Kính giới thiệu đến quý Độc giả bài viết "Về Miền Tây" của Người Long Hồ. Đây có thể xem là một trong những quyển Địa Sử viết về Phương Nam.
Về Miền Tây
Người Long Hồ
Viết bài này để xin kính cẩn tưởng niệm đến hương linh của ông ngoại và ông chú Ba, những con dân kỳ cựu của Vĩnh Long, đã kể lại cho cháu nghe về “Thành Xưa Tích Cũ” và những vùng đất mà hai ông đã đi qua trong khắp các vùng Miền Tây, cũng như tưởng nhớ đến hai anh Hứa Hoành và Nguyễn hữu Trí với những đêm trà đàm “Nhớ Về Miền Tây” tại vùng 9, trại tỵ nạn Bataan, Philippines, vào những tháng ngày cuối năm 1984. Người viết xin thành thật cáo lỗi trước, vì đây không phải là một bài biên khảo, mà chỉ là những chi tiết được ông bà kể lại hay những mẩu chuyện được các bậc đàn anh kể cho nghe trong những buổi trà mạn đàm, nên có thể không chính xác về địa danh hay niên đại.
Nói đến Miền Tây Nam Việt mà không nói một chút về Sông Cửu Long quả là một thiếu sót lớn lao, vì sông Cửu Long chính là “Mẹ” đẻ ra cả vùng đồng bằng trù phú miền Nam nói riêng, và nói chung là cả một vùng chạy dài từ cao nguyên Tây Tạng ra tận đến biển Đông. Sông Cửu Long phát nguyên từ Tây Tạng, vượt qua trăm ngàn ghềnh thác từ thượng nguồn Tây Tạng, qua Trung Hoa, đến Miến Điện, Thái Lan, Lào, Miên, rồi cuối cùng chảy qua Việt Nam và đổ ra biển với chín cửa. Trước khi chảy vào Việt Nam, dòng Cửu Long chia làm hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu. Sông Tiền sâu và rộng, chảy qua các tỉnh Châu Đốc, Cao Lãnh, Sa Đéc, Vĩnh Long, Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, và đổ ra biển bằng sáu cửa là những cửa Tiểu (nằm trong tỉnh Mỹ Tho, bây giờ là Tiền Giang), Đại (nằm trong hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang), Ba Lai (Bến Tre), Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên (Trà Vinh và Bến Tre) và Cung Hầu (Trà Vinh). Sông Hậu nằm về phía Nam của sông Tiền, nhỏ và cạn hơn, chảy qua các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, và đổ ra biển bằng ba cửa Định An (Trà Vinh và Sóc Trăng), Ba Thắc và Tranh Đề (Sóc Trăng). Đây là một vùng đất bao la phù sa mầu mỡ, với sông nước bao la, kinh rạch chằng chịt. Trong thời Nam tiến và ngay cả đến hồi Pháp thuộc, vùng này đầy dẫy thú hoang như voi, cọp, cá sấu, trâu rừng, heo rừng, nai, khỉ, rắn, rùa, cua đinh, càng đước, vân vân. Năm 1865 tại Sài Gòn có triển lãm một cặp ngà voi Đồng Tháp nặng đến 140 kí lô. Năm 1880, chỉ trong vòng hai tháng mà 189 con cá sấu đã bị dân chúng giết để lãnh thưởng tại Rạch Cò thuộc tỉnh Sóc Trăng. Hàng năm đến mùa nước nổi, voi tràn xuống cánh đồng Phụng Hiệp và bị người ta bắn hạ đến trên 40 con. Khi kinh Phụng Hiệp được đào từ năm 1903 thì voi tại đây mất môi trường sống, nên chúng di chuyển về Sóc Trăng, người Pháp phải nhờ thợ săn voi giỏi từ Cao Miên xuống vùng này để tiêu diệt số voi còn lại.
Lịch sử của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long hay Nam Kỳ đã được thành hình từ lâu đời, tuy vậy, con người chỉ xuất hiện trong vùng này khoảng trên dưới 4.000 năm nay mà thôi. Nam Kỳ Lục Tỉnh, sản phẩm bồi đắp của sông Cửu Long, là một vùng đất bao la mầu mỡ và trù phú, là vựa lúa cho cả nước, đã bao lần thay ngôi đổi chủ. Trước thế kỷ thứ 5, vùng Bà Rịa thuộc vương quốc Bà Lợi (theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì vương quốc Bà Lợi là một vương quốc nhỏ nằm trong vùng mà có lẽ bây giờ là vùng Đồng Nai và Bà Rịa) và Nam Kỳ thuộc vương quốc Phù Nam (vương quốc này được thành lập vào thế kỷ thứ nhất Tây lịch). Khoảng những năm 545-627, sau chiến tranh giữa Chân Lạp và Phù Nam thì hai vương quốc Bà Lợi và Phù Nam suy yếu thì vùng Bà Rịa và Nam kỳ bị Chân Lạp lấn chiếm. Ngày nay người ta tìm thấy ở các vùng Ốc Eo (Long Xuyên) rất nhiều di tích của dân tộc Phù Nam. Nối chân người Phù Nam là dân Thủy Chân Lạp. Tuy nhiên, họ không khẩn đất lập dinh điền như chúng ta, mà họ chỉ là những dân bán du mục, đi đó đi đây thu hái hoa màu thiên nhiên để sống. Bắt đầu thế kỷ 17 trở về sau này, dân Việt Nam bắt đầu tiến dần về phía Nam, khai khẩn những vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Trung phần như Mô Xoài (Bà Rịa) và Trấn Biên (Biên Hòa). Sau đó chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1619-1687) gả hoàng nữ thứ 9 là công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp để đổi lấy hai vùng Tầm Bôn (Tân An) và Lôi Lạp (Gò Công). Sau đó vào năm 1623, chúa gửi quân sang giúp rể là vua Miên Chei Chetta II chống lại sự xâm lăng của quân Xiêm, nên Vua Chetta cho dân Việt di cư vào vùng Đồng Nai sinh sống. Lúc ấy, dân Miên tuy có oán hận vua của mình chỉ vì lấy một bà công chúa mà để mất đi một vùng đất bao la bát ngát. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, công chúa Ngọc Vạn rất được sự kính mến của dân Miên và dân Miên quen gọi bà là Cô Chín Xinh, có lẽ vì thế mà sau này người Pháp đọc trại ra Nam Kỳ là Cochinchine.
Lại có một giả thuyết khác cho rằng năm 1863 khi Pháp cho một phái đoàn do Doudart de Lagréé đến vương quốc Cao Miên để thương lượng việc bảo hộ và được vua xứ này chấp thuận ngay. Khi Doudart hỏi vua Norodom “phần đất Nam Kỳ gọi là gì để ghi vào hiệp ước bảo hộ?” Vua Norodom trả lời ngay “Cô Chín” nên người Pháp phiên âm thành Cochin, về sau vì có sự trùng tên Cochin với một thuộc địa Bồ Đào Nha bên bán đảo Ấn Độ, nên họ gọi Nam Kỳ là Cochinchine, tức là Cochin Trung Hoa để phân biệt với Cochin-Indo.
Cho tới bây giờ vẫn chưa có tài liệu đích xác về khởi điểm của cuộc Nam tiến; tuy nhiên, cuộc Nam tiến của dân Nam diễn ra rất sớm, có lẽ trước thời các chúa Nguyễn đặt chân đến Nam Kỳ rất lâu. Theo sử liệu thì trước khi người Phù Nam lập quốc vào những năm trước đầu Tây lịch thì vùng đất này đã có những dân tộc cổ đại sinh sống như người Stieng và người Mạ. Tuy nhiên, đến khi người Việt bắt đầu cuộc Nam tiến vào thế kỷ thứ 17, có năm sắc dân chính là Việt Nam, Chiêm Thành, Lão Qua, Phù Nam và Chân Lạp, về dân số thì các dân tộc này ngang ngữa về số lượng. Sau một thời gian thì dân Việt lại tăng vượt trội hơn các dân tộc khác, trong khi các dân tộc khác chẳng những không tăng mà có phần suy giảm vì do sự du canh và điều kiện rừng thiêng nước độc ở các vùng này. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn bị áp lực từ phương Bắc, nên muốn sinh tồn Việt Nam không có con đường nào khác hơn là mở đất về phương Nam. Thế nên từ khi nhà Ngô giành lại độc lập năm 939 (sau gần 1.000 năm Bắc thuộc từ năm 110 trước Tây lịch đến năm 939 sau Tây lịch), đất nước ta bắt đầu mở ra một kỷ nguyên độc lập với các triều đại nối tiếp về sau này như Đinh, Lê, Lý, Trần...
Lúc đó tổ tiên chúng ta còn ở quanh vùng Bắc Việt, từ Thanh Hóa trở ra. Không đầy 2 thế kỷ sau đó, Việt Nam đã tiến xuống Quảng Bình và Quảng Trị (năm 1069). Đến năm 1307 thì vua nhà Trần gã công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm để đổi lấy hai châu Ô Lý (bây giờ là vùng Bắc Thừa Thiên). Năm 1425, Việt Nam chiếm Thuận Hóa (vùng phía trung và nam Thừa Thiên bây giờ). Năm 1471 chiếm Qui Nhơn, 1611 đến Phú Yên, 1653 đến Nha Trang. Năm 1658, Chân Lạp xin thần phục chúa Nguyễn. Năm 1680, chúa Nguyễn chính thức cho nhóm quan quân lưu vong của nhà Minh bên Tàu khai khẩn vùng đất Đồng Nai. Năm 1693 quân chúa Nguyễn tiến đến Phan Thiết. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn hữu Kỉnh (có sách viết là Nguyễn Hữu Cảnh) là Kinh Lược đất Chân Lạp và chia đất Đông Phố ra làm dinh huyện để tiện việc cai trị. Ông lấy đất Đông Phố để lập ra huyện Phước Long, Biên Hòa lập ra dinh Trấn Biên, và đặt Sài Gòn là huyện Tân Bình. Sau đó đặt ra 2 dinh là Trấn Biên (Biên Hòa) và Trấn Phiên (Gia Định). Năm 1705, ông đem quân tiếp nhận vùng đất Tầm Phong Long (nay là hai vùng Long Xuyên và Châu Đốc). Nghĩa là trong khoảng 7 năm từ năm 1698 đến 1705, quan Thống Suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã chính thức tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên phần đất Nam Kỳ với đầy đủ những thủ tục hành chánh mà chưa có dân tộc nào đã làm trước đây, như đặt địa danh, kiểm tra dân số và thiết lập bộ máy hành chánh cho đến ngày nay. Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên, chúa Nguyễn chỉ nhận trên danh nghĩa, nhưng vẫn để cho dòng họ Mạc trấn giữ đất Hà Tiên. Năm 1753, nhân cơ hội vua Chân Lạp là Nặc Ông Nguyên lấn hiếp người Côn Man, chúa Nguyễn bèn sai Nguyễn Cư Trinh vào dàn xếp và lãnh lệnh chúa Nguyễn ở lại tiếp tục khai khẩn đất hoang và lập khu dinh điền mới. Từ đó coi như phần lớn đất đai của xứ Thủy Chân Lạp đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam. Trong khi đó Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn những vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Long Xuyên (Cà Mau), Rạch Giá, Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Sóc Trăng và Bạc Liêu). Năm 1755, các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô nhơn Tịnh và Lê quang Định cũng lập ra thi xã, thắp sáng ngọn đuốc văn hiến nơi góc trời cực Nam của tổ quốc. Đến năm 1780 thì Mạc Thiên Tứ chính thức dâng đất Hà Tiên (bấy giờ bao gồm các vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ). Đến đây coi như cuộc Nam tiến đến chót mũi Cà Mau và Hà Tiên đã hoàn tất. Mặc dù thời ấy dân ta hãy còn rất ít so với người dân bản địa ở đây như người Phù Nam và Chân Lạp, nhưng người Nam sống rất hài hòa với các dân tộc khác. Kỳ thật ngay sau khi Lê Lợi giành được độc lập từ tay giặc Minh thì các vua nhà Lê đã nghĩ đến việc Nam tiến để giải quyết nạn dân số tăng quá nhanh. Tuy nhiên, bấy giờ chỉ có những người bị tội lưu đày biệt xứ thì mới phải đi vào trong Nam, rồi về sau này vào thời vua Lê Thánh Tôn, ngài mới chính thức lập ra chức quan gọi là “Thu Ngự Kinh Lược Sứ” với nhiệm vụ chiêu tập lưu dân gồm những người tình nguyện, những tội phạm lưu đày và những người trốn lính trốn sưu, để khai khẩn đất hoang ở phương Nam. Những lưu dân này cứ lấn dần và lấn dần về phương Nam. Thoạt tiên, họ lấn qua Chiêm Thành, rồi đến Thủy Chân Lạp, hễ nơi nào đất đai trù phú là họ di cư đến. Thuở đó đất rộng người thưa, nên ai muốn đi đâu thì đi, muốn khai khẩn vùng nào thì tự nhiên khai khẩn mà không hề bị một rắc rối nào với chính quyền. Lại nữa, đất Nam kỳ ngày trước cũng không thuộc Chân Lạp, mà là đất của Phù Nam, đã bị tiêu diệt hồi thế kỷ thứ 7. Sau các chúa Nguyễn dùng lưu dân như cách “tằm ăn dâu,” đi thẳng vào những vùng có cư dân Chân Lạp mà ở chung với họ. Một thời gian sau, vì phong tục tập quán khác biệt nên đa số dân Chân Lạp (Miên), hoặc rút về Lục Chân Lạp, hoặc tìm cách co cụm với nhau thành những phum hay sóc, sống biệt lập với người Nam. Trước khi chúa Võ Vương gã công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp thì các vùng Tầm Bôn (Tân An), Lôi Lạp (Gò Công), Ba Thắc, Sóc Trăng, Trà Vang (Trà Vinh), Bạc Liêu và Bến Tre vẫn còn trực thuộc Chân Lạp. Một thời gian sau khi vua Chân Lạp dâng 2 vùng Tân An và Gò Công, thì một biến cố xãy ra là vua Nặc Ông Tôn bị Nặc Hinh đánh đuổi, bèn chạy về Hà Tiên cầu cứu với Mặc Thiên Tứ, Thiên Tứ cho người dâng sớ về triều Nguyễn xin cứu giúp Nặc Ông Tôn. Chúa Nguyễn sai Trương Phúc Du đem binh đánh dẹp và đưa Ông Tôn về làm vua Chân Lạp. Nên sau đó Nặc Ông Tôn hiến đất Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc) cho chúa Nguyễn. Cùng lúc ấy, Mạc Thiên Tứ cũng đã ổn định xong các vùng Ba Thắc, Trà Vang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Bến Tre. Như vậy là toàn bộ đất Nam Kỳ đã thuộc quyền chúa Nguyễn.
Nói về cuộc Nam tiến ngoài quan Thống Suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ra thì Nguyễn Cư Trinh là người có công rất lớn trong việc đánh dẹp cũng như bình định lãnh thổ. Về phía người Minh Hương ngoài 2 ông Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ ra, còn có các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô nhơn Tịnh và Lê quang Định cũng có công rất lớn. Đến thời Gia Long thì đất Nam Kỳ vẫn còn chia làm 3 dinh và 1 trấn là Trấn Biên dinh (Biên Hòa), Trấn Phiên dinh (Gia Định), Long Hồ dinh (cả miền Tây ngoại trừ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Hà Tiên), và Hà Tiên Trấn, lúc đó bao gồm Hà Tiên, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Mãi đến đời Minh Mạng, sau khi tổng trấn Gia Định thành là Lê văn Duyệt qua đời, nhà vua mới đổi dinh và trấn ra tỉnh. Lúc đó Nam kỳ mới chính thức được gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh, gồm các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Trong hai thời kỳ làm Tổng Trấn Gia Định thành, Đức Khâm Sai Chưởng Tả Quận Công Lê Văn Duyệt đã đem hết tài sức của mình ra để biến cho miền Nam có một bộ mặt mới tươi sáng và rực rỡ hơn bao giờ hết. Ngài chẳng những là một vị văn quan thanh liêm chánh trực, mà còn là một võ tướng có tài dẹp loạn trị an, qua những cuộc bình trị “Mọi Vách Đá” năm 1807, rồi Kinh Lược Trấn Thanh Nghệ, dẹp tan đám tham quan ô lại Lê Quốc Huy. Ngài còn “Vì dân trừ bạo”, ngang nhiên dám xử trảm tên Huỳnh Công Lý (cha của một thứ phi rất được Minh Mạng sủng ái). Lòng can đảm của Đức Tả Quân còn lộ rõ qua việc dâng sớ xin tha cho bà Tống thị Quyên (vợ của Hoàng tử Cảnh) và hai lần vua Minh Mạng cử người vào Gia Định để giữ những chức vụ quan trọng đều bị Ngài từ chối và trả về với lời lý do rằng đó là những tên “hại dân hại nước”. Một trong những người đó là Bạch Xuân Nguyên là người đã đưa đến cuộc bạo loạn thành Gia Định của Lê văn Khôi vào năm 1833. Trong khi ở triều đình thì vua Minh Mạng u mê nghe theo nịnh thần, chỉ một bề cấm đạo và giết hại các giáo sĩ, thì ở trong Nam không có sự cấm đạo cũng như không có sự bế môn tỏa cảng trong suốt hai thời làm Tổng Trấn của Ngài. Nói tóm lại, sự phát triển nhanh chóng và phồn thịnh của miền Nam một phần lớn nhờ ở sự ưu đãi của thiên nhiên, nhưng một phần khác cũng nhờ vào tài cai trị khéo léo của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt. Thay vì bế môn tỏa cảng thì Ngài đã chấp nhận giao thương với các tàu buôn Tây phương và các nước quanh vùng như Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan. Hơn nữa, Ngài không chịu thi hành lệnh cấm đạo của triều đình. Về nội trị thì Ngài rất quan tâm đến đời sống của dân chúng. Ngài cho đào kinh dẫn thủy nhập điền, khuyến khích dân chúng khai khẩn hoang địa, và tạo điều kiện tốt cho những sắc dân khác sinh sống bên cạnh người Việt. Chính Ngài đã biến Nam Kỳ thành một vùng đất trù phú, mầu mỡ và là một vựa lúa khổng lồ cho cả nước. Tuy nhiên, ngay khi Ngài vừa mất thì vua Minh Mạng vì tư thù hẹp hòi, bãi bỏ ngay chức Tổng Trấn, đưa Bạch Xuân Nguyên vào làm Bố Chánh thành Phiên An, và đây cũng chính là đầu dây mối nhợ của một cuộc tao loạn làm hủy hoại tiềm lực cả vùng Nam Kỳ và đây cũng là một trong những lỗ hỏng quân sự và phòng thủ chính khiến cho Pháp lấn chiếm Nam Kỳ về sau này. Vụ án Lê văn Duyệt cho chúng ta thấy Minh Mạng cũng thù hiềm nhỏ nhen, ích kỷ hẹp hòi không kém gì vua cha Gia Long của ông. Khi Lê văn Khôi và nhân dân Nam Kỳ bị Bạch Xuân Nguyên bức hiếp phải nổi lên làm giặc thì ở kinh thành, Minh Mạng chỉ một bề vì tư thù và sự tự ái với Đức Tả Quân mà khoâng cần truy nguyên căn cố thế nào, chỉ hạ lệnh đem toàn bộ 1831 người, kể cả đàn bà trẻ nít trong thành ra chém sạch rồi chôn chung vào một mã gọi là “Mã Ngụy” Đức Tả Quân là một Đại Khai Quốc Công Thần của vương triều nhà Nguyễn, mà ngay cả Gia Long còn phải miễn bái. Đáng lý ra Minh Mạng phải kính nể Ngài như Gia Long không sai khác, đằng này vì hẹp hòi ích kỷ nhỏ nhen, mà Minh Mạng đã hành xử với Đức Tả Quân còn thua cách hành xử của một kẻ tiểu nhân. Thật tình mà nói, nếu muốn nói cho hết sự hẹp hòi ích kỷ của vương triều nhà Nguyễn thì không biết phải nói đến bao giờ mới hết. Các chúa thời Nguyễn sơ đã có công mở đất phương Nam bấy nhiêu, thì con cháu của các Ngài về sau này có tội với tiền đồ và dân tộc bấy nhiêu. Thôi thì những công những tội ấy hãy để cho lịch sử phê phán. Bây giờ chúng ta chỉ nói về Nam Kỳ Lục Tỉnh thân yêu của chúng ta mà thôi.
Hết Phần 1 (từ trang 1- 4)
Để tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Qúi Vị mở Link bên dưới:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét