nên những thềm phù sa cổ thấp dần từ bắc xuống nam. Đồng thời, các thềm phù sa cũ lại chịu tác động của các hoạt động xâm thực và bào mòn... đã cắt xẻ vùng nầy thành những thung lũng, sông suối, đó là các sông Sài Gòn, sông Bé, sông Đồng Nai, vân vân. Trong khi các vật liệu rửa trôi từ các thềm phù sa cổ lại được những sông suối nầy vận chuyển đến các vùng thung lũng trũng thấp khác để lập nên các vùng trầm tích và những bãi bồi, tạo nên những cánh đồng khá bằng phẳng, những bãi cát sỏi dọc theo sông Đồng Nai trong vùng Tân Uyên, cũng như những lớp đất sét trắng, đỏ và xám mà chúng ta thấy ở các vùng Lái Thiêu ngày nay. Nhìn chung, địa hình tỉnh Bình Dương có dạng thoai thoải từ bắc xuống nam, các vùng phía bắc có độ cao từ 40 đến 60 mét, trong khi các vùng phía nam chỉ cao từ 10 đến 30 mét trên mực nước biển trung bình mà thôi. Cũng như các vùng khác trong khu vực đồng bằng Miền Đông, Bình Dương có địa hình bằng phẳng với những gò và những ngọn đồi dợn sóng có độ cao từ 20 đến 150 mét, cùng với những cánh đồng bằng phẳng hơn có độ cao hơn mực nước biển từ 10 đến 20 mét. Thỉnh thoảng người ta thấy một vài gò đồi nhô lên giữa một khoảng bằng phẳng rộng lớn như núi Châu Thới trong huyện Dĩ An, núi Tha La trong huyện Dầu Tiếng, đây là dấu tích của những hoạt động núi lửa muộn. Nói chung, từ nam lên bắc, từ trên cao độ khoảng 5.000 bộ nhìn xuống (khoảng một cây số rưởi), chúng ta thấy Bình Dương có 3 loại địa hình rõ rệt, đó là vùng thung lũng bãi bồi chạy dọc theo các con sông, kế tiếp là vùng địa hình bằng phẳng, và các vùng phía bắc có địa hình gò đồi thấp nằm trên nền các lớp phù sa cổ.

Bình Dương nằm trên hai vùng chuyển tiếp giữa hai lớp phù sa cổ và mới. Vùng phù sa cũ từ Tây Ninh qua Biên Hòa, rồi xuống Bình Dương, Sài Gòn, và từ Sài Gòn chạy ra Bà Rịa. Đây là vùng đất nghèo chất hữu cơ và khả năng giữ nước rất kém nên không phì nhiêu mầu mỡ như các vùng khác. Tuy nhiên, đây là loại đất rất thích hợp cho các loại hoa màu phụ như đậu phộng, rau cải, cây ăn trái như mãng cầu, chuối, và mít; và các loại cây dùng trong kỹ nghệ như hạt điều, vân vân. Vùng phù sa mới là vùng đất thấp, nằm về phía Nam Sài Gòn, chạy từ Nhà Bè ra biển. Vùng nầy quanh năm chịu ảnh hưởng của thủy triều và gió mùa, nên đất đai sình lầy với nhiều sông rạch. Dù không phì nhiêu như đồng bằng sông Cửu Long, các vùng Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, An Lộc, Lộc Ninh, Bình Dương, Biên Hòa, Vũng Tàu, Bà Rịa... vẫn có những khu vườn xanh mát bên cạnh những khu rừng bao la bạt ngàn. Khi thoạt nhìn toàn vùng, chúng ta cứ tưởng toàn thể đồng bằng Bình Dương có cấu trúc địa chất giống như các vùng khác của đồng bằng miền Đông, nhưng kỳ thật nó khác nhau. Khác với các vùng từ biên giới Cao Miên với các vùng Bù Đốp, Lộc Ninh, Bình Long và Phước Long là vùng đất đỏ (bazan), chen lẫn với các vùng đồi núi thấp nơi mà thượng nguồn các dòng sông Đồng Nai và La Ngà chảy ngang qua. đa số đất đai của tỉnh Bình Dương nằm trong khoảng giữa sông Sài Gòn và sông Bé, là bậc thềm phù sa cổ, có đất màu xám cũng như các vùng Vùng Tây Ninh từ biên giới xuống Bến Cát và Thủ Dầu Một, qua Chơn Thành, Phước Thành, từ Tân Uyên lên Đồng Xoài, tuy không phì nhiêu như vùng đất đỏ, nhưng lại thích hợp cho việc trồng các loại cây lâu năm. Các vùng nằm trong lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, từ biên giới Việt-Miên, xuống Gò Đầm, Trảng Bàng, Củ Chi, qua Thủ Dầu Một đến phía Nam thành phố Sài Gòn là vùng đồng bằng thung lũng, thấp hơn các vùng khác chung quanh, nhưng vẫn cao hơn mặt đất của đồng bằng sông Cửu Long. Về phía Bắc Đông Bắc của tỉnh Bình Dương, những dãy đồi thấp đất đỏ (bazan) tiếp giáp với các vùng Bình Long và Phước Long là cái đuôi của vùng cao nguyên Trung Phần, vùng của những núi lửa cổ được lấp đầy bởi những dung nham của chính những núi lửa nầy. Vùng đất nầy có tính giữ nước tốt hơn vùng đất xám nên đất đai tương đối mầu mỡ hơn và rất thích hợp cho việc trồng các loại cây cao su, cà phê, hạt điều và hồ tiêu.

--------------
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

-------------------------------
 

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

Hạ Nhật Giao Hành - Phạm Đình Hổ


夏日郊行         Hạ Nhật Giao Hành 

家鄉何處是      Gia hương hà xứ thị
日在天之東      Nhật tại thiên chi đông
注望不可見      Chú vọng bất khả kiến
我心空沖沖      Ngã tâm không xung xung
長空多白雲      Trường không đa bạch vân
曠野多飄風      Khoáng dã đa phiêu phong
跱立倍惆悵      Trĩ lập bội trù trướng
無繼寄征鴻。  Vô kế ký chinh hồng.

      範廷琥               Phạm Đình Hổ

Dịch nghĩa: 

Quê nhà nơi đâu nhỉ?
Vầng dương đang ở bên trời đông
Chăm chú nhìn mà không thể thấy được
Lòng ta luống buồn rầu
Trên khoảng không mênh mông thật nhiều mây trắng
Dưới cánh đồng khoáng đãng đầy gió lang thang
Đứng lặng người, lòng thêm thổn thức
Không có cách nào gửi theo cánh chim hồng 


Dịch Thơ:

Ngày Hè Đi Chơi 

Quê nhà giờ đâu nhỉ?
Mặt trời đang tại đông
Chăm chú mà không thấy,
Cho ta phút chạnh lòng.
Trên không chùm mây trắng,
Gió vi vu trên đồng.
Lặng người trong sầu lắng
Làm sao nhắn chim hồng? 

                 Mailoc phỏng dịch
***
       Ngày Hè Đi Chơi
 

Quê nhà ở tại phương nào nhỉ ?
Sáng rực mặt trời đang hướng đông
Chói lọi mắt nhìn không thấy ảnh
Bùi ngùi dạ nghĩ chẳng an tâm
Tầng không mây tụ đan trùng điệp
Ruộng rẫy gió qua thổi lộng lồng
Đứng lặng bên đường, tim thổn thức
Làm sao nhắn được cánh chim hồng?

                   Phương Hà phỏng dịch
***
     Ngày Hè Dạo Chơi 


Quê hương giờ ở phương nào nhỉ ?
Ánh nắng mặt trời chiếu hướng Đông
Tìm hoài chẳng thấy - như không
Khiến ta giây phút chạnh lòng chẳng an
Nhìn mây trắng bay đang vần vũ
Gió vi vu như phủ ngập đồng
Lặng người thổn thức trong lòng
Làm sao nhắn được chim hồng cho quê ??

                             Song Quang
***
     Dạo Chơi Ngày Hè

Vầng dương vừa ló dạng
Quê cũ ở phương nào
Dõi mắt tìm không thấy
Khiến lòng càng quặn đau
Tầng không mây trắng trắng
Đồng trống gió ào ào
Đứng mãi thêm sầu muộn
Nhờ chim hồng cách nao.

                       Quên Đi
***
         Hè Dã Ngoại 


Quê hương giờ có biết nơi nào?
Trời mọc phương đông chóng vánh cao
Chú ý trông nhà không thể thấy
Nhìn chi mỏi mắt luống thương đau
Không gian mây trắng bay nhiều lắm
Đồng trống gió lùa thổi rất mau
Thổn thức con tim người đứng lặng
Cánh hồng bay bổng nhắn làm sao! 

                        Mai Xuân Thanh
***

  Ngày Hè Dạo Chơi
 

Quê hương ở nơi nao
Vầng dương ló dạng chào
Hoài trông tìm không thấy
Ruột bào quặn thắt đau
Trên cao mây trắng trôi
Đồng mênh mông gió thổi
Đứng lặng trong ngậm ngùi
Chim hồng nhắn hộ tôi?

                   Kim Oanh
*** 
Ngày Hè Đi Dạo Ngoại Ô

 Quê nhà nơi đâu nhỉ ?
Mặt trời rạng hướng đông.
Mỏi mắt nhìn không thấy,
Lòng ta những phập phòng.
Mây trắng bay vội vả,
Gió lộng ngoài đồng không.
Đứng lặng nhìn cánh nhạn,
Làm sao gởi chút lòng !?

 

Lục bát :
 

            Quê hương ở tận nơi đâu ?
Mặt trời chiếu sáng trên đầu hướng đông.
          Trông theo nào thấy mà trông,
  Lòng ta luống những nhớ mong bồi hồi.
             Về đâu mây trắng đầy trời,
    Gió ngoài đồng trống tựa lời thiết tha.
           Đứng yên ngơ ngẩn nhớ nhà,
      Làm sao gởi cánh chim xa bay về !?

                                      Đỗ Chiêu Đức
 
***

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Quẻ Bầu Tiên


Ngày xửa, ngày xưa có một chú bé con nhà nghèo, nhưng vô cùng tốt bụng. Chú luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ, chăm sóc mọi người, mọi vật xung quanh mình. Vì thế cứ mỗi độ xuân về, chim chóc lại ríu rít kéo nhau tới làm tổ, hót vang quanh nhà chú bé.
Một hôm có một con Cáo ở đâu mà tới bắt chim Én ở đầu nhà chú bé. Con Én non nớt bị rơi xuống đất gãy cánh. Chú bé vội lao ra cứu con chim. Chú ôm ấp vỗ về con Én nhỏ, làm cho nó một cái tổ khác và chăm cho con Én ăn. Nhờ sự chăm sóc tận tình của chú bé, con Én đã khỏi đâu. Mùa thu đến khi nhìn lên trời thấy từng đàn Én hối hả bay đi trành rét ở phương Nam, con Én nhỏ phân vân nửa muốn bay theo đàn, nửa lại lưu luyến không nỡ rời chú bé.
Hiểu được lòng Én, chú bé âu yếm bảo:
– Én cứ bay theo đàn đi kẻo mùa đông lạnh lắm. Đến mùa xuân ấm áp thì Én lại trở về với anh.
Nói xong chú bé tung con Én nhỏ lên trời. Con Én đang chấp chới bay lên nền trời xanh biếc của mùa thu. Nó nhập vào một đàn Én lớn đang trên đường di cư về những xứ sở ấm áp ở phương Nam. Con Én nhỏ mau chóng tìm được niềm vui giữa bạn bè, nhưng nó không thể nào quên chú bé.
Mùa xuân tươi đẹp đã tới. Con Én nhỏ tìm về ngôi nhà đơn sơ nhưng đầm ấm tình thương của chú bé. Nó kêu lên thành tiếng mừng vui khi thấy chú bé đang ngồi đan sọt giữa sân. Đôi cánh Én chao liệng sà xuống và Én thả trước mặt chú bé một hạt bầu.
Chú bé vùi hạt bầu xuống đất. Chẳng bao lâu hạt bầu đã nảy mầm thành cây. Cây bầu lớn nhanh như thổi, ra hoa, kết quả. Nhưng lạ chưa, quả bầu to khổng lồ, cả nhà chú bé mới khiêng về được một quả, khi bổ ra… Ôi! Thật kì diệu! Trong quả bầu đầy vàng bạc, châu báu và thức ăn ngon!
Tên địa chủ trong vùng nghe được chuyện ấy. Hắn cũng muốn được chim Én cho nhiều quả bầu tiên. Hắn bèn tìm cách bắt một con chim Én con rồi bẻ gãy cánh. Sau đó hắn giả vờ thương xót con Én rồi đem về nuôi.
Đến mùa thu, khi nhìn lên trời thấy đàn Én đầu tiên xuất hiện, hắn vội vàng ném con Én lên trời và bảo:
– Bay đi Én con! Mau đi kiếm hạt bầu tiên về đây cho ta!
Con Én khốn khổ bay đi. Mùa xuân năm sau nó cũng trở về và đem theo một hạt bầu. Tên địa chủ hí hửng đem gieo và ngày đêm canh giữ. Khi quả bầu đã già, hắn bảo mọi người khiêng về rồi đuổi tất cả ra. Hắn đóng cửa lại rồi một mình hắn bổ quả bầu tiên. Quả bầu vừa được bổ ra, vàng bạc chẳng có, chỉ có rắn rết. Rắn rết từ trong quả bầu xông ra cắn chết tên địa chủ tham lam độc ác.

 Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

Theo truyencotich.vn


Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

Thương Ai


Bài Thơ Xướng

            Thương Ai !

Thương ai chẳng ngại dốc đèo cao
Núi thẳm non xanh cũng cứ vào
Vượt biển qua biên kìa giáo mác
Xông tên đột pháo nọ gươm đao
Yêu người mảnh liệt luôn mù quáng
Mến bạn nhiệt tình đến thế sao !
Nhẫn nhịn đau lòng riêng gánh chịu
Dĩ hòa vi quý chẳng hư hao !

                   Mai Xuân Thanh
         Ngày 12 tháng 07 năm 2018

Bài Thơ Họa

          Thơ Thẩn

Thi Hữu có gì ngại thấp cao
Đây vầng thơ xướng họa thôi nào
Khi nhìn bạn quí hân hoan bút
Lại nhớ ngày xưa ngạo nghễ đao
Chí đã tan hoang theo bão tố
Mộng đành gởi gắm với trăng sao
Giờ vui câu chữ trong thơ thẩn
Tứ vẫn còn nguyên dẫu sức hao.
                            Quên Đi
***

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

Quần Đảo Côn Sơn Phần 2

Quần Đảo Côn Sơn Theo Dòng Thời Gian:

Từ xa xưa quần đảo Côn Sơn đã là sào huyệt của bọn cướp biển Mã Lai, Java và Champa. Thời mà các thương thuyền đi biển hãy còn là những chiếc tàu buồm chậm chạp thì bọn cướp biển đã dong ruổi từ eo biển Malacca đến tận vùng Côn Sơn để cướp những tàu buôn lớn từ Ấn Độ Dương đi Trung Hoa. Từ các thế kỷ thứ XV đến thế kỷ thứ XVI, người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã từng ghé lại quần đảo nầy, vì khi người Pháp tới đây vào cuối thế kỷ thứ XVII họ đã tìm thấy những đồng tiền có ghi năm 1521. Đến cuối thế kỷ thứ XVII, hai công ty Pháp và Anh đã để ý tới quần đảo nầy. Năm 1686, chủ thương quán Pháp tại Ayuthia (Thái Lan ngày nay), tên là Véret đã chọn Côn Sơn để lập một thương quán, vì ông cho rằng quần đảo nầy là nơi thuận tiện nhất trong vùng Biển Đông. Véret đã viết lại trong nhật ký: “Tàu Nam Hà muốn buôn bán ở Ấn Độ phải đi ngang qua đảo nầy, cũng như tàu thuyền ở Ấn Độ muốn đi đến Trung Hoa cũng phải đi ngang qua đó, con đường nầy cũng quan yếu như eo biển Malacca bên Mã Lai vậy. Vả lại, phải tính rằng việc thương mãi với Cao Miên và Ai Lao là quan trọng, vì ngoài những hàng hóa như của Xiêm La, hai nước ấy còn có vàng, xạ hương, hồng ngọc, ngà voi, trầm hương, và nhiều món hàng quí hiếm khác.” Năm 1702, một công ty của Anh đã xây dựng trên đảo Côn Sơn (Poulo Condore) một cái đồn làm thương quán(4), giao cho Allen Cacthpole làm quản lý. Tuy nhiên, sau đó ít lâu, Trấn thủ Trấn Biên là Trương Phước Phan đã mướn một số người Mã Lai ra đó phóng hỏa đốt thương quán nầy. Sau đó một thời gian, người Anh vẫn quan tâm tới đảo Côn Sơn và cũng đã nhiều lần cho người đến đây với ý định tái xây dựng lại thương điếm tại đây nhưng không thành công. Đến năm 1721, người Pháp cũng phái một người tên Renault đến Côn Lôn nghiên cứu việc xây dựng một thương điếm tại đây. Tuy nhiên, Renault đã báo cáo rằng Côn Lôn nghèo nàn, không có tài nguyên, khí hậu xấu, khiến người Âu Châu không làm việc được. Chính vì đó mà người Anh không muốn trở lại đây. Về sau nầy, vào năm 1755, một thương gia người Pháp ở Ấn Độ tên Protais Leroux đã đệ trình lên Thượng Thư bộ Tài Chánh Pháp là Machault một đề án trình bày những lợi ích của việc thiết lập một thương điếm trên đảo Côn Lôn. Trong đề án, Protais Leroux nói rằng: “Nên đến sớm ở Poulo Condore để buôn bán, hoặc dùng đảo nầy làm nơi nghỉ ngơi cho tàu thuyền đi từ Âu Châu sang Trung Hoa và trữ hàng hóa. Dân bản địa chỉ khoảng chừng 1.500 người thuộc xứ Đàng Trong ra đây khai thác đất đai, họ vốn có bản tánh hiền lành, khéo léo và siêng năng. Nếu chúng ta đối đãi tử tế với họ thì họ sẽ giúp chúng ta mở mang thương mãi ở khắp Biển Đông, như thế sẽ có lợi cho công ty Pháp và thiệt hại cho các công ty Anh và Hà Lan. Vả lại, Poulo Condore còn những lợi điểm về chiến lược nữa. Nếu người Pháp thiết lập cơ sở ở đó thì trong trận chiến tranh vừa rồi, công ty đã không mất những tàu ở Trung Hoa và ở Ma Ní (Manila), và có lẽ việc thương mãi của người Hà Lan và người Anh đã suy giảm trong khi đó việc thương mãi của công ty Pháp có lẽ đã thịnh vượng ở Âu Châu và Ấn Độ.” Lúc đó công ty Pháp đã suy vi bên Ấn Độ và bị người Anh giành dật gần hết lợi thế, nên chánh phủ Pháp thời Thủ tướng Choiseul dưới triều vua Louis XV cố tìm đặt một cơ sở bên phía Đông Nam châu Á để bù lại những gì đã mất. Ngay từ năm 1755, Thủ tướng Pháp là Choiseul đã có âm mưu dùng võ lực đánh úp xứ Đàng Trong để chiếm hết những kho tàng của xứ nầy, nhưng sau đó vị Thủ tướng nầy bị bãi chức, nên âm mưu nầy cũng bị bãi bỏ. Tuy nhiên, việc xâm chiếm xứ Đàng Trong luôn được các chánh phủ Pháp để ý đến.
Trên Côn Đảo hãy còn ngôi miếu cổ An Sơn, được xây từ năm 1785 để thờ bà Phi Yến, vợ của Nguyễn Ánh, đã chết lúc Nguyễn Ánh chạy trốn Tây Sơn ra đây. Lúc Nguyễn Ánh tính đưa hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc đem sang Pháp làm con tin, bà Phi Yến đã can ngăn Nguyễn Ánh, chẳng những không nghe mà Nguyễn Ánh còn định giết bà vì nghi bà thông đồng với Tây Sơn. Về sau quần thần can ngăn nên bà bị Nguyễn Ánh nhốt vào hang đá. Khi quân Tây Sơn đánh ra Côn Sơn, con bà Phi Yến là hoàng tử Cải nằng nặc đòi cho mẹ theo, Nguyễn Ánh chẳng những không cho Phi Yến đi mà còn ném con mình xuống biển, quả đúng là phong cách của một ông vua Thế Tổ nhà Nguyễn, suốt đời bôn ba đó đây cầu viện, hết Xiêm rồi tới Tây chỉ mong giành giựt lại giang sơn từ tay nhà Tây Sơn, để rồi chỉ hơn nữa thế kỷ sau đó, chính con cháu của ông đã tuần tự trao hết phần đất nầy đến phần đất khác của tổ quốc cho giặc Tây. Thời kỳ Nguyễn Ánh bôn tẩu ra Côn Sơn thì tại đây có một ngôi làng nhỏ với khoảng 30 hộ gia đình. Khắp thị trấn Côn Đảo người ta trồng nhiều cây bàng loại lá lớn rất mát. Họ làm ruộng và đánh cá biển và có thể tự túc thực phẩm. Thỉnh thoảng họ mang cá khô về đất liền để đổi lấy những thứ nhu yếu phẩm khác.
Dưới thời vua Minh Mạng, Côn Đảo trực thuộc tỉnh Vĩnh Long. Sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ(5), phong trào kháng chiến nổi lên khắp nơi, nên vào năm 1862, đô đốc Bonard cho xây dựng tại đây một ngôi nhà tù dùng để nhốt những người chống đối thực dân Pháp(6). Lúc đầu nhà tù do các quân nhân thuộc hải quân Pháp cai quản. Vào năm 1864, một trận dịch tả khủng khiếp đã giết gần hết cư dân trên đảo, kể cả tù phạm và cai tù. Dưới thời Pháp thuộc, Côn Đảo được đặt dưới quyền cai quản của một quan chức hành chánh hay một sĩ quan quân đội với chức vụ Giám Đốc Ngục và Quần Đảo. Số lượng tù nhân trên đảo lúc nào cũng vào khoảng từ 1.500 đến 2.000 người. Khi số tù nhân quá đông thì những tù nhân bị án nhẹ, có thể từ một đến ba năm, được trại tù cho sống chung với dân làng. Họ cũng làm ruộng, chăn nuôi, trồng trọt, hay đi đánh cá như dân làng. Ngoài ra, họ còn chăm sóc các lò vôi(7) cho các cai tù người Pháp. Năm 1936, chánh quyền Pháp dưới sự yểm trợ của hai ông bộ trưởng của Mặt Trận Bình Dân là ông Marius Moulet và Max Roucart, muốn bãi bỏ nhà ngục trên Côn Đảo để xây dựng một sòng bạc có tầm cỡ như Ma Cao hay Hương Cảng, nhưng rồi đệ nhị thế chiến bùng nổ và kế hoạch không thành. Đến năm 1954, sau khi Việt Nam thu hồi độc lập, nhà tù Côn Đảo tuy vẫn còn đó nhưng số tù nhân tại đây hầu như không có. Cho mãi đến năm 1957, chánh quyền Ngô Đình Diệm mới bắt đầu xử dụng nhà tù Côn Đảo để giam những người bất đồng chánh kiến cũng như những người chống đối chế độ. Về sau nầy, chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc ngày càng khốc liệt nên Việt Nam Cộng Hòa đã dùng Côn Đảo làm nơi giam giữ tù binh chiến tranh cũng như chính trị phạm.

Chú Thích: 
 
(1) Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa 1997, Tập V, quyển XXIX, tr. 154-156.
(2) Theo Lê Bá Thảo trong “Thiên Nhiên Việt Nam”, NXB Giáo Dục, TPHCM, 2006, tr. 248-249.
(3) Năm 1776, khi Lê Quý Đôn viết bộ Phủ Biên Tạp Lục thì ông đang làm quan dưới triều nhà Lê. Khi quân của chúa Trịnh đánh chiếm vùng Thuận Quảng, ông được vua Lê cử vào xứ Đàng Trong để thanh tra sổ sách thuế má. Chính vì thế mà ông không gọi các chúa là chúa Nguyễn mà gọi là họ Nguyễn.
(4) Theo Ch. B. Maybon trong ‘Histoire Moderne du Pays l’Annam’, một số người Célèbes mà Allen Cacthpole đã thu dụng, vì bị giữ lại quá hạn giao ước nên đã nổi dậy phóng hỏa đốt thương quán và giết nhân viên. Tuy nhiên, theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, tháng 8 năm 1702, giặc biển An Liệt, tức người Anh Cát Lợi, đem 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn, trưởng nhóm là Tô Thích Già Thị, tức Cacthpole cùng 4 người khác tự xưng là nhất ban, nhị ban, tam ban, tứ ban và ngũ ban, cùng đồ đảng hơn 200 người, xây dựng trại sách, trong chứa của cải như núi, bốn mặt trại sách đều có đặt súng đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phước Phan, con trưởng của Chưởng dinh Trương Phước Cương, bèn báo lên chúa Nguyễn. Chúa sai Phước Phan nên tìm cách trừ bọn ấy. Tháng 10 năm 1703, Trấn thủ Trương Phước Phan mộ 15 người Chà Và, giả bộ về hàng với nhóm An Liệt để thừa lúc chúng sơ hở mà triệt hạ. Bọn An Liệt đã chiếm cứ Côn Lôn hơn một năm mà không thấy xứ Đàng trong xét hỏi gì cả, bèn tự lấy làm đắc chí, không phòng bị. Chính vì thế mà đang đêm nhóm 15 người Chà Và đã phóng hỏa đốt thương quán, đồng thời đâm chết nhất ban và nhị ban, bắt trói ngũ ban, còn tam ban và tứ ban đã kịp thời bỏ trốn bằng đường biển. Trương Phước Phan hay tin bèn cho binh thuyền ra Côn Lôn thâu hết vàng bạc của cải. Tên ngũ ban đã chết dọc đường trên đường giải về Trấn Biên.
(5) Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.
(6) Hồi đó nhà tù Côn Đảo dùng để giam những người bị kết án trên một năm nhưng dưới 10 năm. Nếu những tù phạm nào bị kết án trên 10 năm thì thực dân Pháp cho đi đày sang đảo Réunion bên Phi Châu.
(7) Trong vùng quần đảo Côn Sơn có rất nhiều đá san hô, nên các cai tù người Pháp thời đó bắt các tù nhân phải đi lấy nguyên liệu san hô về nung vôi. Theo La Cochinchine vào năm 1863, trung úy Bizot hứa với đô đốc La Grandière là sẽ cho chạy sáu lò vôi, có thể cung cấp vôi cho toàn bộ Nam Kỳ nhờ vào nguồn san hô vô tận tại đây.

---------------------------
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

Lãng Mạn Vùng Cao


Dẹp bao phiền toái thế gian này
Có chút men nồng hứng lắm thay
Kìa suối giữa rừng như trải lụa
Cùng sương quanh núi tựa mây bay
Cảnh tiên ờ nhỉ mau khai bút
Thi tứ kia rồi thả vận ngay
Xướng họa đề thơ vui bạn hữu
Rượu cần vài ngụm thú trong ngày.
                            Quên Đi


Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

Giao Hành - Phạm Như Hổ

     郊行                  Giao Hành

早起獨行行        Tảo khởi độc hành hành,
倦倚荔枝下        Quyện ỷ lệ chi hạ.
隔岸鳥一聲        Cách ngạn điểu nhất thanh,
江山光如畫。    Giang sơn quang như hoạ.
        範廷琥                        Phạm Như Hổ

Dch nghĩa
Sớm dậy một mình thủng thẳng đi
Đi mệt ngồi tựa dưới gốc vải
Bên kia bờ sông một tiếng chim kêu
Non sông sáng rực như bức vẽ
Dịch Thơ :
 
       ĐI  CHƠI
 
Sống một mình dạo chơi thoải mái,
Đi mệt rồi gốc vải tựa lưng
Bên sông một tiếng chim hồng,
Đẹp như tranh vẽ núi sông rạng ngời!
             Mailoc phỏng dịch
***
          Đi Chơi

Một mình lên đường chơi
Mệt, tựa gốc vải ngồi
Chim hót bên sông vẳng
Nước non đẹp rạng ngời
        Phương Hà phỏng dịch
***
                   Du hành

        Một mình sáng dậy dạo chơi
   Mệt rồi ,gốc vải làm nơi tạm dừng
        Bên sông chim hót vang lung
Nước non tươi đẹp như lồng vào tranh.
                                Song Quang
***
                      Dạo Chơi

             Hừng đông đã dậy đi rồi
   Mệt thời gốc vải mau ngồi nghỉ chân
         Bên kia sông tiếng chim ngân
Tưởng như tranh vẽ sáng ngần nước non
                                      Quên Đi
***
              Đi Tản Bộ

Một mình dậy sớm, bộ hành chơi
Gốc vải dưa lưng, mệt nghỉ ngơi
Cách bến sông chim kêu một tiếng
Vẽ tranh sáng rực nước non ơi !
               Mai Xuân Thanh
***
      DIỄN NÔM :
 

Tản Bộ Ngoại Thành
 

Sớm dậy một mình đi,
Mệt tựa lệ chi nghỉ.
Cách bờ tiếng chim kêu,
Núi sông như bừng dậy !

 

                        Lục Bát :
         Một mình dậy sớm bộ hành,
   Mỏi mê ngắm cảnh tựa cành lệ chi.
          Cách bờ chim hót liền khi,
Núi sông bừng sáng khác gì họa tranh !

                                   Đỗ Chiêu Đức 

***

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

Giận Trăng


Bài Thơ Xướng

             Giận Trăng 


Chao ôi, sợ lắm những đêm trăng
Bóng sát bên mình chẳng nói năng
Tất tật rập khuôn như chế giễu
Lầm lì im tiếng cứ khăng khăng
Không là tri kỷ chia tâm sự
Nào phải bạn đời chung gối chăn
Nhà vắng hai người hai thế giới
Thà rằng chỉ một khỏi băn khoăn.

                           Phương Hà

***
Các Bài Thơ Họa

              Đèn Trăng
 

Gởi người phương ấy chút đèn trăng
Dẫu cuối huỳnh lương sáng vẫn năng
Đã biết vô thường đang lảng vảng
Sao người cố thủ cứ khăng khăng
Tình già đượm thắm hồn mai trúc
Nghĩa đậm hơn là chuyện chiếu chăn
Nguyệt khuyết tuy mờ nhưng vẫn đẹp
Xin đừng nổi giận chớ băn khoăn.

                             Cao Linh Tử
                                 1/7/2018

***
                 Trăng Ơi!
 

Một mình quạnh quẽ bạn cùng trăng
Thấy bóng vờn quanh chẳng nói năng
Tình cảm...ai đây, đâu phải dễ
Tâm tư họ đó cứ băn khoăn
Yêu thầm ấp ũ duyên tâm sự
Nhớ trộm bâng khuâng nợ gối chăn...
Gẫm lại đôi ta hờ hững quá
Trên trời, dưới đất đứng khăng khăng
 

                          Mai Xuân Thanh
                  Ngày 01 tháng 07 năm 2018
***
    Cảm Nghĩ Khi 

                Họa Thơ Có Tử Vận

Muốn họa đụng nhầm tử vận khoăn
Nhưng mà chẳng ngại một lòng khăng
Bởi vì vần xướng này hơi rối 

Ví tựa thú rừng thiệt khó chăn 
Ý tứ không suôn nhưng cố gắng
Câu từ tuy kém vẫn siêng năng
Vui khi chấp bút cùng bạn hữu
Nối nhịp nghĩa tình rạng rỡ trăng

                               Quên Đi
***
    HÀ CỚ GIẬN TRĂNG

Hà cớ chi mà giận dỗi trăng
Cần gì đến phải nói cùng năng
Đồng thanh tương ứng không vờ hỏi
Đồng khí tương cầu cứ chắc khăng
Ánh nguyệt xuyên rèm khơi tấc dạ
Thư phòng đợi bóng đỗ màn chăn
Còn đây những mấy lần tao ngộ
Tâm sự đêm dài bất khả "khoăn".

                            Mai Thắng
                                 180701
***
     Như Hình Với Bóng

Ôi đẹp làm sao đêm dưới trăng,
Bóng theo hình bước mãi siêng năng.
Muốn chia mà lại luôn theo khít,
Cố tách nhưng sao vẫn cứ khăng.
Vốn dĩ cùng chung hình với bóng,
Cũng là đồng thể gối hòa chăn.
Muôn đời khắng khít thân tùy ảnh,
Thì chớ băn khoăn để mãi khoăn ! 

                         Đỗ Chiêu Đức
***
   GIẬN TA BÁN TRĂNG


Học đòi Mặc Tử bán vầng trăng
Nhưng bởi bất tài kém khả năng
Bởi vậy, rao hoài không kẻ chuộng
Cho nên ,nói mãi chẳng ai khăng
Chung tình mỗi tháng Hằng vào cửa
Đúng hẹn đến ngày Nguyệt vén chăn
Hỏi cớ vì sao người giận dỗi ?
Cứ xem Cuội đã...hết còn khoăn

                                  songquang

***

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Quần Đảo Côn Sơn - Phần 1


Tổng Quan Về Quần Đảo Côn Sơn:
 
Về cái tên Côn Lôn, từ lâu đã có nhiều người đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau. Người Tây phương gọi là Poulo Condore, có lẽ họ lấy từ tên mà người Mã Lai đã gọi đảo ấy từ thời xa xưa là Pulau Kundur hay là đảo Bí. Về sau nầy người Trung Hoa đã phiên âm Pulau Kundur ra thành K’ouen L’ouen, rồi người Việt đọc trại ra thành Côn Lôn. Ngay từ thế kỷ thứ XV đã có nhiều học giả bàn đến cái tên Côn Lôn nầy.
Người Pháp cho rằng núi Quân Đột Lọng hay Kiun T’ou Nong ghi trong Dã Đam Ký chép trong Tân Đường Thư chính là đảo Côn Lôn và họ cho rằng Kiun T’ou là tương đương với Condoré. Một người Đức tên là Schlegel thì cho rằng Poulo Condore, hay tên thổ âm là Côn Nôn, đã được người Trung Hoa phiên âm thành K’ouén Louen (Côn Lôn) và K’ouen T’ouen (Côn Đồn). Tuy nhiên, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, người Trung Hoa đã dùng từ Côn Lôn từ những thế kỷ trước tây lịch, không phải để chỉ quần đảo Côn Sơn hiện nay, mà để ám chỉ một quả núi mà truyền thuyết cho rằng Mục thiên tử nước Tần đã đến đây để thăm Tây vương mẫu(1). Sau đó người Trung Hoa đã dùng tên Côn Lôn để chỉ những ngọn núi cao, và cuối cùng ám chỉ cả ngọn núi Hi Mã Lạp Sơn. Từ thế kỷ thứ VII sau tây lịch, người Trung Hoa dùng chữ Côn Lôn để chỉ tên của một số đảo quốc trong vùng biển phía Nam Trung Hoa, như Mã Lai và Chà Và (Java). Tuy nhiên, khi người Trung Hoa gọi tên các đảo quốc ấy là nước Côn Lôn và người Côn Lôn thì quần đảo Côn Lôn của Việt Nam chưa có tên.
Người Việt gọi Côn Sơn là Côn Lôn hay Côn Nôn, còn người Pháp gọi quần đảo là Poulo Condore. Côn đảo cách Vũng Tàu khoảng 180 cây số. Tuy nhiên, nó chỉ cách cửa sông Cửu Long, chỗ gần nhất là vùng Trà Vinh khoảng 72 cây số mà thôi. Theo các tài liệu thời Pháp thuộc, quần đảo Côn Sơn gồm 16 đảo lớn nhỏ, với tổng diện tích khoảng 72,2 cây số vuông, và dân số chỉ vào khoảng trên dưới 4.000 người mà thôi. Tuy nhiên, theo Lê Bá Thảo trong “Thiên Nhiên Việt Nam”(2), xuất bản năm 2006, thì diện tích của quần đảo là 67,2 cây số vuông. Quần đảo Côn Sơn mang tên hòn đảo lớn nhất tại đây, đó là đảo Côn Sơn với diện tích khoảng 20 cây số vuông (khoảng chừng 8.000 mẫu), dài 15 cây số, rộng khoảng 3 cây số, có nơi rộng đến 7 cây số. Các đảo Côn Sơn Nhỏ (hòn Bà), hòn Bãi Cạnh, và hòn Cau nhỏ hơn nhiều. Còn nhiều đảo khác bao quanh đảo Côn Sơn, diện tích rất nhỏ, không đáng kể như Hòn Tre Lớn, Hòn Trác, hòn Tai Lợn, vv... Tuy quần đảo Côn Sơn nằm gần vĩ độ 9, nghĩa là ngang với Cà Mau trong đất liền, nhưng ở đây khí hậu rất ôn hòa, vừa ấm áp vừa mát mẻ vì là khí hậu biển. Trên đảo Côn Sơn ngoài nhiều bãi tắm rất lý tưởng, như Bãi Hòn Tre Lớn, Hòn Bảy Cạnh, và các bãi Hàng Dương, Phi Yến, vân vân, còn có khu Vườn Quốc Gia rất đẹp, rộng trên 15.000 mẫu tây, đây là một khu rừng gần như còn nguyên sơ, tập hợp được rất nhiều động thực vật quí hiếm. Trong khu rừng nầy có đầy đủ các loại cây nhiệt đới, từ tre, tràm, đước, mắm, vẹt, đà... với đủ các thứ chim chóc và các loại cá quí hiếm, đặc biệt là vùng nầy hãy còn rất nhiều đồi mồi và vích biển. Riêng loài cá “cúi” (dugon) đã hầu như bị tuyệt chủng trên thế giới, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn còn thấy chúng xuất hiện ở vùng Côn Sơn. Chỉ riêng quần đảo Côn Sơn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đủ đưa danh tiếng của xứ nầy lên hàng đầu về kỹ nghệ du lịch. Phải nói quần đảo Côn Sơn là một thiên đàng du lịch, vì nơi đó có đầy đủ những thứ mà thiên nhiên ban tặng, từ biển, rừng nguyên sơ, đến những khu vườn mát mẻ, luôn có gió biển thổi vào. Tại trung tâm đảo Côn Sơn, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích của những ngôi làng cổ. Mặc dầu chưa có kế hoạch khai quật khảo cổ qui mô nào trên quần đảo Côn Sơn, nhưng dựa vào những dấu tích và các di vật bằng đá, gồm sứ cổ hay bằng kim loại, người ta có thể khẳng định về sự hiện diện của cư dân cổ trên quần đảo nầy. Tại đây có khu mộ vò, cồn Hải Đăng và khu Miếu Bà có qui mô khá rộng. Hiện vật chôn theo bên trong hoặc bên ngoài khu mộ gồm những dụng cụ lao động và đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày như nồi niêu, bình, bát và đồ trang sức. Cũng như các di tích tại vùng Bà Rịa-Vũng Tàu, các di tích tìm thấy trong các khu mộ tại vùng quần đảo Côn Sơn đều có ảnh hưởng văn hóa Sa Huỳnh.

Quần Đảo Côn Sơn Dưới Thời Nhà Nguyễn:

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí(1), về quần đảo Côn Lôn, từ cửa Cần Giờ tỉnh Gia Định, đi thuyền một ngày một đêm thì tới. Đảo rộng trăm dặm. Triều Nguyễn cho thuộc vào đạo Cần Giờ. Đến đời Minh Mạng thì trực thuộc tỉnh Vĩnh Long. Đảo ở giữa biển, phía đông gần các đảo Đông Trúc và Tây Trúc (?). Đời trước, bọn hải tặc Chà Và làm sào huyệt, mỗi năm chúng nhân gió đông nam đi thuyền vào cướp các châu Giao Ái, đánh chiếm các châu thành và cướp bóc nhân dân. Về sau nầy bản triều đuổi được bọn cướp Chà Và, và kén đinh tráng trên đảo vào đội ngũ phòng vệ. Từ đó về sau cư dân trên đảo mới được yên ổn vì bọn cướp Chà Và không còn dám xâm phạm hải phận của ta nữa. Tàu bè đi từ Hải Nam, Bắc Việt và Gia Định muốn đi Tân Gia Ba đều lấy quần đảo Côn Lôn làm điểm chuẩn. Theo Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2: “Họ Nguyễn(3) lại đặt đội Bắc Hải, không định số người, hoặc là người thôn Tứ Chính phủ Bình Thuận, hoặc là người xã Cảnh Dương, có ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, cho ngồi thuyền câu tư đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn và các cù lao ở Hà Tiên để kiếm lượm những vật của tàu bị chìm, cùng đồi mồi và hải ba mang về. Những người nầy được miễn tiền sưu và các thứ tiền tuần đò.”

Tài Nguyên Thiên Nhiên Và Đặc Sản Trên Quần Đảo Côn Sơn:

Quanh đảo có rất nhiều rùa biển (đồi mồi), yến sào, vít biển, cá hàm hương, trai tai tượng, vân vân. Trên đảo cũng có rất nhiều cây quế. Ngày trước, nghề làm vôi ở Côn Sơn rất thịnh hành, và dưới thời Pháp thuộc thì các cai tù người Pháp chiếm độc quyền khai thác. Sau năm 1975, không biết cư dân trên đảo còn đốt nung các lò vôi lấy nguyên liệu từ san hô nữa hay không? Hiện nay đa số cư dân trên đảo làm nghề đánh cá biển đem về bán cho đất liền. Ngoài ra, một số khác cũng làm vườn và làm rẫy, cũng đủ cung cấp phần nào nhu cầu rau, củ, và quả cho dân địa phương. Phải nói quần đảo Côn Sơn là một trong những nơi còn sót lại của Việt Nam hãy còn một số những động vật quý hiếm như sóc đen Côn Đảo, sóc mun, bồ câu Nicoba, chim gầm ghì trắng, mỹ nhân ngư, và rùa biển. Hiện tại thì hai loại mỹ nhân ngư và rùa biển chỉ còn ở Côn Đảo, Phú Quốc và một số rất ít ở Hà Tiên mà thôi. Riêng rùa biển trong vùng Côn Sơn có những con rất lớn, có con nặng đến mấy chục kí lô. Vào giữa tháng tư đến tháng bảy âm lịch, người ta thường ra những bãi cát nóng để lượm trứng rùa biển. Thịt rùa biển không phổ biến và quí bằng mai rùa, vì người ta dùng mai rùa để làm đủ thứ đồ thủ công mỹ nghệ như quạt, lược, vòng đeo tay, vân vân. Theo các nhà nghiên cứu về sinh vật biển thì loại rùa biển nầy thường quay về chỗ mà nó được sanh ra để làm tổ và sinh sản, và hàng năm số rùa biển đến làm tổ và sinh sản tại quần đảo Côn Sơn rất lớn. Trung bình mỗi con rùa mẹ đẻ khoảng 240 trứng trong một mùa và khoảng 80 phần trăm số trứng nầy được nở thành con. Ngày nay thì ai trong chúng ta cũng đều biết là loài rùa thường có tuổi thọ rất cao, có khi lên tới cả trăm năm. Cũng theo các nhà nghiên cứu thì phải mất 35 năm một con rùa mới đến tuổi thành thục sinh sản được. Còn một loại sinh vật biển quý hiếm khác nữa, đó là mỹ nhân ngư (Dogong Dugon), mà dân địa phương thường gọi là ‘bò biển Côn Đảo’. Đây là một trong những loại sinh vật biển có vú quý hiếm, có chiều dài khoảng từ 2,5 đến 3 mét, và nặng khoảng từ 250 đến 300 kí lô. Mỹ nhân ngư có hình thoi, da dày, lông thưa, chỉ ăn rong biển và cỏ biển mà thôi. Thời Pháp thuộc và VNCH, số lượng mỹ nhân ngư còn rất khá, nhưng sau năm 1975 đến nay, do tình trạng săn bắt bừa bãi nên hiện nay số lượng mỹ nhân ngư còn sót lại ở Côn Đảo và Phú Quốc rất ít.
Trước kia, phía tây nam đảo có nguồn suối nước ngọt mà đa số cư dân ở đây đều đến đó lấy đem về sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, dưới chân các dãy núi lại có những khu đầm lầy và những hồ nước lợ, không uống được, nhưng có thể dùng để tắm giặt. Về sau nầy người ta đào xẻ thêm kinh mương nên phần lớn những khu đầm lầy đã biến thành những khu ruộng lúa nước xanh tươi. Ngày nay đi đâu trên đảo người ta cũng thấy rất nhiều vườn cây ăn trái, những rẫy khoai lang, đậu phộng, khóm, bắp, vân vân. Phải nói ngoài Hòn Khoai ở Cà Mau ra, quần đảo Côn Sơn là một trong những nơi còn sót lại của Việt Nam với những khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, nằm ở vùng giữa đảo lớn, mặc dầu dưới thời Pháp thuộc họ đã tận lực khai thác rất nhiều những loại gỗ quí như sao, dầu, gáo, gụ, mun. Nói về động vật trên đảo, phải kể đến trăn và nưa. Nưa cũng là một loại trăn, nhưng có 9 lổ mũi. Ngoài ra, trên đảo còn có rất nhiều sóc, khỉ, và cắc kè loại lớn, loại nầy để lại vết cắn rất sâu và rất độc. Trên đảo có một ít heo rừng và hầu như không có cọp. Theo La Cochinchine vào năm 1930, có lẽ trong thời gian có trận bão lớn tàn phá trên đảo, rất nhiều heo nhà đã sút chuồng bỏ chạy vào rừng và trở thành loại heo rừng rất hung dữ. Điểm đặc biệt về lý do mà người Pháp đã quyết định lấy Côn Đảo làm trại tù là vì bờ biển quanh đảo có vô số cá mập, nên chuyện tù vượt ngục Côn Đảo thời Pháp thuộc hầu như không thể thực hiện được, hoặc giả nếu có một số tù kết bè để thả trôi vào đất liền đều bị cá mập sát hại. Hiện tại cư dân trên đảo vẫn còn một số người làm nghề câu cá mập, và không biết có bị chánh phủ hiện thời cấm đoán hay không? Ngoài ra, vùng quần đảo Côn Sơn còn có một loài rít biển rất lớn. Theo La Cochinchine vào năm 1883, một cư dân trên đảo đã bắt được một con rít biển dài đến 19 mét.

------------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:

***